Nov 4, 2009

Những người đi

Vào mạng hôm nay thấy thật nặng nề. Bác Văn Ngọc (Phạm Ngọc Tới) đã qua đời. Tôi gặp bác Văn Ngọc đúng một lần, nhưng rất quý mến phong cách nhẹ nhàng cả trong cử chỉ lẫn tiếng nói. Xin được gửi lời chia buồn từ xa tới gia đình và nhóm bạn thân của bác.

Một người nữa cũng vừa mất là Claude Lévi-Strauss. Tôi không làm về dân tộc học hay nhân học, nhưng Lévi-Strauss là một trong những người đầu tiên khơi gợi ý muốn nghiên cứu ở tôi. Hồi đó, khi còn khá nhỏ, tôi đọc được một tập tài liệu do mấy nhà nghiên cứu người Pháp sang Việt Nam giảng cho giới nghiên cứu ở đây, trong đó tập trung vào các nhân vật Émile Durkheim, Marcel Mauss và Claude Lévi-Strauss (có thêm cả Louis Dumont). Tôi vẫn còn nhớ những cái tên này được gắn vào dòng chính, dòng quan trọng nhất, xuất chúng nhất của dân tộc học Pháp. Từ Émile Durkheim tôi học được về sự ra đời của ngành dân tộc học, sau này là thêm lý thuyết về tự tử. Từ Marcel Mauss tôi biết được người ta đã từng nghiên cứu sâu sắc như thế nào về potlatch, voodoo, nhất là "le don" (sự trao tặng) ở các tộc người.

Nhưng từ Lévi-Strauss tôi mới học được nhiều thứ, từ cách tổ chức hôn nhân ở các tộc người sao cho tránh được loạn luân (công trình đầu tay của Lévi-Strauss đã lái ngược chiều dân tộc học cho đến khi ấy vẫn có quan niệm rất khác về hôn nhân ở người man dã). Phần hai của La Pensée sauvage nghe nói chính là một tranh luận của Lévi-Strauss phản đối lý thuyết của Jean-Paul Sartre, nhưng không nói rõ ra. Cái lớn nhất tôi học được từ Lévi-Strauss, tuy vậy, lại là một điều khá vô hình, không phải kiến thức. Tôi vẫn còn rất nhớ một lời miêu tả Lévi-Strauss: ngay từ khi còn nhỏ, đứng trước mọi sự hỗn loạn của cuộc sống tự nhiên hay xã hội lúc nào ông cũng hình dung ra, cũng tin rằng có một cấu trúc bề sâu nào đó, vấn đề là phải nắm được nó.

Nhiệt đới buồn như vậy là đã được in ở Việt Nam. Bản dịch của Ngô Bình Lâm, Nguyên Ngọc hiệu đính, Olivier Tessier viết lời giới thiệu, NXB Tri Thức in. Hôm trước ở buổi ra mắt sách gần như các diễn giả không trả lời được tại sao nhiệt đới thì lại buồn. Cái buồn này, biết đâu, lại là cấu trúc tầng sâu mà Lévi-Strauss suốt đời tìm kiếm. Trước đây quyển sách này hay được nhắc tới trong các văn bản tiếng Việt, hoặc dưới cái tên "Nhiệt đới buồn", hoặc dưới cái tên "Chí tuyến buồn".

Ngô Bình Lâm, như hôm ở buổi ra mắt sách Đỗ Lai Thúy có nói, chính là dịch giả quyển sách Hungary nổi tiếng nhất ở Việt Nam: Những ngôi sao Ê-ghe, cuốn sách một thời tôi say mê đọc đi đọc lại, cùng Tô-mếch và thủ lĩnh Tia Chớp Đen, và nữa là Oskeola thủ lĩnh da đỏ.

Ở ngay đoạn đầu Nhiệt đới buồn có nhắc tới Victor Serge. Muốn hiểu tâm trạng của các trí thức châu Âu những năm 1950 thì cần phải nắm được dù chút ít lịch sử hai cuộc thế chiến trước đó, những cuộc chạy trốn của trí thức Nga sang Pháp, những cuộc du hành của trí thức Pháp sang Nga, rồi cái ham muốn thoát khỏi, trước tiên thể hiện ở sự du hành, từ Nerval, Gautier hay Flaubert, sau đó là ở sự thám hiểm vì mục đích nghiên cứu, mà Lévi-Strauss là một đại diện. Victor Serge là một trong các nhân tố đặc biệt của giai đoạn ấy. Một người vô chính phủ, một người thuộc Comintern, từng bị bắt giam ở Pháp nhưng rồi được thả qua trao đổi tù binh (với một nhân vật rất đặc biệt khác là Bruce Lockhart, khi ấy đang bị giam ở Liên Xô vì là nghi can trong một vụ ám sát Lenin, cũng như bị nghi làm gián điệp). Sau này Victor Serge lại bị chính quyền Liên Xô giam, phải nhờ Hội nghị Nhà văn Quốc tế Bảo vệ Văn hóa tại Paris (1935) can thiệp mới được thả. Sự xuất hiện của Victor Serge hay Ilya Ehrenburg ở Paris là một phần quan trọng tạo nên không khí trí thức hồi đó, cái không khí làm nên những con người như Lévi-Strauss.

11 comments:

  1. Anh ơi, cho em hỏi ở đây cái nút Like như bên Facebook í, nó nằm ở đâu nhỉ?

    :)

    ReplyDelete
  2. Lẽ ra nó ở dưới [Posted by] Nhị Linh, nhưng NL chưa lắp cái đấy vào.

    ReplyDelete
  3. À, lý thuyết tự tử có bản tiếng Anh không anh, hay chỉ tiếng Pháp thôi?

    Nếu chỉ tiếng Pháp thôi thì anh có thể gạch đầu dòng mấy ý ngắn gọn nó vuông tròn méo như thế nào được không ạ?

    (Em biết câu này cũng thuộc loại không đỡ được như đang từ hổ vèo qua ngôn ngữ như entry trước trước, nhưng cứ hỏi biết đâu Nhị Linh dễ thương sẽ trả lời giúp, :) )

    ReplyDelete
  4. vào gigapedia load được đấy, bản tiếng Anh: "Suicide, A Study in Sociology" do John Spaulding và George Simpson dịch, NXB Routledge (bản dịch này có từ 1951, còn sách gốc viết năm 1897)

    ReplyDelete
  5. (Sao blogspot không cho copy và dán thông tin bên ngoài vào ô comment ni à?)

    Em vào gigapedia thì search không có, nhưng em vào trang http://avaxhome.ws, copy tên sách Nhị Linh vào phần search thì download được.

    (Trang này download được nhiều sách hay phết mà không cần đăng kí, hôm nọ em download được Hổ trắng - english version; On the road, và nhiều nhiều cuốn nữa ở đây. Tiếc là không có Moon Palace)

    @Nhị Linh: Cảm ơn anh hí. Anh nói vào gigapedia load được tức là phải có username đúng không? Chứ em mới đánh vòng ngoài thì search không ra gì cả.

    ReplyDelete
  6. anh NL sang FB chơi đi, xôm tụ lắm :D

    ReplyDelete
  7. @Nhị Linh: "Những ngôi sao thành Ê-ghen" chứ nhỉ, hay tớ nhớ nhầm?

    ReplyDelete
  8. Hehe, thế Victor Serge là trí thức Nga sang Pháp hay trí thức Pháp sang Nga, hay là cả hai. :D.
    Bác này có cuốn The Case of Comrade Tulayev với tình huống giả tưởng xung quanh vụ ám sát Kirov đọc hay phết.

    ReplyDelete
  9. HY: em nhớ là em nhớ đúng :)

    Victor Serge là người International, không phải "công dân toàn cầu", mà là "quốc tế" :) Có thể đọc Lévi-Strauss miêu tả Victor Serge ở tr.13 bản dịch "Nhiệt đới buồn" tiếng Việt.

    Lịch sử bản dịch này cũng ly kỳ ra phết mà thôi tôi không kể ra ở đây kẻo lại chọc quê một số bác :)

    ReplyDelete
  10. Bạn Nhị Linh cũng thích những ngôi sao Ê-ghe á? Chẹp...

    Trong số những người nổi tiếng vừa mới ra đi còn có cụ Bùi Duy Tân nữa...

    ReplyDelete
  11. The Stars of Eger (1901) của Egri csillagok, đọc là ê-ghe-rờ ạ. Thế chắc phiên âm sang tiếng mình là Ê-ghe. :D Em cũng đang nghiên cứu về committing suicide (seriously!!). Bác còn gì cố vấn cho em đọc không bác? Đương đại một tí càng tốt ạ. Bọn France Telecom bên này trong hai mươi tháng vừa rồi tự tử đến hăm tư đồng chí ấy. Hic.

    ReplyDelete