Cendrars luôn
(đã tiếp tục "(một người) Nicolas Bouvier")
Cảng Cũ
Blaise Cendrars
(L'Homme foudroyé)
[a, tình hình là giao diện mới của blogger này, nếu paste text từ Word sang thì biến thành file ảnh - phải tìm cách khác vậy]
[đã thế, chơi direct luôn, ngán gì]
mặc quần áo xanh hồ bột cứng và đi giày đế cói. Hai tay áo ông xắn lên. Người nhiều hình xăm. Các ngón tay phủ lông. Ông không đeo nhẫn. Ông chẳng nói gì mà nghe tôi và ước lượng tôi. Ông từng nghe rất nhiều người khác bởi, giống Victor người kể cho tôi, ông cũng từng là barman trên tuyến Trung Quốc. Thỉnh thoảng bọn con trai và lũ con gái trong khu mang đến cho ông một giỏ cá, một sọt nghêu ốc, rồi thì cốt lết cừu, một miếng thịt. Ông rút 10, 20, 50, 100 franc từ trong túi, trả tiền mà không mặc cả và không bao giờ lấy lại tiền thừa. "Mang cái này vào cho la Tite!", ông nói, tống cổ tên cò mi đi bằng một cử chỉ dứt khoát. Rồi ông quay sang tôi, vắt chân và chằm chằm nhìn vào mắt tôi. "Mày nhiễu quá!" ông nói những lúc một con nhóc thấy nó còn chưa được trả tiền hoặc nằn nì vì Félix đã từ chối món hàng của nó. "Nào, biến ngay!" Và mắt ông nhìn ghê lắm.
Tôi tiếp: "Jicky sắp tới. Số dách đấy, ông sẽ thấy. Chúng tôi làm việc cùng nhau mười năm nay rồi. Anh ấy sang bên American Express Co gửi phim của chúng tôi qua Mỹ, bằng đường máy bay, và bảo hiểm nó một triệu. Rồi anh ấy còn phải ghé Wagons-Lits giữ chỗ tàu nhanh chạy đêm vì anh ấy đang nóng lòng về Paris. Tôi thì còn ở lại Marseille. Tôi chẳng có gì khác để làm. Ông không biết ai đó có một con tàu và muốn thuê tôi à? Tôi thì tôi sẽ còn ở lại Marseille, tôi chẳng có gì khác để làm ngoài đi vơ vẩn giết thời gian cho đến lần tới. Nhưng Jicky, anh ấy có công việc, người ta giành giật anh ấy, đó là tay quay phim giỏi nhất nước Pháp, và rồi, ông cũng hiểu đấy, đó là một bợm hộp đêm, anh ấy cần ghệ, nhạc jazz và, ôi trời, bên châu Phi, với tôi, anh ấy không được ngày nào cũng vui vẻ đâu, tôi quay anh ấy ra bã. Nhân tiện, tôi muốn giữ một bàn, ông sẽ đặt lên đó ba bộ đồ ăn. Jicky và tôi...
- Ba người à?
- Phải, ba người ăn trưa; nhưng, tối nay, sẽ có tổng cộng tôi cũng chẳng biết bao nhiêu nữa. Tôi giữ thêm một bàn cho bữa tối. Tôi đã mời Victor. Ông ấy sẽ tới cùng vợ. Và nếu ông muốn ăn cùng chúng tôi, thì tôi sẽ rất thích, ông biết đấy, và sẽ có một chỗ nho nhỏ cho la Tite, nếu ông cho phép?
- Tất nhiên rồi, bởi vì có bà nhà Victor. Nhưng còn thực đơn?
- Thực đơn ấy hả? A, khốn chưa, tôi quên biến mất nó đấy. Ông cũng biết rồi, tôi thì tôi sẽ liếm sạch mấy món của la Tite, ngửi thơm quá. Nhưng ông nói đúng, cần phải nghĩ đến thực đơn. Tối nay, ông sẽ làm cho chúng tôi một cuộc đánh chén đúng theo kiểu Marseille, có xúp cá [bouillabaisse, món rất khoái khẩu của Cendrars], chân cừu, và nữa, và nữa. Ông cứ thoải mái. Nhưng cho bữa trưa, quỷ ạ, chuyện phức tạp hơn nhiều vì tôi có một khách mời phụ nữ và đó là một bữa trưa ly biệt, una despedida. Ồ, ông đừng mộng hão nhé, ấy là một "tiếng không miếng" như ở Marseille các ông vẫn hay nói. Đó là một cô gái trẻ giới thượng lưu mà tôi đã giải cứu bên châu Phi và giờ thì gửi về cho mẹ cô ta. Một trinh nữ đấy. Tối nay tôi sẽ kể ông nghe. Không thường đâu. Nhưng tôi muốn cho cô ta ăn một bữa nho nhỏ thật oách để cô ta nhớ mãi. Nào, thế ông có những gì? Có cách nào để kiếm một chú gà mái tơ đẹp đẽ cùng nấm kem không? Có à? Vậy thì hoàn hảo rồi, bởi ông biết đấy, bên châu Phi chúng tôi đã khá ớn những thứ dai ngoách lạc đà, hôi thối khỉ rồi thì đồ hộp Nhật Bản, chán lắm rồi, Jicky với tôi, cả nương tử chủ nhân lâu đài xinh đẹp của chúng tôi cũng thế. Vậy nên, ta quyết nhé, gà nấu kem với nấm. Rồi. Còn cá? Ông có cá chó chứ? Nướng cho chúng tôi ba cá chó đẹp vào. Xỏ mấy nhành thìa là bẹ vào mang chúng và nướng chúng trong rượu chartreuse lâu năm lúc nào dọn ra. Hors-d'oeuvre thì sao nhỉ, một đĩa đẹp nghêu ốc hến nhé, nhưng không hàu cũng không sò và, cho tôi, chừng một chục ốc phao và chục cầu gai. Giăm bông Parme, pho mát lấy phần đầu và, nếu ông có, xúc xích Corse, loại đỏ ấy, nó mới dữ. Cùng những cái đó, chiêu bằng rượu vang nhà ông, Victor đã kể cho tôi rồi, mà hình như ông ấy uống tợn lắm, phải không hả? Có vẻ nó lừng lẫy lắm, và phải uống lạnh, trời ạ! Và rất nhiều sâm banh, loại brut. Vang đóng chai thì ông cứ mang ra cái gì mà ông muốn, chẳng bao giờ tôi uống loại ấy. Xem nào, thực đơn đến đâu rồi nhỉ? Canh ấy hả? không, không canh. Nhưng một miếng bơ nhé! Đứng quên một miếng bơ thật đẹp, từ sáu tháng nay chúng tôi chỉ có karité, đó là một thứ dầu cọ mà phụ nữ da đen cũng bôi lên tóc, ôi lắm, mùi kinh lắm, tôi chỉ nói với ông vậy thôi! Nhưng chắc ông làm được cho chúng tôi một om-lét thật phồng, không rắc hương liệu, không thịt mỡ, không gì hết, nhưng đi kèm một xa lát thật đẹp, cuộn thật khéo và thật trắng, và cùng lúc ông cũng dọn ra một miếng gruyère ngon, để riêng, trong một cái đĩa. Tôi nghĩ là hết rồi đấy. Nhưng om-lét thì đúng là cả một phát kiến. Ông làm om-lét mười hai trứng nhé, hơi thoang thoảng vị hành búi. Mà thôi, không hành, trứng thôi, chỉ có trứng, với chúng tôi ấy là một giấc mơ! ngay từ giờ tôi đã nom thấy mặt Jicky, anh ấy sẽ phát điên vì sướng cho mà xem. Quỷ thật, tôi quên đét-xe. Bà ấy sẽ có thể làm gì cho chúng tôi, la Tite, món tráng miệng ấy, kem sô cô la à, crème renversée, bánh flan hay bánh tạc mận đây? Nhưng cứ để xem bà ấy làm ra cái gì, la Tite, ta đi xem bà ấy nghĩ gì về thực đơn đi... [cứ hễ động đến các món ăn là khổ với Cendrars]"
La Tite đang chộn rộn quanh bếp lò của bà. Félix đã xuống hầm. Qua cánh cửa cuối phòng để mở, nó dẫn ra một sân nhỏ gắn kính, tôi trông thấy một bà già đang thái rau, hai đứa con gái, một tóc nâu một tóc vàng, thì xếp hoa quả vào đĩa có chân và chuẩn bị các bộ đồ ăn, một thằng nhóc vận áo bờ lu trắng, vừa lấy lược chải tóc vừa rít tận lực những hơi cuối của một điếu thuốc lá. Đây là một chốn rất tốt. Đầy mùi quần áo sạch và xốt dầu tỏi. Và tôi lên một cơn thèm ăn bất chợt. Tôi bèn lượn quanh la Tite và nhấc vung mấy xoong nồi lên.
- Cái gì đang âm ỉ trong này thế, Tite? Ngửi thơm chết mất. Ái chà, chắc là... nhưng... mà đúng là calamaio rồi! A, tôi thích món này lắm. Hăm lăm năm rồi tôi chưa được ăn. Cho ngay tôi một phần đi, Tite...
Tôi vớ lấy một cái muôi và vục nó xuống tận đáy cái nồi đang sôi lục bục tôi nhấc lên từ đó một thứ xốt màu nâu rất sánh thơm chất ngất toàn những mẩu nhỏ một dạng cao su quắt lại trên đó lờ mờ hiện hình các xúc tu nhỏ màu xanh nhạt, những mẩu ấy vốn dĩ là các chi bị cắt ra của con bạch tuộc.
La Tite chìa cho tôi một cái đĩa. Tôi múc đầy tràn nó, ấn cái muôi xuống tận đáy nồi để hớt những mẩu mực ngon nhất, cùng những củ hành lớn đã tan ra, rồi thì ớt ngọt, và một lá nguyệt quế, và những hạt tiêu đen nổi bập bềnh trong thứ xốt nặng đang sôi ùng ục. Và, thủ thêm một miếng bánh mì, giống một kẻ nghèo khổ tôi khởi sự xực cái đó ngay tại bàn đầu tiên bắt gặp. Chúa ơi, sao mà ngon!
- Anh thích cái đó à? Félix từ dưới hầm đi lên, hỏi tôi. Đó không phải một món Paridiêng.
- Tôi có thích không ấy hả, Félix? Nhưng đây là một kỷ niệm tuổi thơ của tôi đấy! Ở Naples, ngay khi nào trốn được khỏi trường, tôi liền đi chén nó chỗ người bán đồ ăn góc phố. Ăn không cần thìa, mà chỉ có một miếng bánh mì, nhìn này, như tôi đang làm đây, và nó tên là calamaio. Trong tiếng Marseille ông gọi nó là gì?
- Ở Marseille nó tên là...
Nhưng tôi vừa nhìn thấy cô khách mời của tôi đang từ trên taxi bước xuống. Mademoiselle de la Panne mang khuôn mặt của những ngày tệ hại.
- Hello, boy! tôi hét lên với cô, lao ra đón.
- A, Blaise! cô nói lúc thấy tôi trên bậu cửa của quán.
- Không ổn à?
- Không.
- Có chuyện gì đấy?
- Người ta không chịu thông quan hành lý của tôi.
(A, trời ạ, lại hành lý!... cái cô này đúng là chỉ biết gây chuyện!)
- Thôi đừng lo, em nhỏ, tôi bảo cô. Ta sẽ thu xếp vụ ấy. Vào đi. Đến đây uống một cốc.
2
Tôi rất thích những phụ nữ uống rượu và mademoiselle de la Panne thì uống xếch, chính vì vậy tôi coi cô như bạn. Nhưng vẻ như hôm nay Diane không có hứng mấy.
- Nếu cô cần tiền, Diane, thì đây cầm lấy, ví của tôi, cần bao nhiêu cô cứ rút. Cô đánh điện cho mẹ cô chưa? Tôi đã bảo Jicky giữ cho cô một wagon-lit, một single. [khoang nằm tàu hỏa; "wagon-lit" là cụm từ gắn liền với cuộc đời Cendrars]
- Ông tốt quá, Blaise yêu quý ạ, tôi đã đánh điện cho mẹ và đang đợi tờ séc của bà ấy.
- Tức là tối nay cô không đi luôn?
- Không.
- Nhưng cô làm gì ở Marseille?
- Tôi không biết.
- Rồi nữa?
- Chẳng có gì.
- Cả một chương trình đấy nhỉ!
Mademoiselle de la Panne một hơi cạn cốc. Tôi gọi cho cô thêm một pastis. Còn tôi thì ăn nốt đĩa calamaio và gọi một chai thứ rượu vang lừng danh tiệm tự làm. Diane đã xoay ghế của cô đi, để nhìn người qua lại ngoài ke. Nhất định rồi, con bé đang dỗi.
Hồi sáng, rời tàu, tôi đã để cô lại một mình với một núi hành lý chính xác giống như lúc tôi gặp cô giữa châu Phi một mình với cùng núi hành lý ấy, dưới đó chiếc Chrysler của cô đã hồn lìa xác, cầu sau sập, phun ra một thứ dầu đen kịt. Hồi sáng, thấy cô một lần nữa kiểm kê mớ đồ đạc hổ lốn và nghe tiếng cô mắng mỏ, cáu giận, xô đẩy người bồi ca bin, tôi đã tự nhủ: "Thôi để mặc con bé tự xoay xở!" Nhưng ở đó, bên châu Phi ấy, tôi đã giải cứu cô và sau đó hẳn tôi đã - gần như thế - hối tiếc vì điều này, bởi cô cho chúng tôi thấy là thế nào, trên đường mòn, với những túi và va li của cô, cái rương-tủ, cái rương-thư viện, đống hộp đựng đĩa nhạc, cái hòm-giường, cái hòm-tắm và tất tật những ba lô đựng các thành quả săn bắn mới nhất, cái mớ cồng kềnh cứ không ngừng dỡ xuống rồi lại chất lên tại mỗi chặng bởi vì mademoiselle muốn thay trang phục, nghe một cái đĩa nhạc thính phòng, chui vào một chỗ để đọc Proust và chẳng ngại ngần bắt mang hết đồ trên chiếc cam nhông nhỏ của chúng tôi xuống để lục một album ảnh gia đình mà cô thấy nhất thiết phải cho chúng tôi xem, thế mà Jicky thì rất vội về Paris nơi đang đợi ông ấy các bạn gái khu Montmartre và khu Montparnasse, đấy là còn chưa nói một bản hợp đồng thật đẹp mà hạn đã rất cận kề, và trước khi gặp phải cô, chúng tôi đang đốt cháy các giai đoạn, mọi việc đều rất bon. Sáu tuần toàn voi! Chúng tôi ngấy vùng đất đó lắm rồi! Và thế rồi cô vẫn còn chưa xong xuôi với hành lý của cô. Hết sức thật lòng, tôi kệ thây cô thôi và những muốn nói với cô: "Nhưng cô đợi gì thế, Mademoiselle, Mademoiselle Diane de la Panne, mà chưa quay về đó đi, ở rìa vùng đất trũng nơi tôi đã tìm thấy cô!" Dẫu cho có nói gì, tôi cũng buộc lòng phải thú nhận rằng cái cô nhiễu sự kia là một trong những tay súng cừ nhất châu Âu, rất là xì-po, bạo gan ghê lắm, cưỡi ngựa giỏi tuyệt, rất biết ăn mặc, giỏi hạ sát và giỏi chuyện, nói ngắn gọn, đó là một cô gái rất choáng, và tôi xin vội vã thêm vào, cái tên lố bịch Diane de la Panne không phải tên cô, mà là tên tôi đặt nhân nỗi ngẫu nhĩ cuộc gặp giữa chúng tôi, tại đó tôi đã giải cứu cho cô hết sức đúng lúc ["panne": hỏng, pan, kaputt]: Mademoiselle de la Panne là để chế giễu cô, còn Diane là nhằm vinh danh tài năng lớn nhất của cô, phát súng không bao giờ trượt mà hẳn tôi có thể ghen tị lắm. Thôi nào, cô bé yêu, đi đi chứ!
Tôi đứng dậy khỏi bàn, xin kiếu để đi gọi điện thoại, rồi quay lại, bảo cô:
- Cười lên đi nào, Mademoiselle, vụ việc của cô đã được dàn xếp xong. Tôi đã hẹn cho cô gặp một người bạn, anh ấy đợi cô tại văn phòng anh ấy lúc 3 giờ. Anh ấy sẽ đi cùng cô sang bên Hải quan và sẽ cho chuyển hành lý bằng xe cam nhông.
- Ông nghĩ thế à?
- Thế nào cơ, tôi có nghĩ thế không? Nhưng tôi nói với cô là xong rồi. Đó là một nhà thơ trẻ tuổi ở một hãng hàng hải có công việc chính là phụ trách quá cảnh và hải quan. Anh ấy biết mọi người ngoài cảng. Việc của cô sẽ được xử lý trong vòng năm giây, rồi cô sẽ thấy. Tôi đã định bảo anh ấy tới đây uống cà phê với chúng ta, nhưng tốt hơn hết là cô nên tự đến gặp anh ấy để xem xét cho kỹ. Đúng như tôi biết về cô, chắc cô không thấy yên tâm đâu. Nhưng cô cẩn thận đấy nhé, đó là một kẻ quyến rũ. Nhân tiện, tôi cũng đã giữ một phòng tại Hôtel Beauvau. Nếu có bao giờ cô đổi ý mà dẫu sao thì cũng quyết định sẽ đi luôn tối nay, thì tôi sẽ lấy phòng đó cho tôi. Tin tôi đi, đừng ở lại Marseille làm gì.
- Ông thì sẽ ở lại.
- Ồ, tôi thì, chuyện khác lắm chứ. Tôi không có một bà mẹ...
- Nhưng ông sẽ làm gì?
- Tôi hả? Chẳng làm gì.
- Cả một chương trình đấy nhỉ!
- Phải, cả một chương trình, bởi vì tôi sẽ ở lại đây và tôi sẽ không ở lại đây. Tôi đã thuê một con tàu và tôi muốn giong buồm đi dọc theo bờ biển, có lẽ là tới Corse hay Baléares. Cả một chương trình đấy.
(Tôi nói dối. Nhưng tôi chẳng việc gì phải nói với cô, rằng tôi muốn ở lại Marseille một mình là để thu thập tài liệu chuẩn bị cho một bộ phim về thánh Lazare, ý tưởng vừa nảy ra ngay lúc sáng, và rằng đi vơ vẩn, ngó chim ngó bướm, vẻ như chẳng làm gì chính là cách làm việc của tôi, hẳn cái đó không khiến cô quan tâm, hoặc giả cô sẽ không hiểu.)
- Rồi sao?
- Gì cơ, rồi sao gì?
- Thì, sao, ông sẽ làm xi-nê tiếp chứ, quay một bộ phim?
- Tất nhiên rồi! Tôi định sang Braxin quay một bộ phim tài liệu về lũ trăn. Tôi nghĩ đến cái đó từ lâu rồi. Có lẽ đã tới lúc. Tôi sẽ phải nói chuyện này với Jicky mới được.
- Thế ông không đưa tôi đi theo được à, Blaise?
- Ta sẽ nói chuyện ấy sau nhé. Cô biết đấy, không phải sáng mai là làm luôn được đâu. Không thể nào ứng tác ngẫu hứng một cuộc thám hiểm như vậy. Tôi phải đi một chuyến tiền trạm, đến tận nơi, xem vùng đất, liên hệ với chính quyền địa phương, hỏi các thợ săn, những người đánh bẫy, người dẫn đường, đọc mọi thứ gì từng được viết về trăn để biết rõ tập tính và thói quen các loại rắn, thỏa thuận ít nhất từ một năm trước đó với Jicky, tôi đã quen làm việc cùng anh ấy và để chắc chắn anh ấy tự do vào đúng thời điểm chứ không bị quấn chặt lấy bởi một ngôi sao bắt anh ấy ghi lại những điều ngu xuẩn như anh ấy sẽ làm ngay tuần sau, tại Paris, với Liane de Pougy cựu-giai-nhân mà anh ấy sẽ phải quay cuộc đời. Sau nữa, tôi chẳng có đồng nào. Tôi sẽ phải tìm một chỗ bỏ tiền cho việc đó, và không dễ thu hút một ngân hàng chuyên về xi-nê cho một áp phe trăn, và chừng hướng tới một hãng của Hollywood thì tôi luôn luôn sợ người Mỹ xoáy mất ý tưởng của tôi, chạy đi tự làm luôn, một cách lệch lạc, với tất tật phương tiện mà họ có. Chẳng ai hay trộm cắp và vớ vẩn hơn so với bọn họ đâu. Thế nên tôi phải tìm ra một kẻ ấm ớ muốn mạo hiểm 2-3 triệu cho một áp phe trời ơi đất hỡi, bấp bênh và đầy rẫy nguy cơ rất thực như vậy. Cô có tình cờ biết ai như thế trong số các mối quen của cô không? Và để có đảm bảo, cô sẽ nói tôi là nhà thơ! Tin tôi đi, chúng ta sẽ có thời gian để nói chuyện ấy, cứ về nhà mẹ cô đi, rồi làm theo lời bà ấy, lấy chồng đi. Chẳng phải cô từng nói với tôi về một ngài đại sứ đang đợi cô và rằng gia đình cô, nhất là ông bác Paul, chủ ngân hàng ấy, hẳn sẽ nhất trí với mọi hy sinh nhằm lo cho cô một món hồi môn hời? Tôi thấy vậy thì rất hữu lý. Tôi thấy cô làm phu nhân đại sứ rất hợp, kiêu hãnh và đẹp như cô biết cách tỏ ra, những lúc nào cô muốn. Cô sẽ không tiếp tục vào cái vai lố bịch của Mademoiselle de la Panne nữa và trở lại, dẫu có tôi đi cùng, rìa của một vùng đất trũng, mà tại Amazonie người ta gọi là hố cứt, bởi hang ổ của một con trăn thì hôi thối lắm.
- Ông chẳng tốt tí nào, Blaise.
- Ngược lại, cô bé ơi. Tôi nói cho cô về mọi thứ đúng như chúng vốn dĩ. Đừng nghĩ đến chuyện đóng phim nữa...
Pằng! Cái lời lớn lao đã buột. Từ đó sẽ chui ra gì đây, căm tức hay hận thù?
Đây không phải lần đầu tôi khuyên một phụ nữ muốn đóng phim đừng làm thế. Chưa từng bao giờ có người nào trong số ấy tha thứ cho tôi, kể cả người xa lạ nhất.
Đến chỗ rồi. Cơn hờn dỗi tái khởi. Còn tệ hơn nhiều. Đối với cô, đó là sự vỡ mộng.
Félix đến nói với tôi rằng bữa trưa đã sẵn sàng. Bàn chúng tôi đã được bày biện ở góc hàng hiên nơi những khách đầu tiên đang ngồi xuống. Jicky vẫn chưa thấy đâu. Chai vang của tôi đã cạn. Diane đã uống tôi cũng chẳng biết bao nhiêu cốc pastis nữa. Nhưng cô vẫn vững. Chúng tôi không còn gì để nói với nhau.
Tôi nhìn cô.
Trán cô trơ ra.
Tôi bắt đầu lẩm nhẩm trong óc:
... Elle ne l'aimait pas. Lui non plus./Quelle drôle de chose que l'existence!/Ils auraient pu faire connaissance,/Mais ils ne s'étaient jamais vus...
Còn chúng tôi thì, chúng tôi đã gặp nhau, nhưng quá muộn.
Toàn bộ điều này chẳng ăn nhập với cái gì.
Một gag.
Cô không biết tôi, nếu chẳng phải là qua truyền thuyết Paridiêng của tôi, cái đó là thứ sai nhất trong mọi sự. Còn tôi, tôi biết gì về cô? Trên thực tế, chẳng có gì nhiều bởi cô đã không tâm sự với tôi; nhưng theo những gì cô đã khiến tôi hiểu trong khi trò chuyện, hoặc qua những gì buột ra từ cô trong chuyến đi, nhất là trên tàu, tại quán bar, ở đó mà nốc whisky cho tới đêm rất muộn, hoặc thông qua những gì tôi tưởng đâu mình đoán được từ cô hay có thể suy ra từ thái độ cùng những bức ảnh gia đình của cô mà cô có cái thói cuồng cứ bắt tôi xem, thì thay vì mademoiselle Diane de la Panne, lẽ ra tôi cũng hoàn toàn có thể đặt cho cô biệt danh la Guigne [google, google].
Cô sinh ra tại một điền trang cổ Bretagne. Cô đã được nuôi dạy ở chỗ các Xơ, nơi nhất là cô đã đóng hài kịch, rồi được gửi vào một trường nội trú quý tộc bên Anh, nơi cô nhiễm cái thú ăn vận như con trai và có được những tình bạn sôi động với phụ nữ. Một bức điện báo cho cô cái chết đột ngột của bố cô gọi cô về điền trang của gia đình. Không mấy hòa thuận, nhưng chẳng hòa thuận chút nào, với mẹ cô, mà cô nhắc tới thật ít và gọi là Dame Blanche, hẳn cô đã tự giải phóng, tức là cô lên Paris ăn sạch món thừa kế - ngựa, ô tô, tổ quỷ trên phố rue de la Faisanderie, các trò thượng lưu, Jockey-Club, những cuộc săn bên Đông Âu, những mối quan hệ quốc tế oách, đua ngựa, Chứng khoán và golf. Nhưng theo một phiên bản khác, tôi định vị cái chết của bố cô vài năm sau đó, vào quãng cô đã trưởng thành bởi vì cô yêu bố cô lắm (cô mang theo cùng sang châu Phi đôi bốt và quần cưỡi ngựa của ông), cô nhắc đến ông mọi lúc và thường tự cắt ngang lời mình. Thế thì, theo phiên bản ấy, chừng từ Anh quay về hẳn cô đã sống ở nhà vài năm, đi săn bằng chó, bắn vịt trời, được mời đến mọi lâu đài trong vùng; tiếp rất nhiều người tại điền trang, vây quanh là một triều đình gồm những thân hào trẻ tuổi, bợm rượu, háu ăn, ồn ào, rỗng tuếch, quê kệch nhưng trâm anh thế phiệt, thích hưởng thích hít và ăn rất ngon miệng, nhưng rất chặt chẽ khoản tiền bạc bởi, dẫu lúc lỉu gia huy, giới quý tộc Bretagne cũ kỹ khá là thảm và kiết. Diane là con một. Bố cô làm chưởng khế. Một tối tháng Sáu, ở nhà bạn, từ bàn đi ra, thấy mệt, ông già hình như bị ngã từ một cửa sổ xuống và chết đuối dưới hào nước một lâu đài. Theo phiên bản thứ nhất, khi từ Anh về, hẳn cô biết được từ một người trông coi săn bắn rằng bố cô đã nhảy xuống một cái ao tự sát. Dẫu sự thật có là gì đi nữa và niên đại tai nạn đó có là thế nào, ông chưởng khế đã để lại sau lưng một tình cảnh không thể đầm đìa về nợ nần hơn. Bố cô chết, cô cảm thấy buồn vô hạn và hẳn đã đi Paris để cố quên. Cô cũng nói nhiều về một người anh họ, lái buôn sâm banh, người ngay trước khi cô lên đường sang châu Phi đã hướng lối cô vào cuộc sống Paridiêng, dẫn cô tới nhà hát cùng quán cabaret, Boeuf sur le toit [rất nổi tiếng và có lịch sử huy hoàng, nếu muốn biết thêm thì google] và rạp xiếc, giới thiệu cho cô, rất hỗn độn, Carpentier, tay đấm bốc, Cocteau, công tước Westminster, Foujita, Antoine, người cắt tóc, hay Tzara, nhân vật dada (hẳn có thể nói, cả một bài thời luận của tờ Le Figaro ghi nhận cuộc xô đẩy lẫn nhau tại Lido!), trả tiền mua cho cô những cái váy ở chỗ Chanel, phủ lên cô đồ trang sức, sách, rượu và hoa, nhét vào túi xắc của cô những tờ tiền cùng câble ghi lệnh Chứng khoán mang tên mình.
Tất tật những cái đó cô đã kể cho tôi dẫu tôi chẳng hề hỏi gì. Chỉ một lần, duy nhất, tôi đặt cho cô một câu hỏi, ấy là để biết xem tại sao cô tới châu Phi và cả ở đó tôi cũng nhận được câu trả lời là nhiều phiên bản chiểu theo những chặng khác nhau chuyến quay về của chúng tôi.
Có một phiên bản ăn khít vào với phiên bản đầu tiên, tức là sự phá tán tiền bạc của cô. Chừng cô đã xơi hết món thừa kế, mẹ cô, Dame Blanche, anh trai của bố cô, bác Paul, một chủ ngân hàng rất giàu và rất nghiêm, phải trình diện trước ông là cô run lẩy bẩy ngay, tập hợp một hội đồng gia đình và cho cô hay là cô phải chọn một người chồng, nếu không cô sẽ bị đình chỉ theo luật định vì cô bắt đầu mắc nợ và ký các hối phiếu. Chính khi ấy cô nói với họ về một ông đại sứ già mà cô làm quen vào một bữa trưa tại Ritz, người tán tỉnh cô theo một đường lối trân trọng bậc nhất và mới gần đây đã xin cô được phép đến gặp gia đình nhằm xin hỏi cưới cô.
Một phiên bản khác liên quan tới của cải bố cô để lại. Cô đã tìm thấy trong đống giấy tờ của ông chưởng khế cổ phần sở hữu một mỏ vàng bên Mozambique và được mẹ cô cho phép (tiền để thực hiện chuyến đi thì từ bác Paul, nhưng khó khăn lắm, bởi ông bác thì rắn) lấy cớ sang châu Phi đi săn, điều này thì người ta sẽ thông báo trên các tờ báo thượng lưu, cô đến tận nơi để xem áp phe mỏ vàng kia đáng giá bao lăm, trong lúc đó hẳn người ta sẽ quên những phung phá của cô ở Paris, còn ông bác thì giải quyết các món nợ sao cho êm đẹp và Dame Blanche thì xúc tiến với ông đại sứ già. (Chính là khi cô từ chuyến khám phá đó trở về, xôi hỏng bỏng không, mỏ vàng thuộc về mấy tay Bồ rất dữ, chúng tôi đã bắt gặp cô bị hỏng xe ở ven rìa vùng đất trũng.) Thêm vào tất tật cái đó là chuyện người anh họ mà cô không biết cách nào khác để chạy trốn kể từ lúc đã vì thiếu thận trọng mà nhận ngần ấy món quà hậu, anh ta trở nên thật khẩn khoản, nhiều đòi hỏi, bạo chúa, chẳng còn để cho cô còn có phút tự do nào nữa, gọi điện cho cô ngày đêm, giám sát cô, ép uổng cô, cấm cô tới Opéra, Café de Paris, các hộp đêm, Sablons, các sòng bạc, một con quái hào phóng, nhưng vẫn là một con quái.
Hai ngày trước khi chúng tôi đến Marseille, Diane lên cơn nản, (cô hay có những đợt sầu muộn đen tối), cô thú nhận với tôi trong một cơn ào ạt - của thành thực chăng? - rằng cô đã lấy chồng, một hôn nhân không có động chạm của đôi bên: ("Tôi thề với ông đấy, Blaise yêu quý ạ!") và vụ hủy hôn ước của cô đang lơ lửng bên Rome... Ấy là phiên bản thứ ba về những lý do khiến cô sang châu Phi.
Thậm chí đó còn không phải một người mắc chứng nói dối bệnh lý. Và toàn là những hành động không hoàn thành!... Phải biết cách coi người ta đúng như là họ vốn dĩ thôi. Những lời nói dối thì cũng thuộc vào nhân cách. Có lẽ tôi gây chút tác động lên cô, phải, ở đó, chính giữa châu Phi, rồi thì giữa biển, và, bằng bản năng, con bé yêu quý nghĩ mình khiến tiểu thuyết gia quan tâm. Có biết bao nhiêu con vật đi bắt chước! Vậy thì tại sao tâm lý của một phụ nữ lại không? Mà tôi nói gì nhỉ, phụ nữ à, phải là trinh nữ chứ, và là một trinh nữ điên!
Con bé khốn khổ. Cô quay về, xôi hỏng bỏng không, từ chuyến châu Phi và với tôi, cô đã chẳng nên cơm cháo gì. Giá kể như mà tôi đã gặp cô trong lúc đang đi Soudan. Thế thì hẳn cô đã có thể giúp chúng tôi rất hữu hiệu những khi cần quay phim. Và hẳn tôi đã lăng xê cô. Với khẩu súng của mình, cô hoàn toàn có thể tự tạo một sự nghiệp Diane thợ săn gái trên xi-nê. Nhưng trên đường về, trong khi chắc cô tưởng đâu gặp được cơ may cuối và một dịp thật ngon để cắt đứt với mọi thứ rất phiền đang đợi sẵn cô tại Paris, tôi lại chẳng làm được gì khác cho cô, sau khi giải cứu cô khỏi vụ hỏng xe, ngoài dâng tặng cô tình chiến hữu của tôi. Tiền ấy hả? tôi sẵn lòng đưa cho cô tất tật tiền voi, tôi không lý gì đến tiền; những lời khuyên ư? tôi không phải một kẻ đưa lời khuyên tốt đẹp, đâu phải dạng tôi, mỗi người một phần số cơ mà; tí toáy tình ái với tôi? tôi cho Jicky đã sẵn sàng bắt lửa rồi, vậy thì khá là đúng với kiểu của anh ấy, cái tay chỉ mê xục váy lót đó, nhưng tôi ấy hả?... nếu như mà tôi phải chơi trò tình ái với mọi phụ nữ mà tôi quen biết ở tư cách đạo diễn thì!... chừng ta đã quay xong một bộ phim, giai nhân số một thế giới mà ta vừa biến thành minh tinh đã trở nên một vầng trăng già khụ...
Diane hăm hai tuổi. Cô nhỏ con, chân ngắn, đi giày cỡ 42, nhưng phục trang thì tươm lắm, những lúc nào cô chịu ăn vận lối phụ nữ. Ngực cô phẳng, giọng đàn ông, hai vai tuyệt mỹ, cánh tay dài, bàn tay thon. Cô có bản tính mau mắn, bạo dạn và kiêu hãnh, nó phản chiếu lên toàn bộ vẻ ngoài của cô. Khuôn mặt hơi có tí mất đối xứng và rất linh động, nhưng khối tóc mờ ảo của cô, màu hạt dẻ rất nhạt, bừng sáng, tạo cho cô một quầng hào quang, tái thiết lập cân bằng cho khuôn mặt ấy, nếu không vậy thì chắc nó trông sẽ quá hách vì miệng cứng rắn còn nụ cười thì căng thẳng. Quả thật, trán và cách tóc mọc đáp ứng các đòi hỏi nghiêm ngặt hơn cả của Wally Westmore, giáo hoàng về khoản sex-appeal ở Paramount, người đã cố định hóa trong mấy lời sau đường lý tưởng của mái tóc, cái đường làm nên toàn bộ sự duyên cho khuôn mặt một ngôi sao ngày nay: Một vầng trán không quá cao không quá thấp. Nó uốn nhẹ về phía trung tâm, điều này mang tới cho đường tóc mọc một uốn cong nhân đôi hình trái tim, hình họa cao quý mà sự thuần khiết còn được nhấn mạnh thêm - và với sự duyên mới lớn làm sao! - Westmore tức sex-appeal - bởi khoảng hẹp phập phồng hai thái dương. Trán cùng đường tóc mọc của Diane đáp ứng rất chuẩn xác điển phạm đó. Hãy thêm vào cho vẻ cao quý phần trên của khuôn mặt cặp mắt đẹp nhất và to nhất trên đời, cặp mắt ngoạn mục nhưng là mắt của người nhiễu tâm, màu xanh không quá đặc và như là ngụp vào tối đen những ngày sầu muộn và giận dữ, cặp mắt mà tôi sẵn sàng bảo mắt của phụ nữ không được thỏa mãn và không sao thỏa mãn, nếu như mà Diane không phải trinh nữ, và bị điên!...
"Anh không thấy à, ông chủ, một hôm Jicky nói với tôi, anh không thấy là con bé de la Panne có cặp mắt làm bung khóa quần của ta à?"
Ô, tay ấy khờ quá! Theo đúng định nghĩa, một trinh nữ thì xét về mặt tình dục có khả năng cho mọi điều. Một thiên thần hay một quỷ cái? Chính cái dấu hỏi này làm rối tung đầu óc đàn ông.
Đúng lúc đó, anh ấy kia rồi, đang đi ngoài ke, Jicky.
Ngay tắp lự chúng tôi ngồi vào bàn.
Cái bữa trưa đó!
Tôi sẽ nhớ nó suốt đời tôi. Đó là cả một niên đại. Không phải vì thực đơn. Tôi nghĩ là mình tổ chức một bữa trưa từ biệt. Ấy lại là lời từ biệt xi-nê của tôi.
Chúa lòng lành!
Nhưng tôi đã không dự tính được điều đó.
3
Ngay khi nhìn thấy Jicky vục mặt vào đĩa của anh, tôi hiểu đang xảy ra một điều gì.
Một, hai, ba, và thế là tôi đã đoán ra.
Đã không xảy đến bất hạnh nào cho phim của chúng tôi bởi nếu vậy Jicky đã phải nói ngay với tôi. Anh khư khư giữ cuộn băng như con ngươi mắt anh. Nhiều lần anh từng đảm bảo với tôi, trong khi thu hình, rằng chưa bao giờ anh ghi được những hình choáng đến thế. Đó là con người cặn kẽ nhất trong nghề của anh ấy, và anh ấy rất kiêu hãnh với lũ voi của chúng tôi. Jicky mà không nói gì thì tôi được yên tâm về điều đó, đã không xảy đến bất hạnh nào cho cuộn phim của chúng tôi. Một.
Nhưng mặt Jicky kỳ quá!...
Thế mà, từ mười năm nay chúng tôi làm việc cùng nhau, chẳng phải tôi không biết cái bộ mặt đó. Ấy là ngọn nến anh thắp lên mỗi lần nào vừa làm một chuyện xuẩn ngốc và gặp phải những điều thật rối. Những trò xuẩn của Jicky thì ai cũng biết hết cả, luôn luôn đó là những câu chuyện về đám ghệ, và những điều rối anh gặp phải, đều liên quan đến tiền bởi con rồ bất kỳ nào cũng làm anh cuống cà kê lên và tất tật các tranh giành của anh với hội nghệ sĩ và diễn viên phụ studio cùng mấy cô điếm nhỏ Montmartre hoặc Montparnasse mà anh hay giao du rốt cuộc biến thành một đống rối tinh, thậm chí trò lừa tiền, Jicky rất lấy làm xấu hổ vì thế, oặn oẹo cả người, nhưng xảo trá hơn bao giờ hết. Thật lạ, sao mà một tay lại có thể vừa là số dách trong nghề lại vừa là con lừa trong cuộc đời. Nhưng Jicky không cần tiền, lúc này. Bị ép uổng và bó buộc, anh đã tiết kiệm được ở bên châu Phi, nơi tôi chi tất, và mới hôm trước tôi vừa ký một tờ séc tiền to đưa anh. Và anh cũng không có chuyện gái gú nào đang tiến hành. Châu Phi không phải một vùng đất cho những trò vui, lũ voi cũng không. Và công việc của chúng tôi đã hết sức xương xẩu. Đến lăn ra chết vì mệt. Hai.
Vậy thì?...
... Không, không phải sáng nay, rành rành là anh không kịp có thời gian để làm các trò xuẩn...
- Jicky, anh đã giữ chỗ tại Wagons-Lits chưa?
- Rồi, ông chủ, mấy chỗ cuối cùng, hai singles thông nhau.
Thế là ba rồi!
Tôi đã điểm trúng huyệt.
Jicky là con nhà nông dân. Chưa bao giờ tôi làm được cho anh bỏ cái thói gọi tôi là ông chủ đi. Mười năm trời cộng tác, mười năm làm chiến hữu, mười năm của những chuyến phiêu lưu tại hai mươi studio và công việc nghiêm túc ngoài tự nhiên rộng lớn của Chúa, chẳng gì khiến anh bỏ đi được cái thói quen ti tiện và vụng về kia, gọi tôi là ông chủ.
Tôi đã đoán ra! Và như để thuyết phục cho mối nghi của tôi, tôi bắt chợt được Diane vung chân đá người đồng lõa của cô dưới gầm bàn.
Cho đến lúc ấy chỉ mới có mình tôi xiển dương cho bữa trưa thịnh soạn; nhưng kể từ giây phút đó, thật tuyệt. Theo đúng nghĩa đen tôi thấy Diane nở bung, đỏ lựng mặt lên, và ấy không phải là do những thứ rượu vang hào phóng hay sâm banh mà cô trộn vào với nhau mà chẳng hề nhận ra, ấy là nữ tính nơi cô, sự lường gạt của cô đang làm cho cô ngây ngất, và cô mau chóng cười phá lên. Jicky thì không vục mặt xuống đĩa nữa, phát đá chân đã khiến anh ngẩng cao đầu. Và cứ như là cố tính, chính vào lúc ấy Félix tới tặng cho mademoiselle de la Panne một bó cẩm chưởng đỏ thật lớn, những bông cẩm chướng tỏa mùi hạt tiêu Jamaïque ướp hương cho Marseille kể từ sáng.
Rồi người ta dọn món gà mái tơ kem nấm và chúng tôi bắt đầu ăn giống những người châu Phi từ quá lâu không được hưởng những thứ tốt lành. Nhưng chúng tôi không còn bạn bè gì với nhau nữa, cô, anh và tôi. Đời là một trò quá gớm. Không đánh lừa được. Kẻ thắng, người thua, tất tật dều chết. Vấn đề là tiêu đời bên trong bộ da của mình. Như một câu ngạn ngữ da đen: Con báo chết cùng các màu của nó.
Tôi đã nói đủ về Diane de la Panne hay la Guigne nên khỏi cần phải tìm thêm, xem cô tự lừa chính mình tới mức độ nào. Một gái lắm mưu mẹo mà không có trí tưởng tượng thì chẳng thể nào thành tựu.
Tôi sẽ thêm vài lời nhằm phác họa chân dung Jicky. Không phải sự bôi nhọ. Ấy là một bức ảnh chụp tay số dách đã quá cố kia của nhiếp ảnh.
Tên thật của Jicky là Jean Lheaulme. Anh người gốc vùng lân cận Reims. Tôi đã nói, đấy là một người con nhà nông dân. Nhưng thủ đô, cái chốn rất đặc biệt nơi anh tiến hóa và thứ tiền đẹp đẽ mà nghề cùng danh tiếng của anh giúp kiếm được đã biến anh trở nên xấu xa, như người ta hay nói vào thế kỷ 18. Sở dĩ anh có biệt danh ấy là do một món tóc bệch màu anh để thõng xuống ngay giữa trán, phía trên một vết sẹo nhỏ, và anh rất vênh vì nó. Món tóc đó, anh đã kiếm được trong hoàn cảnh như sau: sau khi anh rũ khỏi một trong những tình nhân điên rồ của anh, một nữ vũ công Tây Ban Nha biểu diễn tại Bouffes du Nord, cô Tây Ban Nha ưa trả thù tới studio kiếm anh và, thay vì tạt a-xít như cô đã hứa với anh, cô ta tương thẳng vào đầu anh một lọ lớn Jicky, một thứ nước hoa có sức ăn mòn mạnh, nó làm bệch màu tóc của anh theo lối chắc chắn hơn nhiều so với mức độ các mảnh vỡ của cái lọ rạch vào thịt anh. Để kỷ niệm chuyện ấy Jicky lúc nào cũng mang theo một lít ô-xy già trong xắc cốt đựng máy quay, anh bôi nó nhiều lẫn mỗi ngày, ai cũng biết cả, để chăm sóc, làm bóng, trau chuốt, uốn cong, dán lại mẩu tóc chết. Đó là một tay thiên về khoa trương. Vả lại don Juan của trường quay ăn vận như một tên nouveau riche, luôn luôn đồ mới coóng, giày đánh xi thật bóng, mũ sặc sỡ, veston vải tweed nhiều lông có đường cắt rất tợn, quần không chỉ chết li mà còn nổi rõ tam giác, cà vạt Chicago phía trên huyệt đản trung, đót hút thuốc Kirby-Beard, đồ trang sức theo kiểu gangster.
... Hôm nay, sau ngần ấy năm, chừng nghĩ đến anh tôi chỉ có thể so sánh anh với loài khỉ lớn miền Bắc Braxin, dandy của những khoảng thưa của rừng nguyên sinh, mang trên người bộ lông nâu ánh vàng, với một túm lông trắng giữa hai mắt, tức hai quầng đen, má dưới màu xanh và cũng sở hữu, giống Jicky, cái mũi của Cyrano [hồi đó chưa có Gérard Depardieu]. Đó là giống khỉ điệu đà nhất, thanh mảnh hơn cả, nó đứng thật thẳng, nhộn và thân mật, bị phụ nữ quyến rũ, nhưng dễ dàng chạy bốn chân, vừa chạy vừa làm đủ mọi trò và hoảng sợ mà chạy biến đi, ị tè tùm lum nếu người ta chìa tay cho nó. Đó là một con vật thiếu ổn định. Cứ đánh giá sự xảo trá của nó đi! Nó háu sữa phụ nữ đến nỗi người bản địa kể nó lẻn đến gần một cô vú nuôi đang ngủ, kéo đầu đứa bé ra rồi chiếm lấy chỗ dính vào vú cô và, để làm cho đứa sơ sinh không khóc toáng lên, nó thò cái đuôi dài cho đứa kia mút phần đầu, cái đuôi thật dài tiện dụng quấn nhiều vòng quanh cổ đứa bé, và uốn éo, và run rẩy, và lại uốn éo. Con khỉ ấy háu đến nỗi nó để cho người ta bắt...
Tôi còn thêm được gì nữa đây? Quãng 3 giờ, tôi nhắc Diane là cô có hành lý cần thông quan và tôi bảo Jicky đi cùng cô tới chỗ bạn tôi, anh đang đợi cô ở văn phòng anh.
- Compagnie Fraissinet nhé, tôi nói với Jicky. Đến đó anh hỏi ông Gaillard, ông André Gaillard.
- Phải đề phòng đấy nhé, Diane, và đừng quên những gì tôi nói sáng nay, tôi còn nói thêm. Đó là một nhà thơ trẻ và là một kẻ quyến rũ cao cường. Cẩn thận!
Người ta gọi cho họ một cái taxi. Hai kẻ đó, rồi suốt nhiều năm tôi sẽ không biết họ ra sao; hai kẻ đó, tôi nhìn họ đi xa dần mà chẳng hề tiếc nuối bởi đã từ một lúc lâu tôi không còn để tâm đến họ nữa.
Marseille thuộc về ai từ ngoài khơi vào. Với bộ mặt của chúng tôi, những bàn tay đỏ quạch của chúng tôi, làn da chết do phơi nắng và một cái gì phảng phất hương xa cỏ lạ mà người ta luôn luôn mang trên mình những lúc từ các nước hải ngoại về, bộ ba chúng tôi chẳng thể nào ở hàng hiên quán Chez Félix một hồi lâu mà không bị để ý thấy và đã từ một lúc, đám ăn xin của khu phố, mù, những cặp già xập xệ và lệch lạc, lũ nhóc, con gái bẩn thỉu, hung hăng, ghẻ lở, động kinh, dị hình, chống nạng, gù, lùn, cao nghều cứ không ngớt diễu qua bàn chúng tôi, lầm bầm, run rẩy, khóc lóc, cầu Chúa, nói lời hay ý đẹp, huýt sáo, hát, ré lên, làm các trò khác nhau, nhảy múa, uốn người, nhăn nhó mặt và tung hứng. Thế nhưng, dẫu Marseille là thành phố duy nhất của Pháp không có người nghèo xấu hổ, tôi không sao chịu nổi sự trưng bày bần cùng ở một thành phố lớn mà không thấy tim mình thắt lại vì tôi đã chết đói quá khủng khiếp tại Bắc Kinh và New York và sống trong cảnh bần hàn quá lâu trên vỉa hè nhớp nhúa Paris... Tôi khởi sự phân chia những đồng xu nhỏ màu trắng, hỏi những người này, tán dóc với những người kia, trả tiền rượu rồi lại tiền rượu cho những kẻ nghiện ngập, và tiền ăn, ăn, ăn cho những người chết đói, rồi thì phân phát cho bọn trẻ con tất tật món ngon của la Tite. Khỏi phải nhấn thêm. Tôi mau chóng có được mọi hiện tượng của Cảng Cũ vây xung quanh bởi vì bàn tôi mở rộng cho tất cả, và cái cour des miracles [cf. Notre-Dame de Paris] đó bầu bạn với tôi cho đến tối...
Tuy nhiên, tới giờ tàu hỏa, tôi ra ga để ghi nhận khoang "của họ" trống trơn, rồi tôi ghé khách sạn lấy căn phòng nơi "cô" đã không đến, thành thử tôi quay lại Chez Félix khá muộn.
Victor giới thiệu tôi với vợ anh, la Berthe, trông giống la Tite như một người chị gái.
Nhưng Félix thì không hài lòng.
- Lẽ ra ông không được làm thế chứ! ông bảo tôi. Người ta không mời đám khố rách áo ôm.
Nhưng la Berthe, đã biết chuyện gì xảy ra hồi chiều và được kích thích bởi la Tite, đang huơ tay để bảo vệ tôi, lên tiếng nói thay cho cả hai: -... Ôi Mẹ lòng lành! tức là ta không còn có quyền để...
Bữa tối sôi động hết mức.
- Dẫu có vậy, có những điều không nên làm, thưa ông Cendrars, Félix bảo tôi, ít kiên quyết hơn bao giờ hết do sự can thiệp của hai người phụ nữ đứng về phía tôi.
- Xin thứ lỗi cho tôi, Félix, nếu ông thấy quán bị những con người bất hạnh kia xâm chiếm. Nhưng tôi đâu làm được gì. Điều đó mạnh hơn tôi và họ nhận ra tôi...
Và tôi khởi sự kể cho ông nghe, rằng một khi đã biết tới nỗi bần cùng, thì người ta mang dấu của nó, và chẳng gì về sau có thể xóa đi nổi.
-... cũng giống đám tù khổ sai đào tị tự tạo dựng một hoàn cảnh và làm lại một cuộc đời. Bọn họ phải nương số phận vào một đồng bọn cũ chung cùm, nhận ra bọn họ nhờ đánh hơi. Tôi không thể xuống một thành phố xa lạ nào mà không sớm muộn bị định vị bởi một tay tiến lại gần tôi ở một góc phố, chẳng phải để đánh tôi đâu, mà để trình bày với tôi những khốn khổ khốn nạn của anh ta, như cho một cánh hẩu, một người anh em ấy. Tôi cũng không biết căn cứ vào đâu mà họ nhận ra tôi. Nhưng cái đó đã khiến tôi có không biết bao nhiêu cuộc gặp, toàn những gì thật kỳ khôi... A, cuộc đời...
4
Đã 2 giờ sáng. Chúng tôi tua xong mọi hộp đêm, nơi tôi nhảy điên cuồng cùng la Tite, cùng la Berthe, và chúng tôi ngược Canebière đến chỗ Nain jaune, sòng bạc ngày ấy, tại đó, nhốt mình trong một quầy bar bí mật, những barman lừng lẫy nhất Marseille tụ tập mỗi tháng một lần để thanh toán lẫn nhau. Đối với tôi, kẻ lạ, thật là cả một vinh dự to tát khi được xâm nhập một chốn như thế, kín bưng đến vậy; sau đó thì tôi có thể tự coi mình đã được đóng dấu chứng nhận Marseille.
Félix và Victor, phong nhã như các ông hoàng, bước đi phía trước, nói chuyện áp phe. Vài bước chân phía sau họ, chúng tôi đi theo, hai phụ nữ đã vận lên người những phục trang đẹp nhất của họ và trĩu nặng đồ trang sức, còn tôi, đã luồn cánh tay trái dưới cánh tay của la Tite và dựa cánh tay bị cắt mất lên vai la Berthe, sung sướng được ở giữa hai đàn bà núng nính và hay cười ấy, mà buổi tối kích thích mạnh và không biết làm sao làm cho tôi hiểu lòng biết ơn của họ về món hời to, lần đầu tiên trong đời được kết thúc đêm tại Nain Jaune bởi vì, ở Marseille, một barman tự tôn trọng bản thân không dẫn vợ theo, trừ Chủ nhật, tới chỗ ngôi nhà nhỏ hoặc một tháng tại Côte d'Azur vào cuối mùa nhộn nhịp, nhưng chẳng bao giờ đến các chốn ăn chơi. Thế nên có thể tưởng tượng nỗi vui của họ. Berthe nói, nói mãi còn la Tite thì kéo tôi thật sát vào bà, cười ngật đầu ra sau, cái miệng đẹp môi dày nhưng trống rỗng hơi hé ra, cặp mắt biết nói nhằm khiến tôi hiểu bà sung sướng ngần nào và muốn điều tốt đẹp cho tôi tới ngần nào. Giọng vang rền của la Berthe cùng tự vị của bà là cả một hân hoan.
Sự đến Nain jaune của chúng tôi gây xao động lớn. Cũng tương tự vậy, mùa thu trước tôi đã thấy bước vào À la Rose, tại Biarritz, le prince de Galles [tước của thái tử Anh], vi hành, giữa hai giai nhân mà người ta đã ném vào tay ông và một băng trẻ tuổi điên rồ đang vào cơn. Nhưng Nain jaune là một chốn nghiêm túc. Đó là một sòng bạc kèm thêm một điểm hút hít lén lút và người ta không đùa với thuốc phiện. Ngay tức thì người ta dẫn chúng tôi vào quầy bar riêng nhỏ, nơi các gentleman khác, cũng phong nhã và dè dặt y như Félix và Victor, các đồng nghiệp họ làm áp phe cùng, tiếp đón chúng tôi mà chẳng hề biểu lộ chút kinh ngạc nào. Ở giữa họ có một phụ nữ, bà chủ của Nain jaune, một thanh gỗ lát cao lớn cọ rửa bóng loáng, chải chuốt, với những cái răng ngựa cùng cặp mắt lục. Bà đẩy tôi ngồi vào một cái phô tơi sâu và khởi sự tra hỏi tôi bằng tiếng Anh, nhưng không có vẻ gì là để ý đến, cất lên những tiếng ngựa hí và bắt tôi uống. Thỉnh thoảng, một người đàn ông tách ra khỏi cái nhóm nơi họ thì thụt với nhau và bước đến chạm cốc với chúng tôi.
Quầy bar bí mật ấy là chốn ngoạn mục nhất tôi từng ghé. Viên đá quý thật lớn, sáng chói mà bà chủ đeo ở ngón tay giữa dường đã được kiến trúc sư cùng người trang trí dùng làm mẫu. Cũng giống viên kim cương đẹp đó, quầy bar bắn ra những tia lửa, được tạc thành nhiều cạnh nhỏ, đất, trần, các vách gắn các mảnh pha lê được chiếu sáng theo một lối siêu nhiên, bởi không có lấy một chỗ tối trong căn phòng nhỏ.
Với sự say giúp sức, tôi có cảm giác mình đang được đặt vào bên trong một cái nút chai và Félix, Victor, những người đàn ông xa xôi đang luẩn quẩn quanh họ, la Tite, la Berthe, mà tôi nghe thấy đang lịm dần đi tiếng cười nhiều ngân nga, bà chủ đối diện với tôi, cái người đàn bà lạ thường kia, đang thực hiện một thứ nghệ thuật ma quái tôi cũng chẳng rõ là gì, tất tật đối với tôi như thể đều phát ngũ sắc, vận lên mình những màu cầu vồng và còn phi lý hơn các nhân vật của một huyễn ảnh.
Tuy nhiên, một ý đinh ninh cứ ám lấy tôi.
Tôi muốn biết bằng cách nào mình đã tới đó, được đặt vào chính giữa ánh sáng nơi cái phô tơi tiêu cự ấy, trung tâm một sắp đặt gương và thấu kính, chúng trụt đi khỏi tôi nhân cách của tôi.
Thứ nước uống nào người ta đã đưa cho tôi, để mà làm cho tôi rơi vào trạng thái mụ mị đó?
Và cứ như là dưới tác động của chloroforme, tôi cố gắng nhưng chỉ vô vọng nhằm tìm lại trong ký ức sợi dây đã lạc mất khỏi tôi, trong cái mê cung chói lói đó.
Canebière, các cầu thang của sòng bạc, chuỗi những xa lông chơi bài, một hành lang dài, một tấm thảm đỏ trải dần ra và, ở đầu tấm thảm, một đường hầm dẫn tới hai cánh cửa tròn, một bằng pha lê, một bằng đồng. Nhưng đường hâm là một trò đánh lừa. Tôi đã nhận ra điều đó, nó được làm từ các que tre vót và bố trí theo phối cảnh giống người ta dựng ván đánh véc ni đối diện một ban công bí bách hay một khu vườn thiếu chiều sâu, nhằm tạo ra trên một bức tường các phối cảnh ảo tưởng như là sự vô tận. Chính giữa mỗi cánh cửa tròn có một viên hình cầu nhỏ, trong đó, dưới lớp thủy tinh, tắm mình trong ánh đèn nê ông, lơ trên cửa pha lê và lục trên cửa đồng, ngự trị một ông thần nhỏ bằng vàng, một bức tượng Aztèque, Nain jaune [lùn, màu vàng] lừng danh, dị hình và nhiều nhăn nhó.
Chúng tôi đã đẩy cửa pha lê, nằm bên phải, rồi bước vào quầy bar riêng của bà chủ. Nhưng nếu tôi đẩy cánh cửa bên trái, cửa đồng, thì sao nhỉ? Chắc tôi sẽ không bước vào phòng ngủ của bà chủ bởi vì cửa đồng dẫn vào một chỗ để hút và, đột nhiên, tôi có trực giác rằng nếu đẩy cánh cửa kia hẳn tôi đã thấy Jicky nằm ngửa người trên một cái chiếu và La Guigne đang trong cơn hỏng hóc [panne] tại bóng tối của thuốc phiện...
Cho tôi rượu vang, sâm banh, cognac, whisky, nhưng tôi không thích gin, cũng như mọi thứ đồ uống pha từ gin mà ai ai cũng mê, chúng chơi tôi nhiều trò đểu lắm.
Tôi không thích bị mất phương hướng.
5
Trời đã sáng bạch vào lúc tôi về khách sạn. Tôi mở cửa sổ phòng, nó nhìn xuống Cảng Cũ. Tôi đẩy bàn ra trước cửa sổ. Tôi cởi áo ngoài. Tôi tháo mấy khẩu súng và chỉ mặc độc áo sơ mi tôi khởi sự lau chùi mấy khẩu carabin, lau chùi tra dầu mỡ hết sức nghiêm túc, khẩu Winchester đầy tinh tế của tôi, khẩu Jupiter có ống ngắm, khẩu Mauser 9,3 cùng khẩu súng săn voi, cây Maennlicher lớn, cỡ nòng 22.
... Restif de La Bretonne từng thay thế mọi vị thánh của lịch bằng tên các tình nhân của ông, viết số 3 cho Chủ nhật và 5 hay 7 bằng mực đỏ cho những ngày lễ trọng. Gavarni cũng viết một quyển sổ agenda phức tạp và rối tinh tương tự. Còn tôi, một bảng chữ cái 24 thành phần là đủ để làm sống lại mọi phụ nữ mà tôi từng quen, từng quen biết như theo Thánh Kinh hoặc chỉ đơn giản là được tưởng tượng ra, ấy là còn chưa nói những phụ nữ của lịch sử và truyền thuyết, những tình nữ được vẽ trong các bảo tàng, những mơ tưởng ban đêm, những người không quen biết mà tôi từng ấy một cách vội vã trên boong các tàu thuyền hay đằng sau một cánh cửa, những người ái nam ái nữ, những yêu tinh, những con gái ngoài giá thú của tôi, vợ cũ của tôi, Amour của tôi cùng Hélène-đã-chết, những người mà tôi đã quên đi tất tật, màu mắt, cái bụng, nụ cười, những người đã không đến một cuộc hẹn, những người mà ta đã từ giã mãi mãi dẫu chẳng hề đá đi, bởi nỗi vội chia ly thì sao mà lớn, một nụ hôn từ biệt vào khoeo chân, và tất tật Muse, Oaristy, Égérie, Hamadryade của thơ cùng các bà hoàng của màn ảnh bạc. 24 chữ cái, đối với tôi khá là đủ vì với một alphabet 24 chữ ta có thể tạo ra
620448401733239439360000
kết hợp, hàng tỉ triệu tỉ nghìn triệu kết hợp kia đúng bằng số tên riêng quý giá với tôi...
Mọi ống khỏi đều đang tỏa khói. Marseille bốc mùi gỗ thông cháy và lò bánh mì.
Một ngày mới đang bắt đầu.
IV
La Redonne
1
Vài năm sau, tôi ở vùng nông thôn, viết các cuộc phiêu lưu của Dan Yack. Tôi đã qua mùa đông tại ngôi nhà nhỏ của tôi ở Seine-et-Oise và sắp hoàn thành quyển đầu tiên, chỉ còn phải viết nốt một chương nữa. Nhưng mùa đông 1926-1927 mưa nhiều, nước không đóng lại thành băng và những khi cùng con chó của tôi đi dạo băng ngang các cánh đồng, tôi phát mệt vì phải đi guốc mà lội trong thứ đất nhão nhoét của Île-de-France. Bầu trời cũng quá thấp, quá bẩn. Một sáng tháng Hai, lúc trời cứ mưa không ngớt, tôi vác đống va li, đóng cửa nhà, khởi động chiếc ô tô và huýt sáo gọi con chó.
- Volga, tôi nói với nó, khi chúng tôi vừa vượt đoạn lổn nhổn ở lối ra khỏi làng và đang tiến đến cạnh của khu rừng Temps-Perdu, Volga, hướng chủ chốt là: Miền Nam! Mày thấy có được không? Không à? Vậy thì chúng ta sẽ luôn luôn hơi ngả sang phải. Như thế, mày cứ yên tâm, ta sẽ không tới Côte d'Azur đâu.
Và chính trong lúc áp dụng cái chương trình ấy, tối đến, tôi dừng xe phía bên phải Marseille, sau khi đã phóng hết tốc lực qua Rambouillet, Étampes, Gien, Moulins, Roanne, Saint-Étienne, vượt đèo République trong tình trạng tuyết dày một mét, xuôi xuống thung lũng sông Rhône cho tới Arles qua lối hữu ngạn nhằm tránh "lộ xanh" quá đông xe cùng đám láo nháo Paridiêng chưa kể lũ snob ở nhiều chặng, và nhờ thế tôi phát hiện, khi màn đêm buông, dưới một con đường tồi tệ dốc ngược và rất khó ngửi với những viên đá lăn của nó, làm cho phanh hãm không có tác dụng, vũng đá ven bờ La Redonne, đầy những thuyền đã được kéo lên bãi đá cuội và quảng trường nhỏ đầy đá, đối với tôi là không thể vượt qua, vì có đầy các tấm lưới đánh cá người ta đem ra phơi ngay trên đất.
Vốn dĩ tôi tôn trọng đến sùng kính công việc của con người, ý tôi muốn nói công việc của những người khiêm nhường, và không bao giờ tôi quên được rằng các thánh tông đồ đầu tiên đã được chọn trong số ngư dân. Dẫu đã quá nhọc với chuyến đi và rất sốt ruột được đặt chân xuống đất, chẳng thế lực nào trên đời có thể khiến tôi đi ô tô qua những lưới rải ra chặn mất vài mét ngăn tôi với quán trọ kia. Tôi bấm còi. Ai đó bước ra treo một ngọn đèn chỗ ngưỡng cửa rồi lại quay vào trong quán trọ, đóng cửa lại. Tôi đã rơi vào đâu thế này? Chốn khỉ ho cò gáy! Tôi lại bấm còi, rồi lại. Không có ai nhúc nhích. Thế là, tôi bèn quyết định xuống đi bộ, đến gặp những người kia bảo họ dọn đống lưới. Tôi hạ lệnh cho con Volga, nó cũng muốn duỗi chân duỗi cẳng, không được động cựa, rồi tôi vượt qua, với cả nghìn cẩn trọng, vài mét ngăn cách tôi với ngôi nhà. Tôi vừa kịp tránh khỏi va vào một cái đu treo trên cành chính một cây tiêu huyền.
- Tôi đây! tôi vừa đẩy cửa vừa nói. Tôi từ Paris đến. Tôi muốn ăn tối và thuê một phòng. Các vị có thể thu lưới ở đằng kia lại không? Tôi không muốn đi xe lên, phá nát chúng ra. Các vị có ga ra không, nếu không tôi sẽ đỗ xe dưới cây tiêu huyền... Tôi mệt nhoài rồi...
Những người đó có vẻ thảng thốt. Ở đó có chừng nửa chục ngư dân, một phụ nữ cùng một đứa trẻ sơ sinh đang bú đằng sau công toa và một bà hầu già vận đồ đen ngồi khâu bên bếp lửa. Tôi thì đi guốc và mặc quần cưỡi ngựa, hai bắp chân chui tọt vào bít tất E-cốt sặc sỡ, thân người trên thì bọc trong dăm cái săng đay lấp lánh, trên đầu là cái mũ cát két ca rô có lưỡi trai quay ngược ra sau gáy và lấm bùn đến tận mắt vì đã lao xe cả ngày mui mở thông thống.
- Hượm đã, tôi nói với những người đàn ông đang xoay trở, trước hết tôi trả tiền pastis. Tôi trả chầu này. Mời các ông!
Rồi tôi tự giới thiệu và chúng tôi chạm cốc.
- À, còn con chó của tôi nữa.
Tôi ra cửa huýt sáo gọi Volga.
- Chìa chân ra, tôi bảo con Volga.
Volga thực hiện màn chào hỏi. Tảng băng đã được phá tan.
Tôi giúp mấy người đàn ông một tay thu dọn đống lưới. Họ chỉ cho tôi đỗ xe dưới một hăngga trong sân, đằng sau nhà. Người ta mang đống va li của tôi xuống khỏi xe. Chúng tôi uống thêm một chầu. Những người kia đi khỏi. Tôi ngồi vào bàn và chén một bữa thật ngon. Người phụ nữ trẻ giới thiệu tôi với chồng cô, vừa bước vào qua một cánh cửa phía sau và lấy ra từ một cái túi năm, sáu con thỏ đánh bẫy được trong vùng đồi, còn bà già thì dẫn tôi lên phòng, tay cầm giá nến.
Tôi đi nằm, sẵn sàng để thiếp đi luôn nhưng Volga quanh quẩn một hồi lâu để tìm một chỗ trên tấm thảm.
Trong phòng kê một giường sắt hẹp, có thêm cái bô mẻ. Tôi treo quần áo lên những đinh lớn đóng vào các vách ván nham nhở đã bị cạy long các mối nối, thành thử tha hồ cho người ta nhòm trộm từ phòng bên phải và phòng bên trái. Nhưng đêm hôm đó chỉ có mình tôi trên gác. Có các dòng chữ viết bằng phấn, bằng bút, những chữ cái đầu, những ngày tháng, những tim xuyên mũi tên khắc bằng dao và, lẽ dĩ nhiên, vài biểu tượng tục tĩu cùng những bức họa tình ái.
Như về sau tôi sẽ biết, quán trọ này xưa từng là một căng tin và tầng trên dùng làm chỗ ngủ cho thợ đá, thợ mỏ làm đường sắt, mà một cây cầu cạn mới toanh bắc phía trên La Redonne. Chẳng có chút tiện nghi nào, đến cả một bình nước cũng không. Tôi không thể rửa ráy. Tôi thổi nến. Giống con Volga, tôi ngủ rất tệ. Nhiều lần, các đoàn tàu chạy ngang qua phía trên đầu tôi làm tôi choàng tỉnh. Nhưng, sáng ra, mừng làm sao! Nắng chan hòa trong phòng và biển thì ngay cửa sổ. Tôi chạy đi tắm một chầu. Và trong lúc tôi bì bõm trong cái vịnh tuyệt hảo La Redonne, một vòng tròn nước xanh giống cái hồ bên trong của đảo san hô, tôi thấy chạy qua trên cầu cạn một con tàu phì khói hết cỡ, nó chỉ gồm toàn những toa thật dài giống các wagons-lits, tàu chở thư hai tuần chạy một lần, đoàn tàu Ấn Độ...
Lên khỏi nước, tôi mua tại cửa hiệu duy nhất của vùng một cái áo bu dông thủy thủ cùng hai đôi giày, loại giày cao cổ mà các thợ săn vùng ấy hay đi, có thể trèo các tảng đá. Tôi đã chọn chốn này cho mình. Cái đoàn tàu theo phong cách Jules Verne kia đã chinh phục tôi và thật tốt lành, chừng ta đi đến với cô đơn nhằm viết một cuốn sách, được ở ngay cạnh đường sắt và trông thấy tàu chạy qua cửa sổ. Sự đi lại ấy điểm thời gian và tạo một dây liên hệ giữa nhịp bước im lặng của suy nghĩ và hoạt động ồn ào của thế giới. Ta thông giao. Ta cảm thấy bớt một mình. Và ta hiểu, ta đang viết cho con người.
2
Tôi đã thuê "lâu đài" Escarayol, đó là một sai lầm xét theo mọi quan điểm, trừ quan điểm của niềm vui sống.
Ngự trên đỉnh một ngọn núi từ đó ta có thể ngắm biển đến tận chân trời và ở phía trên cái bờ lởm chởm, độ cao 400 mét, tôi có thể, bên phải, từ hàng hiên mà đếm các vụng đá của Carry-le-Rouet nơi mũi Vương Miện và, quá đó, dõi mắt nhìn theo những khói đen của Port-Saint-Louis cùng các bờ màu trắng nhạt, nâu bợt Camargue, chúng mờ dần đi về phía Grau-du-Roi; bên trái, cho tới chỏm Niolon, một mất trật tự điên loạn những núi trọc, tảng đá lớn dựng ngược, thung, chờm, nếp bóng râm, mảng sáng, chúng bào đi các bình diện và, từ phía bên kia cái vịnh lẩn đi đằng sau dãy núi hình đàn accordéon của Estaque, cách chừng hai chục cây số đường chim bay, là Marseille với bóng dáng tảng đá Notre-Dame de la Garde của nó rồi, xa hơn nữa, một khối lập phương lớn che khuất lối vào cảng nhỏ Cassis. Sau lưng tôi, có một khoảnh tròn đá vách dốc đứng, trong ngày bị nắng nung trắng bệch ra còn đêm thì từ ấy dâng lên, như từ một lư hương, mùi thơm những thông, oải hương, hương thảo, mia cùng đậu kim. Dưới chân tôi, cứng đơ và ngược sáng trên nền lấp lánh của sóng biển, cái bờ như được thêu viền - các bán đảo, đảo nhỏ, bãi hình thù kỳ dị, vũng, vùng đất sụt, đá trơn, đá ngầm bờm xơm - bao lấy bởi thông vặn vẹo, cơ man sồi xanh, nhũ hương, me, xương rồng lớn lá khía mép, dát bọt trắng. Và trước mặt tôi, là hình cầu nhân đôi trời, biển cùng, ngay trung tâm, ngọn hải đăng Planier.
Chuyện tòa lâu đài thì, Escarayol chỉ là lâu đài ở mỗi cái tên. Đó là một ngôi nhà giản dị hình vuông, hai tầng, mái bằng, rất chắc chắn, đồ sộ, đô con, ba mặt bị bít kín để phòng gió mistral, nhưng được đục một cửa ra vào và những cửa sổ lớn sinh đôi về hướng Nam, dùng các miếng sắt để đóng lại. Ở tầng dưới có một căn bếp kiểu Provence, bên trái tính từ chỗ bước vào, và phòng ăn bên phải. Trên tầng có hai phòng, một lớn một nhỏ hơn. Tôi đặt máy chữ vào phòng lớn còn giường thì trong phòng nhỏ. Tôi đẩy cái bàn ra trước cửa sổ đôi và ngay lập tức khởi sự viết, ba dòng, ba dòng đầu tiên cho chương cuối của tôi, làm thế thì giống như để chào mừng và chúc làm việc tốt tại ngôi nhà ấy. Rồi tôi bỏ mọi thứ lại, xuống La Redonne tìm một cô giúp việc, vì ngôi nhà đã không người ở từ hăm lăm năm nay.
Chỉ có mấy dòng đó, chỉ có chúng, tất tật những gì tôi viết được ở Escarayol mặc cho những kêu gào của nhà xuất bản đang lên cơn sốt ruột... Một nhà văn không bao giờ được ngồi trước một panorama, dẫu nó có lộng lẫy đến đâu. Tôi đã quên mất quy tắc. Như thánh Jérôme, một nhà văn phải làm việc trong xà lim của hắn. Quay lưng đi.
(còn nữa)
Nếu post file ảnh thì độc giả phải đọc với một con kính lúp. Anh thật nđ quá ạ!
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeleteTitre de l'ouvrage dans lequel cette carte était insérée:
ReplyDeleteBP 70072
F-13192 Marseille Cedex 20
tiếp tục
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDelete" Một nhà văn không bao giờ được ngồi trước một panorama, dẫu nó có lộng lẫy đến đâu. Tôi đã quên mất quy tắc. Như thánh Jérôme, một nhà văn phải làm việc trong xà lim của hắn. Quay lưng đi."
ReplyDelete"Ta thông giao. Ta cảm thấy bớt một mình. Và ta hiểu, ta đang viết cho con người."
Văn chương này đâu thể coi là lớn?
ReplyDeletenho còn xanh lắm
ReplyDelete