Aug 24, 2013

Khinh bỉ


bài cuối cùng của chuyên mục "Đọc" của Nhị Linh, kết thúc tròn 5 năm

đây là một trong hai chuyên mục kéo dài nhất của tờ Thể thao & Văn hóa Đàn Ông, chuyên mục dài nhất là của Nguyễn Việt Hà, nhưng chuyên mục ấy tuy dài vẫn có kỳ không có, còn mục của tôi rất đều đặn trong 5 năm :p



Có khi, buổi sáng thức dậy, tôi thấy mình giống một số chính phương, có khai căn thì vẫn là một số nguyên.

Tôi muốn kết thúc loạt bài xoay quanh những quyển sách đặt dưới cái tên chung (nhiều khi không hoàn toàn chính xác) là “Đọc” ở con số 60 bài: đầy đủ một “hoa giáp”, hết một chu kỳ của hai tổ hợp số, một dựa trên nền tảng 10, một dựa trên nền tảng 12; với một người phương Đông như tôi, những con số đặc biệt có ý nghĩa.

Hoặc giả cũng không có ý nghĩa nào, vì một chuyên mục có thể kết thúc khi đến một kỳ hạn định trước, hay lúc người giữ nó tự thấy không còn nhiều điều để nói với độc giả của mình nữa. Mục “Đọc” của tôi đã kéo dài đúng 5 năm trên tờ “Thể thao & Văn hóa Đàn Ông”, lúc thì tôi bám sát thời sự xuất bản Việt Nam để điểm những cuốn sách mang một ý nghĩa nào đó với cá nhân tôi hoặc tôi đoán là có chút ý nghĩa nào đó với độc giả, lúc thì cũng không hoàn toàn như vậy. Nhờ có mục đọc sách này mà tôi có thể sắp xếp sự đọc cá nhân của mình ít nhất có một trật tự nào đó, nghiêm túc tìm hiểu một số tác giả, tác phẩm, vấn đề mà nếu không vì trách nhiệm ràng buộc chưa chắc tôi đã tìm hiểu, dựng thành câu chữ những ý nghĩ nhiều khi hỗn loạn sau khi đọc một tác phẩm hoặc nhiều tác phẩm. Thế giới đọc của riêng tôi, phần nào đó, đã được trưng bày công khai, và tôi cũng đã “được” viết về những nhà văn mà tôi yêu quý, vài khi là viết nhiều lần: Romain Gary, Linda Lê, Virginia Woolf, Ivan Klíma, Bret Easton Ellis, Bảo Ninh, Kurt Vonnegut, Vương Hồng Sển, Marie-Aude Murail, Claude Lévi-Strauss, Harper Lee… Tôi cũng từng viết về một số nhà văn mà tôi không mấy yêu mến, với một lời biện minh nhỏ nhoi là tôi thấy họ “cần nhắc tới”.

Giờ đây, ở điểm kết thúc, để kết lại “một cách văn chương”, tôi viết một câu đầu bài gửi “homage” đến một “ông thần văn chương”: Franz Kafka. Nhân vật Gregor Samsa của ông, trong một tác phẩm vô cùng đáng nhớ (mà nếu thu nhỏ, tinh giản lịch sử văn chương thế giới đến cực hạn thì chắc hẳn nó vẫn có chỗ đứng vững chắc), buổi sáng tỉnh dậy thấy mình biến thành con bọ.

Mỗi người có một cuộc chiến đấu riêng, những ai sống đắm mình trong văn chương, chữ nghĩa hẳn đều ý thức được rằng: văn chương không phải là thứ trùng khớp với cuộc đời, nó không mang lại những bài học để ta sống dễ dàng hơn trong cuộc đời. Lắm khi còn ngược hẳn lại. Nhưng, ở mức độ bản thể, một độc giả văn chương chân chính hiểu rằng sống, ở một mức độ không nhỏ, chính là một cuộc chiến đấu sao cho mình không bị biến thành bọ một buổi sáng ngày kia thức dậy.

Một nhà văn cùng thời với Kafka nhưng thành công hơn nhiều lúc sinh thời (nhận giải Nobel Văn chương) là Hermann Hesse cũng đã miêu tả vô cùng sâu sắc nỗi khó ở của con người trong cuốn tiểu thuyết Sói Thảo Nguyên: cuộc chiến đấu trong nội tâm là dai dẳng và vô cùng cam go, giữa các bản thể khác nhau cùng chung sống và không thể loại trừ, kèm cuộc chiến đấu để một phần nào đó của cõi lý tưởng, dẫu nhỏ bé, vẫn còn lại trong con người, dẫu cho điều gì xảy ra và cuộc đời có xấu xa đến đâu đi nữa. Muốn vậy, tất nhiên cần một sự kiên định to lớn, nhưng đồng thời cũng cần nuôi dưỡng một niềm khinh bỉ ở nền tảng.

Cuộc chiến ấy hẳn nhiên khó, bởi nếu không thì ta đã không phải chứng kiến rất nhiều nhà văn sau khi sử dụng hết chút năng khiếu thì “duy trì” bằng cách lâu lâu viết lách vô thưởng vô phạt làm giàu thêm cho danh sách tác phẩm cá nhân nhưng làm nghèo cho kho tàng văn chương, rất nhiều nhà báo ôm ấp cao vọng trở thành nhà báo lớn rồi trượt chân vào những ngóc ngách tầm phào vô nghĩa lý, cách duy nhất để thể hiện lòng can đảm là một cái “like” trên facebook, đại khái là rất nhiều người rời bỏ lý tưởng trong một chớp mắt hoặc trong một quá trình xơ mòn kéo dài.

Bản thân tôi chỉ mong sao ngày này, những ngày sau, buổi sáng được tỉnh dậy với “cảm giác về số chính phương”, dẫu là một số chính phương nhỏ bé, để giữ được toàn vẹn những gì không thể chia nhỏ.

Điều duy nhất khiến tôi tiếc khi cảm thấy mình là một số chính phương nằm ở chỗ: là như vậy, tôi không thể là một số nguyên tố, một vô hạn sung sướng có tính chất khác hẳn - câu chuyện về các số nguyên tố sinh đôi đã được miêu tả trong một vẻ đẹp u ám tuyệt vời bởi nhà văn trẻ người Ý Paolo Giordano; cuốn tiểu thuyết ấy tên là “Nỗi cô đơn của các số nguyên tố”.


Nhị Linh



hai năm đầu
hai năm tiếp theo
những bài cuối (theo mấy cái link)

10 comments:

  1. Replies
    1. sao thấy hao hao Art Sullivan: Adieu sois heureuse, adieu et bonne chance ;))

      Delete
  2. Trời đất, bản "Adieu, sois heureuse" tui nghe nát nước, mà bây giờ lần đầu mới biết là ai hát! lv

    ReplyDelete
  3. Tôi tự đặt ra một nguyên tắc, là chỉ làm những việc thật sự hệ trọng trong ba năm, kết quả ra sao cũng thôi! Và tự biện dẫn: (1) nếu tạo được thành quả, thì sau ba năm phải để người khác tiếp tục, với sinh lực và tư tưởng mới - nếu không ai tiếp tục, tức là việc làm của mình đã không có thành quả (2) một thành quả bao giờ cũng chỉ là một cơ hội hay vấn nạn mới, cần đưọc để tâm tới. Mà nếu không có thành quả, cũng có nghĩa ta đã chọn nhầm công việc và cần phải ngưng để khỏi phí phạm thời gian :)

    Anyway, happy anniversary, bác NL! "veni, didi, vici"!

    TB. Còn tại sao có con số 3 thì tôi... chịu!

    ReplyDelete
  4. "Muốn vậy, tất nhiên cần một sự kiên định to lớn, nhưng đồng thời cũng cần nuôi dưỡng một niềm khinh bỉ ở nền tảng" :)

    ReplyDelete
  5. ều ều, đoạn kết lại mở ra cho người đọc một vấn đề khác, một cuốn sách khác. Người chưa đọc thì ngứa ngáy tò mò. Người đọc rồi thì rơi tiếp vào một u ám khác.
    Hiểm thật!! :p

    ReplyDelete
  6. mịa ông, tôi khinh bỉ ông lắm nhưng thế đ nào vẫn đọc ông đấy

    ReplyDelete
  7. hãy cho tôi hân hạnh biết ông là ai, khi mà sự khinh bỉ không bao giờ có thể là một thứ tình cảm vô danh, "noblesse oblige", như madame de Mortsauf dạy cho Félix de Vandenesse, hehe

    ReplyDelete
  8. buổi sáng được tỉnh dậy với “cảm giác về số chính phương”, vẫn vậy chứ anh.

    ReplyDelete
  9. vĩ đại! chỉ còn biết kêu váng tên Balzac suốt một cõi.

    ReplyDelete