Nov 29, 2015

Những hiệu quế

Truyện dưới đây của Bruno Schulz gây cho tôi một cảm giác ngây ngất, cả ở lần đầu tiên đọc lẫn khi đọc lại, một truyện ngắn hết sức khó diễn tả.

Những hiệu quế



Vào cái quãng ngày trở nên ngắn nhất trong cả năm, đờ đẫn, hai cạnh bó lại trong vòng ôm đầy chặt của hoàng hôn, lúc thành phố rẽ nhánh thành những mê cung các đêm mùa đông, mà một buổi sáng quá ngắn ngủi khó nhọc lắm mới lôi được ra từ sự uể oải, bố tôi đã trở nên chệch choạc, quy phục, dâng hiến trọn vẹn cho một tầng cầu khác… Khuôn mặt ông và cả đầu ông tua tủa man rợ một thứ lông xám tạo thành những búi ào ra từ các mụn cóc, tai và lỗ mũi, khiến ông có dáng vẻ của một con cáo đã già đang rình mò.

Ở ông, khứu giác và thính giác tinh nhạy đến đáng kinh ngạc. Ta thấy được, thông qua khuôn mặt im lìm và căng thẳng của ông, rằng các giác quan đã làm cho ông lúc nào cũng giao tiếp với thế giới vô hình của các ngóc ngách u tối, những lỗ chuột chui, của những khoảng trống dưới sàn nhà mọt nghiến và các ống khói.

Mọi tiếng rắc tiếng rung, những tiếng động ban đêm, cuộc sống bí mật và kêu cọt kẹt của các loại sàn tìm thấy ở ông một người quan sát vừa nhạy bén vừa chuẩn xác, một kẻ gián điệp nhưng đồng thời cũng là đồng lõa. Những thứ ấy trùm lên ông đến mức ông nhập hẳn vào cái tầng cầu đối với chúng tôi là bất khả xâm nhập ấy, về nó ông thậm chí còn chẳng buồn tìm cách miêu tả cho chúng tôi hay.

Ông thường không thể tự ngăn mình bật ngón tay tanh tách và cười khùng khục những khi các trò nghịch ngợm của cái vô hình trở nên quá mức phi lý. Những lúc như thế, ông ném những ánh mắt thông hiểu với con mèo của chúng tôi, cả nó cũng được khải thị về thế giới đó, nó ngẩng cái đầu đầy vẻ vô sỉ và lạnh lùng lên, cái đầu kẻ sọc toàn bộ, hai mắt nhỏ xíu xiên xiên nháy nháy tỏ vẻ thờ ơ và chán chường.

Từng xảy tới với ông chuyện ngay giữa khi đang ăn trưa, đột nhiên ông đặt dao dĩa xuống rồi, khăn ăn choàng cổ, vươn người lên trong một cử động của loài mèo, phóng đi trên đầu các ngón chân ra đến cửa căn phòng trống bên cạnh, và cẩn trọng vô biên, nhòm qua lỗ khóa. Sau đó ông quay trở lại bàn, vương chút ngượng ngùng, với một nụ cười bối rối, với những tiếng làu nhàu và lời lầm bầm không rõ tiếng của cuộc độc thoại nội tâm nơi ông đã lặn sâu vào.

Để giải trí chút ít cho ông và khiến ông sao lãng khỏi những tìm kiếm bệnh hoạn ấy, mẹ tôi lôi ông ra ngoài đi dạo vào buổi tối. Ông im lặng đi cùng, không kháng cự nhưng cũng chẳng hề hào hứng, không chút chú tâm, tâm trí đâu đâu. Thậm chí, một hôm, chúng tôi còn tới nhà hát.

Chúng tôi ở trong căn phòng rộng tối mù mù ấy, đầy những tiếng rì rầm đờ đẫn và sự náo loạn hỗn độn. Nhưng sau khi đã vạch được một lối đi ngang qua đám đông, chúng tôi thấy hiện ra, như một bầu trời mới, một tấm màn khổng lồ màu xanh nhạt. Những mặt nạ vẽ, màu hồng và má phính, tách hẳn ra trên cái không gian vải bạt rộng lớn ấy. Bầu trời giả kia mở rộng và chảy trôi theo các hướng, phồng lên bởi hơi thở của các cảm xúc và những cử động mạnh, bởi bầu không khí của cái thế giới nhân tạo và rực rỡ dựng lên đằng kia ấy, trên sân khấu, trong những chuyển động qua lại của các giàn giáo. Cơn run rẩy những lúc tấm bạt rung rinh, sự phập phồng khiến cho nó trở nên to lớn hơn và làm sống động những tấm mặt nạ, tiết lộ tính chất không thực của bầu trời này và gợi lên những gì mà người ta cảm thấy, vào các thời điểm thần bí, như là sự lấp lánh của bí ẩn.

Những cái mặt nạ chớp chớp mắt, các cặp môi đỏ của chúng thì thầm không tiếng động và tôi biết rằng sắp rồi, sức căng của bí ẩn đã sắp đạt tới đỉnh điểm; khi ấy bầu trời phồng lên sẽ vỡ ra và nâng lên, để lộ những điều tuyệt diệu.

Nhưng tôi đã không được ở lại cho đến thời điểm ấy. Bố tôi bắt đầu có những dấu hiệu lo lắng, lục tìm trong tất cả các túi và rốt cuộc tuyên bố rằng ông đã để quên ví, trong đó đựng tiền và các thứ giấy tờ quan trọng.

Sau một cuộc nói chuyện ngắn với mẹ tôi, trong đó sự trung thực của Adèle trở thành đối tượng cho một đánh giá ngắn gọn, mọi người đề nghị tôi về nhà tìm cái ví. Theo mẹ tôi, còn lâu nữa buổi biểu diễn mới bắt đầu và, nhanh nhẹn như tôi vốn dĩ, tôi hoàn toàn có thể quay trở lại kịp giờ.

Tôi bước ra màn đêm được tô điểm bởi sự sáng bừng của bầu trời. Đó là một đêm bình thản, vòm cao sao phủ thật rộng, phân nhánh thật nhiều, đến mức trông như là bị đập vỡ và chia ra thành một mớ bòng bong những bầu trời khác nhau, đủ nhiều để có thể chụp những cái chuông bạc của mình xuống những cuộc phiêu lưu, những carnaval và những cuộc dạo chơi cho suốt cả một tháng mùa đông.

(còn nữa)


7 comments:

  1. Hic,vòng ôm đầy chặt của hoàng hôn... Sao người ta có thể tả buổi chiều như vậy nhi?

    ReplyDelete
  2. Hay quá anh ơi! Khi nào Bruno Schulz có tt in sách TV anh thông báo trên này nha anh.Tks!

    ReplyDelete
  3. Anh có định đăng tiếp những hiệu quế không?

    ReplyDelete
  4. ô, đúng lúc sắp thực sự bắt đầu BS đây

    ReplyDelete
  5. vâng, rất là sắp :(

    ReplyDelete
  6. chẳng đừng được
    tiếng thở dài của nỗi hân hoan

    "Nơi đó mở ra, sâu trong lòng thành phố, những con đường được phản chiếu, những con đường nhân đôi, những con đường ảo ảnh. Trí tưởng tượng, bị thôi miên và lạc lối, tạo nên những bản đồ huyền hoặc của những quận hồ như rất quen, nơi những con đường vẫn ở chỗ cũ với cái tên thường lệ nhưng được khoác lên một hình dạng hư cấu mới bởi biến ảo vô tận của màn đêm.
    [...]
    Tấm bản đồ màu sắc của bầu trời trải rộng thành một mái vòm choáng ngợp, trên đó hiện ra những vùng đất, những biển và đại dương kỳ ảo, vạch nên bởi những dòng chảy và xoáy lốc của sao trời [...] Không khí trở nên nhẹ bỗng, lung linh như làn sương bạc. Có thể cảm thấy hương violet. Từ bên dưới tấm da cừu trắng muốt của tuyết, những khóm phong quỳ run rẩy lộ diện, mỗi đài hoa mỏng manh mang một vệt trăng. Cả khu rừng như được chiếu sáng bởi hàng ngàn ngọn đèn cùng những vì sao rơi xuống dạt dào từ bầu trời tháng Mười Hai. Không khí phập phồng tiếng đập của một mùa xuân thầm kín, với sự tinh khiết vô ngần của tuyết và của violet."

    ReplyDelete