Jul 8, 2017

Ba nữ thần số mệnh

Không lâu sau khi anh Nguyễn Khánh Long qua đời, gia đình anh liên hệ với tôi và cho biết anh Nguyễn Khánh Long để lại trong máy tính bản dịch phần đầu Ba nữ thần số mệnh (Les Trois Parques) của Linda Lê. Đây là dự định dịch thuật của anh Nguyễn Khánh Long và tôi, chúng tôi có kế hoạch in Ba nữ thần số mệnh sau khi đã in Vu khốngLại chơi với lửa. Anh Nguyễn Khánh Long nghĩ nhất định phải dịch Ba nữ thần số mệnh, tôi cũng nghĩ thế; anh Nguyễn Khánh Long từng gặp Linda Lê một lần, tại Canada. Les Trois Parques in năm 1997 là cuốn tiểu thuyết đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Linda Lê. Năm nay, 2017, ở Việt Nam sẽ in bản dịch hai tiểu thuyết của Linda Lê, Sóng ngầm (Lame de fond) và Chìm xuống (Oeuvres vives) như đã nói. Có lẽ đây là thời điểm thuận lợi hơn cả để làm luôn Ba nữ thần số mệnh. Nghĩ đi nghĩ lại, không ai khác ngoài tôi ở vị trí thuận lợi hơn, trong mọi thứ, nhất là ở khía cạnh nghĩa vụ, để hoàn thành bản dịch này, từ những gì anh Nguyễn Khánh Long để lại. Dưới đây là phần dịch của Nguyễn Khánh Long (tôi không sửa một chữ nào, đúng như nó dừng lại, kể cả ở cuối cùng, một câu chưa có dấu chấm).



Ba nữ thần số mệnh



Hãy đến lúc rạng đông, bạn quý, hãy đến lúc rạng đông.

Ta đã nhìn ra nhau, ta đã bỏ mất nhau, hỡi bạn tôi từng yêu quý nhất.

Tôi, chứng kiến tôi chào đời. Tôi, chứng kiến tôi lìa trần.

Và tôi tôi đã sẵn sàng đi khắp các nẻo sa mạc trên thế gian này và chết rồi tôi sẽ vẫn không thôi tìm bạn, hỡi bạn, một thuở đã là nơi chốn yêu thương.”

Alejandra Pizarnik*,
Đào lên hòn đá điên dại



Ông mỏi mệt, cạn kiệt. Ông chờ giờ phút chót, ngồi trong căn nhà nhỏ màu xanh, như vua Lear[1] trong lều, bị mấy cô con gái tước đoạt rồi bỏ rơi. Phải để vua Lear yên, tôi đã bảo hai cô chị họ tôi, nhưng họ chẳng thèm nghe. Họ đã bỏ rơi vua Lear trong căn nhà nhỏ màu xanh. Họ đã bỏ quên ông ở đấy hai mươi năm và bây giờ họ mưu mô thủ vai các nàng Cordélia, nhất quyết đem lại niềm vui cuối cùng cho ông vua già chẳng hề đòi hỏi gì. Niềm vui cuối cùng này, đúng ra là niềm vui đầu tiên, ban phát muộn màng, thế nào cũng khiến ông phát điên, tôi còn đã tiên đoán, tin chắc do cảm giác kiến bò ở mỏm cụt, mỏm cụt của tôi bắt đầu làm tôi ngứa ngáy ngay từ lúc hai cô chị họ nói chuyện đem lại niềm vui cuối cùng cho người bị bỏ quên. Mỏm cụt của tôi bao giờ cũng báo trước cho tôi các thảm hoạ, tôi còn cao giọng nói tiếp; nhưng vì đã dứt khoát cho là bởi tật nguyền tôi cứ nhất định tìm đủ cách ngăn cản không để điều lành nào xảy ra, hai cô chị họ tôi đã quen mặc kệ những lời lải nhải của kẻ nặng vía là tôi, những lời lải nhải mà chỉ cô em, quá bực, một đôi lần tìm cách chặn lại. Con Bé Cụt Tay, tụi tao ngấy mày tiên tri quá rồi, hôm ấy cô ta la lên. Chúng tôi đang ở nhà cô chị, ngôi nhà mới tinh. Phòng bếp, những bộ phận rời mới giao không lâu và mau chóng lắp ráp, sáng loáng, phản chiếu như cái gương cái bụng tròn của cô chị và đôi chân dài của cô em. Vua Lear mà có đấy ông cũng có thể chiêm ngưỡng phòng bếp sáng loáng, cái bụng tròn của cô chủ và đôi chân dài màu đồng của nàng mỹ nữ. Hai cô chị họ tôi, thình lình sốt ruột từ hồi đầu tháng tám, nhất định triệu vua Lear thật sớm. Hay nhất, cô chị bảo, là lợi dụng thời gian dài vắng mặt của vị chủ nhân nơi này, chồng cô, dân Zurich tha hương, nhà chế tạo đinhvítmóc chiều thứ tư nào cũng đi thiền, chủ nhật nào cũng dến thọ bát giới tại một ngôi chùa Tây Tạng cách ngôi nhà mới tinh ba cây số, và mỗi khi đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm nước Pháp lại đóng cửa hàng, vì được đặc huệ tham dự hàng túc vệ của đấng giáo chủ. Năm ấy, vị đại lạt ma báo tin sẽ đi một vòng châu Âu vào mùa thu, và kẻ cầu đạo hè chưa tới đã đâu đấy tay nải, giày bố, từ điển, cả Kinh Người Chết [2] và mõ nữa. Trong khi kẻ thần cảm phò đức Đạt Lai Lạt Ma đi khắp châu Âu thì hai cô chị họ tôi sẽ đóng vai hướng đạo cho vua Lear - vua Lear sẽ được ở, trong ngôi nhà mới tinh, căn phòng sắp sẵn cho đứa nhỏ, tường vừa mới dán giấy hoa với những hình voi màu hồng thật lớn. Rồi sẽ có một cái nôi và một cái tủ nhỏ màu trắng, nhưng ở giữa sẽ vẫn còn đủ chỗ để kê cái tràng kỉ kiểu Anh cô chị họ tôi đã nổi hứng mua và hiện còn để tạm trong một góc phòng ăn. Những cảm giác kiến bò càng nóng rực đầu cổ tay trái tôi khi các dự tính của hai cô chị họ thành hình chung quanh cái bàn lớn sáng loáng. Tôi vẫn đứng trước bồn rửa chén. Vòi nước phản chiếu những quả táo đỏ xếp có ngọn trên một cái đĩa. Tôi dùng tay phải chộp một quả táo, lấy mỏm cụt lăn nó trên bàn cho đỡ ngứa. Con Bé Cụt Tay, tụi tao chán mày quá rồi, cô em nói. Cô thôi bắt tréo đôi chân dài, đứng lên, cũng với tay lấy một quả táo; cô chưa cắn ngay, cô xát quả táo vào quần, chiếc quần cụt sổ gấu cắt ra từ một chiếc quần gin cũ, cho quả táo bóng lên. Trong lúc ấy, cô chị đã lấy ra từ ngăn kéo dưới bồn rửa chén một cuốn sổ, tì nó lên cái bụng tròn của cô. Vừa lẩm nhẩm, cô vừa ghi thật nhanh một cột những con số. Tôi để lại quả táo đỏ lên ngọn. Những cảm giác kiến bò vẫn chưa hết. Tôi xát mỏm cụt vào quần. Lớp vải ráp làm dịu cơn ngứa. Cô em đã bước lại phía cửa trông ra vườn, cô kiễng chân, cái lõi quả táo cô ném ra xa rơi vào cây anh đào nhà đối diện. Chuyến đi chơi của vua Lear sẽ tốn lắm đây, cái bụng tròn bảo, sa sầm trước viễn tượng phải cáng đáng hết các chi phí, vì đôi chân dài chỉ kiếm được, ở viện thăm dò dư luận, dăm ba đồng, và cũng chỉ kiếm được những khi chịu chui xuống dưới gầm cái bàn giấy nhỏ có đặt máy điện thoại, cái máy điện thoại nhờ nó cô chị họ tôi thăm dò thiên hạ ưa chuộng những gì, đặt cho những kẻ vô danh những câu hỏi khiến cô ngáp sái quai hàm, trà hay cà-phê ? bánh mì phết hay ngũ cốc ? đồ hộp hay đồ đông lạnh ? xi-líp hay quần đùi ? Câu hỏi của nhà thăm dò với cô chủ ngôi nhà mới tinh, Với những điều kiện nào chị sẽ chấp nhận, trong một thời hạn nhất định, một người già ở nhà chị ? Chỉ khi người ấy là bà con ruột thịt. Chỉ khi chị đã lơ là người ấy nhiều năm. Chỉ khi người ấy tỏ dấu biết ơn trước. Ấy mới là vấn đề. Chẳng ai tìm ra một dấu hiệu biết ơn cỏn con nào trong các thư vua Lear hồi đáp lời mời của hai cô chị họ tôi. Cô chị muốn trưng bằng cớ là cái thư mới nhất, cái thư cô đã kẹp trong một cuốn sách làm bếp và cô không sao tìm ra. Cái thư khốn kiếp. Nấp ở đâu đó. Nhất định là ở trang món khoai rán Thuỵ Sĩ, món cô đã học làm phòng trường hợp người Zurich tha hương nhớ nhà, nhớ nước. Cái thư không có ở trang món khoai rán. Vậy tất nó đã đến hôm cô làm món bầu dục cừu. Một chuyện tồi tệ, chẳng ai quên được. Cái gì cũng phải quăng vào thùng rác. Vẫn không tìm ra cái thư. Lắc lên lắc xuống cuốn Bí quyết làm rau trộn cũng không ăn thua gì. Cuốn Bí quyết rơi xuống đất, rồi đến cuốn Nghệ thuật làm món pho-mát rượu. Cô chị họ tôi ngồi phịch xuống ghế, thở dài bực bội, tay vuốt bụng trấn an cậu hoàng tử khó chịu vì mọi náo động. Người con của minh triết, người thừa kế tương lai của phòng bếp sáng loáng phản đối dữ dội. Cô chị họ tôi đặt tay lên bụng, tỏ dấu đồng tình. Chừng nào nó bập bẹ rồi, cô bảo, là nó cãi phải biết. Vả lại, cậu hoàng tử sẽ nói tiếng gì là cả một chuyện điên đầu. Tiếng Pháp, tất nhiên rồi. Đấy là ngôn ngữ ngoại giao trong ngôi nhà mới tinh; nhưng ông bố lại ước muốn gieo vào hạt sa nhân trân quý những mầm tiếng Đức mà bà mẹ, không chịu kém, sẽ phối hợp với những giao tử dị thường, những bụi tiếng Việt cơn gió ký ức thổi bốc lên. Dẫu sao, đó là ngôn ngữ của vua Lear, tức là cái thứ tiếng chúng tôi nói hồi còn nhỏ, mà tôi bảo đã quên, y hệt cô em chẳng hiểu một chữ mô tê nào các thư từ rối rắm của vua Lear. Thế thì công đâu mà tìm lại cái thư, có tìm được cũng lại phải dịch, mà cô chị họ tôi chán làm thông ngôn lắm rồi (cho đôi chân dài nhổ nhẵn nhụi không một sợi lông, đôi chân nếu còn ở vùng nhiệt đới thế nào cũng trốn nắng, và cho Con Bé Cụt Tay, đã chặt đứt cuống nhau và chỉ mới nghe âm thanh cái thổ ngữ man dã đó đã tỏ bộ cuống cả lên, cứ như người bệnh thoát nạn sợ lại bị lây vì bọt mép văng ra). Nhưng phải có một người thủ từ chứ. Thế là, vì Con Bé Cụt Tay hễ nghe nhắc đến cái xó gốc gác là tức thì ngân nga những điệu hát sầu thảm, trong khi đôi chân dài chán chường cứ xếp vào rồi lại ruỗi ra, cái bụng tròn, chạy nước rút và địch thủ đều bỏ cuộc hết, đã giành được cúp trí nhớ và giải nhất đức hạnh. Muốn củng cố thanh danh hiếu thảo ấy thì chỉ còn việc đem lại cho ông già bị bỏ rơi một niềm vui cuối cùng, cho ông được rời cái xó xỉnh của mình, băng qua biển rộng, đến tán thưởng bao nhiêu đức hạnh nội trợ khéo léo bày biện sắp xếp - tiểu gia đình, phòng bếp sáng loáng và căn phòng cho đứa nhỏ -, căn phòng ông già có thể khai trương và cư ngụ ba tuần, hay cùng lắm một tháng. Thời gian đưa ông đi thăm một lượt nhà cửa vườn tược, cho ông hít hà hạnh phúc, rờ mó giàu sang, trước khi trả ông về miền nhiệt đới, về căn nhà nhỏ màu xanh ông sẽ có thể hồi tưởng chuyến ghé thiên đàng trong khi chờ chết. Cô em đã trở lại ngồi bên bàn, đôi chân dài ruỗi thẳng gác trên cái ghế đẩy về phía tôi. Cô sẽ chỉ có thế cho vua Lear coi thôi, chỉ có đôi chân trần, rám nâu, cứng cáp, thanh lịch, đôi chân sẽ cho phép cô, trong cuộc đua việt dã của thế gian, nhảy qua mọi chướng ngại và leo vượt lên khỏi cái cuộc đời mà cô hình dung ra, trong phòng bếp sáng loáng, như một nút thòng lọng vô hình, sẵn sàng siết ngạt cô chủ nơi này. Cô chủ, ngày ngày chăm chăm ước lượng cái sức nặng ních đầy trong bụng, không cảm thấy mối đe doạ của cái tròng, lại hoan hỉ mình đã kết thúc được cái thời tiền hôn nhân và nỗi buồn chán lẻ loi. Nhà chế tạo đinhvítmóc, với minh triết Tây Tạng đầy tay nải, đã đến đúng lúc. Trong có vài tháng, bông hoa héo, được hướng tính mới của lương tri thúc đẩy, đã sống lại. Bông hoa nở rộ liếc qua cũng thấy. (Chỉ có Con Bé Cụt Tay không tán thưởng mà thôi. Nó cứ đứng ngó cái bụng tròn, vừa gãi mỏm cụt vừa nghiền ngẫm những tư tưởng khủng khiếp của loài cây con còi cọc sặc mùi tử khí, khiến ông bà táo cao chạy xa bay, rước hoạ cho ngôi nhà mới.) Cô chị họ tôi quyết tâm bảo vệ tổ ấm và tiểu gia đình của mình trước những lời nguyền độc địa câm nín của Con Bé Cụt Tay, bao giờ cũng chỉ mong tai hoạ xảy ra. (Nó đó, như một cục u trên vầng trán tinh khiết, một vết thương nứt toác trên lớp da nhẵn nhụi, nó đó, với bộ quần áo màu tối, bàn tay cụt, tóc cắt lởm chởm, hai hòn bi đen ngó làm lạnh xương sống, cái giọng con mồ côi cứ nhắc đi nhắc lại Ôngđâucóđiên ! Ôngđâucóđiên ! và rồi thì cái thói gớm ghiếc cứ cọ mỏm cụt vào bất cứ cái gì mó được trong ngôi nhà mới - khăn trải bàn, khăn ăn, nệm gối, khăn trải giường, và bây giờ mấy quả táo.) Nghĩ kỹ, cô chị họ tôi còn ưng chịu cô em gái nhẹ dạ của mình hơn. Con bé chẳng có mối ưu tư nào ngoài đôi chân dài của nó. Nó phô đôi chân hơi nhiều quá, trừ những khi nó còn trưng thêm cái rốn mỹ miều của nó; cho nên nó chỉ được mời đến ngôi nhà mới tinh những hôm Đinhvítmóc dọn mình tham thiền. Vì nếu như cô chị họ tôi không cảm thấy mối đe doạ của cái tròng, cô đánh hơi thấy ngay mối hiểm nguy cho tổ ấm của cô do Con Bé Cụt Tay và đôi chân dài, bà đồng và nàng mỹ nữ, cả hai đều một mực phá tan hạnh phúc của tiểu gia đình tương lai, người thì cứ ghi dấu tai ương vào mọi đồ vật trong ngôi nhà mới, người thì cứ uốn éo tấm thân ngựa tơ trước mặt kẻ cầu đạo, khiến cặp mắt lờ đờ kia vụt toé lửa rồi lại tắt ngấm, vừa do nết thận trọng của Thuỵ Sĩ vừa do sự chừng mực của Tây Tạng. Cô chị họ tôi đã đứng lên, tiếp tục lật giở mấy cuốn sách nấu ăn. Cô phải đọc nó cho chúng tôi mới được, cái thư làm bộ dửng dưng của vua Lear. Làm như ông chẳng hề thèm vui chơi một chút, quay lưng lại với Sài Gòn, rời bỏ cung điện hoang tàn trông ra những ngôi biệt thự mới màu trắng với những hàng cột, những ngôi biệt thự mọc lên như loài nấm. Sài Gòn, theo lời vua Lear, đang mắc bệnh nấm. Những nấm khổng lồ bằng bê-tông sừng sững trên nền trời, vọt lên từ mặt đất do tay những nấm có chân, một chủng loại mới do những máy bay quốc tế thả xuống và lúc nhúc khắp thành phố sau mùa mưa. Nấm đang bóp nghẹt Sài Gòn, vua Lear bảo thế. Nấm bằng bê-tông mọc lên trên phế tích các cung điện cổ, và trong cái giường cộng sản thối rữa chỉ còn loài nấm có chân mà thôi. Trong thành phố cứ sau mùa mưa là đẫm mùi bọn nhà giàu mới, thư vua Lear còn bảo. Thế ra người ta có thể ăn nói lung tung cả. Cô chị vẫn còn nhớ cái thời cô yên trí rằng, cuối mỗi lá thư gửi về nước, một lời xưng tụng bác Hồ, một lời ca ngợi các chiến sĩ giải phóng Sài gòn là đủ để che chở căn nhà nhỏ màu xanh với người trong nhà đó khỏi bị búa rìu cộng sản. Sài gòn bây giờ quá bận bịu với nấm, không hơi đâu mà ngó đến tâm tình lai láng của những kẻ bỏ chạy hay là những dòng nguệch ngoạc của của mấy ông già chưa từng biết lợi dụng một cái gì, vẫn ở trong cung điện hoang tàn của mình mà chờ chết và ngó cuộc đời xoay vần chẳng có họ dự phần. Hai mươi năm vua Lear ngó cuộc đời xoay vần chẳng có ông dự phần. Hai mươi năm ông không nhúc nhích khỏi căn nhà màu xanh, nơi hai cô chị họ tôi đã bỏ rơi ông. Từ cung điện hoang tàn của mình, ông đã chứng kiến cuộc di tản của những kẻ bỏ chạy, cái năm Sài Gòn đổi chủ. Và bây giờ, ông nhìn bọn nấm trở về. Ngồi sau cửa sổ, vua Lear cười khẩy. Cung điện hoang tàn, nằm giữa những ngôi biệt thự mới màu trắng, càng lúc càng lún xuống, tựa một ông già trên giường với các nàng trinh nữ[3]. Vua Lear sa sút. Ông bước từng bước ngắn. Mùa mưa, các khớp ông nhức mỏi. Những khi chán ngồi im nghe xương cốt kẽo kẹt rền rĩ, ông ra chăm hoa ngoài vườn - mảnh đất nhỏ phía trước cung điện hoang tàn của ông. Từ xa, trông nó như một nấm mồ, không hẳn mới, nhưng tươm tất, vua Lear viết trong lá thư ông đòi cô chị gửi cho ông hạt giống với củ. Ông muốn cung điện ông có đủ thứ hoa, hoa hiếm cũng như hoa dại, hoa thắm cũng như hoa nhạt, hoa không mùi và hoa ngát hương, hoa nở ngày và hoa nở đêm. Chỉ việc gửi cho ông thôi. Ông đảm trách trồng hết. Lại còn cho lai giống nữa. Ông đâm mê bất chợt như thế đấy. Từ mười năm trước. Hồi đó, nấm còn chưa mọc ở Sài Gòn. Khắp chung quanh căn nhà nhỏ màu xanh, những cung điện cổ vẫn còn đứng vững, tuy thành phố đói dài. Cả vua Lear nữa. Chắc đói quá khiến ông hoá lẩn thẩn, cô chị bảo thế. Ông chỉ có một định kiến, trồng hoa. Thay vì đòi những gói quà sống còn, vua Lear đòi gửi cho ông củ hoa vành khăn.

Khua động những kỷ niệm ấy khiến cô chị họ tôi đâm đói bụng, cô thình lình thèm ngốn nốt, giữa trưa này, đồ ăn dư của bữa tối ra công nấu hôm trước : mấy con mực xào lối xứ Provence tức thì lấy khỏi tủ lạnh, hâm lửa riu riu, và được người đói bụng nhai thật kỹ; cô nhìn thẳng phía trước, không nói không rằng, như thể việc nhai đòi hỏi trọn vẹn con người cô. Trước mặt, cô em, đôi chân dài chui dưới gầm bàn, liếm mép, nhìn không thôi cái đĩa còn hai con mực cuối cùng, hai con mực nhồi xát tỏi, ướp cà chua, đang đợi người ta nuốt. Cô cũng rất muốn nhấm nháp cái món mềm mà dai kia, để giết thì giờ (thì giờ ôi sao mà dài, ngày chủ nhật, giữa cái bụng tròn và Con Bé Cụt Tay, con kiến và con gián, giải nhất đức hạnh và con ngoáo ộp). Chẳng có ai để chiêm ngưỡng cặp chân dài. Đinhvítmóc đã khổ sở bỏ đi sau bữa ăn trưa. Với cái dáng vẻ anh hướng đạo sinh già đọc nhàu kinh Kāma-sūtra[4], lúc nào cũng phấp phỏng lo sợ bị gõ đầu, đó chẳng phải là một kẻ dòm ngó thượng thặng, nhưng chàng Zurich cũng có thể dùng tạm, làm trò giải khuây cho ngày chủ nhật trong phòng bếp sáng loáng buồn nản này, làm vật thí nghiệm cho nghi thức quyến rũ. Hễ anh đực còn lảng vảng trong ngôi nhà mới tinh là bầu không khí nháng điện đầy hứa hẹn (bà chị cứ như chú cai điều khiển lính bằng roi vọt, trong khi Con Bé Cụt Tay lấy mỏm cụt xoa cằm, con mắt linh cảm nhìn khắp mọi người, rình chờ lời xúc phạm tiền định sẽ giáng xuống ngôi nhà hạnh phúc như tiếng sét). Và, giữa thế ba góc ấy, cặp chân dài tới, lui, vẽ nên những đường hình sin điên đảo làm mờ mắt anh đực và ứa gan người vợ. Cô em, trút bỏ đôi giày nhẹ màu xanh, ưỡn người ngồi trên ghế, ngực đưa ra trước, hai bàn chân trần. Mắt cô đi từ cái miệng mỏng đang chăm chú kỹ càng nhai con chân đầu sang cái mỏm cụt tì vào bồn rửa chén và vạch những quầng lên thành bồn bằng thép i-nốc. Cô châm một điếu thuốc lá, rút từ gói thuốc làm căng phồng túi cái áo buộc chẽn ngang lưng. Một tiếng càu nhàu tức thì bật lên trước mặt, buộc cặp chân dài phải rút khỏi gầm bàn đi về phía cửa mở ra vườn. Cô chị mạnh mẽ khua tay xua đuổi cuộn khói độc hại. Cái đĩa trống trơn, lấm chấm nước xốt đỏ, được đem khỏi bàn và tráng dưới tia nước nóng bỏng. Trước cửa, quay lưng lại bếp, nàng mỹ nữ rít điếu thuốc. Cô liệng mẩu đầu lên cỏ, và, chân trần giẫm trên bồn cỏ, tay chống nạnh, cô đong đưa thân mình từ trước ra sau, từ phải sang trái. Mái tóc buộc túm ve vẩy trên gáy. Cô vươn hai tay, hít một hơi dài và, nhấn gót chân, cô quay phắt lại. (Từ vườn nhìn vào, phòng bếp vẫn sáng loáng nỗi buồn nản ấy. Con Bé Cụt Tay vẫn đứng bên bồn rửa chén. Khoanh hai tay, nó cứ nhìn cái bụng tròn, cúi trên máy đông lạnh, bận rộn đếm những con mực ngủ đông và những tảng thịt phủ giá. Thật chán mớ đời, ngày chủ nhật, giữa quả khinh khí cầu với bó củi mục !) Nếu như chương trình nghị sự không có chuyện vua Lear đi chơi thì đôi chân dài đã tếch từ tám kiếp nào rồi. Vô phương trốn được cơn buồn nản. Vô phương trốn được ông già gầy trơ xương, sắp phải móc ông ra khỏi căn nhà tí hon của ông, đến đón ông ở phi trường và lôi ông đi lếch thếch khắp các phố xá. Cô em, ngáp dài ngây ngất, bỏ khu vườn lại bên cửa phòng bếp. Cô đứng lại ở ngưỡng cửa, thẩm định bóng mình trong cửa kính, tay mơn trớn phủi cọng cỏ dính trên đùi. Cái bụng tròn, kiểm kê xong hầm đồ dự trữ, đã trở lại đặt mình xuống ghế, cách để cô tuyên bố phiên họp lại bắt đầu; nhưng đôi chân dài vẫn chùng chình bên cửa, chiêm ngưỡng ảnh phản chiếu hình dáng mình. Đôi chân thật dài, khuôn đúc để rong ruổi trên đỉnh cao, và, trong khi chờ điểm giờ cuộc viễn du huy hoàng, buộc phải chui xuống gầm cái bàn giấy nhỏ chỉ con mắt dâm đãng của mấy gã thăm dò ranh con khám phá ra, mấy gã nghèo rớt mồng tơi và còn lâu mới khá được. Một tiếng thở dài não nề làm nhũn tấm thân nàng ngựa tơ, chĩu xuống dưới sức nặng những ý nghĩ chợt hiện và nhọc nhằn về sự tồi tàn của kiếp sống. Vẻ ủ ê, cái nhìn trống vắng, mặt hoa nhăn nhíu, cô trở lại ngồi bên bàn, tay vuốt dài hai đùi, cô lấy can đảm bằng cách rờ nắn bảo vật của mình, ước lượng sự êm dịu, kiểm chứng sự rắn chắc; dù mới sáng hôm ấy, như mọi ngày chủ nhật, cô đã lấy dây băng đỏ dành riêng đo chu vi cặp giò non, cặp giò đánh sáp trước khi thoa sữa pha hạnh nhân. Một cặp giò điêu đứng hết lũ trai tân trên trái đất này, Théo[5] đã nói đổng trong các văn phòng viện thăm dò dư luận. Bao nhiêu văn chương trên đời cũng không bằng một đùi con gái, Théo còn nói, lúc nào cũng có sẵn một công thức thật kêu để dành. Hồi đó, hắn là một vị thần đối với cô nàng, trái tim cô thổn thức mong chờ những phép màu sẽ thay hình đổi dạng chuỗi ngày buồn tẻ của cô, chính vì Théo đã hiện ra, dẫu rằng, bấy giờ, ngài mang lốt một nhân viên tạm tuyển, có nhiệm vụ, cũng như cô, tách bạch những kẻ ăn đồ hộp với những kẻ ưa đồ đông lạnh. Chàng Théo thiên thần nói thao thao bất tuyệt và mỗi lời chàng khiến chân cô nàng như có kiến bò, cô hăm hở, mắt choáng ngợp vì lớp bụi vàng chàng Théo tung ra, chàng Théo bán thuốc bách bệnh, chàng Théo tung hứng những giấc mơ. Số mệnh đã định rằng chàng sẽ đem cô ra khỏi cái xó cặp giò xinh đẹp của cô sa lầy, sẽ dứt cô ra khỏi cái máy điện thoại cô dùng bấm bừa số này số khác, tán chuyện với những kẻ vô danh gặp của rẻ là đổ xô đến, vừa kể những sở thích của họ (trà hay cà-phê ? bánh mì phết hay ngũ cốc ? đồ hộp hay đồ đông lạnh ? xi-líp hay quần đùi ?) lại vừa khen ngợi cô thăm dò có giọng nói dễ thương mà họ thích, rất thích, mê thích, chẳng khác họ thích đậu Hà Lan đông lạnh trong bản câu hỏi. Ở đầu dây kia, cô nàng cũng sẵn lòng đối đáp, vẻ một nàng công chúa đích truyền sắp giành lại được vương miện của mình và hạ cố chấp nhận đôi lời suồng sã, trước khi bay bổng lên cái nơi chốn khác mà ngày ngày chàng Théo thổi lửa phác hoạ, khạc ra khói mù cùng ảo ảnh. Bởi chàng Théo thần linh thế lực lắm, có những liên hệ chằng chịt chỉ đợi chàng búng tay liếc mắt là răm rắp phục vụ chàng. Chỉ một cú điện thoại là nàng ngựa tơ sẽ xoải vó về cảnh đời cao sang, trên đường không quên đá hậu mấy gã thăm dò ranh con, cái phường có cả Théo vì số mệnh tai ác buộc chàng dạt vào những bờ bến ấy hầu tháo gỡ cho đôi chân dài sa cơ. Théo thao thao như thế cả đêm, ví von trong hơi rượu huýt-ki, rượu ngon nữa, mua bằng tiền của cô nàng. Cô nàng cung cúc chăm sóc tiểu vương, cho chàng tuỳ nghi sử dụng cặp giò xinh đẹp, và cả tấm nệm bông trên đó chàng mặc tình bắt cặp giò xinh đẹp vẽ nên những hình dạng hiểm nghèo. Chiếm được vùng đáy rồi thì chỉ còn việc mở rộng vùng kiểm soát. Kẻ chinh phục tức thì đến ở luôn căn hộ một phòng sát mái phố Hầm Nước Đá[6], cái tên gọi thật xứng hợp cứ xét theo người ngụ cư căn hộ ấy, sau mấy tuần đầu ngọt ngào chiếu lệ, bộc lộ sự lạnh lẽo chết người (Cô nàng, với ai Théo cũng kể, hà tiện mọi nồng nhiệt, nhất thiết không rên la, thân lươn cứ vuột đi trước mọi tấn công, âm hộ thắt lại, đôi vú nhọn không muốn cho nắn bóp, cặp giò đẹp chống chọi mọi vuốt ve bằng sự rẻ rúng như một pho tượng cổ chẳng ưng bị phàm nhân sờ mó; tảng băng chỉ buông thả khi được xưng tụng bằng lưỡi - bấy giờ, ngoan ngoãn, tấm thân mới phó cho lưỡi kẻ chinh phục rửa từ tai cho tới kẽ mấy ngón chân, rồi dọc theo hai đùi trở lên đến các môi, và, khi đường khía âm hộ, rạch sâu thẳm, tiết dịch rồi, lang thang dọc theo sống lưng trước khi xông đến, với những tiếng động nho nhỏ tợp và mút, lối vào tối thiêng dưới xương cùng). Lúc này lối vào ấy đang làm cô chị họ tôi ngứa ngáy, cô ngọ nguậy trên ghế, xốc cái quần cụt cọ xát làm cô khó chịu. Cô xổ tóc, quấn một lọn quanh ngón tay, ngắm nghía đầu nhọn lọn tóc. Trước mặt, cô chị đã đặt lên bàn một cây bút chì với cuốn sổ lại lấy ra từ ngăn kéo dưới bồn rửa chén. Cô bình thản đưa tay vuốt mái tóc ánh xanh, xoát lại búi, thò ngón cái và ngón trỏ qua cổ chiếc áo lụa xanh rộng chỉnh lại xu-chiêng, và, nheo mắt, duyệt lại cột số đã ghi trước màn mấy con mực xào lối xứ Provence. Cô vừa dò danh sách vừa liếc mắt về phía bồn rửa chén, nơi tôi vẫn đứng gác từ lúc mọi người đã dọn dẹp bàn ăn đầy hoa và rời phòng ăn, rời ông chồng đứng với màn cửa nhíu, để chịu lễ chung quanh vị chủ nhân : trước khi đi thọ bát giới ngày chủ nhật, ngài nhất định giới thiệu cho chúng tôi đầy đủ sự bài trí theo thời trang mới nhất, với máy hút bụi cực hiệu năng, máy lọc không khí, máy siêu âm bao nhiêu muỗi mòng cũng chặn hết (nhưng chẳng có gì được trù liệu để cản những làn sóng độc của cô thày bói cụt tay). Cô chị họ tôi vuốt bụng, như để trấn an cậu hoàng tử, và tự vệ trước những lời nguyền, lời rủa mà tất nhiên tôi đang nham hiểm gọt rũa trong xó của tôi, chờ dịp xả hết ra với cô. Cắn làn môi dưới, mỏng và tô son hồng nhạt, cô chị họ tôi thầm tính toán lại. Niềm an ủi cuối cùng cho vua Lear hơi nặng cho cán cân chi thu. Bởi lẽ đám cưới, ngôi nhà mới, cách trang bị đã lựa, với những máy điện tử tân kỳ gắn trong những đồ cổ rởm, đã tát cạn nguồn tài lợi của kẻ cầu đạo với cô vợ cảnh giác của ngài. Cô đang hối tiếc mình đã muốn dàn dựng cuộc tái ngộ sau hai mươi năm. Tuy nhiên dây tơ bi tráng, tự thuở nào vẫn rung nơi cô, căng lên, đòi tấu ngay khúc nhạc thống thiết của mình. Viễn ảnh chuyến đi chơi của vua Lear kích động bản chất vừa mơ mộng vừa lo xa, vừa đa cảm vừa thực tiễn của cô. Thế là phỉ nguyện rồi đấy, lòng ham chuộng những buổi lễ đầm đìa nước mắt của cô, những buổi lễ mà cô, cậy thế chị cả, hy vọng sẽ độc quyền sắp xếp và, với tư cách chủ tế, sẽ không để ai lâm ly quá đà. Cô chờ đợi từ lâu rồi, buổi lễ tưởng niệm sự bỏ rơi ấy. Thế là cô sắp có thể chứng tỏ với vua Lear rằng cô đã tiến xa, tiến vùn vụt về hướng hạnh phúc vẹn toàn, mang trên lưng một ngôi nhà mới tinh, trong bụng một cậu hoàng tử, và dưới tay một trưởng hướng đạo quang minh. Cô cảm thấy mình ngập chìm trong những luồng sóng kiêu hãnh trào dâng khi nghĩ đến niềm hoan lạc ấy, niềm hoan lạc được bảo hiểm mọi rủi ro, kết quả của bao nhiêu khôn khéo vô bờ. Vua Lear đến đây chính là cô công thành danh toại rồi đấy. Lẽ nào cô chị họ tôi lại chịu bỏ cái cảnh hào hùng hai thế hệ gặp nhau, cảnh ông già nghiêng mình trước cậu hoàng tử ra đời để tống ông xuống mồ ! Cô hăng say dường nào, từ khi thai nghén tiểu gia đình. Bao nhiêu năm cô đã đẩy các toa xe trong sương mù. Và bỗng chốc máy nổ thực sự, đúng hướng. Trươc cảnh đoàn tàu nhỏ của cô sau cùng đã lên đường, cô xúc động, cô còn rút tỉa được một nhân sinh quan nữa, như người trưởng ga quan niệm con tàu này phải đuổi con tàu kia và phóng gấp rút để tới ga chót cho đúng giờ. Ga chót thì vua Lear trong toa xe lúc la lúc lắc của mình chẳng còn bao xa. Nhưng ở đầu kia cuộc sống, ở tuyến xuất phát, cậu hoàng tử đã nổ máy rồi. Và, hiển nhiên, đó là một con tàu tráng lệ sắp đẩy toa xe lúc la lúc lắc xuống hố. Các thế hệ nở hoa trên các nấm mồ. Hễ còn cuộc sống thì còn hy vọng, cô chị họ tôi vẫn thích nói, cô sửa giáo điều luân hồi cho hợp với sự chân chất thuyết lý của cô, cô tin chắc có đời sau, cô coi đời sau là một cuộc thi vớt cho những ai bị đánh hỏng trong kiếp này có cơ hội tìm được một chỗ trong tốp đầu. Cái tốp đầu trứ danh mà cô chị họ tôi, người ước vọng một thành công phải chăng nhưng bền vững, ngược với cô em khinh suất của mình, chưa bao giờ dát vàng bọc gấm, chỉ tin cậy vào cặp râu sên của mình đi tìm một ngôi nhà và một tiểu gia đình để cõng trên lưng. Cũng cặp râu sên ấy khuyến cáo cô phải canh chừng. Chặn đứng mọi điên rồ. Tiểu gia đình này không chi một xu nào nữa. Tất cả phải bỏ ống, vì tương lai đẹp đẽ của cậu hoàng tử. Từ tiếng khóc lọt lòng đến tiếng rên hấp hối, từ chiếc nôi đến cỗ quan tài, nhất nhất phải sắp đặt trước. Bà mẹ đã nhiễm cơn sốt lập trình rồi. Chuyến thăm viếng của vua Lear chưa được trù liệu trong kế toán các cuộc vui. Cứ phừng phừng lại vã mồ hôi làm máu cô chị họ tôi hết rực nóng lại lạnh giá khi cô viết thành hàng những con số của những ngày vua Lear sẽ lưu lại. Thế nhưng, không gì trên đời này sẽ khiến được cô từ bỏ công trình từ thiện của cô, dẫu cho sổ sách chẳng cân bằng đi nữa. Để đón tiếp cụ cố, cô chị họ tôi sẵn sàng chấp nhận thêm một vài món chi phí xa hoa khác, hầu ngôi nhà mới tinh đúng chuẩn tiện nghi như cô từng nghiên cứu trong các tạp chí chuyên đăng các bài rút gọn về thuật làm đẹp, những tạp chí ít lâu nay bị bỏ xó, thay thế bằng những sách dạy nghệ thuật chuẩn bị một tương lai rạng rỡ cho các cậu hoàng nhỏ. Còn về ông già Lear, các phí tổn chuyến đi chi ra rồi, còn phải, khi ông đến, lo đủ y phục, may đồ cho ông từ đầu đến chân, vì áo quần mua ở các xứ nóng rất dễ thành trơ trẽn trên đường phố nơi này. Mà khi ông đến rồi, nai nịt như một ông vua, lại còn phải lo cho ông giải trí nữa, cho ngũ giác ông thấp thỏm, cho hai mắt ông được chiêm ngưỡng đủ hết trước ngày nhắm lại. Bao nhiêu phô phang ấy cốt cho vua Lear vui đùa. Cô đáng được huân chương lắm, cô gái ngoan. Bởi muốn làm tươi tỉnh con cá già răng nhọn kia là cả một công trình hiểm nghèo. Đã chắc gì ông sẽ cắn câu, chắc gì ông sẽ chịu cho người ta nắm đầu, lôi lếch thếch từ căn nhà nhỏ màu xanh cho tới phòng bếp sáng loáng để được vỗ béo, chọc cười, chêm đủ thứ nước xốt tuỳ hứng buồn vui của hai nàng ngư phủ ngồi kia, hai nàng bắt đầu lo ngay ngáy bắt phải một con cá ủ ê. Vua Lear chẳng phải thứ người ba hoa. Cô em còn nhớ, dẫu cô chỉ biết ông có mấy năm đầu đời và từ hai mươi năm nay đã có thể kiểm chứng cái cảm nghĩ khi xưa ấy là đúng qua những lá thư ngắn ngủn cô chị nhận được và tức khắc dịch ra, cô chị than phiền giọng thư lạnh lẽo nhưng lại hoan hỉ rằng, tiếng nói gốc nguồn như thể đã tan biến khỏi đầu óc em gái mình, cô trở thành người nhận thư duy nhất, và như thế báo thù những năm trong căn nhà màu xanh mà quyền con trưởng đã chẳng đem lại cho cô chỗ đứng đầu trong trái tim vua Lear. Lão ngốc mê thích cô con út, hồi đó chưa có cặp chân dài mà đã sớm có khiếu bỏ bùa. Nhưng rồi gió đổi chiều. Bây giờ, duy cô chị, người chẳng ăn cháo đá bát và vẫn tiếp tục dùi mài ký ức tiếng mẹ đẻ, duy cô chị có khả năng hiểu ra những câu tối nghĩa của vua Lear. Cô nắm được ông rồi, ông già tàn tạ, mà cô, nào ai có thể hiếu thảo hơn, sắp thắp sáng những ngày cuối đời bằng chuyến đi thần tiên này. Cô say sưa với sự cao cả của chính mình khi điểm cột những con số vừa cộng thêm món tiền không nhỏ sẽ phải chi ra cho vài ngày ở Bờ Biển. Bởi cô chị họ tôi yêu thích biển lắm. Một mối đam mê từ tổ tiên truyền lại. Ít ra cô có điểm ấy chung với ông già. Trong thư ông thường kể những lần ông đảo ra Vũng Tàu. Ông lấy xe đò từ sáng sớm. Ông ghé vào một khách sạn tồi tàn. Các cửa sổ trông ra công trường một cây nấm hoại sinh cao cấp, sừng sững mọc lên nuốt chửng những căn nhà nhỏ. Từ ít lâu nay, bãi biển cũng mang mùi nhà giàu mới. Ngoài khơi mũi đất, những chiếc xuồng máy vun vút phía chân trời. Vua Lear ngồi hàng giờ trên cát ngắm những chiếc xuồng loang loáng trên mặt đại dương. Lâu lắm rồi ông đâu có thấy xuồng ở Vũng Tàu. Nó khiến ông nhớ lại những kỷ niệm lạ lùng. Hai mươi năm trước, ông ngồi cũng chỗ này, hai bàn chân trần vùi trong cát, ngắm những chiếc xuồng. Cũng cảnh tượng này, nhưng một cảnh tượng hoảng hốt. Bấy giờ là hai tuần lễ trước ngày tan hoang. Chuông báo tử đã gióng lên cho bọn nhà giàu đất nước này. Đám người chạy trốn từ Sài Gòn đổ về, từ Sài Gòn sắp thất thủ đến nơi rồi, như lời những kẻ đến sau cùng. Bọn họ làm bộ thung dung như những người đến cốt để hóng gió, lấy xuồng máy đi một vòng. Nửa đêm, những cái bóng chen chúc lên xuồng phóng ra con tàu chờ họ ngoài khơi đưa họ đi xa khỏi cơn bệnh dịch hạch đang tràn vào Sài Gòn. Họ bỏ đi như lũ ăn trộm, nhà cửa không đóng, hồ bơi không tháo nước, chiếc xe thứ nhì không đem vào nhà xe. Choàng dậy ra đi, bằng xe lớn, không tài xế, họ tới Vũng Tàu, mặt mày xanh xám, mắt mũi đỏ ngầu, miệng lầm thầm khấn vái ông thần nhà giàu đừng bỏ rơi họ, những người giờ đã bỏ lại cho cộng sản biệt thự với hồ bơi, đồ cổ Tàu, quầy rượu Mỹ, tài xế gián điệp và tôi tớ phản chủ. Trong khi chờ lên xuồng, họ đi tới đi lui, cứng nhắc chẳng khác lính canh. Đàn bà ưỡn ngực, ngất ngưởng trên những đôi giày đế liền gót, gót cao phát sợ nhưng bên trong đầy nhóc nữ trang đắt giá. Đàn ông, chằm chặp ngó chân trời, hoà lẫn, có lẽ là lần cuối cùng, khói thuốc xì-gà của họ vào bụi đất tổ tiên. Thỉnh thoảng, họ luồn tay vào trong áo sờ cái túi độn giấu ngoại tệ, cái túi độn dẫu sao cũng có thể thành áo chắn đạn nếu mọi chuyện chẳng lành. Ở Vũng Tàu, đám nhà giàu lủi đầu tiên khỏi mảnh đất họ từng vô cùng yêu dấu này, mảnh đất đáp lại đã vỗ béo họ không kể siết. Con tàu đang nguy khổn, bọn khố rách áo ôm chuẩn bị lên ngôi, ít ra nếu vua Lear tin lời bà mẹ vợ, đột ngột tái xuất hiện trước cửa căn nhà màu xanh sau bao nhiêu năm lặng thinh rẻ rúng, ngoài lần duy nhất ngày đám tang con gái bà, chết khi sinh nở, bỏ phế hai bé gái mồ côi. Theo bà ngoại, tốt nhất chỉ nên coi sự yểu mệnh ấy như một ân huệ chữa lại cái chuyện chẳng ra gì khi xưa là cuộc hôn nhân giữa cô con gái khờ dại của bà với vua Lear, đúng là sa chĩnh gạo đến mức lo chôn cất cũng chẳng phải bỏ ra đồng nào, bởi bà ngoại đã từ bao nhiêu năm làm vua các cơ sở tang ma xứ này – và tự thuở có các loài ác điểu, chưa bao giờ lang sói nào vớ được bãi xác chết béo bở hơn. Vậy thì sau bao năm lặng thinh ngạo nghễ, phu nhân Lang Sói, trên đường tháo chạy, dừng bước nơi căn nhà màu xanh. Bà phải cuốn gói cho mau. Bà đánh hơi thấy cái mùi dai dẳng bọn khố rách áo ôm. Bà đã tưởng tượng đầu mình bêu trên một cái cọc, thân mình dầm trong nước mắm, tay chân thì liệng cho chó ăn. Mấy cái chuông con trên bàn thờ tổ tiên đã ngân lên giữa đêm khuya. Rồi ông thần nhà giàu đã hiện ra trong cơn mơ cảnh báo bà. Sáng tinh sương, bà tụ tập quân của bà, dồn cả gia đình lên chiếc xe thật lớn. Và rồi ra đến cửa ngõ Sài Gòn, bỗng đâu hình ảnh hai con bé mồ côi hiện lên nhảy múa trước mắt bà. Bà phải cứu chúng, hai cô chị họ bé bỏng của tôi. Bà phải giật chúng khỏi tay vua Lear, nhét vào chiếc xe thật lớn bên trong thu lu lũ con cháu vẫn do bà cai quản. Nói là làm liền. Phu nhân Lang Sói tới ngay căn nhà màu xanh và đem lên xe hai cô chị họ tôi, hai cô, mắt sáng hồ hởi, tưởng đi chơi bờ biển một chuyến, và vĩnh viễn không trở lại. Vài bữa sau ngày vụ bắt cóc ấy, vua Lear nhận được một tấm ảnh lớn, do một anh thợ chụp ảnh dạo từ Vũng Tàu trở về trao lại, Vũng Tàu nơi đám người trốn chạy khoái trí nếm mùi thú vui của người nghèo và trả tiền gấp đôi mấy tấm phim chụp họ nheo mắt lần cuối trên đất tổ. Trong ảnh, phu nhân Lang Sói, khẳng khiu, khô đét, mặc áo lụa đen, mái tóc chải ngược thẳng thớm, cặp môi mỏng, mắt nhìn thản nhiên, đứng quay lưng ra biển, giữa bầy trẻ nít của bà. Ở hàng đầu, tận cùng bên trái, hai cô chị họ tôi đứng sát bên nhau, rụt cổ như thể hai chú gà con bị bỏ vào tổ chim ưng. Hai chú gà con ra biển, trên một xuồng máy vạch màn đêm đưa họ lên một con tàu, giai đoạn đầu cuộc trốn chạy sang Pháp, nơi phu nhân Lang Sói có những món đầu tư bất động sản, tài khoản ngân hàng và một bộ phận con cái gửi đi trước dò đường. Gấp tấm ảnh làm tư bỏ túi, vua Lear lấy chuyến xe đò đầu tiên đi Vũng Tàu. Hai ngày hai đêm ông ngồi nhìn ra biển, chân vùi trong cát, lắng nghe tiếng rù rù những chiếc xuồng chờ đêm xuống đón đám người trốn chạy ra khơi. Cuối tuần lễ đầu, làn sóng những chiếc xe lớn thưa dần. Những chiếc xuồng bỏ lại trôi bập bềnh trên sóng nước. Tuần thứ hai, bãi biển vắng tanh, đêm nào cũng êm ả. Xe đò thôi còn đến Vũng Tàu. Vua Lear lắc lư đằng sau một chiếc Honda về tới Sài Gòn, nơi cộng sản vừa đặt chân vào.

Tốt hơn có lẽ nên quên mấy ngày ra bờ biển đi. Nó lay động quá nhiều chuyện. Cô chị cho rằng thôi một tuần về miền quê là đủ rồi. Viễn tượng mấy bữa ăn trên bãi cỏ[7] và các buổi tối bên lò sưởi giữa chốn quê mùa khiến cô em nhăn nhó, đôi chân dài cố nhiên thích cái bọn dòm ngó ngoài bãi biển hơn. Nhưng, chẳng đóng góp được xu nào, nàng mỹ nữ cũng đâu có quyền góp ý kiến. Cặp giò xinh đẹp đành chuẩn bị, một chủ nhật mùa thu, làm mồi cho đàn kiến. Cô rút trong túi một điếu thuốc khác, kẹp giữa mấy ngón tay, không đốt lên, dáng trầm ngâm, cùng trong lúc cao giọng mơ màng. Giá đến Grand Hôtel một cuối tuần thì hay hơn biết mấy. Hay là, cho bi luỵ hơn, một tối ở một khu giải trí giống như khu Prater[8] mà cô đã thấy trong một phim trinh thám đen trắng. Cô ưa như thế, những tiếng la, tiếng cười, đèn đuốc, đám đông trước những hàng bắn súng, chỗ những người máy, tay thọc trong miệng sự thực[9]. Cô sẽ lên bánh xoay lớn, cô sẽ đi một vòng scenic railway[10]. Cô sẽ vừa ăn kẹo kéo vừa hát nho nhỏ Chà, anh sẽ đưa em đi scenic railway. Đừng hờn rỗi nữa, chịu rồi nhé. Chà, anh sẽ đưa em đi scenic railway. Những xúc cảm ấy, dễ quá mà. Chà, anh sẽ buộc chặt em trên scenic chà chà. Cô sẽ mặc váy xếp nếp trắng, cái váy sẽ bay lồng lộng, và, khắp xung quanh, sẽ có hàng chục con mắt hau háu nhìn cô. Hành lang những tấm kính sẽ chiếu phản ánh dị dạng của cái kẻ bỏ bùa mê mà hờn giận đã bắt đầu làm ngứa ngáy đầu mũi. Bây giờ thì nàng mỹ nữ trở lại tâm hồn trẻ thơ, chăm chút quả táo chua, thật mướt khi mó vào, của mình, bao thất vọng đã gánh chịu chỉ làm đảo ngược nét cong miệng cô, vẽ nên một mảnh trăng lưỡi liềm chúc xuống. Mỗi sáng, trong căn hộ một phòng phố Hầm Nước Đá của cô, trước tấm kính bồn rửa mặt, cô lập đi lập lại một cử chỉ : cô giơ lên hai ngón tay thành hình chữ V, ấn vào hai khoé mép, lẹ làng đẩy lên cao. Nhưng thế nào mảnh trăng lưỡi liềm cũng lại chúc xuống và lớp màn tức tối lại phủ lên gương mặt non trẻ của cô, bởi Théo nhà ảo thuật đã khua đũa bốc lên cả một cuồng phong hy vọng, tan ra tức thì thành bụi bậm chua chát, một thứ bụi hiểm độc, làm cay mắt nàng mỹ nữ, làm mờ nước da cô, làm nhớp nháp mơ mộng của cô, làm xám xịt ngày tháng của cô - những ngày tháng chẳng cần thế cũng đâu khác một dọc những hòn sỏi bé, tròn, xỉn, xếp theo một thừ tự nhỏ nhen, do một tình cờ thiếu vắng tưởng tượng. Ấy thế nhưng cô vẫn cứ hy vọng. Một chuyện gì đó sắp xảy đến, sẽ xáo lộn ván bài. Cô đặt cuộc vào ngày vua Lear đến. Dẫu rằng, hiện giờ, đúng ra viễn tượng cuộc trùng phùng khiến cô ngáp dài chán ngán, một biến cố như thế tất sẽ lay chuyển nền tảng con người cô, tô sắc hồng thắm cho mấy hòn sỏi bé độc điệu. Và lớp bụi chua chát, đọng giữa tim cô, sẽ được rửa sạch. Cô nghiền ngẫm bao nhiêu ý nghĩ ấy, con mắt ngái ngủ, mấy ngón tay vặn vẹo điếu thuốc vẫn chưa đốt gẫy làm hai. Cô cầm hai mẩu điếu thuốc, chăm chú xé lớp giấy, đổ hết thuốc lên bàn, gom lại thành một đống nhỏ, chia làm hai, rồi lại chia làm hai, trước khi vun trở lại cái đống nhỏ mà cô lại chia một lần nữa nhưng đổi hình vẽ, và cứ thế, chậm chạp một cách mê hoặc, trong khi, trước mặt, cô chị đều đặn buông rơi, như một vòi nước nhỉ giọt, những con số và những đồng tiền, tách lần với một giọng chẳng đổi thay. Cơn buồn ngủ ập xuống phòng bếp sáng loáng. Đầu tựa khuỷu tay chống trên bàn, cô em xoa mũi, hai hàng mi khép hờ, môi dưới bĩu ra hờn dỗi. Còn phải chịu đựng vài giờ nữa thôi. Biết đâu chừng kẻ thiền định ngày chủ nhật sẽ từ trung tâm tụng niệm trở về trước bữa ăn chiều. Trong khi chờ, cảnh trí thật ủ ê, không khí thiếu gia vị. Lại thêm một ngày chủ nhật mất toi, kẹt cứng giữa cái bụng tròn và Con Bé Cụt Tay - kìa nó lại gãi mỏm cụt rồi. Nó cứ thế đấy hễ có ai ngó nó. Nhưng lần này dường như kém phần thần cảm. Hẳn nó tiết kiệm cơn cuồng nộ đoán già đoán non của nó. Để dành cho chiều nay trong bữa ăn, như thế sẽ còn đáng ghét hơn, ly kỳ hơn. Được thêm một cơn giông bão, và thế là cô thày bói cụt tay bốc lên tầng trời thứ bảy, từ trên đó nó tất mong đợi ngắm nhìn cảnh tượng những đổ nát đã báo trước. Nó thủ vai những nàng trong trắng, những Antigone, những Cassandre[11], hết thảy cái lồng trinh bạch ấy. Cái hầm mộ vô nhiễm thì đúng hơn. Thây ma, nó chất đầy các tủ, nhưng lục lạo các rãnh lương tâm bất an của nó thì cấm ngặt đấy. Chẳng bao giờ nó nói tới cả. Cô nàng khuyết tật giấu bí mật của mình mà đi dạy dỗ kẻ khác. Phải để vua Lear yên, nó bảo thế, choàng những lớp y phục màu tối, những quần rộng thùng thình với những áo nóng ngốt mà cũng chẳng khiến nó đổ mồ hôi. Thật đáng ngờ, nhất định rồi, cái thân xác chẳng bao giờ đổ mồ hôi, chẳng để thoát ra cái gì. Không bực tức sao được, nó cứ lẩn quẩn bên ta, với cái điệu bộ chuyện nào cũng biết, với mớ tóc cắt vụng, những kiếu cách cái Cô-tai-hoạ-thì tôi-biết-hết, và cái mỏm cụt thình lình thọc vào lưng ta, ngay giữa hai xương vai. Khiến ta hét lên hoảng hốt. Mà như thế cũng đâu thấm gì so với những dàn cảnh của nó. Như lần nó đến bấm chuông cửa căn hộ một phòng phố Hầm Nước Đá, giữa đêm khuya, mặt, cổ, tay đầm đìa máu. Nắm tay vẫn chưa buông lưỡi dao cạo. Tay, trán, họng rạch ngang rạch dọc. Ngó kỹ hơn, chỉ là những vệt đứt qua loa thôi. Chẳng đủ chọc tiết một con mèo con nữa kia. Nó đã cẩn thận, cái con đượi, không đụng đến mặt. Duy vài đường rạch phớt nhẹ, như những nếp nhăn dính máu, trên trán. Nó đã sắp xếp trong khi bình thản ngó mình trong gương phòng tắm, mỏm cụt tì trên thành bồn rửa mặt, và mấy ngón bàn tay phải kẹp lưỡi dao cạo chẳng run tí nào. Trang sức đâu ra đấy rồi, thoả mãn với kết quả trong gương rồi, nó chạy vụt tới bấm chuông cửa căn hộ một phòng phố Hầm Nước Đá. Nó đứng đó, trên nấc thang do ngọn đèn nhỏ hành lang rọi sáng. Nó đứng đó, mặt mày ngây ngất như thánh tử đạo, cái chuỗi đỏ quanh cổ và máu khô trên trán, cứ như dọc đường nó đã đánh mất vòng gai của nó. Thế là phải săn sóc nó, khóc vì thấy nó thân tàn ma dại đến thế, ứa nước mắt vì thương, vì sợ. Trong lúc đó, con đượi vẫn tỉnh như không, bộ tịch một ả tai hoạ thì đã quá biết, nhổ nước miếng vào các thú vui tầm thường, mỗi sáng hít thở những làn hơi tẩm độc của những cái đầu suy tư xếp thành hàng phía trên giường nó, rồi đêm nào đêm nấy hết đan lại gỡ mạng lưới buồn khổ của nó, nhưng buồn khổ thuộc loại cao cấp kia, loại ta học trong sách vở, tôilàaitôiđiđâutôilàmgìvớimụcđíchnào, cả một tràng cà khịa như thế. Dư đủ để nhét cho đầy gánh nặng của ta, nếu có lúc ta bị vô tư quyến rũ, dư đủ để đẩy ta ủ dột cho đến hết đời. Ở Con Bé Cụt Tay, đó là một thứ buồn khổ đặc biệt, đúng hơn, một thứ kiêu kỳ rầu rĩ, một thứ cao ngạo của thây ma. Mỗi khi có những cuộc họp mặt tay ba ngày chủ nhật, bao giờ nó cũng ở lì trong xó của nó, cứng ngắc như pho tượng Tướng Quân[12]. Cái kiểu, với những lời dạy dỗ, những lời tiên tri của nó, khiến lửa ăn năn nuốt sống ta mà chẳng cần chìa tay lôi kéo ta. Nó mang sẹo mấy tuần lễ, nhất là ở cổ. Nó mua một cái khăn quàng đỏ. Cái lối nó quấn khăn làm người ta chỉ thấy có thế thôi (Cô nàng vẫn còn muốn nếm mùi nguy hiểm đấy!). Và nguy hiểm đem lại cho nó một vẻ kiêu sa, đau thương, một vẻ phải nhận là rất hợp với nó, còn khiến cái trò con con thánh tử đạo của nó có một chút sâu sắc nữa kia. Lúc nào nó cũng tìm được cách để người ta tưởng nó là một kẻ thảm hại. Trong khi xét cho kỹ nó may mắn quá rồi, với số tiền trợ cấp người tàn phế, cho nó trọn vẹn thì giờ, nó chẳng phải làm gì khác ngoài việc hành hạ bộ óc mình, cố tự khiến mình khổ sở hơn một chút để chứng minh hữu lý những cái đầu thê lương xếp thành hàng phía trên giường nó. Đầu những kẻ lệch lạc, hà vào nó hơi thở người chết của họ. Nó làm ai cũng bực dọc với cái thói tiên tri chuyện tệ hại nhất và những câu dạy đời sầu não của nó. Một cú thúc nhẹ tới vực thẳm, nếu có lúc ta còn quá hưng phấn để thức dậy buổi sáng và thấy cả đêm đâu có gì thay đổi, gánh nặng vẫn trĩu trên vai. Có điều vào tuổi mười bảy cái túi trên lưng chú lính tí hon nhồi đầy những mộng mơ, bấy giờ mình cứ tưởng thế nào cũng sẽ bám được vào đỉnh cao mà cắm cờ, và rồi, sau bao lần té lên té xuống, lá cờ rơi mất, và giờ đây mình bắt đầu chỉ hy vọng bấu víu được nơi nào đó giữa đường, vì các ảo tưởng đã hoá thành đắng cay và đắng cay, nó làm ta chồn bước. Nản chí, đó là hết thảy những gì cuộc đời dạy cho ta. Nhưng nó trốn đâu rồi cái lò-xo khiến ta bật dậy đi đón xe buýt tới tận viện thăm dò dư luận, rồi lên thang máy tới tận cái ổ mấy đứa thăm dò ranh con, rồi lại xuống thang máy tới tận nhà ăn của đám thăm dò ranh con và đôi khi dừng lại ở gác lửng, nơi, đứng trước máy bán cà-phê, đám thăm dò ranh con mưu mô cho mình một tương lai rạng rỡ? Dẫu sao, chỉ là để có chuyện mà nói thôi, bởi thế sự thì như thế, và mấy tên khôn ranh nhất trong đám thăm dò ranh con đều đồng ý bảo rằng mọi chuyện chẳng tốt lành gì, thà đi đều bước trong khi chờ tiếng cồng định mệnh. Một hồi chuông inh ỏi rũ phòng bếp khỏi lớp sương mù ngái ngủ, trở lại sáng loáng như mỗi ngày chủ nhật. Cô em ngẩng đầu lên, xù lại mái tóc, phác nhanh một cử chỉ xua đuổi mớ ý nghĩ bao lần gậm nhấm làm mờ đục trán cô. Trước mặt, mắt vẫn còn thất thần vì trùng trùng những con số vừa nhảy múa vừa ca bài ru cái két bạc, cô chị đứng bật dậy và, sửa lại búi tóc lệch, đến bên mảng tường gạch gắn phía trong là cái lò lớn có một tay gạt và những nút thật to bằng thép crom, một thứ đồ cổ tu sửa theo thị hiếu hiện đại có một cái đồng hồ cứ lâu lâu réo lên những tiếng rít điếc tai phải tắt bằng cách nện vào mặt trơ trơ cái lò cổ lỗ. Mấy nắm đấm mạnh mẽ tức thì tái lập yên lặng cho gian phòng. Cô chị họ tôi thở ra một hơi dài, dụi mắt tựa lưng vào lò. Cô vuôn vai, xoa bóp cổ, vừa ngáp vừa đặt tay lên bụng. Cô thèm tới ngả mình trên cái tràng kỉ kiểu Anh mua cho vua Lear và tạm thời kê trong phòng ăn. Chiều nào cô cũng tới đó nằm dài nghiên cứu sách dạy nghệ thuật chuẩn bị tương lai rạng rỡ cho các hoàng tử nhỏ. Phải chi cô em và tôi chịu dời gót, phiên họp có thể tái tục bên giường nữ hoàng, nữ hoàng nào có thích gì hơn là cứ nằm dài, trong tư thế trễ tràng, mà bài binh bố trận, phân phối vị trí cho mỗi người trong cuộc thư hùng sắp tới. Tình trạng mình như thế, quả cô có quyền. Và rồi, tiền thì đầy hai túi, lại miệng lưỡi hoạt bát, thực tế là quyền trong tay cô. Không có nữ hoàng, cụ cố cứ việc rục xương trong cung điện đổ nát của mình, cô con gái kia của cụ cứ việc ngồi đấy, cặp giò đẹp cứ xếp vào lại duỗi ra, buông những tiếng thở dài bộc lộ hết nỗi hiu hắt bất lực của mình. Xoay qua hướng nào nữ hoàng cũng nhận ra chứng cớ mình cần thiết cho cái lúc trọng yếu này : người canh gác một kho tàng, người nắm giữ một thần chú, không có cô thì thư từ lép bép của vua Lear sẽ chỉ là thư chết, và viễn ảnh cuộc trùng phùng sẽ chìm sâu trong lớp sương mù dày đặc nơi con bé mộng mơ với cặp chân dài kia xây đắp lâu đài của nó. Cô chị đã khôn ngoan tích trữ đủ thứ, tiền bạc rủng rỉnh và nói năng gang thép. Cô học được từ bà ngoại. Hễ chọn đúng đường rồi thì níu cho chặt, đừng để lọt mất gì hết, gói bó cho kỹ, cái cũ cũng như cái mới, theo luật lưu trữ tối đa, điều răn thứ nhất của Phu nhân Lang Sói, chẳng còn đấy để ban phúc cho sự tôn trọng các giáo điều của bà, tuân thủ một cách sùng kính quá thể, đến mức tất cả, trong ngôi nhà mới, từ các sách dạy nấu ăn cho đến búi tóc ngay ngắn của bà chủ, tất cả có vẻ được bố trí tại đấy hầu vinh danh vị phu nhân quá cố. Giữa những tiện nghi tân tiến nhất, ngọn lửa truyền thống vẫn cháy, dưới tay chăm sóc của nàng nữ tế bụng căng tròn, sự chăm sóc lại càng nồng nhiệt vì, về chuyện khơi dậy lửa cội nguồn, chẳng thể trông chờ nơi Con Bé Cụt Tay và cặp chân dài (Hai đứa đánh bài chuồn từ lâu rồi. Những quân đào ngũ nhất hạng! Chăm chăm dập lửa, đạp tro để không bị phát giác. Quậy gốc rễ chúng đến mấy cũng chẳng tìm được gì. Con Bé Cụt Tay nén thèm gãi mỏm cụt bằng cách chúi đầu vào một trong mấy cuốn sách lúc nào nó cũng dúi trong túi. Trong lúc đó, cặp chân dài, thoáng bứt rứt, tìm lối thoát – mau, mau, trước khi bàn thảo hoá thành cụng đầu). Nói cho cùng, chỉ có mình cô thôi, cô chị họ tôi với cái bụng tròn quay, cái đầu tỉnh táo và quả tim vững chãi, chỉ có mình cô chăm sóc gốc rễ của mình, vô cùng đẹp, vô cùng lành mạnh (So với cái gốc bệnh hoạn đầu độc Con Bé Cụt Tay và những sợi rễ con bồng bềnh xoắn xuýt bíu quanh cặp chân dài. Cứ nhìn hai con bé lạc lõng chỉ chực điên đảo mà tội nghiệp. Khi thì chúng ảm đạm như hai con tàu ma bật khỏi đường rầy. Khi thì bừng bừng như mấy con quay nhảy múa trên mặt nước. Tuỳ ngày, chúng nhái nỗi buồn ghê gớm hoặc làm bộ cóc cần đời. Với một cái la bàn phát khùng, chúng chỉ làm được có thế thôi – nhũng trò trẻ con, một cảnh tượng thảm hại). Trước cảnh đó cô chị họ tôi với cái bụng tròn quay và gốc rễ bền chặt càng tự khen mình lại có cả lương tri đủ vững vàng để tống xuất nỗi buồn vô bổ và không ngao ngán mọi khó khăn, trong khi hai con bé mất trí nhớ xoay như chong chóng giữa hổ nhục với khinh rẻ, giữa ăn năn với trâng tráo, như lúc này, hai đứa bị bỏ mặc, mặt đối mặt trong phòng bếp sáng loáng.

Tôi chần chừ bên bồn rửa chén, uống một cốc nước đầy. Cô em gom vào lòng bàn tay thuốc lá vãi trên bàn, đem trút vào thùng rác dưới bồn rửa chén. Đến lượt cô cũng tự rót cho mình một cốc nước và uống một hơi cạn. Một hạt nước lóng lánh trên làn môi dưới của cô. Bàn tay cô thọc nhanh vào túi áo tôi lôi ra cuốn sách nhỏ tôi đem theo. Cô mở bừa cuốn sách, chăm chú đọc, hai mắt mở lớn, ra vẻ một cô học trò ham mê hiểu biết. Hễ cô nàng trương cờ gióng trống như thế, điều khôn ngoan nhất, cho địch thủ bị nhắm đến, là tập trung tâm trí để đối phó với ngón đòn quyến rũ cô sắp sửa tung ra. Chiến thuật của cô nàng rất bền bỉ và vô cùng hiệu nghiệm. Ngay cả cô mỗi lần cũng phải ngạc nhiên về kết quả đạt được. Cô thì phải khó hơn nhiều mới bịp được cô. Không bao giờ, nếu cô số đỏ hơn, có ai khiến được cô nhả tiền của ra như thế, bằng vài lời lẽ ngọt ngào. Tuy rằng... Nghĩ cho kỹ, Théo ông thần chao đảo trên bệ quả đã giở bao ngón tài tình để trấn lột cô đấy kia. Suốt ba mươi sáu tháng cô cho chàng miếng ăn chỗ ở, đổi lấy những bài diễn văn tràng giang đại hải về những ngày mai huy hoàng; nhưng sáng nào sáng nấy vẫn tiếp tục mọc lên trên căn hộ một phòng sát mái khai mùi nước đái con mèo đem về cuối năm ngoái dùng làm trung gian, vì từ nay Théo chàng phù phép đã rớt mặt nạ bị chặn đứng mỗi lần toan khoe khoang với cô nàng quyền năng cây đũa thần của mình. Cô thà nói chuyện với con mèo, nó điềm tĩnh lắng nghe cả hai bên và được cả hai bên ve vuốt đến nghẹn họng. Giờ đây mắt đã hết nhoè và hoá ra có chú miêu bên mình rất là đắc thế, cô chị họ tôi nghiền ngẫm cách tống xuất ông thần ký sinh của mình. Ông thần, hồi nắm chắc quyền sử dụng căn hộ một phòng sát mái rồi, đã tức thì đào thoát hàng ngũ đám thăm dò ranh con để dành trọn thời gian suy đi tính lại kế hoạch thăng tiến cấp kỳ của mình. Trong khi chờ vị chiến lược gia đại tài moi ra được cái thang thích ứng, tất phải lo miếng ăn chỗ ở, chưa nói đến rượu huýt-ky thấm đẫm mỗi ngày cứ đêm xuống là tan thành cơn mê sảng cao sang ngộp chìm trong lớp sóng những hứa hẹn choáng loà. Muốn ngồi yên chỉ tay năm ngón trong khi nghiền ngẫm bài binh bố trận, vị chiến lược gia tuý luý càn khôn không thấy giải pháp nào khác hơn là phái nàng mỹ nữ của mình đến viện thăm dò dư luận thêm vài tháng, vài tháng thôi. Và cô chị họ tôi cũng đã đồng ý. Nhất thiết không buông vạt áo ông thần, cô sẵn sàng lo giùm chàng những việc tầm thường trong khi chàng xây đắp những kế hoạch xa vời, nằm ườn trên tấm nệm bông như một con bọ hoang tưởng, tì tì nốc Johnny Walker. Cô còn hăng hái với nhiệm vụ nữa kia. Nàng chiến sĩ thức dậy từ trước khi kèn thổi, chạy vút đến viện thăm dò, làm phụ trội, khuya mới trở về, tay ôm đầy hàng đi mua vội vàng trong giờ nghỉ trưa thay vì xuống nhà ăn, nơi bọn thăm dò ranh con mưu mô nới lỏng một đốt ngón tay bộ quần áo chật ních không để cho chúng vỗ cánh chọc thủng cửa kính viện thăm dò mà bay bổng. Câu hỏi của nhà thăm dò bay lượn trên trời cho kẻ qua đường còn ngái ngủ nhưng phải vội vã đi chui đầu vào cái cùm thường nhật, Bạn đã bao giờ được bay bổng chưa ? Chưa bao giờ - đôi lần – hiếm lắm. Bạn đã được bay bổng thì trong trường hợp nào ? Để thoát khỏi văn phòng ? khỏi xe hơi ? khỏi xe điện ngầm ? khỏi bàn ăn gia đình ? khỏi chiếc giuờng vợ chồng ? khỏi nỗi cô đơn ghê gớm của bạn ? Cô chị họ tôi chẳng màng gì bay bổng. Cô chẳng ưa gì những mộng tưởng học trò, những viễn mơ bé nhỏ thảm hại. Dù bám chặt đất liền, cô vẫn có thể vươn cao, với cặp chân dài của mình, khi giờ đây cô đã tóm được một ông bầu cho chúng. Chỉ cần kiên nhẫn thôi. Để cho cô hào hứng, Théo ông bầu tối nào cũng phô phang các dự án vĩ đại của mình, miệng nhồm nhoàm những món ăn ngon ngọt do tay nàng mỹ nữ về đến nhà là chúi vào xó bếp nấu nướng. Tiếng Théo trùm lấp tiếng xèo xèo miếng thịt rán vàng trong chảo. Ông bầu không chút do dự sử dụng các kỹ xảo. Có hôm các đèn chiếu quét một ánh sáng siêu nhiên lên một hãng sản xuất vừa mới tạo dựng (cặp giò đẹp phải đóng xi-nê, tất nhiên rồi), nhưng hôm sau, cũng giờ ấy, giờ uống rượu khai vị, mọi bài trí hãng sản xuất lại đã dọn sạch. Thay vào đó, mọc lên một công ty nghệ thuật. Lần này không phải khoác lác đâu nhé. Théo vừa mới gặp lại một vị tai to mặt lớn Théo từng là bạn nối khố trước khi dạt vào viện thăm dò dư luận. Vị tai to mặt lớn rất muốn nhập cuộc. Lo tài chánh cho công ty nghệ thuật. Chỉ còn việc tung cặp giò đẹp ra thị trường nữa thôi. Sau đó thì vĩnh biệt căn hộ một phòng sát mái với tấm nệm bông và cái bếp điện. Théo sẽ khiến từ lòng đất mọc lên cho công chúa của mình những lâu đài đúng ý nàng. Nàng sẽ chỉ việc lựa chọn trong cuốn danh mục của pháp sư mà thôi. Một căn hộ trên nóc nhà. Hay hơn nữa, một ngôi nhà nhỏ, riêng cho hai người, tân trang toàn bộ, từ mái cho đến vườn, và, đậu phía trước là hai chiếc xe, một chiếc lớn, thật sang, và một chiếc nhỏ, thật xinh, tha hồ cho đôi chân biểu diễn. Các giang sơn của Théo người niệm chú dựng nên vào giờ rượu a-nít, sụp đổ ngay khi vang tiếng kèn sớm mai. Cặp giò đẹp trở lại con đường cực hình dẫn đến viện thăm dò dư luận. Nhưng hồi đó không gì lay chuyển được niềm tin của cô chị họ tôi, một lòng một dạ với các ảo vọng hứa hẹn và làm việc cật lực đợi ngày đắc thắng. Phải hai năm ròng rã cô nàng mới hết say những lời rao giảng của chàng đệ tử Lưu Linh. Mười hai tháng còn lại, ông thần ký sinh bám níu dai như đỉa thiên đàng đánh mất của mình. Tuy nhiên, nếu như ông vẫn được phép tạm chiếm nửa bên trái tấm nệm bông phân cách với nửa bên phải bằng một thanh gươm vô hình, ông bị tước dần mọi mật ngọt chốn địa đàng. Johnnie Walker không còn một giọt. Dàn tủ lạnh chạy không. Cô nàng vẫn về khuya như trước, nhưng sau khi đã ních một bụng đầy bên một chú bé thăm dò vui nhộn nào đó. Thế đấy! Chiến tranh thì chiến tranh chứ. Người nào có chiến hào người nấy. Thây kệ cái xác máu me của Cupidon[13], có loài dòi bọ hôn hít. Sau hai năm chốn thiên đàng giả tạo, tâng bốc lẫn nhau, nay đến giờ lăm lăm dao sắc, đến lúc cào xé nhau bằng mũi dao quắm - khi còn để tâm, điều ngày càng hiếm, bởi mãi rồi thì sự dửng dưng đã đến ngự trị, với mặt nạ bằng phấn, cái nhìn nửa vời, mấy nếp nhăn chán ghét bên khoé miệng. Dửng dưng sau cùng thế nào cũng lấn lướt. Sau tình cảm thì đến lượt dao cũng mòn. Rút khỏi vỏ nào còn ích gì. Cái thây ma trước mặt chẳng buồn nhúc nhích nữa kia. Thà giẫm chân lên. Đâm sầm vào tàn vật hạnh phúc. Khắp căn hộ sát mái ngổn ngang mảnh vụn của ông thần bị hạ bệ. Cô chị họ tôi vung chân đá mỗi khi bước ra. Khi trở về, cô dùng làm đồ chùi chân. Tiếng rạo rạo các mảnh vỡ nghe thật êm tai. Nhưng cái thây ma chưa chịu đầu hàng. Vẫn còn đôi lần vùng dậy, chuẩn bị kỹ càng, trong căn hộ sát mái tĩnh mịch, nơi lảng vảng con mèo mới được đón về, nơi điện thoại đã bị cắt, vì cô nàng dứt khoát không chịu trả tiền những mê sảng vô tích sự gã sùi bọt mép nhả vào máy, trong lúc tán ma tán mãnh cô thư ký thứ hai của một vị tai to mặt lớn, cô này ậm ừ bên kia đầu dây, hệt con mèo, ơ thờ như một ông hoàng, để mặc người ta ve vuốt mình. Mùi đổ vỡ sặc hai lỗ mũi. Gã ký sinh được lệnh thu xếp hành lý và, trong khi chờ, được yêu cầu vặn nhỏ những ba hoa hoang tưởng của mình. Anh kép vụng phải đổi màn tuồng thôi. Làn sóng những hứa hẹn choáng loà lùi xa, nhường chỗ cho một dòng thác nước mắt cùng những than van nấc nghẹn đổ lên đầu cô chị họ tôi mỗi lần từ viện thăm dò trở về cô đẩy cửa bước vào căn hộ một phòng. Hết trò bịp rồi. Lấy đàn sáo, lấy khăn tay ra. Màn kéo lên cho âm hưởng chói tai những luyến láy, những sùi sụt. Anh kép vụng đánh nước bài liều cuối cùng, hai mắt đỏ ngầu, hai má xanh mét, hơi thở gấp rút, cái sơ-mi lụa cũ, nhàu nát, mở toang trước bụng, bộ quần áo bằng dạ dính đầy vệt mỡ, một chân trong dép lủng lỗ, chân kia đi tất lụa đen, điếu thuốc lá run rẩy bên khoé miệng. Đầy đủ lệ bộ vũ khí của kẻ thất cơ hào nhoáng, số kiếp phải nghèo rớt mồng tơi, vì cứ lội ngược dòng những tham vọng nhỏ nhen, va đầu vào bức tường không hiểu biết. Bây giờ mọi ngón ảo thuật chẳng còn ăn thua gì, chàng Théo khiêm nhường giở trò yếu đuối, tối tối đọc kinh xưng tội, tin chắc ở khám phá tâm lý mới nhất của mình, tức là với các cô nàng trước tiên phải kích thích ham muốn danh vọng của họ, sau đó, khi mọi chuyện không trôi chảy nữa, kích thích hảo tâm, bản năng an ủi, tật ham cứu chuộc của họ. Những kẻ bị số mệnh dập vùi, chỉ đám đó mới thọc léc được hạch nước mắt mấy nàng bảo mẫu ấy. Chỉ cần giả bộ gục ngã là mấy nàng chìa tay cho ta ngay. Để tự ngó mình trong hai con mắt chú cẩu quýnh quáng của ta và tự nhủ mấy nàng đâu có thiếu ưu điểm. Tưởng ta nâng họ lên cuộc sống giàu sang, hoá ra là họ đỡ ta dậy. Ta mà khéo uặn oẹo thiểu não thêm, khạc ra hối hận cùng với đờm dãi, các nàng sẽ lại càng ngất ngây xúc động. Nói cho cùng, khó quái gì đâu, chuyện tình với các cô nàng. Khi hết còn bịp được họ thì chỉ việc để họ khinh ta một chút. Họ thành cao thượng hơn. Và, từ trên đỉnh tự ái đã tái chinh phục, họ ngó ta như một món đồ chơi cũ kỹ gẫy vụn họ đã dán lại nhưng bất cứ lúc nào họ cũng có thể bóp nát bằng mấy ngón tay đài các. Một món đồ chơi cũ kỹ gẫy vụn, ấy thế cũng còn hơn là cô đơn. Ta thủ thỉ bên tai họ như thế, để họ phải nghĩ ngợi. Chắp vá cho họ một cái bệ đá hoa giả rồi, ta hãy bò lê dưới chân họ, cho hạch nước mắt ta ứa ra vì họ, tối tối giở đủ kiểu thở vắn than dài, dành cho họ, cho mấy con bé ác mỏ ấy, những luyến láy du dương nhất. Các nàng tất không bỏ rơi ta ngay đâu, màn tuồng mới vừa thử mà thôi. Hãy để các nàng thử tưởng tượng căn hộ một phòng vắng tanh, chẳng có chú khuyển liếm láp tay mình. Chẳng có những tiếng sụt sùi của vị chúa bị hạ bệ. Chẳng có gì ngoài tịch mịch, cô đơn, lạnh lẽo. Và, để xua đuổi các bóng ma, thỉnh thoảng là một gã thăm dò ranh con. Một kẻ qua đường thuộc loại biết điều biết lẽ, trí tưởng tượng chậm như sên, muôn đời chẳng hiểu thế nào là phóng khoáng, duy lúc tới lui mới có được chút ít ứng biến. Phải động viên đủ hết cảm hứng đểu cáng mới mong đạt chiến công. Thế rồi cái kẻ làm nên những kỳ tích nằm lăn ra, ngủ một giấc thật vang động. Trong khi ấy, các cô nàng mắt thao láo ngó trần nhà, tai nghe cái đầu máy xe lửa con con hú còi, chói lói, báo hiệu khởi hành về giấc ngủ mê mệt, mũi ngửi mùi nước đái dê phảng phất trong phòng từ lúc kẻ học đòi làm dâm thần hăng hái tháo bỏ đôi tất. Thế thì thà giữ lại anh kép vụng dễ thương, mùi mồ hôi đã quen thuộc, hai tròng mắt lúc nào cũng sẵn sàng bốc lửa, cái lỗ miệng tuôn trào, cốt làm vui mọi người, những tràng mê sảng và khổ não. Chú khuyển khẩn cầu cứ lầm rầm như thế, chút nào choáng váng vì luồng gia tốc những suy tư trở cờ của mình, nhưng nhất quyết không chịu để mình bị tống khứ. Chàng Théo bợ đỡ giở trò đằm thắm, ngọt ngào. Chàng hoàn toàn là phục tùng, thấm đẫm mật ngọt với dầu thánh. Ngón này thành công tuyệt diệu. Cái thây ma, đang bốc rời, sống một cuộc phục sinh trọn vẹn. Thanh gươm vô hình khi trước chia đôi tấm nệm bông nay bay mất. Như những ngày đầu tiên, Théo lại chiếm lĩnh được cặp giò đẹp, đã chút nào chán chường chay tịnh và sẵn sàng, những lúc nhá nhem, múa vài điệu ô trọc, kèm những uốn lượn đôi mông. Đủ khiến điêu đứng hết lũ khuyển trên trái đất này. Théo lại càng dốc sức điêu đứng hơn. Bởi, với các cô nàng, ai biết được ngày mai sẽ ra sao. Suốt hai đêm, căn hộ một phòng sát mái cứ như diêm phủ, nơi Théo kẻ chinh phục bấp bênh gầm rú, mõm liếm láp mảnh đất tái chiếm, mũi say sưa hít hà của trời cho, bốn cẳng in dấu ẩm ướt lên từng mẩu thịt da buông thả. Đến ngày thứ ba, cuộc hội phóng đãng chỉ còn là một kỷ niệm. Cặp giò đẹp, chợt nhớ đến phẩm giá, cương quyết rút về thế thủ, con phố Hầm Nước Đá trở lại xứng danh hiệu của mình. Căn hộ một phòng sát mái lại mang dáng vẻ cánh đồng thảm đạm và, dưới tấm màn cáu kỉnh, giận dữ, Théo với cô nàng của mình, rút súng còn nhanh hơn cái bóng của họ, nung nấu sùng sục hờn oán cũ. Thế là lại khởi sự một vòng nữa. Mấy cái máy khoét lại hoạt động, cái máy nghiền các ảo mộng làm các bánh xe nghiến ken két, các ảo tưởng vỡ vụn ăn vào cơ thể tựa những cái nẹp. Thế nào cũng thành hoại thư. Thành thù hận nhưng nhức mủ. Thành sầu bi dày từng lớp. Và sau chót một cuộc giải phẫu cắt bỏ ái tình. Cắt bỏ mau lẹ và chẳng đau đớn gì, rồi ai đi đường nấy, tơ lòng chết cả nhưng tim co thắt thì chẳng còn vì ai ngoài chính mình. Cô chỉ còn đợi có thế thôi, cô chị họ tôi – chờ thanh gươm vô hình chặt đứt hẳn, rũ bỏ dứt khoát cho cô cái chú khuyển không còn biết ngay cả việc sủa lên những câu chú thần sầu xoa dịu được cô nàng. Chuông báo tử đã vang lên, không nài được nữa. Trên đường biệt xứ, một chuyển biến tối hậu cứu thoát Théo. Hai đêm cô nàng trở lại phục tùng ông thần mất ngôi, hai đêm ấy để lại dấu vết. Một hạt giống gieo mầm trong bụng tín nữ lại sa vào tà giáo. Théo kẻ bị phế truất, phút chót được níu lại, suýt ngất xỉu vì xúc động. Thật là cơ may của loài sán lãi! Đấy, vai trò mới đấy, dâng tận tay bưng tận miệng. Chú khuyển sắp có thể bám chặt sân khấu và đổi màn tuồng. Chú đã nhểu dãi phụ tử rồi kia đấy. Cái mõm bốc lửa lại bắt đầu khạc ra hứa hẹn với mộng ảo. Ông thần Théo tức thì lại trèo lên bệ, trong khi chờ tấn phong kẻ nối ngôi. Thế nhưng cô nàng chẳng chút đồng tình. Lệnh biệt xứ đình lại, kẻ đồng lõa được níu đuôi áo chỉ do mục đích duy nhất mau chóng sắp xếp giấu nhẹm tang vật. Théo ỳ ra nhận lãnh cú đấm móc. Điều quan trọng là được xử án treo và, trong vài tuần nữa, còn móc được mấy cái vòi run sán của mình vào hang động ái tình. Chưa kề là, túng thì phải tính, Théo có thể chuyển hoá tức khắc khát vọng làm cha lù mù của mình thành sự chờ đợi anh dũng và bất khuất nỗi bất hạnh sắp giáng xuống khiến mình mất kẻ nối ngôi, nhưng đánh bóng lại lễ phục cho kẻ chiến bại hào nhoáng. Miệng Théo lại tuôn trào lớp sóng sục sôi những hứa hẹn và than vãn. Cô nàng không việc gì phải lo xa nghĩ gần. Théo người che chở toàn năng có đó, sẽ nén tình phụ tử của mình và tìm ra tiền bạc cần thiết để giấu nhẹm kẻ nối ngôi, bởi lẽ cô bé thăm dò, chẳng còn lòng dạ nào làm việc, chỉ đem về được vài đồng bạc cỏn con mua sắm bậy bạ hết ngay tức thì. Lần này Théo sẽ thừa năng lực. Dù có phải chính tay mình bóp chết máu thịt của mình. Théo kẻ thống thiết thuyềt giảng như thế; nhưng tháng ngày trôi qua, tiền thuê nhà vẫn chưa trả, và cô nàng, vẫn mang gánh nặng, không còn cách nào khác hơn là đi tán tỉnh cô em họ Con Bé Cụt Tay chiều chủ nhật ấy, lợi dụng một lúc chỉ có hai người đứng bên nhau, trước bồn rửa chén sáng loáng của ngôi nhà mới tinh.

Cô chị họ tôi lật giở cuốn sách cô đã móc ra trong túi tôi và đặt nằm bên bồn rửa chén. Cô rỉa vài mẩu câu văn, đầu cúi trên trang giấy mở rộng, tóc vén sang bên trái khuôn mặt. Từ phía sau cái thác đen nhánh ấy bật lên những tiếng cười khúc khích như mèo hắt hơi, chứng tỏ cô chú ý đấy, vì cô từng nghe nói những tâm hồn tinh tế thường hay cười khẩy và một cô gái dễ thương biết cười khẩy lại càng dễ thương bởi quỷ sứ đã chui vào đầu óc cô. Nhưng quỷ nói không đủ lớn để át tiếng chiêm chiếp bắn ra từng tràng không ngớt, nhận chìm đầu óc trong một giòng thác những tuyệt vọng nhỏ nhoi. Tiếng bập bùng trong não phá rối các luồng sóng cảm nhận của con chim nhỏ xoay tới xoay lui, dùng những nụ cười điểm tô cho mối quan tâm nhất thời đến kẻ khác, cắm đầu vào những mẩu câu mổ được (ngay khi con thú cảm thấy dòng đời mình hụt hẫng, ngắt đứt, ánh sáng hiện ra không thôi, như tia chớp một đêm hè). Phút giây sau, đầu óc đã lại căng phồng tiếng gầm các tuyệt vọng (cái áo tắm hai mảnh không tệ nhưng đắt quá cái quần lót thật ngắn làm nổi bật đôi chân nhưng quả đắt quá). Bao nhiêu tức tối phù phiếm tràn đầy lần lượt nhận chìm các mẩu câu đã rỉa (trong ánh sáng ấy bừng lên tất cả tương lai con thú : theo đuổi một con thú khác, ấy là cơ hội được ăn, được ngủ, được uống, có chỗ nương thân); rồi cuối cùng, lớp bùn những khốn khổ nhỏ nhặt bóp nghẹt tim óc con chim con, con chim, chẳng giữ gìn gì nữa, lê đôi cánh trong phân rác các mộng mơ (hẳn là phải đợi bán xon mà mùa hè lại sắp hết rồi và sang năm chắc chắn thời trang sẽ trở lại áo một mảnh vả chăng bây giờ không phải lúc hoang phí được). Tất phải khắc khổ thôi, khi mà cái bụng cứ đe dọa căng phồng lên, như bụng bà hoàng nằm dài trên cái tràng kỷ kiểu Anh phòng bên kia. Hai kẻ hạnh phúc dốc hết sức lực chèo chống nhắm miền đất hứa của cõi niết bàn gia thất, cảnh tượng làm nhức mấy hạch nước mắt đấy chứ, nhưng bằng bất cứ giá nào cặp giò đẹp sẽ không để một cái nóc vòm xây vụng đè cả sức nặng khó thương của mình lên mấy thân cột thanh tú. Phải hành động gấp, rửa nhọt, nạo ruột. Con Bé Cụt Tay sẵn sàng dự phần kìa. Mỏm cụt của nó làm nó ngứa ngáy rồi, nháo nhác bồng bột với viễn ảnh nhúng vào một toan tính đen tối. Bàn tay độc nhất của nó quýnh lên, muốn rút ngay ra từ tay áo những tờ giấy bạc sẽ cho phép tẩy sạch tử cung, trả lại tấm thân cô nàng cho sự mềm mại thúc bách cùng những ham muốn xoải vó sẽ đưa cô đi thật xa, đánh cuộc đấy, một khi xếp xó rồi chàng Théo bán buôn ảo tưởng với hạt giống bịp bợm của chàng, cả hai trục xuất khỏi nơi nương náu do cùng một ý ngông. Người đẹp nhất quyết dọn mình mới tinh để đón vua Lear, người không nên thấy chuyện ấy, con ký sinh trong ổ cô và hạt mầm trong bụng cô. Cô sẽ khử độc thân mình, nạo vét đầu mình, khôi phục quyền uy mình tại căn hộ một phòng sát mái, quét sạch các mảnh vỡ của ông thần đã nghiền vụn Théo, và, cứu chuộc rồi, cô sẽ đợi vua Lear trong tư thế một thần tượng giá băng. Vì quả thực cô giá băng đấy. Ít ra cô cũng chẳng bực bội chút nào khi tin rằng mình có một hạt mầm, rằng mình thiếu một cái ngăn chan chứa lệ, một trữ lượng nước mắt, một cái túi nước để chọc thủng. Không thì làm sao cắt nghĩa được cô vẫn lạnh lùng mỗi khi phải thổ lộ tâm tình ? Cô hít hà, cô chớp lia hai hàng mi, cô tự nhéo tay, nhưng hạt mầm cứ tọt vào cỗ máy và trái tim vẫn nằm gọn trong quan tài băng giá của nó. Cùng lắm, cắn môi đến bật máu, cô mới khiến được vài giọt nho nhỏ lăn trên đôi má tuyết giá của mình. Cô chưa bao giờ là kẻ mau nước mắt. Cô không muốn mình giống một con bê, với đôi mắt đỏ ngầu và xưng mọng một con ma cà rồng say ngủ, một cái miệng méo xệch kêu eo éo, hai cánh mũi choàm ngoàm. Cô nàng chẳng ưng đẽo cho mình đầu con bê, nhưng cô dư biết lợi dụng mấy giọt nước mắt. Cô đã biết cách khóc, vừa đủ để không làm phị khuôn mặt xinh xắn, mà vẫn ra bộ uể oải đau đớn. Những lúc ấy cô chẳng để tâm bề ngoài của mình, một lọn tóc rớt trên môi hờn dỗi, và một góc váy cuộn hờ lên tuốt trên đùi. Khóc, đầu cô vẫn thẳng, hai mắt dán chặt vào một điểm, theo cô tính toán, phải cách khoảng ba bước; mấy lần tập trước gương soi bồn rửa mặt cho thấy cái nhìn mờ lệ của cô, nếu dán chặt vào một điểm dưới giới hạn này, khiến cô mang vẻ ngu ngốc, nhưng nếu đôi mắt ướt lãng đãng vượt ngoài vạch mốc ấy thì cô lại thừa hưởng một hào quang xuất thần, làm hỏng trò của cô. Và trò ấy, cô không để sai lạc. Cô đã rất mau hiểu rằng cô vặn vẹo đến mấy giây tơ xót thương của cô cũng chẳng giọt lệ nào chảy ra. Mà, với bất cứ giá nào, cặp giò đẹp sẽ không để nảy mầm mối nghi ngờ làn da săn chắc mượt mà của mình lại che giấu những giọt lệ cay chua. Vậy thì cô phải nhỏ lệ. Thế nhưng cô chỉ có thể nhỏ lệ về số kiếp của chính cô và về sự tàn héo tất yếu của cặp giò đẹp, tưởng sẽ phi nước đại vi vút nhưng chưa gì đã sa vào những nẻo tan vỡ. Lòng vị tha của cô nàng chẳng anh hùng gì, chuyện này thì cô cũng như thường tình thiên hạ và chẳng hề khiến cô áy náy, nhưng một khi đem kẻ lưu manh đổi chác, cô đâu thể lựa chọn nữa. Phải moi ra cái đòn bảy nào mở được mấy ngòi nước mắt của cô. Cô đã lấy từ hộp đồ tư trang trí phán đoán con con của cô và bắt nó săm soi vấn đề này, vấn đề giải quyết lẹ như chớp : bởi lẽ chỉ tự thương mùnh mới kích thích được hạch nước mắt của cô, cô chỉ việc thúc dục lòng thương ấy, vào lúc hợp thời, bằng những mơ mộng không thôi về cái chết của mình – một truyện dài nhiều kỳ màu sắc rực rỡ kể đám tang cô mà cô là khách mời vô hình và đặc quyền. Dẫu sao cô cũng đáng được điểm son vì đã rút được trong sọ dừa của cô một phát minh như thế, nhờ đó cái hầm nước đá nhỏ đã có thể cho lăn trên đôi má vài giọt lóng lánh nóng và mặn, những khi cần phô diễn một cơn chao đảo tương xứng với những chấn động hiện ra. Như cái đêm Con Bé Cụt Tay chạy đến với cái bản mặt mụ phù thủy hoá trang bằng dao cạo. Có cái gì mà nó chẳng dám làm, Tiểu thư Tôi-mang-bất-hạnh-trong-huyết-quản, để chứng tỏ đã đào xới rất sâu đống gạch vụn của tâm hồn mình. Giữa đêm khuya nó đã đến bấm chuông căn hộ một phòng sát mái, muốn dạy tức thì một bài học bệnh hoạn cho cô chị họ thương mến, cô chị họ với đầu óc ngây thơ ngập tràn những ý ngông và những chưyện thần tiên, nàng mỹ nữ mơ xếp lại đôi chân dài và trở lại cái giường gấp của mình, mút ngón tay trong khi những kẻ hâm mộ xúm xít quanh chiếc giường thiên thần, hết kêu Ô lại A trước kỳ quan nằm đấy. Cũng như họ sẽ nghiêng mình, câm nín vì sầu não, trước cỗ quan tài thủy tinh, nơi nàng mỹ nữ tưởng tượng mình nằm bên trong, mặc áo dài trắng có những nếp xinh đẹp làm nổi bật đôi chân, mà những kẻ hâm mộ bị trừng phạt không được nhìn thấy vì đã để cặp giò thần tiên phải lặn lội giữa bùn lầy của cuộc sống nhỏ nhen, nơi mỗi ngày cái gì cũng tăng giá, tách cà phê cũng như mấy điếu thuốc, mấy viên thức ăn cho mèo cũng như đĩa thịt nhạt nhẽo ở quán ăn của viện thăm dò dư luận. Chính bằng cách cho diễu trong đầu những hình ảnh đám tang của mình mà cô nàng thơ ngây đã có thể sụt sùi đêm ấy trước mặt Con Bé Cụt Tay, con bé đâu đến nỗi thương tích như nó muốn người ta tin như thế lúc đến đập cửa căn hộ một phòng, hệt một con dơi bị bằm nát, trong cái áo choàng màu đen to tướng, chỉ để thò ra cái đầu tỉa gọt bằng dao cạo. Con dơi cứ tưởng mình đã thắng cuộc, tưởng mình sau cùng đã nhét được vào đầu con hoàng yến khúc nhạc bất hạnh. Con chim se sẻ hót thật hay điệu nhạc trắc ẩn – nó nhảy lách chách quanh con dơi, hai mắt ướt ngó các vết thương của dơi, cuối cùng lại mời dơi chia sẻ một nửa cái tổ của mình. Con dơi trút bỏ cái áo choàng đen to tướng, nằm xuống tấm nệm, bên con hoàng yến. Hoàng yến thiếp ngủ trong khi thút thít không thôi, vô cùng xúc động đã làm một việc thiện khiến nàng công chúa trong quan tài thủy tinh lại càng xinh đẹp hơn. Có điều hoàng yến nằm bên dơi thì cuốn phim lại hết đẹp. Chú chim non xinh đẹp giật mình tỉnh giấc, run lập cập. Nó cảm thấy nơi cổ mình hơi thở giá buốt con dơi gộc, chắc chắn dang mưu đồ bóp ngạt con se sẻ xinh đẹp bằng cái áo choàng màu đen to tướng, đôi cánh mềm oặt hiện giờ trải dưới chân tấm nệm. Cô toát mồ hôi lạnh, cô nàng thơ ngây nay qua khỏi cơn trắc ẩn. Cô trở mình, nằm ngửa và, hai mắt mở lớn trong bóng tối, không nhúc nhích nữa. Cô phải chống chọi với hai mắt cứ díp lại. Cái bẫy hóa ra là thế. Để cô khỏi ngờ vực, Con Bé Cụt Tay đã hóa trang máu me đâu ra đấy. Cứ nhìn mọi dấu sứt mẻ trên mặt mũi buồn hiu của kẻ tật nguyền là cô chới với rồi, cô, người siết bao mềm yếu, người uất nghẹn căm tức khi buổi sáng ngó trong gương bồn rửa mặt phát hiện một nốt mụn lén lút mọc lên, tàn phá nhan sắc cô. Và thế là cô nằm ngay bên con dơi đầy thương tích, đang ngủ hay làm bộ ngủ, cái áo len đen để lộ bộ ngực trắng như sữa vì không bao giờ ra nắng. Trong bóng tối, các vết cào cấu hồng hồng, với những dấu máu khô, nổi bật trên lớp da như những vệt dâu tây trên lớp kem sữa. Khiến ta thèm muốn ghé lưỡi mà liếm. Nhưng đúng lúc đó, Con Bé Cụt Tay cựa quậy trong giấc ngủ, tay trái vắt ngang mặt, che kín hai mắt, nhưng vẫn buông thõng cái mỏm cụt. Đẹp gớm. Khiến ta muốn ói được. Ghê tởm lại nổi lên. Kem sữa đã trở chua, dâu tây đỏ bốc mùi hôi, cái mỏm cụt chìa ra lồ lộ với vết sẹo xám xịt, làn da dúm dó, như khúc xương để mút.

Kiến lại bắt đầu nhá đầu mút trái của tôi. Chúng hăng lên, cơn thèm ăn thức dậy do cái mùi tai ương phảng phất trong phòng bếp sáng loáng, trộn lẫn với tàn hương bình an gia đình. Một cái mùi nhẹ như tơ, chỉ thoáng làm ngứa ngáy mặt mũi. Hai cô chị họ tôi chẳng chút nào ngờ vực. Trong phòng bên cạnh, cái bụng tròn trên cái tràng kỷ kiều Anh ru mình với những cú dậm chân của cậu hoàng nhỏ. Đôi chân dài thì lại quá dài chẳng cảm thấy được đất rung chuyển dưới bước chân của tai ương trên ngôi nhà mới tinh. Và, hiện giờ, cô chủ cặp giò đẹp chỉ thèm muốn vung vẩy mà thôi, hân hoan đã gạt bỏ được mối họa không quá chậm. Bằng vài chớp hai hàng mi ướt át, cô đã dành được của Con Bé Cụt Tay số tiền cần thiết để trút bỏ cái gánh nặng cứ chực phồng lên và hóa cô nàng thành một cây nấm đi lăng quăng với cánh chẻ đôi. Cặp chân dái rời xa bồn rửa chén, ở đó cuốn sách bị bỏ quên ngay khi trò đã đóng xong, mấy câu văn từng được rỉa nay bị nhăn mặt chán ghét khạc ra. Nhưng không có chuyện bỏ mất chúng, mấy mẩu câu văn làm xáo động óc não. Con Bé Cụt Tay đã quấy trộn mấy mẩu câu văn ấy và dọn ra bằng cái giọng dạy đời không bao giờ bõ lỡ dịp phá nát tinh thần ta, gãi vào đúng chỗ ngứa ran, rót vào tai ta những từ ngữ mà ta chẳng hề nôn nóng cần nhồi vào sọ. Những từ ngữ nhờ thế ta tưởng đã thoát, náo ngờ ta vẫn loay hoay trong bẫy chuột. Bồn chồn chỗ này, vặn vẹo chỗ kia, hết thảy đều là mò mẫm, và, khi sau cùng ta nhìn ra một tia sáng le lói phía xa, ta chạy xô tới, mang theo cái thân xác quý báu không còn tươi mát nữa của ta, và tóm lấy ta là một hộp dòi bọ. Nếu nghe lởi nó thì chỉ còn việc xếp lại cặp giò đẹp và ngồi yên đấy, hai tay ôm đầu, chờ sét đánh ngay đỉnh đầu hoặc lũ dòi bọ gậm nhấm hậu môn. Với cái mỏm cụt thõng thượt trong cánh tay áo, nó cảnh giác là đúng lắm; chứ còn cặp chân dài, cặp chân đã được chủ ý tạo nên để múa lượn dưới mắt lũ thị dâm kia mà. Thế thì, những lúc Con Bé Cụt Tay lên giọng những lời lải nhải của nó, cô chủ cặp giò đẹp, chẳng mấy ham những nghiền ngẫm làm mệt trí, ôm đầu, cuộn tròn mình như một con chiên khổ sở, và chìm vào một giấc ngủ êm ái, trong đó cái bọn dòm ngó, miệng sùi bọt, mắt thèm khát, xoay lượn theo điệu những bài rao giảng đã lắng trầm. Cớ sao những thuyết giáo ấy cứ đổ hoài vào một cái phễu mà thôi – hai cái tai thật xinh ai cũng muốn cắn, vẽ ra để được những lời tán tụng cù lét ngày cũng như đêm, hai cái tai có gắn một hệ thống tẩy uế quét sạch mọi cáu cặn của các thuyết giáo, hai cái tai bao giờ cũng sẳn sàng kêu vù vù ngay khi ló dạng một đe dọa phải lo lắng? Mà Con Bé Cụt Tay thì chẳng chịu thôi, lúc nào cũng muốn rốc hết bầu tâm sự, trút hết giận hờn, cay đắng, hết mọi tâm tình đen tối. Vô phương thoát. Chẳng bao giờ nó nhả của ra mà lại không nhồi thêm một câu thuyết giáo về các cứu cánh tối hậu. Như thể cặp chân dài chao đảo đến thế vẫn chưa đủ. Để còn phải day dứt giữa thủy với chung. Ngồi trong một góc phòng bếp chan hòa ánh nắng, đôi hài xanh đặt kế bên đôi chân trần mà các ngón ngọ nguậy không thôi, cô chị họ tôi, lợi dụng một lúc các tràng thuyết giáo ngừng bắn, vụt ngẩng đầu lên, cái đầu cô ôm trong hai tay. Cô nén tiếng ngáp, rũ rồi vuốt mái tóc, rồi đứng phắt dậy, cô ngả mình về phía cửa vườn, thò mặt ra ngoài, hít một hơi dài, kéo cái quần cụt sổ gấu bó chặt đôi mông tròn thây lẩy, quay ngoắt lại, và, trước khi trở lui vào bóng mát, cười nụ với bóng mình trên cửa kính, với dung nhan xinh tươi trên đó (tạ ơn Trời) mấy lời thuyết giáo đã chỉ lướt qua không để lại dấu tích nào khác ngoài một vết buồn ngủ hờ hững. Một con kiến lớn, chạy trên cổ áo, bổ nhào xuống gò bên trái, tới tận cái nút thắt ngang lưng, mất hút trong các nếp, các khúc cuộn, rồi trở lên dọc theo hàng khuy và len vào dưới lớp vải trắng tinh. Khuôn mặt xinh tươi điểm một vết nhăn điên giận. Cô chị họ tôi thọc hai ngón tay vào trong cái áo hở vai, rượt đuổi kẻ đạo chích kia, nhưng kẻ sỗ sàng ấy đã chích vào rốn cô. Nguyền rủa, dậm chân, cô chị họ tôi cởi cái nút, rũ hai vạt áo, kéo lên, ập tay vào làn da bụng trần trụi khiến kẻ vô duyên lăn quay xuống đất và tức thời bị một ngón chân hùng hổ nghiền nát. Cô rụt bàn chân xinh xắn lại, nhét trở lại hai vạt áo làm căng phồng chiếc quần cụt, mỉm một nụ cười phục hận với xác con trùng trước khi dùng đầu ngón chân tống nó ra bồn cỏ. Một tiếng càu nhàu vọng lên sau lưng cô. Cô chị, ngủ trưa thức dậy, đứng nơi cửa bếp, cô nhíu mày nhìn theo cái vệt màu nâu con kiến nát ngướu để lại khi bị đẩy về lãnh thổ thiên nhiên của mình. Chị nằm mơ thấy bà ngoại, cô bảo, hai mắt vẫn không rời cái vệt, như thể linh hồn đấng phu nhân quá cố đã lủi vào cái xác tan nát con kiến lớn. Rồi cô kể giấc mơ của mình. Bà ngoại nằm trong một cái hộc ở nhà xác, bà nhíu mày. Vết nhăn không còn nằm giữa đôi mắt người chết mà đã tới đậu giữa hai vòng cung chân mày cô chị họ tôi. Lúc cô thiêm thiếp ngủ, bóng ma bà ngoại đã nuốt đầu cô, gắn cái vẻ kiêu căng và nhăn nhúm của mình lên khuôn mặt trần trụi của kẻ say giấc nồng. Phu nhân đã trở về bên chúng tôi như thế đấy, với búi tóc gọn ghẽ, đôi môi mỏng và hai hoa tai bằng ngọc, đôi ngọc trân quý bà đã để lại cho đứa dũng cảm nhất trong đàn gà con của bà. Cô chị họ tôi, choàng thức giấc, đã rời cái tràng kỷ kiểu Anh đi thẳng vào phòng mình lục lọi hộp nữ trang và lấy ra đôi ngọc của con lang sói gắn vào dái tai mình. Bà ngoại hiện ra, trong gương nhỏ cái hộp, hai dái tai rủ xuống, trần trụi, và đôi mắt, khi ngó ta từ đầu xuống chân, thì đúng là xẻ ta làm đôi. Bà ngoại nhíu mày. Bà nhớ lần duy nhất bà thấy đôi ngọc trên tai cô chị họ tôi : cái tối bà lăn ra chết. Tối đó bà nằm trên giường, chưa tắm rửa thay đồ gì hết, mặc chiếc áo ngủ cũ kỹ sặc mùi vải liệm từ đã lâu; bà nghe thấy những tiếng thì thào sau cửa. Đàn chim con của phu nhân Kên Kên âm thầm bàn bạc ngoài phòng khách. Một bàn tay xoay nắm cửa nhưng rồi buông ra ngay. Không ai bước vào. Bà chờ đợi. Miệng bà méo xệch tựa con bạch tuộc đánh rơi mất mồi. Hai hàng mi đè nặng trên đôi mắt sắc như dao của bà, từ nay cứ han gỉ dần trong bao. Con kên kên lạc giọng gọi đàn chim con, bà thu hết tàn lực kẻ độc đoán của mình mà gào thét, nhưng chẳng ai trả lời. Mấy con bé thì thào trong phòng đợi, chúng rỉ tai nhau, đẩy nhau, đứa nào cũng muốn mình vào sau cùng. Nhưng chẳng ai đến. Những tiếng giậm chân, những tiếng ho nóng nảy, nắm cửa động đậy, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Con kên kên càng gào thét lớn hơn. Mấy con bé bất nhân vẫn chiêm chiếp như thể chúng chẳng nghe thấy gì. Thình lình tiếng một đứa, Bà ngỏm rồi! Và hai đứa kia cười ầm. Những tiếng cười ngặt nghẽo vút lên, tựa những chùm tia lửa nổ lốp đốp mãi không thôi chào mừng cái chết con kên kên. Mấy con bé bất nhân đồng loạt sủa ăng ẳng, Bà ngỏm rồi! Có thế chứ! Câu nói xuyên qua cửa, rít lên cắm phập vào tim bà phu nhân đang gào thét khiến bà nghẹn họng. Bà chết thực rồi, do tay một kẻ thù vô danh xua tan những lời lải nhải độc đoán của bà. Ngỏm rồi! Mấy con chim con phía sau cửa chắc lưỡi lập lại với nhau cái từ thần diệu ấy. Ngỏm rồi! Chưa bao giờ một điều kinh khiếp như thế lọt vào tai bà ngoại, người vẫn luôn luôn dạy chúng, dạy mấy con bé bất nhân ấy, phải nói năng đàng hoàng, dù bằng tiếng Pháp hay bằng thổ ngữ quê hương của chúng. Ngỏm rồi. Một giọt nước mắt lạnh ngắt lăn dưới hai hàng mi bất động. Cái thây tủi nhục không còn đòi ai đến bên giường mình nữa. Và kìa mấy con quỷ nhỏ, rón rén đẩy cửa, nối đuôi nhau đi vào. Chúng tới đứng dưới chân giường, khoanh tay, gằm mặt, mím môi; cái tượng nằm nghe rõ mồn một tiếng reo cái từ lẩn quẩn trong đầu chúng Ngỏm rồi! Ngỏm rồi! Chúng đứng đó, không động đậy, mắt chẳng nhìn lên, đủ thì giờ nén tràng cười ngặt nghẽo của chúng. Rồi, thong thả, cúi đầu, chúng quay gót và nối đuôi nhau ra khỏi phòng. Bà ngoại còn lại một mình chờ cái lạnh xâm chiếm thân xác bà. Ngoài phòng khách, những tràng cười ngặt nghẽo lại vút lên, trước khi lịm xuống như những chùm lông đẫm nước. Mấy con chim con, thình lình nín lặng, rón rén bỏ đi. Cánh cửa đóng sập lại bỏ căn hộ không còn ai. Mấy con bé chạy ào xuống cầu thang. Lẹ lên, lẹ lên, ra ngoài kia! Ra ngoài trời rộng! Bà ngỏm rồi! Thế rồi chạy cho vội bắt kịp chuyến xe buýt cuối cùng. Thế rồi đi vùn vụt ngoài phố. Đi chẳng định đi đâu. Giữa đêm khuya. Giữa giá rét. Áo choàng không cài nút. Không khăn che mặt. Đầu bù tóc rối. Chụm hai chân nhảy tót vào mấy vũng nước cho ướt sũng đôi giày, cho cảm mạo, vừa hắt hơi vừa cười khúc khích như những nữ sinh đã già cỗi rồi. Rồi vào một quán ăn lúi xùi đông nghẹt khách, nóng hừng hực, ở đầu bàn đũa với thìa cắm trong những ống đựng bẩn thỉu. Rồi gọi cho cả ba canh chua, bưng ra trong cái liễn nghi ngút khói đặt giữa cái bàn nhơ nhớp. Rồi nuốt ngon lành món canh nấu với me với cá, món thích nhất của bà ngoại, bây giờ nằm một mình trên giường, nơi những cái lưỡi lạnh giá cung kính liếm láp các ngón chân bà. Mấy con bé bất nhân đã cởi bỏ áo choàng kéo lê trên sàn nhà. Chúng gắp rau trong liễn, xẻ cá, múc từng muỗng canh lớn đổ vào chén cơm của mình. Đứa trẻ nhất, cũng đã là đứa cao nhất, ngất nghểu trên đôi giò đẹp của mình, đặt lên đầu lưỡi một lát ớt vừa cắn vừa nhăn nhó. Hai đứa kia rũ ra cười. Chúng đã cởi bỏ luôn cả áo len chui đầu và săn tay áo sơ-mi cho dễ kéo lê khuỷu tay trên cái bàn nhơ nhớp. Và cả đám nói huyên thuyên, cười rúc rích, miệng nhồm nhoàm, má đỏ au, mắt sáng rỡ. Đứa lớn nhất không đến nỗi như hai đứa kia. Nó không thôi mân mó dái tai. Hai viên ngọc vẫn đó, tựa hai mắt con kên kên lượn trên liễn canh chớp nhoáng đã cạn, thay thế giữa bàn bằng bánh dừa hấp, món tráng miệng ưa chuộng nhất của bà ngoại, giờ đây nằm một mình trên giường, nơi những cái lưỡi lạnh giá rửa sạch đùi bà trong thinh không của băng giá. Mấy con bé vừa nhấm nháp bánh dừa vừa chiêu nước trà, và lại càng ba hoa chích chòe. Những cái miệng hau háu tuôn ra những lời tầm phào. Đứa nào đứa nấy ăn nói tíu tít, nước bọt văng tứ tung trên bàn. Nằm trên giường nơi những cái lưỡi băng giá giờ đây thò vào bụng bà, người chết dỏng tai nghe mấy con chim con ba hoa chích chòe. Mấy con bé bất nhân chẳng một lời về bà ngoại. Chúng líu lo bằng tiếng Pháp, hoàn toàn quên bẵng cái tượng nằm trên giường, tê tái vì uất hận, nơi những cái vòi giá băng hút máu bà. Giữa ba con bé bất nhân, duy đứa lớn nhất là còn nhất điểm lương tâm. Nó bồn chồn mó máy dái tai mình – mắt con kên kên vẫn đó, đeo rất chắc. Và, trong khi hai đứa kia bi bô bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng nó chêm vào vài âm thanh thánh thót bằng cái tiếng líu lo cha sanh mẹ đẻ của nó, như thể để trả nghĩa vị phu nhân độc đoán. Cả đám lau nhau trên ghế, bụng no nê, môi căng phồng, tay và cả tóc nữa dính đầy những mảnh dừa vụn. Mấy con bé man rợ chẳng chút vội trở về. Chúng có cả đêm để tíu ta tíu tít, bay lượn ngoài phố, hai tay vung vẩy như chim nuôi trong lồng, chút nào choáng váng ra ngoài không gian. Nhảy nhót từ phố này qua phố khác, dán mũi vào những tủ kính sáng rực đèn. Mua thuốc lá lần đầu trong đời, vừa hút vừa ho vừa cười như pháo nổ. Rồi chúng đến nhà ga ngắm những con tàu cuối cùng chuyển bánh, đọc nho nhỏ nhưng phấn khích tên những thành phố xa xăm trên bảng yết. Run lập cập trốn vào phòng đợi, cả ba đứa ngồi cứng ngắc, siết chặt bên nhau, trước mặt một ông già rậm râu nằm trên một chiếc ghế dài, mình bó trong mấy tờ nhật trình, miệng nói mớ mơ tưởng một khúc xúc xích khô. Vào lúc hai hàng mi chĩu nặng, chúng đứng phắt dậy. Vét mấy đồng bạc còn lại, đi mua một lon bia ở cái máy bán hàng trong phòng đợi. Và mỗi đứa, nhăn nhăn nhó nhó, nuốt một ngụm. Rồi bỏ cái lon còn phân nửa ở cửa nhà ga, rón rén đặt bên một bóng người lấp kín trong một núi những rẻ rách. Mấy con quỷ nhỏ bắt đầu thấm mệt. Chúng bước từng bước, nối đuôi nhau, đầu cúi gầm. Răng đánh lập cập, chúng khoanh tay níu chặt vạt áo khoác. Rồi lê chân ra đến tận sông ngắm sóng nước đổi màu ban đêm, lao đao đứng bên bờ kè, thân mình nghiêng về trước, mũi giày nhô ra khoảng không. Rồi bước dọc theo kè, vẫn hàng một, tay dang rộng, chân lảo đảo, hệt những người đu dây có cơ bị khoảng trống hút đi và dòng sông nuốt chửng. Rồi leo cầu thang tuốt cuối kè, tuột các bậc trơn trượt xuống đến những bậc cưối cùng phủ đầy rong rêu, thả chân xuống làn nước lạnh ngắt. Kết thúc thì mấy con bé rồ dại nắm tay nhau, sẵn sàng cho nước nhận chìm như một tràng hạt báng bổ, yên trí người ta sẽ chỉ vớt chúng lên khi những cái lưỡi lạnh giá đã ăn xong bà ngoại cho đến tận chân tóc, khi cái thân xác buốt cóng đã được nhấc ra khỏi giường, chôn xuống đất. Bấy giờ người ta sẽ vớt cả ba đứa lên, chích vào tim chúng, chúng sẽ nôn ra hết bao nhiêu nước đen ngòm, sẽ cậy những vệt xanh tím trên má, sẽ đứng phắt dậy và trở về căn phòng, ở đó, dưới cây thánh giá, không còn bà ngoại lầm thầm cầu kinh từ sáng đến chiều, hung hăng chửi bới bọn cộng sản đã cướp đoạt hết của bà, mấy ngôi nhà kiểu xưa với lũ đầy tớ nền nếp, ngôi biệt thự với hồ bơi và tên làm vườn người Mọi, chiếc xe hơi lớn tướng với gã tài xế gầy đét nhưng trung thành, chưa nói đến

-----------

* Alejandra Pizarnik, nhà thơ nữ Argentina (1936-1972)
[1] Vua Lear, kịch của văn hào Anh William Shakespeare (1564-1616). Vua Lear chia giang sơn của mình cho hai người con gái lớn, Goneril và Regan, truất quyền thừa kế của cô con gái út, Cordelia. Goneril và Regan là hai kẻ độc ác, vô ơn, đối xử tàn tệ với vua cha khiến ông hoá điên; Cordelia, khi tìm cách cứu ông, bị bắt đem treo cổ; và vua Lear chết trong khổ nhục.
[2] Một bộ kinh Tây Tạng, nói vế cõi bốn mươi chín ngày người chết sẽ trải qua sau khi lìa trần.
[3] Đề tài truyện Nemureru Bijo (Người đẹp ngủ mê) của nhà văn Nhật Yasunari Kawabata (1899-1972), đã do Quế Sơn dịch sang tiếng Việt.
[4] Sách Ấn Độ về nghệ thuật yêu đương, viết bằng tiếng sanskrit vào khoảng năm 500 và vẫn được coi là tác phẩm của tu sĩ Vatsyayana.
[5] Tiềp đầu ngữ théo đến từ tiếng Hy Lạp với nghĩa “thần”, như trong từ théologie (thần học).
[6] Một phố ở Paris (rue de la Glacière). Xưa kia, vùng đất này gồm nhiều hồ ao đóng băng vào mùa đông; người ta lấy nước đá ở những hồ ao ấy trữ để dùng vào mùa hè, vì thế vùng này được gọi là Hầm Nước Đá.
[7] Đề tài bức tranh Déjeuner sur l’herbe của nhà danh họa Pháp Edouard Manet (1832-1883).
[8] Khu giải trí nổi tiếng tại Wien, thủ đô nước Áo.
[9] Miệng Sự Thực là một mặt nạ, mắt tròn xoe, miệng mở lớn, gắn ở nhà thờ Santa Maria in Cosmedin tại La Mã, năm 1200. Sở dĩ có tên này là do truyền thuyết kẻ nào tay đặt trong miệng ấy mà nói dối sẽ bị cắn mất cả bàn tay.
[10] Tiếng Anh trong nguyên tác, chỉ trò chơi đoàn xe gồm nhiều toa lộ thiên lên xuống ào ào trên những đường ray rất dốc, qua nhiều cảnh đẹp.
[11] Hai nhân vật thần thoại Hy Lạp. Antigone tự treo cổ sau khi bị kết án tử hình vì đã, bất chấp lệnh vua Créon, mai táng cho người anh là Polynice; thành biểu tượng cho sự bảo vệ nghĩa vụ đạo đức nghịch với lợi ích quốc gia. Cassandre được thần Apollon ban cho phép tiên tri nhưng từ chối hiến thân cho thần, và thần khiến không một ai tin những lời tiên tri của nàng.
[12] Trong kịch Dom Juan của văn hào Pháp Molière (1622-1673), nhân vật coi trời bằng vung Dom Juan ngạo mạn mời dự tiệc bức tượng một người mình đã giết chết và bức tượng nhận lời.
[13] Thần Ái Tình, trong thần thoại La Mã.





Một chương Oeuvres vives (Chìm xuống)
Sức mạnh của sự vắng
Marina Tsvetaieva
Linda Lê, năm nay (2016)
Par ailleurs (exils)
Lame de fond
Linda Lê, năm nay (2012)
Trò chuyện với Linda Lê
À l'enfant que je n'aurai pas
Dịch giả Nguyễn Khánh Long
Viết văn và mặc cảm Caliban
In memoriam
Cronos
Au fond de l'Inconnu pour trouver du nouveau
"Pour saluer Cioran"
Lại chơi với lửa

10 comments:

  1. Vì k đọc được nguyên bản nên cho cháu hỏi: Có đoạn nào trong nguyên bản tiếng Pháp của phần phía trên đây là tiếng Việt k? Cháu chỉ hỏi vì tò mò thôi.

    ReplyDelete
  2. hỏi hay đấy

    để nghĩ xem nào, theo tôi, nếu không nhầm, trong tất tật những gì Linda Lê từng viết, ngoài các tên riêng, không bao giờ có từ tiếng Việt nào hết

    ReplyDelete
    Replies
    1. vậy trong tất cả các từ tiếng Việt (dù chỉ là tên riêng đó), bà có sử dụng dấu hay không? Tôi nghĩ Linda Le chắc cũng biết tiếng Việt ở mức độ nào đó nhưng bà không muốn thể hiện điều đó ra ngoài thôi

      Delete
  3. Quyển này bác mà dịch là chí phải luôn, tác phẩm này được cả bọn Mỹ đem về dịch vì nó quan trọng trong sáng tác của Linda Lê. Bravo!

    ReplyDelete
  4. nhưng tại sao lại phải quan tâm đến mấy điều đó nhỉ?

    ReplyDelete
  5. anh đọc văn Linda Lê qua chữ dịch của chú thì không hay bằng các văn bản chú viết về các nhạc sĩ

    Các văn bản kiểu nhật ký cuộc đời của chính Nhị Linh và các văn bản dịch không hay bằng có lẽ vì cuộc đời của các nhạc sĩ nó có sẵn nhịp điệu phong phú nào đó mà chỉ cần chép lại phiên phiến đã rất hay rồi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Người ta bảo dịch là diệt cũng có lý của họ

      Delete
  6. sao không nói gì đến hoạ sĩ thế? hình như trong số hoạ sĩ và đạo diễn điện ảnh không có lấy một nhân vật nào biết đọc thì phải

    đấy là quy tắc chung, cũng có thể có ngoại lệ, ngoại lệ rất có thể còn tệ hơn quy tắc, đấy lại là một quy tắc nữa

    ReplyDelete
  7. định mệnh đã thế, sao còn phải "nghĩ đi nghĩ lại" anh ơi

    ReplyDelete
  8. giờ vẫn chưa phải lúc hả anh

    ReplyDelete