Apr 19, 2024

Khái Hưng viết thời luận (2)

tiếp tục Khái Hưng viết thời luận (kỳ trước đã thêm mấy bài)


(cũng tiếp tục "Bí mật của")



Chuyện lẩn thẩn


 

Thời xưa! Cái thời xưa yêu dấu đã qua rồi! Cái thời Xuân Thu, Chiến Quốc, hay cái thời phong kiến mà ngày nay người ta cho là đầy rẫy những sự vô lý với bất công đôi lúc làm cho tôi nhớ tiếc. Có lẽ trong thời đó đã xẩy ra những chuyện vô lý vì nó có lý quá vì cái thời ấy người ta trọng lẽ phải quá lắm. Có đời thủa [sic] nhà ai bắt được kẻ thù như Khánh Kỵ bắt được [Y]êu [L]y mà còn tha, mà kẻ được tha cũng không muốn sống lại nhất định tự tử bao giờ. Có đời thủa nào đã kề dao vào cổ kẻ thù của mình mà nghe kẻ thù nói có lý quá đến nỗi lấy làm nhục mà tự tử bao giờ.

 

Còn ngày nay, ngày nay người ta quen làm những sự vô lý rồi nên người ta coi những sự có lý xưa là vô lý. Kẻ làm ra những điều vô lý tuy biết mình vô lý mà vẫn lấy làm phải, còn kẻ phải chịu những sự vô lý đó nhiều khi cũng lấy làm phải mà hoan hô cho là ý kiến hay. Nói rút lại ngày nay người ta trọng sức khỏe hơn là lẽ phải, người ta trọng lợi hơn nghĩa. Và những cái lợi với cái khỏe nó làm cho người ta thiển cận. Nhiều khi người ta chỉ biết cái khỏe của mình mà quên mất cái khỏe tiềm tàng của đối phương. Người ta chỉ nhìn thấy lợi mà không nhìn thấy cái hại.


Cái lợi và cái khỏe làm cho người ta vô lý. Xuốt [sic] mấy thế kỷ nay ngươi ta chuyên đi xâm chiếm nước người, chuyên đi vơ vét và người ta hết sức đem lý thuyết ra bênh vực cái chính sách của người ta. Giá phải là một nước nhu nhược yên lặng chịu những sự bất công, một dân tộc ươn hèn chỉ chờ ngày tiêu diệt thì công việc của những nước khỏe kia nó cũng còn đỡ vô lý đi một chút. Nhưng nói cả những nước đầy lòng dũng cảm kiên quyết luôn luôn phản đối chính sách của họ, luôn luôn vạch những cái vô lý của họ ra mà họ cũng cố tâm dùng sức khỏe mà lấn át, mà bóp cổ chẹn họng. Ôi giá họ có một chút khí phách của cái thời phong kiến xưa, có một chút lẽ phải của thời phong kiến xưa thì chắc họ đã tự ý rút lui, nếu không đến chỗ tất cả những kẻ có óc xâm lăng đều tự tử hết.

 

Ngày nay, người ta đã tỉnh ngộ nhiều, hay cái hại đến trước mặt họ, cái nguy cơ sắp đến với họ đã làm họ tỉnh ngộ. Một nước chỉ sống vì thuộc địa, chỉ giầu mạnh vì thuộc địa như nước Anh mà ngày nay cũng tuyên bố sẽ để cho Ấn-Độ được hoàn toàn độc lập và tới nay lại còn tuyên bố sẽ để cho Ấn-độ tùy ý quyết định tách hẳn với mẫu quốc cũng được. Ta nên biết Ấn-độ là nguồn sống duy nhất của nước Anh. Tuy vì những sự nguy ngập có thể đưa nước Anh đến chỗ dập [sic] mà nước Anh phải giải phóng cho Ấn-độ nhưng ta cũng nên phục nước Anh là còn biết quay đầu về với lẽ phải.

 

Còn nước Việt Nam và nước Pháp, Hà-lan và Nam-dương. Hình như lẽ phải chưa được người ta công nhận lắm. Ở Nam-dương gần một năm dân chúng Nam-dương đổ máu, mà quân Hà-lan bị thiệt hại không phải là ít thế mà Hà-lan vẫn còn cố tình không chịu rút lui. Và người Pháp ở Việt Nam, đã cùng Chính phủ Việt Nam ký bản hiệp định sơ bộ và công nhận nền độc lập tự do của nước Việt Nam, nghĩa là người Pháp đi gần với lẽ phải. Tình giao hảo của hai nước Việt Pháp như thế đã là tốt đẹp lắm và đối với bản hiệp ước đó chỉ có người Pháp có thể vi bội chứ dân Việt Nam một dân nhược tiểu khi nào còn muốn gây sự, nhất là trong lúc nước Việt Nam đang cần có hòa bình để kiến thiết lại đất nước. Đã là giao hữu với nhau đã trọng lời ước của nhau thì còn điều gì đáng nghi kỵ nữa. Nước Việt Nam độc lập và đang muốn trở nên một nước giầu mạnh ngang hàng với các nước trên hoàn cầu lẽ tất nhiên, trật tự ở trong nước Chính phủ Việt Nam phải duy trì cho được. Đã mấy tháng nay quân đội Trung Hoa đóng ở đây, trong nước Việt Nam chưa hề xảy ra sự gì đáng tiếc. Ngày nay toàn dân Việt Nam đã đoàn kết, thì trật tự lại càng được tôn trọng hơn. Quân đội Trung Hoa rút về như thế là nhiệm vụ của Đồng Minh ở trên đất Việt Nam đã hết, và người Việt Nam sẽ được hoàn toàn tự do hành động. Vì cớ gì trong bản hiệp định người Pháp lại đòi kéo quân vào đất Việt Nam? để duy trì trật tự chăng? Vô lý! Để coi giữ tù binh Nhật chăng? Càng không cần nữa, nước Việt Nam có quân đội và đã nhiều lần cùng hưởng ứng với Đồng-minh khởi nghĩa chống Nhật. Nếu ngày nay, quân Nhật đã bị tước khí giới còn chờ ngày có tầu để về nước quân đội Việt Nam lại không đủ sức trông coi những tù binh đó hay sao?

 

Kéo quân lên đây người Pháp có ý định gì? Và mấy ngày nay quân đội Pháp ra đường tỏ những thái độ khiêu khích như thế là có ý định gì? Dân Việt Nam ưa hòa bình, trọng công lý và rất sẵn lòng tha thứ, còn giữ thái độ bình tĩnh là mong những người Pháp, xưa nay vẫn tự xưng là dân tộc văn minh, phải lấy thế làm nhục mà khuyên bảo nhau thì sự giao hảo của hai nước mới được tồn tại. Còn nước Pháp tự phụ là khỏe và cảm thấy Việt Nam yếu, cái đó chúng ta cần phải xét lại.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 103, 21/3/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Tôi có một ông láng diềng [sic] rất tốt. Ông ta không bao giờ to tiếng với ai. Người ta trái, ông phải, nhưng nếu người ta cứ cố cho là người ta phải thì ông cũng chịu là mình trái. Không những đối với người ngoài, đối với vợ con, ông ta cũng nhún nhường như thế. Kể sống với một ông láng giềng như thế cũng thích, nhưng đôi lúc tôi cũng thấy bực mình. Bực mình vì tại sao ông ta lại có thể chịu mãi những sự vô lý ấy được? Tại sao lại có thể có một người dễ mãn ý như thế được? Có lẽ ông ta đã tìm thấy hạnh phúc trong sự mãn ý ấy, nhưng tôi thấy nó là cái hạnh phúc của một con vật chỉ biết no ấm và im lặng chịu hết cả những cái bất công của một đứa trẻ nghịch ngợm.

 

Không nói gì đến ông láng giềng của tôi. Hầu hết dân tộc Việt Nam đều có một chút cẩu thả trong cuộc sống, hầu hết đều mãn ý với cái nửa chừng. Ta cứ xét ngay từ cái nhỏ nhặt như việc mua bán một đồ dùng. Khi vào hàng chọn một vật cần, thấy vật đó không hợp ý hay có một chỗ có thể hỏng được, ta chê thì nhà hàng sẽ trả lời ta: Không hề gì, ông cứ mua về dùng nếu hỏng chúng tôi xin đổi. Với câu trả lời ấy chúng ta ít người nhất định thôi không mua mà quay trở ra. Hình như có một cái gì nó thúc dục [sic] chúng ta bằng lòng đi cho xong chuyện. Cứ mỗi một lần muốn cho xong chuyện là một lần ta cẩu thả.

 

Bao nhiêu lâu nay sự dễ dãi đó đã làm chúng ta mất hết chí quật cường, chúng ta cứ nhu nhược dần dần và chịu để cho người ta chồng lên đầu lên cổ mình bao nhiêu ách và chúng ta đành cứ mang những cái ách đó một cách thản nhiên. Chỉ một ít người ở các tỉnh thành được học và biết học là hiểu được sự đau đớn ấy, còn một số tự xưng là trí thức và hầu hết dân quê ta họ chẳng bao giờ cảm thấy sự gánh vác nặng nề dưới sự đô hộ của nước khác.

 

Mấy năm gần đây, tình thế biến chuyển và sự tàn phá vô chừng mực của thực dân đã làm cho dân ta cảm thấy sự khó khăn của đời sống, quyền lợi của chúng ta bị phạm đến một cách quá đáng mới làm cho một phần dân ta tỉnh ngộ. Nhưng sự tỉnh ngộ rất là nông nổi. Người ta chỉ tỉnh ngộ vì bị phạm đến quyền lợi khi thấy mình mới hơi hơi thoát khỏi vòng kìm kẹp một chút là người ta đã lấy làm mãn nguyện. Lỗi đó cũng một phần ở sự tuyên truyền sai lạc của các cán bộ. Tôi thấy nhiều ông cán bộ đứng trước công chúng thường nói đến câu: Ngày nay dân tộc ta đã được giải phóng rồi... Tôi ngậm ngùi quay đi và tự bảo: Hình như những ông cán bộ đó không đọc báo bao giờ nên không biết những nguy cơ xảy ra ở Nam bộ và những sự uy hiếp có thể xẩy ra ở Bắc bộ và Trung bộ.

 

Trong hành động cũng như trong tin tưởng chúng ta đều dễ tin người cả. Lòng tin của chúng ta lại mãnh liệt nữa. Vì sự quá cẩu thả trong cuộc sống chúng ta nắm được cái gì là chúng ta tin theo một cách mù quáng. Tựa hồ như trên giòng [sic] đời lênh đênh gập [sic] được một cái cọc là chúng ta bám lấy và tin rằng cái cọc đó chắc vững chớ không cần biết đến cái thể chất của cái cọc đó tốt hay xấu. Lòng tin tưởng của ta lại dễ thành một thành kiến và chúng ta dễ trở nên cố chấp với cái thành kiến đó. Chúng ta dễ dãi với hết mọi cái nhưng đối với cái thành kiến của chúng ta thì chúng ta không dễ xóa bỏ. Nên chẳng bao giờ chúng ta nhận thấy sự lầm lẫn của mình cả.

 

Rồi đến Chính phủ ta, sẵn mang sự dễ dãi và cẩu thả trong huyết mạch, đã dễ dãi để đôi ba phen bị lừa dối ở Nam-bộ. Mỗi một lần ta hoãn chiến để điều đình là một lần quân Pháp có thì giờ để củng cố vị trí của mình và đến lần thứ ba thì họ đã gần vững chân hẳn trên đất Nam bộ. Rồi ngày nay ở Bắc bộ. Tôi chưa thấy bản hiệp định sơ bộ mang lại cho nước ta một điều gì dễ thở hơn, một sự thay đổi gì có lợi cho ta hơn, nó chỉ mang chúng ta vào tình thế khắt khe hơn. Tôi không hiểu chúng ta thêm được một ít người đi gác ở các góc một vài phố như thế có tốt hay không? Trái lại tôi cảm thấy rằng nếu chúng ta không phải đi gác thì tốt hơn. Vì sự không phải canh gác tỏ ra rằng nước ta tự do hơn và yên ổn hơn. Thêm người gác làm cho nhân dân cảm thấy tình thế khẩn trương và sắp đến một thời loạn lạc. Còn việc người Pháp được mang thêm quân vào đất ta là một việc bất lợi đứt đi rồi. Nếu họ tử tế ra họ đã không có những thái độ khiêu khích.

 

Và lại một lần nữa chúng ta dễ dãi và cẩu thả tha thứ cho họ những thái độ khiêu khích đó.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 104, 22/3/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Người ta nói:

 

Thứ nhất sợ kẻ anh hùng,

 

Thứ nhì sợ kẻ bần cùng khố giây [sic].

 

Ở đời có những kẻ khố giây thật là đáng sợ. Chúng có một cái can đảm: không sợ chết hay là có cái sợ chết trá hình. Các bạn có thấy những người ăn mày quá đói lăn xả vào các hàng cơm cướp lấy thức ăn hễ nhà hàng có đánh là chúng lăn đùng ra, nằm ỳ cho người ta đánh rồi không bao giờ chịu đi nữa. Thật là khổ cho nhà hàng muốn tống hắn đi lại phải tặng hắn thức ăn và cả tiền bạc nữa hắn mới chịu đi. Nếu hắn không đi ăn cướp như thế hắn cũng chết. Hắn ăn cướp, không những người ta không dám giết hắn mà hắn lại được no. Thật là cố đấm ăn sôi [sic]. Những quân khố giây ấy ai còn muốn dụng đến làm gì.

 

Còn một hạng nhờ sự khố giây của mình mà trở nên anh hùng đó là bọn anh chị trong làng chạy. Có nhiều nơi, ta thấy những bọn anh chị xem các cái sẹo của nhau là biết sự anh hùng của nhau. Các cái sẹo đó là cái thành tích tranh đấu của họ. Bọn anh chị đó chỉ chuyên môn dọa nạt người để tống tiến để bao bọc cho các đàn em đi ăn cắp. Nếu có ai can thiệp vào thì hắn ra ngăn cản, người ta không muốn giây [sic] với hắn đành để cho hắn được tự do. Hắn lại còn một nghề là chuyên môn để cho người ta thuê mình đi đánh nhau.

 

Trước kia tôi tưởng chỉ có những kẻ bần cùng mới có cái thái độ khố giây ấy. Nhưng ngày nay, tôi đã được thấy cả một chính sách khố giây của một nước tự vỗ ngực cho mình là cường quốc và chính sách của họ cũng chả khác gì chính sách của bọn anh chị mấy. Người ngày xưa cũng đi ăn cướp nhưng mấy ai đã có những thủ đoạn anh hùng như bọn Lương-Sơn Bạc.

 

Ngày nay thì cái chính sách thực dân còn kém xa. Nửa tháng trước đây, tôi lượm được những truyền đơn trong đó người Pháp tuyên bố: Về tính cách anh hùng: Nước Pháp thắng trận, nước Pháp hùng mạnh sẽ không trả thù ai. Và đài phát thanh Sài-gòn của họ nói: Nước Pháp duy trì hòa bình ở Đông-dương không có lẽ nào lại đi ăn cướp như "Các báo" Việt vu khống. Nhưng ngày nay tôi đã thấy cái kỷ luật của cái nước thắng trận và hùng mạnh ấy, tôi đã biết sự công bằng của họ, họ không đi ăn cướp nhưng chỉ những cu li xe của ta là để cho họ hút hết mồ hôi nước mắt.

 

Thái độ đứng đắn của họ thế nào? Ngày nay họ chưa có cách gì để nằm ngửa ra ăn vạ thì họ đi khiêu khích chơi. Việc ăn vạ đối với người Việt Nam là một việc súi [sic] nhất. Nhà nào bị người ta đến nằm vạ thì thật là nhà ấy đến lúc suy mạt, cho nên đối với thái độ của họ, người Việt Nam đều lãnh đạm và bảo nhau: Tránh voi chẳng xấu mặt nào.

 

- Chỉ người Việt Nam là sợ cái lối nằm vạ, nhưng người Trung Hoa không biết đến cái phong tục ấy nên hôm vừa qua kẻ định nằm vạ đã bị một trận dừ đòn.

 

Theo một nguồn tin, người ta cho biết rằng: Liên hợp quốc, họ chắc chắn tiến vào nước Việt Nam thì dân chúng sẽ hoan hô họ và họ sẽ duy trì được hòa bình ở Việt Nam. Nhưng ngày nay, sự thực người Mỹ đã rõ và đã tuyên bố: "Từ khi họ vào đất Bắc Việt họ đã làm cho tình hình ở thủ đô một ngày một thêm găng". Không những thế họ lại có những thái độ mập mờ, nào trong cuộc giới thiệu các nhân viên Pháp với tước Leclerc họ đã kê cả chức tước của từng người làm như những người ấy hiện nay vẫn giữ chức tước ấy.

 

Đối với Việt Nam họ có thái độ ấy để dọa nạt để lấy cớ mà gây nên chiến tranh không chính đáng. Nhưng cả với các nước giao hữu với họ họ cũng giở thái độ anh chị ra: Nước Mỹ đã bao phen giúp đỡ họ để cho họ khôi phục được đất nước thế mà ngày nay chỉ không vay được tiền, họ đã dọa sẽ dứt tình và đi với người khác. Cái cách cư xử đó vừa trẻ con mà vừa buồn cười, tựa hồ như một đứa trẻ thấy bạn có nhiều kẹo xin không được nói dỗi: - Mày không cho tao ăn kẹo tao sẽ chơi với thằng X... nó có kẹo cho tao.

 

Có lẽ luân lý đã đến ngày suy đồi, liêm, sỉ không được người ta biết đến. Nếu là cách cư xử cá nhân với cá nhân thì còn có thể bỏ qua được, chớ cái chính sách khố giây, anh chị bị người ta đem quốc hóa thì thật là đã có một cái gì xụp [sic] đổ trong nhân loại.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 105, 23/3/1946)



[Tôi đã nhìn thấy số 106 của tờ Việt Nam, trên đó có mục "Chuyện lẩn thẩn", nhưng tờ báo tôi sờ được vào bị rách, mất chữ]

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Sáng hôm nay, vào cạo đầu ở một hiệu thợ cạo, tôi đã được nghe mấy mẩu chuyện vụn vặt tuy có pha đôi chút khôi hài chua chát. Tôi lẩn thẩn kể lại đây không bình phẩm.

 

Nhân ngày lễ kỷ niệm cụ Phan chu Trinh, người ta hỏi nhau lao xao: Các anh không đi dự lễ kỷ niệm tại nhà Hát lớn à? Một vài người đáp: Không! Một vài người chép miệng. Riêng anh thợ cạo cắt tóc cho tôi nói sẽ với tôi:

 

- Đấy ông xem dân chúng ít người thích đi dự các cuộc hội họp.

 

Im lặng một lát rồi anh ta nói tiếp:

 

- Không phải là người ta không thành kính cụ Phan nhưng chỉ tại người ta chán... Người ta chán những sự kêu gào xuông [sic]. Kỷ niệm một bực tiền bối, chắc cũng chỉ lại đến kể công đức của người và hơn nữa để tỏ cho quần chúng biết mình có tài ăn nói.

 

Tôi ngạc nhiên, vì những câu phản động ấy ở trong miệng một người thợ cạo. Và tôi im lặng không đáp gì. Nhưng tôi nghĩ: chuyện trong nhà thợ cạo thì thiếu gì người mang lại. Người này chắc cũng chỉ nhắc lại một câu của ông khách nào đã nói mà hắn thấy hay ho.

 

Một chốc hắn lại hỏi tôi:

 

- Thứ ba này có biểu tình đấy, ông có đi dự không?

 

Tôi vờ như không biết để xem ý anh ta đi đến đâu. Tôi hỏi lại:

 

- Có biểu tình đấy à? ở đâu thế?

 

Hắn trả lời:

 

- Chả biết nữa, chúng tôi chỉ mang máng nghe nói hình như biểu tình để phản đối những hành vi bất hợp pháp của Tây ở Nam-bộ. Còn biểu tình ở đâu và vào giờ nào thì tôi không để ý.

 

Rồi hắn chép miệng bảo tôi:

 

- Từ bận đi biểu tình về ốm gần nửa tháng tôi cạch từ đấy. Ai lại trời nắng trang trang [sic] mà phải đứng 2 3 giờ đồng hồ ở ngoài trời thì đến đá cũng phải đổ bồ hôi. Ông tính cứ biểu tình mãi thật là vô ích. Biểu tình nó phải do dân chúng gây ra. Mà đã gây ra là phải đòi được một cái gì. Ngày xưa hồi còn Pháp ở đây mỗi lần bãi thị, mỗi lần biểu tình là phải đòi được người Pháp giải quyết ngay vấn đề mà dân chúng đề nghị. Chứ bây giờ Chính phủ bắt dân đi biểu tình để mang thật nhiều biểu ngữ và để phản đối ngoài miệng chẳng ai thèm để ý đến cả. Tựa hồ như một thằng ngốc cứ sán [sic] đến gần mông ngựa để nó đá cho và mỗi lần bị nó đá là lại kêu ầm làng nước vào tai ngựa để hỏi: Sao mày lại đá tao? Đối với cái giống ngựa ấy chỉ có đánh cho nó dập [sic] xác nó ra. Cũng như đối với thái độ của bọn thực dân chỉ có dần cho chúng nó một trận chứ còn biểu tình để kêu với ai?

 

Tôi ra về lòng bâng khuâng vì câu chuyện của người thợ cạo tuy đó chỉ là chuyện thường nhưng cũng làm tôi khó chịu. Chợt bị một người vỗ vai ở đằng sau, tôi dật [sic] mình quay lại thì là một người bạn. Anh ta cười bắt tay tôi và nói:

 

- Tôi ở nhà bực quá phải ra ngay phố chơi[,] ở nhà các em tôi nó vặn radio Sài-gòn nghe cái thằng cha nó nói mà tôi phát nóng người lên, tôi bắt tắt đi chúng nó không nghe chẳng lẽ tôi lại đập cái radio đi. Khó chịu quá. Sao Chính phủ không dò xem cái thằng nói ấy quê quán ở đâu, họ hàng những ai bắt mà giết hết, giết hết cả họ cho chúng nó biết. Nó người Bắc rõ ràng.

 

Tôi hỏi đùa:

 

- Thế ngộ nó họ nhà anh?

 

Anh trả lời:

 

- Nếu nó trùng họ với tôi, thì tôi đến phải tự tử mất.

 

Anh nói một cách nghiêm trang.

 

Tôi cười nhưng trong lòng thật cảm động vì tấm lòng sốt sắng của anh.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 107, thứ Ba 26/3/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn mãi về cái mới và cái cũ của nước Pháp. Tôi không hiểu những cái hình thức mới của nước Pháp nó ra sao? Có cái gì biến chuyển trong vũ trụ nó đã diệt hết nước “Pháp cũ” để đẻ ra một nước “Pháp mới”. Nhưng tôi, tôi không thấy cái gì biến đổi cả. Người “Pháp cũ” chưa diệt hết mà hiện nay còn đọng lại ở đất Việt Nam rất nhiều. Trước khi chưa có tiếng “người Pháp mới” ở đất Việt Nam, tôi vẫn thấy họ lang thang ở ngoài đường và nhất là ở phố cửa Đông. Và ngày nay thường thường tôi được gặp các người “Pháp mới” tôi so sánh chưa thấy họ khác người Pháp cũ ở chỗ nào. Nếu tính tình người “Pháp cũ” là bắt nạt là bóc lột thì thường thường tôi cũng thấy những tính tình ấy trong người “Pháp mới”. Một hôm đi xe tay, tôi đã được một anh xe khoe với tôi:

 

- Hôm qua chúng cháu vừa mới đánh Tây ở cửa Nam.

 

Tôi hỏi: - Sao thế?

 

Anh ta đáp:

 

- Đi xe không trả tiền chúng cháu mới dã [sic] cho, sau đội xếp [sic] đến can thiệp phải trả tiền một gấp hai.

 

 Tôi nói:

 

- Sướng nhé! mấy khi đã có dịp như thế.

 

 Anh ta trả lời tôi:

 

- Sướng gì, cậu tính có khi kéo mướt mồ hôi khắp các phố về đến phủ Toàn quyền nó trả được ba hào chỉ phải ngậm đắng nuốt cay cầm lấy.

 

Ấy thế mà người ta cứ nhắc đến tiếng người “Pháp mới” với một lòng hoan hỉ. Tôi đang bực mình thì một ông bạn đẩy cửa vào. Anh ta rất vui tính. Thấy tôi có vẻ trầm ngâm anh ta hỏi:

 

- Làm gì mà cau có thế kia?

 

Tôi nói thật với anh điều tôi đang suy nghĩ. Anh ta cười ngất và bảo:

 

- Thế thì anh lẩn thẩn thật, muốn biết rõ cái gì thì phải được mặt thấy tai nghe kỹ càng. Anh muốn biết người “Pháp mới” thế nào thì đi với tôi lên trường Bưởi mà quan sát rồi tôi sẽ dẫn anh xuống cửa Đông quan sát người “Pháp cũ” rồi tôi sẽ chỉ cho anh biết chỗ họ khác nhau.

 

Nói xong anh dục [sic] tôi đi ngay. Lên tới trường Bưởi, tôi đã thấy rất nhiều những Tây con xen lẫn với các hàng quá rong vây kín cả hàng rào và tò mò nhìn vào trong. Tôi cũng dừng chân ở bên kia đường và nhìn sang. Bên những chiếc ô-tô Mỹ và Đức tôi đã thấy các người “Pháp mới” trong bộ quân phục Mỹ và hút thuốc lá Mỹ đi lại trong sân ngực ưỡn, đầu cao có vẻ anh hùng tệ. Và ở cổng trường hai người “Pháp mới” đứng canh với các khí giới Mỹ cũng tối tấn [sic]. Tôi hỏi bạn:

 

- Đâu, anh bảo họ khác nhau ở chỗ nào! họ cũng vẫn mặt mũi ấy tóc ấy và tiếng nói ấy.

 

Anh ta gắt đùa:

 

- Sao anh nóng ruột thế, anh cứ chịu khó nhận xét kỹ càng những y phục, dụng cụ và khí giới rồi chốc nữa anh đi lên cửa Đông xem người Pháp cũ rồi tôi sẽ xo xánh [sic] cho mà xem.

 

Một lát chúng tôi cùng nhau lên cửa Đông. Ở các gầm cầu xưa kia chỉ có các kẻ hành khất vào chú [sic]ngụhoặc chỉ để những khách qua đường túng bí thì vào đấy phóng uế trộm, giờ đã thành những căn phòng bày biện đủ các đồ giải khát và quà bánh và trong phòng những mầu sắc lòe loẹt của các me xen lẫn những tiếng tình tự mà chỉ các người “Pháp cũ” đó mới hiểu nổi, mới chịu được. Ở đấy chưa đủ, bạn tôi kéo tôi đến một cái bãi ở gần cầu. Một lớp nhà lá, và sự huy hoàng làm cho người ta vừa cảm thấy cái đầm ấm và cả cái mát mẻ. Các người “Pháp cũ” sóng đôi với những tấm thân liễu yếu đào tơ. Tôi cảm thấy các người “Pháp cũ” có vẻ thân thiện và đoàn kết chặt chẽ với người Việt Nam hơn. Bạn tôi nói:

 

- Đấy anh xem cái không khí ở đây thần tiên có cổ xưa hơn ở trên trường Bưởi không? Đây này anh xem các người “Pháp cũ” cái gì của họ cũng cũ cả, quần áo là quần áo của nước “Pháp cũ” xửa [sic] lại còn các người “Pháp mới” kia họ đều có một cái vỏ Mỹ bao bọc ở ngoài, cái khác nhau là ở chỗ đó. Tôi chợt tỉnh ngộ và thâm cảm. Nhưng tôi nghĩ:

 

- Những người “Pháp cũ” có lẽ họ cảm thấy mình già rồi, không phải là thời của mình nữa nên họ cũng đâm ra lẩn thẩn và ưa cái thú nhà tranh vách nứa mộc mạc này. Họ thành ra những nhà ẩn sĩ cả và nhường lại cho những kẻ hậu sinh những người “Pháp mới” hành động.

 

Tuy vậy nhưng tôi rất lo - Bệnh “Pháp cũ” biết đâu chả là một bệnh truyền nhiễm. Mùa hạ sắp tới chưa thấy cái người “Pháp mới” làm cái gì hợp lý cả, ngộ nay mai gió Đông Nam thổi về Tây Bắc mang theo cái hạt bệnh “Pháp cũ” từ cửa Đông về trường Bưởi thì sao? Ngộ người “Pháp cũ” cứ sống mãi mà có một con muỗi phiêu lưu đã từng hút máu người “Pháp cũ” bay từ cửa Đông đến trường Bưởi tiêm hạt bệnh cho người “Pháp mới” thì sao? Thật là nhiều sự ngại.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Namsố 108, 27/3/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Người ta kể cho tôi lắm chuyện về dân trí Việt-Nam. Có người bảo dân trí Việt-Nam còn kém lắm và người ta ghé vào tận tai tôi nói nhỏ (có lẽ người ta cũng sợ nốt):

 

- Này anh có biết không tụi công chức, nhất là những anh cao lương hay ngạch tây: dạo này thấy Tây trở lại là chúng nó hoan hỉ lắm đấy. Bọn trí thức còn thế nữa là cùng dân xưa nay chỉ biết cắm đầu cắm cổ nghe đủ trăm thứ mệnh lệnh.

 

Những người nói những câu chuyện ấy thực đã quá bi quan và mất hết lòng tin tưởng nên tôi không muốn nghe họ vì tôi lúc nào cũng vui cũng đầy tin tưởng như một cái nụ hoa trên một cành mầm mẫm. Tâm trí họ đã cằn cỗi rồi. Tôi tin rằng: dân trí Việt-Nam lúc này đã đến một trình độ cao lắm, không kể gì vài kẻ bán nước mưu tư lợi, xuốt [sic] đời chỉ muốn trông thấy tư lợi. Những hạng như thế ở nước nào chả có, nói chi nước Việt-Nam là một nước bị trị đã bao nhiêu năm giời và cái mầm nô lệ đã được bọn thực dân reo rắc rất có phương pháp.

 

Có người lại bi quan hơn nữa. Họ đến bảo tôi:

 

- Chán quá, rối bét cả, trong nước cứ bè nọ đảng kia rồi khủng bố và khủng bố. Anh tính ngày xưa trong một cái Bắc-kỳ này đi đến tỉnh nào cũng chỉ là chớp nhoáng, thế mà bây giờ, gia đình tôi ở trên Lao Kay chỉ có trông cậy vào tôi. Bây giờ tôi về đây không làm thế nào cho mọi người về được, xe tầu không có. Sự buôn bán đi từ tỉnh nọ sang tỉnh kia phải nộp hai ba thứ thuế, nộp thuế đảng này lại phải ủng hộ đảng kia nữa chứ.

 

Với những câu nói ấy tôi cảm thấy rằng họ đã không hiểu một tý gì cả mà chỉ biết đến cái tư lợi của mình. Tư lợi của họ bị phạm đến thì họ sẵn sàng có thể làm Việt gian ngay. Song những cái đó chỉ là chuyện được nghe thấy. Riêng tôi, tôi đã trông thấy những cái trái ngược hẳn: Ngay những lớp cùng đinh, cũng đã có những cái gì mới mẻ trong người họ. Về nhà quê, nói đến người Pháp tôi không còn được nghe những tiếng “Quan Tây” hay “ông Tây như trước nữa, và những tiếng đó được thay bằng tiếng “Thằng Tây” hay “Tây nó”.

 

Một hôm, gặp một anh thợ cầy tôi lẩn thẩn hỏi:

 

- Nếu quân Pháp đến thì các anh làm thế nào?

 

Anh ta trả lời tôi một cách rất nghiêm trang:

 

- Tây nó đến à! chúng nó chỉ có việc chết đói, chúng cháu sẽ vườn không nhà trống hết và đêm đến chúng cháu sẽ lẻn đến cứ dao mã tấu và bắp cày chúng cháu nện cho thì hết chạy.

 

Câu trả lời đó tuy ngớ ngẩn và khôi hài nhưng nó đã tỏ cái tinh thần và cái dũng cảm của dân mình.

 

Lại một hôm bạn tôi ra chợ mua kim, cô hàng xén đưa cho anh một cái kim xấu. Bạn tôi hỏi:

 

- Cô có kim Tây không?

 

 Cô ta cau mày khó chịu:

 

- Gớm sao cứ ai hỏi cái gì của Tây là tôi ghét thế.

 

Và cô ngấm nguấy [sic] đưa cho bạn tôi một cái kim khác và cô còn bán với một giá rẻ hơn. Cử chỉ đó đã làm tôi cảm động tuy hơi ngạc nhiên về thái độ của nhà hàng không biết chiều khách. Sáng nay tôi lại nhận được “câu truyện anh xe” của một chàng lẩn thẩn số hai viết cho tôi, nhưng vì quãng sau có vẻ khiêu khích chính phủ quá nên không tiện đăng. Chàng ta kể chuyện một hôm gọi xe, người xe nói giá tiền quá cao chàng ta bực mình bảo anh xe:

 

- Tôi đợi Tây mà kéo, Tây mới lắm tiền.

 

Người xe trả lời:

 

- Cậu nói chi thế, nhưng cậu cho bao nhiêu?

 

- Ba đồng.

 

- Thật quả, cậu nói ức mà tôi phải kéo chứ ba đồng bây giờ có bằng ba xu không.

 

Chàng ta ngồi trên xe mà lòng còn phải thắc mắc về cái tinh thần và lòng tự ái của anh xe, anh ta đã bảo cho chàng biết: “Tuy chúng tôi là cu-ly xe, nhưng chúng tôi cũng biết thế nào là quốc sỉ, thế nào là bổn phận làm dân chứ không phải coi tiền hơn Tổ quốc.”

 

Và tất cả những ai đã đi sâu vào miền Trung đều đã thấy cái bồng bột cái sốt sắng của dân chúng ở trong ấy. Ở Huế xe không kéo người Pháp, thực phẩm bán cho người Pháp cũng hạn chế. Nghe tiếng kèn chào cờ tất cả dân chúng đều im lặng đứng nghiêm cả đến anh xe đang chạy cũng dừng lại.

 

Tất cả những cử chỉ đó không hiểu người Pháp hùng mạnh có biết đến không? hay họ thấy lợi dụng được một vài tên Việt gian mà đã tưởng tâm lý của người Việt đều như thế cả. Và những cử chỉ quý hóa trên không đủ để cảnh cáo những quân Việt gian ấy sao? không đủ để những kẻ chỉ dắp [sic] định làm Việt gian phải thẹn với lương tâm sao? Và tôi nghĩ những kẻ nông nổi chỉ lo sợ hão hay những người bi quan vì tư lợi riêng đã vô tình phản động có lẽ không bao giờ họ biết đến các câu truyện đã xẩy ra ở trên kia. Họ nghĩ đến mình họ đã không đủ còn hơi đâu biết đến chuyện người.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Namsố 109, 28/3/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Các bạn nào đã qua một thời kỳ nghịch ngợm ngày thủa bé khi còn đi học, chắc không lạ gì nhiều cái thích lạ lùng của tuổi trẻ: Nhà rộng có thể đi chỗ nào cũng được nhưng có đứa trẻ lại thích chui qua cái gậm bàn và khi đi ra rất lấy làm hả về cái trò của mình. Có đứa thích chui qua hàng rào hay trèo qua cái tường thấp hơn là đi ra đằng cổng.

 

Và trong đời học sinh của chúng ta, chúng ta chắc còn giữ lại những kỷ niệm rất vui và cũng rất sợ về mùa me. Tới mùa ấy hàng me bán khắp hè phố mua độ một trinh thì ăn đến ghê cả răng, thế mà chúng ta tuy có tiền chẳng mấy ai chịu mua ăn. Ai không đã trải qua những buổi đi ném me, ném xấu [sic]! Trưa về, chỉ kịp ăn cơm và lừa cho người nhà không ai để ý, gói một ít muối ớt bỏ cặp thế là chuồn đi học liền. Ra những đường có me, một vài anh đứng canh, còn thì trèo lên vặt lia lịa, có khi những anh đứng canh ở dưới nóng mắt cầm guốc tung lên rơi vào người vào đầu nhau, có khi bị mắc mất cả guốc ở trên cành, có khi bị đội xếp đuổi chạy hết cả hơi, thế mà vẫn lấy làm mãn nguyện sung sướng.

 

Cái sự thích kỳ quặc đó không phải riêng gì của trẻ con. Trong những bọn đi ăn cướp ăn trộm cũng vậy, có những kẻ không phải vì nghèo đói mà phải mạo hiểm như thế, nhưng họ đi ăn cướp vì thích được mạo hiểm. Có những kẻ nhà giầu hết sức, trước khi đi đánh đám nào họ bỏ tiền ra khao quân và khi đi về họ chỉ lấy một vài vật nhỏ để làm kỷ niệm. Họ cảm thấy những cái khoái lạc trong những lúc vào sinh ra tử, những lúc đứng chiến một mình đối phó với hàng chục người và những lúc phải đối phó với hai ba làng ra đón đánh. Về thoát được, họ coi là những chiến công oanh liệt.

 

Còn thực dân Pháp? Thực dân Pháp không biết có phải là đứa trẻ nghịch ngợm không? Thực dân Pháp có phải là những kẻ đi ăn cướp không? Ít ra họ cũng phải là một trong hai hạng người đó nên họ mới có những cái thích lạ lùng như những bọn người trên. Họ thử nghĩ mà xem, đi một cuốc xe vật thử có là bao. Đắt lắm đến mươi mười lăm đồng cũng đã là một sự hiếm, còn thường thường chỉ dăm ba đồng trong khi ấy trong túi họ ít ra cũng có một vài chục bạc thế mà sao họ cứ thích không trả được vẫn hơn. Và nếu không có tiền thì hà tất gì đi ăn ở hiệu. Có đói lắm, ăn xong cứ tử tế gán đồ đạc quần áo có phải êm thấm hơn không. Nhưng tôi chắc họ chả thiếu tiền, những hạng ấy họ đã quen thói ăn cướp quen nghề ăn quỵt rồi. Và đó là sở trường của họ.

 

Rồi đến hôm vừa đây. Họ đã đến cướp sở tài chính của ta và rất nhiều nhà để ở khác. Tại sao thế? Chính phủ Việt Nam đã ấn định với họ khu họ được ở. Sao họ lại còn cố đòi lan ra ngoài. Ví thử nha tài chính và những nhà họ chiếm có ở vào khu đã ấn định nữa, họ có thể đường hoàng thông báo cho Chính phủ ta biết, Chính phủ sẽ êm thấm dàn xếp cho họ đường hoàng đến ở những nơi đó. Nhưng với cái óc thích ăn cướp họ phải cướp được thì mới thú, cho nên đã mang một toán quân đến nha tài chính hùng hổ xông vào trong. Khi ấy chúng ta chỉ có vài anh vệ quốc quân canh gác, rồi họ thị uy mang cả xe tăng lại tưởng như Chính phủ ta đã đặt cả một đạo hùng binh ở đó. Song những việc đó không đáng kể. Cái họ đã làm nhục cho chúng ta là họ đã làm nhục đến lá cờ. Họ coi cướp được nha tài chính như là đã cướp được một cái thành. Họ tự tiện hạ lá cờ của ta xuống để treo lá cờ của họ lên. Cái sự đó rõ ràng là họ đã coi ta như kẻ bại trận. Và không biết số phận của lá cờ ấy sẽ ra sao? Họ có trả lại ta chăng, hay lá cờ lại bị coi như một chiến lợi vật. Đối với thái độ đó Chính phủ nghĩ sao và quốc dân nghĩ sao? Mấy câu hỏi đó thật là lẩn thẩn vì thái độ của Chính phủ và quốc dân ai cũng đã rõ rồi. Họ chỉ im lặng và cả đến các báo chí, tiếng nói của quốc dân, họ cũng còn im lặng nữa là.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 110, 29/3/1946)



Chuyện lẩn thẩn

 

Tổng đình công! Tổng bãi thị!

 

Đó là những tiếng reo mừng trong lòng tôi. Sáng nay ra đứng cửa, tôi đã thấy người ta lũ lượt kéo nhau vác rổ rá không đi về. Tuy không mua được thức ăn, ai nấy đều có một vẻ mặt hân hoan. Cảm động nhất là mấy người thát-mãi trong quân đội Trung hoa. Họ vừa đi vừa quay tròn cái làn tre của họ một cách khoái trá. Một người đứng bên đường hỏi đùa:

 

- Không mua rau à?

 

- À! không có chợ mua cái gì?

 

Và họ cười nói một cách rất vui vẻ, bằng mấy tiếng Việt Nam không dấu. Họ cũng có vẻ bằng lòng cái hành động của dân ta.

 

Mấy trẻ em vừa đi vừa bảo nhau.

 

- Phen này thì Tây treo mõm.

 

Bận thì bận, tôi cũng ra phố chơi, để xem dân ta hưởng ứng phong trào ra sao. Tuy đã tám chín giờ sáng mà phố xá còn tịch mạc. Các cửa hàng đóng im lìm. Tôi có cái cảm tưởng như phố xá vào hôm mồng một Tết. Nhưng hôm nay có một cái vẻ gì nghiêm trang và trầm tịch hơn. Tôi nhìn những người qua lại như có vẻ kiêu căng hơn, hình như họ đang tự đắc vì thấy mình được là một người Việt Nam, một người Việt Nam cương quyết và đang có một sự phẫn nộ ở trong lòng. Coi chừng những kẻ nào phạm đến họ trong lúc này!

 

Tôi đang nghênh ngang, chân dậm [sic] mạnh theo dịp với cái hăng hái của lòng tôi, bỗng một anh bạn ở trong nhà nhô ra và giữ tôi lại. Hình như anh chờ tôi đã lâu, hay anh đang có một bầu tâm sự cần phải gặp một người bạn để giãi bầy. Vừa bắt tay tôi, anh đã đỏ gay mặt:

 

- Không có nghĩa lý gì. Tổng đình công tổng bãi thị hãy còn là kế ôn hòa quá. Đồ hộp chúng nó thiếu gì. Quân đội Mỹ đã quẳng cho chúng nó bao nhiêu! Ăn không hết chúng nó còn bán ra đầy giẫy [sic]. May gặp anh đây, tôi có một kế thiết thực mạnh mẽ hơn và chắc sẽ có hiệu quả hơn, anh phải về viết giúp tôi một bài hô hào dân chúng biểu tình. Chúng ta tất cả thành phố sẽ kéo đến vây chặt lấy nha Tài chính xông vào lôi cả chúng nó ra, và hạ lá cờ của chúng nó xuống xé tan ra từng mảnh, rồi kéo cờ của mình lên. Như thế để chúng biết tinh thần của dân mình. Anh nghĩ xem có phải không? Bãi thị suông thế này tôi sợ kém hiệu quả. Ở đời thiếu gì quân chó má chỉ nhắm mắt theo lợi. Chẳng hạn như có 1 vài anh bồi bếp hay những bọn chó săn cũ như thằng V... chẳng hạn chúng chưa bị trừ khử thể nào chả tìm đến quan thầy của chúng và lúc này thế nào chúng chả dấm dúi cho thầy mấy con gà và ít rau xanh.

 

Anh còn nói, anh còn rủa nhiều câu mà tôi không tiện viết ra đây. Tôi im lặng không can ngăn và không nói gì để làm giảm bớt sự tức giận của anh. Và tôi ước ao, tôi cảm thấy có lẽ những người đi quanh tôi họ cũng mang trong người sự tức giận ấy. Ồ, nếu họ quen tôi chắc họ cũng giữ tôi lại để mà tâm sự như anh bạn tôi đây. Tôi chào anh và nói:

 

- Ý kiến của anh hay lắm. Nếu dân chúng đi đến bước ấy thì thực là hoàn toàn.

 

Anh còn dùng dằng giữ tay tôi căn dặn:

 

- Thế nào anh cũng phải viết lên báo cái ý của tôi.

 

Tôi toan đi, anh lại gọi tôi lại bảo:

 

- Mà việc bãi thị chỉ là bề ngoài, chúng ta phải dùng chính sách tẩy chay mới phải, hàng hiệu vẫn mở, chợ vẫn bán nhưng quân thực dân đừng có hòng vào mua. Anh em bồi bếp thì phải bắt nghỉ cả. Chính phủ sẽ chu cấp cho họ trong khi họ nghỉ việc. Nếu anh nào cố ý đi làm thì bắt giam. Nếu không bắt được họ, sẽ bắt người nhà họ. Phải như thế, như thế mới được.

 

Anh ân cần dặn di dặn lại mãi mới cho tôi đi thoát.

 

Trong lúc này Ban liên lạc Việt Pháp là cái gì? Đó chỉ là một trò múa rối. Mà biết đâu những người Pháp ở đấy không cùng một phường thực dân. Chúng ta với họ đến điều tra chỉ thêm tức lộn ruột chứ được ích gì. Tôi không được cùng đi với họ nhưng tôi cũng đã thừa hiểu thái độ của họ. Họ sẽ gật gà gật gù thản nhiên nhìn công việc của người đồng chủng rồi bảo chúng ta, nửa khiêu khích chúng ta, nửa tán thành công việc của bọn kia. Ờ[,] họ đã làm như thế này, như thế này, được lắm... chúng ta sẽ dàn xếp sau...

 

Và họ mỉm cười trong lòng. Giá phải là một trò hề trên sân khấu thì chắc khán giả được thấy họ lùi lại sau cười một cách khoái trá và chế nhạo những người Việt Nam trong ban liên lạc Việt Pháp cùng đến điều tra với họ.

 

Dân chúng ta hãy chờ xem đến bao giờ cái sự "dàn xếp sau" của họ được thực hiện một cách ổn thỏa và đối với việc mất nha Tài chính chúng ta còn có thể trở lại đấy với những phương pháp ôn hòa chăng?

 

Và tôi đã được thấy sự dàn xếp ấy: Chính phủ đã bằng lòng sự canh chung do 12 người lính Việt, và 12 người lính Pháp và sau này cả nước Việt Nam cũng sẽ dàn xếp bằng cách canh chung chăng? Ô hô! sự quyết liệt của Chính phủ! Có thể thế được chăng? Chúng ta đã cùng với họ canh chung nước Việt Nam 80 năm nay rồi.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 111, 30/3/1946)

 

 

Chuyện lẩn thẩn

 

Có những con chó hoang, mèo hoang không hiểu từ đâu lạc lõng đến nhà chúng ta. Vì tình thương và cũng vì lợi mà ta nuôi nấng chúng, nhưng nuôi nấng với một lòng không tin cậy: Cái phường mẻo mả ấy chỉ ăn vụng khỏe rồi một ngày chán cảnh chán người, chúng cũng đến tếch đi đằng chúng. Còn giống chó tuy là một giống thông minh và biết ơn nhưng cũng có thể có hại được. Chúng ta phải nghi đó là chó điên dại vì giống chó nếu không dại thì ít khi đi lạc lõng như thế. Tiện lợi nhất và khôn hơn hết là đập cho chúng nó chết đi, đỡ lo ngại, và đỡ bực mình.


Song những con chó, con mèo ấy không đáng kể, cả giống người nữa cũng đi hoang như thế nhất là trong thời buổi đói kém này. Có những kẻ nghèo đói dắt con lang thang đi ăn mày. Gặp nhà nào tử tế họ gửi con vào đấy cho nó có chỗ no ấm, hoặc những nhà hiếm hoi muốn cho trong nhà có trẻ, nhận những đứa bé đó làm con nuôi. Thế mà có đứa đã tinh ranh ăn trộm, ăn cắp rồi đi tìm bố mẹ. Có đứa chỉ ở một ít lâu no cơm lành áo là bắt đầu chán người chán cảnh bỏ ra đi.

 

Ngoài những hạng này còn có hạng người lớn nữa cũng đi xin ở vơ vẩn như thế. Chúng ta ai là người dám tin cẩn hẳn mà thâu dụng họ, ai là kẻ dám nuôi ong tay áo. Và sự tin người quá quắt như thế chỉ là một lòng tin dại dột. Chúng ta chỉ dung nạp họ vì thương người đồng loại mà thôi.

 

Giống mèo, giống chó và hạng người kể trên kia, có đi hoang như thế, chẳng qua cũng là vì sự nhu cầu của chúng, sự nhu cầu rất ít ỏi và rất có thể tha thứ được. Nhưng còn những kẻ đi hoang vì lòng tham lam vô độ, đã gây ra biết bao nhiêu cái cơ cực nhục nhã cho nhân loại và làm mất cả cái tinh thần cao quý nhất của loài người, đó là những kẻ thực dân. Họ không chết đói, nhưng họ muốn giầu, muốn sung sướng một cách bất nhân. Họ đã bắt loài người phải làm nô lệ cho loài người và tước hết cả tự do của chúng ta trong khi ấy họ vẫn nêu lên những câu tự do bình đẳng và bác ái của nhân loại. Ngày xưa chúng ta vì lòng tin tưởng đạo giáo mà tha thứ, để cho bọn người đồng chủng của các cha, các cố được ở đất nước này. Ngày nay chúng ta đã lột mặt nạ của chúng, đã làm cho chúng đứng bấp bênh trên một cái trụ lỏng lẻo phải cố sức giữ thăng bằng mới vững; thế mà vì sao một lần nữa chúng ta lại nhẹ dạ tiếp đón chúng và để cho chúng lại đặt vững cả hai chân. Con rắn dù không độc cũng không ai mang về nhà làm gì. Thực dân dù đã đeo một cái mặt nạ mới hiền lành cũng không nên để cho họ vào nữa. Bản tính chúng đã ưa sống dễ dãi và sung sướng bằng mồ hôi, nước mắt, máu mủ của đồng bào ta thì làm sao cho chúng bỏ ngay được cái lòng tham lam và cái chính sách thực dân bóc lột đã ăn sâu vào cân não họ!

 

Trong lòng chúng đã sẵn sàng có những ý định vô lý rồi cho nên mỗi hành động của chúng là một sự vô lý được thực hiện. Lẽ giời là: thuận thì sống nghịch thì chết. Đối với những sự vô lý của chúng tại sao chúng ta lại quá dễ dãi tha thứ! Tha thứ thế là chúng ta đã tự nghịch với chúng ta nghĩa là chúng ta tự đưa chúng ta đến chỗ diệt vong. Đã có lần tôi nói về sự vô lý của họ khi họ thấy cần phải đưa quân lính vào Bắc bộ ta: Chúng giao hữu với chúng ta bằng tinh thần chớ có phải bằng binh bị đâu?

 

Ngày nay họ còn làm một việc vô lý hơn là việc chiếm nha Tài chính. Nếu chiếm để ở thôi còn có lý đôi chút, đằng này chúng chỉ khiêu khích và đòi canh chung. Thật là vô lý quá lắm. Chúng canh cái gì ở trong đó. Kho tàng châu báu của chúng để ở đấy chăng? Làm gì có sự lạ ấy! Hay trong sở Tài chính có người của chúng làm, có một phần quyền lợi của chúng? Càng lạ hơn! Hay chúng lo hộ nước ta có những kẻ ăn cướp đại tài, như các ông Gangsters, thường hay lui tới đó cướp bóc khiến chúng phải lại đó canh giúp. Kỳ quặc quá! Chính phủ ta có thuê chúng gác đâu?

 

Đối với cái óc lẩn thẩn của tôi, không sao tôi giải thích và tìm hiểu rõ được các hành vi của chúng. Tôi mong ở quốc dân, quốc dân hãy tìm hiểu và giải thích hộ. Nhưng tôi chắc những hành vi đó chẳng có nghĩa lý gì hơn là do lòng ưa hành động vô lý của chúng.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 112, 31/3/1946)



Chuyện lẩn thẩn

 

Có người bạn đến bảo tôi:

 

- Này, anh có biết tại sao sự thân thiện Việt Pháp không thể có được không?

 

Tôi còn ngơ ngẩn và nghĩ đó là lẽ dĩ nhiên, còn phải hỏi gì nữa. Nếu họ không thành thực thì làm sao có thể có sự thân thiện được! Tôi chưa kịp trả lời anh đã đưa cái cặp báo cho tôi và giở từng tờ một chỉ cho tôi xem những chữ Việt-Pháp và nói:

 

- Đấy anh thử xem những chữ này lúc thì có dấu liên lạc (1) [(1) - trait d'union.] ở giữa lúc thì không, tỏ ra rằng cái sự liên lạc đó rất là miễn cưỡng. Nếu người ta thật thà muốn thân thiện với nhau thì người ta chẳng bao giờ quên được cái dấu liên lạc ấy.

 

Tôi buồn cười về sự lẩn thẩn của anh, nhưng sự lẩn thẩn ấy không phải là không có ý nghĩa. Đã bao phen xẩy ra những chuyện xích mích giữa chúng ta và người Pháp mà không một lần nào các việc đó được giải quyết một cách thỏa mãn. Ngày hôm nay người ta nói: "Người Pháp đã nhận lỗi" rồi ngày mai người Pháp lại ra phố để gây chuyện với người Việt, thế thì sự điều đình còn có nghĩa lý gì nữa. Giữa người Pháp và người mình đã có một cái hố sâu mà người Pháp đã đào từ tám mươi năm nay. Bây giờ người Pháp còn cứ đào nữa và sẽ đào mãi, thế mà người ta cố ấn vào cái hố ấy một ban Liên-lạc nhỏ xíu lọt thỏm xuống tận đáy thì còn có vết tích gì của sự liên lạc nữa. Những sự khiêu khích vẫn xẩy ra hằng ngày. Ban liên lạc trơ trẽn đứng xem một cách ngượng nghịu. Trơ trẽn nhất là các người Việt Nam trong ban ấy; không rõ họ có biết rằng mỗi ngày người Pháp lại ném một nắm muối vào mặt họ không?

 

Hố chia rẽ bị thực dân Pháp cố gắng dùng toàn lực để đào sâu, trong khi ấy họ lừng khừng gây tình thân thiện hay nói cho đúng họ mua chuộc lòng một vài người. Họ bầy kế trao đổi người sang Pháp du lịch để cho thêm thân mật! Họ làm như dân Việt Nam xưa nay chưa có một người biết cái nước Pháp của họ ra làm sao. Còn cái việc ngoại giao, cuộc đàm phán rứt [sic] khoát do đó mà hai dân tộc hiểu biết nhau hơn thì họ đã lờ đi và khất lần mãi. Hay là người Pháp có cái nhã ý: thấy chính phủ ta là chính phủ mới mẻ chưa hiểu việc: Trong khi họ phái người sang điều tra tình hình dân chúng Việt Nam để định đoạt cách khu xử với người Việt Nam thì họ cũng muốn mình gửi người sang Pháp điều tra ý kiến dân "Pháp mới" đối với Việt Nam để định cách khu xử  với người Pháp. Thật là một việc đáng mừng cho tình bang giao Việt Pháp!

 

Với việc đó, chính phủ Việt Nam đã bằng lòng và đã cắt cử người đi. Trong số đó hình như hầu hết là những nhà trí thức thì phải, những nhà trí thức với nghĩa hẹp của nó nghĩa là những người có bằng cấp trong thời kỳ Pháp thuộc. Và tôi đã được thấy những nhà trí thức như thế trong xã hội Việt Nam. Phần đông người ta cảm thấy mình là người trí thức vì được ăn học nên người ta có cái sở thích là được nói ba hoa. Tôi đã được đọc những câu ba hoa ấy trong tờ "Gió Mới" số 16. Ông Chính Mỹ mà tôi biết chắc là một nhà trí thức vì tờ Gió Mới là cơ quan của tổng hội sinh viên cơ mà! Ông đã viết:

 

"Sự giúp đỡ của họ về mọi phương diện, dù thành thực hay không, cũng có lợi cho một nước mới như nước ta".

 

Tôi chắc ông Chính Mỹ cũng chỉ vô ý vì cái tính ba hoa của các nhà trí thức mà thôi chứ không phải ông có ý về hùa với thực dân Pháp, nhưng sự vô ý đó đã đưa người ta đi quá xa trong khi nước nhà đang tranh thủ lấy nền độc lập hoàn toàn và để cho quốc tế biết mình có thể độc lập được không cần đến Pháp. Nay ông Chính Mỹ nói: Cần người Pháp giúp đỡ về mọi phương diện, nghĩa là cả phương diện canh giữ nước Việt Nam. Nếu thế thì chả cần ông phải nói ra vì điều đó nước Pháp đã tuyên bố từ 80 năm trước. Và ông lại còn thêm vào câu đó: dù thành thực hay không. Nếu bây giờ người Pháp không thành thực thì chắc chắn ông Chính Mỹ sẽ bằng lòng theo chế độ cũ của người Pháp đi rồi còn gì nữa. Thật là một kẻ nô lệ chính tông, kẻ nô lệ tự xưng danh hiệu nhé.

 

Đấy! cái họa nói ba hoa là như thế. Ngày nay chính phủ lại cử các nhà trí thức đi, tôi càng lấy làm lo lắm, nhất là mục đích của họ chỉ đi để gây cảm tình thì lại càng sợ lắm. Họ sẽ sang bên đó để dự trăm thứ tiệc, uống hàng trăm thứ rượu và lúc say rồi thì tha hồ mà lắm chuyện. Con vẹt cũng chỉ đến thế là cùng, vì gây cảm tình với họ thì chỉ có khen họ thôi. Từ chỗ khen đến chỗ nịnh có gì là xa lắm, khi người ta say ấy mà, khi người ta là người Việt Nam nói tiếng Pháp ấy mà!

 

Các ông "đi tây" tương lai, tôi lo sự đi đứt của các ông lắm! Làm sao giữ được huyết mạch quật cường của dân tộc Việt Nam trong người các ông, để tránh nổi các thủ đoạn của người Pháp. Chỉ có một cách là các ông noi gương ông Gandhi. Trong buổi đầu sang thăm nước Anh, ông ta chỉ quấn một mảnh vải theo kiểu Ấn-độ mà tới nơi đô thị đầy những sự ăn mặc phiền phức của người Anh. Trong bàn tiệc, người ta xin ông tuyên bố, thì ông im lặng không chịu nói gì hết. Trên tầu, người ta mời ông ngồi hạng nhất nhưng ông nhất định chỉ ngồi hạng bét và mang theo cả guồng tơ lên trên tầu, trong khi tầu chạy ông ngồi quay tơ để giết thời giờ. Chắc các ông cho là ông ta gàn đấy nhỉ! Vâng, ông ta gàn nhưng ông ta còn là người Ấn-độ. Còn các ông, tôi chỉ mong các ông gàn như thế.

 

Nếu các ông không chịu được những sự ương gàn ấy xin các ông ở lại nhà, lúc này là lúc quốc gia hữu sự không phải là lúc đi chơi bời thì sự trao đổi cảm tình như thế cũng không cần lắm hay nếu Chính phủ muốn phô bày một người Việt Nam hoàn toàn về cả vật chất lẫn tinh thần thì tôi xin đề cử mấy người dân quê và thợ thuyền. Họ là những người Việt Nam thuần túy nhất, họ không hiểu tiếng Pháp, họ sẽ không bị quyến dỗ. Họ không biết nói văn hóa như thế sẽ tránh được sự sai lầm và nếu hỏi để ý kiến người Việt Nam đối với thực dân Pháp thì họ sẽ trả lời: chỉ có đánh và đánh, vì thường ngày họ trực tiếp với dân chúng và đã biết ý của dân chúng chỉ có thế. Nhất là lúc họ say rượu thì đối với việc ẩu đả họ sẽ càng hăng lắm.

 

Quốc dân và chính phủ! những người đó mới thật là được việc, mới thật là những người làm vinh dự cho đất nước.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 113, 2/4/1946)



Chuyện lẩn thẩn

 

Bọn lang băm với bọn thực dân đều theo một chủ nghĩa, một chính sách: cái chính sách: sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi: Dăm ba ô thuốc mốc, học được vài môn gia truyền, chữa được một vài người may mà khỏi thế là họ đã mang danh hiệu ông lang. Cái hại của bọn lang băm gây ra rất lớn, nhưng họ cũng còn có ích đôi chút vì nếu gặp con bệnh mắc đúng bệnh trong môn thuốc gia truyền của họ thì chắc chắn họ sẽ chữa được khỏi. Hay ít ra họ cũng an ủi được người nhà con bệnh và làm người ta được yên tâm. Còn bọn thực dân, tuy mang danh đem văn minh đi chữa cái dã man cho thế giới, cho nhân loại, kỳ thực chỉ khuấy rối nhân loại. Bọn lang băm chữa bệnh còn mong mỏi cho bệnh nhân khỏi để nổi tiếng mới đông khách, chớ bọn thực dân đến cai trị ở đâu thì dân ở đó chỉ còn sống ngắc ngoải để chờ ngày tiêu diệt. Chúng dùng hết cách để bóc lột. Mỗi khi có một phong trào ái quốc của dân bị trị là chúng không nề hà gì mà không dùng những phương pháp khốc hại độc ác để đàn áp. Cái chính sách của chúng là bòn rút khiến cho dân bản xứ bị thiếu thốn và chỉ có làm công cho chúng thì mới đủ ăn; là chia rẽ, gây mầm chia rẽ để mà trị, gây những tham vọng khác khiến cho "dân bản xứ" quên hết cả cái quốc cách và nhân cách của mình mà xu phụng chúng.

 

Với cái chính sách ấy, nước Việt Nam ta đã chịu bao nhiêu năm giời cơ cực. Kẻ nghèo khó xuốt [sic] đời cặm cụi ra sức sốc [sic] vác mà không đủ ăn ngày hai bữa không đầy đủ bằng con chó của chúng. Còn bọn giầu có cặm cụi học hành rồi đi du học nữa mà về nước cũng chỉ làm công cho chúng lấy vài trăm bạc lương một tháng. Chúng gây ra biết bao nhiêu hư danh, nào hàn lâm, cửu phẩm mề đay và hàng trăm thứ chức tước khác để người ta tranh nhau. Đối với dân chúng, chúng gây sự chia rẽ giữa người Bắc và người Nam.

 

Cả ngày nay nữa chúng vẫn còn mê hoặc được một bọn VIệt gian trong Nam để tẩy chay người ngoài Bắc bộ và đòi cắt Nam bộ ra làm một khu riêng. Vô lý không! Đối với việc Trần-tấn-Phát, chúng đã nêu lên rằng: người Bắc vào Nam chỉ để khu ấy rối và làm hại, giết chóc người Nam, rồi lấy nhân nghĩa, vì người Nam mà trục xuất người Bắc khỏi đất Nam bộ. Vô lý không! Đất nước của mình mình cũng không được tự do ở.

 

Những thủ đoạn ấy còn chưa đủ, đối với quốc tế, bọn thực dân Pháp đã làm gì? Chúng giở thủ đoạn mập mờ để làm cho thế giới hoang mang. Chúng ta nói Bắc bộ với Nam bộ cùng là một nước Việt Nam và nói một thứ tiếng nhưng thường ngày chúng ta vẫn được thấy đài vô tuyến điện Sài-gòn phân biệt tiếng Bắc với tiếng Nam và những giờ phát thanh cũng khác nhau. Cái thủ đoạn hèn nhát ấy sẽ lừa bịp được ai, thế giới có còn coi đất Việt Nam như mấy chục năm trước nữa đâu? Một người Mỹ khi tới Hà-nội đã nói:

 

- Cứ xem các báo Pháp thì tôi tưởng tượng nước Việt Nam là một nước hãy còn ăn thịt người. Không ngờ, tới đây tôi đã thấy một quang cảnh khác hẳn, đầy những ánh sáng và văn minh.

 

Tới ngày nay người ta đã tưởng thấy cái mạt kiếp của bọn thực dân. Phúc cho chúng là hiểu biết cái thời mạt kiếp của chúng mà tự ý rút lui như nước Anh đối với Ấn-độ chẳng hạn thì còn mong có ngày mở mặt. Tôi, người Việt Nam, tôi rất tin ở những sự quả báo: những kẻ đã làm ác chỉ qua được đời mình là sung sướng (cũng chưa chắc!) Còn đến đời con cháu là lụn bại ngay. Biết bao nhiêu ông quan thét ra lửa đấy rồi con cháu cũng đến đói, khó chứ có hay gì. Còn bọn thực dân, tội của chúng đã tầy trời nên thượng đế không để cho chúng nhìn thấy lẽ phải và lần này mà chúng làm thêm một tội ác nữa ở trên đất Việt Nam, thì tôi chắc rằng chúng phải trả cái nợ đó bằng xương máu của chúng và của tất cả bầu đoàn thê tử của chúng, mặc dầu mấy hôm nay chúng ta đã được thấy từng đoàn xe vận tải chở hàng lũ già yếu và trẻ con đi nơi khác và đem những kẻ khỏe mạnh tới Hà-nội.

 

Về kinh tế, chúng ta đã chịu bao nhiêu sự khốn đốn. Tuy nói là khai thác nước mình, sự thực, chúng chỉ lợi dụng nhân lực của ta để kiếm nguyên liệu về cho chúng. Cả đến gạo là thứ mà chúng ta sản xuất thừa thãi, thế mà dân ta ít năm đã đủ gạo ăn, không mấy năm là không có vùng bị nạn đói kém. Hai ba năm nay ở Bắc bộ người chết đói có tới hai, ba triệu, thế mà vừa rồi lại có tin Đông-dương thừa gạo. Điều đó đủ chứng tỏ rằng bọn thực dân đã làm tai hại cho chúng ta biết chừng nào. Ông Mounbatten chỉ đi qua Sàigòn mà tuyên bố như vậy đủ biết gạo ở Nam bộ đã thừa để nuôi sống một phần dân Úc Châu còn đồng bào Bắc bộ không được trông mong gì vào sự sản xuất của anh em đồng bào trong Nam bộ.

 

Trong quốc tế bất cứ ở một nước nào bọn lang băm vẫn bị kết tội nặng, gần ngang với tội giết người, thế mà đối với cái tội thực dân hình như người ta không chú trọng đến cho lắm.

 

Chàng Lẩn Thẩn

(Việt Nam, số 114, 3/4/1946)





Khái Hưng viết thời luận (1) - 7


No comments:

Post a Comment