Chính nhờ Gide - điều này hết sức dị thường - mà ta có thể nắm bắt được một điều rất khó hình dung, nó khiến cho thế giới văn chương của Simenon như thể mở ra một cánh cửa rất nhỏ; một điều gì đó bất thần làm cho giữa mọi yếu tố lúc nào cũng vô hình và chìm sâu xuống có một yếu tố nổi lên, theo một "thức" cụ thể, thức của phù điêu.
Colette là người làm cho Simenon, khi còn tuổi trẻ, hiểu ra một điều hết sức quan yếu của viết nghĩa là gì: phải sau khi đã được Colette nói viết văn tức là lỏng ra thì thế giới văn chương của Simenon mới tự hiểu ra là cần phải chảy theo hướng nào: nước thì đâu có thể chảy ngược dòng, và muốn chảy thì sông hay suối cần có một thứ, trong tiếng Việt được gọi bằng một từ tuyệt vời là "lòng" (lòng sông) và trong tiếng Pháp được gọi bằng một từ cũng chuẩn xác không kém, "lit", nghĩa ban đầu là cái giường; lòng hay giường là một trong những hình thức của nước. Aristote: hình thức là những giấc mơ của vật chất. Còn Gide, với cái nhìn đậm màu quỷ quái nhất là những khi nào đặc biệt để ý (mà Simenon gây cho Gide một nỗi hiếu kỳ to lớn), đã làm cho Simenon nói ra được một điều về văn chương của mình, nhưng cũng là về chính mình. Gide vây dồn, o ép, mơn trớn thế nào đó để Simenon nói được (với Gide) một điều: trong mọi cuốn sách của mình, chỉ có một điều, một điều duy nhất.
Không một cái cây nào cần hai cái hạt để nảy mầm. Khi viết văn, như ta có thể đọc được trong vô số miêu tả, Simenon viết giữa chừng có thể bỏ luôn cái đang viết để viết cái khác. Rất có thể đó là những lúc xảy ra chuyện bị hụt mất một điều duy nhất; khi ấy, điều duy nhất cần làm là hút thêm một cối tẩu rồi viết cái khác.
Joris Terlinck trong Ông thị trưởng ở Furnes không hút tẩu mà hút xì gà; như Winston Churchill, Terlinck lúc nào cũng ngậm xì gà. Đó là một con người kỳ quặc, sự kỳ quặc khiến Simenon theo đuổi rất lâu, điều đó thể hiện ở việc cuốn tiểu thuyết không hề ngắn. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong tiếng Việt có một tiểu thuyết dung lượng lớn của Simenon. Một tiểu thuyết gồm hai phần, như trận lượt đi và lượt về. Đây là một kiệt tác của Simenon, một trong những tiểu thuyết nơi một yếu tố duy nhất (như Simenon từng tiết lộ với Gide) hiện lên rất rõ. Nó quẫy đạp, nó gây sợ hãi, nó thản nhiên, nó tàn nhẫn.
Câu chuyện mở ra bằng sự tàn nhẫn. Terlinck, thị trưởng (hình ảnh nhân vật bourgmestre tại các thành phố Bắc Âu rất đáng nhớ chẳng hạn như trong câu chuyện của Edgar Poe về sự bay bằng khinh khí cầu) đồng thời là nhà sản xuất xì gà, nắm lấy Furnes (địa danh có thật nhưng Simenon, vì trước đó đã bị kiện sau khi lấy bối cảnh một câu chuyện quá sát thực bên châu Phi, ngay ở đầu ghi chú mình không biết gì về thành phố) như trong lòng bàn tay, như thể đó là một hạt óc chó hay cũng có thể là cái đồng hồ bấm giờ lúc nào cũng nằm trên mặt bàn làm việc của ông (trong phòng làm việc có bức tranh chân dung một cựu thị trưởng, van Vliet - một truyền thống của hội họa Flamand là vẽ các ông bourgmestre như thế này). Thành phố Furnes có sung sướng dưới sự điều hành của ông không? điều đó Joris Terlinck chẳng buồn quan tâm. Ông cũng không quan tâm lời cầu xin của một chàng trai trẻ muốn được ông giúp tiền vì vừa làm cho một thiếu nữ mang thai, Lina, con gái đối thủ chính trị lớn nhất của Terlinck, kể cả khi anh ta nói nếu vậy mình sẽ tự sát, và kể cả khi bà vợ cùng bà hầu của ông dễ dàng đoán ra nội dung cuộc gặp căn cứ vào diễn tiến bi thảm của sự việc sau đó.
Terlinck không quan tâm, giống hệt Citizen Kane. Ông biết là ông đúng. Nhất là, ông hiểu những gì người khác có thấy cũng không hiểu. Nhất là, đã hiểu thì ông làm đúng như thế.
Một câu chuyện nhiều tương đồng với Citizen Kane tất yếu dẫn ta đến với câu hỏi: Rosebud của con người khủng khiếp Joris Terlinck là gì? Bất kỳ độc giả nào của cuốn tiểu thuyết u ám nhưng mang một ánh sáng lạ thường này cũng sẽ tìm ra, một cách dễ dàng - nếu muốn. Terlinck, bất kỳ lúc nào, nếu muốn, cũng có lựa chọn, cũng có thể có một cuộc đời khác. Những chuyến Terlinck lái xe qua lại giữa Furnes và thành phố cảng Ostende trong phần thứ hai làm rõ dần lên, như thủ pháp của một điêu khắc gia đang chăm chút cho bức phù điêu của mình, một yếu tố vô hình.
Làm gì có định mệnh hay đến cả sự sống, đối với con người, nếu mà thiếu những yếu tố vô hình đó. Nhất là, nếu không dám hiểu chúng. Bởi vì, hiểu chính là can đảm.
Simenon tiếp tục trở lại
"Tiết lộ hoàn hảo" (Nguyễn Chí Hoan, Sự thật về Bébé Donge)
"Kẻ không tham chiến"
Simenon trở lại
<3 cảm ơn anh, đang lúc không muốn đọc gì
ReplyDeleteươn người hả?
ReplyDeletecâu hỏi hóc búa quá:)
Delete(đấm ngực, lỗi tại tôi lỗi tại tôi mọi đàng vì vậy tôi xin:))
thôi cũng không cần đến mức í
ReplyDeletenhưng đang thiếu quyển về cuộc đời Jesus của David Strauss, bản dịch tiếng Anh George Eliot, hay là xem thế nào nhỉ