Nov 19, 2013

Một lối đi vào bộ Đi tìm thời gian đã mất

Bài dưới đây của Antoine Compagnon, đăng trên tạp chí Magazine Littéraire số tháng Tư năm 2010 nhân một chuyên đề của tờ tạp chí về Marcel Proust. Antoine Compagnon là một chuyên gia về Proust, từng tham gia biên tập bộ À la recherche du temps perdu phổ biến nhất ở Pháp hiện nay.



Đi tìm thời gian đã mất ở ngang tầm con người

Antoine Compagnon



Proust làm người ta sợ. Chính vì vậy phần lớn người ta không đọc Đi tìm thời gian đã mất, dù cho nếu đọc hẳn họ sẽ lấy làm thích thú. Đôi khi họ nghĩ tới việc này, nhưng họ bị khựng lại trước dung lượng của tác phẩm. Nếu có mua Bên phía nhà Swann thì họ cũng nao núng trước bốn trăm trang của quyển sách, khi mà họ khám phá ra rằng vẫn còn sáu tập tiếp theo nữa. Nếu có liều mình lao thân vào, thì cũng chỉ một nửa trong số họ đi kiếm Dưới bóng những cô gái tuổi hoa, và một nửa của một nửa này kiếm Phía nhà Guermantes. Sau đó rồi, mà đúng thế đấy, sự hao tổn sức lực sẽ không còn lớn lắm nữa đâu. Tại sao lại lắm ngần ngừ đến thế? Tại sao lại nhiều bỏ bẵng đến thế? Bởi vì tác phẩm này dài. Bởi vì nó có tiếng rất khó. Bởi vì nó lù lù ở đó như một công trình không ngừng to lớn mãi lên kể từ khi được mang đặt vào trong văn chương Pháp từ 1913 tới 1927. Bởi vì nó động tới các vấn đề nghiêm trọng, sâu sắc, đáng lo ngại: tình yêu, cái chết, nghệ thuật. Bởi vì người ta gắn liền tác giả của nó với thứ chủ nghĩa thời thượng, với sự biến thái, với cái ác [Marcel Proust là một trong những đối tượng của Georges Bataille trong Văn chương và cái ác]. Cứ thế, lực cản trước Proust vẫn cứ rất mạnh mẽ gần một thế kỷ sau khi ông xuất hiện trong cuộc sống văn học.

Thế nhưng tác phẩm này đâu có khó. Những người nói nó khó đã ngụy tín và nói như vậy để khư khư lấy cho mình, để “được ở đó”, như người ta vẫn nói ở nhà Verdurin. Câu văn của Proust hẳn nhiên là bất tận, ít nhất là một số trong đó, nhưng không gì ngăn cản người ta đọc chúng thật nhanh, giống như cách thức chúng được viết ra. Nếu khởi sự dừng lại ngâm nga cấu trúc cú pháp của mỗi câu, nếu ta cứ tìm cách nhốt chặt nó vào trong một cuộc phân tích logic theo kiểu vẫn làm hồi còn ở tiểu học, thì chắc chắn là sẽ không bao giờ kết thúc cho nổi. Và rồi ta sẽ nhận ra là cú pháp này đôi khi cũng chệch choạc, rằng bản thân Proust cũng lạc lối trong những dài dòng của ông, giữa đám phân từ hiện tại lởm khởm và những dấu ngoặc đơn có mở mà không có khép.

Có lẽ đây là điều đầu tiên cần tự thuyết phục bản thân để có thể chui vào trong thế giới Proust: tác phẩm này không hoàn hảo, nó là vậy đấy, nhưng lẽ ra nó đã có thể khác. Quyển sách chúng ta cầm trên tay là ngẫu nhĩ, dở dang; nó đã bị ngắt đứt ngang xương bởi nhà in đối với mấy tập đầu, bởi cái chết của tác giả đối với các tập cuối. Nói như vậy, cuốn sách này được viết ra một cách thật ẩu tả. Nếu có thể, nó phải được đọc thật nhanh - lúc nào cũng có thời gian để quay trở lại sau này - thì cũng là bởi vì nó đã được thành hình đầy vội vã, từ năm 1909 đến năm 1912 đối với phiên bản đầu tiên gần như là ngay trước cuộc Đại chiến, từ 1915 đến 1916 đối với phiên bản thứ hai xuất hiện nhân vật Albertine, nghĩa là trong một quãng thời gian rất ngắn. Sau đó thì Proust đọc lại, coi lại, sắp đặt lại, vá víu mãi không thôi. Montaigne thì bỏ hẳn hai mươi năm để viết bộ Tiểu luận, từ 1572 cho đến khi ông mất năm 1592, nghĩa là chưa tới sáu mươi trang mỗi năm. Proust thì chạy phăng phăng.

Nhiều câu văn tệ lắm, mà cấu trúc tổng thể cũng có vấn đề. Proust cứ khăng khăng đã khởi đầu bằng việc viết đoạn kết, nghĩa là đã biết được nghĩa bộ tiểu thuyết trước khi viết ra nó. Hẳn nhiên rồi, nhưng các trắc trở của công việc viết, chủ yếu bị chậm lại do chiến tranh, đã làm xáo trộn học thuyết của Thời gian tìm thấy lại. Văn bản hoàn bị - nếu ta có thể nói tới một văn bản hoàn bị của Đi tìm - không còn tương ứng với học thuyết ban đầu nữa. Và thật là may mắn vì đã như vậy. Một tác phẩm vừa khít với chương trình của nó là một tác phẩm cạn kiệt rất nhanh, bởi vì độc giả rất nhanh chóng nuốt trôi nó, còn một tác phẩm chênh vênh giữa dự định và hoàn thành là một tác phẩm sở hữu một cái gì đó ngõ hầu vượt được thời gian. Không phải cứ tác phẩm nào không hoàn hảo là được hứa hẹn huy hoàng hậu thế, mà chỉ là những tác phẩm chứa đựng trong trái tim chúng một thất bại tuyệt đẹp, sự đối nghịch với mọi dự định chính là bản thân cuộc đời. Tiểu thuyết viết nhanh, tiểu thuyết không hoàn hảo, lại cũng vì thế mà là tiểu thuyết thành công, bởi vì nó nhường chỗ cho độc giả, Đi tìm thời gian đã mất lẽ ra phải không gây e ngại mới đúng. Thêm nữa, đây lại là một cuốn sách buồn cười, một cuốn sách nơi người ta không thể ngừng cười, hoặc mỉm cười, mà điều này cũng không ngăn cản người ta suy nghĩ.

Tiểu thuyết hài, Đi tìm trước tiên là như vậy theo nghĩa thông thường, giống như một vở hài kịch của Molière. Nhưng Đi tìm cũng là một hài kịch theo một nghĩa đáng kinh ngạc hơn, và thậm chí xuất chúng, đối với một tác phẩm hiện đại: chỗ gỡ nút của nó rất hạnh phúc. Một trong những nét thường gặp nhất của các tác phẩm hiện đại, kể từ Madame Bovary và Ác hoa, cho tới Kafka hay Beckett, là chuyện kết thúc rất tệ hại, hoặc tệ hại hơn so với khởi đầu. Thế nhưng Thời gian thấy tìm lại [bỏ một ít] kết thúc bằng một cuộc thăng hoa. Người kể chuyện, bị tắc tị từ ba nghìn trang, tìm ra cái mẹo để vượt qua sự bất lực nhà văn của mình và thực hiện tác phẩm [bỏ một ít].

Đi tìm thời gian đã mất là một tác phẩm hiện đại tích cực, có lẽ là tác phẩm hiện đại tích cực duy nhất.  Đó chính là lý do khiến Sartre từng coi nó có tính chất tha hóa và đòi người ta vứt bỏ nó đi. Tất nhiên, để chuyện kết thúc êm đẹp và nhân vật chính trở thành nhà văn, nhất thiết Albertine phải chết. Đây là một câu chuyện cũ mèm rồi, chẳng hiện đại chút nào hết. Để một người đàn ông lớn lên, trưởng thành, tìm ra thiên hướng, viết, luôn luôn một người phụ nữ phải chết đi, như Eurydice đã chết để mà sau đó Orphée trở thành vị thần thi ca, như Manon đã chết để mà sau đó Des Grieux trở thành thánh và xuất bản một cuốn sách bình luận quyển thứ tư của Énéide, quyển về tình yêu. Tuy nhiên ngày nay, vào cái thời bình đẳng lý tưởng, bài học vẫn có thể vang lên trong toàn bộ tính chất tích cực trung tính của nó: “Hãy trở thành chính bản thân bạn.” Có một đạo đức trong bộ tiểu thuyết của Proust, đạo đức theo kiểu Nietzsche, không phản ngược, đạo đức của Vita nova mà Roland Barthes đã cảm nhận được một cách tuyệt vời trong những bài giảng cuối cùng của ông ở Collège de France, năm 1979 và 1980, về “Cuộc chuẩn bị cho tiểu thuyết”: Proust, cùng với Pascal, Chateaubriand, Kafka, đã hướng lối cho ông thay vì Virgile của Dante.

Lâu nay người ta cứ nói Proust độc ác và tiểu thuyết của ông thì vô luân, hay phi luân: trong những năm 1930, đó là sự tức tối của Mauriac, bị chấn động vì sự vắng mặt của Chúa trong Đi tìm; đó cũng là, trong những năm 1970, sự tức tối của Maurice Bardèche, khăng khăng khẳng định tính chất bạo dâm, cái khía cạnh thích dòm trộm người khác, sự tàn nhẫn của một số cảnh đáng nhớ. Điều này có thể làm nản chí một số tâm hồn nhạy cảm. Nhưng Barthes lại cho rằng không thể có tiểu thuyết lớn nếu thiếu tình yêu, thiếu một sự rộng lượng tuyệt đối. Một tiểu thuyết lớn đón nhận, bao trùm toàn thể thế giới. Proust không phải không biết điều này, ông đã suy nghĩ tới nó trong những trang của cuốn Cô gái bị cầm tù về Dostoievski, một con người hẳn cũng rất quen thuộc với cái ác vì đã miêu tả nó sống động đến như thế, nhưng lại tràn ngập lòng tốt đối với các nhân vật hủi lậu nhất của mình. Trong Chống Sainte-Beuve, bản phác thảo cho Đi tìm vào năm 1908, người kể chuyện cãi nhau với mẹ về Baudelaire, người bị bà mẹ đánh giá là xấu xa, còn người kể chuyện thì bảo vệ ý kiến nhà thơ phải yêu những bà già bé nhỏ của mình lắm thì mới miêu tả họ được như ông đã miêu tả, mới quan tâm đến họ được như vậy [ở lời bạt cho bản dịch Bên phía nhà Swann, Đặng Thị Hạnh cũng phân tích Marcel Proust theo hướng này]. Cuốn tiểu thuyết có vẻ ngoài gớm ghiếc hơn cả, Hành trình đến tận cùng đêm tối hay thậm chí Hạt cơ bản, cũng sẽ không mang lại gì được cho chúng ta nếu không có một tia sáng nhỏ nhoi cơ bản của lòng tin vào thế giới, dù cho chỉ là cái thế giới ngôn ngữ mà thôi.

Đi tìm thời gian đã mất, tiểu thuyết đạo đức, dĩ nhiên điều này không muốn nói là tiểu thuyết luân lý hay tiểu thuyết “luân thường” theo cách nói của Nietzsche (một người tốt khác), mà là tiểu thuyết biết lo âu cho người khác, quan tâm đến sự tương tác của họ, đến sự đối thoại giữa họ, đến những vết thương nhỏ li ti mà đôi khi một tình bạn cũng có thể gây ra, cũng như sự trợ lực mà nó có thể mang đến [bỏ một ít]. Như vậy Đi tìm là một tiểu thuyết hài không chỉ bởi vì nó buồn cười và làm người ta cười khi đọc, mà còn bởi vì nó có tính cách cứu rỗi, giống như Thần khúc, nơi cuộc sống được đan dệt từ những ngớ ngẩn, đau đớn, khoái lạc. Tiểu thuyết của Proust không hề có chút gì của một tác phẩm kín bưng như người ta vẫn thường xuyên nói [bỏ một ít]. Nhờ văn chương mà người ta có thể nhìn thế giới bằng mắt người khác, xâm nhập thế giới người khác, có nghĩa là hiểu người khác, xâm nhập người khác. Văn chương là sự hiểu, không phải thu mình, chia cắt hay bí mật. Proust, nhà tiên tri của tôn giáo văn chương, không phải không biết văn chương có thể phụng sự trong đời [bỏ một ít].

2 comments:

  1. Thầy nói về Proust hay quá, quyến dụ, bắt buộc người khác phải thử (đọc) nếu chưa 1 lần nếm qua :)

    ReplyDelete


  2. Đọc trên trang của Nhã Nam cứ tưởng bài của ai đó người Việt, hóa ra không phải.
    Bản dịch khá tốt. Có một vài lỗi nhỏ. Đơn vị tiền của Pháp, khi thì gọi là quan, khi thì lại là phờ răng. Ông bà nhạc có lẽ không có nghĩa là bố mẹ chồng (Mối tình...)
    Mong được đọc những tập tiếp theo.

    ReplyDelete