Nov 6, 2013

Nhất Linh: Giòng sông Thanh Thủy


Bộ sách này có thể coi là tác phẩm cuối cùng của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

Tiếc rằng nó quá ít được giới phê bình quan tâm, thậm chí ít được biết đến. Có người viết về nó thì viết lung tung không nắm được đến cả chi tiết.

Thời điểm Nhất Linh viết Giòng sông Thanh Thủy là đầu thập niên 60, tại Sài Gòn. Nó cần phải được đọc chung với "cương lĩnh sáng tác" giai đoạn sau này của ông, Viết và đọc tiểu thuyết, viết cùng thời kỳ. Xóm Cầu Mới mới được Nhất Linh dự đồ như là tác phẩm lớn nhất của mình, nhưng thực tế đã diễn ra không đúng như ý ông muốn, vị trí Xóm Cầu Mới đã nhường lại cho chính bộ Giòng sông Thanh Thủy này.

"Cú chót" của Nhất Linh rất không tầm thường.

Chắc hẳn chưa có thứ văn chương lấy chủ đề hoạt động cách mạng nào mà lại nhẹ bỗng như Giòng sông Thanh Thủy. Nó chủ yếu miêu tả cảnh thiên nhiên (đi kèm với những bức họa của Nhất Linh) và tâm trạng, nội tâm của một người rất "light-hearted" là chiến sĩ Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân đảng, nơi Nguyễn Tường Tam là một yếu nhân nhưng không phải đảng trưởng - nói rõ cho mấy nhà phê bình biết hehe - đảng Dân chính mà Nguyễn Tường Tam làm đảng trưởng được sáp nhập vào đây), một cán bộ quèn, chuyên dẫn người đi lại ở địa phận Trung Quốc giáp ranh với Hà Giang, hay được gọi là "Ngọc châu chấu", một người ưa ăn ngon (thích phở cừu, phở chua), rất bắt mắt chị em phụ nữ nhưng lại có tài ngủ cùng phòng với phụ nữ đẹp nhiều đêm mà không nảy sinh tà ý.

Bên cạnh Ngọc là Thanh, từ đầu đến cuối là người của Việt Minh nhưng toàn truyền thông tin sai lệch cho tổ chức. Thanh xinh đẹp, liều lĩnh và rất "phụ nữ tiên tiến" của thời tiền chiến Việt Nam.

Giòng sông Thanh Thủy không hề lệch khỏi phong vị của Tự Lực văn đoàn, nó chính là hồi quang rực rỡ của cả phong trào Tự Lực văn đoàn chứ không phản gì lại. Nhất Linh đặc biệt có tài trong việc kìm giữ sự thổ lộ yêu đương giữa Thanh và Ngọc, để cho "đôi bạn" không biết bao nhiêu lần lơi lả ngả ngớn bên nhau, ở cùng nhà suốt nhiều thời gian, ngâm thơ chơi bời đủ kiểu nhưng vào khoảnh khắc cuối cùng bao giờ cũng kìm giữ được.

Và chính ở đây điều then chốt trong Viết và đọc tiểu thuyết đã được bộc lộ: Nhất Linh muốn hướng tới một tiểu thuyết thật tự nhiên, không bị o ép bởi những luận đề, bình luận lý tưởng hay triết lý. Chưa bao giờ trong tác phẩm của Nhất Linh các nhân vật lại đùa nhau nhiều đến vậy. Vestige shall be cut by cabbage (Vết tích sẽ bị cắt bởi cải bắp): đây chỉ là một câu nói đùa của nhân vật. Thanh là một người có học, rất hiểu biết, bàn luận triết học Platon, Fichte, Nietzsche nhoay nhoáy, cũng lại là một người đem lòng hận thù to lớn.

Nhưng tất tật những thứ ấy chả là cái thá gì vào thời điểm này.

Nhất Linh cũng (hẳn là lần duy nhất), nhắc đến "nhà văn Nhất Linh" trong tiểu thuyết của mình. Tâm trạng buông bỏ ấy rất đặc biệt, nó vừa hờ hững với mọi sự, vừa quấn quýt với những gì tưởng chừng trước đây chẳng mấy khi Nhất Linh để ý đến. Ngay tên của nhân vật quan trọng Việt Quốc cũng được lấy theo hướng ám chỉ đến bản thân Nhất Linh Nguyễn Tường Tam: Tường.

Nhất Linh ở thời điểm này đã buông bỏ. Cách mạng chả để làm đếch gì. Tiểu thuyết luận đề thì chán ngấy. Lý tưởng là cái con tườu.

Và chính ở, chính bằng, chính qua cái sự nhẹ nhõm, vui tươi, cười cợt ấy, mà Giòng sông Thanh Thủy cho thấy, âm mưu, thủ đoạn, giết chóc, ám hại vân vân, thật là tởm.


Bài liên quan:

Lạnh lùng tự lực mà đoạn tuyệt
Nhất Linh ở Sài Gòn
Nhất Linh dang dở
Nhất Linh vs Vũ Trọng Phụng

1 comment: