Jun 16, 2011

Biên tập viên là một điều ác :)

Anh giai Frédéric Beigbeder giữ một mục hằng tháng trên tờ Lire, mục này có tên "Mauvaise foi", bác nào rành chủ nghĩa hiện sinh thì biết, nghĩa là "Ngụy tín" hehe. Số 390 tháng Mười một năm 2010 Beigbeder bình luận về vụ Gordon Lish biên tập văn của Raymond Carver, cụ thể là tập Mình nói gì khi mình nói chuyện tình. Tôi đã xem hồ sơ cụ thể vụ đó, bảng thống kê nhìn mà rùng mình: có những truyện trong tập, Lish cắt mất 80% bản thảo, thông qua đó mà biến Carver thành một nhà văn "tối giản" :dd

------------

Việc Nhà xuất bản l'Olivier ấn hành đồng thời bản nháp ban đầu của Raymond Carver và tập truyện ngắn đầu tiên của ông, ra mắt vào năm 1981 (BeginnersWhat We Talk About When We Talk About Love [tên tiếng Pháp lần lượt là DébutantsParlez-moi d'amour]) là dịp cho một cuộc tranh luận theo kiểu chốt hạ, đúng như cách nước Pháp vẫn biết cách tạo ra: những cuộc tranh luận vừa xuất chúng vừa hoàn toàn vô bổ. Câu hỏi mà hai phiên bản của cùng một cuốn sách này khơi dậy thật đơn giản: phiên bản nào hay? Cái mà tác giả xuất bản khi đang còn sống hay cái mà những người thừa kế ông xuất bản sau khi ông mất? Ai có lý: Gordon Lish, biên tập viên đã chặt bửa văn bản của Carver để biến ông thành một nhà văn chuyên viết truyện ngắn súc tích vĩ đại, hay Olivier Cohen, người tiến hành công việc in lại bản đầy đủ của tập bản thảo sau này sẽ bị cắt xén? Một so sánh nhanh chóng giữa hai cuốn sách dẫn tôi đến chỗ, đầy chủ quan, thích phiên bản của Lish hơn, nó cương quyết hơn nhiều. Nó dành lại cho độc giả khoảng không gian của mơ mộng và buồn bã. Bằng cách bỏ bớt đi thứ trữ tình của Carver, biên tập viên ấy đưa cho ông một sức mạnh vượt trội. Nói cách khác, Lish hoàn toàn không phải một nhà kiểm duyệt mà là một "người dàn chữ" (cũng như ta có những người dàn cảnh [tức đạo diễn]). Mặc dù nhào nặn lại tất tật văn xuôi của ông, nhà biên tập vẫn không hề rút mất đi chút gì của cảm hứng và thế giới Carver. Như một người làm vườn hướng lối cho sự lớn lên của một cái cây bằng cách kiên nhẫn cắt tỉa cho nó, và đưa nó đến vẻ đẹp chói ngời đích thực của mình, Lish đã cho phép Carver trở thành "Tchekhov của nước Mỹ". Hẳn nhiên, người có liên quan nhiều nhất trong vụ này không hiểu chuyện theo cách ấy, nhưng sự bội bạc vẫn là món tiền chuộc thông thường mà các biên tập viên làm việc tốt phải trả. Có thể dùng cùng nhận xét này cho Trên đường của Kerouac: cuộn giấy đầy đủ được ấn hành vào năm 2010 thực tình khó nhá hơn nhiều so với văn bản xuất hiện năm 1957. Liệu người ta có in lại mọi thứ giấy nháp của quá khứ nhân danh sự trung thành với những ham muốn không được thỏa mãn của các tiểu thuyết gia trẻ tuổi? Nói tóm lại: các biên tập viên thì để làm gì?

Phần lớn nhà văn cho rằng một biên tập viên là một thằng ăn trộm, một tên lừa đảo, một tay thợ in sống nhờ vào họ, một thứ tầm gửi chẳng có chút khả năng gì. Thôi ta không cần nói lại về chuyện này nữa - nó đã được chứng minh là đúng bằng khoa học rồi. Thế nhưng một biên tập viên đích thực có nghĩa vụ xía vào cái chẳng hề quan hệ tới anh ta: văn bản. Đó là một độc giả không thể không có, người hiểu tất cả, nhìn xa hơn, đoán định được tiềm năng của nghệ sĩ và giúp anh ta thoát được khỏi những thứ ấm ớ của anh ta. Và nếu như người cứu rỗi đích thực của nhà văn lại chính là biên tập viên của anh ta thì sao? Chỉ riêng nhà văn mới có thể nói được cho biên tập viên sự thật. À mà... chỉ khi nào tác giả có được khả năng lắng nghe - cái này thì tỉ lệ nghịch với ego của anh ta.

Có vẻ như là Belle du Seigneur, kiệt tác của một Cohen khác (Albert), đã bị bàn tay Claude Gallimard thiến đi mất một phần ba. Mà ngày nay có ai thấy cuốn tiểu thuyết đó quá ngắn đâu! Biên tập viên có được độ lùi, cái có thể tạo đà tiến cho tác giả. Ta chẳng hề muốn biết tất tật chi tiết đáng tởm trong cái bếp kỳ quặc của họ, đầy những cãi vã, những chầu uống và ăn lấy hóa đơn về tính tiền cho nhà xuất bản. Cảm hứng là một bí ẩn, còn xuất bản lại là một động thái chung quyết. Có bao nhiêu phiên bản chưa ấn hành mà Đi tìm thời gian đã mất có thể đề nghị với chúng ta? Thôi hãy ngừng đi sự quá liều của trò "making of", chẳng qua chỉ là một cách thức phục vụ cùng một món ăn thành nhiều lần mà thôi.

Ngày nay hiếm biên tập viên lắm. Họ không còn thời gian đọc nữa. Nếu sách ngày càng tệ hơn, thì đó là bởi biên tập viên của chúng phải đi họp. Nhưng đừng nhầm lẫn nhé. Cái ngày biên tập viên không còn tồn tại nữa, khi mà các văn bản sẽ được tải trực tiếp về từ Internet, có sẵn đó không qua bước trung gian nào, phải, cái ngày đã rất gần, lúc mọi cuốn tiểu thuyết đều được tự tác giả của chúng biên tập... ngày ấy sẽ chẳng còn ai đọc chúng nữa đâu.

------------

Nhan đề đầy đủ của bài này là "L'éditeur: un mal nécessaire" (Biên tập viên: một điều ác cần thiết) :p

11 comments:

  1. gọi "viên" là "điều" nghe nó cứ sao sao

    ReplyDelete
  2. Phần lớn nhà văn cho rằng một biên tập viên là một thằng ăn trộm, một tên lừa đảo, một tay thợ in sống nhờ vào họ, một thứ tầm gửi chẳng có chút khả năng gì. Thôi ta không cần nói lại về chuyện này nữa - nó đã được chứng minh là đúng bằng khoa học rồi.

    Khoái đoạn này cực!!!

    Dạo này lòng căm thù biên tập viên của mình cứ nói là bốc cao ngùn ngụt, gần bằng lòng căm thù tàu khựa:)

    ReplyDelete
  3. Cái ngày mà "mọi cuốn tiểu thuyết đều được tác giả của chúng biên tập" ... "đã rất gần", thế nhưng không thể phủ nhận ngày càng nhiều những tác phẩm chưa được biên tập kỹ và sự trợ giúp của internet. Mọi thứ đang dần được đưa lên lên không gian số, và ngay cả con người đôi khi cũng sống trong thế giới đó. Khó để thay đổi những gì đang tồn tại, nhưng hy vọng rằng trong số những người đọc entry này sẽ có nhiều người tâm huyết và sẽ đứng lên làm một việc gì đó...cho dù ít nhất thì cũng phải ủng hộ cho bài viết của chú như cháu đây. Hân hạnh :)

    ReplyDelete
  4. Đồng ý với bạn HY. Hay là chuyển thành "Biên tập viên là đồ ác ôn" nhỉ :))

    ReplyDelete
  5. Số mình may vì gặp được BTV ngon, hầu như chả động tí gì vào ngoài... sửa lỗi chính tả. hí hí

    ReplyDelete
  6. "một điều ác" đi đi lại lại khoa dao múa kéo ...trông hay hơn một "biên tập viên" chứ nhỉ :))

    ReplyDelete
  7. gọi là "điều" cho nó máu và đúng tinh thần rẻ rúng chứ ạ hihi

    còn đoạn mà mình thích nhất là "sự bội bạc vẫn là món tiền chuộc thông thường mà các biên tập viên làm việc tốt phải trả"

    ;p

    ReplyDelete
  8. thế là rõ rồi, kẻ thù thứ hai của người viết sau bọn phê bình chính là bè lũ biên tập viên.

    ReplyDelete
  9. Nhưng em quan tâm đến câu sau hơn:"...Có thể dùng cùng nhận xét này cho Trên đường của Kerouac: cuộn giấy đầy đủ được ấn hành vào năm 2010 thực tình khó nhá hơn nhiều so với văn bản xuất hiện năm 1957."

    Nghĩa là sao cái bản năm 2010 và 1957 nó khác gì nhau hả anh, mà sao cái bản em đọc lại là năm 2008 đó, có phải chính cũng là bản 2010 không anh. Khổ cái em mê cái quyển này nên lời vàng ý ngọc của anh làm em tự dưng hoang mang lắm ạ.

    ReplyDelete
  10. à tức là năm 1957 NXB in bản đầu "On The Road", đã qua biên tập, còn năm 2010 lại in bản thảo đầu tay của Kerouac, gọi là "original scroll", gọi thế là vì Kerouac viết quyển này trên một cuộn giấy dài mấy chục mét

    bản 1957 biên tập nhiều, cắt bỏ và đổi tên nhân vật (Kerouac toàn tương luôn tên thật người ta vào)

    mình cũng có bản "original scroll" này, để hôm nào tìm lại trưng bày sau nhé :p

    ReplyDelete