Mar 19, 2014

Đảo: hổn hển hay không hổn hển

Tập truyện Đảo của Nguyễn Ngọc Tư gồm toàn những thứ rất khó viết, vì nó viết về các cảm giác.

"Hổn hển hay không hổn hển" là sự tình rối bời của người vợ khi làm tình với chồng, trong truyện "Xác bụi": hổn hển thì chồng vui, nhưng không hổn hển thì người tình cũ đang là vong hồn lẩn quất ngoài kia sẽ vui. Biết làm thế nào đây, cuộc đời người phụ nữ là một cái bẫy, tình ái cũng là một cái bẫy.

Tập này có một truyện ngắn mà tôi rất ngưỡng mộ ngay khi đọc lần đầu tiên cách đây cũng khá lâu, "Tro tàn rực rỡ"; chắc hẳn tác giả cũng thích nó, nên nó được xếp làm truyện cuối cùng của tập.

Bởi tập truyện ngắn này thật ra hết sức phức tạp, tôi nghĩ là nên bắt đầu với một truyện cụ thể, chính truyện "Tro tàn rực rỡ" này: ở xóm Thơm Rơm có cặp vợ chồng Tam và Nhàn, cứ lên cơn là Tam đốt nhà (thật ra nhà giống túp lều rách nát hơn), nhưng những cuộc đốt đó không phải tai nạn hay một chuyện gì mang màu sắc lộn xộn, loạn tả, bởi khi đốt thì Tam sẽ "say sưa" ngắm đám cháy, còn Nhàn thì "đắm đuối" ngắm chồng. Nó giống một thứ nghi lễ. Toàn bộ câu chuyện được kể qua giọng một người phụ nữ khác, lấy chồng sau đám cưới Tam và Nhàn một thời gian ngắn, và có một mối quan hệ rất khó diễn tả với cặp vợ chồng kia.

Ở cái xóm nghèo này, những vụ cháy ấy dần thành chuyện rất quen, được người ta xúm đến xem như xem tuồng. Cái bạo lực của sự buồn tẻ ấy, theo tôi, là đặc điểm chính của tập truyện Đảo.

Những truyện khác cũng ngập tràn bạo lực. Cánh đồng bất tận thật ra cũng đầy bạo lực, nhưng đến Đảo thì bạo lực thấm vào mọi thứ, muôn trùng bất tận bạo lực của cõi sống tẻ nhạt ghê người, của những lặp lại phát ớn, chồng đi nhậu say về đêm đêm, đợi vợ dìu vào nhà, thậm chí lên đập cửa rồi lại đi xuống dưới đợi vợ ra dìu, người đàn bà trong "Mưa qua trảng gió" lặp đi lặp lại những ngày dài đẫm trong mưa bất tận, người phụ nữ trong "Biến mất ở Thư Viên" không biết bao nhiêu ngày đến hiệu sách cũ lật giở những quyển sách mong tìm lại hình bóng một người yêu biến mất.

Vị của Đảo là vị của bạo lực tầm thường, đã được tác giả, như một cách hoán dụ, thể hiện trong "Vị của lời câm", một truyện ngắn đặc biệt xuất sắc khác trong tập: người phụ nữ trong truyện ấy nhai từ ngữ như những thứ hữu hình. Cùng sự hung bạo được thể hiện rất mềm mại ấy xuất hiện trong truyện "Đánh mất cô dâu", cái truyện đặt ra vấn đề nhà văn đối xử với nhân vật như thế nào. Rốt cuộc, quan hệ giữa người với người, kể cả với những con người hư cấu, cũng đầy tính chất bạo lực.

Tập truyện này, tôi không muốn trích dẫn câu nào; nó có quá nhiều câu hay. Hãy đặc biệt để ý đến những câu kết truyện, hiếm khi nào trong văn chương Việt Nam có những câu kết đắt giá đến thế.

Thói quen lần mần tỉ mỉ khiến tôi đi tìm xem từ nào là "chủ âm" trong tập truyện này. Trong tiểu thuyết Sông, từ ấy là "trôi". Còn trong tập truyện Đảo, có lẽ từ ấy là "vói". Các nhân vật đều như thể muốn vói đi đâu đó, vượt khỏi nhàm chán buồn tẻ cuộc đời. Nhưng đi đâu? Bỏ đi cũng chẳng giải quyết vấn đề gì, như ta có thể thấy rất rõ trong "Sổ lồng", "Đi bụi" hay thậm chí "Chụp ảnh gia đình". Trở về còn tệ hơn nữa ("Lưu lạc" và "Củi mục trôi về").

Trong "Áo đỏ bắt đèn", tôi cũng nhận ra tác giả dùng lại địa danh "Hiệu Oanh" đã xuất hiện rất đáng nhớ trong tập thơ Chấm.

Sông, ChấmĐảo, ba từ này có lẽ đã khoanh định một vùng lãnh thổ văn chương không ngớt độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư.

Tập truyện Đảo có những thứ theo tôi là kiệt tác truyện ngắn: "Biến mất ở Thư Viên", "Đảo", "Vị của lời câm" và "Tro tàn rực rỡ". Nhưng, để nói cho sòng phẳng, Đảo cũng có hai truyện hụt hơi hẳn so với không khí và chất lượng chung của cả tập, là "Mùa mặt rụng" và "Đường về Xẻo Đắng".

6 comments:

  1. Đám cháy của Nguyễn Ngọc Tư quả thật cũng rực rỡ ngang những đám cháy đã ám trong văn học Nhật như Địa ngục trước mắt, Xứ tuyết hay Ngôi đền vàng...mặc dù nó là nhà lá thôi ạ.

    ReplyDelete
  2. "vói" và "Nhưng đi đâu?" của cô Tư hình như đã dập dềnh từ tập Chấm.

    đi ngả nào tóc cũng rơi đằng gót
    (nuối tóc)

    em thích bản ở blog cô Tư hơn:

    "Đi nẻo nào tóc cũng rơi đằng gót"

    ReplyDelete
    Replies
    1. bản suýt chính thức còn hay hơn:

      đi ngã nào gót cũng rơi đằng tóc

      :p

      Delete
  3. Like or Not Like, for many people today is just a ... "policy".
    I only Like Tran Vu, my most favorite:

    http://tranvu.free.fr/

    Behind the style of Violence yet Elegance is LOVE

    GioChuong

    ReplyDelete
  4. đọc rồi đâm yêu Ngọc Tư.

    ReplyDelete