Mar 1, 2019

[tiện bút] Hương cảng Lý Thương Ẩn

(đã tiếp tục "một Xứ Phi Lai nữa": không phải chỉ có một con đường để đến thiên đường, ít nhất cũng nên hy vọng như vậy; và cũng đã tiếp tục Inferno của August Strindberg: cuộc lội qua địa ngục mỗi lúc một thêm trầm trọng)

Chuyến bay số hiệu (nhưng tôi không còn nhớ: cũng chính vì sự không nhớ nổi - một khiếm khuyết của ký ức - làm cho tôi ngay lập tức thoát được khỏi sự mở đầu của muôn vàn bài báo hay cuốn sách, thuộc dạng "Chiếc Boeing mang số hiệu xyz đáp xuống phi trường abc vào một buổi trưa hứa hẹn nhiều giông bão", etc.; chúng đều, tất tật, hứa hẹn sẽ là những bài báo hay cuốn sách vô cùng hấp dẫn, ít nhất thì cũng gay cấn; nhưng tôi chắc chắn là không bao giờ tôi có thể kể được một câu chuyện gay cấn, hấp dẫn thì càng không; vả lại, có gì thực sự hấp dẫn hay gay cấn thật à?) - chuyến bay - có lẽ tôi thực sự không biết làm thế nào để bắt đầu bất kỳ cái gì thật.

Vả lại, ký ức, nếu nó vận hành không tốt - nhưng nhất là nếu nó quá tuyệt hảo - luôn luôn làm cho mọi sự từng đã trở nên khác đi một chút ít. Đúng là chỉ một chút ít, trong phần lớn các trường hợp, nhưng rất có khả năng mọi sự nằm chính trong chút ít bé nhỏ đó.

Chẳng có cách nào khác, tôi phải nhờ đến Lý Thương Ẩn. Ít nhất thì tôi cũng biết, Lý Thương Ẩn là Lý Nghĩa Sơn.

Nhà thơ thời Đường (cứ mỗi lần nhìn thấy biển hiệu của mấy cửa hàng Tang Frères tôi lại muốn cười, nhưng xét cho cùng có lẽ như vậy thì cũng không buồn cười hơn những lúc nhìn thấy cửa hàng Tati về mạn Bắc, bên Hữu Ngạn: Jacques Tati chịu cùng số phận với Leclerc tướng quân, cả hai chui đầu vào cuộc say mê bán hàng hóa; rồi mọi thứ sẽ chui vào đó hết - như phân bón; trong một cuốn tiểu thuyết gần đây cái tên "Blaise et Pascal" được dùng để gọi trại đi tên "grande marque" lừng danh "Zadig et Voltaire": hoạt động parodie diễn ra trên mọi bình diện và cấp độ, có lẽ chính nó mới thực sự là lực điều khiển cuộc sống xã hội) nào phổ biến nhất ở đây? Tất nhiên tôi không hề nghi ngờ gì về hiện diện hùng mạnh của Lý Bạch và Đỗ Phủ, hay Thôi Hiệu, Đỗ Mục, nhưng vẫn có điều gì đó khiến tôi ngấm ngầm nghĩ, chưa chắc, vì như vậy là quên mất Bạch Cư Dị ("Hán hoàng trọng sắc tư khuynh quốc") và nhất là Lý Thương Ẩn.

Dẫu có vậy, trên Haiphong Road của Hongkong năm ấy, tìm ra một hiệu sách, sau một hồi lâu lục lọi tứ tung (đó là hiệu sách Tàu đầu tiên trong đời tôi; sau này tôi sẽ tương đối quen thuộc với You Feng trên phố Monsieur le Prince không xa dãy quán ăn Nhật Bản giả hiệu: ở Paris quán Nhật thường là của người Tàu, quán Tàu thường của người Việt Nam và rất nhiều quán Việt Nam có chủ là người Campuchia; You Feng cách đây không lâu đã làm một việc là lần đầu tiên ấn hành trong tiếng Pháp bản đầy đủ Sử ký Tư Mã Thiên, hơn một trăm năm sau khi Édouard Chavannes khởi đầu công việc), trong số những quyển sách mà tôi quyết định mua là một tập thơ của Lý Bạch, chứ không phải Lý Thương Ẩn.

Quán tính bao giờ cũng rất mạnh. Thêm nữa, dường như cuộc sống chỉ đáng là bởi vì những sự thật của hôm qua chỉ là sự thật trong lúc đợi trở thành dối trá của ngày mai (Pierre Klossowski).

Ai cũng - ngày hôm nay, vào lúc "made in China" đồng nghĩa với có sẵn trong tự nhiên - có thể nói được cái gì đó Trung Quốc đầu tiên trong đời mình là gì. Nhà thơ Trung Quốc (nói ngắn gọn, nhà thơ Đường) đầu tiên, cái túi hàng nhái Quảng Châu đầu tiên, con vịt quay Bắc Kinh đầu tiên, đĩa cơm gà Hải Nam đầu tiên (lại tiếp tục câu chuyện - trò đùa mới đúng - của các danh xưng: dường như ở Hải Nam chẳng hề có cái món gà hấp rút xương đó, hoàn toàn tương tự món "bún bò Nam Bộ" khét tiếng gần chợ Hàng Da, Hà Nội; tại các quán ăn Việt Nam ở Paris (trong đó không ít có chủ là người Campuchia) đích xác cũng món ấy được gọi thông dụng là "bobun"). Cô gái Trung Quốc đầu tiên của tôi là một cô gái Quảng Đông.

Cô gái ấy, đứng cạnh tôi trên xe bus, nói chính xác hơn là trên xe PC1, loại xe chạy trên những đại lộ vành đai tạo thành vòng tròn bao vây lấy thành phố (xe PC2 và PC3 thì tôi ít đi, nhưng tôi lại từng hay đi tàu T2 là một tuyến nhỏ nối Pont de Sèvres với La Défense; tất nhiên, đó là hồi những đoàn tramway còn chưa quay trở lại), rất cao, da đặc biệt trắng. Trước đó, vì kỳ thị chủng tộc tôi cứ nghĩ phụ nữ Trung Quốc chẳng có ai đẹp, tứ đại mỹ nhân là do các nhà thơ thêm thắt, và Dương Quý Phi suốt ngày tắm là vì người hôi quá: xét cho cùng "nhân vị thức", mà nhân vị thức là bởi, là bởi "dưỡng tại thâm khuê"; nhưng cô gái đứng cạnh tôi rất đẹp. Đó là một cô gái Quảng Đông, và đó cũng chính là người xóa tan đi nỗi ác cảm hình thành mấy năm trước đó khi phải chịu đựng tiếng Quảng của các bà chạy chợ trên những chuyến xe bus Hương Cảng, nhất là về mạn Cửu Long. Đấy là còn chưa nói đến mối ác cảm Lưỡng Quảng nói chung, Hứa Thế Hanh hay Long Tế Quang nhân vật năm xưa nhốt Phan Bội Châu và Mai Lão Bạng vào ngục. Cô gái khẳng định với tôi tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ đẹp nhất trên đời, và tôi hoàn toàn tin ngay lập tức. Không có chỗ cho nghi ngờ. Đừng nghi ngờ. Giống như Gide nói: "Ne jugez pas". I như trong Thánh Kinh: đừng phán xét. Thậm chí cô gái còn (tự) đề nghị hát cho tôi nghe. "Đào chi yêu yêu" chăng? Khỏi phải nói là ngay tắp lự tôi đã nhã nhặn từ chối.

Thế nhưng tôi lại chưa bao giờ đặt chân đến Trung Quốc, giờ thì tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ. Tôi chỉ có một hình ảnh duy nhất về đất nước Trung Quốc nhìn từ cây cầu Cốc Lếu, cách đây đã gần tròn ba mươi năm. Về mặt tinh thần, tôi ủng hộ những người Hongkong: ít nhất thì các tờ báo ở đó được viết bằng tiếng phồn thể.

Tôi cũng chưa bao giờ xem phim chưởng, phim của TVB tôi không biết một mảy may, tất tật minh tinh, Lâm Tâm Như hay Lưu Đức Hòa vân vân tôi chỉ biết láng máng vì từng nghe người khác nhắc đến nhiều lần. Tôi chỉ thực sự nhận ra được một nhân vật duy nhất không lo nhầm lẫn: Châu Tinh Trì, cũng như chỉ có duy nhất - vô cùng nghèo nàn - một hình ảnh nhìn từ cầu Cốc Lếu. Điều đó có nguyên do từ một lựa chọn. Năm ấy, lên tám hay chín tuổi, giống như có một ngã tư đường hiện ra trước mắt tôi: cần phải chọn giữa phim chưởng (tối tối các quán cà phê ghế bố ghế nhựa chiếu phim chưởng phục vụ khách ngay trên vỉa hè, khắp nơi) và chơi điện tử bốn nút. Tôi đã chọn chơi điện tử, và hệ quả là hoàn toàn không có chút văn hóa nào ở phía của những bộ phim đó, kể cả dòng hay được gọi là "tâm lý xã hội", chuyển thể Quỳnh Dao etc. Tất nhiên hoàn toàn có thể chọn cả đôi - rất nhiều người, dường như, đã làm thế. Nhưng tôi chẳng biết, điều đó chưa từng bao giờ xuất hiện trong óc tôi. Cũng như đối với tôi, hiển nhiên phải là phồn thể chứ không phải giản thể.

Thế cho nên, đặt chân đến Hương Cảng năm ấy, tôi gần như không có chỗ bấu víu hay điểm quy chiếu nào (một khi đã bị đặt bên ngoài văn hóa TVB thì gần như đồng nghĩa với chẳng còn gì, gần như là hư vô). Ngoài Lý Thương Ẩn (tuy nhiên tại hiệu sách trên Haiphong Road tôi lại mua tập thơ của Lý Bạch, thêm một bộ Tam quốc diễn nghĩa). Lý Thương Ẩn và chữ Tàu phồn thể.

Trong cuốn tiểu thuyết mà tôi đang đọc (ngay lúc này), nhà văn tác giả của nó, sau khi kể một câu chuyện về cuộc đuổi bắt ban đêm giữa một người đàn ông và một phụ nữ rồi kết thúc bằng đoạn hai nhân vật đó ngồi vắt vẻo trên mấy chữ biển hiệu của Galeries Lafayette mà nói chuyện (cô gái trẻ biết là không thể chạy thoát khỏi người truy đuổi, một người đàn ông mặc pyjama dẫu trời đang đổ tuyết), nói rằng mình vừa kể một câu chuyện "không đầu không cuối, cũng chẳng có bài học đạo đức nào". Tôi có thể nói thêm, những câu chuyện của tôi cũng không đầu không cuối, chẳng bài học đạo đức và đã vậy lại còn không có gì gay cấn, hấp dẫn. Dẫu sao thì tôi cũng không thực sự biết Galeries Lafayette, mặc dù từng có lần đi cùng một cô gái đến đó để cô gái mua bút Mont-Blanc - tôi cũng không quan tâm tới bút Mont-Blanc: chữ tôi rất xấu, tôi không nghĩ là bút Mont-Blanc, Waterman hay Parker có thể giúp ích được gì.

Vả lại, có gì hấp dẫn và gay cấn đâu? Thêm nữa, Pierre Klossowski nói, cuộc đời ai cũng rất tầm thường, có lẽ bởi tất tật những gì không tầm thường đã bị vứt bỏ lúc nào không hay. Klossowski, trong mắt tôi, là triết gia của hai điều: sự gây hấn và những hơi thở. Đó cũng là người diễn tả sự cần thiết rất đáng nhớ: một cái gì đó (một ai đó) thực sự cần thiết với ta thì cũng giống như mệnh đề phủ định cần thiết cho cú pháp. Klossowski không phải là nhân vật tôi phát hiện tại thư viện Paris đầu tiên mà tôi thực sự hay đến: thư viện Beaubourg, tức là Centre Georges Pompidou. Tới giờ, bản thân tôi cũng thấy kỳ quặc vì từng có hồi, suốt nhiều tháng, tôi lại hay đến thư viện của trung tâm Pompidou, một nơi thật ra khá là gớm ghiếc. Hồi ấy, một trong những người đầu tiên mà tôi phát hiện là Boris Vian. Tôi đọc Vian - cũng một nhà văn chuyên viết các câu chuyện không đầu không cuối, nhưng hấp dẫn - trong những làm quen khó nhọc của tôi với cảnh tượng nhập nhoạng hoàng hôn vào lúc ba, bốn giờ chiều.

Điều mà tôi phải làm quen với Hương Cảng, một thời gian trước những nhập nhoạng khủng khiếp kia, là những chuyến xe bus và tàu điện ngầm. Tôi không thực sự nhớ khi đặt chân đến đó tôi đã đọc Một chuyến đi của Nguyễn Tuân hay chưa. Rất có khả năng là rồi, vì trước đó nữa chừng năm, sáu năm, tôi có một cuộc đọc Nguyễn Tuân theo lối mà người ta hay gọi là cường độ cao, nói tóm lại là đọc tất tật những gì có thể tìm được. Nhờ vậy tôi đã rất mau chóng vượt qua Sông Đà và biết rằng Nguyễn Tuân không chỉ có những thứ in trong sách giáo khoa ("Chữ người tử tù", tôi phát hiện, chính là truyện ngắn dở nhất mà Nguyễn Tuân từng viết). "Chúng thủy giai Đông tẩu/Đà giang độc Bắc lưu", "Ta hoa thanh quế" etc. Nhưng hình ảnh của "Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi" mới thực sự kích hoạt nhiều thứ ở tôi, hồi ấy.

Tiếp xúc của tôi với Hương Cảng là một cú sốc. Tôi từng biết đến một viên consul Pháp tại Hongkong thời đầu thế kỷ 20, Liébert, nhân vật hay được miêu tả là năng nổ nhưng năng lực không thực sự cao, chính là người vì quờ quạng thế nào đó mà bắt được Lương Lập Nham khi mà hình tích của con người trẻ tuổi ấy còn chưa ai thực sự biết. Cú sốc của tôi là một cú sốc về ngôn ngữ: tôi ý thức được  - mà không hề được chuẩn bị trước - rằng tôi hiểu không chỉ các biển hiệu ngoài đường mà cả phần lớn những gì viết trên những tờ báo ở đây. Mãi nhiều năm về sau, đọc hồi ký của Elias Canetti, tôi mới bắt đầu hiểu ra một số điều.

Một chuyến đi, viết về chuyến đi Hương Cảng (tôi thoáng nghĩ, trước chuyến đi của tôi chừng sáu mươi năm, nhưng ý nghĩ ấy tan biến ngay), Nguyễn Tuân có một đoạn miêu tả đêm Tết trên đất khách. Nguyễn trôi đi giữa hai hàng người ngược hướng nhau. Như cá bơi trên sông, như thuyền trôi trên biển, như một thứ vật chất bồng bềnh trên cái nền màu sắc. Đó là đoạn làm cho tôi thấy rợn tóc gáy. Nó miêu tả sự hiển nhiên, một sự ghi nhận điều hiển nhiên. Và đó chính là bản thân chuyển động. Ghi nhận điều hiển nhiên, giống như thơ Đường, giống như Bạch Cư Dị: "Thục giang thủy bích Thục sơn thanh". Nước thì biếc, núi thì xanh, ngoài ra chẳng có gì khác.

Một chuyến đi còn gieo lại ở tôi ấn tượng về miêu tả đêm, nhưng nhất là những miêu tả sự xấu tính của con người. Nguyễn Tuân cả đời ở sát cái đó, sự xấu tính, một cung bậc của Vở kịch con người, xét từ phía của tâm lý.

Cả ở Hương Cảng, Nguyễn Tuân cũng hút thuốc phiện. Không chỉ Chiếc lư đồng mắt cua mà Một chuyến đi cũng ám khói cái thế giới của đứt đoạn ấy. Tôi nghĩ đáng sợ không nằm ở sự tồn tại của vực thẳm, sự tồn tại khiến ta chóng mặt và bị rơi vào đó, sự đáng sợ nằm chính ở không tồn tại của vực thẳm. Nhưng ngược lại, ảo tưởng về độ sâu là một trong những ảo tưởng đê tiện nhất của con người. Nghịch lý của Nguyễn Tuân (một trong những, entre autres) nằm ở chỗ đó là con người đi đến với sự từ tâm chính bằng cách lội thẳng vào những nỗi xấu xa con người. Không được tránh. Tuyệt đối không được tránh. Hãy chấp nhận tha hóa, đừng tìm cách vô nhiễm. Một ai đó đi cho hết nỗi xấu tính có sẵn ở bên trong mình, người ấy nhiều khả năng sẽ tới một điều khác, và ngay khoảnh khắc đó, địa ngục đã ở sau lưng: ôm lấy cả vực thẳm đi, đừng tìm cách bắc một cây cầu hay tìm một khinh khí cầu để bay lơ lửng qua.

Nguyễn Tuân như thể mở ra cả một câu chuyện về những người Việt Nam ở Hongkong. Có rất nhiều, trong số đó, là người Hải Phòng. Nhưng tất nhiên cũng không hoàn toàn vậy, vì trong Một chuyến đi Nguyễn Tuân viết một chương rất đáng nhớ về ngôi mộ của một người Việt Nam trong cái nghĩa địa. Đó là một trường đoạn rất Dostoievski.

Dostoievski, chỉ riêng cái tên, làm tôi nghĩ đến một thế giới đầy chật các prince. Quay đâu trong thế giới của Nguyễn Tuân cũng thấy bàn đèn thuốc phiện, còn quay đâu trong thế giới của Dostoievski cũng thấy những prince. Hiệu sách You Feng nằm về phía cuối rue Monsieur le Prince, còn đầu phố đằng kia có một ngôi trường. Chắc hẳn rất ít người đi qua đoạn phố Monsieur le Prince cắt với đại lộ Saint-Michel (nhìn sang bên kia là đã thấy ngay quảng trường Sorbonne; nhất là có hiệu sách PUF rất lớn, một cạnh nằm trên Saint-Michel, nhưng cũng có thể đi vào từ phía quảng trường, nhìn là thấy ngay bức tượng Auguste Comte; đoạn Saint-Michel ấy, mùa xuân năm 2006, trở thành chiến địa cho một cuộc nổi loạn của sinh viên, tanh bành hết cả, trong đó hiệu sách PUF thuộc loại chịu nhiều tổn thất nhất; gần đây, quay trở lại nơi ấy, tôi nhận ra một điều mỉa mai nữa: hiệu sách PUF nơi năm đó tôi đứng tần ngần trước mấy quyển Roland Barthes mới in, đã biến thành cửa hàng bán giày Nike) biết tòa nhà trông rất giống tu viện kín ấy là một ngôi trường. Từng có thời tôi hay đợi trước cổng, cô gái học bên trong và dường như cũng ở nội trú đó luôn, đi ra, một nụ cười làm giảm bớt mức độ u ám của buổi chiều, chúng tôi sẽ đi ăn với nhau; cũng có lúc tại một trong những quán ăn (giả vờ) Nhật ngay trên phố Monsieur le Prince (như thế thì rất tiện: histoire de bouffer genre vite fait, pour, pour... mais pour quoi faire?). Chúng tôi cũng hay đi ăn tại mấy quán quanh Place d'Italie, nhất là về mạn quảng trường nhỏ Verlaine. Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của Michel Houellebecq, trước sự sửng sốt lớn của tôi khi đọc, vẽ ra toàn bộ địa dư khu vực ấy, hết sức kỹ càng chi tiết. Một cuốn tiểu thuyết khác, đã xa xưa, cũng lấy Place d'Italie làm bối cảnh: Mr Hire của Simenon, cuốn sách rất mỏng nhưng tuyệt đối đáng sợ.

Cuộc tan biến của cô gái ấy (khỏi cuộc đời tôi) xảy ra theo cùng nhịp điệu và đà của việc tôi nhận ra tại sao ngay lần đầu tiên gặp, cô gái ấy đã hấp dẫn tôi đến thế. Phải khi đã biến mất hoàn toàn, không còn chút tăm hơi hay dấu vết nào (rất có thể điều duy nhất thực sự còn lại là câu nói của cô gái ấy với tôi, một đêm nào đó: "Sao tay anh lạnh thế?"), như một lời đùa cợt, cô gái ấy mới hé lộ cho tôi thấy sự giống giữa mình và một nhân vật - chính sự giống đó đã gây choáng váng cho tôi trong một lần, giữa chỗ đông người, ghế của tôi ở ngay sau ghế của cô gái, profil của cô gái gây tác động lên tôi có lẽ ngang mức cô thiếu nữ (một nữ phục vụ hiệu bán sữa) gây ra cho "Mr Hire" của Simenon tại sân vận động trong lúc diễn ra một trận bóng đá, khi ghế của Mr Hire ở ngay sau ghế của cô gái ấy (ngồi cạnh anh người yêu hắc ám). Đấy là bởi cô gái rất giống Nam Phương hoàng hậu. Xét cho cùng, mãi mà tôi vẫn không thoát được bầu không khí của "thiên hạ phụ mẫu tâm", từng một thời "bất trọng khinh nam trọng khinh nữ".

Còn thư viện của Centre Pompidou, rốt cuộc tôi cũng hiểu tại sao nó lại thu hút tôi, trong những tháng đầu tiên tôi ở đó. Không chỉ vì Boris Vian, cũng không phải vì cách bày sách ở đó cho phép ai cũng có thể lấy bất kỳ quyển sách nào mà không cần nhờ đến thủ thư.

Lối vào thư viện Pompidou (một kỳ trưng bày tài liệu lưu trữ của trường ENS, người ta bày ra những bức ảnh chụp học sinh cùng một khóa; đó là thời học sinh ăn mặc trông như các gentleman: chắc không đến nỗi mang plastron như những nhân vật bourgeois trong tiểu thuyết của Simenon, nhưng áo quần cũng hết sức nghiêm chỉnh, hồ bột cứng ngắc, và nhất là tóc luôn luôn chải mượt; trong đó có một bức ảnh chụp vài người, có Phạm Duy Khiêm và Georges Pompidou) không ở phía cái sân rất rộng và hơi dốc nổi tiếng, mùa hè luôn luôn có biểu diễn đường phố (tôi rành phía bên ngoài đó hơn, phố Quincampoix, có nhà một người bạn; đây là khu vực rất hay được các nhà văn miêu tả: đại lộ Sébastopol (lần đầu tiên thấy nó tôi nghĩ ngay đến Tolstoi) thời Balzac còn chưa có tên như vậy nhưng César Birotteau lấy bối cảnh chính khu này (nhất là phố Lombards chuyên bán hương liệu), Émile Zola trong Le Ventre de Paris hay đến cả Halldór Laxness trong cuốn sách nhỏ về Paris) mà phía của đại lộ. Nhiều tháng dài tôi đến thư viện Pompidou, nhưng bảo tàng nổi tiếng của nó (ngay lập tức sẽ thấy tranh Miró và một đoạn sau thì Pollock) thì mãi về sau tôi mới đặt chân tới (từ cái sân rất rộng phải đi lên nhiều khúc cầu thang hình con sâu róm, chi tiết thuộc vào những gì nổi tiếng nhất của ngoại hình cái trung tâm lừng danh ấy); đó là lần tôi đi cùng Anne-Cécile; từ đầu đến cuối tôi cố không tỏ ra mình để ý cô gái ấy thọt chân.

Tôi chọn ngay Pompidou vì nó là một sự trung chuyển: nó gợi nhớ không khí cái thư viện lớn trên phố Tràng Thi, Hà Nội; nghĩa là nổi bật vì sự nhộn nhạo. Tôi cần một nơi như vậy trước khi định hướng xong xuôi và hiểu được ra rằng thư viện nghĩa là một cuộc đi vào heo hút bất tận, không còn đông đúc chút nào nữa. Tôi sẽ biết nhiều thư viện như thế. Tôi từng viết rất nhiều về những thư viện mà tôi từng đến, thường xuyên tới hay chỉ thoáng chốc. Vấn đề là tôi không thực sự chắc là có thể tìm lại những gì đã viết đó hay không.

Nhưng thư viện Pompidou cũng chính là nơi, mặc dù làm tôi phát hiện Boris Vian, khiến cô gái Trung Quốc Quảng Đông bốc hơi đi mất. Chúng tôi hẹn nhau ở đó, và cả một buổi chiều không tìm được nhau - thư viện ấy trông không hề giống một mê cung nhưng vẫn cứ là mê cung; sau đó chúng tôi không còn gặp lại nhau bao giờ nữa; rốt cuộc tôi đã không được nghe cô gái ấy hát bằng tiếng Quảng. Rất có thể, rất có thể bởi thế mà tôi đã không biết đến cảnh "Tòng thử quân vương bất tảo triều".

Năm ấy, ở Hương Cảng, từ chối lời rủ lên Victoria Peak đi chơi xuyên đêm (đi "Peak Tram" cũ kỹ, tất nhiên), tôi quay trở xuống bên dưới và đi một mình về chỗ ở trọ, một khu gồm nhiều "pavillon". Lúc này, sau một thời gian ở đó, tôi đã có thể tự xoay xở được, nhất là vì tôi đã phát hiện ra, những tờ báo Hongkong không hề tuyệt đối không hiểu nổi.

Lên một "peak"? Sâu sắc là một ảo tưởng đê tiện, nhưng đỉnh cao cũng là sự đê tiện không kém phần ảo tưởng. Chỉ có thể thở được ở những vùng (những phần) thật thấp (Robert Walser). Nhưng dẫu sao thì đoàn tàu cũ kỹ chạy lên đỉnh Victoria cũng xuyên qua một phong cảnh mơ hồ trông như rừng rú. Hongkong cũng có thể tạo cảm giác về sự rậm rạp khác với rậm rạp của các tòa nhà.

Những thành phố châu Á luôn luôn khiến tôi thấy khó hiểu. Nhưng sự khó hiểu mỗi lần lại khác. Ở Phnompenh, tôi thấy như thể bị mắc kẹt giữa những con đường của thành phố chưa mấy rải nhựa, cách đây gần hai mươi năm, trong một quá khứ đáng sợ. Sự mắc kẹt ấy làm cho tôi quyết định không đi Angkor Wat nữa, mặc dù tôi cũng muốn đến xem hiện trường năm xưa André Malraux ăn cắp đồ cổ rồi bị bắt. Hồi ấy, trên toàn xứ Indochine chỉ có tòa án ở Sài Gòn. Trong thời gian Malraux ở đó đợi bị dẫn đi thì người vợ vội vã quay trở về Pháp tìm cách khuấy trời đạp nước cứu chồng. Một trong những người đã giúp đỡ là André Breton. Dường như cuối cùng Malraux đã không hề chịu án gì. La Condition humaine. Nhưng cũng là La Comédie humaine. Tôi không bao giờ chịu nổi tiểu thuyết của Malraux, nhất là L'Espoir (cuốn tiểu thuyết về nội chiến Tây Ban Nha: chắc tôi không chịu được kiểu hy vọng ấy). Malraux giống như là một Loti mới, nhưng ít ngây thơ hơn nhiều (vì ăn cắp đồ cổ); nhưng cũng có thể Malraux còn ngây thơ hơn Loti (cũng chính vì ăn cắp đồ cổ). Dẫu có thế nào, cả hai đều là những người hùng của xã hội bourgeois Pháp, một của các salon (của giới thượng lưu), một của các cabinet (của giới chính trị). Phnompenh, ai có thể không lên cơn trầm uất nếu đến đó vào quãng thời gian cách đây chừng hai mươi năm? Trên một phố nhỏ (hoặc cũng không nhỏ lắm: tôi chỉ chắc chắn đó không phải đại lộ Aoyama) của thành phố Tokyo ("Đông Kinh"; nguồn gốc cái tên ấy là như sau: những người đi theo Phan Bội Châu sang Tokyo qua con đường do Đặng Thúc Hứa thiết lập hồi đầu thế kỷ 20 - ta cứ cho là Tăng Bạt Hổ và Lương Lập Nham - đi lang thang trên đường phố, rồi một người thốt lên: "Chỗ này đông kinh", và từ đó có cái tên "Đông Kinh") có một hiệu sách, tôi đi qua đó và thấy ngay hai tập Écrits của Jacques Lacan. Tôi liếc nhìn sang người Nhật đang dẫn tôi đi, và hiểu ngay rằng không có chuyện kiếm chác từ nhân vật đó ba mươi giây dừng lại để vào mua. Tokyo đối với tôi là cú hụt bộ Écrits của Lacan. Hôm ấy, tôi được (tôi bị) dẫn đến trường đại học Tokyo, tôi sẽ phải nói mấy tiếng đồng hồ trước một nhúm sinh viên nhỏ. Tất nhiên tôi sẵn sàng đổi vụ nói chuyện ấy lấy vài phút quay lại hiệu sách; sự xuất hiện của Lacan giống như một dấu hiệu. Nhưng đâu có làm gì được (với người Nhật; tôi không ác cảm với người Nhật, trên quảng trường Sorbonne - không phải về phía đại lộ Saint-Michel mà phía bên kia, rất gần mặt tiền của École des Chartes - tôi hay uống cà phê với Eri, cô gái Nhật Bản huyền bí dường như xuất hiện để an ủi cho tôi sau khi cô gái Quảng Đông đã biến mất), vả lại cái gì chẳng có thể là dấu hiệu ("Bất kỳ cái gì cũng có thể là nguyên nhân của bất kỳ cái gì" - David Hume). Pierre Klossowski hình như cũng nói một điều gì tương tự, trong Roberte ce soir. Trước khi đến Hiroshima, tôi ở một thành phố nhỏ trên núi mà tôi đã quên tên; trên triền núi có đoạn cảnh tượng trông không khác gì bối cảnh cho bộ phim In the Realm of the Senses. Khách sạn tôi ở, trên tầng cao, có onsen: "ôn tuyền". Chỉ cần cởi hết quần áo rồi bước xuống. Vẫn tiếp tục, bầu không khí ẩm ướt châu Á, sự ẩm ướt của của "Thị nhi phù khởi kiều vô lực".

Ở Hương Cảng, sau khi mua được một đống sách từ cái hiệu trên Haiphong Road, trở về "pavillon", bỗng thấy trước mặt có một thanh niên Trung Quốc lục địa đẹp trai, vốn trước đó đã kịp dăm ba câu làm quen, tôi gọi comrade lại, đưa quyển thơ Lý Bạch bảo đọc - bỗng nhiên tôi muốn biết một người Trung Quốc đọc thơ Đường thì nghe sẽ khác so với tôi như thế nào. Thoáng ngần ngừ, nhưng nhân vật ấy vẫn cầm sách đọc, tôi đã mở sẵn bài "Tương tiến tửu". Nhưng không được hai câu đầy đủ, ấp úng ngay. Té ra cuộc cách mạng mênh mang trong đó Hồ Thích có vai trò rốt cuộc đã dẫn tới một đám thanh niên không đọc nổi Lý Bạch. "Quân bất kiến/Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai/Bôn lưu đáo hải bất phục hồi", thế mà không đọc hả? "Triêu như thanh ty mộ thành tuyết". Tôi ngồi đó, trong một "pavillon" bên Hương Cảng, mà gửi sang đại lục bên kia một nỗi buồn mênh mông và đen tối.

"Đại lục" giống như "đại mộng": nhà thơ Trung Hoa vĩ đại nhất đã hiểu điều đó từ rất lâu, "Xử thế nhược đại mộng/Hồ vi lao kỳ sinh". Nhiều khi giấc mộng ấy là "mộng dữ". Cho đến cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, tôi (và chắc hẳn rất nhiều người khác) đã trở nên chán nản sau quãng thời gian đầu tiên nổi cơn phấn khích (xét cho cùng rất đê tiện) đọc như điên những bằng chứng cho thấy người Trung Quốc đại lục đã phải trải qua mấy thập niên đen tối như thế nào. Sau khi đọc câu chuyện về Lưu Thiếu Kỳ - chắc hẳn vậy - tôi không còn đọc những thứ tương tự nữa. Trương Hiền Lượng và Giả Bình Ao cũng đã quá đủ. Trước đây, nhìn thấy Tùy tưởng lục của Ba Kim, tôi cũng thờ ơ không muốn động vào. Mãi rất gần đây, tình cờ lại nhìn thấy nó, tôi mới quyết định đọc. Ba Kim giống như Cao Hành Kiện về sau thuộc vào số những người Trung Quốc gắn bó với nước Pháp, Ba Kim hồi còn trẻ (tác phẩm đầu tay của Ba Kim viết ở Pháp) và Cao Hành Kiện khi đã không còn trẻ. Trong một cuốn sách in cách đây chừng một, cùng lắm hai năm, về Paris và ý nghĩa của nó đối với các nhà cách mạng một thời, có một sơ đồ cho thấy nhà của những người Annamite (đại lộ Gobelins, để nói ngắn gọn) cách place d'Italie một quãng rất ngắn, cũng cách đúng một quãng như vậy nhưng về phía khác là nơi Chu Ân Lai sống. Tôi bỗng muốn biết "Ba Kim" thì người phương Tây gọi như thế nào, té ra là "Ba Jin", tức là người ta phiên âm cái tên ấy ra: cả một điều hài hước, bởi vì Lý Nghiêu Đường lấy bút danh Ba Kim (từ tiểu thuyết đầu tay, viết tại Pháp rồi gửi về Trung Quốc đăng tạp chí, hình như Tiểu thuyết tuần san hay cái gì đó tương tự) là lấy từ tên của hai nhân vật, Bakounine và Kropotkine (tuổi trẻ nào cũng đậm màu sắc của anarchia: tuổi trẻ là giấc mộng lớn của sự không bắt đầu). Người Trung Quốc đọc thơ Đường khác với người Việt Nam đọc thơ Đường (tuy dự đồ của tôi với "Tương tiến tửu" tại Hương Cảng có phần thất bại nhưng tôi vẫn loáng thoáng hiểu được: rất khác) thì nhiều từ trông giống nhau hoặc hao hao nhau thật ra rất khác nhau. Trần Dần nói đến "văn cách", và về cơ bản người Việt Nam ai cũng hiểu vậy là gì, nhưng "Văn cách" đối với Ba Kim và những người Trung Quốc là "Cách mạng văn hóa". Các từ cũng - như người - là bạn-kẻ thù, cũng như giữa Anh và Pháp: "crier" của tiếng Pháp là hét còn "cry" của tiếng Anh lại là khóc. Từ cũng đánh bẫy, như người.

Năm ấy, tại Hương Cảng, trong "pavillon", tôi nằm ngủ đêm đầu tiên tại một cái giường. Tầm nửa đêm thì có người mới đến, trèo lên cái giường trên đầu tôi. Trong cơn ngái ngủ tôi lờ mờ nhận ra là không chỉ có một người, mà ít nhất hai. Sau một lúc sột soạt áo quần và thì thầm bí bách những lời nói, phía trên dần trở nên yên ắng. Rồi bỗng một cái gì rất rộng và mềm rơi xuống, rơi xuống như một hoàng hôn (ở đây tôi đang nhại Céline), một phần của sự rộng và mềm (và êm, và thơm) ấy tràn lên mặt tôi. Tôi ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau tôi mới nhận ra, đó là một cái váy, nó được treo từ phía trên cao, thõng xuống, dài đến nỗi gần chạm đất, và một đoạn cái váy ấy, trong đêm, đã thản nhiên phủ lên mặt tôi chập chờn ngủ. Tôi không còn nhớ đêm hôm ấy giấc mơ của tôi là "đại mộng" hay "mộng dữ".

Nguyễn Tuân không hề khách sáo ở Hương Cảng, kể từ bữa tiệc đầu tiên hãng phim chiêu đãi những người Annamite sang làm diễn viên (cái bữa tiệc khiến cho Nguyễn Tuân hiểu ra là vào nhà vệ sinh phải trả tiền cho người phụ nữ ở ngoài cửa) cho đến các giao du với giới chị em ta. Một thanh niên Hà Nội thì không bao giờ khách sáo, nếu như đọc được ra phong khí của xứ sở. Trong Một chuyến đi, Nguyễn Tuân để lộ ra, rõ hơn ở bất kỳ đâu khác, một điều: Nguyễn Tuân là nguyên tắc. Nguyên tắc thì không biết tới giàu hay nghèo, sang hay hèn, vì đã vượt qua hết. Nguyên tắc thì dur. Những người ở bên ngoài nguyên tắc - chẳng hạn Tô Hoài - bị Nguyễn Tuân thu hút mãnh liệt, giống các mạt sắt không thể thoát tầm kiểm soát của thanh nam châm. Một chuyến đi là để nói lên cốt lõi của "chuyến đi": chuyển động. Trong chuyến đi ấy, Nguyễn Tuân hiểu ra một điều, không thể chịu nổi những người cùng đi. Nhìn chung, những người cùng đi không hiểu nổi chuyển động. Đó cũng là chuyến đi khiến Nguyễn Tuân chứng kiến sự khốn cùng của những bạn đồng hành thích mua mua bán bán, ti tiện và thiểu não, lại thêm cả trí trá, cũng làm cho Nguyễn Tuân trải qua nỗi khốn cùng của tình trạng không còn thuốc lá để hút. Sau mỗi chuyến đi xa, nếu mà đi cùng người khác, ta sẽ tách khỏi họ như trút bớt bụi trên người. Hành động đầu tiên của trở về là phủi bớt bụi bám trên mình đi. Ulysse khi trở về còn trút bỏ đến cả căn cước riêng. Ra đi thì nhẹ, trở về thì rỗng. Ở một chỗ thì không sống.

"Hương Cảng", vả lại, riêng cái tên của nó thôi đã là cả một irony lớn. Một địa danh mà lại có mùi? có đùa không? Hương Cảng cũng là "khóa cảng" và cũng lại là "quá cảnh" - một trong những chốn có đi đâu cũng phải ghé. Chỉ có toàn thơm tho, nhường lại bụi bặm cho đại lục. Bụi, "hồng trần", "trần ai", "trần vụ": "Hồi đầu hạ vọng nhân hoàn xứ/Bất kiến Trường An kiến trần vụ"; hoặc - nhưng đây là Đỗ Thiếu Lăng - "Hành nhân cung tiễn các tại yêu/Gia nương thê tử tẩu tương tống/Trần ai bất kiến Hàm Dương kiều".

Cái váy - sáng hôm sau ngủ dậy thì tôi biết - thuộc về một thiếu nữ Nga, nhưng chắc người vùng Tiểu Á. Một giai nhân gây sững sờ. Giai nhân ấy ngủ ngay trên đầu tôi, đêm hôm đó cùng nhiều đêm nữa tiếp theo, và treo cái váy đêm nào cũng quệt vào má tôi nằm dưới. Những cái giường tầng, "bunk bed", đủ sức gây ra những nỗi ai oán nocturne. Tôi từng có một kinh nghiệm (hết sức tồi tệ, nhưng xét cho cùng cũng không đáng bị coi là tồi tệ hơn so với kinh nghiệm Hương Cảng) với giường tầng tại một hostel thành phố Bruxelles (đến lúc đó thì tôi hiểu tại sao Baudelaire lại mạt sát Bruxelles đến như vậy). Cô gái ấy ngủ trên đầu tôi, cùng người tình, chắc hẳn mới quen nhau, trên đường tới Hongkong. Cái váy (nhiều cái váy khác nhau) dài và nhiều họa tiết hoa lá như váy của phụ nữ sống trên thảo nguyên thường mặc. Chúng cứ điềm nhiên cọ vào mặt tôi những lúc có lay động. Đó là một thứ vải mát, và rất thơm, mùi thơm của da thịt con người. Da thịt con người chỉ thơm vào những thời điểm nocturne: đó không phải thứ thuộc về thế giới diurne. Ở một số cá nhân, sự thơm đặc biệt lớn - cũng như tại rất ít địa điểm. Địa điểm chính là con người (Marcel Proust).

Đó là Marcel Proust của Tìm thời gian mất, nhưng cũng là Proust của Jean Santeuil; một địa điểm - vẫn là Proust - là một con người, mà những gì là nhân tính bên trong chúng ta sẽ đặt vào một nhân cách. Những ngày ở thành phố Wien, sau khi thử đi tìm nhà của Sigmund Freud (và đã tìm được) rồi nhà của Franz Schubert (nhưng không tìm thấy - hình như trong số các nhạc sĩ, tôi mới chỉ từng đến nhà của Claude Debussy, tại Saint-Germain-en-Laye, nơi có một tòa lâu đài rất lớn, nếu tôi không nhầm Louis XIV sinh ra ở đó), tôi không thực sự biết làm gì nữa. Buổi tối, tôi đi ra một quảng trường nhỏ rất vắng, tôi ngồi đó, định đọc sách dưới ánh đèn tương đối không tệ, nhưng tôi mau chóng nhận ra mình đã quá sai lầm khi mang theo một nhà văn té ra rất tệ, Arundhati Roy, ít nhất thì không thơm (sau đó tôi mới mua được một quyển của Grass, nhưng bằng tiếng Đức, đọc cũng vất vả, cũng chính từ thời điểm ấy, nếu đi đâu tôi sẽ không mang theo chỉ một tác giả, vậy thì quá mạo hiểm), thế cho nên tôi lôi giấy và bút ra. Tôi ngồi đó, ở một quảng trường nhỏ ánh đèn vàng vọt không có lấy một bóng dáng con người - tôi đã viết gì? tôi hoàn toàn không nhớ, tôi cũng không chắc có thể tìm lại được tập giấy ngày đó hay không, cũng như tìm lại rất nhiều thứ khác tôi từng viết (về các thư viện tôi từng qua, chẳng hạn). Vì không có gì để đọc, tôi viết, phần lớn đều như vậy, chẳng có mục đích gì. Tôi từng nói với một người bạn, gần đây, rằng tôi làm editor, tôi cứ đợi mãi những bản thảo để in, nhưng mãi chẳng thấy, thế cho nên tôi viết. Tôi nhớ người bạn đã cười. Tôi cũng cười. Chúng ta nhầm lẫn biết bao nhiêu, về mọi thứ. Rời khỏi quảng trường, tôi rơi vào một khu phố đông đúc, rất nhiều người trẻ tuổi. Tôi ngồi nán lại trên một ngõ nhỏ, uống bia với một cậu bé, chắc kém tôi vài tuổi. Đó là một thanh niên Đức vừa xong "Abitur" và đang trên đường đi vòng quanh thế giới. Đó là Wien, rất gần Đức, chắc hẳn là chặng dừng chân đầu tiên của nhân vật ấy. Chắc chàng trai tôi gặp tình cờ đêm đó, trong một tình bằng hữu của sự phiêu bạt lang thang, nảy sinh như từ hư vô, không đến nỗi đen đủi như Felix Krull của Thomas Mann trong một cuộc chu du bị ép uổng.

Người ta viết để sắp xếp lại các suy nghĩ? không, là để thoát khỏi suy nghĩ. Vẫn ở rất sát, nhưng đã bên ngoài.

Người ta cũng viết - như, chẳng hạn Nguyễn Tuân, hay một người có khí chất rất tương đồng (thuộc cùng gia đình tinh thần), Thomas Bernhard - để khỏi phải căm ghét. Viết là để thoát khỏi suy nghĩ, nhưng cũng là để thoát dục vọng. Cũng như ảo tưởng. Đã là phóng chiếu, thì cái gì mà chẳng được (Simone de Beauvoir). Vấn đề là không phóng chiếu. Định mệnh của con người liên quan đến sự ngu xuẩn: không phải con người có định mệnh là ngu, mà ngược hẳn lại, định mệnh của con người là không thể ngu (Nietzsche: con người bất hạnh vì không thể quên), chính vì thế cho nên homo sapiens, etc. Con người chỉ ngu vì quá khôn, chẳng bao giờ vì bất kỳ cái gì khác. Ngôn ngữ Pháp, một thứ tiếng được làm nên, một phần rất lớn, từ irony, gọi sự "ngu" (xuẩn thì đúng hơn) đặc trưng của con người bằng chính từ "bête", tức là con vật. Một người "bête" hoàn toàn không "stupide" hay "imbécile", hay "crétin", hay "sot", "niais" và "nigaud" (hai từ vừa xong, Balzac đặc biệt thích dùng, ba từ vừa xong thì đúng hơn, nhưng hai từ cuối thì đặc biệt hay phát ra từ các nhân vật nữ) mà sự bêtise lại chính là kết quả của quá nhiều lý trí. Có cố cũng không ngu được đâu mà.

Từ sau cái đêm bị vạt váy buông xuống mặt, những ngày tiếp theo ở Hương Cảng, tôi càng đi lang thang nhiều hơn - lúc này tôi đã quen với tàu điện ngầm và xe bus hai tầng, đã không còn dựng tóc gáy những lúc cái xe trên dốc núi không hề giảm tốc độ khi đi qua một cái xe ngược chiều chạy sát sạt; tôi hay chọn giờ vắng người để lên ngồi ghế đầu tiên ở tầng trên, tha hồ nhìn các cành cây ven đường đập vào kính trước, chỉ cách mặt vài xăng ti mét. Gần như tôi không dám về "pavillon" trong ngày, vì sợ nhỡ tôi bước vào phòng đúng vào lúc ở cái giường phía trên đang diễn ra một số cảnh tượng oái oăm - những cặp tình nhân mới thường nồng nhiệt và vô độ. Suốt những ngày ấy tôi không bao giờ nói chuyện với giai nhân Nga ngủ trên đầu, cũng hết sức tránh nhìn, tuy vậy tôi vẫn biết ngày nào cô gái cũng diện một cái váy khác, không hôm nào giống hôm nào. "Vân mấn hoa nhan kim bộ dao".

Nhưng đến đêm thì khổ, không tránh đi đâu được. Vả lại, đêm thì hay gây đau khổ. Đến hai câu "Trì trì chung cổ sơ trường dạ/Cảnh cảnh tinh hà dục thự thiên" chắc hẳn Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thầm kêu khổ trong lòng, thậm chí chửi thầm Bạch Cư Dị, viết gì mà khó thế. Nhưng rốt cuộc thì Tản Đà đã thoát khỏi hai câu điêu đứng đó không tệ một chút nào, phải công nhận ("Trời sao chưa sáng sao chưa sáng trời" etc.): thoát ra khỏi, làm thế nào để thoát ra khỏi? Người trả lời điều này theo cách thức trác tuyệt nhất chắc chắn là Ghérasim Luca: "Comment s'en sortir sans sortir?"

Chuyến đi Wien, hồi tôi mới biết Arthur Schnitzler chứ chưa biết Karl Kraus, và chỉ mới đọc Philip Roth nhưng chưa biết Joseph Roth, chính là chuyến đi duy nhất trong đời tôi có sẵn sách guide. Không chỉ một quyển, mà tận hai: hai quyển sách hướng dẫn du lịch mà tôi đọc đi đọc lại; trong đời, chưa bao giờ tôi đọc quyển sách hướng dẫn du lịch nào, và sau đó cũng sẽ gần như không bao giờ đọc nữa, tôi đọc hai quyển đó, cùng về Wien (một khổ to, khá nặng, một nhỏ hơn, khổ thuôn dài, trông như sách brochure quảng cáo rượu vang hay chương trình biểu diễn âm nhạc), thậm chí đọc đi đọc lại, như đọc tiểu thuyết - tôi sẵn sàng chọn chỉ đọc chúng, không cần đến tận Wien làm gì (vả lại, chuyến đi đó cũng đáng hãi hùng, tôi ngủ dậy muộn, tàu điện ngầm mãi không thấy đâu, và tới sân bay - Orly? chắc Charles de Gaulle thì đúng hơn, khi máy bay đã cất cánh, phải mua vé khác và đợi khoảng ba tiếng cho đến chuyến sau; trong đời tôi, đó không phải lần duy nhất tôi bị muộn máy bay: lần nào cũng liên quan đến sự dùng dằng của chia tay). Tôi không hề nghĩ đến chuyện mang theo sách hướng dẫn du lịch (vả lại, gần như tôi không biết chúng có tồn tại) nhưng V., cô gái mà tôi hay gặp tại Sorbonne, khi tôi bảo tôi sẽ đi Wien (câu hỏi kinh điển, ngay lập tức, "Vienne ở bên Áo hay Vienne ở Pháp?" vì có một thành phố Vienne nằm không xa Lyon; Lyon thì tôi đã đến nhưng Vienne gần đó thì chưa; với tôi Lyon giống một hòn đảo đồng thời là quả đồi to tướng) liền mang cho tôi mượn hai quyển hướng dẫn ấy. Tôi đã đọc chúng, như đọc tiểu thuyết, ở Wien (nhưng chúng cũng không giúp tôi tìm được nhà Schubert để vào thăm), một phần để tự an ủi cho một cuộc tình đã nhen nhóm nhưng lụi tàn từ trước khi kịp bùng lên, với V., cô gái Sorbonne khả ái.

Châu Âu thì khô, châu Á thì ẩm. Sự ẩm ướt châu Á tăng lên hay giảm đi tùy thuộc vào mức độ hào phóng của những phụ nữ châu Á. Người phương Tây, trong cuộc mở rộng thuộc địa, không bao giờ thực sự hiểu nổi, ở những con người mà họ gặp tại các nơi mới mẻ và xa xôi, có một điều mà họ không hiểu (và luôn luôn ngờ vực): ấy là sự hào phóng. Đi ăn cướp của những con người vô cùng hào phóng, cả một irony lớn. Những người Anh điêng miền Trung châu Mỹ, khi thấy người châu Âu xuất hiện đã tưởng những người đó đến theo huyền thoại cổ xưa của họ, huyền thoại ấy tiên tri rồi một ngày những người anh em đi vắng sẽ xuất hiện trở lại từ phía mặt trời lặn. Thế cho nên họ sẵn sàng đón tiếp những người kia (những huynh đệ trở về). Kết quả thì ai cũng đã biết. Chủ nghĩa thực dân là câu chuyện của khai hóa? không, của ăn cướp? tất nhiên, nhưng cũng không hẳn. Mà đó là câu chuyện của mặc cảm.

Ban đêm, mọi thứ nhường lại chỗ cho sự ẩm ướt. Nếu không có nó, cuộc sống chưa chắc đã đáng gì. Để diễn tả điều đó, ngôn ngữ nào cũng dành sẵn những gì rất đẹp: "ẩm ướt", cả "ướt" lẫn "ẩm" đều như len lỏi vào những vùng sâu kín. "Humidité", tôi nghĩ đây là một từ rất lớn. "Humanité" là gì? sao nó cứ như thể là một lapsus của "humidité". Hay là sở dĩ có "humanité" là chỉ do người ta nói nhịu, "humanité" là do nói nhịu "humidité" mà thành. Humanité là một sự nói nhịu. Humidité, nhưng cũng cả "humilité" nữa. Kabbalah hình như nói, con người sinh ra từ một cái hắt hơi sơ ý của Chúa; hoặc cũng có thể do một nói nhịu, cũng sơ ý không kém (Sigmund Freud có sẵn ở đó để nói rằng nói nhịu không bao giờ hoàn toàn là vô tội - trong căn hộ của Freud tại Wien mà tôi đã đến, có bức ảnh chụp Freud cùng con chó, tôi cứ đứng đó nhìn nó thật lâu).




(còn nữa)

21 comments:

  1. đã từng đã

    ReplyDelete
  2. cụ thể hơn: librairie You Feng nằm ở số 45 rue Monsieur le Prince (tên phố như vậy là vì liên quan đến nhân vật mà độc giả cả của Balzac lẫn Modiano đều không xa lạ: Condé), không xa cả quảng trường Sorbonne lẫn Odéon, chuyên sách Tàu nhưng cũng có cả sách tiếng Việt

    ReplyDelete
  3. đúng quá đúng, đúng thảm thương cho “ký ức”
    lần này anh đi đường vòng hơi xa ha

    ReplyDelete
  4. Made in China đầu tiên của tớ: Bộ "Sử ký Tư Mã Thiên" đầu tiên, mua ở một hiệu sách bên Bằng Tường và suýt nữa bị giữ lại (cả người lẫn sách) ở cửa khẩu Móng Cái. Bữa đi mua sách bên Bằng Tường không mang tiền nhân dân tệ, loay hoay chẳng biết làm sao thì được một chàng trai gày như lá liễu đang đọc sách ở trong hiệu sách dẫn đi đổi tiền. Hồi đó tiếng Trung còn bập bẹ, đáng nhẽ nói "Cảm ơn" thì quýnh quáng nói "XIn lỗi", chàng cười rất hiền từ bao dung. Thi thoảng nhớ lại chuyện xưa, chả còn hình dung được khuôn mặt chàng, chỉ nhớ rất rõ lúc đó chàng đang cầm trên tay một cuốn "Kinh thi" :)

    ReplyDelete
  5. câu chuyện cảm động quá: tư mã thanh sam chắc lại đang ngồi mơ đào chi yêu yêu sâm si hạnh thái

    ReplyDelete
  6. Mà nói thật đi, vụ TVB thì tin, nhưng chả nhẽ đến phim Tây du ký cũng không thèm biết? Made in China của nhiều đồng bào thế hệ chúng ta là "Tây du ký" đấy chứ có đùa đâu :p

    ReplyDelete
  7. thế thì phải là Thuỷ hử, xem phim hồi 6 hay 7 tuổi ở cái rạp về sau biến thành sàn nhảy rồi lại biến thành quán bia, nhưng đúng là vịt quay làm người ta quên biến cả phong nhã tụng

    ReplyDelete
  8. Nếu đi cùng em Quảng Châu đến thư viện Pompidou thì em ấy sẽ không bốc hơi, có phải không? Ch.

    ReplyDelete
  9. ai hơi đâu

    với lại, đó là một nhân vật Quảng Đông nhưng không chắc có phải Quảng Châu không, chỉ chắc chắn là tay rất ấm

    ReplyDelete
  10. Ấm thế bốc hơi là đúng rồi, lạnh thì ngưng tụ. Ch.

    ReplyDelete
  11. BK hả? "tay em lạnh để cho tình mình ấm/trời sắp tết hay lòng mình đang tết"

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2012/12/danh-ca.html

    ReplyDelete
  12. Từng đã. Ch.
    À mà em gái xứ Quảng ấy có hỏi "Sao tay anh lạnh thế?" không?

    ReplyDelete
  13. Nền dân chủ ở các xứ Phi Lai sẽ tồn tại như thế nào nhỉ?

    ReplyDelete
  14. Tang Frères có nghĩa là anh em họ Trần, theo wikipedia :D

    ReplyDelete