Apr 26, 2017

[tiện bút] mười lăm năm

Cuốn tiểu thuyết lớn nào có "incipit" mang con số "22"? Câu này không dễ trả lời, rất không dễ. Mười tám, hai mươi, vân vân dường như dễ hơn nhiều. Một trăm có lẽ cũng dễ, nhưng con số "22" nằm trong dòng đầu tiên một cuốn tiểu thuyết, mà lại phải là một cuốn tiểu thuyết lớn, chuyện không hiển nhiên chút nào.

Nhưng tôi cũng biết có một cuốn tiểu thuyết như thế, đảm bảo các yêu cầu đặt ra, một cách nghiêm ngặt.

Đó là Adolphe của Benjamin Constant: "Je venais de finir à vingt-deux ans mes études à l'université de Gottingue." Đại ý câu này là tôi vừa học xong trường đại học Gottingue (Göttingen, tất nhiên, thành phố nước Đức) ở tuổi hăm hai.

Còn cuốn tiểu thuyết (cũng lớn) nào trong câu mở đầu có con số "33"? Lại thêm một câu hỏi không phải đương nhiên một độc giả văn chương nào cũng có thể trả lời được.

Đó là Bouvard et Pécuchet, đó chính là Flaubert. Đằng nào ta cũng sẽ sớm đến với cuốn tiểu thuyết rất, rất lớn mà Flaubert chưa kịp viết xong thì đã chết, nên giờ có thể quay lại một chút với Constant.

Constant thuộc vào bộ ba tuyệt đối cùng thế hệ: Constant ở bên cạnh Chateaubriand (câu chuyện Chateaubriand hồi trẻ ở bên Anh đặc biệt cuốn hút một nhà văn gần đây, Sebald, và đoạn đời ấy của Chateaubriand đã xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết của Sebald, cùng cuốn sách có đoạn về một chuyến đi xa của Kafka) và Madame de Staël; Benjamin Constant là người tình của bà de Staël, về người phụ nữ đặc biệt này, xem ở kia, ngay đoạn đầu.

Cách mạng 1789 ảnh hưởng rất mạnh đến thế hệ sinh cuối thập niên 60 của thế kỷ 18, như Chateaubriand, Constant và de Staël; ta đã biết, Chateaubriand và gia đình gánh chịu những cảnh thảm khốc; ta cũng đã biết bà de Staël có giai đoạn bị Napoléon cấm chỉ không cho bén mảng Paris. Nhưng Constant thì lại tương đối "thành công". Như thể là một nhân vật của Balzac, Constant hợp tác với Napoléon, kể cả thời Tổng tài (Consulat) lẫn sau này, cả đoạn Bách Nhật (Cent-Jours) ngắn ngủi, nhưng khi nhà Bourbon "trung hưng" (Restauration) thì Constant vẫn có vị trí vững chắc. Và cái thế hệ ấy vô cùng gắn bó (dẫu là theo một cách thức quái gở) với các cuộc cách mạng. Năm 1830, cuộc "Cách mạng tháng Bảy" nổ ra, Louis-Philippe gạt bỏ Charles X lên ngôi vua ("ông vua tư sản", như người ta hay gọi), Constant là người ủng hộ Louis-Philippe, và Constant sẽ chết trong năm 1830 này. Mười tám năm sau đó, 1848, lại bùng nổ thêm một cuộc cách mạng nữa: cuộc cách mạng gọi là "Cách mạng tháng Hai", chấm dứt triều trị vì của Louis-Philippe. Thời điểm cách mạng nổ ra, chưa ai mường tượng được, kể cả Alexis de Tocqueville, một nhân vật lớn thời ấy, rằng trong vòng hai mươi năm kế tiếp một ông hoàng bị đồng lòng coi là ngớ ngẩn, sẽ đóng vai trò trung tâm: Louis-Napoléon, rồi "Hoàng đế Napoléon Đệ tam". Đúng thời điểm này, Chateaubriand, đã rất già, qua đời, trong lúc nghe tiếng súng nổ xa xa, và khi biết đang có cách mạng, đã đòi xông ra ngoài đường. Người kể câu chuyện về cái chết của Chateaubriand một cách cảm động sâu sắc nhất chính là Tocqueville; Chateaubriand và Tocqueville có họ xa với nhau, và cả hai đều là họ hàng của nhân vật Malesherbes, người đứng ra biện hộ cho Louis XVI và Marie-Antoinette giữa lúc Cách mạng 1789 sôi sục nhất. Như vậy, ba cuộc cách mạng nối đuôi nhau (đấy chỉ là tính những gì nổi bật nhất, chứ theo nhiều người, từ 1789 đến 1848, nước Pháp nổ ra tổng cộng bảy cuộc cách mạng) làm tan biến một thế hệ.

Balzac thì qua đời năm 1850, coi như vừa kịp chứng kiến nền "Quân chủ tháng Bảy" mà ông căm ghét sụp đổ.

Benjamin Constant hay Chateaubriand chính là thế hệ ngay trước thế hệ của Balzac ("thế hệ của Balzac", nếu tính rộng một chút, thì ngoài Balzac còn có Alfred de Vigny, hơn Balzac hai tuổi, Hugo và Dumas, kém Balzac ba tuổi và George Sand cùng Sainte-Beuve, cùng kém Balzac năm tuổi). Một nhân vật "nhà văn" trong Vở kịch con người của Balzac, nhân vật nhà văn chói lọi nhất, Raoul Nathan, mơ ước viết được một cuốn tiểu thuyết ngang tầm với Adolphe của Constant (đó là trong Une fille d'Ève tức là "Một người con gái của Eva" - còn nhân vật nhà văn nữ nổi tiếng nhất của Balzac là Camille Maupin, bút danh của Félicité des Touches, thì có nguyên mẫu là George Sand, và đó là trong Béatrix). Điều này (tức là Adolphe quan trọng đến vậy đối với cả một thế hệ, và không chỉ một thế hệ) là tương đối dễ hiểu: cuốn tiểu thuyết của Benjamin Constant được xuất bản vào năm 1816, tức là vừa kịp để các nhân vật trẻ tuổi còn chưa kịp tròn đôi mươi như Balzac đọc nó, và bị nó in dấu ấn sâu đậm lên cuộc đời; mấy chuyện như thế này, không bao giờ có thể đùa được đâu. Adolphe là cương lĩnh tinh thần của một thế hệ; đó cũng là, theo cách nào đó, lời đáp trả của văn chương Pháp lại Werther của Goethe.

-----------

Tôi cũng không hiểu tại sao tôi viết mấy đoạn trên đây đâu. Và tôi cũng không thực sự biết tôi định viết gì, sẽ viết gì (thật ra cũng giống mọi lần khác thôi).

Cũng giống tất tật những ai lỡ dính vào thuốc lá, tôi đặc biệt ghét ngửi khói thuốc lá của người khác.

Và, cũng giống tật tật những ai lỡ dùng nhiều đến cây bút (quá nhiều, theo tôi, thậm chí có thể coi đây là một chứng bệnh gì đó, hình như có tên hẳn hoi, graphomania etc. - nhưng, nếu đúng như Nietzsche đã nói, con người là loài vật ốm, thì cũng không nên quá lo lắng, nhìn chung), ít nhất là tôi nghĩ vậy, tôi là con người của không dòng kẻ; giấy mà lại có dòng kẻ, đối với tôi giống như đã bị dây bẩn ngay từ đầu, cùng lắm cũng chỉ có thể dùng cho những việc không quan trọng mấy. Đối với tôi, những quyển sổ có dòng kẻ gần như là vô dụng.

Tất nhiên, khi mở đầu bằng con số "22", thì tôi cũng định nói gì đó về "22"; à, thật ra, không chỉ Adolphe của Constant bắt đầu như vậy, mà còn có một cái khác nữa, cũng bắt đầu bằng "hăm hai": xem ở kia.


(rốt cuộc, thực sự là tôi không biết đã viết gì, cũng như sẽ viết gì đâu :p)

(nhân tiện: mới thêm nhiều đoạn dài Người phụ nữ tuổi ba mươi và nhất là Ferragus: nàng Clémence Desmarets, hay được gọi là "Bà Jules" dường như đã bị dồn vào bước đường cùng, khi mà có một "cô gái bình dân" đến tận nhà tố cáo nàng có ý định giành giật người tình của cô ta, tức là "Henri" Ferragus bí hiểm)

-----------

Đột nhiên, tôi muốn tìm lại các bài báo tôi viết năm 2002. Năm ấy, thâm niên báo chí của tôi cũng đã đến mức tám, chín năm rồi ("sự nghiệp báo chí" - khá là nực cười - của tôi, tôi đã sơ sài kể ở kia). Có một số thứ mà tôi nghĩ là tôi thích đọc lại - nhìn chung, tôi không đọc lại những gì tôi đã viết, có lẽ cần những quãng mười lăm năm thì con người ta mới có thể làm một số việc, trong đó có đọc lại (chính mình). Những quãng mười lăm năm, như trong Từ thăm thẳm lãng quên của Patrick Modiano. Tất nhiên, một khi đã nghĩ đến rồi, việc ấy (đọc lại các bài báo hồi 2002) sẽ dễ thực hiện thôi - đấy là trong giả thuyết tôi còn nhớ được hết các bút danh tôi từng dùng hồi đó, điều này tôi hoàn toàn không chắc chắn được.

2002, tức là đã vài năm sau khi tôi phát hiện Paul Ricoeur nhờ đọc cuốn sách La Critique et la Conviction. Đấy là một phát hiện lớn của riêng tôi, và cho đến giờ tôi vẫn là độc giả trung thành của Ricoeur.

Đọc xong cuốn sách ấy, chắc là năm tôi mười tám, mười chín, hoặc hai mươi tuổi, rồi đọc thêm một đống thứ nữa, tôi viết một bài, tôi chỉ còn nhớ là rất dài, về triết học của Ricoeur. Tôi gửi đăng ở tờ tạp chí Tia sáng, lúc ấy cũng mới chỉ bắt đầu ra, tôi còn nhớ tòa soạn nằm đâu đó gần Nhà Hát Lớn.

Vì tờ Tia sáng đã không đăng bài ấy, nên bây giờ có muốn đọc lại nó thì cũng vô phương. Tôi thấy rất phí, ý tôi muốn nói là phí cho tờ Tia sáng :p

Về sau này, Tia sáng sẽ đăng bài viết của tôi về Michel Foucault, về Thomas Hobbes, nhưng chưa bao giờ tôi có thiện cảm với tờ tạp chí đó. Đến lúc họ tự tiện lấy bài tôi viết về Voltaire đăng lên, đã thế còn cắt gọt lung tung, tôi thấy đã có một cơ hội tuyệt vời để khỏi phải dính dáng chút nào nữa. Sau đó, chỉ một lần đột xuất tôi đăng thêm một bài trên đó (chính là bài này), chỉ bởi vì tôi thấy là cần thiết. Người ta cứ nghĩ "chuyên chế tư tưởng" ở Việt Nam là ban Tuyên giáo, tất nhiên điều đó không sai, nhưng đối với tôi, "chuyên chế tư tưởng" đích thực chính là nhóm trí thức tập trung ở tờ tạp chí Tia sáng. Tôi nói điều này, dĩ nhiên, không phải vì họ từ chối đăng bài của tôi năm tôi mười tám, mười chín hay hai mươi tuổi gì đó, mà vì đúng là như vậy. Có thay đổi nhân sự các thứ, thì cho đến giờ, Tia sáng vẫn cứ là một cái ổ của sự chuyên chế tư tưởng.

À, đấy là tôi nói thế thôi, ai thích nghĩ vì thế kia mà tôi nói thế này, thì tôi cũng hoàn toàn không thấy là có vấn đề gì.


(còn nữa)

8 comments:

  1. viết trong cơn lên đồng và chứng nghiện viết thôi thúc
    sinh ra "không biết đã viết gì", "sẽ viết gì"

    ReplyDelete
  2. ông hay bà vô danh trước còm đúng đó, nhị (hay tam tứ ngũ lục) linh nhà ta là cuồng sĩ, cư xử với chữ nghĩa văn chương dĩ nhiên khác ta!
    vô danh đi sau

    ReplyDelete
  3. nói cho vui thôi, thế mà cũng tin à

    ReplyDelete
  4. hay. còn về "chuyên chế tư tưởng" thì chẳng hóa khen cái tờ kia quá nhời.

    ReplyDelete
  5. muốn chuyên chế thì phải không được thực sự ngu nhưng đồng thời không được thực sự không ngu :p

    trong số các yếu nhân hãi hùng nhất chắc là nhân vật Lê Đạt

    ReplyDelete
  6. G.Sand và B.Constant đều xuất hiện vô cùng nhiều trong La Muse du département (Balzac), đặc biệt đến mức Quatrième partie: Commentaires sur l’Adolphe de Benjamin Constant.

    ReplyDelete
  7. nhanh nhỉ, đã đọc đến tận La Muse rồi đấy

    ReplyDelete
  8. Chả mấy mà đến Tết.

    ReplyDelete