Aug 7, 2013

Chuyện ở nông trại: Điểm sách Catalonia của George Orwell

Dưới đây là bài điểm sách Catalonia - Tình yêu của tôi (Phạm Nguyên Trường dịch, Alphabooks & NXB Lao động), bản của tác giả (bài viết đã đăng trên Sài Gòn tiếp thị).

Homage to Catalonia của Orwell có thể được đọc cùng với Homage to Barcelona của Colm Tóibín, mặc dù hai cuốn sách được viết vào hai thời kỳ khác hẳn nhau và có tính chất rất khác nhau; đó là hai tác phẩm rất đẹp cùng viết về một vùng địa lý.

"Chó" là tên chương III của tác phẩm Kaputt của Malaparte, một trong những tác phẩm văn chương lớn nhất về Thế chiến thứ hai; hai chương đầu cuốn sách này mang tên "Ngựa" và "Chuột".



Khi hiện thực sang trang

Trần Quốc Tân


Kể về một cuộc chiến, người ta thường xê dịch giữa hai khuynh hướng: hoặc là huyền hoặc hóa, hoặc là trung thành với hiện thực hết mức có thể. Đôi khi chỉ một tiểu tiết trong câu chuyện cũng có thể cho thấy thái độ của tác giả trước lằn ranh hầu như khó phân định rạch ròi ấy. Như sự tình cờ (và theo cách vô thức thật khó lý giải!), một số tác phẩm trao quyền "cắt nghĩa" cho một loài vật rất đỗi quen thuộc với người lính: con chó.

Trong bộ phim kinh điển về chiến tranh Apocalypse Now (1979), tình tiết trớ trêu xảy ra khi toán lính của đại úy Willard bị phục kích trong lúc vượt sông. Clean bị bắn thiệt mạng, nhưng Lance vẫn ngơ ngác hỏi con chó của mình đâu. Sau đấy, phim không hề nhắc lại chuyện con chó mất tích nhưng chi tiết đó lại là mấu chốt, dẫn dắt người xem đi từ những mô tả hiện thực sang cảm giác phi lý, xa lạ trước sự điên rồ (mang màu sắc huyền ảo) của toán lính.

Ở một địa hạt khác, hình ảnh con chó trong tập truyện Những thứ họ mang của Tim O'Brien giúp phá vỡ tình thế mắc kẹt của người lính trong bức tranh xáo trộn giữa mơ và thực. Trong truyện "Xoáy", nhân vật Ted Lavender nuôi con chó mồ côi, cho ăn bằng cái muỗng nhựa và nhét nó vào ba lô. Đến một ngày, Azar buộc một quả mìn Claymore vào con chó và cho nổ. Chiến tranh đôi khi chỉ đơn giản và trần trụi như thế.

Catalonia - Tình yêu của tôi (Phạm Nguyên Trường dịch, Alphabooks & NXB Lao Động) tuy không phải tác phẩm hư cấu, song có một chi tiết, ở đó con chó đóng vai trò "giải thiêng" quan trọng không kém. Ở chương 10 (ở một số ấn bản tiếng Anh là chương 9 vì chương 5 và 11 - phần lý giải tính chính trị của cuộc chiến - được đưa vào phụ lục), George Orwell mô tả không khí ở Barcelona tháng Năm năm 1937 căng thẳng đến mức, nghe tiếng súng rộ lên, mọi người tưởng cuộc phản công đã bắt đầu thì hoá ra "mấy tay thuộc lực lượng xung phong bắn một con chó điên".

Lúc này, trở về từ chiến trường trong màu áo đơn vị P.O.U.M. (Đảng Công nhân Thống nhất Mác-xít), George Orwell từ một nhân chứng ngây thơ đã có trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc về cuộc đấu tranh mang danh nghĩa "nội chiến" ở Tây Ban Nha (1936-1939). Ý thức về chính trị tăng dần cùng với sự mất mát lý tưởng. Chỉ vài tháng sau khi ông gia nhập lực lượng dân quân, tình hình ở Barcelona đã khác hẳn: tinh thần cách mạng đã tiêu tan, Barcelona đã là "thành phố tư sản", chính phủ tuyên bố P.O.U.M. là tổ chức phát-xít trá hình và bao trùm là nỗi sợ hãi, ngờ vực và hận thù. Không khí bất an đến nỗi "con chó điên" trở thành vật tế thần cho niềm ngây thơ bị đánh mất.

Dưới ngòi bút chính trị của George Orwell, Catalonia - Tình yêu của tôi không thiếu những hình ảnh có dụng ý như thế. Ngay từ trang đầu tiên, tay dân quân người Ý có mặt đầy tương phản: mạnh mẽ, rắn rỏi nhưng xun xoe, ít học, không biết bản đồ đầu đuôi ra sao, nét mặt thể hiện cả tính "bộc trực" lẫn "hung ác", như thể anh chàng đã là dấu chỉ ngay từ đầu rằng những gì thể hiện bên ngoài không tương đồng với thực tế đang diễn ra. Tính mơ hồ của cuộc chiến xuất hiện khi người kể chuyện dường như cũng đang chật vật đọc tấm bản đồ ẩn dụ của riêng mình.

Đến Tây Ban Nha chiến đấu vì lý tưởng thôi thúc, George Orwell được phong hàm cabo (hạ sĩ). Qua hiện thực từng ngày của cuộc "nội chiến", ông dần nhận ra bản chất của các sự kiện. Ngay trong tác phẩm, ông đã cảnh báo người đọc thận trọng trước thái độ thiên vị và sai lầm không thể tránh khỏi của người viết. Trung thành với cảm xúc và khách quan với sự kiện, ông đưa diễn biến tâm lý của nhân vật kể chuyện đi theo quá trình: từ làm sáng tỏ hiện thực (để người khác hiểu), đến kể như một nhu cầu tự thanh tẩy.

Phải chăng vì thế mà các tác phẩm về chiến tranh thường có những đoạn tả cảnh mưa hay đến xuất thần (như "cánh đồng cứt" trong Những thứ họ mang hay "đây không phải chiến tranh mà chỉ là một vở kịch câm đẫm máu" trong Catalonia, chương 6)? Mưa nhận chìm không gian, mưa khuấy động cảm xúc của người lính, mưa làm cho thời gian trôi chậm lại, từ tốn, biến con người thành khách thể. Những lúc ấy, cảm xúc con người trở thành mớ hỗn mang cũng giống như sự thật về bất cứ cuộc chiến nào: ấm ức, chộn rộn, rùng mình, sởn gai ốc, tê cứng, mềm oặt và lềnh bềnh.

Trong quá trình tự thanh tẩy ấy, một tiếng sét đánh sẽ là sự đổ vỡ, cắt đứt mọi ước vọng: "Tiếng nổ rất to và tia chớp loá mắt bao trùm tất cả, rồi tôi thấy người mình giật bắn lên [...] như điện giật, người lả đi, như đang rữa ra và tan biến đi vậy". Đó là dòng mô tả của Orwell khi ông bị đạn bắn vào cổ. Khi người ta tưởng như chết mà không chết, hiện thực trước mắt họ sẽ mãi sang trang, giống như khi con chó trong Apocalypse Now biến mất.



Bài liên quan:


Chuyện ở nông trại nhìn từ mặt đất
- Chuyện ở nông trại: Thực tế Orwell ở Trung Quốc

1 comment:

  1. "...Mưa nhận chìm không gian, mưa khuấy động cảm xúc của người lính, mưa làm cho thời gian trôi chậm lại, từ tốn, biến con người thành khách thể. Những lúc ấy, cảm xúc con người trở thành mớ hỗn mang cũng giống như sự thật về bất cứ cuộc chiến nào: ấm ức, chộn rộn, rùng mình, sởn gai ốc, tê cứng, mềm oặt và lềnh bềnh."...

    Nhận xét tinh tế. Đứng trong một màn mưa sa mù trong núi, trời chiều chạng vạng, đã có lần mình cũng rơi vào tình trạng phi bỉ phi ngã như thế. Như là ma nhập vậy. May mà có tiếng sét...

    ReplyDelete