Jul 17, 2024

Khái Hưng viết thời luận (4)

nào, bắt đầu thôi


tiếp tục F3; blogger vẫn bị lỗi về post ảnh: sự kiện thật kịch liệt



(thật không ngờ, ở bài đầu tiên dưới đây, ta gặp đúng cái từ ấy)


Chuyện lẩn thẩn

 

Trong trường chính trị, cố nhiên chúng ta phải dùng những danh từ chính trị để thảo luận về những vấn đề chính trị. Những danh từ ấy, theo sự nhu cầu chính trị, cứ mỗi ngày một nhiều thêm. Cái đó cũng không sao, chúng ta càng làm cho tiếng Việt thêm phong phú.

 

Nhưng phiền một nỗi là những danh từ ấy đã tràn lan trong dân chúng, và phiền hơn nữa, đã vượt ra khỏi giới hạn địa phận chính trị của chúng. Hai chị dân quê đứng nói chuyện chính trị. Họ dùng những danh từ chính trị, cái đó có chi lạ, và ta nên mừng rằng mực hiểu chính trị đã được nâng cao trong các tầng lớp xã hội. Nhưng ta phải bực mình khi nghe họ dùng những danh từ chính trị vào những việc không chính trị một chút nào.

 

Sau đây là một mẩu chuyện mà một bạn lẩn thẩn của tôi đã lượm được để gửi cho tôi:

 

Trong đám chợ đông như một cuộc biểu tình, một chị hàng cá khỏe khoắn gọn gàng và chắc như một quả ổi ương.

 

Một chị bếp mang mẹt mua hàng lướt đến, cúi nhìn rồi tính toán.

 

- Đồng chí, ủng hộ cho em đi, - chị hàng cá chào hàng - chỉ giá có 25 đồng tất cả mẹt đấy: một quả lựu đạn đấy!

 

Hăng hái, như sắp thi hành một công tác, chị mua hàng, nhanh nhẩu lớn tiếng, nghiêm nghị:

 

- Gớm, sao mà đắt thế, em phê bình chị bây giờ.

 

Chị ưỡn cái mẹt ra đứng thẳng nhìn mỉa mai. Ý hẳn chị thấy người đồng chí phản trắc muốn bóc lột mình! Chị dịu giọng tiếp:

 

- Này em điều đình nhé! Em yêu cầu chị lấy 15 đồng đấy, được không?

 

- Thôi! Chị ủng hộ cho em thêm vài đồng nữa...

 

Một người qua đấy can thiệp dõng dạc:

 

- Tôi tuyên bố phản đối chị hàng cá. Tôi đồng ý cái giá 15 đồng.

 

Vui vẻ chị hàng cá nhường hàng mình, không kỳ kèo ủng hộ nữa và kết luận: Thiểu số phục tùng mệnh lệnh đa số!

 

Rõ lẩn thẩn cái ông bạn tôi cứ nhất định cho câu chuyện trên đây là chép đúng từng chi tiết, tả đúng từng ngôn ngữ từng cử chỉ của các nhân vật. Tôi lại càng lẩn thẩn hơn vì không tin rằng câu chuyện thực cả một trăm phần trăm, như bạn tôi quả quyết, tôi cứ đăng lên báo. Nhưng nếu tôi không lẩn thẩn thì tôi đã chẳng là

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 121, 11/4/1946)




Chuyện lẩn thẩn

 

Một tin từ Pháp đưa sang vừa cho ta hay rằng chính phủ Franco đã không trọng hiệp ước về miền Pyrénées và đã đem quân đến đóng tại Enclave trên địa phận. Nước Pháp, viện cớ để ngăn ngừa và đề phòng các toán quân du kích Tây ban nha đột khởi: Tin ấy lại nói thêm rằng hiện nước Pháp đã cực lực phản kháng.

 

Cái ông phát xít Franco thế thì quá quắt thực! Mà liều lĩnh nữa! Dám trêu vào nước Pháp, một nước hùng cường vào bực nhất nhìn thế giới như đài phát thanh Sài-gòn ngày ngày nheo nhéo tuyên bố bằng cả hai thứ tiếng, "tiếng nước Bắc-kỳ" và "tiếng nước Nam-kỳ". Về phần nước Pháp thì tuy hùng cường vào bực nhất nhì thế giới mà lại nhũn nhặn quá, yêu hòa bình quá chỉ phản kháng thôi, dù là cực lực phản kháng.

 

Chúng ta cứ tưởng chỉ khi nào người ta yếu, thì người ta mới phản kháng mỗi khi người ta bị khiêu khích, lấ[n] áp, giầy xéo. Chẳng hạn như nước tiểu nhược Việt Nam chúng ta đã phản kháng nước Pháp, khi bị quân đội nước Pháp đổ bộ lên Hải-phòng, chiếm đóng nha Tài-chính, bắn giết lương dân Nam-bộ, những điều trái với bản hiệp định sơ bộ vừa ký chưa ráo mực. Còn một nước hùng cường vào bực nhất nhì thế giới như nước Pháp, khi thấy bọn phát xít không tôn trọng chữ ký trong hiệp ước, thì chỉ cứ choảng cho một trận chứ còn cần phải phản kháng phản khiếc gì nữa.

 

Thì ra nếu sau tám mươi năm đô hộ ta học được một vài khóe ngoại giao khôn ngoan của nước Pháp, thì nay nước Pháp cũng học lại được của ta một chiến thuật: phản kháng.

 

Tiếc rằng nước Việt Nam chúng ta chưa được nhận là hội viên của L. H. Q. để mà đề nghị với bộ Công an, cho phép quân đội của hai bên cùng canh gác những nơi Tây ban nha đã chiếm đóng. Cờ cũng vậy, cấm cả cờ Pháp lẫn cờ Tây ban nha. Cái lối điều đỉnh ổn thỏa ấy để tránh cuộc xung đột giữa hai nước, không phải là sáng kiến của chúng ta, mà chỉ là sáng kiến của quân đội Pháp ở trên đất nước này. Bây giờ nước Pháp lại đem về áp dụng ở ngay chính trên đất nước Pháp, kể cũng tiện lợi.

 

Chẳng rõ L. H. Q. có xử như thế không. Nhưng chắc chắn rồi nước Pháp sẽ đối phó lại hẳn hoi. Ta cứ chờ xem nước Pháp đối phó với quân xâm lăng như thế nào để học mà đối phó lại, trong những trường hợp tương tự.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 122, 13/4/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Về đời Đường bên Trung-quốc, một phái đoàn tôn giáo dưới sự lãnh đạo của thày Huyền Trang Tam Tạng sang Tây-trúc lấy kinh. Bộ Tây du chép rằng nhờ về đạo lý cao siêu của thày và sự hộ vệ đắc lực của bọn đồ đệ Tôn-ngộ-Không, Chư [sic]-bát-Giới và Sa-Tăng, phái đoàn đã đương nổi cái nhiệm vụ nặng nề của nó. Thực thế, phải có tấm lòng trong trắng không gợn bụi trần của thầy Đương Tăng, cái trí sáng suốt của con khỉ tu luyện bao nghìn năm trên đỉnh núi vắng, và cái tính nết thật thà như đếm con con lợn không từng biết mưu mô lừa dối, phải gồm đủ ba điều kiện ấy, thanh tịnh, thông minh, chất phác thì cái công tác tôn giáo khó khăn nguy hiểm kia mới có được những kết quả mỹ mãn. Nếu không, thì phái đoàn hẳn đã mắc mưu sâu kế độc của Ma-vương hiện thân vào sắc đẹp, vào rượu nồng, vào thịt béo rồi!

 

Nay nước Việt Nam cũng gửi một phái đoàn sang Tây... Âu, còn xa hơn Tây-trúc nhiều, mục đích không phải để lấy kinh mà để lấy cảm tình, lấy tình thân thiện của người Pháp, một việc khó khăn và nguy hiểm gấp bội việc lấy kinh. Vì kinh là vật tuy khó lấy nhưng còn trông thấy, sờ thấy, đến như cảm tình, tình thân thiện thì không còn biết nó nằm ở đâu nữa, ở trong lòng người hay ở trong những cuộc đón tiếp. Mà nếu không biết vuốt ve, nó dễ biến thành ác cảm và xung đột lắm. Đã thế, ông Phạm-văn-Đồng người lãnh đạo phái đoàn lại chưa chắc đã có cái đạo lý cao siêu của thày Đường Tăng, ông Xuân Diệu chưa chắc đã có cái trí sáng suốt của Tôn-ngộ-Không, và ông Đỗ-đức-Dục chưa chắc đã có cái tính chất phác của Sa-Tăng, Chư-bát-giới. Thế thì còn mong sao công thành danh toại được!

 

Nhưng nghĩ cho cùng thì sự cao thấp, hơn kém ấy không đáng lo, vì mục đích của hai phái đoàn có giống nhau đâu mà nhân viên hai phái đoàn cần phải tài giỏi như nhau! Một đằng theo đuổi một mục đích tôn giáo nên trong suốt cuộc hành trình đã phải tránh một trăm thứ cảm tình, thân thiện mới làm xong nhiệm vụ; một đằng theo đuổi một mục đích chính trị nên trong cuộc hành trình sẽ phải hết lòng tôn giáo mới mong đạt được cái nhiệm vụ gây cảm tình và thân thiện. Mục đích trái ngược, phương pháp màu nhiệm tất phải trái ngược và tính cách, giá trị của nhân viên cũng phải trái ngược vậy.

 

Một điều trái ngược nữa mà chúng ta nhận thấy - một điều trái ngược oái oăm - là thầy Đường-tăng cần phải giữ lòng sắt đá trước sự khiêu khích của cảm tình thì lại có nước da trắng bóc và diện mạo tuấn tú khôi ngôi, như ta thấy ở các pho tượng ngài còn ông Phạm-văn-Đồng cần phải gây cảm tình, do cái đặc vụ của ông bắt buộc thì lại có nước da ngăm ngăm và vẻ mặt lạnh lùng như vẻ mặt đức thánh Trấn Võ vậy. Âu đó cũng là một sự thử thách đạo đức và tài năng: Thầy Đường-tăng, một người "của tình cảm", mà không hề siêu [sic] lòng vì tình cảm, như thế đạo đức mới thực cao; và ông Phạm-văn-Đồng một người xa tình cảm như đất xa trời, mà gây được tình cảm, gây được thân thiện, thì cái tình cảm ấy cái thân thiện ấy mới quý giá.

 

Dẫu sao chúng ta cũng còn phải đợi chờ kết quả. Cái kết quả tôn giáo mà phái đoàn Huyền Trang Tam Tạng đạt được, chúng ta đều đã biết. Còn cái kết quả cảm tình mà phái đoàn Phạm-văn-Đồng sẽ hái về nay mai thì chúng ta chưa thể tin ngay từ bây giờ rằng sẽ đẹp đẽ lắm.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 123, Chủ nhật 14/4/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Vĩnh viễn như vũ trụ! Vĩnh viễn như các nguyên tử! Và từ xưa tới nay chưa có gì thay đổi trong cái luật thiên nhiên và trong cái xã hội loài người. Họa chăng chỉ có cái hình thức mất đi, để một cái hình thức khác làm bằng các chất cũ thay vào. Loài người vẫn là loài người không biến đổi.

 

Người ta bảo loài người đang tiến và đang bước lên một giai đoạn mới. Tôi thì tôi chỉ thấy loài người mở rộng ra, nhưng vẫn ở trong cái hình thức cổ sở. Có bao giờ hết được cái óc tham lam ích kỷ cố hữu của loài người! Có bao giờ loài người quên được cái ý muốn thống trị, cái ý muốn làm chúa tể và cái hy vọng làm cho mọi kẻ khác phải ở dưới quyền chỉ huy của mình!

 

Cái vòng luẩn quẩn bắt đầu từ việc nhỏ và lan ra tới việc lớn, từ cách xử sự trong gia đình lan ra tới làng nước rồi đến trường quốc tế nữa vẫn theo những luật định cũ, vẫn mang cái tính cách chung. Một gia đình đông con chẳng hạn, thật là khó khăn cho những kẻ làm phụ huynh. Nhất là khi gia đình đó không giầu gì cho lắm, cứ cả ngày xem hết đứa con nọ dỗi đến đứa con kia dỗi mà khổ. Rồi đến một làng cứ hết bọn nọ đến bọn kia lý sự cùn mãi, chẳng có bao giờ đi đến đâu.

 

Người ta bao giờ cũng vì tình hơn là vì lý. Lẽ phải không được người ta coi đến nữa thì chả bao giờ có được sự yên ổn trong nhân loại. Từ xưa tới nay chúng ta thấy cái chế độ trong hương thôn của ta mục nát. Có người đến nói nhỏ với tôi:

 

- Bây giờ, thật là cá đối bằng đầu, chả ai bảo được ai. Ông cũng giỏi, bà cũng giỏi, chả ai chịu nghe ai.

 

Nhưng chả riêng gì cái tinh thần "dân chủ" mới ở nước Việt Nam nhà như thế. Cả đến trường quốc tế nữa cũng thế. Họ cũng là một bầy trẻ bằng nhau không cha mẹ không người phân xử và không có công lý gì cả. Những kẻ hơi lớn một chút thì lúng ta lúng túng chỉ kéo bè, kéo cánh nên chả bao giờ dám định đoạt việc gì cả.

 

Mới rồi Liên hiệp quốc đã làm tôi buồn cười gần chết. Thằng bé Ba-tư bị đứa trẻ Nga ức hiếp cả cái hội trẻ con ấy họp hội đồng để xử. Thằng bé Nga thấy mình bị phạt ức quá dỗi bỏ về. Mấy đứa bé Mỹ, Anh cuống cuồng lại xử lại và cho Nga hơn một tý. Nhưng lại làm mất lòng thằng bé Ba-tư. Thế là Ba-tư lại dỗi. Ấy cứ quanh đi quẩn lại rồi không biết đứa nào được. Tôi lẩn thẩn nghĩ cứ đứa nào, bắp thịt to, ngực nở là phải được, hay nếu không thì phải mau nước mắt và phải biết khóc dai.

 

Còn các nước nhỏ síu [sic] như Việt Nam và Nam Dương, chúng ta là những người quá yếu chả được ai để ý đến và chả biết làm nũng với ai, chả biết dỗi với ai. Thật là phiền. Tôi chắc nếu nước Việt Nam được cử đại biểu đi Liên hiệp quốc thì thế nào chúng ta cũng thắng vì nước Việt Nam có những người khóc dai nhất.

 

Nếu thật chúng ta được có đại biểu thì tôi xin đề cử một bạn phụ nữ, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

 

Ấy có vẻ vì thế mà ông Herriot sợ hết hồn hết vía và hết sức phản đối việc để cho nước Việt Nam có đại biểu ở các nơi.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 124, thứ Ba 16/4/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Bên cạnh nhà tôi có một gia đình nhỏ, hai vợ chồng với hai đứa con thơ. Tôi đã được thấy những cảnh trái ngược từ ngày đảo chính và trước hồi đảo chính một ít. Trước kia người chồng là một công chức, ngày hai buổi đi làm, và về tới nhà là anh ta chỉ có việc nghỉ ngơi. Cái khuôn khổ đó đã mấ[t] từ ngày sảy [sic] ra cái phong trào nam nữ bình quyền. Và ít nay tôi đã thấy anh ta nghỉ việc ở nhà và chị ta thì luôn luôn đi vắng. Anh ta thật là khổ sở với hai đứa bé con và lúng túng với cơm nước. Tôi ngạc nhiên nghĩ: hay là anh ta thôi việc để cho vợ đi buôn nên phải thay chị ta và làm những công việc của chị.

 

Nhưng một hôm thấy sự vụng về của anh trong công việc nội trợ, tôi lẩn thẩn hỏi:

 

- Chị đi đâu mà anh lại bế con mọn thế?

 

Anh ta điềm tĩnh trả lời:

 

- Nhà tôi bận đi họp.

 

Rồi dần dần tôi thấy chị ta cắt tóc ngắn, mặc quân phục và chị ta đi hẳn.

 

Tôi ngạc nhiên hỏi anh ta:

 

- Chị đi đâu vắng?

 

- À, nhà tôi vào vệ quốc đoàn.

 

Tôi càng ngạc nhiên hơn:

 

- Sao anh không vào mà lại để chị vào? Đàn ông mà trông nom việc nội trợ thì làm thế nào cho giỏi được bằng đàn bà.

 

Anh ta chép miệng nói một cách ngớ ngẩn:

 

- Làm thế nào được, tôi phải trọng cái quyền tự do của nhà tôi chứ.

 

- À ra thế!

 

Tôi thở dài và đi lang thang qua các phố, tôi ngẫm nghĩ:

 

- Chắc còn nhiều cuộc cách mệnh như thế ở trong nhiều gia đình nữa. Ai bảo trước kia các cụ nhà ta cứ ngồi một chỗ để đàn bà phải ra ngoài đảm đương chạy xuôi chạy ngược! Các chị phụ nữ bây giờ dáng chừng cũng theo gương người xưa mà giao phó cái gia đình cho đức anh chàng coi. Còn mình thì phải đi gánh vác giang san chứ!

 

Tôi lại thở dài và lấy làm tủi cực cho bọn đàn ông mang tiếng tu mi sức dài vai rộng. Và tôi trở nên phân vân nghĩ:

 

- Thân này ví đổi ra làm gái,

Thì sự anh hùng biết mấy mươi!

 

Thật quả thế, nếu tôi đổi làm gái được, thì tôi quyết làm một người đàn bà, một người đàn bà chính thức quay về với gia đình với việc tề gia nội trợ. Từ xưa tới nay tôi chỉ thấy các người nữ anh hùng như Trưng-nữ-Vương đã nổi tiếng vì làm những công việc của con trai chớ tôi chưa hề thấy một người con trai nào làm nổi công việc của đàn bà mà lưu danh muôn thủa. Cả đến những người đàn bà làm đủ bổn phận của mình mà nổi tiếng như bà Mạnh Mẫu cũng là một sự rất hiếm. Như thế thì bổn phận của đàn bà thật là nặng nề gấp trăm bổn phận của đàn ông. Vả lại tôi lẩn thẩn nghĩ: giời đã sinh ra chúng ta, mỗi người là một cơ cấu riêng để làm tròn những bổn phận riêng, làm xong bổn phận của mình là làm xong bổn phận làm người hà tất gì lại cầu kỳ đi mua việc, đòi làm việc của người khác trong khi mình không chắc chắn làm được bằng người ta và người ta cũng không thể thay được mình một cách có hiệu quả.

 

Vốn biết rằng lúc này quốc gia hữu sự, chị em phụ nữ cũng như bọn nam nhi phải góp phần xương máu. Nhưng sự góp sức của chị em chỉ có hiệu quả khi nào chị em đem hết năng lực của chị em ra làm những việc thích hợp với chị em, thích hợp cả về tinh thần lẫn thể chất.

 

Một hôm một người bạn tôi nhìn thấy một chị đứng canh ở phố khôi hài bảo tôi:

 

- Cho phụ nữ đứng canh thế kia mình chỉ vào thộp ngực một cái là đủ run người bỏ cả súng mà chạy!

 

Câu nói tuy có sỗ sàng, song tôi nghĩ:

 

- Đàn bà làm sao bỏ được nữ tính của mình, cũng như cây hổ-ngươi bị đụng phải làm thế nào mà không cụp lá? Bởi vậy các chị em xung vào quân đội và luôn luôn phải đụng chạm với nam giới, thật là một điều bất tiện và không chắc chắn một chút nào.

 

Nếu tôi là gái được, tôi sẽ làm đầy đủ bổn phận của đàn bà, tức là bổn phận làm vợ và làm mẹ. Tôi sẽ giúp việc gia đình để chồng tôi yên thân ra làm việc nước, chồng tôi chán nản tôi sẽ an ủi, kích thích. Giúp việc nước không phải cứ là vác súng ra bãi chiến trường. Bao nhiêu công việc hậu phương cần đến tay phụ nữ. Tôi không công kích các chị học quân sự vì đó là một điều cần nếu chẳng may các chị phải tiếp giáp với địch nhân thì cần phải biết cách tiến thoái, nhưng nếu học quân sự để làm một người lính chính thức thì thật không thích hợp với các chị chút nào. Vì đàn bà bao giờ cũng vẫn là đàn bà và phải là đàn bà. Là quân nhân thì cần phải táo tợn, phải ác, nhưng đàn bà mà ác thì trên đời này sẽ khô khan biết nhường nào. Nếu các chị biến thành nam giới hết thì đời sẽ khổ sở là chừng nào, và sẽ không còn cảm tình ở trong đời nữa.

 

Ồ! Nếu tôi là gái được, trong gia đình, tôi sẽ kiêu hãnh vì được là đàn bà, là mẹ của tương lai, những thanh niên trong tay tôi gây dựng phải làm nên những sự nghiệp lẫy lừng hay ít nhất cũng là một chiến sĩ hoàn toàn, một người dân yêu nước. Nước nhà mạnh ở tương lai, tiến vì thanh niên mai sau. Nhiệm vụ của người mẹ Việt Nam to tát là chừng nào! Các chị không thấy nhiệm vụ đó nặng nề sao mà còn đòi làm những công việc của nam giới chúng tôi.

 

Ồ! nếu tôi là gái được thì mai sau sẽ có một bà Mạnh mẫu thứ hai.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 125, 17/4/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Có người bảo chàng Lẩn Thẩn là một anh gàn dở, mắt cận thị đeo kính dầy đến một phân, lúc nào cũng lọc cọc chống cái ba toong đi lang thang khắp nơi để nhặt những chuyện vô lý không đâu về kể với độc giả làm người ta bực mình.

 

Nhưng ở đời còn lắm cái vô lý hơn cả những cái vô lý mà anh chàng ta đã kể. Những cái vô lý mà chúng ta chỉ nhận thấy ở người khác và chả bao giờ thấy ở mình. Những cái vô lý đó liên kết thành cái vòng luẩn quẩn từ Đông qua Tây từ Nam chí Bắc và quay đi lộn lại vô cùng tận.

 

Chúng ta đã khổ vì những sự vô lý của thực dân Pháp, chúng vừa cướp nước người vừa bảo người là kẻ cướp. Chúng đến đây để chúng ta nuôi cho béo mập mà chúng ta còn mang tiếng là vô ơn với chúng. Cùng một đất nước, một giống nòi mà chúng đã làm nước ta thành hai xứ xa lạ và chúng ta ở hai nơi thành những người dị chủng. Rồi gần đây chúng đòi canh chung khắp mọi nơi ở Bắc bộ, những nơi chẳng dính dáng gì tới quyền lợi của chúng, từ nha Tài-chính cho tới sở máy đèn, máy nước. Còn gì nữa? Chỉ còn thiếu chúng chưa bắt chúng ta phải rời khỏi Hà-nội để cho chúng giữ lấy một mình. Nói đi nói lại mãi những điều ấy chàng Lẩn Thẩn không khỏi mang tiếng là lắm điều như đàn bà. Nhưng biết làm thế nào?

 

Rồi quay trở lại nước nhà. Cũng những sự vô lý như thế xảy ra mở đầu là đảng phái. Người ta thi nhau kết tội lẫn nhau là Việt gian. Rút cục chưa biết ai phải trái, chỉ thấy những cái xấu của hai bên được phơi nhan nhản trên mặt báo chí, rồi đùng một cái, Nam bộ mất gần hết và người ta bắt tay nhau đoàn kết. Đoàn kết để chống ngoại xâm! Tôi có cái cảm tưởng như một đôi vợ chồng ghét nhau hết sức, ngày ngày vẫn nói xấu nhau, nhưng chỉ vì cả hai cùng sợ ma, mà đêm đêm phải gần gụi nhau. Sự đoàn kết chẳng có bao giờ thành thực họa chăng nó chỉ thành thực ở một số ít biết suy xét. Còn ở những nơi khác vẫn là những chuyện khủng bố và khủng bố, những chuyện chia rẽ và chia rẽ. Người ta giở những thủ đoạn nhỏ nhặt để cố dìm, cố hại lẫn nhau, hay để dương [sic] cái thế lực mình với công chúng. Người ta nói chuyện với tôi có một bận trong một cuộc họp đàn kết: Âm nhạc đang cử bài đoàn kết, đột một cái cụ Hồ đến. Âm nhạc đã bỏ bài đoàn kết để cử bài Hồ chí Minh muôn năm! Người ta đã coi rẻ sự đoàn kết rồi còn đâu!

 

Còn nhiều sự khó chịu nữa, và còn nhiều trò khiêu khích nữa. Trong trận Âu chiến vừa qua có khi người ta đã thả chơi một vài quả bom vào một đoàn tầu của một nước trung lập, rồi xin lỗi là cùng chứ gì. Người Pháp đem cái trò ấy ra diễn ra nha Tài chính và đến nay anh em Việt Minh lại học được và đem diễn vào đúng ngày giỗ Tổ. Thật là ngậm ngùi và đau lòng cho Tổ tiên giống Việt. Ngày đó anh em V. N. Q. D. Đ. mang cờ và biểu ngữ vào dự lễ giỗ Tổ đã bị anh em V. M. bắt lấy biểu ngữ đem úp hết xuống đất. Cử chỉ đó trước một số đông công chúng đã tỏ ra rằng anh em V. M. mạnh hơn, còn về sau anh em V. M. đến xin lỗi riêng thì công chúng ai biết đấy là đâu. Anh hùng thay cái thủ đoạn ấy!

 

Ô hô! đoàn kết! Cái đoàn kết miễn cưỡng và vì sự cần dùng trong chốc lát. Người ta xây sự đoàn kết như xây một cái nhà vì sợ nắng mưa, chứ không phải vì ý nghĩa thiêng liêng của gia đình cũng như vì ý nghĩa thiêng liêng của sự đoàn kết.

 

Tôi rất lấy làm buồn mỗi khi phải nhắc lại hai chữ đó với anh em các đảng. Tôi cảm thấy họ đã cố tình quên, và sự hô hào ầm ỹ của họ đã tỏ sự cố gắng, sự tuyệt vọng của một cái gì sắp chết. Mỗi một khi nghe người ta gào: "chúng ta phải đoàn kết!" tôi tưởng tượng như nghe một tiếng kêu cấp cứu. Vì sự đoàn kết đó chỉ là những tiếng để kêu gào còn sự chia rẽ mới được đem ra thực hiện.

 

Hỡi anh em các đảng! hãy công kích nhau về lý thuyết về việc làm để cải thiện cho nhau, nhưng đừng dùng những thủ đoạn không chính đáng để làm hả lòng giận của mình, để làm oai làm phách, để gây thanh thế với công chúng. Anh em nên nhớ không có cái thù nào không bị trả, và những cái vô lý ở đời bao giờ cũng bị những cái vô lý khác đáp lại ngay. Hơn hết là đôi bên đừng vô lý với nhau nữa.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 126, thứ Năm 18/4/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Đồng bào ta lúc này ngoài công việc bận rộn hằng ngày, ngoài những lúc tấm tức về một câu chuyện thời sự của cái thời đại hắc ám này đều để cả tâm trí hướng về phương du hành của các phái đoàn ngoại giao. Rồi đây, trước mắt những người xa lạ nhưng vẫn có cảm tình hay muốn có cảm tình với dân tộc Việt, các vị đại diện của dân tộc sẽ có làm trọn được sứ mệnh mà cả một quốc gia đã phó thác vào tay họ không? Cái giờ phút quyết liệt này nó đang định đoạt cả vận mệnh của một dân tộc. Trước các đại diện Pháp vô cùng khôn khéo, đã từng lăn lộn trên trường ngoại giao quốc tế, các vị đại diện của ta chắc cũng sẵn sàng đem hết tài năng của mình bênh vực quyền lợi người Việt. Số phận cả một quốc gia đang được đem cân nhắc ở trên thảm xanh giữa các vị trạng sư tận tâm và hùng hồn của hai nòi giống.

 

Một hy vọng lớn lao đã gieo vào lòng ta khi ta tin tưởng vào tài năng của các nhân viên trong phái bộ! Ai là không nặng lòng với nợ nước! Cái việc đời muôn mặt tuy nó phiền phức, nhưng với một công tâm sáng suốt và một tài năng vững vàng nhân lực đã nhiều phen có thể tự phụ là xong được thời cơ.

 

Mà cái nhiệm vụ đi sứ giả từ ngàn xưa vẫn là nặng nề! Cho nên người ta đã thận trọng chọn mặt gửi vàng.

 

Nhưng chúng tôi không khỏi sửng sốt khi đọc trong một tờ báo hằng ngày lời tuyên bố của mấy nhân viên phái đoàn trong một cuộc phỏng vấn trước cái phút long trọng đăng trình:

 

"- Nhiệm vụ nặng nề nhưng cứ theo lời cụ dặn là phải thành công"! Chúng tôi thắc mắc đi tìm lời "cụ dặn". Cụ đã là người ra tay buồn lái dắt con thuyền quốc gia chắc đã truyền bí thuật gì cho sứ giả chăng!

 

Chúng tôi nghĩ đến công cuộc ở các hội nghị xa xăm kia chẳng rõ rồi có đi theo cái chiều cụ dặn không? Mà quái lạ những cái đầu óc duy vật lại tin ở thần thánh, ở khoa tiên tri! Trong chuyện Tầu, ta đã thấy một Khổng Minh trước khi phái sứ giả đi đâu, dỉ [sic] tai dặn dò, làm thế này... làm thế nọ... thần thánh quá! Chuyện đời lại xẩy ra đúng như lời người dặn. Ngày nay, trước giờ đăng trình phải chăng là cụ đã tiên đoán và tiên tri nên đã dặn dò mọi lẽ? Rồi đây kinh thành hoa lệ của nước Pháp, người ta chỉ việc nhớ theo lời cụ dặn là phải thành công. Cái "Cẩm nang" do cụ trao cho, chỉ cần giở nó ra mà rồi tùy cơ đối phó. Như thế thì việc khó đến mấy mà lại không thành!

 

Nhưng nếu cụ còn quên vấn đề gì thời sao? mình tự tiện lấy thời lo hỏng việc, nên ở trong trường hợp này lại đáp máy bay về nước để nghe lời "Cụ dặn".

 

Phải thận trọng lắm chứ, nếu không tuân theo lời "cụ dặn" thời thành công sao được!

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 127, 19/4/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Những người nắm chính quyền một nước, từ cổ chí kim, từ đông sang tây bao giờ cũng có cái đức tính nhẫn nhục, cái đức tính biết chịu đựng, những lời phê bình, chỉ trích, nhiều khi kém nhã nhặn của dân chúng. Một ông vua nước Pháp sau khi được một vị cận thần cho hay rằng dân gian đương ta thán, oán giận, nguyền rủa cái chính sách hà khắc của triều đình, chỉ cười mà thản nhiên đáp lại: "Chúng nó chửi ta cũng được, quý hồ chúng nó đóng thuế!"

 

Nhưng cái ông tướng quốc đời nhà Minh mà tôi đã được đọc chuyện không nhớ ở một quyển sách Tàu nào, mới thực đáng chiếm giải quán quân về nết chịu đựng của nhà cầm quyền. Ông ta làm tướng quốc. Tôi cũng chả nhớ ông ta hay hay hèn, tài hay đụt, nhưng thời ấy có một bọn ghét ông ta lắm, đi đâu cũng bô bô kể xấu ông ta, không chút kiêng nể sợ hãi giấu diếm. Có người nói đến tai ông ta, ông ta tự tin đáp: Chả có lý nào thế được, tôi chỉ làm việc ích quốc lợi dân thì ai ghét tôi làm gì! Bọn kia thấy khiêu khích bằng lời nói không xong, liền viết một bức thư thóa mạ cho người đưa đến. Ông này mở thư đọc một lượt rồi lặng lẽ thong thả gập lại nói: "Lưu ý chi tới một lá thư nặc danh!" Đến đây, bên địch vẫn chưa chịu thôi. Họ định tâm làm thế nào cho ông tướng quốc biết nhục mà rút lui về vườn mới nghe. Và họ bày ra một trò cười này không thể tàn nhẫn hơn được. Họ dắt đi qua lại trước dinh tướng quốc một con lừa ghẻ, mặt đeo cái mặt mo có viết tên họ tướng quốc. Một người bạn lôi tướng quốc ra bao lan trỏ con vật khốn nạn và bảo:

 

- Nó xúc phạm tới ngài đến như thế kia thì hẳn phải trị tội chứ?

 

Tướng quốc mỉm cười đáp:

 

- Sao ngài lại bảo nó xúc phạm tới tôi được?

 

- Đem tên ngài đặt tên cho con lừa mà không là xúc phạm tới ngài thì làm thế nào mới là xúc phạm?

 

- Ngài nói lạ! ngài biết đâu rằng đó là tên tôi? Trong thiên hạ trùng họ trùng tên là thường chứ!"

 

Không hiểu tác giả chép chuyện ấy để khen cái đức tính nhẫn nhục, hay để chê cái nết không biết nhục của một vị tướng quốc? Nhưng dẫu sao câu chuyện cũng tỏ cho ta rõ một điều này: Muốn cầm quyền chính lâu dài phải biết nhẫn nhục đến cùng.

 

Thời nay cái đức tính nhẫn nhục ấy hình như cũng vẫn còn kiên cố lắm, nhưng ít khi được thử thách. Là vì tuy chúng ta sống ở cái thời dân chủ toàn thịnh này, mà các vị tướng quốc lại được che chở ngặt nghèo hơn xưa, thời chuyên chế, hay phong kiến. Sự che chở dầy qua từng nọ lớp kia, bao vây chặt lấy các vị tướng quốc khiến sự đùa bỡn của chúng ta khó lòng mà đụng chạm mơn trớn tới các ngài được. Nói chế riễu [sic] các ngài thì đã có lính liêm phóng bắt giam; viết thư phê bình gửi cho các ngài thì thư ấy bị kiểm soát và không tới tay các ngài được. Còn viết bài chỉ trích các ngài trên báo chí thì đã có ty Kiểm duyệt gạch bỏ không cho đăng.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 128, thứ Bảy 20/4/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Loài người chưa bao giờ tới được một mục đích nào của nó. Là vì khi tới cái mục đích ngắm từ trước thì một cái mục đích khác lại lập lòe hiện ra ở nơi chân trời, và cái mục đích trước đã không còn là mục đích nữa, mà chỉ là một địa điểm để đứng mà ngắm nghía thèm muốn một cái mục đích xa xăm. Cứ như thế, từ thế kỷ nọ sang thế kỷ kia, loài người lúc nào cũng chỉ chạy theo một cái bóng ma trơi, trong một cuộc phiêu lưu nguy hiểm và vô cùng tận, trên một con đường vô cùng tận.

 

Quả địa cầu của chúng ta tròn, vũ trụ của chúng ta tròn, nên những mục đích, những tư tưởng, những ý muốn, bất cứ những cái gì thuộc về nhân loại đều chạy trên một con đường tròn, trên một cái vòng hai đầu gặp nhau. Chiến tranh và cái bóng của nó, Hòa bình, đời đời đuổi nhau trong cái vòng luẩn quẩn, cứ một cái hình ảnh ấy cũng đủ giải thích cái ý nghĩ lẩn thẩn của tôi rồi. Người ta bảo sửa soạn chiến tranh để gây hòa bình. Nhưng người ta cũng có thể nói được lắm: Gây hòa bình để sửa soạn chiến tranh. Hai câu chỉ đồng một nghĩa. Và tùy từ địa điểm người ta bắt đầu, người ta có thể nói: Chiến tranh - hòa bình, chiến tranh - hòa bình hay hòa bình - chiến tranh, hòa bình - chiến tranh.

 

Tôi muốn đem những ý tưởng lẩn thẩn ấy bàn về cái vấn đề gay go hiện giờ ở trên đất nước này: vấn đề ký hiệp định sơ bộ: Đại khái nó như thế này:

 

Sau khi đã sửa soạn, và tham dự chiến tranh để đi tới hòa bình ở trên đất nước Pháp và trên cả thế giới loài người, nước Pháp đứng trên cái đích vừa tới ấy mà ngắm trở lại con đường vòng luẩn quẩn. Và một cái đích quen quen, làm gì có những đích mới, hiện ra ở tầm con mắt: thuộc địa Đông-dương. Và nước Pháp nghĩ, cũng nghĩ lẩn thẩn: "Mình được giải phóng thì thuộc địa cũ của mình cũng phải được giải phóng bởi mình chứ!" Thế là nước Pháp săm săm [sic] kéo sang Viễn-đông để giải phóng nước Việt Nam đã bị người Việt Nam chiếm cứ mất. Mà muốn giải phóng nước Việt Nam tất phải đánh nhau với người Việt Nam. Thế là chiến tranh bùng nổ.


Nhưng một khi đứng trên địa điểm chiến tranh thì lại hiện ra trước mắt trên cái vòng đương chạy theo một cái đích sán [sic] lạn quen quen: Hòa bình, người Pháp lại lẩn thẩn nghĩ: "Hòa bình sướng hơn, khỏi phải chết!" Vì thế mà có bản hiệp định sơ bộ ký giữa nước Việt Nam và nước Pháp.

 

Hiện giờ nước Pháp đương đứng trên cái đích hòa bình sơ bộ, và đương hướng về phía trước mặt mà ngắm nghía, thì phỏng người Việt Nam nào lại không lo sợ cho tương lai của hòa bình được! Khi chưa tới cái đích hòa bình ấy thì nước Pháp ao ước hòa bình thực đấy, ai mà chả muốn hòa bình để sống, nhất lại sống trên đất nước người của mình.

 

Khốn nỗi cái đất nước người của mình lại chưa thuộc hẳn về mình như xưa! Mà nước Pháp lại đã trót ký bản hiệp định sơ bộ thừa nhận nước Việt Nam tự do mất rồi.

 

Nước Pháp sẽ làm gì để ra thoát chỗ khó khăn này?

 

Các cuộc đàm phán sẽ cho ta biết sau. Nhưng giờ đây chúng ta cũng phải thắc mắc tự hỏi: trên cái vòng hòa bình chiến tranh, những cuộc đàm phán Việt Pháp sẽ có mục đích "sửa soạn hòa bình để gây chiến tranh" hay "gây chiến tranh để sửa soạn hòa bình"? Và chúng ta mong rằng đó sẽ chỉ là những trận oanh liệt về phía ta cố nhiên, để gây cho bằng được hòa bình. Trong những trận đàm phán ta có thắng thì ta, thì cả đôi bên mới có thể đi tới cái đích hòa bình được.


Nếu trái lại đó chỉ là một cuộc sửa soạn hòa bình, hai bên cùng định lùi để lấy đà, thì chiến tranh sẽ đến ngay mà không đợi sửa soạn hơn nữa, tránh sao được những đối [sic] nhất định của cái vòng luẩn quẩn.

 

Vậy vì ta, vì người Pháp, vì nhân loại, ta phải thắng trong các cuộc đàm phán. Xin các đại biểu trong phái đoàn Việt Nam nhớ cho rằng ta thắng là công lý thắng là hòa bình thắng, người thắng là cường quyền thắng là chiến tranh thắng.

 

Còn về phần chúng tôi, nạn nhân hằng ngày của cái vòng luẩn quẩn sống chết, chúng tôi xin ngày đêm tụng niệm câu chiến tranh, hòa bình, chiến tranh, hòa bình cho tới khi được ngừng lại mà reo lên ở chữ hòa bình.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 129, Chủ nhật 21/4/1946)






Khái Hưng viết thời luận (3) - 6

Khái Hưng viết thời luận (2) - 11

Khái Hưng viết thời luận (1) - 7

1 comment: