Jan 12, 2019

Đông Dương thuở ấy (3) Các cò mi


Kể từ khi thấy cần quay trở lại với câu chuyện Đông Dương Indochine, tôi đã đọc hàng núi nghiên cứu, nhất là từ phía các nhân vật nước ngoài, đặc biệt của giai đoạn gần đây. Như đã nhiều lần nói, phần lớn trong số đó chẳng có mấy giá trị (dường như - đây là một nghịch lý - cùng sự tham gia của các nhân vật Việt Nam thuộc giới diaspora hoặc có những khi không thực sự thuộc vào đó, sự tham gia ấy đang trở nên ồ ạt, trình độ và chất lượng chung càng giảm thê thảm). Giờ, tôi đã có thể bắt đầu tập trung vào những gì xuất sắc. Cuốn sách trong ảnh thuộc giai đoạn sớm của Patrice Morlat (1995). Đồng thời, cũng kết thúc luôn bài đầu tiên của chuyên mục "Đông Dương thuở ấy".

Cuốn sách mới nhất của Morlat vừa được in, đó là một tác phẩm đồ sộ chỉ tập trung vào Alexandre Varenne - đây là "tập" thứ tư của bộ sách Morlat dành cho thập niên 20 (thế kỷ 20) của công cuộc thực dân-thuộc địa ở những gì liên quan đến Đông Dương. Tôi sẽ còn quay trở lại với bộ sách hết sức quan trọng ấy, nó được in trong vòng nhiều năm.

Patrice Morlat khởi đầu các nghiên cứu của mình bằng luận án tiến sĩ về "sự đàn áp" của người Pháp tại Đông Dương (in thành sách năm 1990). Cuốn sách trong ảnh là sự đi sâu vào các "cò mi".

Tôi sử dụng từ "cò mi" để "reprendre" từ mà Mặc Đỗ đã dùng trong bản dịch cuốn tiểu thuyết Balzac mới được in lại gần đây (xem ởkia). Tức là, không dịch "commis" mà phiên âm thẳng luôn (cũng giống "bal" không dịch thành "vũ hội" mà phiên âm thẳng thành ban: cuốn tiểu thuyết của Balzac được Mặc Đỗ dịch đúng vào giai đoạn mà tôi cho là hoàng kim của phiên âm tiếng Pháp [xem thêm về điều này ởkia]).

Cuốn tiểu thuyết Der Gehülfe của Robert Walser trong tiếng Pháp có hai tên (tôi không thực sự nhớ rõ là hai bản dịch khác nhau hay chỉ một nhưng hai tên): Le Commis và L'Homme à tout faire, tức là nhan đề thứ hai là một cách diễn giải "le commis", nhan đề thứ nhất, vì quả thật cò mi là loại nhân viên làm hết mọi việc.

Quay trở lại với cuốn sách của Patrice Morlat, chủ đề của nó là "Các cò mi lớn", những nhân vật có nhiều ý nghĩa trong một giai đoạn nền hành chính thực dân-thuộc địa Đông Dương. Tất nhiên, đây là cách dùng từ có "extension", vì về cơ bản nền hành chính ấy gồm không chỉ các "commis" mà còn có những "administrateur" (hay được gọi là "quan cai trị"; tất cả các nhân vật mà Morlat quan tâm đều sẽ trở thành "administrateur", có những người lên đến tột đỉnh trong trật tự ấy), cả commis và administrateur đều phân thành các "classe" (cấp, bậc).


Foullon và BN

Hai chi tiết không thực sự lớn trong cuốn sách của Patrice Morlat, nhưng tôi thấy rất cần nêu lên, chúng làm cho ta thấy rõ hơn câu chuyện về các cò mi Pháp ở Indochine: hai nhân vật, Foullon và "BN".

Aymonier (về nhân vật này, xem ởkia) trong một báo cáo viết năm 1901 (lúc này Aymonier là hiệu trưởng "École coloniale" tức là Trường Thuộc địa) tố cáo tình trạng "favoritisme" tức là thiên vị, vì quyền lợi và quan hệ mà vi phạm các quy tắc, trong phạm vi bổ nhiệm và điều hành các nhân viên hành chính ở Đông Dương.

Hồ sơ về nhân vật Foullon, mà Patrice Morlat thuật lại trong cuốn sách, cho thấy rõ điều này: Foullon bắt đầu làm công chức tại Cochinchine vào năm 1884. Vừa tới nơi, Foullon đã báo cáo về các vấn đề nhập nhằng tiền bạc liên quan đến hệ thống hành chính của viên công sứ đầu tỉnh tên là Dussol. Foullon bị đổi đi Châu Đốc, tiếp tục gặp cùng vấn đề với "administrateur" Lebrun; Foullon bèn tố cáo Lebrun với Thống đốc Nam kỳ. Sau đó, Foullon được quyết định cho thuyên chuyển sang Thủ Dầu Một nhưng Bertin, "administrateur" ở đây, không chịu nhận, thêm vào đó còn cho ủi sập nhà công vụ của Foullon, khiến cho Foullon phải gửi vợ con vào bệnh viện, tại đó đứa bé mới sáu tháng tuổi chết. Tiếp tục được chuyển đi Cocong (chắc Gò Công), Foullon không gặp vấn đề gì với administrateur ở đó, Bès d'Albaret; nhưng Dussol lại được cử về phụ trách tỉnh và Foullon phát hiện được "quỹ đen" của nhân vật ấy, tố cáo, làm Dussol bị phạt mất ba tháng rưỡi tiền lương. Foullon tiếp tục bị chuyển đi Côn Lôn, giai đoạn này hồ sơ được ghi tốt đẹp, nhưng năm 1888 thì bị sa thải vì "tinh giản biên chế". Foullon lại tố cáo một administrateur mới, vì "vénalité", tức là lại chuyện tiền bạc. Bị ốm, Foullon vào bệnh viện, trước cửa phòng có hai lính gác. Người ta bắt Foullon phải làm test thần kinh, nhưng các bác sĩ kết luận sức khỏe tâm thần bình thường và đến năm 1896 Foullon quay trở lại làm trong "services civils", tại Đồng Hới; tại đây, phó công sứ Bonnetain là một nhân vật tham nhũng hay làm hóa đơn giả, đàn áp người bản xứ (có lần Bonnetain tra tấn bốn người bản xứ vì nghi họ giết con mèo của vợ mình). Foullon tiếp tục bị thuyên chuyển, lần này là sang Lào, nhưng ở đó lại phải tố cáo một viên "commissaire" tên là Tournier. Sau đó Foullon trở nên thực sự không thể chịu đựng nổi nữa và bị cho về hưu năm 1901. Tận lúc đó, Foullon vẫn gặp nhiều vướng mắc: thành phố Hà Nội gây đủ mọi khó dễ cho Foullon liên quan đến một mảnh đất mà Foullon mua sau khi rời các công việc hành chính. Trước khi sang Đông Dương, Foullon từng làm chín năm rưỡi tại sở cảnh sát vùng Seine, được đánh giá rất mẫn cán.

Công chức Pháp tại Đông Dương tồi tệ: nhiều câu chuyện đã xác nhận điều đó, chẳng hạn một viên administrateur phụ trách Côn Lôn khi trở về đất liền mang theo nhiều của cải đến mức bị điều tra luôn. Nổi tiếng trong dạng câu chuyện này là Auguste Darles, công sứ Thái Nguyên. Chính trong nhiệm kỳ của Darles đã xảy ra vụ binh biến Thái Nguyên: thời điểm ấy, Lương Lập Nham tức Lương Ngọc Quyến đang bị nhốt ở nhà tù khổ sai Thái Nguyên; Lương Lập Nham chính là một trong những nạn nhân của "các cò mi" nhân vật chính trong cuốn sách của Morlat.

"BN" là một gián điệp: bộ phận "Affaires politiques" (cụm từ xuất hiện ngay trong nhan đề cuốn sách của Morlat - tôi sẽ còn quay trở lại với danh xưng không hoàn toàn dễ hiểu này) vào tháng Bảy năm 1912 đã tuồn được người của mình, trong thư từ và hồ sơ gọi là "BN", vào hàng ngũ các nhà cách mạng Việt Nam hoạt động bên Hồng Kông và Nam Trung Quốc. Ta biết rằng nhân vật "BN" từng làm nhân viên cho người Pháp tại Bắc Kỳ và Lào, rồi theo lệnh của Jules Bosc (nhân vật đặc biệt quan trọng trong cuốn sách của Morlat), làm ra vẻ "từ chức" rồi tìm cách xâm nhập những người cách mạng Việt Nam. Các cò mi Pháp (giai đoạn này có thể gọi chung là "les Tonkinois" vì tập trung ở Bắc kỳ) bắt đầu hiểu ra là họ cần phải đối đầu với Phan Bội Châu, Cường Để (Kỳ ngoại hầu) cùng các đồng chí.

Ở giai đoạn đầu (tính từ 1912), Jean Przyluski là người trực tiếp điều hành và theo sát hoạt động của "BN". Przyluski (cái họ cho thấy ngay đây là một người gốc Ba Lan) là một nhân vật hết sức đặc biệt - và nhiều ý nghĩa. Tôi sẽ còn quay trở lại tập trung vào chỉ riêng Przyluski: những ai từng quan tâm đến Nguyễn Văn Huyên hay Trần Văn Giáp và cả một loạt trí thức Việt Nam khác không hề xa lạ với nhân vật này.

Bốn năm trước đó, năm 1908, Hội đồng đề hình ("Commission criminelle": thực chất đây là một hình thức tòa án xâm phạm các nguyên tắc của tư pháp; nền tư pháp của Indochine thời đó như thế nào? tương đối phức tạp, và có thể nói là không hề hoạt động tốt, trên nhiều phương diện: có một thời kỳ, chỉ Nam kỳ có tòa án, mọi vụ đều phải mang vào đó để xử) được thành lập để xử vụ Hà thành đầu độc. Jules Bosc - đang là công sứ Hà Đông - là người đứng đầu.

Vào lúc đó, Đề Thám vẫn là mối lo chính yếu của người Pháp. Nhưng các cò mi bắt đầu nhận thấy mọi sự đã đổi khác.

Phan Bội Châu bắt đầu khiến chính quyền đặc biệt để tâm. Điều này không còn có gì lạ lùng; điều đặc biệt mà cuốn sách của Patrice Morlat mang lại trong câu chuyện chung nằm ở chỗ: miêu tả cuộc đối đầu giữa chính quyền thuộc địa Đông Dương và các nhà cách mạng giai đoạn Phan Bội Châu đồng thời trên mấy bình diện một lúc. Nền hành chính Indochine chuyển sang giai đoạn mới (nói ngắn gọn: chuyển từ quân sự sang dân sự) đồng thời với sự xuất hiện một kiểu phản kháng mới, mà Phan Bội Châu là đại diện. Nhưng đồng thời, đây cũng là một cuộc đối đầu của hai thế hệ tương đương, từ hai phía.

Louis Marty, một nhân vật chính khác trong cuốn sách của Morlat, sẽ rành rẽ về Phan Bội Châu đến mức có thể, từ rất sớm, viết về hành trạng đối thủ của mình chuẩn xác tới độ Morlat đối chiếu với Ngục trung thư thì thấy không có gì cần điều chỉnh (Morlat sử dụng bản dịch Ngục trung thư tiếng Pháp của Georges Boudarel đăng trên tờ France-Asie cách đây vài chục năm).

Trong Ngục trung thư, bản dịch tiếng Việt của Đào Trinh Nhất, tên một chương là "Ra đời giữa lúc mất Nam kỳ đã sáu năm". Các đối thủ của Phan Bội Châu và các đồng chí là thế hệ tương đương, những người xây dựng ý luận cho nền hành chính Indochine (nhất là nhờ hai kỳ toàn quyền của Albert Sarraut).


Jules Bosc-Paul Blanchard de La Brosse-Louis Marty-Pierre Pasquier-René Robin

Trong số năm nhân vật trên đây, hai nhân vật cuối cùng làm đến chức Toàn quyền Đông Dương. Nhưng một điểm độc đáo của cuốn sách Les Affaires politiques chính là nó thoát khỏi sự bám quá chặt vào các viên toàn quyền (giống rất nhiều nghiên cứu khác): Patrice Morlat chọn tầng của các cò mi; ngay lập tức các toàn quyền trở thành nhân vật phụ; vả lại, thế mới đúng.

Pierre Pasquier đang là Toàn quyền thì chết do tai nạn máy bay: chiếc "Emeraude" bị rơi vào đầu năm 1934. Xung quanh sự việc cái chết của Pasquier, ta có lời bình luận siêu hạng của một nhân vật đã nhắc ở trên: Đào Trinh Nhất (xem ởkia). René Robin (nhân vật đặc biệt có ý nghĩa với cuộc đời và con đường hoạn lộ của Nguyễn Tiến Lãng) từ chức Toàn quyền như là hành động phản ứng lại Mặt trận Bình dân, và nhấn mạnh đòi người ta phải thông báo là mình từ chức; Robin cũng đòi được giữ một quyển sổ công vụ, để làm kỷ niệm.

Đổi từ "régime" đậm tính cách quân sự sang dân sự: một điểm hết sức quan trọng. Bắc kỳ một thuở in đậm dấu vết các sĩ quan (Garnier, Rivière, Gallieni hay Lyautey), nhưng Nam kỳ mới thực sự rõ. Ta có cả một loạt "đô đốc", "phó đô đốc", "chuẩn đô đốc" (Charner, Bonard, Dupré, Duperré, etc.) ở vị trí đứng đầu Cochinchine, rồi "soái phủ", các địa phận thì gọi là "inspection" với nhân vật quản lý gọi là "inspecteur" (hay được dịch là "tham biện": Aymonier đã nhắc ở trên từng là một inspecteur), nghe đã thấy có mùi nhà binh lai cảnh sát. Le Myre de Vilers là nhân vật dân sự đầu tiên giữ chức vụ này (từ tháng Năm 1879).

Thủ bút Le Myre de Vilers tôi chụp từ một quyển sách:


Còn dưới đây là thủ bút gin bản cũng của Le Myre de Vilers (courtesy of VHT):


Các nhân vật dân sự không hề kém phần trong cuộc đàn áp chung. Như đã nói, Jules Bosc là người đứng đầu Hội đồng đề hình Tonkin để xử vụ Hà thành đầu độc năm 1908. Lúc đó, Bosc đang làm công sứ Hà Đông. Sau một thời gian ở Đông Dương, một số nhân vật cò mi trở thành công sứ trông coi các tỉnh (rất tương tự "công tác luân chuyển cán bộ"): Pierre Pasquier trở thành công sứ Thanh Hóa còn René Robin trở thành công sứ Tân An.

Trong số năm nhân vật, Pierre Pasquier có vị trí đặc biệt với Hà Nội và Paul Blanchard de La Brosse có vị trí không nhỏ với Sài Gòn. Pasquier là thị trưởng Hà Nội từ 1914 đến cuối 1916 và tên sẽ được đặt cho thư viện lớn ở đây; vị trí của Blanchard de La Brosse tại Cochinchine cũng khiến tên của nhân vật ấy được đặt cho một viện bảo tàng nổi tiếng tại đây. Thư viện và bảo tàng: chúng ta sẽ còn quay trở lại với chúng ở phần sau. Một cuốn sách của Blanchard de La Brosse: xem ởkia.

Pierre Pasquier chắc hẳn là người có tài văn chương trội hơn hẳn so với những nhân vật khác. Người ta cũng nói hồi làm công sứ Thanh Hóa, Pasquier được người dân ở đây đặc biệt yêu quý. Nhưng René Robin cũng không kém. Năm 1915, sau khi giữ chức vụ ở Tân An, Robin cũng ra Thanh Hóa làm công sứ. Tại đây, tháng Tám năm ấy, Robin đã có một bài diễn văn trước sĩ tử vang dội: bộ phận "Affaires politiques" vội vã gửi bài đít cua đó cho Toàn quyền Đông Dương, nhiệt liệt khuyên đọc và còn gợi ý nên cho dịch sang tiếng An-nam-mít rồi đăng tờ Trung Bắc tân văn.

Patrice Morlat sao lục bài đít cua của Robin trong cuốn sách của mình:


Nhưng, rất có thể, xét trên nhiều phương diện, Louis Marty mới là nhân vật kiệt xuất trong nhìn nhận. Nhượng Tống sẽ tình cờ bắt gặp một số tác phẩm của Marty và chúng sẽ gây tác động to lớn lên Nhượng Tống, cũng như cảm hứng không nhỏ để Nhượng Tống viết một cuốn sách. Tôi sẽ còn quay trở lại với câu chuyện ấy, cũng như câu chuyện mối quan hệ giữa Louis Marty và Phạm Quỳnh.


Các thiết chế: Trường Thuộc địa và Bộ Thuộc địa

Muốn xây dựng ý luận (idéologie), nhất thiết cần các thiết chế (institution). Ý luận thực dân liên quan chặt chẽ tới câu chuyện của chúng ta là ý luận do Albert Sarraut phát biểu: đó là một "mise en valeur" của các xứ thuộc địa. (Trên chính trường - tức là trong praxis của chính trị - Sarraut là một nhân vật "radical", hơi ngả sang tả).

Albert Sarraut nhiều năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Thuộc địa. Trước Sarraut, có một nhân vật mang cái họ lừng danh, André Maginot, và sau Sarraut còn có một nhân vật cũng rất nổi tiếng, Édouard Daladier.

Có Bộ Thuộc địa và Trường Thuộc địa: nghe cứ như có Bộ Phép thuật và Trường (dạy) Phép thuật: không phải tự dưng tôi nói đến thế giới phù thủy, vì trong câu chuyện thực dân/thuộc địa có một kích thước gần như không bao giờ được đi sâu, đó là kích thước của magique. Vùng Viễn Đông đối với người phương Tây là một trong những trình hiện lớn của Utopia tức là Xứ Phi Lai (điều này đi kèm với một trình hiện khác, lấy từ trong quá khứ của phương Tây: đó là câu chuyện về các "colonie" Hy Lạp và nhất là La Mã; các nhà thực dân Pháp tại Đông Dương không hẳn là không muốn xây dựng một hệ thống theo kiểu La Mã, nhất là trong lĩnh vực luật pháp). Nghìn lẻ một đêm được mở rộng ở giai đoạn cuối thế kỷ 19 bằng văn chương, trong đó Pierre Loti đóng một vai trò trọng yếu. Tôi sẽ còn quay trở lại với Loti.

Utopie cần hiểu trong tương quan với hétérotopie như trong hệ thống Michel Foucault: thuộc địa chính là một hétérotopie. Nguyên tắc của hétérotopie hết sức đơn giản đối với độc giả của Harry Potter, vì đó là khái niệm "khóa cảng".

Các nhân vật của chúng ta, một người có tên được dùng để đặt cho thư viện, một người cho viện bảo tàng, như đã nói ở trên: thư viện và bảo tàng là hai hétérotopie rất điển hình.

Pierre Loti, nhân vật không thể bỏ qua trong câu chuyện thực dân Pháp trên diện rộng và ở quãng thời gian nhiều ý nghĩa hơn cả (nhất là trong trình hiện văn chương):


(còn dăm quyển tôi nhét vào đâu mất chưa tìm thấy, chẳng hạn Madame Chrysanthème, cuốn tiểu thuyết về Nhật Bản, hay Pêcheur d'Islande - quyển này thì có tiếng Việt)

Giống hệt Paul Bourget, trong rất rất nhiều thời gian tôi tránh đọc Pierre Loti bằng được (réticences, réticences) - cái tên Pierre Loti đối với tôi ngay lập tức nối thẳng vào chuyện thực dân, và tất tật những khó ở mà điều đó bao hàm. Cần phải vượt qua rất nhiều định kiến riêng, thì tôi mới có thể đọc Pierre Loti được (rất gần đây, và cũng là đọc theo một đường lối hết sức cầm chừng, có thể nói là dè chừng); nhưng ngược lại, lúc nào tôi cũng nghĩ, trong đọc nhất thiết phải có định kiến, nhiều định kiến càng tốt - vả lại thật ra đâu thể tránh được chúng: thêm nữa, nếu như vậy, mỗi lần vượt qua một định kiến nào đó, chẳng khác nào giành được một chiến thắng. Nhưng đúng là connotation chủ nghĩa thực dân (một dạng thực dân ngây thơ - và do vậy, lại càng đậm chất thực dân hơn) ở văn chương Pierre Loti rất lớn.

Cho mãi đến gần đây, người ta mới thực sự in đầy đủ Nhật ký (Journal) của Pierre Loti; dưới đây là tập thứ 5, rất dày:


Nhật ký của Pierre Loti đã được in rất sớm, ngay sau khi Pierre Loti qua đời (năm 1923); Samuel Viaud, con trai của Pierre Loti (tên thật của Pierre Loti là "Viaud"), cho đăng loạt nhật ký đó trên tờ La Petite Illustration ra năm 1924 và 1925:




Quay trở lại với tính chất magique của câu chuyện thực dân-thuộc địa: không chỉ Indochine trở thành utopie-hétérotopie trong mắt người Pháp, mà cơ chế ấy cũng xảy ra ở chiều ngược lại. Giờ đây, chỉ cần đọc chính Ngục trung thư của Phan Bội Châu là thấy: Phan Bội Châu cảm khái nói rằng giá như mình sinh ra vào thế kỷ 18 trong một thế giới đầy tiến bộ bên phương Tây, etc. Như vậy, ở một chiều, ta có cái nhìn bị nhiễm đầy từ tính của Nghìn lẻ một đêm (và phần nối dài, chẳng hạn Pierre Loti), còn bên kia, là cái nhìn chịu tác động của sự diễn giải theo đó châu Âu đi qua thời Trung cổ ("đêm trường") để đi tới ánh sáng, etc. Có lẽ mức độ nhầm lẫn của cả hai bên lớn ngang nhau.

Dẫu có thế nào, Trường Thuộc địa được thành lập. Câu chuyện Nguyễn Tất Thành, về sau này, cũng có chút dính dáng đến cái trường ấy.

Cuốn sách (Kỳ ngoại hầu) Cường Để:


(cuốn sách do Tráng Liệt thực hiện, chủ yếu nó là "Phỏng vấn ký", của một nhà báo Nhật Bản)




(còn nữa)


NB. đã tiếp tục "Đêm" và "Phụ chú cho những từ"




Đông Dương thuở ấy (2) Léopold Cadière
Đông Dương thuở ấy (1) BAVH
Đông Dương ấy, Đông Dương này
Dien Bien Fou

Ngày 19 tháng Chạp năm 1946

8 comments:

  1. I know this if off topic but I'm looking into starting my own blog and was wondering
    what all is needed to get set up? I'm assuming having a blog like yours would cost
    a pretty penny? I'm not very web smart so I'm not 100%
    sure. Any recommendations or advice would be greatly appreciated.
    Thank you

    ReplyDelete
  2. thiên Lương nó chửi mày kìa, sao im vậy

    ReplyDelete
  3. a Môi Thâm, lâu lắm mới thấy, giờ chuyển sang liên minh với Xu Xèng gì đó cùng đám tiểu yêu có cái thằng gì bên Xinh ga bo chuyên bám đít hả?

    ReplyDelete
  4. ngoạn mục! và hình như hệ thống thuộc địa sắm vai trò một luyện-ngục ở trần gian. và mấy ông cò-mi nên được dựng tượng. nhân đấy, thấy quốc-ngữ thật là một cái ngõ cụt, mà đại đô thị nào chả có.

    ReplyDelete
  5. vượt khỏi các thứ ý hệ, "Mau với chứ, vội vàng lên với chứ" :P - dù chẳng ưa cái thứ thơ này.

    ReplyDelete
  6. Người ta đặt nhầm hay sao nhỉ, Hòn ngọc Viễn Đông chính ra phải nằm ở đây, ở Hà Nội

    ReplyDelete