Nov 7, 2009

Lévi-Strauss và các mối quan hệ

Người ta hay coi Anthropologie structurale (1958) của Claude Lévi-Strauss là giấy khai sinh của cấu trúc luận. Cái này tôi không tin lắm nhưng cũng không có gì quá sai trái. Quyển Nhân học cấu trúc này tập hợp một số tiểu luận của Lévi-Strauss, trong đó có Race et Histoire (Chủng tộc và lịch sử, một trong hai công trình "theo đơn đặt hàng của UNESCO", cái thứ hai sau này là Race et Culture, Chủng tộc và văn hóa, sẽ gây xì căng đan hồi đầu những năm 1970, cụ thể thế nào thì sẽ nói sau). Theo cách nhìn của tôi thì vai trò cổ thụ trong cấu trúc luận của Lévi-Strauss còn thể hiện ở các mối quan hệ cá nhân.

Trên con tàu biển được miêu tả ở đoạn đầu Nhiệt đới buồn, Lévi-Strauss ngoài gặp Victor Serge còn gặp André Breton, và hai người sẽ còn giao thiệp thư từ trong nhiều năm. Nhưng sang đến New York mới là cuộc gặp "định mệnh": gặp Roman Jakobson khi ấy đang làm người lưu vong. Đó là năm 1946, New York đang trở thành thủ đô lưu vong thế giới. London cũng là một thủ đô của người Pháp lưu vong, nhưng chủ yếu là của lực lượng de Gaulle, còn New York thì đông đặc trí thức châu Âu. Jakobson và Lévi-Strauss gặp nhau, cuộc gặp hơi giống như khi Freud gặp Jung lần đầu, tức là kéo rất dài, rất khuya. Không biết Lévi-Strauss có hài lòng không, nhưng Jakobson thì bực mình lắm, vì hóa ra tay người Pháp không biết uống rượu, không hiểu vodka là cái gì. Jakobson là con người nồng nhiệt (nhưng có nồng nhiệt mấy thì cũng không gặp được Bakhtine, vì Bakhtine không muốn gặp, như Todorov từng viết trong một bài trên tạp chí Esprit).

Cuộc gặp này quan trọng ở chỗ nó sẽ có kết quả mấy năm về sau là bài nghiên cứu viết chung của Lévi-Strauss và Jakobson, phân tích "một cách cấu trúc" bài thơ "Mèo" ("Les Chats") của Baudelaire. Việc nảy sinh cấu trúc luận còn bắt nguồn từ những người như Émile Benveniste hay Maurice Merleau-Ponty, nhưng mang tính quyết định (một cách trực tiếp, một cách kỹ thuật, nguồn cảm hứng, và cách thức thao tác) chính là cặp Lévi-Strauss và Jakobson. Một mối quan hệ cũng quan trọng không kém nữa và sau này một chút (trong những năm 1960) là quan hệ Todorov-Genette.

Quan hệ giữa Lévi-Strauss với Jakobson có thành tựu là bài nghiên cứu mèo, nhưng một mối quan hệ khác của Lévi-Strauss tuy không có thành tựu nhưng cũng lại tác động mạnh mẽ đến lịch sử cấu trúc luận.

Lần này là quan hệ Lévi-Strauss và Roland Barthes. Nghe kỳ cục nhỉ, nhưng Lévi-Strauss chính là người tàn phá tương lai khoa bảng của Barthes. Hồi đó Barthes mang đề cương tiến sĩ của mình tới gặp Lévi-Strauss thì bị Lévi-Strauss từ chối thẳng thừng không nhận hướng dẫn (chắc chẳng hiểu thằng chả định làm gì). Luận án đó chính là Le Système de la mode (Hệ thống mốt) sau này.

Vì không có một con đường học vấn "chính thống" (do có bàn tay Lévi-Strauss, ít nhất là một phần) mà Roland Barthes trở thành Roland Barthes chăng?

Dù gì thì Roland Barthes cũng luôn thể hiện sự ngưỡng mộ và tình cảm trìu mến với Lévi-Strauss. Hình như ngay cả trong Critique et Vérité (Phê bình và sự thật; "sự thật" chắc là chính xác hơn "chân lý") cũng có một số đoạn vinh danh Lévi-Strauss.

+ Cập nhật: vừa kiểm tra lại thì không phải Barthes nói tới Lévi-Strauss trong Critique et Vérité, mà nói rất nhiều trong tập Essais critiques. Trong toàn bộ tác phẩm của Barthes, Lévi-Strauss là một trong những cái tên trở đi trở lại nhiều lần nhất; mãi cho tới giai đoạn cuối đời (giai đoạn Barthes-nhà văn), tức là khoảng 1977-1980 thì Lévi-Strauss mới thôi ám ảnh Barthes.

+ Chủng tộc và lịch sử không nằm trong Nhân học cấu trúc 1958, mà nằm trong Nhân học cấu trúc II (Anthropologie structurale deux, 1973).

9 comments:

  1. "vai trò cổ thụ trong cấu trúc luận của Lévi-Strauss còn thể hiện ở các mối quan hệ cá nhân" --> hình như bác NL phải nói ngược lại mới diễn được cái chủ ý bài viết này chứ nhỉ? Vì [theo bác thì] 'các mối quan hệ cá nhân ấy' nó 'tác động mạnh mẽ đến lịch sử cấu trúc luận' mà?

    ReplyDelete
  2. nghĩa là [theo bác thì] nên viết "các mối quan hệ cá nhân của Lévi-Strauss cũng thể hiện vai trò cổ thụ của ông trong lịch sử cấu trúc luận"?

    ReplyDelete
  3. Ở đây có hai 'phạm trù' cần coi:
    A) [lịch sử] cấu trúc luận của Lévi-Strauss, và
    B) các mối quan hệ cá nhân [của Lévi-Strauss].
    Cái bác NL muốn nói ở bài này chính là: cái B nó tác động [mạnh mẽ] đến cái A. Tức, nói nôm na, cái B nó [được] 'thể hiện ở' cái A. Hoặc, cái A nó tái hiện/thể hiện cái B.

    Túm lại, cái 'ngược' của bác nó nằm ở chỗ bác xài dư chữ "Ở" (trong cụm 'thể hiện ở'), làm cho em có cảm giác A là 'con' của B. Và túm lại, bác sửa câu đó lại thế nào thì tùy bác, miễn sao bác make clear được cái chuyện B là 'con' của A. :-)

    Cám ơn bác NL về bài viết.

    ReplyDelete
  4. Ai không bị bệnh sợ toán thì đọc bài

    On the canonical formula of Levi Strauss

    của Jack Morava ở đây

    http://arxiv.org/pdf/math.CT/0306174

    ReplyDelete
  5. Bác NL: Hôm nay đi mua Nhiệt đới buồn, em tình cờ vớ được một quyển của Romain Gary. Thì ra Romain Gary đã đến Việt Nam từ năm 1988 rồi bác ạ :)). Quyển này là "Education europésanne" (Bản dịch tên là "Bao người chờ đợi", nxb Thuận Hóa). Đây là tác phẩm đầu tay của Romain Gary phải không bác?

    ReplyDelete
  6. Ô, bác THT, hóa ra các nhà toán học quan tâm theo khía cạnh này à. Nhìn đúng là ù cả đầu, "finite non-commutative groups" là "các nhóm phi giao hoán hữu hạn" ạ? Cuối cùng cái câu "the man knows his business" là dễ hiểu nhất :)

    blake: chắc là đúng đấy, thời của NXB Thuận Hóa anh cũng đã từng nhìn thấy một quyển Linda Lê, sợ chưa. Nó là "Éducation européenne" (Giáo dục châu Âu). Kể về các nhóm kháng chiến Latvia trong Thế chiến thứ hai. Tác phẩm đầu tay đấy. Có người còn cho biết quyển "Chien blanc" (Chó trắng) cũng dịch rồi, giai đoạn sau giai đoạn NXB Thuận Hóa, mà là Nguyên Ngọc dịch đấy :)

    ReplyDelete
  7. Câu chuyện nhiều người biết là Levi Strauss và Andre Weil từ ngày xưa đã viết chung một bài báo về chuyện này rồi. Hai cụ này ngày xưa học cùng nhau ở Normale. Cụ Weil quan tâm đến đủ thứ từ Anthropologie
    đến Sanskrit nên thực ra cũng không đáng ngạc nhiên lắm. Nhưng câu chuyện tiếp diễn đến bây giờ thì là chuyện lạ. Cái bác Morava này là một cây tô pô rất xuất sắc. Nịnh khéo có khi bạn Lê Minh Hà sẽ giảng cho ta nghe cái bài này của ông Morava đấy.

    ReplyDelete
  8. Em xin trân trọng thông báo là anh Tòng của anh đã về tới văn phòng trong này. Tuy nhiên, em suy nghĩ lại rồi, sách quý, anh nên nhờ ai tiện từ SG ra HN cầm hộ. Em gửi cho anh nhỡ thất lạc thì phí, phí lắm.

    ReplyDelete
  9. @NL: Em có đứa bạn thân từ HN sắp vô SG rồi ra lại HN, nếu anh muốn bồ câu đưa thư thì ới em tiếng nhé.

    ReplyDelete