Nov 26, 2013

Đặng Thiều Quang

Ai cũng đi tìm một cái gì đấy, nếu không phải là đi tìm một cái gì đấy thì sẽ là tìm rất nhiều cái gì đấy :p

-----từ đoạn này trở xuống sẽ có spoiler to đùng có thể gây tổn hại cho những ai chưa đọc Săn cá thần của Đặng Thiều Quang, đồng thời cũng là những chất vấn về sự vô lý trong cuốn tiểu thuyết-----

Trong Săn cá thần có lúc hình như Đặng Thiều Quang quên béng mất mình đã viết gì. Ví dụ như khi tác giả nói mình sẽ kể chuyện xảy đến với hai cô gái đi cùng nhân vật chính (Đăng) và Tú khỉ trong chuyến đi đầu tiên đến sông Thiêng để săn con cá khổng lồ tưởng như là chỉ có trong huyền thoại. Hai cô gái này hẳn là khiến người ta tò mò vì ít nhất họ cũng thực hiện một, hai màn threesome ở đầu truyện.

Tác giả nói mình sẽ kể, nhưng sau chả thấy kể gì cả, hẫng hụt kinh. Thành ra đành phải chấp nhận sẽ chỉ có màn xem em gái tắm truồng và màn nhân vật tôi “từ từ chiếm đoạt nàng” với một miêu tả khó mà chán hơn được :p “Mọi thứ đều sinh ra từ lửa”. Ước lệ vãi hồn.

Giờ cứ chấp nhận rằng tác giả đã cố ý lừa chúng ta, hươu vượn rằng mình sẽ còn quay trở lại câu chuyện của hai cô gái kia nhưng rồi lờ tịt mất, cốt để ta có thêm động lực đi qua thêm nhiều trang sách lắm lúc đùa dai kinh, lại rõ nhiều suy tư như còn lốm đốm sót lại từ thời chàng tác giả ký tên D’Artagnan viết trên báo Hoa học trò.

Chấp nhận điều đó rồi thì vẫn còn quả vô lý to đùng này, mà tôi nghĩ chắc tác giả chưa hề nghĩ đến. Con “cá thần” được miêu tả là nặng chừng tấn, tấn rưỡi, tức là to khủng khiếp, ít nhất cũng phải hơn một con trâu béo, mà cá thì cấu tạo đầu của nó ai cũng biết. Vậy thì nó ở tư thế nào để có thể cắn đứt hai ngón tay của một người đang mắc kẹt vào tảng đá ngầm? Từ sau tảng đá thì không thể, to đùng ngã ngửa như vậy thì lại càng không thể xen vào giữa cái ông kia và tảng đá.

-----hết spoiler-----

Xong màn hành hạ nhau rồi :p thì tôi xin nói là cách đây khoảng chục năm tôi đã đọc Hoen gỉ, tiểu thuyết đầu tay trên bìa sau in ảnh chân dung anh giai tóc bồng bềnh kiểu chất nghệ Kinh Kỳ một thời. Đó là một cuốn tiểu thuyết thất bại hoàn toàn, không để lại mấy dấu ấn mặc dù D’Artagnan hồi xưa hẳn là nhiều độc giả. Hoen gỉ là một mớ bùng nhùng, đến giờ tôi vẫn nhớ cảm giác khi đọc nó, cảm giác về một cõi chán ngán, ngang tàng dở dở ương ương, sốt ruột muốn cuồng nộ mà cứ xìu xuống, nản kinh.

Tuy nhiên tôi vẫn đọc hết nó. Sau này mới biết quả nhiên sau Hoen gỉ, Đặng Thiều Quang không viết gì nữa trong nhiều năm. Như vậy hẳn là tốt, nếu cố đấm ăn xôi thì không biết sẽ ra thế nào.

Rồi một loạt tiểu thuyết khác, Bóng giai nhân, Đảo cát trắng vân vân và vân vân. Mãi vẫn không thấy Đặng Thiều Quang thoát ra được một cái gì đó lưu cữu, cái tâm thế bức bối mà không biết xì hơi đi đâu. Cho đến Săn cá thần mới khác. Người ta cứ nghĩ phải sao cho càng ngày càng đậm nét suy tư, càng nhiều triết lý sâu sắc càng tốt, như thế mới là tiến bộ. Nhưng không phải. Đạt đến được độ nhẹ nhõm, trong nhiều trường hợp, mới là tốt. Khi ấy ta sẽ đọc thấy được rằng tác giả đã đạt đến một mức độ cân bằng cần thiết nào đó, không chúi mũi vào một xó rồi tưởng tượng mình là anh hùng cứu vũ trụ nữa. Nguy hiểm và màu mè vãi.

Đọc nhiều nhân vật cũ của Hương Đầu Mùa mà thấy sợ, vì họ vẫn mắc míu trong niềm tin tưởng thơ ngây trẻ con pha chút “chiêm nghiệm” ậm ì, chán ngắt, trong khoảng chật chội của tấm lưới một chút năng khiếu bị tưởng nhầm là tài năng.

Ngày ấy, D’Artagnan thuộc dạng khá bên lề, không phải “dòng chính” của Hương Đầu Mùa, mà theo tôi tiêu biểu là một cái truyện đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ nhan đề, “Đào sâu chôn chặt”, không nhớ rõ là của ai. Dòng chính ấy là sự thổi phồng của cảm xúc, giống như một cuộc thi đua xem ai là người đạt đến đỉnh cao của khổ đau nhân thế ở cái tuổi mười lăm, mười sáu.

Chắc vì chỉ men bên lề do ham vui mà không nhập hẳn vào, nên ở Đặng Thiều Quang đỡ nhất cái dáng vẻ tự cao tự đại về khổ đau và sâu sắc trẻ con ấy.

À quên, cũng có nhiễm, nhiễm nhiều, những “ảnh hưởng xấu” à quên ảnh hưởng tốt đẹp ấy, chàng đã để lại phần lớn trong Hoen gỉ của cách đây gần hai mươi năm, ặc ặc.

1 comment:

  1. Tay này, GCC có đọc 1 truyện ngắn, 1 anh chàng đi lính hay sao đó, bị cụt tay, và nhớ hoài cái tay bị mất, như thể nó vẫn còn, còn hơn hết, so với tất cả những gì thực sự còn. Truyện làmnhớ đến Greene, và những người cùi, trong The Burn-Out Case. Nhưng sau đó, là chấm dứt.

    ReplyDelete