Aug 28, 2013

Thế giới là một cuốn sách mở

Bài phỏng vấn dưới đây được thực hiện cho tờ Sinh viên vào tháng Năm 2009, vài tháng trước khi cuốn sách phỏng vấn Thế giới là một cuốn sách mở của Lévai Balász xuất bản bằng tiếng Việt. Bài phỏng vấn do anh Giáp Văn Chung thực hiện, tôi hỗ trợ một chút về ý tưởng.



Sự kỳ diệu của những cuộc đối thoại văn chương


Ý tưởng của ông - thực hiện loạt chương trình phỏng vấn truyền hình với các nhà văn nổi danh trên thế giới - xuất phát từ đâu?

Nghề ban đầu của tôi là giáo viên Văn-Sử, do đó không có gì đáng ngạc nhiên là từ khi khởi nghiệp truyền hình, văn học là một trong những lĩnh vực chuyên môn của tôi. Tôi đã làm rất nhiều chương trình về các nhà văn Hungary, tôi là người dẫn cho loạt chương trình Cuốn sách Lớn (được lấy từ phiên bản Big Read của BBC, Anh Quốc), cũng như, tôi đã dẫn rất nhiều chương trình truyền bá kiến thức với nội dung khoa học của Đài Truyền hình Hungary. Năm 2003, tôi nảy ra ý tưởng: sau các nhà văn Hungary, tôi sẽ làm chân dung văn học của các tác giả nổi tiếng trên thế giới. Chính xác hơn, đây là sáng kiến của vợ tôi, thoạt tiên tôi không mấy tin rằng có thể làm điều đó, nhưng rồi chẳng mấy chốc, tôi nhận ra rằng đây là một cơ hội tuyệt vời và may mắn cho tôi, lãnh đạo Đài Truyền hình Hungary cũng ủng hộ tôi thực hiện ý định này.

Quá trình chuẩn bị thường lấy của ông bao nhiêu thời gian?

Điều này luôn thay đổi. Thông thường, bước đầu, chúng tôi tìm đến các nhà xuất bản, các hãng đại diện, và nếu tại đó chúng tôi được bật đèn xanh, bước tiếp theo là thống nhất với các tác giả. Có nhà văn chúng tôi chỉ mất một, hai tuần để hẹn gặp, nhưng cũng có người chúng tôi phải chờ đợi ba năm. Công việc này đòi hỏi sự mềm dẻo ở mức cao độ, phải chọn thời điểm phù hợp với thời gian biểu của các nhà văn, cũng như, với địa điểm mà họ muốn trả lời phỏng vấn. Nếu đã hẹn được ngày giờ thì không thể do dự được nữa, phải nhanh chóng tổ chức chuyến đi và quay phim.

Qua những bài phỏng vấn, có thể thấy rằng ông yêu văn học đến mức nào. Đối với ông, việc có dịp trò chuyện trực tiếp với các nhà văn là một sở thích cá nhân, hay mang tính công việc nhiều hơn?

Những cuộc gặp mặt này đã để lại cho tôi ấn tượng không thể nào quên! Tôi ý thức được rằng mình may mắn như thế nào khi nhờ công việc mà tôi được gặp gỡ những nhà văn xuất sắc nhất của văn học đương đại thế giới. Hẳn nhiên là không phải tất cả đều là nhà văn tôi yêu thích, nhưng không cần phải tranh luận cũng có thể khẳng định rằng, tất cả đều là những con người tài năng và thú vị, trò chuyện với họ thật ấn tượng. Tài năng của họ tỏa ra cả những ngày thường nhật, nghĩa là có thể nhận ra điều này trong một buổi trò chuyện, một cuộc phỏng vấn. Và những cuộc trao đổi này có thể bổ khuyết, tạo dựng những sắc thái cho hình ảnh nhà văn, được hình thành khi chúng ta đọc tiểu thuyết của họ. Đấy là còn chưa nói đến chuyện rất nhiều phóng viên đã tìm cách đề nghị họ trả lời phỏng vấn mà không được, nói cách khác, chúng tôi có thể coi mình là may mắn khi rốt cuộc, họ đã đồng ý cho chúng tôi phỏng vấn.

Khó khăn lớn nhất mà ông phải giải quyết trong quá trình thực hiện các cuộc phỏng vấn là gì?

Các khâu chuẩn bị, công việc tổ chức gây ra nhiều vấn đề nhất. Nếu đã gặp gỡ được nhà văn thì thông thường, mọi thứ sẽ trôi chảy. Cố nhiên, trong vài trường hợp, chúng tôi cũng gặp những người mắc bệnh ngôi sao, có những yêu cầu đặc biệt, nhưng may là việc giải quyết các vấn đề này không vượt quá khả năng của chúng tôi. Từ góc độ của người làm truyền hình, khó khăn nhất là chúng tôi có thể giới thiệu nhà văn trong đời thường của họ hay không. Họ có cho phép chúng tôi quay tại gia, trong phòng làm việc, hoặc có cho chúng tôi tháp tùng họ tại các hoạt động này nọ hay không. Điều này hoàn toàn khác nhau ở mỗi người: có người không muốn giới thiệu những công việc cá nhân, nhưng nhiều người rất cởi mở, họ còn cho chúng tôi theo họ trong những tình huống riêng tư nữa.

Sau khi loạt phỏng vấn đã được chiếu trên truyền hình và sau khi được ra mắt dưới dạng sách, sự tiếp nhận của khán giả và độc giả ra sao? Các nhà văn được phỏng vấn có gửi phản hồi gì cho ông hay không?

Sở dĩ chúng tôi cũng thấy cần phải ấn hành các cuộc phỏng vấn dưới dạng sách vì trong chương trình truyền hình, do thời lượng có hạn, chúng tôi chỉ có thể giới thiệu một phần của các cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng có nhiều người để tâm đến những phần chưa được giới thiệu trên TV, nghĩa là họ muốn đọc toàn bộ cuộc phỏng vấn. Tại Hungary, những cuốn sách phỏng vấn luôn có được sự tiếp nhận rất tốt, nhiều nhà phê bình đã nhấn mạnh rằng thông qua những cuốn sách, hình ảnh được hình thành về các nhà văn trở nên có nhiều sắc thái hơn hẳn. Cuốn sách nói về những nhà sáng tạo xuất chúng, những người có vô số fan luôn háo hức về mọi thông tin liên quan đến người họ ưa chuộng. Sau khi cuốn sách ra đời, chúng tôi nhận được phản hồi của một số nhà văn, họ cũng vui mừng vì những suy tưởng của họ đã được hiện diện - không chỉ thông qua các tác phẩm, mà còn qua những cuộc trao đổi - trong nền văn hóa Hungary, và giờ đây, trong nền văn hóa Việt Nam nữa.

Chẳng bao lâu nữa, bản dịch Việt ngữ của cuốn sách sẽ được ấn hành, ông có thể chia sẻ vài lời với các độc giả Việt Nam?

Tôi hết sức vui mừng và hạnh phúc khi những cuộc phỏng vấn này cũng được ấn hành tại Việt Nam. Khi bắt đầu công việc, tôi không hề nghĩ rằng thành quả công việc của chúng tôi có thể tới được châu Á. Xin gửi lời cám ơn và tri ân dịch giả của cuốn sách, TS Giáp Văn Chung. Ngôn ngữ văn học mang tính quốc tế và theo tôi, các độc giả cũng không đến nỗi quá khác biệt tại từng quốc gia. Tôi thành thật hy vọng rằng độc giả Việt Nam cũng tìm thấy những điều thú vị, hấp dẫn và bất ngờ trong các bài phỏng vấn này, và chúng tôi đã hướng được sự chú ý của bạn đọc tới các tác phẩm của những nhà văn có mặt trong sách. Bởi lẽ, đối với tôi, sự khen ngợi lớn nhất là sau khi đọc xong một cuộc trao đổi, bạn đọc cảm thấy muốn cầm trong tay một cuốn sách của tác giả và muốn đọc nó. Với vòng xoay này, chúng tôi đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất mà chúng tôi đã đề ra: gia tăng sự ưa chuộng của bạn đọc đối với văn chương!

-----------

Trong nhiều năm, nhà báo Lévai Balász (sinh năm 1968) đã đi phỏng vấn rất nhiều nhà văn đương đại ở khắp nơi nhằm thực hiện series truyền hình. Sau thành công của loạt chương trình này, hai cuốn sách đã được in (in năm 2004 và 2008, với tổng số 25 nhà văn) và gây ra một cơn sốt thực thụ trong ngành xuất bản Hungary. Ở nhiều thời điểm người ta thậm chí còn không thể mua nổi chúng ngoài hiệu sách.

Bộ sách của Lévai (mang tên chung Thế giới là một cuốn sách mở) đặc biệt hấp dẫn ở cách tiếp cận: luôn là một độc giả hâm mộ văn chương nhiệt thành, nhưng câu hỏi của ông không chỉ thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về từng nhà văn, mà còn luôn rất hài hước và hấp dẫn. Đặc biệt, ở mỗi bài phỏng vấn, Lévai còn kể về các lần gặp gỡ ấy, một số là những câu chuyện thực sự: chẳng hạn như để gặp John Le Carré thì phải ra sao, và khi gặp Salman Rushdie cần phải thực hiện các chỉ dẫn như trong một bộ phim hình sự, vì tính mạng của Rushdie luôn bị đe dọa… Lévai còn tiếp cận được một số nhà văn bình thường vẫn từ chối trả lời phỏng vấn của mọi tờ báo.

Độc giả Việt Nam sắp được tiếp cận 11 nhà văn mà mình yêu mến (như Umberto Eco, Alessandro Baricco, V. S. Naipaul, Paul Auster, Kazuo Ishiguro…) qua cái nhìn đậm chất nhân văn của Lévai Balász (dịch giả Giáp Văn Chung chuyển ngữ, Công ty văn hoá & truyền thông Nhã Nam xuất bản).

Box

1. Khả năng tiếp cận người có danh tiếng trong từng lĩnh vực thể hiện đẳng cấp của tờ báo, cũng như khả năng đặt câu hỏi và dẫn dắt câu chuyện thể hiện đậm nét trình độ của từng nhà báo.

2. The Paris Review, thành lập năm 1953 với số đầu tiên đăng bài phỏng vấn E. M. Forster, được coi là cha đẻ của một thể loại văn học-báo chí riêng, mang tên “phỏng vấn của The Paris Review”. Trong hơn năm mươi năm tồn tại, The Paris Review đã cống hiến một “đặc sản” thực thụ, với sự hiện diện của hầu khắp các nhà văn nổi tiếng nhất thế giới, với những bài phỏng vấn không thể nào quên như với Nabokov, Pasternak hay Simone de Beauvoir.

2 comments:

  1. đến giờ em mới mua được bản TV "TG là một cuốn sách mở" (đi sau thời đại thế chứ:))

    ReplyDelete
  2. ôi chúc mừng, hiếm lắm đấy

    ReplyDelete