Jul 28, 2013

Trong cuộc đối đầu Nhất Linh Nguyễn Tường Tam-Thiên Hư Vũ Trọng Phụng

Hai mệnh đề sau đây trong rất nhiều năm là "đường lối sáng tác", "đường lối văn chương" không được tuyên xưng chính thức nhưng được mặc nhiên thừa nhận rộng rãi:

Thứ nhất là mệnh đề của Nam Cao: "Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than."

Thứ hai là mệnh đề của Vũ Trọng Phụng: "Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi coi tiểu thuyết là sự thực ở đời."


Hai mệnh đề này không chỉ làm khổ học sinh Việt Nam suốt thời ngồi trên ghế nhà trường (nhất là học sinh chuyên văn), mà còn làm hại lâu dài cả văn chương Việt Nam nói chung.


Hai lời phát biểu dưới dạng tuyên ngôn này trùng nhau về ý tưởng chính: văn chương là sự thật, một sự thật "trực tiếp" mà nhà văn hứng lấy từ đời sống. Thế nhưng Nam Cao đã nói ngược, vì nghệ thuật chính là, và phải là "ánh trăng lừa dối", nó phải là một sự thật kiểu khác. Cái "nên là" sự thật cuộc đời ở cấp độ trực tiếp nó phù hợp khủng khiếp với lý thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, và bao nhiêu năm người ta mơ tưởng đến nó thông qua những chuyến đi thực tế liên tu bất tận để hái, để bứng hiện thực nhét thẳng vào trang sách. Kết quả, ở mức độ biểu tượng, là như thế này: "Nông trường ta rộng mênh mông/Trăng lên trăng lặn cũng không ra ngoài". Nguyễn Khải đi thực tế để viết ra những Chủ tịch huyện, nhưng sau này nhờ bứt (một phần) khỏi cái trường lực thực tế trực tiếp ấy mà Nguyễn Khải hay Nguyễn Minh Châu mới viết ra được một vài thứ có chút giá trị.

Nghệ thuật hoàn toàn có thể không là ánh trăng lừa dối, nếu nó chỉ là một dạng văn chương tồn tại cùng với những dạng văn chương khác, nhưng một khi trở thành uy thế độc tôn, nó cũng độc hại như bất kỳ một nền chuyên chế tư tưởng nào.


Bởi văn chương là sự đa dạng khủng khiếp. Giờ đây nhìn lại, tôi thấy trong cuộc bút chiến giữa Nhất Linh và Vũ Trọng Phụng, văn chương Việt Nam đã một lần được đứng trước khả năng lựa chọn: lựa chọn "theo" Nhất Linh hay lựa chọn "theo" Vũ Trọng Phụng. Thực tế sau này cho thấy, Vũ Trọng Phụng chính là người chiếm ưu thế. Hậu quả của điều đó là gì?


Hậu quả lớn nhất là Việt Nam đã không có một nền tiểu thuyết đúng nghĩa. Bởi, lựa chọn "theo" Vũ Trọng Phụng đồng nghĩa với đưa văn chương đi thẳng vào đường lối văn chương gần gần trùng khớp với hiện thực, với sự thật. Điều đó lệch khỏi tinh thần tiểu thuyết. Vũ Trọng Phụng chưa bao giờ là một tiểu thuyết gia, mà là một nhà phóng sự, một nhà viết kịch phi thường. Vũ Trọng Phụng cũng không có khả năng về trừu tượng hóa, về hình dung ra những hoàn cảnh nhân sinh bao quát. Ông rất giỏi nhặt lấy lời nói, nhưng không phải suy nghĩ. Ông phóng to những gì nghe được để làm thành câu chuyện (điển hình là Cạm bẫy người, khi mà Vũ Trọng Phụng chỉ nghe vài câu chuyện để dựng nên toàn bộ khung cảnh của trò bài bạc), nhưng ông không hình dung được câu chuyện từ khởi nguyên của vấn đề. Ông lại hoàn toàn không biết tả cảnh.


Nhân vật của Vũ Trọng Phụng không suy nghĩ, vì đó không phải là nhân vật tiểu thuyết.

Và tại sao người ta lại chọn "theo" Vũ Trọng Phụng mà không "theo" Nhất Linh? Câu trả lời với tôi rất đơn giản: vì đó là con đường dễ, trong khi con đường tiểu thuyết của Nhất Linh không dễ, con đường ấy vất vả đi qua luận đề, qua nội tâm, đi vào sự phổ quát.

Được một lần có thể lựa chọn, văn chương Việt Nam đã lựa chọn con đường dễ, con đường văn chương nhào trộn với báo chí, coi "ngồn ngộn hiện thực" như là phẩm tính nổi trội của tiểu thuyết, trong khi tiểu thuyết chỉ có thể bị gây hại bởi cái "ngồn ngộn hiện thực" ấy.

Tôi từng viết, "Tiểu thuyết Việt Nam có bao nhiêu phần thoát thai từ ánh mắt bên dưới cặp lông mày nét mác của Nhất Linh?" Điều có thể thấy rõ là con đường tiểu thuyết Nhất Linh bỗng chốc từ vị trí bao trùm lại trở thành một ngách nhỏ rất ít người đi được. Sự ồn ào của "con đường Vũ Trọng Phụng" đã làm khuất lấp đi những thành tựu văn chương tuyệt vời của Tự Lực Văn Đoàn, ở đó bộ ba Nhất Linh-Hoàng Đạo-Thạch Lam cũng xảy ra một điều trớ trêu: sau này hai người tài năng hơn nhiều là Nhất Linh và Hoàng Đạo lại bị chìm lấp đi, làm nền cho Thạch Lam nổi lên. Nhìn lại lịch sử, thấy thật là nhiều chuyện kỳ quái. Con đường Nhất Linh sau này rất ít người đi, thảng hoặc mới thấy một Phan Du của Hai chậu lan Tố Tâm, ví dụ vậy.

Quay trở lại trực tiếp hơn vào cuộc bút chiến Nhất Linh-Vũ Trọng Phụng năm xưa, cái cuộc bút chiến khiến Vũ Trọng Phụng đưa ra lời tuyên ngôn bất hủ trên đây: giờ đây nhìn lại, tôi mới nhận ra, đó không phải cuộc tranh luận về "đạo đức" nói chung (dâm uế hay không dâm uế), mà là cuộc tranh luận về "đạo đức văn chương". Văn chương có đạo đức của nó, và Trương Chính từng chỉ ra rất chính xác, cả Phan Khôi cũng từng nói, Vũ Trọng Phụng luẩn quẩn với những sinh lý. Tôi muốn nói còn nhiều hơn thế: Vũ Trọng Phụng có khoái cảm đặc biệt với những gì thấp kém. Ông không làm tiểu thuyết gia mà cái nhìn của ông chỉ chăm chăm nhòm trộm, ngó vào những gì bầy hầy; một cái nhìn của đất sét.

Di sản của Nhất Linh đã dang dở vì ông không lường nổi hậu thế hóa ra càng ngày càng tiếp nhận sâu sắc khoái cảm Vũ Trọng Phụng. Thế mà, trong cuộc đối đầu hồi ấy, Nhất Linh mới là người có lý nhiều hơn.

-----------



28 comments:

  1. Đầu đề hay quá đi chứ, dư sức để thành một luận án tiến sĩ. Thế nhưng có người đủ khả năng "chấm điểm" chưa?

    Có thể "người ta" chọn VTP vì đó là con đường dễ, nhưng không có nghĩa là VTP đã chọn con đường dễ, hoặc giả con đường ông chọn đã là dễ! Nếu thực sự là con đường dễ thì phải có nhiều người đi chứ, đằng này cùng thời có ai đi ngoài VTP? Ngược lại, tôi vẫn nghi ngờ rằng, văn chương "hướng thiện" luôn luôn là con đường dễ (chọn) nhất.

    Tôi cũng e rằng lối giải thích quy vào "sở thích" hay "mặc cảm tự ti" (giải thích bằng tâm-lý-học nói chung) không được sáng tạo cho lắm.

    Có vẻ bác Nhị Linh quên mất Khái Hưng :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. đúng thế, con đường của Nhất Linh không dễ, con đường của bản thân VTP càng không dễ, tôi hình dung ông ấy đã đánh đổi rất nhiều thứ

      về Khái Hưng: vì mới tìm thêm được tài liệu nên đang nghiên cứu :p

      Delete
    2. Theo trí nhớ về Nhà Văn Hiện Đại - đọc thời 13,14 tuổi - ông VNP đã giải thích hiện tượng văn chương VTP bằng cái "libido". VNP còn nói rõ là VTP bị bệnh lao nặng, mà theo ông (VNP) biết thì người bị bệnh lao có libido rất cao, điều mà cho đến nay tôi chưa đọc thấy ở đâu nói cả (nhưng có lẽ VNP phải đọc ở đâu đó)!

      Nói chung, tôi cho là các nhà phê bình thời đó bị "dội" bởi văn chương "tả chân" (khiêu dục) của VTP. Nói chung rất là lúng túng trong việc đánh giá VTP.

      TB. Theo những gì tôi biết, thì Nhất Linh nể vì có hai người (chấp nhận "ngang hàng"): Khái Hưng và Nguyễn Gia Trí. Đối với NGT thì điều này hơi dễ bởi NGT là họa sĩ thành danh còn NL trước sau chỉ tập tễnh trong nghề vẽ. Nhưng Khái Hưng khác, là "đồng nghiệp". Which means something!

      Delete
  2. Người đủ khả năng chấm điểm thì chắc chắn có - chỉ là người đó có đủ học hàm học vị để được chấm hay không! (Đùa chút thôi!)
    Tôi nghĩ bài này đã đề cập rất thẳng thắn và trực tiếp về một vấn đề bản chất của văn chương. Cảm ơn rất nhiều!

    (F)

    ReplyDelete
  3. Ở miền Nam, 1954-75, Nhất Linh là nhà văn chính học sinh trung học (lớp 6-12) phải học. Thế nhưng,khi qua giai đoạn "cổ tích" (thật ra là truyện Tầu và trinh thám võ hiệp) tôi đã hăm hở nhẩy thẳng vào văn chương "thời đại", như để chạy cho kịp chuyến tầu của nhân loại ngoài kia. TLVĐ nghiễm nhiên trở thành quá khứ, và Nhất Linh là thứ đồ cổ, hay "con voi trong sở thú", như một ví von vào thời đó... Hậu quả là điểm môn Việt Văn của tôi luôn luôn kém, được 10/20 là phải ăn khao!

    Dù thuộc tên hầu hết các tác phẩm của NL và TLVĐ nói chung, nhưng đọc chúng thật sự là sau này. Ngược lại, thời trung học, tôi đọc khá nhiều của những "đối thủ" của TLVĐ, những NT, VTP, NH... và thơ tiền chiến, dĩ nhiên! Và đây có lẽ là hiện tượng "thời đại", vì những đứa bạn học của tôi đều giống y chang, mà các đàn anh kế cận trong trường - một số sau này thành danh như Nguyễn Đạt, Trần Công Tiến, Lê Hoài Quỳnh... - chắc cũng không khác mấy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. nhà văn SG hồi ấy rất mê VTP, Dương Nghiễm Mậu viết một bài rất tình cảm, Mai Thảo gọi văn chương VTP là sà bông đen bài chải cứng còn Nguyễn Mạnh Côn viết cả một thiên tiểu luận

      và người chiêu tuyết mạnh mẽ nhất cho VTP hẳn là Vũ Bằng, người mà tôi thấy là có rất nhiều chất mythomane

      Delete
    2. Ngược lại, có ai "mê" Nhất Linh đâu cà! Phải đợi đúng 50 năm sau mới có một... Linh thứ hai :D (Ít gì, bút danh NL đã khiến tôi tìm đọc lại Nhất Linh, hai cuốn Đôi Bạn và Đời Mưa Gió. Cuốn sau quả là một ngạc nhiên thích thú).

      Có lý quá đi chứ, quả là văn DNM có nhiều "chất VTP" nhất, kế đến là - surprise, surprise - NMC.

      Từ sau 54, vào SG rồi, VB kể như tron trạng thái "hôn thụy", chỉ viết vài cuốn sách về ăn uống, vô thưởng vô phạt. Có lẽ, sự chia đôi đất nước đã cắt đôi con người ông. Ông đã không thể hay không muốn chọn bên nào cả. Cũng có khi chất mythomania của ông cũng do đó mà ra chăng? Exaggeration, fantasia thường là nơi ẩn náu tự tạo cho những tâm hồn yếu đuối. (Thời "tiền chiến", văn VB thế nào, có khác không?)

      Delete
  4. không khéo tôi lại gây dựng phong trào đọc Nhất Linh í chứ, trong ngày hôm nay có một bạn trẻ vừa tự khai là đang đọc "Đời mưa gió" :p

    mời bác xem ở trên, Nguyễn Mạnh Côn =)) nhưng đừng hỏi Đem tâm tình viết lịch sử với Hòa bình nghĩ gì làm gì nhé, tôi không có dại

    Thiếp chẳng dại như người Tô Phụ
    Chàng hẳn không kém lũ Lạc Dương
    Khi về chẳng ấn quả vàng
    Trên khung cửi dám dẫy duồng làm cao

    ;))

    ReplyDelete
    Replies
    1. à còn thời tiền chiến của VB, xưa nay tôi vẫn nghĩ Cai là một kiệt tác, nhân dịp này phải lôi ra đọc lại mới được; sau đó thì Mê chữ cũng hay đấy chứ

      Delete
    2. Hì hì... chợt nhớ thành ngữ Les "grands" esprits se recontrent :D "Đời mưa gió" đầy ắp không khí "hiện sinh", dù dám chắc Nhất Linh lúc viết cuốn này chưa đọc Sartre.

      Hai cuốn NMC mà bác NL "dấu đi" đó vô tình là hai cuốn tôi còn giữ được cho đến bây giờ, chắc nhờ không ai chịu mượn luôn (cho tôi nhờ) :D Cuốn chuyên chở nhiều tư tưởng NMC nhất có lẽ là "Mối tình..." và "Tình cao thượng". Giống Phạm Quỳnh, ông bị cả hai "phe" ta hiểu nhầm. NMC sống được thêm hơn 30 năm (45 đến 75) là nhờ thời cách mạng nổi lên ông chưa nổi tiếng.

      Nếu tôi nhớ không lầm thì NMC cũng không hồ hởi với TLVĐ/NL cho lắm, ít nhất là sau 54. Chắc lại một trường hợp misinterpretation, hay đúng hơn là sự lẫn lộn giữa văn chương và thời sự.

      "Victoria Bitter" là người viết báo, viết phóng sự đúng nghĩa, hơn là nhà văn. VTP là nhà văn chuyên về thể loại phóng sự, dramatist. Nói một cách rổn rảng, là một Shakespeare của giới bần cùng miền Bắc.

      TB. Thơ của ai mà hay vấy? Chắc phải xưa rồi, đầy metaphors (tiếng Việt?) :D

      Delete
    3. Thơ này xưa lắm rồi :)

      Trích trong Chim Phụ Ngâm:

      ...
      Thiếp chẳng dại như người Tô Phụ,
      Chàng hẳn không kém lũ Lạc Dương.
      Khi về chẳng quả ấn vàng,
      Trên khung cửi dám dẫy duồng làm cao.

      Xin vì chàng xếp bào cởi giáp,
      Xin vì chàng giũ lớp phong sương.
      Vì chàng tay chuốc chén vàng,
      Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng.

      Giở khăn lệ, chàng trông từng tấm,
      Đọc thơ sầu, chàng thẩm từng câu.
      Câu vui đổi với câu sầu,
      Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời.
      ...

      Delete
    4. Chàng thì đi cõi xa mưa gió
      Thiếp thì về buồng cũ gối chăn
      Đoái trông theo đã cách ngăn
      Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh
      Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
      Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
      Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
      Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng

      sau này chính Nguyễn Bính đã tiếp thu rất đậm đà phong vị Chinh phụ:

      Em đi dang dở đời mưa gió
      Chị ở vuông tròn phận lãnh cung

      Delete
    5. e hèm, bác hodinhvu gõ lại cái comment đã sửa typo đi =))) ở blogspot này không edit được comment đâu mà chỉ xóa được thôi :p

      Delete
    6. Thôi thì phải gõ lại xin lỗi quý vị vậy.
      Hồi nãy định gõ chữ Chinh Phụ Ngâm,không hiểu
      đầu nghĩ sao mà tay lại gõ ra chữ Chim :)
      Hehehe, cái này phải gọi là "bút sa chim chết".Lỡ tay gõ rồi edit không được tang chứng còn rành rành.

      Delete
    7. Cám ơn hai bác. Thời nay, chỉ cần gõ một câu vào google là ra cả bài, nhưng tôi thích đoán, cũng để rà lại cái đầu của mình. Cũng đã chắc đến 60-70 phần chăm là Chinh Phụ Ngâm. Phần không chắc vì tứ thơ có vẻ hơi mới! (Nếu có thêm vài câu sẽ nhận ra cái tài hoa vô biên của bà Đoàn Thị Điểm).

      Delete
  5. Trước Nhị Linh, em thấy có một người viết về hai ông này đều hay là Đỗ Đức Hiểu. :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. nhớ nhất là "những đợt sóng ngôn từ" của ông Hiểu

      Delete
  6. sao anh không làm công tác giảng dạy ở các trường ĐH hoặc viết văn Nguyễn Du vậy?

    ReplyDelete
  7. với cả "population" nữa nhỉ ;)

    ReplyDelete
  8. "Tôi muốn nói còn nhiều hơn thế: Vũ Trọng Phụng có khoái cảm đặc biệt với những gì thấp kém. Ông không làm tiểu thuyết gia mà cái nhìn của ông chỉ chăm chăm nhòm trộm, ngó vào những gì bầy hầy; một cái nhìn của đất sét." Đoạn này có phải lấy cảm hứng từ "Bài học tiếng Việt"( truyện mà NL cho rằng NHT đã bắt trúng VTP) không

    ReplyDelete
  9. tôi thấy quan điểm này còn sơ sài.

    ReplyDelete
  10. “ôi thôi chết”
    Sao anh không thêm một phát như thế nữa cho the reader thực sự chết luôn?

    ReplyDelete
  11. ôi thôi chết gặp phải đứa nào định nhét vào mồm phải nói gì nói gì

    ReplyDelete
  12. (ôi thôi) chết luôn chết luôn chết luôn

    ReplyDelete
  13. Dạo này em cũng đang tìm hiểu về văn học VN nói chung và VTP nói riêng, thì thực sự em thấy VTP như 1 thiên tài ấy ạ, và Nhất Linh cũng là 1 người em rất ngưỡng mộ vì nghệ thuật của cụ. Dẫu sao cũng là người tiếp cận những tư tưởng mới chứ ít khi dính đầu vào 1 cái gì đấy như vữa, thì em chưa hài lòng lắm với bài viết này ở nhiều luận điểm, em thấy các luận điểm đều rất sáng, đều có ý nhưng mà tại vì anh chưa phát triển nó đầy đủ (có thể sẽ phải là cả 1 bài luận văn nếu trình bày chi tiết), thì nó còn khá là 1 chiều và không đủ thuyết phục lắm. Hiện tại em lười động não phản biện nên thôi em mong sẽ k trình bày nhiều ý kiến, dẫu sao em vẫn rất tiếp nhận bài viết này như những tư tưởng mới đánh vào não của 1 người rất say mê với chữ nghĩa của VTP, cảm ơn anh với 1 bài viết như này, văn học VN cần nhộn nhịp hơn nữa để nó sống lại thay vì đọc Đắc Nhân Tâm suông rồi hành họe với cuộc đời là ta đây hay chữ =)) Thôi em nói linh tinh thế, có những nơi như này để bàn luận văn chương thì còn gì bằng trong thời buổi này.... :D

    ReplyDelete
  14. http://nhilinhblog.blogspot.com/2014/06/vu-trong-phung-trong-lich-su-van-chuong.html

    ReplyDelete