Nov 18, 2009

Xây dựng huyền thoại

Lịch sử là một câu chuyện giật gân.

Nếu không giật gân, một sự kiện nào đó thật khó lòng có vị trí trong câu chuyện (narrative) lịch sử. Một trong những bộ sử Hy Lạp còn được đọc và nghiên cứu nhiều hiện nay là Chiến tranh Péloponnèse của Thucydide, và rất nhiều bộ sử danh tiếng khác đều như thể khẳng định lịch sử được làm nên từ những thời khắc lớn, với rất nhiều máu và mưu mẹo, và cả tình sử thuyền quyên anh hùng. Để giữ được mức độ giật gân, rất nhiều khi có cảm tưởng như lịch sử buộc lòng phải tự làm cho mình trở nên giật gân. Đọc sách của trường phái Annales, như Georges Duby chẳng hạn, tức là trường phái đi ngược lại xu hướng chính nói trên của viết sử, quả thực là chán rất nhanh :) Lịch sử cũng tìm cách đáp ứng nhu cầu tâm lý của con người, chắc vậy.

Mà muốn giật gân hóa, ít phương pháp nào hiệu quả hơn là xây dựng huyền thoại. Dĩ nhiên huyền thoại (ở đây muốn nói là các câu chuyện có những mục đích rõ ràng về phương diện lịch sử) cũng có nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn, mang tính khách quan (side effect) như là khi Phan Huy Lê nói rõ về huyền thoại Lê Văn Tám thì người ta tức khắc sẽ đâm ra nghi ngờ những gì Viện Sử học Việt Nam nói về lịch sử, nhất là giai đoạn hiện đại.

Huyền thoại có vai trò rất lớn trong những thời khắc lớn của lịch sử, nhất là khi yêu cầu hợp thức hóa, tạo thẩm quyền cho một thể chế trở nên bức thiết, đặc biệt những khi lịch sử có biến động thay đổi đến nền tảng. Trong công cuộc này, văn học là vũ khí vô cùng hữu hiệu. Suốt một thời gian từ khoảng 1950 đến giữa những năm 1980, văn học miền Bắc là cả một ví dụ mênh mông về chuyện hợp thức hóa cho những gì được phát ngôn từ các tầng bậc thuộc thống hệ chính trị [cho đến tận những năm 1930, người ta vẫn dùng thông dụng "thống hệ" hơn "hệ thống"]. Từ ngữ mang màu sắc ý hệ cũng là một đặc điểm tối quan trọng: một số từ ngữ có hàm nghĩa chính trị nặng đến mức khó có thể dùng ở một nghĩa nào khác, chẳng hạn như "lập trường" (hình như Phan Khôi là người nói cái gì cũng lập trường; chắc chắn Phan Khôi là người nói tại sao lại cứ bắt hoa cúc nở hết ra thành cúc vạn thọ), "quốc gia", "nhân dân", "bất cập"...

Chẳng hạn như truyện về Âu Cơ sinh trăm trứng: nhìn từ khía cạnh mục đích, có thể nói đây là câu chuyện phục vụ mục đích chỉ ra người Việt Nam là "đồng bào". Tìm hiểu xem huyền thoại này được nhấn mạnh, được diễn giải mạnh mẽ vào thời điểm nào trong lịch sử sẽ rút ra được rất nhiều điều.

Còn trong thế kỷ XX, công cuộc xây dựng huyền thoại được tiến hành sâu sắc nhất có lẽ ở các thời điểm: quãng những năm 1910 khi Pháp muốn bình định Việt Nam về văn hóa và tri thức; quãng 1954 khi miền Bắc bắt đầu xây dựng nền học thuật "mới"; quãng đầu 1960 khi miền Nam tìm cách khẳng định tính hợp thức của thể chế (ở đây là "Đệ nhất Cộng hòa"); quãng ngay sau 1975 khi một sự "thống nhất về tinh thần" cần được đề cao, và một quãng thời gian hải ngoại, khi văn học được coi như một sự tiếp nối của văn học miền Nam trước 1975.

Các huyền thoại ở những mức độ này tựu trung xoay quanh chuyện nhấn mạnh tính chất liên tục hay đứt đoạn, từ đó mang lại tính chất thẩm quyền và tính chất hợp thức cho một giai đoạn đang mở ra (mấy khái niệm này rút ra từ Michel Foucault và vài người khác).

Ví dụ như khi người Pháp bắt đầu muốn đô hộ Việt Nam ở một bình diện có tính chất tinh thần hơn là cướp bóc vật chất, mấy tờ tạp chí đã được lập ra, là Đông Dương tạp chí, và Nam Phong sau đó một thời gian. Nguyễn Văn Vĩnh từng tuyên bố người Pháp đang giáo hóa dân bản xứ, nhưng không phải cố tình nhỏ giọt để đến nỗi các nhà Nho phải đi đọc sách Tân thư thật là dấm dớ, mà nguyên do là vì "ăn dần sợ nghẹn". Nhưng Nam Phong mới là đỉnh cao của công cuộc này. Bìa sau tờ tạp chí lừng danh và có lịch sử lâu dài (17-18 năm) này có hình con rồng và dòng chữ "Rồng Nam phun bạc diệt Đức tặc".

Tờ tạp chí quan trọng của miền Nam những năm đầu 1960 phải chăng là Phổ Thông? còn ở hải ngoại, xu hướng tìm cách tạo cảm giác về một sự tiếp nối không đứt đoạn phải chăng là các tạp chí trước khi có Hợp Lưu? ngay sau 1975, có thể đọc các tiểu thuyết của Nguyễn Khải như Gặp gỡ cuối năm Thời gian của người. Còn ở miền Bắc, chắc chắn vị trí quán quân của thời kỳ 1954 phải đặt vào Tập san nghiên cứu Văn Sử Địa.

Trần Huy Liệu chính là tác giả của huyền thoại Lê Văn Tám, như ai cũng biết. Đây cũng là một trong những cây bút quan trọng nhất của Văn Sử Địa giai đoạn đầu tiên. Nhìn vào mấy chục số đầu, các đề tài mà Trần Huy Liệu quan tâm là Anh hùng dân tộc, Dân tộc Việt Nam thành hình từ bao giờ, chửi Trần Trọng Kim... Cũng trong những số ấy, các nhà nghiên cứu khác cũng chọn đề tài mang tính mục đích cao độ: văn hóa Đông Sơn, trống đồng, vấn đề ruộng đất, truyện cổ tích, phân kỳ lịch sử văn học, Nguyễn Du, cụm Hồ Xuân Hương-Tây Sơn-Lê Ngọc Hân...

Và cả chuyện diễn giải truyện cũ cũng quan trọng. Mấy số đầu có cuộc tranh luận về cách hiểu bài thơ dân gian "Thằng Bờm", trước hết là Trần Thanh Mại, nói rằng tên địa chủ "Phú ông" đã thất bại trong âm mưu lừa bịp em Bờm, Ngô Quân Miện thì nói luận điệu của Phú ông chỉ là để xỏ lá người nông dân, còn Trần Đức Thảo thì đặt câu hỏi: "phải chăng hai ông bạn đã thực sự đứng trên lập trường bây giờ?"

12 comments:

  1. bài viết này là một câu chuyện giựt gân. he he

    ReplyDelete
  2. Correction
    Hợp Lưu không bao giờ được kính trọng cao bởi dân hải ngoại. Dù trong đấy có bài vở của nhiều tay khá, nhưng Hợp Lưu bị xem là "low class", lý do là học vấn của Khánh Trường kém, hình như chưa qua khỏi bậc Trung Học. Cho nên dù Khánh Trường có đưa những bài vở của các tay giáo sư đại học viết bài nghiên cứu gì đi nữa, Hợp Lưu không phản ảnh được một "trình độ" thẩm bài, thu xếp, và giới thiệu bài một cách tương xứng với một tờ báo muốn đảm nhận vai trò của giới có học. Nếu đem Khánh Trường so với ông Nguyễn Vỹ báo Phổ Thông ngày xưa cũng chỉ trình độ chưa hoàn tất trung học thì OK. Nhưng dân hải ngoại đã ra ngòai Việt Nam, khi đem một vị chủ bút so đo với trình độ các chủ bút khác của quốc tế, thì lấy làm rất xấu hổ vì ông chủ bút Khánh Trường đăng bài lung tung chả ra đầu cua tai nheo như thế nào cả. Hợp Lưu là một tập hợp hổ lốn của một anh cựu trung sĩ làm chủ bút thì làm sao mà dành được sự kính trọng của giới hàn lâm trí thức hải ngoại. Ví dụ có khi Hợp Lưu đăng một bài biên khảo nhưng vì chưa bao giờ đi học một lớp làm research ở đại học (mà ở Mỹ nhiều khi học trò lớp trung học đã học phương pháp này rồi, nhưng vì Khánh Trường chưa đi học một lớp nào hết), nên cậu Khánh Trường dán cắt các footnotes lung tung, chẳng hiểu gì hết. Đọc Hợp Lưu rất khó chịu là vậy

    ReplyDelete
  3. Bác gì vô danh đừng vì bản thân bác khó chịu khi đọc Hợp Lưu mà quy hết thành "Hợp Lưu không bao giờ được kính trọng cao bởi dân hải ngoại". Cái "không bao giờ" với "bởi dân hải ngoại" của bác thì một học sinh VN không cần học qua lớp research nào cũng có thể bác bẻ được.

    Mấy lời của bác đem ra nói chuyện bàn trà (như blog bác Nhị Linh :D) thì OK.

    ReplyDelete
  4. Giới sử học kinh viện ở Mỹ phần lớn không làm lịch sử kiểu nhân vật sự kiện từ khá lâu rồi, tức là hiện nay chỉ toàn nghiên cứu "chán rất nhanh" như bạn Nhị Linh nói. Về nhân vật huyền thoại có lẽ chỉ còn có nghiên cứu lịch sử của các nhà nghiên cứu/nhà khoa học trong lịch sử khoa học/tư tưởng. Không biết xu hướng ở Pháp thế nào bạn Nhị?

    ReplyDelete
  5. dieu NhiLinh noi ve xay dung huyen thoai trc het co y nghia dia phuong VN eg. chuyen "living torch", nhg toi nghi do la khong may 1 truong hop thoai hoa cua LS viet chi de giai thich, ko mo ta. con cac bac thich kinh vien kieu moi thi ke ra cung chan, toan 1 loi thuc chung nhieu khi tron tranh viec nghien cuu that su:(

    ReplyDelete
  6. + Các bác bàn về HL thì có thể ra chỗ khác, tôi đâu có nói cái gì liên quan đâu, còn về HL như thế nào thì không phải tôi không biết.

    + ĐQA: Nghiên cứu theo đúng kiểu Annales, "micro-history" thì cũng chỉ là một trường phái thôi. Ở đây tôi đang thử nhìn lại cách thức nhìn lại lịch sử ở VN; nếu ông muốn có một sample về cách thức nghiên cứu của giới sử học chính danh của Pháp thì có thể tìm quyển "Những di chỉ của ký ức", Pierre Nora chủ biên, NXB Tri Thức mới in gần đây.

    ReplyDelete
  7. Phai tim cuon nay moi duoc. Em thay cuon Que sais-je? co 1 ban ve Lich su doc cung rat bao quat :D

    ReplyDelete
  8. còn một quyển nữa đấy bác, "Các phương pháp lịch sử" của nhiều tác giả Pháp, đã được dịch và in tại Việt Nam cách đây 5, 6 năm (bản dịch không tốt lắm), bìa ngoài có hình tròn tròn

    ReplyDelete
  9. Thanks bác. Nghe quen quen nhưng em search thử không ra. Chắc tên chưa chính xác :D

    ReplyDelete
  10. À nó chính là cuốn mà em nói "Các trường phái lịch sử" trong bộ Que sais-je? Đọc hơi chán nhưng bổ ích :D

    ReplyDelete
  11. Một Trăm Độ xin phép được dẫn bài này của bạn lên Tiêu Điểm.

    Chúc bạn một ngày vui.

    ReplyDelete
  12. em có thể đưa đường link của nhilinhblog lên facebook được không, em muốn các bạn của em có thể đọc được các bài viết trong blog này.

    ReplyDelete