Nov 8, 2013

1Q84, tập 3

Trong tập ba của 1Q84 kết cấu sóng đôi đã bị phá vỡ, lần đầu tiên Haruki Murakami áp dụng một mô hình "ba giọng", ngoài Aomame và Tengo, nhân vật "phản diện" Ushikawa trở thành một giọng riêng. Tức là một chương về Aomame thì đến một chương về Tengo rồi một chương về Ushikawa. Như thế này có lẽ là khôn ngoan, vì nếu sau hai tập (rất dài) rồi mà vẫn áp lại nguyên xi những gì đã cũ, có khả năng chẳng mấy ai đọc nốt cho hết vì đã quá nhàm chán :p

(nhắc vở kẻo nhiều người lâu rồi đã quên mất: Ushikawa là một thằng cha rất xấu xí, dị dạng, lại rất xấu tính, được giáo phái của "Lãnh Tụ" thuê để điều tra về Tengo và Aomame trước đây, giờ vẫn tiếp tục điều tra, nhưng lúc này, ở tập ba, Aomame đã trở thành một nghi phạm, bị giáo phái ngờ là đã giết Lãnh Tụ; chính trong một chương về Ushikawa chứ không phải chương về hai nhân vật chính kia, đã xuất hiện hình ảnh Gregor Samsa, có vẻ đang rất ám ảnh đầu óc Haruki Murakami: xem thêm truyện "Samsa yêu" ở đường link phía dưới)


Tập một hay được gọi là "Tinh hoàn truyện" :p, tập hai hay bị gọi là "Giao hợp truyện" :pp, còn tập ba này, nói một cách ngắn gọn, là "Thụ tinh truyện". Murakami có thể rất dài dòng, có thể vô cùng snob mệt người trong những vầy vò nhạc cổ điển, văn chương các thứ, nhưng riêng về khoản nghĩ ra những tình huống tình ái và sinh đẻ thì quả là vô đối.

Giờ chắc đã già, mấy khoản tình ái Haruki Murakami đã hãm phanh rất nhiều. Khi Tengo đến "thành phố mèo" tức là thị trấn bên bờ biển để chăm cho ông bố nằm hôn mê không biết gì, ngày ngày đọc sách cho ông bố nghe mặc dù chẳng biết nổi ông ấy có nghe thấy gì hay không, thời điểm ấy ở bệnh viện có ba cô y tá, hai cô tương đối đứng tuổi và một cô, Củ Mì (Kumi) tương đối trẻ. Cả ba cô đều khoái anh Tengo, thế là một hôm ba cô cùng rủ anh đi ăn tối, tiệc tùng nhậu nhẹt karaoke xả xì trét các thứ.

Ta đợi sắp có màn một anh với ba chị. Trước đây chắc Murakami chẳng nề hà gì mà làm phát thế luôn. Nói chung là giật thon thót với những lời nói giữa các bên, lúc nào cũng như sắp lôi tuột độc giả vào một cuộc foursome đậm màu weird.

Thế nhưng, trung niên điềm đạm Murakami cuối cùng chỉ để Tengo đi về nhà cô Kumi, hai cô kia không hề đi theo.

Và đến cuối cùng, hình như đôi bên cũng chỉ hút cỏ với nhau cho bốc lửa chứ không bốc lửa kiểu khác.

Thời gian tài thật, như cường toan xói mòn ham muốn.

Tập ba này dường như có chủ đề chính là giải quyết vấn đề thời gian: thời gian là gì, vận hành như thế nào, ta đi lại trong thời gian ra sao, chuyển di như thế nào để có thể vừa ở thế giới này lại vừa ở thế giới kia.

Hai hình ảnh nổi bật hơn cả trong cuộc đối đầu với khái niệm thời gian mà Haruki Murakami sử dụng là nhân vật rất bí hiểm, người của hãng NHK cứ liên hồi đến gõ cửa (đập cửa thì đúng hơn) các nhân vật chính rồi đứng ngoài hành lang dọa nạt đòi họ phải nộp tiền phí nghe nhìn.

(cái tiền phí nghe nhìn này ở các nước công nhận là rất chuối)

Tay nhân viên NHK đó từ đâu chui ra? Ushikawa (trong khi đi theo dõi Tengo) đã cố rình để chụp ảnh bằng được hắn ta mà không nổi, vì tay nhân viên ấy như thể bốc hơi mất.

Bởi vì đó là một kẻ xuyên thời gian. Hắn bí hiểm, vì thời gian là bí hiểm. Tiếp theo đà bí hiểm của hai tập trước, sang đến tập ba này lại có một vụ thụ tinh bí hiểm. Vụ thụ tinh ấy bí hiểm cũng là vì nó dính dáng đến thời gian.

Chi tiết thứ hai được sử dụng khi phân tích thời gian là bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust. Nếu muốn tìm trong toàn bộ lịch sử văn chương thế giới một tác phẩm thực sự đi sâu vào thời gian, thực sự tìm cách cắt nghĩa và phân tích thời gian ở mức độ kiệt cùng cao nhất, thì chính là bộ Đi tìm..., chính nó đó :p

Đến một lúc, Tamaru gọi điện thoại cho Aomame, đề nghị sẽ cho người bí mật mang đến cho cô bánh madeleine (ở đầu tập ba cũng chính Tamaru khuyên Aomame đọc Đi tìm thời gian đã mất).

Khả năng rất lớn là ăn bánh madeleine, chuyện từng xảy ra với Marcel Proust, hay ít ra là với cái người kể chuyện của bộ sách mang tên Marcel, thời gian bỗng kéo tuột ta vào những ngóc ngách bí hiểm của nó. Những ngóc ngách ấy có thể tràn đầy phong cảnh ngoạn mục, nhưng cũng có thể mở ra địa ngục.


Bài liên quan:


16 comments:

  1. Ơ, hóa ra đàn ông cũng chịu tác động của thời gian à? Tôi tưởng cỗ máy ham muốn ấy hoạt động đến lúc ngỏm :-p
    Còn cái nhân vật Ushikawa thì bớt hay hơn cái Ushi con bò nào đấy trong Biên niên ký chim vặn dây cót, một thằng cha đê tiện, bẩn bựa, mà gớm hơn là y còn tự nhận/biết mình là như thế. Nhưng các nhân vật kiểu này luôn làm tôi phục lăn ;)

    ReplyDelete
    Replies
    1. à ừ nhỉ hơi nhầm, không hẳn là ham muốn mà là các hoạt động liên quan :(

      Delete
  2. bác có cần như này không ạ? Chưa ra sách, đọc thế này ngứa ngáy chịu không thấu :((

    ReplyDelete
  3. Chú cho cháu hỏi ngoài lề tí, bộ "Đi tìm thời gian đã mất" hình như chỉ mới có tập 2 là có bản tiếng Kinh phải ko ạ. Mà các tập của nó có liên quan gì nhiều với nhau không, sao người ta lại xuất bản lẻ như vậy, liệu đọc riêng một tập ấy thì có sao ko :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. đọc riêng một tập í có thể bị lăn ra giãy đành đạch đấy hehe

      câu hỏi nho nhỏ nhưng muốn trả lời thì phải đụng đến kha khá nhiều lịch sử dịch thuật Việt Nam: có thể hình dung một cách giản lược như thế này, sau nhiều chục năm sách dịch chủ yếu thuộc dòng hiện thực xã hội chủ nghĩa, khoảng hơn hai mươi năm tiếp theo xảy ra hiện tượng: ở mảng tiếng Anh thì rất bám vào các best-seller, còn ở mảng tiếng Pháp lại rất bám các giải thưởng, trong đó ở vị trí siêu sao là giải Goncourt

      phiền cái là trong cả bộ Đi tìm thì có mỗi tập hai, Dưới bóng những cô gái tuổi hoa, từng được Goncourt hehe

      nhưng để sửa chữa những sai lầm của Cải cách sách vở :p sắp tới đây tập một, về Swann, sẽ được ấn hành, chắc trong năm nay hoặc cùng lắm muộn nhất là đầu năm tới

      Delete
    2. Hèm, vậy thôi không đọc nữa, chờ đợi cuốn một vậy. Thanh niên nghiêm túc có một ưu thế lớn so với trung niên điềm đạm, đó là lượng sách chưa đọc còn quá quá quá nhiều, mà trong đó thì sách hay vô khối :D

      Delete
    3. như vậy là sẽ dón chờ đọc tập 1 sau khi tập 2 ra bản tiếng Việt cách đây hơn 20 năm, liệu có giống như Les Thibault chỉ ra phần 7 và 'bỏ qua' chưa in các phần khác (mặc dù đã có bản dịch nhưng điều kiện vật chất chưa đủ, như trong Lời nói đầu của NXB)?

      Delete
  4. Chết cười với anh Nhị Linh vụ tưởng bở foursome này nọ, nhưng mà đúng là: "Thời gian tài thật, như cường toan xói mòn ham muốn."

    ReplyDelete
    Replies
    1. trong tập ba này anh Murakami tự dưng bàn rất sâu về 400 quả trứng ở phụ nữ, đọc mà xấu hết cả hổ ;)

      Delete
  5. Cho du cu HM co phan uy mi nhung van phai thu nhan em van me toi thanh pho meo, cai ong Ushikawa qua u hay ho kia va ong bo Tengo go go ngon tay. Cao thu.

    ReplyDelete
  6. Nhân vật thu phí NHK có thể là người cha đang nằm hôn mê trong bệnh viện dưỡng lão - ông cũng từng là nhân viên thu phí mẫn cái của cái hãng truyền hình này.

    ReplyDelete
  7. chính vì cái 400 trứng ấy mà mình phải mày mò Google toàn tập các thể loại khoa học liên quan. Có vẻ như bác ý viết sai hoặc người dịch có nhầm lẫn gì chăng, mình Google thấy bảo 400.000 nan trứng cơ mà?

    ReplyDelete
    Replies
    1. wow tks :p đã kiểm tra, 400 là con số đúng

      Delete