Aug 10, 2013

Chậc, Sói Thảo Nguyên

Tuổi trẻ, cái thứ mở ra như một mùa xuân đen ấy, có dưỡng chất trần gian là những suy tư bất tuyệt và hỗn loạn, xoay quanh nỗi cô đơn, tình yêu, nội tâm bất ổn, cự tuyệt và chấp nhận.

The Invention of Solitude của Paul Auster, The Great Gatsby của Scott Fitzgerald và Der Steppenwolf của Hermann Hesse là một “triptique” tác phẩm văn chương đặc biệt nhiều tính chất dưỡng chất trần gian ấy, quyển của Fitzgerald và Hesse ra đời và đặt bối cảnh trước Thế chiến thứ hai còn The Invention of Solitude nằm sau đó, cả ba đều có những dự cảm hoặc cảm giác đặc thù về sự chém giết, ở Hesse và Fitzgerald thì nhấn mạnh vào “kết thúc”, còn ở Auster thì nổi bật vì tính chất “mở đầu” và “tiếp tục”; cả ba đều sử dụng rất nhiều dụ ngôn nền tảng.

Ở Auster ta có Jonah trong bụng cá, nỗi khiếp sợ hoang mang khủng khiếp, ở Fitzgerald là vàng son sụp đổ của một thế giới nguyên khối, còn Hesse thì sử dụng hình ảnh Moses vạch nước biển; cuối trường đoạn đáng nhớ ấy (tr.236-237-238), thật bất ngờ khi đột nhiên Hesse có một lời tiên tri về sự diệt vong của người Do Thái.


Nhưng chỉ ở Sói Thảo Nguyên ta mới thấy thật rõ một ý niệm chỉ mơ hồ ở The Invention of SolitudeThe Great Gatsby: ý niệm về lý tưởng.

Đọc Sói Thảo Nguyên vào tuổi này tôi mới thấy rõ những tác phẩm kỳ lạ như vậy nếu đọc khi còn quá trẻ ta sẽ bỏ qua mất rất nhiều thứ; trước đây với tôi Sói Thảo Nguyên (tức Sói Đồng Hoang) là khúc ca bi tráng đầy choáng váng về sự dùng dằng của bản ngã và là một cái nhìn cực kỳ mạnh mẽ và độc đáo vào cái chết.

Hermann Hesse không chỉ tiên tri người Do Thái sẽ bị hủy diệt, ông còn đi trước Albert Camus (Le Mythe de Sisyphe) trong việc khẳng định đời người chỉ có một vấn đề thực sự nghiêm trọng là tự sát, ông cũng đi trước tất cả để dự cảm ra lối sống bo-bo (bourgeois-bohémien, vừa trưởng giả vừa lưu đãng).

Thế nhưng không chỉ có vậy; lần đọc lại Sói Thảo Nguyên này, điều tôi nhận ra là, rất đơn giản, nó không hề đơn giản, nó vô cùng phức tạp, nó không đương đầu với một nỗi thống khổ đơn nhất mà đương đầu với muôn vàn sự điều rối tinh rối mù.

Ở trong lồng ngực của ta có đến hai linh hồn ư? một người một sói ư? như thế là phức tạp ư? không, như thế là quá mức đơn giản hóa, vì phải là hàng trăm hàng nghìn linh hồn, cái tôi và bản ngã của chúng ta không thể thâu tóm lại được một cách đơn nhất, nói tóm lại là ta tưởng mình phong phú thì hóa ra ta lại rất nghèo nàn.

Harry Haller điên ư? câu nói này của Hermine đã đập tan mọi ảo tưởng: “Anh hoàn toàn không điên, thưa giáo sư, theo em thấy thì anh thậm chí còn điên quá ít” (tr.136).

Tình yêu của Maria hay Hermine cũng không đơn nhất, nó còn biến hóa tùy thuộc vào đối tượng mà nó hướng tới.

Thế nên cụm từ “unio mystica” vang lên đầy mỉa mai và hung hiểm (tr.247), cả hài hước nữa.

Ngay từ đầu, Hesse đã đặt ra (trong bản “luận thuyết”) rằng giải pháp cho nỗi khó sống có thể là sự hài hước, là đập tan, vứt bỏ cái tôi, và việc thả Harry Haller vào hí viện ảo ảnh là một bài test dã man nhất.

Nhưng chuyện vẫn không đơn giản như vậy, cũng giống như Harry Haller tưởng đâu như mình là một người chống chiến tranh đến tận xương tủy, nhưng lúc cầm lấy khẩu súng thì vẫn có thể bắn giết như bất kỳ ai khác.

Chuyện không đơn giản, vì có sự can thiệp lạnh lùng, nhẫn tâm của cõi lý tưởng; Harry Haller luôn luôn bị giằng xé, không phải giữa cuộc sống văn minh và tự do cao ngạo tuyệt đối ngoài hoang dã, mà giữa cõi lý tưởng và cuộc sống thực.

Câu chuyện chỉ gồm vài “màn” dài: Harry Haller nhận được và đọc “luận thuyết” về Sói Thảo Nguyên, Harry Haller đến nhà ông giáo sư, gây chuyện rồi gặp Hermine và mơ gặp Goethe, Harry Haller trong cuộc tình với Maria, rồi cuối cùng là buổi khiêu vũ hóa trang và hí viện ảo ảnh, kể cả cuộc gặp với Mozart.

Những nhận xét của Harry Haller về Goethe thật đáng kể; đó là một phần trong cõi lý tưởng, cái cõi gồm những người như Novalis, mà Harry Haller bình luận: “[người ta] được tạo ra để sống, không phải để suy tư” (tr.33); với Harry Haller, Goethe là một lão già quỷ quái; đúng thế, Goethe của Die Wahlverwandtschaften không hề đơn giản: nếu bỏ tên tác giả, sửa chữa đôi chút rồi cho một người không rành Goethe lắm đọc câu chuyện hỗn loạn về các “ái lực” giữa Eduard, Charlotte, chàng sĩ quan và Ottilie, những màn “vào nhầm phòng ngủ một cách cố tình”, hẳn người ấy không thể không nghĩ đó là tác phẩm của một nhà văn hiện đại, thậm chí rất hiện đại và đầy khiêu khích.

Cõi lý tưởng của Harry Haller còn có khuôn mặt ngự trị của Mozart; thế nên - điều này nối Hermann Hesse vào Scott Fitzgerald, theo một cách thức quái đản - với Harry Haller, nhạc jazz “là thứ âm nhạc suy đồi; thời các hoàng đế La Mã cuối cùng hẳn cũng có thứ âm nhạc tương tự” (tr.66).

Và câu chuyện về cuộc chống chọi giữa lý tưởng và đọa đày này (với đoạn trở lại tuổi thanh xuân đầy ý nghĩa biểu tượng ở cuối sách, khi Harry Haller trải qua lại và lấp đầy một cách viên mãn những cuộc tình quá khứ, đặc biệt là cuộc tình với Rosa) được Hermann Hesse đẩy tới với một nhịp điệu crescendo mãi không ngừng, và giống như những nhà văn tiêu biểu nhất từng biết đến Belle Époque, nó vọt lên cao trào ở cuối với màn vũ hội hóa trang điên rồ.

Giống như Arthur Schnitzler từng làm; tác phẩm ấy của Schnitzler đã được Stanley Kubrick bất tử hóa bằng hình ảnh trong bộ phim Eyes Wide Shut.

Ở giữa cuộc truy hoan điên cuồng cuối cùng, Harry Haller thốt lên: “ẩn dưới bộ mặt mỹ miều của nó là hết thảy địa ngục. Chúa ơi, ngay cả ở đây cũng không có giải thoát ư?” (tr.285).

Kubrick thì đẩy xa đi hơn một chút: khi tỉnh dậy vào buổi sáng hôm sau, từ mà Alice nói để kết thúc phim là: “Fuck”.

chậc, fuck thế giới



-----------

về hai tác phẩm còn lại trong "triptique" này:


điều đáng quan tâm là sau những tác phẩm bạo liệt kiểu như thế này, sẽ đến gì? chắc là sẽ phải đến nét cười quỷ quyệt của André Gide

7 comments:

  1. kẹc, shit thật
    là câu em nói sau khi gấp Sói thảo nguyên.
    Rồi đến khi xong Khởi sinh của cô độc
    aaaaa, mk cuộc đời
    "Cuốn sách đọc lại sau 10 năm có khác không?". :p

    ReplyDelete
    Replies
    1. chậc, xong Xấu thì sao? =))

      Delete
    2. Chúa ơi, thế giới nhão nhoét
      (muốn chết)

      Delete
  2. Khám phá mới: văn NL có khá nhiều "chất" Mai Thảo như thú vui hoán vị con chữ trong một mệnh đề, nhưng có lẽ không chỉ có thếm vì ai biết được Wahlverwandtschaft sẽ ngừng ở đâu?

    Từ điển "Duden", giải nghĩa từ "Wahlverwandtschaft": Sich-angezogen-Fühlen aufgrund geistig-seelischer Übereinstimmung - Cảm nhận thân tình quyến luyến giữa hai người (vốn không liên hệ) do đồng điệu về trí tuệ lẫn tâm hồn.

    ReplyDelete
    Replies
    1. chậc, cái này khó, cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp đều dùng Affinity (Affinité) để dịch, nhưng mà là "elective" hehe, thật ra ban đầu đây là một khái niệm hóa học, làm tôi nghĩ đến Primo Levi :p

      Delete
    2. Đây là một trường hợp - rất nhiều trong tiếng Đức - khó dịch cả sang những ngôn ngữ Tây phương khác (nói chi tới ngôn ngữ Á Đông). Cái khó nằm nhiều ở chỗ - đặc thù của Đức - kết hợp hai từ ngữ ngược nghĩa nhau: "Wahl" là "chon lựa", trong khi "Verwandtschaft" nghĩa đen là họ hàng, máu mủ. Vậy, nghĩa đen là "bà con thân thuộc (từ) chọn lựa". "Ý thức hệ" văn hóa VN khó chấp nhận một từ ngữ như vậy, vì văn hóa VN tôn vinh "sự thật": một giọt máu đào hơn ao nưóc lã! Mặc dù thực tế, trong văn hóa Việt vẫn có những trường hợp Wahlverwandtschaft. Nếu dịch là "tri kỷ" thì khá đúng theo nghĩa hàn lâm (như định nghĩa của Duden) nhưng mất hết cái hay của nó. Chắc phải sáng tạo ra một chữ mới, nhưng chuyện này không giản dị!
      TB. Nếu dịch "Wahlverwandtschaft" thành "tri kỷ" thì "Seelenverwandtschaft" (chữ này còn "đặc thù" Đức hơn nữa) phải dịch là gì bây giờ? Đỉnh cao của vấn đề chắc là chữ "Weltschmerzen", tiếng Anh giữ nguyên, không thèm dịch...

      Delete
  3. Truyện này đọc xong chả hiểu gì cả. Nếu k nói là chán

    ReplyDelete