Jan 21, 2024

Baudelaire đọc Thomas De Quincey

Baudelaire ở tư cách độc giả của Thomas De Quincey: một trong các chủ đề vừa hiển nhiên lại vừa khó nhằn.

(tiếp tục "some", "La Bruyère""1/1")


Baudelaire đọc Thomas De Quincey

 

Công Hiện



 

[Baudelaire và De Quincey: đối với tác giả Les Fleurs du Mal, bậc thầy (maître à penser) - được tìm thấy khá muộn - là Joseph de Maistre, và người anh em tinh thần, alter ego, là Edgar Poe; nhưng Thomas De Quincey lại có vị trí đặc biệt - và kỳ dị - trong cuộc sống tinh thần của Baudelaire; có thể nghĩ, một vai trò tương tự như họa sĩ Constantin Guys hay nhạc sĩ Richard Wagner.

 

Với Thomas De Quincey, Baudelaire có cảm tình ở mức rất sâu sắc. Baudelaire thấy, chẳng hạn, giống mình, đấy là một người được nuôi dạy giữa các phụ nữ. Một người đàn ông có phụ nữ vây quanh khi còn nhỏ, sống trong thế giới của phụ nữ, đối với Baudelaire, không thực sự giống những người đàn ông khác. Thiên tài ở họ là một dạng thiên tài khác. Đấy là điều đã xảy ra với chính Baudelaire, và với De Quincey.

 

"Baudelaire đọc Thomas de Quincey": đây là đề bài (để nói bằng ngôn ngữ của chạy mánh thời chúng ta, thứ ngôn ngữ phổ biến giữa các nouveau riche chuyên về môi giới dự án) mà tôi đưa cho dịch giả tiếng Việt của Gentleman cắn thuốc phiện - một dạng tập thể hình bổ trợ cho việc dịch cuốn sách. Sau một tháng, đã có trả bài. Bài của Công Hiện dưới đây, tôi sửa chữa vài chỗ nhỏ, chỉnh lại vài khớp nối hơi lỏng.]


 

Năm 1860 Baudelaire xuất bản Les Paradis artificiels, đó là lần đầu tiên Thomas De Quincey được dịch qua tiếng Pháp. Phần thứ hai của quyển sách, Un mangeur d’opium, nằm sau Le poème du haschisch, chính là bản dịch tiếng Pháp của Opium-Eater [sắp in bản tiếng Việt dưới nhan đề Gentleman cắn thuốc phiện]; không ít chỗ được rút gọn và xáo trộn, xen lẫn các bình luận của Baudelairecác đoạn trích dịch từ Suspiria de profundis cũng được thêm vào. Quyển sách kỳ dị ấy có thể được đọc như một ê-tuýt về Opium và Hashish Baudelaire chủ yếu quan tâm đến việc khắc họa những biến đổi trong tình cảm của con người gây ra bởi sự gần gũi thường xuyên với các loại thuốc kích thích; ông trình bày những sự thật về mặt y học một cách rõ ràng nhất không kèm bất kỳ hoa văn trang trí nào. Nhưng ngoài ra đó cũng là một ê-tuýt về chính văn chương trác tuyệt của Thomas De Quincey. Trong Paradis, Baudelaire bình luận về tác phẩm của nhà văn người Anh với rất nhiều chắc chắn, có thể nói nhà thơ nhận ra chính mình trong đó, với một hoàn cảnh xã hội tương tự, có chung niềm đam mê với những điều cấm đoán hay những giá trị phản kháng, cùng một tâm hồn tế nhị và tuyệt đối nhạy cảm. Nhưng đây chẳng phải hậu quả của tuổi trẻ và của sự ác cảm quá sớm, thành thử vô lý, trước các giá trị tinh thần được bảo vệ bởi số đông vây quanh. Cái nhìn ấy sáng suốt đến đáng kinh ngạc. Trong một bức thư gửi Baudelaire bày tỏ lòng ngưỡng mộ sau khi đọc Les Paradis artificiels, Flaubert nêu một nhận xét, rằng với một công trình được khởi đầu bằng khoa học, dựa trên những quan sát và quy nạp ấy, nhà thơ đã quá nhấn mạnh vào tinh thần ác. Baudelaire trả lời, khi nhìn nhận lại một cách trầm tĩnh, ông thấy rằng mình liên tục bị ám bởi ý nghĩ rằng không thể chấp nhận một số hành động của con người mà không đi kèm với giả thuyết về sự can thiệp của một thế lực cao hơn, ở bên ngoài con người… Và “ngay cả khi thế kỷ 19 liên minh chống lại tôi, tôi cũng sẽ không rút lại lời xác nhận trọng đại ấy”.

 

VIRIDANTEM FLORIBUS HASTAS

 

Những chương đầu tiên của bản dịch Opium, công trình mà Baudelaire khởi đầu với biết bao hào hứng, tác phẩm của một nhà văn trác tuyệt lần đầu biết đến trong tiếng Pháp, nhanh chóng bị tờ Moniteur từ chối, ở đó người ta sợ phát khiếp lời kể dị thường của tay cắn thuốc. Trong quãng ấy, ông cũng được tờ Revue contemporaine đề nghị viết về hashish, và loạt bài De I’Idéal artificiel-Le Haschisch sẽ xuất hiện vào tháng Chín cùng năm trên tạp chí ấy chính là tiền thân của phần đầu mang tên Le Poème du haschisch của Les Paradis artificiels. Không tìm thấy lối thoát nào khác cho bản dịch, và đang rất cần tiền, Baudelaire đề nghị tờ tạp chí dùng luôn nó, với viễn cảnh nghiên cứu về opium có thể tiếp nối một cách hợp lý nghiên cứu về hashish. Nhưng biên tập viên của tờ tạp chí mang tính chất review văn chương đương thời ấy từ chối xuất bản toàn bộ tác phẩm và đòi Baudelaire phải lược bớt nhiều phần của bản dịch vì không đủ chỗ, thay vào đó có thể chèn vào những phân tích và tóm tắt của người dịch. Baudelaire chỉ đồng ý hết sức khiên cưỡng. Vì ngay từ sớm nhà thơ nhận thấy việc rút lại lời kể của quyển sách phức tạp ấy cho vừa với một không gian quá nhỏ, đồng thời vẫn giữ được mọi sắc thái văn chương của nó, là chuyện không hề dễ. Các đoạn tiểu sử đầy chi tiết kia, tưởng chừng thừa thãi, không chỉ thú vị mà còn vô cùng cần thiết, chúng đóng vai trò rất quan trọng cho những ảo ảnh trong các giấc mơ mang tính cá nhân đậm đặc về sau này của tác giả người Anh.

 

Các trích dẫn mà Baudelaire giật lấy từ tay nhà biên tập ráo riết yêu cầu rút gọn ấy, theo nhà thơ, chúng mang vẻ đẹp bất tử và không gì sánh nổi, và những đoạn về nỗi đau ở phần này là một đối trọng tương ứng không thể thiếu với các đoạn về niềm vui ở phần khác. De Quincey là một tác giả hay kể chuyện và lạc đề khủng khiếp, thành thử Baudelaire nhận ra việc tạo cho bản tóm tắt này một hình thức kịch tính và trình bày đúng thứ tự lời tường thuật của lời thú tội là rất khó. Hơn nữa, nhà thơ nhận thấy vô cùng cần thiết việc phải trộn lẫn giọng của mình vào với giọng của tác giả để tạo nên một hỗn hợp bất khả phân ly. Các từ của De Quincey không đủ mạnh, nhưng các ý lại quanh co và hình thành một lối xoắn ốc tự nhiên. Chủ đề, một người nghiện thuốc phiện, chỉ như một cây gậy thẳng trơ khô khan, nhưng những ruy băng và vòng hoa của các ý có thể, khi chúng đan xen một cách điên cuồng, tạo nên sự phong phú quý giá cho mắt nhìn. Chính De Quincey cũng đã giải thích, nhiều năm về sau khi không còn phải rào trước sự đón nhận của độc giả, rằng đối tượng đích thực trong lời thú nhận của ông không phải là chủ thể sinh lý trần trụi, mà là các biến tấu suy nghĩ, tình cảm hay lạc đề lang thang túa ra từ chủ đề ấy, đôi khi chúng đi lan man khỏi nó với sự xa hoa có lẽ quá tầm thường; nhưng bất kể rốt cuộc thế nào, những bất chợt mà chúng mang lại mới đáng giá. Trong lời giới thiệu cho Suspiria de profundiscuốn sách mà Baudelaire cho rằng những kỷ niệm hay giấc mơ được kể lại ở đó bổ sung tuyệt vời cho những thiếu vắng ở Opium, De Quincey đã nói rằng toàn bộ diễn biến của lời tường thuật ấy ông đã cố ý làm cho giống với hình thức một cadueus được quấn lấy bởi cáchoa văn uốn lượn. Nhà văn người Anh tự đề xuất hãy xem văn chương của ông như viridantem floribus hastas, hoa và lá đem lại vẻ xanh ngát tươi vui cho cây kích hay ngọn giáo sát nhân, thứ biểu thị cái chết ngày từ gốc rễ của nó (làm từ sừng) và toát lên vẻ hủy diệt khi được dùng đến; nó xòe ra ở xung quanh các vòng hoa lá, và trông có vẻ nó làm vậy với sự khéo léo thế nào đó của chính nó; nhưng thực ra dây leo và các tua diềm trang trí kia cuộn tròn quanh hình trụ khô quắt chỉ bởi sự sum suê của chúng. Không phải hoa dành cho cây cọc, mà cây cọc dành cho đám hoa lá. Nhưng trên hết đó là một tổng thể không thể tách rời, không thể có cái này mà thiếu cái kia. Thyrse trong tập Le Spleen de Paris của Baudelaire cũng cho một diễn đạt tương tự, với đường thẳng và arabesque, ý định và biểu đạt, sự cứng nhắc của ý chí, ngoằn ngoèo của lời… hỗn hợp toàn năng và không thể phân chia của thiên tài.

 

Giữa những khẩn nài cắt gọt lắm lúc khiến bối rối từ phía biên tập tạp chí, nhà thơ Pháp còn khăng khăng chỉ ra nó không thể đầy đủ nếu không bổ sung thêm những chi tiết về giấc mơ thời còn ở trường đại học mà De Quincey gọi là Ảo ảnh Oxford, cùng với các tường thuật về ấn tượng thời thơ ấu của tác giả. Chúng như lời chứng còn thiếu giúp xác minh cuộc phiêu lưu bí ẩn của tâm trí. Rốt cuộc, bản dịch Opium được tiếp nối bởi những mẩu lấy từ Suspiria de profundis, nơi các hồi tưởng về thời thơ ấu được biến đổi một cách tự nhiên, bị gây tê bởi trí tưởng tượng của một người đàn ông già đã mang thói nghiện thuốc phiện từ rất lâu. Trong những trang cuối cùng của Suspiria, có thứ gì đó tang tóc, ăn mòn, khao khát những thứ khác ngoài trái đất này.

 

Vậy là, những lắp ghép dàn dựng kỳ khôi của Baudelaire, người vốn luôn luôn cảm nhận lối rất tài tình mức đủ, hòng làm cho quyển sách về những thiên đường giả ấy có thể đứng vững được, tương ứng một cách tuyệt đẹp với những rào đón độc giả hết sức tỉ mỉ mà chính De Quincey đã kỳ công dựng lên xung quanh lời thú nhận của mình. Phần cuối của Opium trong bản dịch được Baudelaire đổi tiêu đề thành “Một đoạn kết hỏng”, ở đó nhà thơ bày tỏ sự hoang mang trước kết thúc lời tự thú của De Quincey. Rõ là khi kết thúc Opium, tác giả người Anh vẫn còn sống và thậm chí ở trạng thái dồi dào sức lực, điều ấy mâu thuẫn với chủ đề của lời bộc bạch, mà đôi khi Baudelaire tự nhủ trong lần đọc đầu, chỉ có cái chết hay sự điên loạn mới là thứ được chờ đợi ở đoạn kết. Quyển sách ấy, thứ không thể là bịa đặt, với ánh hào quang chân thực lan khắp từ đầu đến cuối và giọng chân thành không thể bắt chước mở ra mọi chi tiết, theo Baudelaire, chẳng thể nào kết thúc, cũng như một cuốn sách kể những chuyện phiêu lưu đề cập đến những chủ đề vĩnh cửu, liên quan đến cái không thể sửa chữa được. Bởi vậy theo bản năng thoạt đầu ông không hoàn toàn tin tưởng nó. Một tác phẩm mang chủ đề như Opium thật khó được công chúng, vốn luôn luôn sa vào các vuốt ve dễ dãi, đón nhận nồng nhiệt. Theo lương tri, người ta muốn cái tốt được tưởng thưởng và cái xấu phải bị diệt trừ, và rất có thể De Quincey đã nương theo dòng chảy ấy để quyển sách của mình có thể tồn tại được, ông chăm chút rất kỹ những lời mào đầu từ tốn và chặt chẽ khi đã báo trước sự vượt qua cám dỗ của mình. Baudelaire vốn xem công chúng như các đồng hồ chạy chậm, những kẻ luôn luôn chọn lựa rất kỹ giữa đám phế phẩm của họ. Nhà thơ nhận xét, cách thức khéo léo và tinh tế mà De Quincey đã sử dụng để thoát khỏi mê cung chính mình đã dựng lên do lỗi lầm rồi bị lạc là một phát minh điển hình của truyện cổ tích Anh, một hy sinh trong đó sự thật bị gạt sang một bên để tôn trọng thành kiến của công chúng. Điều này càng được minh chứng rõ hơn với những chế giễu và đùa cợt tràn lan khắp phần phụ lục của Opium. Baudelaire khâm phục điều có thể xem như một sự giáo dục độc giả ấy, và sự khiếm khuyết về gu kia thực chất là phần bịa đặt vô hại nhất của tác phẩm.

 

MỘT MẪU TRÁC TUYỆT

 

Sau khi các ê-tuýt về hashish của Baudelaire đã được xuất bản theo kế hoạch vào tháng Chín, công trình về Opium vẫn còn lâu mới hoàn tất. Dẫu có là hệ quả của việc sử dụng thuốc phiện hay không, sự cả quyết mà nhà thơ dành cho công việc ấy, khi thời điểm cuối năm gần kề, đã nhường chỗ cho những nghi ngờ. Trong một bức thư gửi mẹ ông bày tỏ sự hoang mang về công việc khiến ông khổ sở ấy, tưởng rằng mình đang viết thứ gì đó đáng ghê tởm, và thật kinh khủng quá đỗi khi mang kiến thức sâu về những thứ chất độc ấy mà lại không học được cách hút lấy nhiều tài năng thêm nữa từ chúng… Công việc rơi vào bế tắc khi nhà thơ còn phải trốn tránh đám chủ nợ. Tình thế ấy De Quincey thời trẻ không hề xa lạ, khi mà khả năng đi lạc đường thường hằng treo lủng lẳng trên đầu. Dường như Baudelaire đang nói một chút về chính mình khi bình luận về De Quincey, người biểu hiện cùng một sở thích hướng về cái vô tận, qua dấu vết các thói tật vốn dĩ chất chứa hãi hùng. Ngay từ sớm Baudelaire hẳn đã thấy ở De Quincey một mẫu trác tuyệt, một lời chứng vô song cho những nghiên cứu về tác động của thuốc phiện lên tinh thần con người.

 

Trạng thái đầy ẩn sủng, dẫu chỉ trong thoáng chốc ấy và chỉ dành cho những kẻ ít ỏi biết tự quan sát và giữ được ký ức về các ấn tượng, theo Baudelaire, chẳng được tạo ra bởi bất kỳ nguyên nhân hiển hiện và dễ định nghĩa nào, và phải thừa nhận rằng đó giống như hiệu ứng của một quyền năng cao hơn, ở bên ngoài con người. Một ân sủng đích thực mà soi vào đó con người nhận ra hình ảnh mà anh ta có thể như thế, và lẽ ra anh ta phải như thế. De Quincey cũng nói lên ý tương tự trong những phân tích về sự khác biệt giữa rượu và thuốc phiện, ông khẳng định rằng với kẻ tìm đến thuốc phiện sự cao quý trong bản tính của anh ta mới là thứ được tìm kiếm chứ không phải cái tàn bạo trong bản năng trần tục, trên hết là ánh sáng vĩ đại của trí tuệ uy nghi. Và chính bởi để tìm lại sự tinh nhạy của tâm trí và hào hứng nơi các giác quan, thứ từng hiện ra với con người như là món tài sản quý nhất, mà người ta tìm đến với những lạc thú tức thì, những thiên đường giả.

 

Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng dẫu gần kề đến thế và cũng không ít lần rơi vào trạng thái say sưa do cả opium hay hashish mang lại, Baudelaire không tin rằng việc lạm dụng thuốc phiện có thể tạo ra những thiên tài thơ ca, những áng văn kiệt xuất. Hoàn toàn nghi ngờ cảm hứng, Baudelaire nói: “Tôi chỉ tin vào kiên nhẫn lao động, những phát ngôn cho sự thật với tiếng Pháp tuyệt hảo và phép mu của từ đúng… Và nếu không tìm được, thì bịa ra nó; nhưng trước tiên phải chắc rằng nó không tồn tại.” Thơ, đối với Baudelaire, chưa bao giờ là sự dâng trào cảm xúc tự phát. Ông tin rằng cái đẹp luôn luôn là sản phẩm của nỗ lực nghệ thuật; bản chất phải vượt xa bên trên những bày tỏ say sưa, vì cái tồi được tạo ra chẳng cần nỗ lực, như thứ gì đó không thể tránh khỏi, còn cái tuyệt thì luôn luôn là kết quả của một nghệ thuật. Đối với tác phm của De Quincey, nhà thơ kêu gọi độc giả xem xét các tình tiết giảm nhẹ, nhằm kiên nhẫn đọc đến cùng, chứ không phải tha thứ. Trước những lời bộc bạch nhạy cảm và chất chứa vô vàn các rung động ấy, sự thương xót hay thông cảm của người đọc hẳn mang tác dụng tương đương với ghét bỏ và phê phán, chúng đều ngăn cản sự đọc.

 

Trước khả năng người đọc có thể thắc mắc tại sao tác giả của Opium dường như đã quá dễ thả mình vào thuốc phiện mà chẳng chút can đảm chối từ, nếu thế hẳn sẽ chẳng còn những thống khổ khiến than thở tuyệt vọng kia, Baudelaire nhấn mạnh, không phải do sự dễ dãi, mà chính bởi nỗi sợ trước những cơn đau dạ dày kinh khủng và những chứng tật mà cơ thể tác giả người Anh đã mắc phải thuần túy do sức khỏe. Quả thật trong Opium đầy rẫy những cơn đau. Thường xuyên tác giả ở trong tình trạng những đau đớn liên tục nối tiếp nhau, cơn đau về thể chất lúc thức được tiếp nối bởi dằn vặt tinh thần trong giấc ngủ. Những sự kiện khiến tinh thần suy sụp cũng luôn luôn kéo theo cơn đau không thể chịu nổi. Baudelaire rất hiểu các khốn khổ ấy, thường xuyên nhà thơ trộn lẫn giọng mình vào nguyên bản với những giải thích hết sức tỉ mỉ: “bạn có thể nghe thấy tiếng rên của chính mình và đột nhiên bị đánh thức bởi giọng của bao tử, thứ liên tục co lại và giãn ra như miếng bọt biển bị một bàn tay quá mạnh bóp chặt… hơi thở khó khăn và nỗi thống khổ tăng gấp bội, cho đến khi bản năng con người bùng nổ với một tiếng kêu lớn làm rung chuyển toàn cơ thể, mang đến sự giải thoát bạo liệt nhất….” Thêm nữa, bản tính vốn cô độc, De Quincey muốn lánh xa phần trần thế của con người, rũ bỏ buồn chán, thứ vốn dĩ là nguồn cho mọi bệnh tật cũng như mọi tiến bộ thảm hại, và để thoát khỏi nó đôi khi không thể tự trông cy vào sức mìnhmà thuốc phiện chẳng bao giờ thất bại trong việc nhanh chóng dẹp bỏ cái chứng kỳ khôi ấy của con người. Với mong muốn giành lại quyền thống trị trước những đau yếu dặt dẹo, giành lại trí tuệ thuần khiết, hay nói cách khác, chạy trốn dẫu chỉ trong vài tiếng chốn cư ngụ nhơ nhớp của mình, liều thuốc thoạt đầu viện đến để làm giảm đi cơn đau thể chất dần trở thành thành thói quen thường hằng, nguồn sáng duy nhất cho tinh thần.

 

Thuốc phiện còn mở ra các khả năng lạ lùng. Tính khí của De Quincey, theo Baudelaire, vốn không thuộc loại đức hạnh và tình cảm, nhưng, bị bỏ rơi từ khi còn rất trẻ trong sự ồn ào và thờ ơ của thành phố rộng lớn, ông đã học được chúng trong những ngày dài lang thang và những đêm khốn khổ còn dài hơn, để yêu thương những người bần cùng. Cựu sinh viên cắn thuốc muốn nhìn lại cuộc sống khiêm tốn ấy, ông lao vào giữa đám đông như người bơi lội ôm lấy đáy biển, nhờ vậy tiếp xúc trực tiếp được với tự nhiên, và nói theo một cách nào đó, có thể tắm giữa đám đông bị tước đoạt trong ký ức. Baudelaire xem những đoạn De Quincey viết về niềm an ủi tinh thần của người nghèo, mà ông chứng kiến vào mỗi tối thứ Bảy sau khi sử dụng thuốc phiện và đi dạo quanh để nhìn, là đỉnh cao của hùng biện, chẳng thể nào tóm chúng lại thành các miêu tả đơn thuần. Điều này minh chứng cho lời khẳng định của Baudelaire rằng thuốc phiện hay những thứ chất kích thích ấy không nhất thiết tạo ra tình trạng trì độn hoặc buồn ngủ, mà nó thường dẫn kẻ mộng mơ kia vào cuộc sống nhộn nhịp của cộng đồng, vào cơn say đám đông đích thực. Tuy vậy chợ và rạp hát chẳng phải sào huyệt mà nhà văn thường lui đến, đặc biệt những khi ở trạng thái thần thánh nhất. Khi ấy đám đông là một sự áp bức, âm nhạc thâm chí còn quá gợi cảm đến mức dung tục. Nếu thoạt đầu tác giả của những lời thú nhận ấy bị lôi cuốn đi tìm đám đông và các dòng chảy đang chuyển động của con người, thì đó là để tránh rơi vào trạng thái u sầu xuất phát từ việc nghin ngẫm quá nhiều về những khốn khổ đã chứng kiến thời trẻ. Khi niềm vui được khôi phục sau này, những vẩn mây đau khổ đã tan biến, nhà văn nghĩ rằng mình có thể chiều theo khuynh hướng chiêm nghiệm và tìm trở về với cô độc.

 

Nếu như việc sa chân vào chứng nghiện ấy là không thể tránh khỏi, thì những gì theo sau đó lại thực sự hãi hùng. Sự suy yếu của ý chí mà Baudelaire đã nói đến trong nghiên cứu về hashish, giờ được xác minh bởi một trường hợp tương ứng với opium. Tác giả người Anh không ít lần phải bỏ dở các công trình nghiên cứu văn chương, tham vọng quá đáng trước đó không thể tiếp tục mà thiếu đi sự bn bỉ. Chúng, giờ đây xếp xó lò sưởi và có khả năng sẽ trở thành tượng đài cho sự kiêu ngạo và các hy vọng đã bị đánh gục, bị thế chỗ bởi những quan tâm đến kinh tế chính trị, thứ mà Baudelaire gọi là một chế độ ăn kiêng đáng buồn đối với nhà văn uyên bác, và bất kỳ ai có đầu óc đều có thể coi chúng là những cặn bã của trí tuệ con người. Trên hết, Baudelaire rất hiểu những khó khăn khi sáng tác một tác phẩm mà bị thuốc phiện mê hoặc, kèm theo sự trì hoãn kinh niên, thứ rất thường gây ra sự lười nhác khiến nhà thơ cảm thấy chán nản và kiệt sức. Tác giả của Vào lúc một giờ đêm, người vốn biết nỗi cay đắng của những tham vọng lớn bị đánh bại, đem chính kinh nghiệm của mình để hòa vào với giọng người nghiện: “Ôi hoàn cảnh khiếp hãi! Tâm trí bạn tràn ngập ý tưởng, vậy mà bạn lại không thể vượt qua cây cầu ngăn giữa vùng đất tưởng tượng của giấc mơ và đồng cỏ đích thực của hành động! Nếu bạn, độc giả, đã từng biết đến nhu cầu thiết yếu của sản xuất, bạn sẽ đồng cảm với nỗi tuyệt vọng của một trí tuệ cao thượng, sáng suốt và thông minh đang phải vật lộn với sự đọa thuộc loại riêng tư nhất. Thứ chất độc ghê tởm!...” Người nghiện thuốc lại không mất đi khát vọng của mình, ông mong muốn và tha thiết hơn bao giờ hết có thể nhận ra được những gì mà ông cảm thấy như là nghĩa vụ; nhưng tâm thế này chỉ khiến mọi việc thêm tệ, vì trí năng của ông hiểu rằng thứ lẽ ra khả thể kia vượt xa rất nhiều năng lực thi hành của ông. Nhà văn, thậm chí chẳng còn sức để dấn lên bước đầu tiên, phủ phục dưới sức nặng cơn ác mộng nghiền nát cả thân thể lẫn tâm trí. Bị kết án phải khao khát điều không bao giờ có thể đạt được, ông như một chiến binh có thừa quả cảm nhưng lại bị ghim chặt trên giường, nơi anh ta tự hủy hoại mình trong cơn thịnh nộ bất lực!

 

PHÒNG TRƯNG BÀY NỖI BUỒN

 

Các bài viết của De Quincey trong Suspiria de profundis mang giọng điệu nếu không phải hoàn toàn khác với Gentleman cắn thuốc phiện nỗ lực đầu tiên cho cái ông tự gọi là “Văn xuôi nồng nhiệt” thì ít nhất cũng nghiêm túc hơn, u sầu hơn, và cam chịu hơn. Luôn luôn, khi đọc chúng, nhà thơ Pháp nghĩ đến những ẩn dụ khác nhau mà các nhà thơ đã sử dụng để khắc họa người đàn ông sống sót sau các trận chiến với cuộc đời. Baudelaire gọi đó là một giọng ma quái không hẳn siêu nhiên nhưng vượt ra khỏi con người, nửa trần tục nửa thuộc về thế giới khác. Khi viết Suspiria, De Quincey đã đến lần thứ ba phủ phục trước thần tượng đen tối, điều theo Baudelaire hầu như là không thể tránh khỏi. Nhưng lần này chẳng còn đấu tranh hay nổi loạn, những xung động vốn dĩ luôn luôn bao hàm một mức nhất định của hy vọng, trong khi nỗi tuyệt vọng thì câm lặng. Đây là nơi không gì có thể chữa trị, là nơi chứa những đau khổ lớn nhất, người ta chỉ còn ngoan ngoãn bước lên đón lấy định mệnh của mình. Baudelaire xem các tiểu luận của De Quincey như phòng trưng bày u sầu, bao la và đầy cảm động về những ngụ ngôn của nỗi buồn, ở đó nhà thơ tìm thấy sự quyến rũ như âm nhạc tương đương với vẻ đẹp như tranh vẽ. Bất chấp tính biểu tượng nói chung của chúng, những giấc mơ dài và cách trình bày đấy chất thơ ấy minh họa rất tốt về tính cách đạo đức của tác giả hơn cả các giai thoại hay bản phác thảo tự truyện sau này.

 

Thường xuyên, khi nghĩ về các tác phẩm nghệ thuật, cái để lại ấn tượng rõ ràng nhất với nhà thơ của Spleen là thứ gì đó giống như hình ảnh về thời thơ ấu của tác giả đã viết ra chúng. Những niềm vui và nỗi buồn sớm sủa được khuếch đại bởi sự nhạy cảm hết sức tinh tế và sẽ trở thành nền tảng cho tác phẩm nghệ thuật. Rất có thể thiên tài chỉ là tuổi thơ được thể hiện rõ nét, được ban tặng khả năng giao tiếp bằng một giọng uy lực. Các chi tiết hồi tưởng được De Quincey báo trước là lời một người lớn kể lại chuyện thời thời thơ ấu, cảm xúc là của đứa trẻ, nhưng không phải do đứa trẻ ấy nói. Tuổi thơ mà De Quincey trải qua, Baudelaire nhận xét, thoạt tiên không là gì khác ngoài môi trường lý tưởng để nuôi dạy một đứa trẻ; vị ngọt của thế giới tràn ngập nữ tính cùng những xếp nếp mềm mượt lung linh thơm ngát rất thường tạo ra các thiên tài siêu đẳng. Nhưng rồi lần lượt các chị gái của ông ra đi, đặc biệt là cái chết của Elizabeth, xảy ra sau một năm cái chết của Jane, để lại vết thương mang theo suốt đời. Những sự việc diễn ra quanh quãng thời gian kinh hoàng ấy khiến nhà văn lần đầu tiên có các dự cảm xấu về một thế giới đầy rẫy cái ác, đấu tranh và xung đột; nỗi kinh hoàng của cuộc sống đã hòa quyện ngay từ thuở thơ ấu với sự ngọt ngào tuyệt diệu của chính cuộc sống ấy.

 

Tiếp đến là những thử thách với quãng đời phiêu bạt, nhà văn phải trải qua các điều kiện sống ngặt nghèo nhất mà một trong những di chứng để lại sau này là cơn đau dạ dày khốc liệt. Baudelaire nhìn thấy ở những dòng cảm thán ấy một trái tim đau khổ tột cùng, nhưng bất hạnh đã mở rộng và làm dịu nó đi, trái ngược với kết quả thường gây ra bởi các cơn co thắt bóp nghẹt và những tục tằn mà trái tim ấy phải chịu. Nhà thơ ví cậu thanh niên lang thang kia như người Bedu ở giữa nền văn minh; ở đó, trong các hoang địa nơi đô thị, anh ta biết được nhiều phương thức cảm nhận vượt quá nhận thức của con người, kẻ mà sự nhy cảm vốn bị giới hạn bởi quê hương và những gì thân thuộc. Ở nơi vực thẳm không đáy của các thành phố lớn, những tai ương khốn nạn kia, chúng củng cố và uốn nắn trái tim con người, làm nó vững thêm nếu như kẻ bị nguyền rủa không sa đọa và suy nhược đến mức đê tiện và phải tự sát. Ta chợt nhận ra, những nghệ sĩ vốn nổi tiếng bởi các vấn đề hết sức kịch liệt và làm công chúng dễ lánh xa ấy lại báo trước một chủ đề lớn của văn chương, thế giới của những đứa trẻ mồ côi bê bết đường phố.

 

Những hạt giống định mệnh đã gieo và được nuôi bằng thuốc phiện, sinh ra thứ trái cây kỳ lạ và dồi dào. De Quincey thẳng thắn thừa nhận ngay rằng lời thú tội kia được viết ra nhằm nói lên sức mạnh đặc biệt của thuốc phiện đối với khả năng tự nhiên của mơ. Giấc mơ diễm lệ không phải món quà dành cho mọi người, và với ngay cả những kẻ sở hữu, nó vẫn có nguy cơ suy kiệt bởi sự phung phí phóng đãng tăng lên không ngừng cùng với các hỗn loạn của tiến bộ vật chất. Khả năng mơ là thần thánh và bí ẩn, vì chính nhờ những giấc mơ mà con người giao tiếp với bóng tối xung quanh mình. Nhưng khả năng đó phải được nuôi dưỡng trong cô độc; người ta càng chìm đắm trong suy tư, giấc mơ càng sâu và tự do. Và còn cô độc nào lớn hơn, êm ái hơn, tách biệt hẳn khỏi những lợi ích trần tục kia hơn là thế giới do thuốc phiện tạo ra? Khi mở ra các nỗi đau của thuốc phiện mang lại cho tác giả người Anh, Baudelaire báo trước, ở đây sẽ tìm thấy bầu trời buồn bã và những chân trời u sầu bóp nghẹt não bộ phục tùng trước thuốc phiện. Baudelaire xem chúng là vô cùng kinh hoàng và u ám, và trên hết là không thể thoát khỏi những mối ràng buộc giày vò mà kẻ ăn năn ấy dẫu là kẻ ăn năn lúc nào cũng có nguy cơ tái phạm phải chịu đựng.

 

Theo De Quincey, các giấc mơ thực chất chính là những huyền thoại khi thức được tái hiện khi ngủ, hầu hết đều đã được ông viết ra hay âm thầm khắc lên chúng trong những mơ mẩn ban ngày. Bộ não con người như tấm giấy da nơi các sự kiện được viết lại, những tấm giấy chồng lấn lên nhau theo một thứ tự và cách thức khác với cái thực ta trải qua hng ngày. Và khi con người rơi vào một hoàn cảnh đặc biệt nghiêm trọng, chẳng hạn khi đứng trên bờ vực cái chết, hay được kích thích mãnh liệt bởi thuốc phiện, toàn bộ những cuộn giấy ấy đột ngột trải ra để lộ các tầng chồng chất của trải nghiệm quá khứ, vốn luôn luôn bị cố định một cách bí ẩn trong hiện tượng mà người ta gọi là sự quên. Theo cách thức ấy, người ta có thể có một niềm an ủi hiếm hoi, đồng thời là nỗi kinh khiếpphải nói rằng nó mới chiếm phần lớn hơn, rằng không có gì bị mất đi. Trong thế giới tinh thần cũng như trong thế giới vật chất, và phần nhỏ nhất của ký ức cũng không thể bị phá hủy.

 

Ở những giấc mơ tuyệt đẹp của tác giả người Anh, ta bắt gặp các cảnh tượng hay kiến trúc đáng kinh ngạc và quái dị, các hình ảnh trừu tượng biến đổi không ngừng. Nhưng những cảnh tượng đẹp đẽ và thơ mộng ấy báo trước đau khổ tột cùng. Dường như mỗi đêm ông đều rơi xuống những vực sâu không ánh mặt trời, vượt xa mọi độ sâu đã biết, chẳng còn hvọng lên trở lại. Thức dậy, ông cũng không cảm thấy mình thoát khỏi nỗi buồn, vì trạng thái u ám khi tham dự vào những cảnh tượng lộng lẫy ấy rốt cuộc trở thành bóng tối hoàn toàn, như một cơn chán nản dẫn đến tự sát. Bởi những tác dụng ấy tương tự như hiện tượng gây ra bởi cơn say hashish, nhận thức về không gian đã bị ảnh hưởng một cách lạ lùng. Các tòa nhà và tượng đài được trưng bày với tỉ lệ rộng lớn đến mức khiến người nhìn đau mắt; không gian phồng lên và được khuếch đại đến mức vô tận không thể diễn tả được. Nhưng điều đáng lo ngại hơn nữa là sự giãn nở quá mức của thời gian, đôi khi nhà văn đã sống qua cả trăm năm chỉ trong một đêm. Những sự kiện nhỏ nhặt nhất của thời thơ ấu, hay những cảnh tượng bị lãng quên các năm sau đó, thường được tái hiện ngay trước mắt. Người nghiện không triệu tập các hình ảnh, Baudelaire lưu ý, mà đúng hơn các hình ảnh kia đã xuất hiện theo ý muốn của chính chúng, một cách tự phát và bạo chúa. Bây giờ chẳng thể gạt bỏ chúng, vì ý chí đã yếu đi và không còn khả năng chi phối các năng lực nữa. Ký ức thơ ca, trước đây là nguồn vui bất tận, đã trở thành một kho vô hạn những công cụ tra tấn. Và sự hãi hùng gây ra bởi ách bạo chúa từ những khuôn mặt người bắt đầu ló dạng. De Quincey đã quá say mê đám đông, Baudelaire nhận xét, nhà văn lao mình quá ngon lành vào biển người kia. Những khuôn mặt ấy, thứ trước kia vẫn hiện ra trộn lẫn trong các giấc mơ của ông, vốn không đóng vai trò chuyên chế, giờ đây, hiện rõ chính là thứ làm cho cuộc sống trở nên khiếp hãi, nhà văn ngụp lặn giữa những khuôn mặt cầu khẩn, phẫn nộ, tuyệt vọng, dâng lên từ hàng nghìn, hàng vạn, hàng thế hệ, hàng thế kỷ

 

Cũng giống như Midas phải chịu nối khốn khổ vì đặc quyền đầy mỉa mai của mình, chạm vào mọi thứ đều biến thành vàng, người nghiện thuốc phiện kinh hãi nhận thấy tất cả những gì anh ta tưởng tượng trong bóng tối ngay lập tức biến thành cái thực không thể tránh khỏi trong các giấc mơ. Baudelaire cũng nhận về mình một tình thế tương tự, như một nhà giả kim buồn bã nhất, bị nguyền rủa phải biến vàng thành sắt, và thiên đường thành địa ngục. Có thể nói, các tường thuật của De Quincey về những nỗi ám ảnh giày vò khôn nguôi đã được nhìn nhận đúng mức bởi Baudelaire, người thường xuyên có các dây thần kinh quá căng chỉ còn mang lại các rung đảo kêu to và đau; nhà thơ tìm thấy ở văn chương kỳ lạ ấy, ngoài vẻ đẹp uẩn mê hồn, một nguồn tương đương và bổ sung cho thế giới vốn đầy rẫy những kinh khiếp ám ảnh không thể chịu được của mình.


Đối với Baudelaire, De Quincey như đảm nhận vai trò đồng ca trong một vở bi kịch Hy Lạp, chức năng chính là như sau: không phải là để kể điều gì mới, cái đó là vai trò của các diễn viên, nhưng là để gợi lại cho độc giả những suy nghĩ của riêng mình, tạm thời còn bị ẩn giấu hoặc chưa đến mức đủ chín, và đưa ra các bình luận mang tính tiên tri hoặc nhìn lại quá khứ, chỉ ra luân lý hoặc giải mã bí ẩn, biện minh cho thượng đế, hoặc giảm nhẹ mức khốc liệt của nỗi thống khổ. Điều quan trọng nhất, văn chương ấy đẹp và tuyệt đối chân thật. Cái chết của De Quincey được thông báo giữa khi Les Paradis artificiels đang được tiến hành. Baudelaire, từng có dịp chứng kiến những nghi thức tang lễ kỳ lạ của Edgar Allan Poe, nêu nhận xét rằng chỗ chôn cất của văn chương ít được tôn trọng hơn các nghĩa địa khác, nơi có luật bảo vệ những nấm mồ khỏi sự giày xéo vô tình của động vật. Quả thật tác giả của Opium suốt đời bị gán cho những danh hiệu tồi tệ khác ngoài thói nghiện thuốc, chẳng hạn xấu tính với ân nhân (De Quincey có loạt bài phê bình thơ dẫn đến mất lòng những thần tượng thời niên thiếu, Wordsworth và Coleridge, tuy vậy, theo Baudelaire đó là những phê bình trác tuyệt). Nhưng sau rốt, nếu như Gentleman cắn thuốc ấy chẳng mang lại thứ lợi ích phổ thông nào cho nhân loại thì điều đó có quan trọng gì? Nếu quyển sách của ông hay thì người ta nợ ông lòng biết ơn. Và chẳng phải Đẹp cao quý hơn Sự thật sao?



Paradis art.


3 comments:

  1. "Một người đàn ông có phụ nữ vây quanh khi còn nhỏ..."
    ơ lại nhớ tới Yersin, lại phải lôi ra đọc thôi

    ReplyDelete
  2. nếu phải kiểm duyệt xb, có quá khó để qua khỏi vòng không ạ?

    ReplyDelete