Mar 27, 2014

Salman Rushdie (3) Fatwa, hay là văn chương trước áp chế và kiểm duyệt

Nói đến cuộc đời và văn nghiệp Salman Rushdie, nếu muốn toàn diện một cách tương đối, lẽ dĩ nhiên không thể bỏ qua “án fatwa” mà ông từng phải gánh chịu. Tuy nhiên nếu quá nhấn mạnh vào yếu tố này thì ta sẽ dễ đi đến chỗ thu giảm Salman Rushdie thành “nhà văn từng chịu fatwa”, điều này cũng bất công không kém nếu bàn về Salman Rushdie mà né tránh fatwa.

Fatwa do lãnh tụ Khomeini tuyên vào năm 1989 đẩy Salman Rushdie vào một tình thế nguy hiểm đến tính mạng thường trực. Nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống riêng của Rushdie, như ta thấy rõ trong hồi ký Joseph Anton. Sống ở một đất nước xa lạ nhưng thật ra gần gũi vì đã gắn bó từ thuở nhỏ, tại một xứ tự do nhưng thường xuyên phải được cảnh sát chăm sóc, Salman Rushdie rơi vào một tình thế nghịch lý kép.

Điều đó khiến cho cuộc xa nhà thực sự trở thành lưu vong (The Satanic Verses cũng nhanh chóng bị cấm ở Ấn Độ), và điều kiện cuộc sống tự do (thân thể và ngôn luận) bị phá hỏng. Giống như là hiện tại bỗng dưng bị quá khứ đuổi kịp, mà quá khứ thì lại to lớn khổng lồ hơn hẳn hiện tại; hoặc giả giống như “hợp đồng với quỷ” (Faustian contract) do không xem xét kỹ nên Rushdie đã bỏ sót mất một điều khoản về “sự quá đà”.

Trước năm 1989 ấy chừng nửa thập niên, Salman Rushdie từng viết một bài về vấn đề kiểm duyệt, tên là “Censorship”, in trong tập Imaginary Homelands, tập tiểu luận gồm các tác phẩm của giai đoạn từ 1981 đến 1991.

Vài đoạn nói lên quan điểm riêng của Salman Rushdie về kiểm duyệt:

“Đâu là các hiệu ứng của kiểm duyệt toàn diện? Rất rõ ràng, đó là sự vắng mặt của thông tin và sự hiện diện của những lời dối trá. Trong chiến dịch diệt chủng của Bhutto tại Baluchistan, các hãng thông tấn đều giữ im lặng. Một cách chính thức, Baluchistan đang yên ổn. Những ai bị chết thì chết một cách không chính thức. Chắc hẳn họ sẽ được an ủi nhiều lắm khi biết rằng sự thật của Nhà nước tuyên bố tất cả họ vẫn còn sống. Một ví dụ khác: bạn sẽ không tìm thấy thông tin về việc giới chóp bu quân sự của Pakistan có dính líu vào sự bùng nổ của heroin, chủ đề vốn được tranh cãi rất nhiều trên báo chí nước này. Thế nhưng đó lại là thứ nằm ẩn đằng sau mối quan tâm của Tướng Zia đối với đám tị nạn Afghanistan. Thương gia Afghanistan góp sức điều hành ngành heroin ở Pakistan, và họ dư sức hiểu cần phải làm quân đội trở nên giàu có ngang với mình. May mắn xiết bao vì Qur’an không hề đả động đến đạo đức của việc thúc đẩy heroin phát triển.

Nhưng hiệu ứng tệ hại, xấu xa nhất của kiểm duyệt nằm ở chỗ, xét cho cùng, nó làm người ta thui chột trí tưởng tượng. Nơi nào không có tranh luận, nơi ấy thật khó mà ngày ngày nhớ nổi rằng trong mọi cuộc tranh cãi đều có một phía bị đục bỏ. Gần như không còn có thể hình dung những thứ bị đục bỏ là gì nữa. Và thật dễ nghĩ những gì bị đục bỏ là vô giá trị, hoặc nguy hiểm đến mức chúng cần bị đục bỏ. Khi đó, nhà kiểm duyệt đã hoàn toàn chiến thắng.”

Rất rõ ràng, mạch lạc.

Đến khi thực sự trở thành nạn nhân của áp chế và kiểm duyệt, Salman Rushdie đã hành xử như thế nào? Câu chuyện được thuật lại rất chi tiết trong Joseph Anton: các thông tin, sự hẫng hụt, cay đắng, sự vùng vẫy, sự chứng kiến (ví dụ hình ảnh những người theo đạo Hồi biểu tình đốt ảnh chân dung Salman Rushdie và/hoặc đốt quyển sách The Satanic Verses). Cả một bản miêu tả vô cùng tỉ mỉ về tình thế của một con người rơi vào cảnh lưu vong, áp chế và kiểm duyệt trong thế giới của chúng ta.

Nhưng tôi thấy đoạn cuối của chương II cuốn sách, mang tên “Manuscripts Don’t Burn” (điển tích “bản thảo cháy” này, dĩ nhiên, lấy từ Nghệ nhân và Margarita của Bulgakov), hết sức đáng chú ý để hiểu quan điểm sau này của Salman Rushdie đối với fatwa:

“Một lão già đau yếu hấp hối nằm trong căn phòng tối tăm. Con trai lão kể cho lão nghe về những người theo đạo Hồi bị bắn chết ở Ấn Độ và Pakistan. Có một cuốn sách đã gây ra chuyện đó, tay con trai nói với lão già, một cuốn sách chống lại đạo Hồi. Vài giờ sau, đứa con trai cầm một tờ giấy đến trụ sở đài truyền hình Iran. Thường thì một fatwa hay đạo lệnh phải là một thứ giấy tờ chính thức, có chữ ký, có người chứng kiến và niêm phong cẩn thận, nhưng đây chỉ là một tờ giấy với những dòng chữ được gõ bằng máy chữ. Chưa từng có ai nhìn thấy tài liệu chính thức, đấy là giả dụ nó có tồn tại, nhưng đứa con trai của lão già đau yếu hấp hối bảo đây là lệnh của cha hắn, thế là chẳng một ai cãi lại. Tờ giấy ấy được chuyển cho phát thanh viên, thế là anh ta đọc to nó lên.

Hôm ấy là ngày Valentine.”

[đây là thời điểm đầu năm 1989; Ayatollah Khomeini sẽ chết sau đó vài tháng; đây cũng đã là tròn mười năm sau khi Khomeini tiến hành “Cách mạng Iran”]

Rốt cuộc, kiểm duyệt hình như là một vết cắn phi lý của con muỗi, khi ta đã nằm vào trong màn.


No comments:

Post a Comment