cũng hoàn chỉnh kỳ trước (chuẩn bị)
Trước khi đọc các bài, cần nhìn vào tổng thể những bài "lẩn thẩn" ấy. Trước tiên, hẳn một số người đã nhận ra, Khái Hưng bắt đầu mục riêng của mình (cùng một bút danh mới) để phản ứng lại một sự kiện: Hiệp định Sơ bộ, ký vào đầu tháng Ba: dự cảm về nguy hiểm đã trở nên rõ ràng.
Chuyện lẩn thẩn
Báo chí bị kiểm duyệt! Nghe tin đó cả tòa báo đều nhao nhao phản đối. Người ta ưa tự do ngôn luận rồi! Hồi Pháp thuộc, người ta đã cố đòi cho được sự khẩn yếu ấy. Phải có tự do ngôn luận thì tư tưởng của người ta mới được phô bầy theo nguyên hình của nó. Phải có tự do ngôn luận thì ta mới mong cải tạo được xã hội. Những kẻ nấp dưới bóng của một sức mạnh để làm bậy phải bị lôi ra ngoài ánh sáng để trừng trị. Hơn nữa phải cho các báo chí được tự do ngôn luận mới làm cho người ta hả hê không nghi ngờ trở lại cái thời nô lệ trước và không cảm thấy mình bị áp bức một cách vô nghĩa lý. Nhất những người ưa ngôn luận chân chính và xác đáng cảm thấy sự kiểm duyệt là một cái dọ [sic] giăng mõm.
Cả tòa báo, người bàn ra kẻ tán vào, sự tức bực, làm mọi người có vẻ hục hặc như muốn phá tan một cái gì đang làm mình bận bịu. Nhưng rồi mọi người cũng nguôi dần vì có một lẽ khiến ai nấy phải công nhận, là những kẻ làm báo trong nước nhà không phải toàn là những người có lương tâm: Một vài kẻ đã bôi nhọ làng báo. Vả lại trong lúc tình thế của Tổ quốc rất là khắt khe, một đôi khi vì vô ý hay vì dại dột người ta có thể nói ra những điều có hại cho việc quốc phòng hay việc ngoại giao.
Câu chuyện kiểm duyệt đã làm mất cả một buổi làm việc của toàn soạn. Chúng tôi tính đến cái lợi cái hại của phòng kiểm duyệt rồi chúng tôi nói chuyện phiếm nhắc lại những chuyện buồn cười xảy ra trong hồi Pháp thuộc. Anh chủ bút nói:
- Ngày xưa nó kiểm duyệt thì buồn cười lắm. Có khi có chỗ đáng bỏ nó không bỏ mà đến một chỗ rất xoàng nó lại cắt đi của mình! Hình như nó cũng chẳng xem gì đến bài vở của mình mấy, nó chỉ cắt theo cái hứng riêng của nó. Mà nó cũng chẳng theo cái gì hết! nó chỉ cắt để tỏ ra rằng nó vẫn xem xét đến bài của mình mà thôi.
Ngừng một lát anh lại tiếp:
- Đưa kiểm duyệt thì khổ lắm, có khi bài của mình lại bị om nữa. Đưa bài ra buổi sáng mà tới ba bốn giờ chiều họ chưa trả cho mình. Mà họ có bận gì đâu cho cam? Hễ họ mải chuyện là bài của mình họ vứt đấy vào dục [sic] thì họ gắt: "Chờ đấy một lát! Thế rồi họ điềm nhiên quay sang hỏi người bên cạnh về tin tức con "chien loup" của anh ta đẻ được mấy con, lấy giống của ai, hay hỏi thăm tin tức một vài con chị em dưới xóm. Thật bực mình không thể tả được. Về sau tôi cho thợ ở nhà cứ xếp bừa đi, nếu bài nào bị cắt, quãng nào bị cắt là tôi bỏ trắng.
Một anh thêm vào:
- Có lẽ bây giờ chúng mình cũng cứ làm như thế lại tiện cơ đấy: Lúc nào lười ta bỏ giấy trắng, đã có ty kiểm duyệt chịu trách nhiệm. Ty kiểm duyệt có gọi ta ra hỏi, ta cứ việc nói là ta bỏ trắng cho đẹp. Còn độc giả, độc giả cứ việc hiểu lầm là chỗ đó bị kiểm duyệt thế là được rồi.
Một anh nữa nói:
- Thế thì chỉ một mình tôi cũng đủ trông coi cả tòa soạn. Hôm nào muốn đi chơi chỉ việc in tên báo và số báo, còn thì để trắng hết.
Một anh hình như vẫn chú trọng đến cái ty kiểm duyệt nay mai lắm; anh ta như vừa phát minh ra được cái gì và bảo chúng tôi:
- Này các anh nghe tôi đọc: Hội đồng kiểm duyệt gồm có 5 hội viên: Một nhân viên bộ Nội-vụ, một nhân viên bộ Ngoại-giao, một nhân viên bộ Quốc-phòng, một đại biểu của Quốc-hội, một đại biểu của báo giới.
Rồi bỏ tờ báo xuống anh nói tiếp:
- Các anh có thấy vô lý không? Ừ thì bộ Quốc-phòng, bộ Ngoại-giao và báo giới được quyền đề cử người vào ty kiểm duyệt đã đành, còn cái bộ Nội-vụ và cái Quốc-hội thì can dự gì đến?
Một anh khác gật gù nói giọng mỉa mai:
- Hừ! can dự gì đến à? để cho anh chỉ trích người ta nhé? Anh có biết rằng bao nhiêu cơ quan trong nước đều ở trong tay họ. Ví dụ như anh chỉ trích công việc của ty liêm phóng chẳng hạn. Thế có phải là anh đã động đến họ rồi không. Và như thế họ chỉ việc xóa bài của anh đi để mà che đậy cho nhau chứ.
Anh vừa đọc báo, tức bực:
- Thế họ định thi hành chính sách độc tài hay sao? Nếu họ kiểm duyệt báo chí theo cách ấy thì không phải là vì việc nước mà chỉ vì việc tư của họ.
Riêng có tôi lẩn thẩn, xưa nay chưa hề bàn với ai bao giờ, vì mọi người đều cho tôi là lẩn thẩn, thấy nỗi băn khoăn của anh em, tôi liền mách giúp anh em một kế:
- Các anh đừng lo, nếu khi nào họ làm việc xấu mà mình muốn chỉ trích, ta chỉ việc nêu cái đầu đề của việc ấy rồi ta bỏ giấy trắng. Thí dụ như bài hôm nay của tôi mà bị đưa lên phòng kiểm duyệt tôi sẽ đề: Chuyện lẩn thẩn, và ở dưới ngay giòng [sic] đầu tôi chỉ viết ba chữ: ty kiểm duyệtrồi tôi bỏ trắng, không viết nữa vì tôi biết có viết ra cũng không được đăng mà ý của tôi đối với ty kiểm duyệt lại là một ý rất xấu.
Mọi người cùng cười hả hê như đã tìm được một cách tiện nhất và Chàng Lẩn Thẩn chỉ mới có một lần này là được việc cho họ.
Chàng Lẩn Thẩn
(Việt Nam, số 115, 4/4/1946)
Chuyện lẩn thẩn
Rứt [sic] cái mề đay ném xuống sông,
Thôi thôi tôi cũng mát-xì ông!
Chẳng biết các ông sắp sửa được hủy bỏ mề đay, huy chương và các bằng sắc có cảm thấy mình đã thật hết thời, hết thời như các me về già của cụ tú Xương, mà ngâm hai câu thơ trên với một giọng thành thực không?
Chẳng biết họ có cảm thấy khi rứt cái mề đay ra là họ đã rứt được một cái giây [sic] xích không? Chẳng biết họ có cảm thấy khi làm việc ấy họ thật sung sướng như những kẻ nô lệ hồi thế kỷ thứ 18 được giải phóng không?
Nghe tin ngày lễ đó tôi rất lấy làm buồn. Nếu thật họ là những con yêu của đất nước thì họ đã tẩy trừ các cái xiềng xích nô lệ đó ngay sau khi nhận được, hay tự thiêu hủy đi ngay hôm nước ta tuyên bố độc lập. Đằng này không, có kẻ đã vênh vang, sĩ diện giữ nó hàng bao nhiêu ngày. Bao nhiêu năm người ta đã kính cẩn giữ nó ở những nơi cao quý nhất, tôn trọng nhất trong nhà, đóng hộp sơn son thiếp vàng để đựng nó, đóng khung lồng kính treo nó trong phòng khách.
Vậy thì ngày lễ mai đây, sẽ là ngày lễ vinh dự, hay ngày lễ nhục nhằn: Mỗi một kẻ lên bỏ huy chương hay bằng sắc của mình vào đống lửa sẽ là một kẻ đầy lòng yêu nước hay là một kẻ lên thú tội rằng đã làm nô lệ trong bao nhiêu lâu mà vẫn không ngờ. Một người có liêm sỉ khi biết mình lầm lỗi thì tự tâm niệm rồi kín đáo, âm thầm tự sửa, chứ có đâu lại trâng tráo lấy làm vinh dự rằng mình đã phạm lỗi!
Tôi rất lấy làm buồn thấy người ta phải đợi đến ngày nay có lời hô hào, mới tỏ tấm lòng yêu nước của mình một cách ầm ỹ và giả dối như thế. Và lúc này còn nêu ra cái lẽ [?] đó, thật khiến cho người có lương tri phải mỉm cười. Việc tẩy trừ vết tích nô lệ ấy có phải là việc của toàn dân đâu? Có phải người Pháp bắt chúng ta ai cũng phải có huy chương đâu? Vậy việc gì phải tổ chức một ngày lễ công khai để công chúng đến dự! Tổ chức ngày lễ đó chỉ là làm một việc phản tuyên truyền, một việc để chứng tỏ rằng quốc dân Việt Nam còn nhiều kẻ lưu luyến thời nô lệ, tổ chức ngày lễ đó tức là nguyền rủa những người dân trong sạch.
Nói tới điều đó, tôi không khỏi đau lòng nghĩ đến nhà văn hào Ấn-độ Rabindranath Tagore, khi thấy người Anh giết chóc dân Ấn nhiều quá, đã mang huy chương của mình đến tận dinh phó vương mà giao trả lại: Ông đã bảo vào tận mặt người Anh:
- Thái độ của người Anh nham hiểm như thế, nếu tôi còn giữ huy chương này là tôi phản lại dân chúng Ấn-độ.
Còn ở nước ta, ai là người trong thời Pháp thuộc dám có những cử chỉ hiên ngang anh hùng ấy? Họ chỉ thi nhau bỏ tiền ra mua cho bằng được những cái hư danh!
Ngay cả ở các nước độc lập, theo những nghề tự do mà được thưởng huy chương của chính phủ người ta cũng còn bị coi là nhận được một đại nhục cơ mà! Tôi còn nhớ có một biên tập viên của báo "Canard enchaîné", cây viết giỏi nhất và nổi tiếng nhất một thời, được chính phủ Pháp ban khen và tặng Bắc đẩu bội tinh. Nhưng chính vì việc đó mà ông ta bị mời ra khỏi tòa báo với mấy câu thanh minh của báo ấy như sau đây:
"Chúng tôi rất lấy làm tiếc, mà tự bắt buộc phải mời ông ra, vì ông đã nhận huy chương của chính phủ".
Sự được tặng huy chương đã bị coi như một vết nhơ trong đời nhà biên tập ấy. Nếu ngày thiêu hủy các vết tích nô-lệ được coi là một ngày lịch sử thì chỉ lịch sử ở chỗ nhục ở chỗ hám hư danh. Vả tẩy trừ như thế có phải là tẩy trừ đến cỗi rễ, tẩy trừ được cái chí làm nô-lệ ở trong thâm tâm người ta không, hay chỉ là tiêu hủy những vật vô dụng vì hiện nay các đồ vật đó quả thực vô dụng và cũng không có kẻ nào dám phô bày ra nữa? Tôi không dám chắc rằng óc nô-lệ đã gột rửa được hẳn. Và tôi lo rằng những kẻ đã kính mến những vật nô-lệ ấy cho tới ngày nay thì ngày nay họ cũng chỉ vì miễn cưỡng theo phong trào mà bỏ đi thôi. Tôi lại lẩn thẩn cho rằng họ thiêu hủy những huy chương này để hy vọng nay mai đón những huy chương khác, có giá trị hơn và mới mẻ hơn. Nhưng tôi mong rằng đó chỉ là một ý lẩn thẩn.
Chàng Lẩn Thẩn
(Việt Nam, số 116, thứ Sáu 5/4/1946)
Chuyện lẩn thẩn
Một hôm có một ông lão già hỏi tôi: "Này cậu, tôi nghe nói, bom nguyên tử nó phá phách ghê lắm, không hiểu cái con quái vật ấy nó thế nào? Đôi khi tôi tưởng nó phải ác hơn thần trùng hay thần nanh đỏ mỏ. Thần trùng có ác lắm cũng chỉ bắt hết một họ là cùng, đằng này tôi thấy cháu nó đọc báo nói bom nguyên tử đã phá cả một thành phố lớn bên Nhật làm chết hàng ba bốn mươi vạn người".
Tôi mỉm cười trả lời:
- Thần trùng có, là do ở sự chết chóc của một người gặp giờ thiêng. Còn bom nguyên tử là thần trùng của hàng mấy chục triệu người cùng chết vào giờ thiêng trong nạn chiến tranh vừa qua đấy cụ ạ.
Ông cụ gật gù có vẻ lấy làm vừa ý. Tôi biết rằng có giảng cụ cũng không thể hiểu được thế nào là một nguyên tử. Tôi chắc các con cháu của cụ cũng đã nhiều lần giảng cho cụ nghe rồi. Nhưng óc cụ đã quen tin những sự huyền bí, làm sao cụ tin được ở lời nói của con cháu. Ngẫm nghĩ một lúc cụ lại hỏi:
- Thế người ta đã tìm được ông thày phù thủy nào trị nổi nó chưa?
- Thưa cụ chưa!
Trên nét mặt cụ, tôi thoáng thấy một vẻ lo ngại và cụ lại hỏi:
- Không hiểu, nó có thể đến nước ta được không nhỉ?
Tôi trả lời:
- Nó đến thế nào được nước ta, nước ta làm gì có chiến tranh; bom nguyên tử là thần trùng của chiến tranh, nó chỉ đến những nước có chiến tranh và muốn gây ra chiến tranh, để trả thù cho các oan hồn thôi.
Tôi từ giã cụ, có cái cảm tưởng như sắp lạc vào một thế giới huyền bí cổ sơ. Cái sợ của cụ thật là dản [sic] dị và cách lo trừ nạn bom đó càng dản dị hơn và tôi lẩn thẩn nghĩ sao người trên thế giới, những người văn minh nhất của thế giới không có một ý nghĩ dản dị như thế, có phải sự hòa bình được trở lại giữa loài người một cách êm thấm không. Nếu người ta ai cũng biết sợ sự quả báo của các oan hồn thì còn bao giờ người ta muốn gây ra nạn chiến tranh. Nhưng óc văn minh của người ta đã quen nghĩ những cái phức tạp và ở những nước hùng cường người ta chưa cảm thấy một chút gì sợ hãi. Những nước mà khoa học đã lờ mờ cho người ta biết manh mối của cái chất nguyên tử kia thì rất là ngang ngạnh. Người ta mong làm bá chủ hoàn cầu. Lắm lúc nghĩ đến lịch sử của thế giới, tôi có cảm tưởng rằng nó cũng giống như lịch sử của một nước lớn về thời cổ sơ và cũng chia ra từng thời hạn. Từ mấy nghìn năm trước thế giới vẫn còn sống trong thời phong kiến mà mỗi một nước có thể coi là một xứ [sic] quân. Rồi thời phong kiến hết có lẽ thế giới sẽ bước sang thời quân chủ chuyên chế vì thế cho nên cái xu hướng của một vài nước mạnh cũng như cái hướng của một vài ông xứ quân mạnh là chỉ lăm le muốn làm nên nghiệp bá mà thôi.
Nhưng còn các nước yếu hơn thì sao? Người ta không còn cách gì để giữ mình hơn là kêu gọi công lý và viện hết lẽ phải ra để bảo vệ mình, để mong mình được yên thân. Đọc tờ báo "L'Entente" hôm mồng 2 và 3 tháng tư vừa qua trong bài "Un document" ta đã thấy rõ cái xu hướng ấy.
Nước Pháp lúc này mới nghĩ đến sự tương trợ của nhân loại. Người ta tuyên bố:
"Thế giới đã sai khớp và người ta chỉ nghĩ đến những việc tàn sát xấu xa, đốn mạt bằng những sự phát minh tối tân của người ta. Sống ở cái thế kỷ tìm thấy nguyên tử chúng ta đã sống lại thời trung cổ". Người Pháp đó còn nhận thấy rằng bốn phần tư cái tài của loài người đều dùng vào việc phá hoại giết chóc chớ không phải dùng vào việc kiến thiết trong khi chúng ta có thể sung sướng vì có những máy móc nó làm việc cho chúng ta.
Sự nhận xét và lẽ phải của người Pháp ấy làm cho tôi vui mừng. Tôi nghĩ có lẽ người "Pháp mới" người Pháp thực mới ở bên Pháp mới nghĩ chí lý đến như thế. Còn người Pháp ở Việt Nam, người ta đã cố tình phỉ báng cái lẽ phải của người đồng chủng họ. Những cái tài, đã dùng vào việc tàn phá rồi, còn những cái bất tài họ cũng không biết thân biết phận và cũng chỉ chực tàn phá, chỉ chực dìm nhân loại cho lạc hậu thêm, chẳng trách cái người "Pháp thực mới" kia đã nói rằng: "Không phải là những ngục tối, những hố sâu vực thẳm của vũ trụ được phá bỏ mà chỉ là vì cái chế độ cũ rích đã sống quá lâu trước ngày rơi thành cát bụi". Người ta chả bao giờ tiến về nơi toàn mỹ cả mà chỉ tiến trong phạm vi hỗn độn bao giờ cũng tồn tại được cả cái tốt đẹp lẫn cái xấu xa.
Nói tóm lại những chữ dân chủ, hòa bình và thế giới đại đồng chỉ là những danh từ lường gạt để làm mặt nạ cho những kẻ muốn làm bá chủ. Và theo ý lẩn thẩn của tôi, tôi cảm thấy rằng: Người Pháp đã mất quyền bá chú ở Âu-châu và đang lo sao cho mình được yên thân, còn những người Pháp thực dân, những người Pháp hạ tầng không bao giờ tự biết mình và vẫn còn muốn kiếm một phương trời để làm bá chủ. Liệu nước Việt Nam có phải là nơi họ đóng đô không?
Chàng Lẩn Thẩn
(Việt Nam, số 117, thứ Bảy 6/4/1946)
Chuyện lẩn thẩn
Tôi không sùng đạo Phật, tôi không sùng đạo Gia-tô. Tôi không tin tưởng gì hết. Đạo giáo, tôi cảm thấy nó không có ở trong lòng người được. Nó là một cái gì cao quý lắm không thể nào sa lạc ở trần gian được. Nhất là trong khi đạo giáo chỉ dạy có nhân từ, bác ái, mà nhân loại chỉ muốn có sức mạnh và sức mạnh. Hạnh phúc của các vị thần thánh là sự thảnh thơi của linh hồn mà hạnh phúc của loài người là sự thảnh thơi của xác thịt. Bởi vậy chúng ta chẳng bao giờ từ nan không làm một việc ác khi việc đó mang lại cho chúng ta khoái lạc.
Nhân nghĩa và tất cả đạo lý tới ngày nay đã gần như bị tiêu diệt chữ thiện chỉ còn là một chữ để nói và để được nghe nói, còn chữ ác mới thật được đem thi hành đến triệt để. Loài người ưa nhìn sự đau đớn, ưa xem máu chảy, sự giết chóc đã được coi là một lẽ dĩ nhiên. Sự chết để đưa đến một sự sống mới đó là theo luật định của tạo hóa. Nhưng với loài người, người ta muốn cái chết hẳn, người ta muốn sự tiêu diệt. Luật định của vũ trụ là khi một cái gì đã đến tộc bực phát triển thì nó bắt đầu xuống dốc diệt vong. Loài người hiểu thế và tìm ra lẽ đó, loài người đầy đủ trí khôn để tiến lên, nhưng loài người không nghĩ đến cách giữ cho cái văn minh tiến hóa của mình được tồn tại, loài người không lo giữ sự vĩnh viễn của mình trong vũ trụ mà chỉ mong làm cho mình bị tiêu diệt.
Một phần những nhà triết lý vẫn lo ngày tận thế, song những kẻ lý thuyết suông ấy ai thèm nghe, chỉ có những kẻ nghĩ ra các khí cụ giết người có hiệu quả nhất, tối tân nhất mới được người ta chú ý đến. Ăn hiếp, bắt nạt đã thành ra một hành động tự nhiên và hợp lý. Nó chỉ vô lý khi nào người ta yếu. Người ta chỉ cảm thấy sự uất ức khi nào người ta yếu. Nếu người ta được bồi bổ thao luyện cho khỏe rồi người ta cũng lại theo vào vết xe của những kẻ khỏe. Và người ta kéo bè kéo cánh để được khỏe. Tôi nói cả từ một nước cho tới trường quốc tế, người ta cũng theo chính sách ấy.
Chắc các bạn đọc thấy chàng Lẩn Thẩn lần này không cười nữa, nhưng sự thực, chàng Lẩn Thẩn cũng như mọi người, đã mua cái cười bằng bao nhiêu nước mắt.
Cái cười của người ta nó nham hiểm: cả những cái cười của con trẻ, những kẻ mà người ta đã công nhận là ngây thơ và trong sạch nhất cũng độc ác vô cùng. Và chỉ trong những sự độc ác ngấm ngầm ấy trẻ con mới được cười cứng bụng. Tôi còn nhớ ngày thủa [sic] bé ở học đường có những anh đã tinh nghịch để lọ mực hay vật gì cứng xuống chỗ ngồi của bạn mỗi khi bạn đứng lên đọc bài, và lúc bạn ngồi xuống là họ tha hồ mà cười. Thế cũng chưa đủ họ còn bắt ruồi chọc thủng bụng và cắm mảnh giấy nhỏ vào cho nó bay tung tăng. Ấy là chưa kể những sự chế nhạo các sự tàn tật của người khác để mà cười với nhau. Chả có thế mà ông La Fontaine đã phải kêu lên rằng: "Cet âge est sans pitié". Cái ác và cái mạnh bao giờ nó cũng đi đôi với nhau và phải mạnh thì sự ác của người ta mới có lý. Một nhà võ sĩ có thể tát người đi đường bé nhỏ một cái rồi xin lỗi là mình lầm cũng xong. Cũng như người Pháp đã chiếm sở Tài chính rồi lại tuyên bố là mình lầm nhưng lầm mà vẫn không muốn bỏ mà vẫn cố đòi cho được canh chung.
Lại đến việc nước Pháp, cái người Pháp nói về bom nguyên tử hôm trước kêu gọi công lý với hoàn cầu nhưng người Pháp trong chính giới Pháp, ông Herriot đối với nước nhỏ có thèm biết đến công lý đâu. Không hiểu vì cớ gì ông ta lại muốn phản đối việc nước Việt có quyền đại diện tại các nước. Thế mà ông ta được làm lãnh tụ đảng xã hội cấp tiến. Nếu đảng này mà có toàn những người lãnh tụ như ông thì phải đổi tên là đảng xã hội thoái lui hay là đảng thực dân cấp tiến mới phải.
Đó, sự mâu thuẫn lạ lùng trong cái nước Pháp văn minh ấy có đáng để cho ta tin những cái khẩu hiệu Tự do, bình đẳng, bác ái không? Và cái thủ đoạn cái nguyên tắc hành động của một nước cứ tự coi là mình văn minh nhất thế giới và đòi đeo reo [sic] rắc cái văn minh ấy trên hoàn cầu có đáng làm cho chúng ta buồn giận không?
Rồi mai đây nếu thoát khỏi được những tai nạn của nguyên tử những người còn xót [sic] lại sẽ ra sao?
Có lẽ người ta sẽ chán nản hết mọi sự. Chán nản hết cả như một kẻ bất đắc chí mà quay trở về với tôn giáo.
Người ta sẽ tâm niệm những triết lý của tôn giáo và chỉ có lúc ấy loài người mới trở lại hiền lành, mới đủ đạo đức để làm những đệ tử của Phật tổ hay của đức chúa Trời. Tới lúc ấy mới là thời diệt vong của cái chủ nghĩa duy vật tàn khốc ngày nay.
Nhiều lúc tôi nghĩ lẩn thẩn làm thế nào để sống được tới cái ngày mà trái đất trở lại thành chốn bồng lai nơi hạ giới ấy. Chỉ có một cách là đi tu nhưng tôi lại lẩn thẩn nghĩ nếu ai cũng đi tu cả thì có lẽ trái đất thành ngay một cõi thiên đường còn phải tìm tòi chờ đợi gì nữa. Nhưng tôi vẫn buồn vì tôi đã được biết ông D'Argenlieu, một nhà tu của đạo Thiên chúa mà cũng còn phản Chúa thì tôi làm sao tin được ở lòng từ tâm của những nhà tu được!
Chàng Lẩn Thẩn
(Việt Nam, số 118, Chủ nhật 7/4/1946)
Chuyện lẩn thẩn
Người ta yêu mến, mong ước chúc tụng sự vĩnh viễn. Nhưng người ta cũng ghét cay ghét đắng nguyền rủa, trốn tránh nó coi nó như một con ác quỷ. Mọi hành động của chúng ta đều muốn làm cho có một cái gì tồn tại mãi mãi, và cũng là muốn làm cho một cái gì phải tiêu diệt ngay. Nói tóm lại chúng ta tìm tòi một cái thiện mỹ vĩnh viễn và mong trừ bỏ những cái xấu xa, cái dở vĩnh viễn.
Thủa xưa hồi tôi còn đi học, tôi thường trọ học ở những nhà hàng cơm và tôi đã được thấy những bà chủ nhà mồm loe mép giải và sợ nhất là những lúc bà mắng đầy tớ. Bà chửi rủa chán rồi bà bắt đầu thuyết nhân nghĩa. Nào bà xưa nay không ưa nói nhiều mà nó cứ làm bà phải nói, nào bà rất thương yêu kẻ ăn người làm, bao giờ bà cũng thủy chung như nhất.
Cứ như thế bà kéo giài [sic] hết cả buổi trưa hay buổi tối (bà cứ nhè hai buổi ấy mới nói) khiến chúng tôi mất cả làm việc mà chả mấy hôm là bà không nói. Có khi thấy chúng tôi không để ý đến bà lại gọi chúng tôi mà kể lể:
- Đấy, các cậu xem, tôi có phải là người no người chán nết đâu nhưng mà chúng nó ngu lắm. Đối đãi với ai tôi cũng thủy chung như nhất.
Câu "thủy chung như nhất" đã làm chúng tôi khổ một thời và cũng làm chúng tôi sung sướng một thời, vì nó là đầu đề cho bao nhiêu chuyện vui và chuyện tức. Tôi sợ sự "thủy chung như nhất" của những người bạn không tốt và mỗi khi nói với anh tôi ước ao: "Giá anh đừng thủy chung như nhất thì hơn" và với những anh bạn vui tính đùa nghịch thì tôi ước ao anh ta cứ "thủy chung như nhất" cho.
Sự thủy chung như nhất của người hay sự không thay đổi vĩnh viễn của tính nết hay hành động của người ta nó chỉ tốt trong một phạm vi. Một kẻ chỉ chuyên môn lừa dối, đánh [sic] ác, mà nói là một người "thủy chung như nhất" thì thật là một sự đáng buồn. Chúng ta ai là người thành thực mong có sự vĩnh viễn ấy.
Ngày nay trong đài phát thanh Sài-gòn chúng ta luôn luôn được nghe thấy người ta tuyên bố:
"Bao giờ nước Pháp cũng thủy chung như nhất".
Nghe câu đó tôi rùng mình cảm thấy một cái gì nham hiểm. Tiếng Pháp là một tiếng minh bạch nhất mà người ta đã nói thế tôi không sợ làm sao được. Tôi đã được nghe những chuyện bước "ca lai" và chuyện "châu mũi" trong trường ngoại giao Pháp, ngày nay có phải họ lại định chơi chữ với chúng ta một lần nữa chăng.
Người Pháp bao giờ cũng thủy chung như nhất, Quốc dân và Chính phủ hãy nghe lời tuyên bố ấy và hãy tin ở lời nói ấy. Đấy là lần đầu tiên mà họ thực thà. Thái độ của họ, hành động của họ nhất nhất đều theo như cũ hết. Họ trở lại đất này với một lòng một dạ như ngày xưa. Họ đã là thực dân họ sẽ là thực dân mãi mãi.
Trước kia họ muốn chiếm đất ta và bây giờ họ cũng muốn như thế. Những hiệp ước xưa kia họ ký với ta đều là giả dối vậy những hiệp ước bây giờ có đáng tin không?
Trời ơi! họ sẽ thủy chung nhất [sic]. Hỡi dân tộc Việt Nam! Sao chúng lại không thủy chung như nhất. Bao nhiêu chí quật cường bao nhiêu lòng quyết chiến có thể nào để tiêu tán được! Chúng ta, chúng ta cũng thủy chung như nhất. Chúng ta chỉ muốn độc lập, chúng ta sẽ độc lập, chúng ta quyết chống ngoại xâm, vậy những kẻ nào còn mang máu thực dân đến đất này hãy coi chừng.
Chúng ta hãy trả lời người Pháp: Nếu họ thủy chung như nhất thì chúng ta cũng thủy chung như nhất.
Chàng Lẩn Thẩn
(Việt Nam, số 119, thứ Ba 9/4/1946)
Chuyện lẩn thẩn
Không biết về môn lẩn thẩn loài người tiến hay thoái. Nhưng đây, một câu chuyện lẩn thẩn trong thời Chiến quốc dưới ngòi bút ly kỳ của Công-dương-Cao, một câu chuyện lẩn thẩn khó mà lẩn thẩn hơn được nữa:
Người Tống và người Sở giảng hòa
Trang Vương nước Sở vây nước Tống, quân chỉ còn đủ bảy ngày lương, quá hạn ấy nếu không thắng thì sẽ phải giải vây mà về: Vì thế Trang Vương cho Tư-mã Tử-Phản lẻn vào thành nước Tống thám thính tình hình. Bên nước Tống cũng cho Hoa-Nguyên lẻn ra ngoài thành đi thám thính quân địch. Hai người gặp nhau, Tư-mã Tử-Phải hỏi: "Thế nào, việc nước ông ra sao?" Hoa-Nguyên đáp: "Nguy kịch lắm rồi! - Nguy kịch như thế nào? - Đổi lẫn con cho nhau để ăn thịt, chẻ xương người làm củi đun nấu". Tư-mã Tử-Phản kêu: "Hi! thế thì quá lắm! nguy kịch thực. Nhưng, ta nghe nói kẻ chăn ngựa đóng dọ vào mõm ngựa bắt nhịn đói để lấy thóc nuôi béo những con dắt ra phô khách. Thế mà sao ông lại đem thực tình ra cáo với tôi?" Hoa-Nguyên đáp: "Tôi nghe nói đấng quân tử thấy người gặp nạn thì thương, kẻ tiểu nhân thấy người gặp nạn thì mừng. Vì biết ông quân tử nên tôi mới đem thực tình ra cáo với ông." Tư-mã Tử-Phản nói: "Đúng đấy! Nhưng cứ cố giữ đi! chúng tôi chỉ còn có bảy ngày lương, quá hạn ấy nếu không thắng thì sẽ phải giải vây mà về." Dứt lời vái quay đi.
Về phục mệnh Trang Vương. Trang Vương hỏi: "Thế nào?" Tư-mã Tử-Phản đáp: "Nguy kịch lắm rồi! - Nguy kịch như thế nào? - Đổi lẫn con cho nhau để ăn thịt, chẻ xương người làm củi để đun nấu. - Hi, thế thì quá lắm! Nguy kịch thực. Vậy thế nào ta cũng hạ xong thành này rồi mới kéo quân về". Tư-mã Tử-Phản nói: "Không nên, tôi đã bảo thực cho họ biết rằng quân ta chỉ còn có bảy ngày lương thôi". Trang Vương giận mắng: "Ta sai ngươi đi thám thính bên địch sao ngươi lại đem thực tình quân ta ra bảo cho nó biết?" Tư-mã Tử-Phản nói: "Thiết tưởng một nước nhỏ con con như nước Tống còn có bầy tôi không lừa dối người huống nước Sở ta lại không có sao? Nghĩ thế, nên tôi mới bảo thực nó". Trang Vương nói: "Thôi được! Dẫu sao ta vẫn còn có thể hạ xong thành này rồi [rách mấy dòng] đây với ai? Ta cũng theo ngươi mà về thôi". Liền dẫn quân đi.
Vì thế mà có cuộc giảng hòa giữa nước Sở và nước Tống.
Độc giả có thấy câu chuyện lẩn thẩn không? Nhưng nếu nước Sở là nước Pháp và nước Tống là nước Việt Nam thì câu chuyện đã bớt lẩn thẩn và đã có phần thiết thực hơn một chút. Kể thì nước Pháp có lẽ cũng đương ở vào cái tình cảnh bảy ngày lương (ấy là nói theo nghĩa bóng thôi). Mà nước ta sau cái nạn hai triệu dân chết đói cũng có thể (vẫn nói theo nghĩa bóng) cho là đương ở vào cái tình cảnh đổi con cho nhau để ăn thịt. Chỉ còn thiếu hai người quân tử nói rõ thực tình hai nước ra với nhau là bản hiệp định chính thức sẽ được ký ngay.
Chàng Lẩn Thẩn
(Việt Nam, số 120, thứ Tư 10/4/1946)
No comments:
Post a Comment