Nov 17, 2013

Sách tháng Mười 2013

- Nguyễn Hoài Nam, Mùi chữ, NXB Phụ nữ, 315tr., 80.000đ.

Trong lời bạt “Những cái không ở Hoài Nam”, nhà văn Hồ Anh Thái chỉ ra những cái không trong phê bình của Nguyễn Hoài Nam, như “không áp đặt ý kiến của mình lên tác phẩm”, “không tỏ thái độ cao ngạo và hách dịch”, v.v…, nhưng Hồ Anh Thái đã không chỉ ra được một cái không lớn nhất: Phê bình của Nguyễn Hoài Nam không có gì đáng nói.

Và chính từ đây, cái đáng nói bắt đầu.

Bỏ qua luôn mảng viết về các tác giả nước ngoài mà chỉ cần lướt qua cũng đủ biết nhà phê bình Hoài Nam không có lấy một mảy may phát hiện đáng chú ý nào, bỏ luôn qua mảng “phê bình thù tạc” mà nổi bật là khi viết về Nguyễn Quang Thân và Hồ Anh Thái (trong đó một người từng nhiều lần mời tác giả dùng cơm ở nhà riêng khu Kim Giang), ta còn lại mấy mảng.

Phần ba của cuốn sách mang tên “Nghĩ về văn chương” bàn về văn chương nói chung, thơ, phê bình, nhà văn trẻ, thực tế, thị trường, công chúng… đơn thuần là những bài báo với đặc trưng nổi bật là sự nước đôi, mập mờ.

Sự nước đôi, mập mờ này cũng là âm điệu chung của cả cuốn sách. Bài “Chế Lan Viên: Người thẩm thơ của một thời”, với rất nhiều ví dụ như thế, nếu đẩy logic đi tiếp, chưa cần đến tận cùng mà chỉ cần gần gần tận cùng, thì qua lăng kính ấy, phê bình thơ của Chế Lan Viên suốt một thời phải bị đánh giá hết sức tiêu cực; thì không hề, tác giả kết luận: “cần phải khẳng định rằng Chế Lan Viên đã xuất hiện với tư cách nhà thẩm thơ lớn của một thời” (tr.62).

Đó là cái sự có nhìn thấy nhưng không dám nói.

Ấy là nói những lúc tác giả có nhìn thấy. Những lúc khác tôi cứ mong ông nhìn thấy đi, sắp thấy rồi, mọi thứ đã ở đó hết, tưởng như không thể không nhìn thấy, giống như trong bóng đá có những pha ăn bàn mười mươi, cầu thủ tiền đạo một mình một bóng đứng trước gôn, đá ra ngoài còn khó hơn đá vào trong. Thế mà vẫn ra ngoài. Bao nhiêu lần Hoài Nam đá trượt kiểu như thế, nên Mùi chữ thành ra một tuyển tập clip những pha đá trượt bóng rất buồn cười.

Ở đây tôi tập trung vào “bộ ba” bài viết, về ba đối tượng có thể tính là sở trường của Hoài Nam, mấy nhà thơ tiền chiến của phong trào Thơ Mới (nếu không tính như vậy thì quả thật tôi cũng không biết sở trường của Hoài Nam là gì nữa, vì mảng thơ cổ hay tiểu thuyết lịch sử rõ mười mươi là sở đoản của tác giả rồi).

Ba bài viết ấy là “Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp và nụ cười Mona Lisa”, “Nguyễn Bính chân quê hay Nguyễn Bính thị thành?” và “Vũ Hoàng Chương: Người cũ trong thơ mới”, xếp liên tục thành một cụm, sau bài về Xuân Diệu, Hoài Thanh và trước bài về Chế Lan Viên, trong phần thứ nhất, “Tìm lại người quen”.

Viết về Nguyễn Bính, tác giả bảo người ta cứ nói đây là nhà thơ chân quê, nhưng thật ra ông thị thành bỏ xừ (“bỏ xừ” là từ của tôi, tất nhiên :p). Một trong những luận cứ quan trọng của bài viết là: cái sự ghen mà như náo nức, rộn ràng, hồ hởi là “một thứ trạng thái cảm xúc lạ mà thành thị đã gây mầm trong tâm hồn [Nguyễn Bính]” (tr.41).

Kiểu viết khiên cưỡng này thật quá dễ phản bác. Nghĩ năm giây thôi là đã ra một ví dụ đi ngược lại lập luận của tác giả: bài “Qua nhà” ấy, nó quê đặc, chẳng dính gì đến “tôi đi dan díu với kinh thành” mà vẫn ghen chết thôi, cái ghen đó lại còn được miêu tả rất là đáng nhớ nữa: “Giếng thơi mưa ngập nước tràn/Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều”.

Bài về Vũ Hoàng Chương, ngoài chuyện tác giả dường như rất ít hiểu biết về Vũ Hoàng Chương thời hậu MâySay, cảm giác “sút trượt bóng” rất rõ. Trích đoạn thơ đầu tiên trong bài là “Phương xa” (tức là bài có mấy câu rất nổi tiếng “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”); đây là một cách kinh điển và rất hợp lý để đi vào thế giới văn chương Vũ Hoàng Chương, điều ấy khỏi phải nói. Rồi cuối bài tác giả lại trích dẫn Đỗ Lai Thúy đặt Baudelaire cạnh Vũ Hoàng Chương.

Chìa khóa nằm đó hết rồi, mà ông vẫn mở sai cửa. Tài thật.

Mà Hoài Nam vẫn lặp đi lặp lại trong bài rằng Vũ Hoàng Chương rất Việt Nam và rất Trung Hoa.

Chuyện Hoài Thanh bảo Vũ Hoàng Chương là người cũ trong Thơ Mới thì đâu có ý nghĩa gì? Hoài Thanh cũng có thể sai cơ mà, nhất là Hoài Thanh lại còn không thích thú gì với Vũ Hoàng Chương, chẳng hiểu nổi thơ của Vũ Hoàng Chương.

“Phương xa” là một “adaptation” cực kỳ thành công, cả về cảm thức lẫn âm hưởng, hình ảnh của thơ Rimbaud, nhất là Baudelaire. Thậm chí tôi còn chưa thấy có bài thơ nào của Thơ Mới gần với “Charybde và Scylla” của Baudelaire như bài “Phương xa” này. Xuân Diệu luôn luôn nổi bật vì sự học hỏi thơ Pháp, nhưng Xuân Diệu học theo thơ rất cổ, rồi thơ lãng mạn, không hề giống trường hợp Vũ Hoàng Chương. Chỉ cần nhìn vào riêng chuyện sau đây cũng đủ thấy: văn hóa thơ (Việt Nam và Trung Hoa) cổ điển nếu nói đến lênh đênh mặt nước là nói đến sông; cái hình ảnh biển cả nào nổi danh nhất nhỉ? chắc chỉ có vụ Tần Thủy Hoàng sai người giong buồm ra khơi đi tìm thuốc trường sinh. Còn thì mặc dù sống ở một đất nước ven biển, nhà thơ Việt Nam xưa nay nhắc đến biển thì hình ảnh ăn sâu nhất chỉ là “cửa biển”, như nhan đề một tiểu thuyết; ngay Nguyễn Du cũng: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”. Thế mà ở đây Vũ Hoàng Chương thì “Bể vô tận sá gì phương hướng nữa”.

Tại sao một nhà phê bình như Hoài Nam lại cứ bàn lệch đi mọi chuyện trong khi các đầu mối có sẵn ở đó như thế? Theo tôi đó là vì cái nguyên nhân căn bản này: lối phê bình của Hoài Nam là lối phê bình đặc trưng của bình giảng văn học, kiểu các bài tập làm văn mẫu xưa nay vẫn thế. Nó không tìm cách phát hiện, mà nương nhờ những gì được coi là điển phạm (trong đó nổi bật là phê bình của Hoài Thanh, cái thứ phê bình vô vị ấy) để nhích ra chỗ này một tí, chỗ kia một chút. Khen lại những gì người ta đã khen bằng lối nói hơi hơi khác, chê thì mềm mại ái ngại chút chút cho có. Mục đích của nó không phải là tìm những cái đúng, mà để phù hợp với một sơ đồ có sẵn. Để được điểm cao.

Cho nên, xưa nay tôi vẫn nghĩ, giờ càng chắc, rằng những người từng là học sinh giỏi văn dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, có rất ít cơ may trở thành nhà văn hay nhà phê bình. Vì trong vô thức họ luôn luôn mong mình được chấm điểm cao theo một ba-rem có sẵn.

Bởi thế nên phê bình của Hoài Nam sử dụng vô cùng nhiều công thức của bình giảng văn học nhà trường, đó là lối nói nước đôi, mập mờ, đặt câu hỏi lãng xẹt: “Có lẽ nhà phê bình, vốn trung thành với nguyên tắc “chỉ bình thơ hay” của mình nên cũng chỉ quan tâm đến những bài hay nhất trong tập chăng?” (bài về Nguyễn Nhược Pháp, tr.32). Viết về Nguyễn Bính thì: “Nói về thơ Nguyễn Bính, trước nay người ta vẫn sử dụng một định thức quen thuộc: thi sĩ chân quê. Thì cũng chẳng sai” (tr.38): một mở bài kinh điển của tập làm văn. Tiếp tục về Nguyễn Bính, có lúc nhà phê bình tìm cách mở rộng vấn đề: “Mà cái mới, nói sao mặc lòng, bao giờ cũng có sức hấp dẫn và sức kích thích riêng của nó” (tr.39); những mệnh đề vô thưởng vô phạt thế này xuất hiện ôi thôi nhiều trong cả tập sách. Và cũng giống một học trò đang miệt mài làm bài cho kịp chấm hết trước khi có trống hết giờ, đến cuối thế nào cũng phải có một so sánh: “Nguyễn Bính không phải chỉ là con người của nông thôn: ông như người lái đò qua lại giữa hai bờ nông thôn và thành thị” (tr.45). Xin lỗi chứ, tôi không thể hình dung nổi Nguyễn Bính trong hình ảnh một ông lái đò, cùng lắm tôi cũng chỉ hình dung được Nguyễn Bính làm nghề lái đò kiêm biểu diễn khinh công bịp trên mặt nước, giống nhân vật của chưởng Kim Dung.

Bởi thế, Mùi chữ của Nguyễn Hoài Nam quả thật có mùi chữ, mùi của sự vô vị chữ nghĩa.


- Nguyễn Thanh Nhã, Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nguyễn Nghị dịch, NXB Tri thức, 486tr., 130.000đ.

Đây là một tác phẩm lịch sử hay, đề tài hấp dẫn, bản dịch tốt.

(nó cũng đã nổi tiếng xưa nay)

Khi xem một tác phẩm nghiên cứu như thế này, tôi đặc biệt quan tâm đến phần “Tài liệu tham khảo”; giá trị các nghiên cứu thể hiện rất nhiều ở cái phần tưởng chừng rất phụ này. Ở tr.467 có kha khá lỗi, nổi bật là Hoàng Lê nhất thống chí bản dịch của “Ngô Tất Tô”; Gia Định (thành) thông chí bị viết thành “Gia Định thống chí”; Nguyễn Hữu Tiến thành “Nguyễ Hữu Tiến”; Tang thương ngẫu lục thì lại ghi người dịch là “Ngô Văn Triển” trong khi đó là Trúc Khê Ngô Văn Triện; Thối thực ký văn của đại học sĩ Trương Quốc Dụng thì lại thành “Thoái thực ký văn”. Phần sách tiếng nước ngoài cũng nhiều lỗi.

Sách cũng không ghi rõ nhan đề sách gốc là gì.

Quyển này có thể đọc chung với một quyển khác cũng khảo về đề tài tương đối gần, cùng khoảng thời gian nhưng về Thăng Long, và cũng là một luận án tiến sĩ phát triển lên, của Nguyễn Thừa Hỷ.


- Sara Young, Trong vòng nôi kẻ thù, Nguyễn Quang Huy dịch, NXB Phụ nữ, 454tr., 120.000đ.

Những ai quan tâm đến lịch sử Đức Quốc xã hẳn đều chờ đợi những tác phẩm văn chương khảo sát các đề tài liên quan nhưng nhỏ hơn, chi tiết hơn. Ví dụ như chương trình Lebensborn của Trong vòng nôi kẻ thù này. Lebensborn là ý tưởng của Heinrich Himmler đáng sợ, đại ý là nuôi dưỡng bà đẻ để họ sinh ra những đứa con sau này sẽ là cột trụ của Đế chế III. Một phụ nữ, Cyrla, mang trong mình dòng máu Do Thái, sẽ lọt vào một trung tâm Lebensborn trên đất Đức và câu chuyện sẽ lắt léo, cộng với nhiều tình cảm.

“Khoa học” của Reich về nhiều thứ rất ngớ ngẩn, ví dụ như khoa nhân chủng học đo sọ người để xác định dòng giống, hay như miêu tả của Sara Young thì Himmler chỉ có độc một bài là dùng món cháo để tăng dinh dưỡng cho bà đẻ :p

Bản dịch này rất dễ thương: từ đầu đến cuối nỗi hãi hùng được giảm bớt nhiều phần vì Hitler toàn được viết mềm mại thành Hitle, hình như chỉ có một lần viết là Hitler hehe; nhân vật lấy một “copy” của Rilke trên giá sách, tức là quyển sách của Rilke thì thành một “bản sao”, và đặt tên cho đứa con gái theo (after) tên một người khác thì thành “sau”.


- Thomas Harris, Hannibal, Thu Lê dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 427tr., 108.000đ.

Sau Sự im lặng của bầy cừu bỗng nhiên Hannibal Lecter hiếu động hẳn, giết người như ngóe, thậm chí chẳng cần chậm bước chân mà đã hạ gục chết tươi một tay Di gan giả như móc túi đồ của hắn nhằm lấy mẫu vân tay.

Hannibal hiếu động thì không được hấp dẫn cho lắm. Bản dịch theo tôi cũng không thực sự tốt.


- Odyssey (viết là Odyssêy, chẳng hiểu sao lại thế) bản dịch của Đỗ Khánh Hoan đã ra, tiếp nối công trình về Homer. Với tôi, Odyssey (Odyssée) còn hấp dẫn hơn Iliad nhiều, và lại rất có ý nghĩa trong nghiên cứu James Joyce (Iliad cũng từng trở thành đối tượng pasticheparody của một số tác phẩm hiện đại, nhưng đều không trở thành cột mốc kỳ vĩ như Ulysses).

Nhưng sau khi cố đọc Iliad của Đỗ Khánh Hoan thì tôi biết tôi sẽ đầu hàng Odyssey (à quên Odyssêy) này. Thiệt hại cá nhân cũng không lớn lắm, chỉ vài trăm nghìn.


- Veronica Roth, Divergent. Những kẻ bất khả trị, Hồng Quyên dịch, NXB Trẻ, 542tr., 150.000đ.

Bộ Divergent, với kiểu miêu tả và phân chia nhân vật thành các “nhóm” làm ta nhớ ngay đến Harry Potter. Đây đang là sách bán rất chạy trên thế giới và NXB Trẻ đã rất kịp thời. Nhưng sao lại “Những kẻ bất khả trị” mà không phải “bất trị” hay “bất khuất” nhỉ?


- Audrey Niffenegger, Vợ người du hành thời gian, Trần Nguyên dịch, YouthBooks & NXB Văn học, 602tr., 128.000đ.

Lâu lắm rồi, kể từ lúc này, mới lại thấy các bạn YouthBooks ra sách. Xuất bản sách ở Việt Nam không dễ lắm, phải không :p


- Nguyễn Hữu Thái, Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình, Alphabooks & NXB Lao động, 495tr., 139.000đ.

Nguyễn Hữu Thái, từng là chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, “thức tỉnh” khi chứng kiến Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu. Thuộc vào nhóm trí thức tả khuynh của Sài Gòn thuở ấy.

Giờ đọc những nhân vật khói lửa của một thời, chẳng hiểu sao thấy oải và nản thế. Những lựa chọn, tốt đẹp theo mặt này thì lại chẳng hề tốt đẹp theo khía cạnh khác. Nhất là khi trong hồi ký này, Nguyễn Hữu Thái tỏ ra mình rất duy cảm:

“Tôi đã leo lên Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc nhìn về quê nhà ở tít tận phương Nam. Từ tầng cao Tháp Eiffel ở thủ đô nước Pháp, vọng về đất nước mình ở miền Viễn Đông xa tắp. Ở trên khu đồi cao điện Capitol tòa nhà Quốc hội Mỹ tại trung tâm thủ đô Washington, hướng về quê hương mình ở bên kia bờ Thái Bình Dương” (tr.19)


- Ba tiểu thuyết mới:

+ Săn cá thần của Đặng Thiều Quang

+ Khói của Đoàn Bảo Châu

+ Lần đầu thấy trăng của Võ Diệu Thanh

(chắc tôi sẽ quay lại với ba cuốn này sau, chỉ nêu một nhận xét trước là quyển Khói được dàn trang theo một cách thức rất không hợp lý, khiến cho nó trở nên dày bất thường)


- Hai quyển tái bản:

+ Ông già Khottabych của Lazar Laghin, vẫn bản dịch của Minh Đăng Khánh

+ Xứ Đàng Trong của Li Tana, trên bìa ghi rõ sách mới được giải Sách Hay; nhìn vào việc nó vừa được giải, cộng với các tên tuổi trong ban giám khảo của giải thưởng, tôi cho rằng việc nhận giải thưởng đã được tính toán từ trước để nó tái bản cho xôm tụ; nếu đúng là như vậy thì đây là một màn “play dirty”.


- Và nữa:


  

- Last but not least :p




6 comments:

  1. tưởng là sách trong tháng dành để giới thiệu sách hay chứ.
    - kiểu như Mùi chữ thì cần gì phải mua hay đọc nhỉ, coi đoạn trên như một bài điểm sách đi, nhưng chắc là chẳng báo nào in điểm sách kiểu này đâu :-)
    - cái đoạn cuối cùng về Trong vòng nôi kẻ thù vui nhỉ, chuyện thường gặp mà, 'copy' luôn luôn là 'bản sao', kiểu như 'inner circle' được gọi là 'hội kín' vậy
    - đọc Đỗ Khánh Hoan dịch vẫn khoái, tuy chưa đọc Iliad hay Odyssey do ông dịch. ví dụ so quyển 'Nỗi lòng' của Soseki do ông dịch với quyển 'Một mùa thơ dại' của Ichiyo do An Nhiên mới đây dịch thì ĐKH cho ta một bản dịch, còn AN cho ta nhiều chỗ không dịch, có thể giúp ta hiểu thêm một chút chút về văn hóa Nhật Bản, nhưng đối với những người nào không biết tiếng Nhật và văn hóa Nhật qua ngôn ngữ thì cái hiểu biết đó lại chẳng có giá trị gì.
    - trong số sách nếu trên không rõ quyển nào hay, có giá trị nhỉ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. những quyển văn học Nhật hình như ông ĐKH đều dịch cùng một người khác, Nguyễn Tường Minh thì phải

      Delete
  2. Bác NL trích của cụ Thái quá độc! Nhưng câu này thì nói được thần thái của cụ... Thái! :D

    ReplyDelete
  3. Chưa đọc "Mùi chữ" nhưng đã có anh Nhị Linh "ngửi" hộ kĩ thế rồi thì cũng chả phải đọc làm gì nữa cho mất công. Thôi, để thời gian coi clip đá bóng trượt khung thành cho bõ công tiếc rẻ! :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. èo nói chung là không nên như thế, nhà nghiên cứu thì không tin bất kỳ ai, càng không tin mũi người khác chứ

      Delete
    2. Haha, phải thế chứ! Nhắc nhở người khác nghi ngờ chính mình, không cho phép tin, dù chỉ là cái mũi!

      Delete