Apr 7, 2017

Giáo dục tình cảm (1, I, II, III)

Cú đọc lại Madame Bovary lần này (như đã nói ở kia) thật quá mức khủng khiếp: tôi đã bắt đầu thấy nguy cơ toàn bộ sự nhìn nhận Flaubert của tôi sắp thay đổi mãnh liệt. Cụ thể hơn, lần đọc Madame Bovary này khiến tôi chóng mặt (về sự chóng mặt, xem ở kia, chú thích số 133).

Trước khi mọi thứ trở nên quá tệ hại :p tôi quyết định rút bản dịch L'Éducation sentimentale cất giữ đã lâu ra luôn, không chờ đợi nữa.

Giáo dục tình cảm là cuốn tiểu thuyết ghi dấu ấn sâu đậm lên Kafka. Đoạn mở đầu L'Éducation sentimentale cho thấy ngay tại sao lại có chương thứ nhất của Amerika, khi tàu cập bến New York.

NB. đã thêm nhiều đoạn dài Louis Lambert



Giáo dục tình cảm


Phần thứ nhất

I


Ngày 15 tháng Chín năm 1840, quãng sáu giờ sáng, tàu La Ville-de-Montereau, chuẩn bị khởi hành, thốc những luồng khói lớn quay cuồng trước bờ ke Saint-Bernard.

Người ta hớt hải lao đến; đống thùng, dây cáp, giỏ quần áo làm nghẽn đường đi lại; các thủy thủ không trả lời một ai; người ta xô đẩy lẫn nhau; hòm kiện được nhấc lên giữa hai ròng rọc, và sự ồn ã hòa vào tiếng sèo sèo của hơi nước, nó, thoát ra từ các tấm tôn che, bao bọc mọi thứ bằng một làn mây trắng nhờ nhợ, trong khi tiếng chuông, về phía mũi tàu, không ngớt kêu váng động.

Cuối cùng con tàu cũng lên đường; và hai bên bờ, mọc đầy nhà kho, công trường và nhà máy, trôi qua như hai dải ruy băng lớn đang được kéo tuột ra.

Một thanh niên mười tám tuổi, tóc để dài và kẹp dưới nách một tập sách tranh, đứng gần bánh lái, bất động. Xuyên qua màn sương mù, anh ngắm các gác chuông, những tòa nhà mà anh không biết tên; rồi, bằng ánh mắt sau cuối, anh bao quát lấy đảo Saint-Louis, đảo Cité, nhà thờ Notre-Dame; và rất chóng, Paris biến mất dần, anh trút một hơi thở thật dài.

Ông Frédéric Moreau, mới gần đây đã đỗ tú tài, đang quay trở về Nogent-sur-Seine, nơi anh rồi sẽ phải héo hon trong vòng hai tháng, trước khi lên đường đi học luật. Mẹ anh, với khoản tiền tối thiểu, đã gửi anh tới Le Havre gặp một ông bác, mà bà hy vọng, cho anh, món thừa kế; mãi hôm trước anh mới từ đó về; anh tự đền bù cho mình vì không thể ở lại thủ đô bằng cách quay về tỉnh nhà bằng con đường dài nhất.

Tiếng huyên náo đã giảm; mọi người đều đã về chỗ của mình; một số, đứng đó, sưởi ấm quanh khu vực để máy, và ống khói khạc ra với một tiếng khò khè chậm rãi và có nhịp điệu luồng khói đen của nó; những giọt sương chảy trên các chi tiết bằng đồng; boong tàu run rẩy dưới một sự rung nhẹ bên trong, và hai guồng tròn, xoay thật nhanh, đập xuống nước.

Dòng sông bo bờ bằng những trảng cát. Người ta bắt gặp các bè gỗ trôi nổi theo làn sóng dập dờn, hoặc giả, trên một con thuyền không buồm, một người đàn ông ngồi câu; rồi làn sương lãng đãng tan đi, mặt trời hiện ra, ngọn đồi chạy xuôi theo dòng sông Seine phía bên phải dần dà hạ độ cao, và lại mọc lên một ngọn đồi khác, gần hơn, ở đối ngạn.

Đám cây trùm lên nó, giữa những ngôi nhà thấp mái kiểu Ý. Chúng có các khu vườn nằm xuôi dốc thoải, được phân chia bởi những bức tường mới, những cửa lưới kim loại, bãi cỏ, nhà kính trồng cây, và những chậu hoa phong lữ, đặt đều đặn quãng cách trên các hàng hiên nơi người ta có thể chống khuỷu tay lên lan can. Hơn một người, trông thấy những nhà ở đỏm dáng ấy, yên bình đến thế, nảy sinh ham muốn trở thành chủ nhân của chúng, để sống tại đó cho đến những ngày cuối đời, với một bàn bi-a thượng hạng, một cái sà lúp, một người phụ nữ hoặc một giấc mơ khác nào đó. Khoái cảm hoàn toàn mới mẻ của một chuyến lênh đênh mặt nước tạo dễ dàng cho các tuôn trào hứng khởi. Đám thích đùa đã bắt đầu những lời cợt nhả. Nhiều người hát. Ai cũng vui. Cốc này ly nọ được rót.

Frédéric nghĩ đến căn phòng anh sẽ chiếm cứ ở nơi kia, đến dự định viết một vở kịch, các chủ đề tranh vẽ, đến những niềm đam mê tương lai. Anh thấy rằng hạnh phúc mà tâm hồn tuyệt hảo của anh xứng đáng được hưởng tới quá chậm. Anh nhẩm thầm những câu thơ sầu buồn; anh rảo bước trên boong tàu; anh đi đến tận cùng, về phía cái chuông; - và, giữa một vòng vây hành khách trộn lẫn với thủy thủ, anh nhìn thấy một ông kia đang trò chuyện ve vãn một cô thôn nữ, vừa nói vừa đưa tay mân mê cái thập tự vàng mà cô đeo trên ngực. Đó là một xừ trạc tứ tuần, tóc xoăn. Thân hình lực lưỡng của ông ta lấp đầy bên trong một chiếc jacket nhung đen, hai viên ngọc lục bảo lấp lánh trên cái áo sơ mi vải phin, và cái quần rộng màu trắng của ông ta phủ trùm lên đôi bốt đỏ trông thật lạ, nó làm bằng da của Nga, trang trí các hình màu xanh lơ.

Việc Frédéric có mặt ở đó chẳng khiến ông ta thấy ngần ngại. Ông ta nhiều lần quay sang anh, nháy mắt ra hiệu với anh; sau đó ông ta lấy xì gà mời tất cả những người xung quanh. Nhưng, hẳn đã thấy chán đám người ở đây, ông ta đi qua chỗ khác. Frédéric bèn đi theo.

Câu chuyện trước hết có chủ đề các loại thuốc lá khác nhau, rồi, hết sức tự nhiên, chuyển qua phụ nữ. Cái ông đi bốt đỏ ấy khuyên nhủ chàng thanh niên; ông trình bày các lý thuyết, kể các mẩu chuyện, tự lấy mình ra làm ví dụ, tuôn tất tật những cái ấy bằng giọng cha chú ân cần, với một vẻ giản dị thành thực của sự băng hoại nhiều tính chất giải trí.

Ông là người cộng hòa; ông từng du lịch nhiều, ông biết rành bên trong các nhà hát, quán ăn, tờ báo, và mọi nghệ sĩ nổi danh, mà ông thân mật gọi bằng tên riêng; Frédéric mau chóng tâm sự với ông các dự đồ của anh; ông khích lệ chúng.

Nhưng ông ngừng lời để săm soi tuy-ô ống khói, rồi ông lẩm bẩm nhanh một phép tính phức tạp, nhằm biết “mỗi chuyển động pít tông, ngần này mỗi phút, vị chi là, v.v…”. - Và, khi đã tính toán xong xuôi, ông say sưa ngắm phong cảnh. Ông bảo mình sung sướng vì thoát được khỏi các áp phe.

Frédéric cảm thấy một sự tôn trọng nhất định đối với ông, và không cưỡng lại nổi ham muốn biết tên ông. Người lạ đáp một hơi:

- Jacques Arnoux, chủ của Nghệ thuật công nghiệp, đại lộ Montmartre.

Một người hầu đội mũ cát két đính viền vàng đến nói với ông:

- Ông xuống dưới được không? Cô đang khóc.

Ông biến đi mất.

Nghệ thuật công nghiệp là một cơ sở đa năng, bao gồm một tờ báo về hội họa và một cửa hàng bán tranh. Frédéric từng nhiều lần nhìn thấy cái tên đó ở cửa sổ hiệu sách quê nhà, trên các tờ áp phích quảng cáo rất to, nơi tên của Jacques Arnoux hiện ra lừng lững.

Mặt trời chiếu rực, làm lấp lánh các mảng sắt quanh những cột buồm, các khoảng thành tàu và mặt nước; nó bị xẻ ra sau đuôi tàu thành hai vệt, chạy dạt cho đến bờ các đồng cỏ. Mỗi khi dòng sông uốn khúc, người ta lại nhìn thấy cùng tấm màn các cây dương nhạt nhòa. Vùng nông thôn hoang vắng. Trên trời có những đám mây nhỏ màu trắng im sững, - và nỗi buồn chán, mơ hồ lan tỏa, như thể khiến bóng hình của con tàu uể oải và làm cho dáng vẻ các hành khách trở nên còn mờ mịt hơn.

Ngoài vài nhà tư sản, ở khoang Hạng nhất, có cánh công nhân, nhân viên bán hàng đi cùng vợ con. Vì hồi ấy người ta có tập quán ăn vận thật tởm lợm lúc đi xa, gần như ai cũng đội những cái mũ chỏm Hy Lạp cũ hoặc các loại mũ đã bợt hết màu, những cái áo đen tồi tàn, sờn xơ vì cọ mãi vào bàn văn phòng, hoặc những áo rơ đanh gốt long hết khuy cúc vì đã phụng sự quá nhiều ở cửa hàng; đây đó, một cái gi lê cổ bẻ để lộ một chiếc sơ mi vải trúc bâu, lốm đốm vệt cà phê bẩn; những cái ghim cài bằng vàng mỹ ký đính vào các cà vạt bờm xờm; những dải buộc chân giữ lấy các đôi dép; dăm ba tên vô lại tay cầm gậy tre buộc quai da lén lút liếc ngang liếc dọc, và các ông chủ gia đình mở to những cặp mắt lớn, hỏi han này nọ. Bọn họ đứng nói chuyện với nhau, hoặc giả ngồi xổm trên đống hành lý; những người khác ngủ ở các góc; nhiều người đang ăn. Boong tàu vương vãi vỏ hạt, đầu mẩu xì gà, vỏ lê, vụn đồ thịt nguội trước đó gói trong bọc giấy; ba thợ mộc, vận áo bờ lu, đứng trước căng tin; một người chơi đàn hạc ăn mặc rách rưới đang ngủ, chống khuỷu tay lên cây đàn; chốc chốc người ta lại nghe thấy tiếng than xúc vào lò, một giọng nói, một tiếng cười; - và vị thuyền trưởng, trên đài chỉ huy, đi qua đi lại giữa hai puli ròng rọc, mãi không chịu dừng. Frédéric, để về chỗ của mình, đẩy cánh cửa lưới của khoang Hạng nhất, làm hai thợ săn dắt chó phải dẹp vào.

Cứ như là một hiện hình:

Nàng ngồi đó, giữa cái ghế băng, chỉ một mình; hoặc ít nhất anh không trông thấy ai khác, trong chói lòa ánh sáng cặp mắt nàng hướng về phía anh. Đúng lúc anh đi ngang qua, nàng ngẩng đầu lên; không hề chủ ý, anh khom người xuống; và, sau khi đi thêm một quãng, anh ngắm nàng, vẫn từ phía ấy.

Nàng đội một cái mũ rơm rộng vành, với các dải ruy băng hồng bay phấp phới trong gió phía sau đầu. Mái tóc màu đen chải ngôi giữa của nàng chờm lên cặp lông mày rậm, rồi chạy men xuống tít bên dưới, như thể với tình yêu ép lấy hình ô van khuôn mặt nàng. Chiếc váy mút-xơ-lin sáng màu, với những chấm nhỏ, trải rộng, xếp vô số li. Nàng đang mải thêu; và chiếc mũi thẳng của nàng, cằm của nàng, toàn bộ con người nàng hiện rõ lên trên nền phông làn không khí xanh lơ.

Vì nàng giữ nguyên tư thế, nhiều lần anh đi sang phải, sang trái để che giấu ma nớp của mình; rồi anh đứng ngay gần chiếc ô của nàng, dựng vào cái ghế băng, và anh làm ra vẻ ngắm một cái sà lúp chạy trên sông.

Chưa từng bao giờ anh nhìn thấy sự huy hoàng nào giống như làn da nâu của nàng, vẻ quyến rũ vóc dáng của nàng, cũng như nét thanh tú các ngón tay mà ánh sáng chiếu xuyên qua. Anh sửng sốt ngắm cái giỏ đựng đồ khâu vá của nàng, như thể đó là một thứ gì ngoạn mục. Tên nàng, nơi ở của nàng, cuộc đời nàng, quá khứ của nàng, như thế nào? Anh những muốn biết các thứ đồ đạc trong phòng ngủ của nàng, tất tật váy áo nàng từng mặc trên người, những ai nàng giao du; và thậm chí ham muốn chiếm hữu thể chất biến mất đi bên dưới một thèm thuồng sâu sắc hơn, bên dưới một lòng hiếu kỳ đau đớn không có giới hạn.

Một phụ nữ da đen, trên đầu quấn khăn phu la, xuất hiện, tay dắt một đứa bé gái, đã lớn. Đứa trẻ, mắt ngân ngấn nước, vừa ngủ dậy; nàng bế nó đặt lên lòng. “Cô đã không ngoan, dẫu đã sắp tròn bảy tuổi rồi; mẹ cô sẽ không yêu cô nữa; ai cũng quá nuông các trò hư của cô ấy.” Và Frédéric sung sướng được nghe những điều đó, như thể anh vừa có một phát hiện, một thu nhận.

Anh cho nàng là người gốc Andalousie, có lẽ là người Créole; nàng đã mang từ vùng đảo về người phụ nữ da đen kia?

Một tấm khăn san dài với các dải màu tím lót sau lưng nàng, trên thành ghế bằng đồng. Hẳn nàng đã, rất nhiều lần, ở giữa biển, trong những tối ẩm ướt, dùng nó để quấn lấy người, dùng nó để phủ chân, ngủ trong đó! Nhưng, bị các diềm nặng lôi kéo, nó dần dần trượt đi, sắp rơi xuống nước đến nơi, Frédéric nhảy vọt tới chộp lấy. Nàng nói với anh:

- Tôi xin cám ơn, thưa ông.

Ánh mắt họ giao với nhau.

- Em yêu, đã sẵn sàng chưa? xừ Arnoux kêu lên, ông hiện ra trong ô cửa cầu thang.

Cô Marthe chạy về phía ông và, bíu cứng lấy cổ ông, nó giật ria mép của ông. Âm thanh một cây đàn hạc vang lên, nó muốn xem âm nhạc; và rất mau chóng người chơi đàn, do người phụ nữ da đen dắt tới, bước vào khoang Hạng nhất. Arnoux nhận ra anh ta xưa kia từng làm người mẫu vẽ; ông xưng hô thân mật với anh ta, điều này khiến những người có mặt ngạc nhiên. Rốt cuộc tay chơi đàn hạc hất mái tóc dài ra sau vai, chìa hai cánh tay ra và bắt đầu chơi.

Đó là một bản romance phương Đông, nó kể chuyện về những dao găm, những hoa và những ngôi sao. Tay đàn ông ăn vận rách rưới hát bằng một cái giọng chói tai; tiếng ồn máy tàu làm hỗn loạn nhịp phách bản nhạc; anh ta gảy mạnh hơn: những sợi dây rung lên, và các âm thanh kim loại của chúng như thể cất những tiếng nức nở, và giống như lời than van của một tình yêu cao ngạo và thất bại. Hai bên bờ sông, những lùm cây nghiêng xuống sát mé nước; một luồng gió lạnh lướt qua; bà Arnoux dõi nhìn xa xăm với dáng vẻ mơ hồ. Khi tiếng nhạc ngừng, nàng chớp chớp hàng mi nhiều lần, như thể đang bước ra khỏi một giấc mộng.

Tay chơi đàn hạc tiến lại gần họ, vẻ khúm núm. Trong khi Arnoux tìm tiền lẻ, Frédéric vươn về phía cái mũ cát két bàn tay nắm lại của anh và, thẹn thùng mở nó ra, anh thả vào đó một đồng louis vàng. Chẳng phải vì phù phiếm mà anh trao món bố thí này trước mặt nàng, mà bởi một ý muốn cầu phúc, cho cả nàng, một thôi thúc của trái tim gần như có tính cách tôn giáo.

Arnoux, đi phía trước, lịch thiệp mời anh xuống. Frédéric nói mình vừa ăn rồi; ngược lại, anh đang sắp chết đói; và anh chẳng còn đến một xăng tim trong đáy túi tiền.

Sau đó anh nghĩ mình hoàn toàn có quyền, giống người khác, ở lại trong căn phòng.

Quanh các bàn tròn, những nhà tư sản đang ăn, một người bồi chạy vòng quanh phục vụ; ông và bà Arnoux ở trong góc, phía bên phải; anh ngồi xuống cái ghế băng dài phủ nhung, sau khi đã vớ lấy một tờ báo nằm ở đó.

Họ sẽ, tại Montereau, chuyển sang đi xe ngựa tới Châlons. Hành trình Thụy Sĩ của họ sẽ kéo dài một tháng. Bà Arnoux trách móc chồng vì nuông đứa con quá. Ông thì thầm vào tai nàng một lời phỉnh nịnh, hẳn thế, vì nàng mỉm cười. Rồi ông tự đứng lên để kéo lại đằng sau cổ nàng tấm rèm cửa sổ.

Trần nhà, thấp và trắng tuyền, phản chiếu một luồng ánh sáng mạnh. Frédéric, ở đối diện, nhìn rõ bóng hàng mi nàng. Nàng đặt môi vào cái cốc, dùng ngón tay bẻ một mẩu bánh mì; cái lắc bằng đá xanh thẫm, buộc vào cổ tay nàng bởi một sợi dây chuyền vàng mảnh, đôi khi kêu lanh canh khi chạm cái đĩa. Tuy nhiên, những người ở quanh đó không tỏ ra để ý đến nàng.

Thỉnh thoảng, qua các ô cửa sổ tròn, người ta nhìn thấy lướt qua sườn một con thuyền áp vào tàu để lấy hoặc trả khách. Những người ngồi ở bàn quay ra các khoảng hở và nêu các địa danh trên bờ.

Arnoux than phiền về đồ ăn; ông kêu la kha khá trước hóa đơn, và đòi giảm giá. Rồi ông dẫn chàng trai trẻ ra phía trước tàu để uống rượu grog. Nhưng Frédéric nhanh chóng quay trở lại dưới tấm bạt lớn, nơi bà Arnoux đã về lại. Nàng đọc một quyển sách mỏng bìa xám. Hai khóe miệng nàng chốc chốc nhếch lên, và một tia chớp của thích thú làm sáng bừng vầng trán. Anh ghen với người nào đã tạo ra những thứ khiến nàng dường như đang bận tâm trí. Càng ngắm nàng, anh càng cảm thấy giữa nàng và anh là rất nhiều vực thẳm. Anh nghĩ chỉ lát nữa thôi sẽ phải rời khỏi nàng, không thể khác được, mà không khiến được nàng nói lấy một câu, thậm chí còn không để lại được cho nàng đến một kỷ niệm!

Một bình nguyên trải rộng phía bên phải; bên trái một vạt cỏ êm dịu chạy tới giao với một ngọn đồi, nơi người ta nhìn thấy các khoảnh đất trồng nho, óc chó, một cối xay gió giữa màu xanh rợp, và những con đường nhỏ chạy quá đó, tạo nên các đường dích dắc trên vùng trắng chạm tới rìa trời. Sẽ sung sướng làm sao nếu được leo lên bên cạnh nhau, vòng tay ôm lấy eo lưng nàng, trong lúc váy nàng sượt qua những lá vàng, lắng nghe giọng nói của nàng, bên dưới sự rạng ngời cặp mắt nàng! Tàu có thể dừng, họ chỉ cần xuống khỏi đó; thế nhưng cái điều giản dị đến mức ấy đâu có dễ dàng hơn so với dịch chỗ mặt trời!

Quá lên một chút, người ta nhìn thấy một tòa lâu đài, mái nhọn, với các tháp nhỏ hình vuông. Có một bồn hoa trước mặt tiền; và các lối đi lao vào, giống những đường hầm màu đen, bên dưới đám cây đoạn cao vút. Anh tưởng tượng nàng đi bên lùm cây xanh. Đúng lúc đó, một phụ nữ trẻ và một thanh niên hiện ra trên thềm, giữa các chậu cây cam. Rồi mọi thứ biến mất.

Đứa bé gái chơi quanh quẩn anh. Frédéric muốn hôn nó. Nó trốn ra sau lưng người hầu; mẹ nó mắng nó vì không ngoan với ông đây, người đã cứu chiếc khăn san của nàng. Đó có phải là một sự bày mở không trực tiếp hay không?

“Có phải rốt cuộc nàng sẽ nói chuyện với mình?” anh tự hỏi.

Còn rất ít thời gian. Làm thế nào để được mời đến nhà Arnoux đây? Và anh nghĩ chẳng gì có thể tốt hơn là nêu nhận xét về màu của mùa thu, và nói thêm:

- Sắp đến mùa đông rồi, mùa của các vũ hội và tiệc tùng buổi tối!

Nhưng Arnoux đang rất bận rộn với đống hành lý. Bờ của Surville đã hiện ra, hai cây cầu sáp lại gần, tàu đi qua một xưởng làm sợi, sau đó là đến một dãy nhà thấp; đây đó, có các thùng đựng nhựa đường, các mảnh gỗ; và lũ nhóc con chạy trên cát, chơi đẩy vòng. Frédéric nhận ra một người đàn ông mặc áo gi lê có tay, anh gọi:

- Nhanh chân lên!

Đã đến nơi. Anh khó nhọc tìm Arnoux trong đám đông hành khách, và ông vừa bắt tay anh vừa đáp:

- Rất hân hạnh, thưa ông thân mến!

Lên đến trên ke, Frédéric ngoái đầu lại. Nàng đang đứng gần bánh lái. Anh gửi cho nàng một ánh mắt nơi anh gắng sức đặt vào toàn bộ tâm hồn của mình; cứ như thể anh đã không làm gì, nàng vẫn bất động. Rồi, sẵng giọng trước lời chào của người hầu:

- Tại sao ông không đưa xe vào đây?

Người kia xin lỗi.

- Vụng quá đi! Đưa tiền cho tôi!

Và anh đi ăn tại một quán trọ.

Mười lăm phút sau, anh muốn bước vào, làm như chỉ tình cờ, bãi đỗ xe trạm. Anh sẽ còn nhìn thấy nàng, có lẽ?

“Có được gì đâu?” anh tự nhủ.

Và cỗ xe mang anh đi. Không phải cả hai con ngựa đều thuộc về mẹ anh. Bà đã mượn ngựa của ông Chambrion, ông thu thuế, để thắng vào cùng con ngựa của bà. Isidore, đi từ hôm trước, đã nghỉ ở Bray cho đến tối rồi ngủ ở Montereau, thành thử lũ ngựa đã lại sức phóng nhanh đi.

Những cánh đồng đã thu hoạch trải dài mãi không ngừng. Hai hàng cây bo lấy con đường, những đống sỏi tiếp nối nhau; và dần dà, Villeneuve-Saint-Georges, Ablon, Châtillon, Corbeil và những vùng khác, toàn bộ chuyến đi quay trở lại trong ký ức anh, theo đường lối rõ nét đến mức giờ đây anh thấy rõ các chi tiết mới, những nét đặc biệt sâu sắc hơn; bên dưới vạt của cái váy, bàn chân nàng đi bốt tin mỏng bằng lụa, màu hạt dẻ; tấm bạt cu tin tạo thành một bức trướng lớn phía trên đầu nàng, và các tua rua nhỏ màu đỏ đính ở viền run lên trong cơn gió, bất tận.

Nàng giống với các phụ nữ của những cuốn sách lãng mạn. Anh chẳng hề muốn thêm thắt điều gì, hay bỏ bớt điều gì từ nàng. Thế giới đột nhiên vừa được mở rộng. Nàng là cái điểm sáng nơi tổng thể mọi thứ hội tụ về; - và, bồng bềnh trong nhịp đi của cỗ xe, mi mắt khép hờ, ánh mắt hướng lên các đám mây, anh buông mình cho một niềm vui mơ mộng và vô tận.

Ở Bray, anh không đợi ngựa ăn yến mạch, mà đi trước, trên con đường, một mình. Arnoux đã gọi nàng là “Marie!” Anh hét lên thật to “Marie!” Giọng anh tan biến trong không khí.

Một quầng tía lớn trùm lên bầu trời phía Tây. Các đụn lúa mì lớn, giữa đồng rạ, hắt xuống những cái bóng khổng lồ. Một con chó cất tiếng sủa tại một trang trại, phía xa. Anh rùng mình, chợt thấy lo lắng không rõ nguyên do.

Khi Isidore đuổi kịp anh, anh lên ngồi trên để đánh xe. Khoảnh khắc yếu đuối đã qua. Anh nhất quyết, dẫu là bằng cách nào, phải vào được nhà Arnoux, và có quan hệ với họ. Nhà họ chắc phải hay ho lắm, vả lại anh thấy thích Arnoux; rồi, ai biết được? Khi ấy, một đợt máu dồn lên mặt anh; hai bên thái dương giật giật, anh vụt roi, rung mạnh dây cương và thúc lũ ngựa chạy nhanh đến mức người xà ích già nhắc đi nhắc lại:

- Chậm thôi! chậm thôi! cậu sẽ khiến chúng hết hơi đấy.

Dần dà Frédéric bình tĩnh lại, và anh nghe người hầu nói chuyện.

Người ta đang đợi Ông với một sự sốt ruột to lớn. Cô Louise đã khóc đòi đi theo xe.

- Cô Louise là ai thế?

- Con bé nhà ông Roque ấy, cậu biết chứ?

- À! tôi quên mất! Frédéric hờ hững đáp.

Lúc này, hai con ngựa đã đuối sức. Cả hai đi chệch choạc; và chuông nhà thờ Saint-Laurent báo chín giờ thì họ mới tới quảng trường Armes, trước nhà mẹ anh. Ngôi nhà này, rất rộng, với một khu vườn nhìn ra vùng nông thôn, càng làm tăng thêm tầm quan trọng của bà Moreau, nhân vật được kính trọng nhất trong vùng.

Bà là hậu duệ một gia đình quyền quý lâu đời, giờ đã lụi tắt. Chồng bà, một người thuộc giới bình dân mà bố mẹ bà bắt bà lấy, đã chết vì một nhát kiếm, trong khi bà đang có mang, và để lại cho bà một tài sản đã bị khấu lạm nhiều. Mỗi tuần bà tiếp khách ba lần và thỉnh thoảng tổ chức một bữa tối thịnh soạn. Nhưng số lượng nến được tính từ trước, và bà sốt ruột đợi món tiền tô từ trang trại. Nỗi khó khăn này, bị che giấu như một tội lỗi, khiến bà trở nên nghiêm trang. Tuy nhiên, bà là người đức hạnh mà không rơi vào sự đoan chính quá đà hay nghiệt ngã. Những món từ thiện nhỏ nhặt của bà như thể là các bố thí lớn. Người ta tham khảo ý kiến bà về việc lựa chọn gia nhân, giáo dục các thiếu nữ, nghệ thuật làm mứt, và Đức Ông lui tới nhà bà, trong các chuyến thăm giáo phận giám mục.

Bà Moreau nuôi một tham vọng cao vời cho con trai. Bà không thích nghe người ta lên án Chính phủ, do một dạng thận trọng phòng xa. Trước hết anh sẽ cần những sự bảo trợ; rồi, nhờ các phương tiện riêng, anh sẽ trở nên cố vấn Nhà nước, đại sứ, bộ trưởng. Những thắng lợi của anh tại trường Sens hợp thức hóa cho niềm kiêu ngạo này; anh từng đoạt giải thưởng.

Khi anh bước vào phòng khách, mọi người ồn ào đứng cả dậy, ôm hôn anh; và với các phô tơi cùng ghế dựa người ta tạo thành một hình bán nguyệt lớn vây quanh lò sưởi. Ông Gamblin ngay tắp lự hỏi ý kiến của anh về bà Lafarge. Vụ án này, thời ấy gây dư luận rất lớn, kiểu gì cũng dẫn tới tranh luận dữ dội; bà Moreau chặn nó lại, khiến ông Gamblin hết sức tiếc nuối; ông đánh giá vậy là hữu ích cho chàng trai trẻ, với tư cách nhà luật học tương lai, và ông bước ra khỏi phòng khách, lòng đầy bực bội.

Một người bạn của lão Roque cư xử như vậy thì có gì mà lạ! Nhân lão Roque, người ta nhắc tới ông Dambreuse, người vừa mua khu đất La Fortelle. Nhưng ông thu thuế đã kéo Frédéric ra một góc, để hỏi xem anh nghĩ gì về tác phẩm mới nhất của ông Guizot. Mọi người đều muốn biết tình hình công chuyện của anh; và bà Benoît khéo léo hỏi thăm về ông bác anh. Người họ hàng tốt bụng ấy có khỏe không? Lâu rồi không có tin tức về ông. Chẳng phải là ông có một đứa cháu họ xa bên Mỹ đấy à?

Bà bếp thông báo món xúp của Ông đã sẵn sàng. Mọi người rút lui, vì ý nhị. Rồi, ngay lúc chỉ còn lại hai mẹ con trong phòng, mẹ anh hạ giọng hỏi anh:

- Thế nào?

Ông già đã tiếp anh rất lịch thiệp, nhưng không để lộ các ý định.

Bà Moreau thở dài.

“Giờ này nàng ở đâu?” anh nghĩ.

Cỗ xe lăn bánh và, hẳn là bọc mình trong tấm khăn san, nàng đặt lên lớp vải lót chiếc coupé cái đầu đẹp đẽ thiêm thiếp của mình.

Họ đang đi lên phòng thì một người bồi của Thiên nga Thập tự mang đến một bức thư.

- Cái gì thế?

- Deslauriers đang cần gặp con, anh đáp.

- A! thằng bạn của con! bà Moreau nói, kèm một nụ cười khinh miệt. Chọn giờ giấc khéo thật đấy, thực sự!

Frédéric do dự. Nhưng tình bạn mạnh hơn. Anh cầm lấy mũ.

- Ít nhất thì cũng đừng đi lâu quá đấy nhé! mẹ anh nói.




II


Bố của Charles Deslauriers, cựu đại úy bộ binh, giải ngũ năm 1818, quay về Nogent lấy vợ và, với tiền hồi môn, mua lấy chân mõ tòa, vừa đủ thu nhập để sống. Phẫn nộ trước những bất công kéo dài, đau đớn vì những vết thương cũ, và lúc nào cũng tiếc nhớ Hoàng đế, ông vãi ra xung quanh mình những cơn giận dữ bóp nghẹt lấy ông. Hiếm đứa trẻ nào bị đánh đập nhiều như con trai ông. Thằng bé không chịu khuất phục, mặc cho những cú đánh. Mẹ nó, khi tìm cách xen vào, cũng bị tẩn giống nó. Rốt cuộc Đại úy cho nó vào làm ở văn phòng của mình, và suốt cả ngày, bắt nó gò lưng trước bàn mà chép các loại giấy tờ, khiến cho vai phải của nó trông rõ là mạnh hơn vai trái.

Năm 1833, theo lời đề nghị của ông chánh tòa, Đại úy bán đi chức vụ của mình. Vợ ông chết vì bị ung thư. Ông đến sống tại Dijon; sau đó ông ở lại Troyes làm chân mộ lính; và sau khi kiếm được cho Charles một nửa món học bổng, gửi cậu vào trường Sens, nơi Frédéric nhận ra cậu. Nhưng một đứa mười hai tuổi, đứa còn lại thì đã mười lăm; vả lại, có đến cả nghìn khác biệt về tính cách và nguồn gốc gia đình đẩy chúng ra xa nhau.

Frédéric có trong tủ com mốt đủ mọi loại đồ ăn, rồi thì những thứ rất được tìm kiếm, một túi đựng đồ toa lét, chẳng hạn. Cậu thích ngủ dậy muộn buổi sáng, thích ngắm lũ chim én, đọc các vở kịch và, nhớ tiếc những nỗi êm dịu ở nhà, cậu thấy cuộc sống trường học thật khắc nghiệt.

Dường như đối với con trai người mõ tòa nó rất tốt đẹp. Cậu học khá đến mức chỉ cuối năm thứ hai đã được nhảy lớp, chuyển lên lớp chín. Tuy nhiên, vì nhà nghèo, hoặc vì tính khí hay gây gổ, một bầu không khí thù địch ngấm ngầm bủa vây lấy cậu. Nhưng một gia nhân, từng có lần, gọi cậu là con nhà khố rách áo ôm, ngay giữa sân của phân khu Học sinh Nhỡ, cậu liền nhảy vào bóp cổ hắn ta và thiếu điều đã giết hắn, nếu không có ba ông thầy xúm vào can ngăn. Frédéric, hết sức ngưỡng mộ, ôm chặt lấy cậu. Kể từ ngày ấy, tình thân thật khắng khít. Sự trìu mến của một thằng lớn, hẳn thế, mơn trớn sự phù phiếm của thằng bé, và đứa kia chấp nhận như một niềm hạnh phúc lòng tận tâm được trao tặng.

Bố cậu, trong kỳ nghỉ, để cậu lại trường. Một bản dịch Platon ngẫu nhiên mở ra khiến cậu thấy hứng khởi. Thế là cậu đâm đầu nghiên cứu siêu hình học; và các tiến bộ của cậu thật mau chóng, bởi vì cậu tiếp cận với những sức lực trẻ trung và trong sự cao ngạo của một trí tuệ tìm được tự do; cậu đọc Jouffroy, Cousin, Laromiguière, Malebranche, các triết gia Ê-cốt, tất tật những gì mà thư viện có. Cậu từng thấy cần đánh cắp chìa khóa thư viện để lấy những quyển sách.

Các trò giải trí của Frédéric kém nghiêm túc hơn. Trên phố Trois-Rois cậu vẽ lại phả hệ của Đức Ki-tô, được khắc trên một cây cột, rồi cổng nhà thờ chánh tòa. Sau các vở kịch Trung cổ, cậu khởi sự đọc các hồi ký: Froissart, Comines, Pierre de l’Estoile, Brantôme.

Những hình ảnh do các cuộc đọc ấy mang tới cho tâm trí cậu ám ảnh mạnh đến mức cậu cảm thấy nhu cầu tái tạo chúng. Cậu nuôi tham vọng rồi một ngày sẽ trở thành Walter Scott của nước Pháp. Deslauriers thì suy tư về một hệ thống triết học rộng lớn có thể áp dụng bao quát hết sức.

Họ trò chuyện với nhau về tất tật những thứ ấy, trong các giờ nghỉ, trước dòng khẩu hiệu sơn bên dưới cái đồng hồ; họ thì thầm với nhau trong nhà nguyện, dưới bộ râu của thánh Louis; họ mơ mẩn trong phòng ngủ chung, từ đó có thể nhìn xuống một nghĩa trang. Những ngày đi dạo, họ đứng vào cuối hàng, và nói chuyện mãi không ngừng.

Họ nói về những gì sẽ làm sau này, chừng nào đã rời khỏi trường. Trước hết, họ sẽ thực hiện một cuộc du hành lớn với số tiền mà Frédéric trích từ tài sản của cậu, khi đủ tuổi trưởng thành. Rồi họ sẽ trở về Paris, họ sẽ làm việc cùng nhau, sẽ không rời nhau; - và, để lãng trí khỏi các công việc, họ sẽ có những mối tình với các công chúa trong các phòng boudoir phủ xa tanh, hoặc những cuộc truy hoan hừng hực với các kỹ nữ xuất chúng. Những nỗi nghi ngờ tiếp nối các đợt phun trào của hy vọng. Sau những cơn tán loạn của niềm vui ngôn từ, họ rơi vào những quãng im lặng sâu thẳm.

Những tối mùa hè, lúc họ đã bước đi thật lâu trên những con đường lổn nhổn đá ven rìa các vườn nho, hay trên đường lớn chạy giữa vùng nông thôn, các cành lúa mì dập dờn dưới mặt trời, trong khi mùi hương bạch chỉ tràn ngập bầu không khí, họ bị xâm chiếm bởi một dạng ngộp thở, và họ nằm ngửa xuống đất, đờ đẫn, say cuồng. Những đứa khác, vận áo sơ mi, thì chơi trò bắt tù nhân hoặc thả diều. Ông giám thị gọi chúng. Chúng quay trở về, men theo các khu vườn có những dòng suối nhỏ chảy cắt ngang, rồi các đại lộ rợp bóng những bức tường cũ; các phố vắng vang tiếng dưới bước chân chúng; cổng trường mở ra, chúng đi lên cầu thang; và chúng buồn như thể là sau những trò đồi trụy khủng khiếp.

Ông hiệu trưởng nghĩ chúng gây ảnh hưởng xấu lên nhau. Tuy nhiên, Frédéric học được ở các lớp lớn là nhờ những lời hối thúc của người bạn; và, vào kỳ nghỉ năm 1837, cậu dẫn bạn về nhà mẹ.

Bà Moreau không thích cậu trai trẻ. Cậu ăn nhiều kinh khủng, cậu từ chối đi lễ nhà thờ vào Chủ nhật, cậu nói năng như một người cộng hòa; rốt cuộc, bà ngờ cậu ta dẫn con trai bà đến những nơi thiếu lành mạnh. Người ta theo dõi sát sao mối quan hệ giữa chúng. Như vậy chỉ làm chúng thêm yêu quý nhau mà thôi; và lời tạm biệt thật đau lòng, khi Deslauriers, năm tiếp theo đó, rời khỏi trường, để lên Paris học luật.

Frédéric tính sẽ đến đó với bạn. Họ đã không gặp nhau kể từ hai năm nay; và, ôm hôn nhau xong xuôi, họ đi lên các cây cầu để có thể trò chuyện thoải mái hơn.

Đại úy, giờ đã mở một quán bi-a ở Villenauxe, tức giận đến tím tái mặt mày khi con trai ông đòi phần của mình trong món thừa kế từ bà mẹ, và thậm chí đã hoàn toàn cắt đứt mọi hỗ trợ cho anh. Nhưng vì muốn sau này sẽ thi để lấy một ghế giáo sư ở Trường Luật và vì không có tiền, Deslauriers đã nhận tại Troyes chân ký lục thứ nhất ở văn phòng một trạng sư. Nhờ thắt lưng buộc bụng, hẳn anh sẽ tiết kiệm được bốn nghìn franc; và, ngay cả nếu không được gì từ món tiền của mẹ để lại, chắc anh vẫn đủ sức làm việc một cách tự do, trong vòng ba năm, trong lúc chờ đợi một chức vụ. Vậy nên sẽ phải từ bỏ dự định cũ của họ là sống cùng nhau tại thủ đô, ít nhất là vào thời điểm này.

Frédéric cúi đầu xuống. Giấc mơ đầu tiên của anh đang tan biến.

- Vui lên nào, con trai của Đại úy nói, cuộc đời thì dài, chúng ta còn trẻ. Mình sẽ đến chỗ cậu! Thôi đừng nghĩ nữa!

Anh lắc lắc tay bạn và, để làm bạn lãng trí, hỏi han về chuyến đi.

Frédéric không có nhiều điều để kể. Nhưng, nhớ tới bà Arnoux, nỗi buồn của anh liền biến mất. Anh không nhắc đến nàng, vì cảm thấy thẹn. Ngược lại anh nói rất nhiều về Arnoux, thuật lại các câu nói của ông, cung cách của ông, những mối quan hệ của ông; và Deslauriers hết sức khuyến khích anh chăm lo bồi đắp mối quen biết này.

Frédéric, quãng thời gian vừa xong, đã không viết gì; các ý kiến văn chương của anh đã thay đổi; anh coi trọng niềm đam mê hơn mọi thứ khác; Werther, René, Franck, Lara, Lélia và các nhân vật khác tầm thường hơn khiến anh hứng khởi gần như ngang bằng nhau. Đôi khi anh thấy dường như chỉ âm nhạc mới có khả năng diễn đạt những bấn loạn nội tâm ở anh; khi ấy, anh mơ đến những bản giao hưởng; hoặc giả bề mặt mọi thứ thu hút anh, và anh muốn vẽ. Tuy vậy, anh từng viết nhiều câu thơ; Deslauriers thấy chúng rất hay, nhưng không đòi anh đọc thêm một bài khác.

Về phần mình, anh không còn vương vấn với siêu hình học. Kinh tế xã hội và Cách mạng Pháp đang khiến anh quan tâm. Vào lúc này, đó là một con quỷ cao lớn hăm hai tuổi, gầy guộc, với một cái miệng rộng, dáng vẻ cả quyết. Anh mặc, tối hôm ấy, một cái áo khoác len bóng thảm hại; và đôi giày của anh phủ đầy bụi trắng, vì anh đã đi bộ suốt từ Villenauxe, chỉ để gặp Frédéric.

Isidore tiến lại gần họ. Bà gọi Cậu về và, vì sợ anh bị lạnh, bà sai mang cho anh áo khoác.

- Ở lại đi! Deslauriers nói.

Và họ tiếp tục đi từ đầu này tới đầu kia hai cây cầu dẫn sang hòn đảo hẹp nằm giữa con kênh và dòng sông.

Khi đi về phía Nogent, họ có, ở trước mặt, một khối nhà hơi nghiêng; bên phải, nhà thờ hiện ra đằng sau các cối xay gió đã đóng cửa cống; và, bên trái, các hàng rào cây thấp, dọc theo bờ, kết thúc các khu vườn, mà người ta chỉ nhìn thấy lờ mờ. Nhưng, về phía Paris, con đường lớn đổ dốc thẳng tắp, và các đồng cỏ nhợt màu, trong làn hơi của đêm. Nó im lìm và sáng lên trắng bợt. Mùi lá ẩm dâng lên tới họ; đập nước, cách đó trăm bước chân, thì thầm, với tiếng ồn lớn êm dịu mà sóng nước tạo ra trong bóng tối.

Deslauriers dừng bước, và nói:

- Những con người trung hậu đang ngủ yên kia, buồn cười thật! Cứ kiên nhẫn đợi đi! một vụ 1789 mới đang được chuẩn bị! Người ta mệt mỏi với các hiến pháp, các hiến chương, mớ lùng nhùng mơ hồ, với những lời nói dối! A! nếu như mình có một tờ báo hoặc một diễn đàn, mình sẽ làm lay chuyển tất tật! Nhưng, để bắt tay vào làm bất kỳ điều gì, trước hết cần phải có tiền! Đúng là bị trừng phạt khi là con trai một ông chủ quán và mất tiêu tuổi trẻ cho việc kiếm bánh mì!

Anh cúi đầu xuống, cắn môi, và run lập cập trong bộ quần áo mỏng.

Frédéric choàng lên vai anh nửa cái áo măng tô của mình. Họ phủ chung nó; và, khoác tay vào người nhau, họ bước đi bên nhau.

- Làm sao cậu lại có thể nghĩ mình sẽ sống ở đó nếu không có cậu? Frédéric hỏi. Nỗi cay đắng của bạn đã mang nỗi buồn quay trở lại với anh. Hẳn mình sẽ làm được việc lớn nếu có một phụ nữ yêu mình… Tại sao cậu lại cười? Tình yêu là lương thực và giống như bầu không khí của thiên tài. Các cảm xúc phi thường làm sản sinh những tác phẩm trác tuyệt. Còn việc đi tìm người phụ nữ mà mình cần, thì mình xin thôi! Vả lại, nếu có lúc nào mình tìm được nàng, nàng sẽ cự tuyệt mình. Mình thuộc vào nòi giống của những người bị tước đoạt, và mình sẽ mang theo xuống mồ một kho báu đầy ngọc hoặc kim cương, sao mà mình biết được.

Bóng ai đó mọc dài trên phố, cùng lúc họ nghe thấy câu nói này:

- Xin được phục vụ, thưa các ngài!

Người nói câu ấy là một ông thấp nhỏ, vận một cái rơ đanh gốt rộng màu nâu, và đội mũ cát két để lộ bên dưới lưỡi trai một cái mũi nhọn.

- Ông Roque? Frédéric hỏi.

- Chính thế! giọng nói đáp.

Người đàn ông Nogent biện minh cho sự hiện diện của mình bằng cách nói ông đang về nhà sau khi đi thị sát mấy cái bẫy chó sói, trong vườn của ông, sát bờ nước.

- Thế là cậu đã về rồi đấy nhỉ? Tốt lắm! tôi đã biết tin nhờ con gái tôi đấy. Sức khỏe vẫn ổn chứ, tôi hy vọng thế? Cậu sẽ không đi nữa chứ?

Và ông ta bỏ đi, bực tức, hẳn vậy, vì cách đón tiếp của Frédéric.

Bà Moreau, quả thật, không hay giao du với ông; lão Roque sống chung chạ với bà hầu của mình, và người ta rất không coi trọng ông, mặc dù ông có ảnh hưởng ngầm trong các cuộc bầu cử, đồng thời làm quản lý cho ông Dambreuse.

- Tay chủ ngân hàng sống ở phố Anjou ấy à? Deslauriers hỏi. Cậu có biết là cậu phải làm gì không, bạn ơi?

Isidore lại cắt ngang giữa chừng. Ông nhận lệnh đưa Frédéric về, nhất quyết. Bà đang lo lắng vì anh đi lâu quá.

- Rồi, rồi! về bây giờ đây, Deslauriers nói; cậu ấy sẽ không đi ngủ lang đâu.

Và, khi người hầu vừa đi khỏi:

- Cậu sẽ phải nhờ lão già kia giới thiệu cậu đến nhà Dambreuse; chẳng gì hữu ích cho bằng giao du với một nhà giàu! Bởi vì cậu có một bộ quần áo đen và đôi găng tay trắng, hãy tận dụng chúng đi! Cậu phải bước vào cái thế giới đó! Về sau cậu sẽ dẫn mình vào. Một triệu phú, cứ nghĩ mà xem! Cậu hãy tìm cách gây thiện cảm với ông ta, cả với vợ ông ta nữa. Trở thành tình nhân của bà ta đi!

Frédéric kêu lên.

- Nhưng mình đang nói với cậu toàn những điều cổ điển, phải không nhỉ? Cậu hãy nhớ tới Rastignac trong Vở kịch con người! Cậu sẽ thành công, mình chắc chắn đấy!

Frédéric hết sức tin tưởng ở Deslauriers, thành thử anh cảm thấy rúng động, và quên mất bà Arnoux, hoặc giả tính gộp cả nàng vào trong lời tiên báo liên quan đến người phụ nữ kia, anh không thể tự ngăn mình mỉm cười.

Viên ký lục nói thêm:

- Lời khuyên cuối cùng: thi cử cho tốt vào! Bằng cấp lúc nào cũng tốt; và thẳng thắn nhé, vứt hộ mình mớ nhà thơ Công giáo và Satan của cậu đi, rặt một lũ tiến xa trong triết học giống như con người của thế kỷ 12 ấy. Sự tuyệt vọng của cậu, nó ngu lắm. Những cá nhân rất lớn lao từng có khởi đầu còn khó khăn hơn nhiều, chẳng hạn như Mirabeau. Vả lại, chúng ta sẽ rời xa nhau không lâu đâu. Mình sẽ làm được thằng già bố mình nhả tiền ra. Đến lúc mình phải quay về rồi, tạm biệt! Cậu có trăm xu không, mình cần để trả tiền bữa tối?

Frédéric đưa cho bạn mười franc, phần còn lại của khoản anh đã lấy của Isidore hồi sáng.

Cùng lúc đó cách mấy cây cầu chừng năm chục mét, trên tả ngạn, một luồng sáng lóe lên trong khung cửa sổ một ngôi nhà thấp.

Deslauriers nhìn thấy. Thế là, anh gằn giọng nói, vừa nói vừa bỏ mũ ra:

- Venus, nữ hoàng của bầu trời, xin được phục vụ! Nhưng Khốn cùng là mẹ của Thông thái. Người ta đã vu khống chúng ta đủ điều vì thế, Chúa ơi!

Lời ám chỉ này đến một cuộc phiêu lưu chung khiến họ trở nên rất vui. Họ cười lớn trên phố.

Rồi, sau khi trả tiền ở chỗ quán trọ, Deslauriers đưa Frédéric về tới ngã tư Hôtel-Dieu; - và, sau một cú ôm kéo dài, hai người bạn chia tay nhau.




III


Hai tháng sau, Frédéric, một sáng nọ được xe thả xuống phố Coq-Héron, ngay lập tức nghĩ đến việc thực hiện cuộc viếng thăm lớn của mình.

Sự tình cờ đã tạo thuận lợi cho anh. Lão Roque tới gặp anh, mang theo một cuộn giấy, nhờ anh tận tay mang đến nhà ông Dambreuse; và gửi kèm theo một bức thư không niêm, trong đó giới thiệu người đồng hương trẻ tuổi của mình.

Bà Moreau tỏ ra ngạc nhiên trước sự nhờ vả này. Frédéric che giấu nỗi khoái trá mà nó gây ra cho anh.

Ông Dambreuse thật tên là bá tước d’Ambreuse; nhưng, ngay từ năm 1825, dần dà buông bỏ sự quý tộc của mình cũng như phe phái, ông quay sang công nghiệp; và, tai nghe ngóng mọi văn phòng, bàn tay vọc vào mọi cơ sở, rình mò các cơ hội tốt, thiện xảo như một người Hy Lạp và cần cù như một người Auvergne, ông đã gom góp được một sản nghiệp mà người ta bảo là rất đáng kể; thêm nữa, ông được phong tước officier Bắc đẩu bội tinh, là thành viên hội đồng của tỉnh Aube, dân biểu, chực trở thành nguyên lão nước Pháp đến nơi; lại còn là người ân cần, ông gây mệt mỏi cho bộ trưởng bằng những lời đề nghị liên tục về hỗ trợ, về huy chương, về giấy phép mở các cửa hàng bán thuốc lá; và, trong những cơn dằn dỗi trước quyền lực, ông ngả sang phía trung tả. Vợ ông, bà Dambreuse xinh đẹp, mà các tờ báo về mốt hay nêu tên, chủ trì các cuộc hội họp từ thiện. Bằng cách mơn trớn các nữ công tước, bà trung hòa bớt các hằn thù của khu faubourg quý tộc và khiến người ta nghĩ ông Dambreuse vẫn còn có thể sám hối và giúp ích.

Chàng thanh niên cảm thấy căng thẳng khi đi đến nhà họ.

“Lẽ ra mình nên mặc bộ đồ đẹp. Hẳn họ sẽ mời mình dự vũ hội vào tuần sau? Người ta sẽ nói gì với mình?”

Lòng tự tin quay trở lại với ý nghĩ ông Dambreuse chỉ là một nhà tư sản, và anh hùng dũng nhảy từ cỗ xe ngựa xuống vỉa hè phố Anjou.

Đẩy cửa một trong hai cổng vòm, anh đi qua sân, lên thềm và bước vào một sảnh lát đá màu.

Một cầu thang đúp chạy thẳng, trải thảm màu đỏ với các thanh chẹn bằng đồng, men theo mấy bức tường cao bằng stucco sáng loáng. Bên dưới các bậc thang có một cây chuối với các tàu lá rộng rủ xuống lớp nhung phủ tay nắm. Hai giá nến bằng đồng treo các quả cầu sứ lơ lửng dưới mấy sợi dây chuyền mảnh; cửa lật mở toang của mấy cái máy sưởi phả ra một luồng khí nặng nề; và người ta chỉ nghe thấy tiếng tích tắc của một cái đồng hồ treo tường lớn, dựng ở đầu bên kia sảnh, dưới một giá bày vũ khí.

Có tiếng chuông; một gia nhân xuất hiện, và đưa Frédéric vào một căn phòng nhỏ, nơi có thể nhìn thấy hai két sắt, với những ngăn hộp chất đầy giấy tờ. Ông Dambreuse đang ngồi viết ở giữa, nơi một cái bàn nhiều ngăn.

Ông đọc lướt qua bức thư của lão Roque, dùng con dao nhíp rạch lần vải bọc ngoài các giấy tờ, và xem chúng.

Từ xa, vì vóc dáng thanh mảnh, trông ông dường như còn trẻ. Nhưng vài sợi tóc bạc của ông, tứ chi thõng thượt và nhất là sắc mặt đặc biệt nhợt nhạt, cho thấy một tình trạng rệu rã. Một nghị lực không biết đến thương xót nằm trong cặp mắt mờ xám của ông, còn lạnh lẽo hơn mắt thủy tinh. Ông có gò má cao, và hai bàn tay rất xương xẩu.

Rốt cuộc, đứng dậy khỏi ghế, ông hỏi chàng thanh niên vài câu về những người quen chung, về Nogent, về việc học hành của anh; rồi ông cúi người xuống để tiễn anh. Frédéric đi ra bằng một hành lang khác, và thấy mình ở phía cuối sân, ngay cạnh nhà để xe.

Một cỗ coupé xanh lơ, thắng vào một con ngựa đen, đỗ trước thềm. Cửa mở ra, một bà bước lên và chiếc xe, với một âm thanh sượng đục, bắt đầu lăn bánh trên nền cát.

Frédéric, cùng lúc với nó, đi tới bên dưới cổng, từ phía bên kia. Khoảng rộng không đủ, anh buộc phải đợi. Người phụ nữ trẻ, thò đầu ra ngoài, hạ giọng nói chuyện với người gác cổng. Anh chỉ nhìn thấy lưng người phụ nữ, phủ một cái áo choàng màu tím. Tuy nhiên, anh nhìn sâu vào bên trong cỗ xe, chăng vải xanh lơ, với tua diềm lụa. Trang phục của người phụ nữ choán hết nó; từ cái hộp nhỏ đệm êm ấy tỏa ra mùi iris, và như thể là hương vị mơ hồ của những thanh lịch phụ nữ. Người xà ích buông dây cương, con ngựa rẽ ngoặt, và mọi thứ biến mất.

Frédéric đi bộ về, theo các đại lộ.

Anh thấy tiếc vì đã không nhìn được rõ bà Dambreuse.

Đi quá phố Montmartre một chút, một vụ xe cộ lộn xộn khiến anh ngoái đầu nhìn; và, bên kia đường, đối diện, anh đọc thấy trên một tấm bảng đá:

JACQUES ARNOUX

Tại sao anh lại không nghĩ đến nàng, từ trước đó? Lỗi là bởi Deslauriers, và anh tiến về phía cửa hàng, tuy nhiên anh không vào; anh đợi Nàng xuất hiện.

Những tấm kính cao và sạch bong để cho người ta nhìn thấy, được sắp đặt rất khéo, các tượng nhỏ, tranh vẽ, tranh khắc, catalô, các số của tờ Nghệ thuật công nghiệp; và giá tiền đặt báo dài hạn được nhắc lại trên cửa, với chính giữa trang trí bằng những chữ viết tắt tên của ông chủ. Người ta trông thấy, dựa vào các bức tường, những bức tranh lớn lấp lánh màu sơn, rồi, về phía trong cùng, hai cái hòm chất đầy đồ sứ, đồ đồng, những món đồ vặt hấp dẫn; một cầu thang nhỏ chạy giữa chúng, phía trên bị che lại bởi một tấm rèm; và một đèn chùm sứ Saxe, một tấm thảm màu lục trên sàn, cùng một cái bàn gắn kim loại, tạo cho nội thất cảnh tượng một phòng khách thì đúng hơn là một cửa hiệu.

Frédéric làm ra vẻ đang ngắm các bức họa. Sau những ngần ngừ vô biên, anh đẩy cửa bước vào.

Một nhân viên vén bức rèm, và đáp rằng Ông sẽ không “có mặt ở cửa hàng” trước năm giờ. Nhưng nếu có điều gì cần nhắn lại…

- Không! tôi sẽ quay lại, Frédéric dịu dàng đáp.

Những ngày tiếp theo được dùng để tìm chỗ ở; và anh quyết định chọn một căn phòng trên tầng ba, tại một khách sạn có sẵn đồ đạc, phố Saint-Hyacinthe.

Và kẹp dưới nách một miếng lót tay mới toanh, anh đến nghe các cua vừa bắt đầu. Ba trăm trai trẻ, đầu trần, chiếm hết chỗ một giảng đường nơi một ông già vận áo chùng dài màu đỏ giảng bài giọng đều đều; những cây bút rin rít trên mặt giấy. Anh gặp lại trong căn phòng này mùi bụi của các lớp học, một cái ghế bành hình dáng tương tự, cùng nỗi buồn chán! Anh tới đó trong vòng hai tuần. Nhưng vẫn còn chưa đến được điều 3 thì anh đã vứt Bộ Luật Dân sự đi, anh bỏ ngang các Đạo luật Justinien ở phần Summa divisio personarum.

Những niềm vui mà anh đã tự hứa với mình mãi không chịu đến; và, khi đã đọc hết sạch một thư viện cho mượn sách, lướt qua các bộ sưu tập ở Louvre, rồi nhiều lần liên tục đến nhà hát, anh rơi vào vực sâu của sự rỗi việc.

Cả nghìn thứ mới mẻ gia cố nỗi buồn của anh. Anh phải tự mang đồ đi giặt và chịu đựng người gác cổng, một kẻ thô lậu có dáng vẻ của y sĩ, sáng sáng đến dọn giường cho anh, bốc mùi rượu và vừa làm vừa lầm bầm trong miệng. Căn hộ của anh, được trang trí một cái đồng hồ treo tường thạch cao, anh chẳng thích chút nào. Vách tường rất mỏng; anh nghe tiếng các sinh viên chè chén, cười, hát.

Mệt mỏi vì nỗi cô đơn này, anh tìm một người bạn cũ tên là Baptiste Martinon; và anh phát hiện anh ta tại một nhà trọ tư sản trên phố Saint-Jacques, đánh vật với các khái niệm tố tụng, trước một lò sưởi đốt than đá.

Đối diện với anh ta, một phụ nữ vận váy diêm dúa ngồi vá bít tất.

Martinon là một người hay được gọi là đẹp trai: cao lớn, bầu bĩnh, đường nét cân đối và cặp mắt lồi xanh nhạt; bố anh ta, một nhà nông giàu có, hướng anh ta vào ngành tòa án, - và, đã muốn tỏ ra nghiêm túc, anh ta mang bộ râu xén tỉa gọn gàng.

Vì những nỗi buồn chán của Frédéric không hề có nguyên do hữu lý và bởi anh không thể kể rành mạch một bất hạnh nào, Martinon chẳng hiểu gì trước những than vãn của anh về cuộc đời. Anh ta thì sáng nào cũng đến Trường, sau đó đi dạo trong vườn Luxembourg, tối đến thì làm một cốc ngoài quán cà phê và, với một nghìn năm trăm franc một năm và tình yêu của cô công nhân kia, anh ta thấy mình hoàn toàn hạnh phúc.

“Hạnh phúc quá đi!” Frédéric thầm kêu lên trong lòng.

Ở Trường anh cũng có một người quen khác, ông de Cisy, con nhà dòng dõi lớn và trông giống một thiếu nữ, vì có cung cách yểu điệu.

Ông de Cisy quan tâm đến vẽ tranh, thích phong cách gôtic. Nhiều lần họ cùng nhau đi ngắm Sainte-Chapelle và Notre-Dame. Nhưng vẻ cao quý của chàng quyền quý trẻ tuổi phủ bên ngoài một trí tuệ thuộc hàng nghèo nàn nhất. Mọi thứ đều làm anh ta kinh ngạc: anh ta cười rũ rượi trước bất kỳ câu nói đùa nào, và cho thấy một sự ngây thơ hoàn toàn đến mức thoạt đầu Frédéric tưởng anh ta là một kẻ thích đùa, và rốt cuộc thấy anh ta là một thằng đần.

Như vậy, chẳng thể nào thổ lộ với một ai; và anh vẫn đợi lời mời của nhà Dambreuse.

Ngày đầu năm, anh gửi cho họ danh thiếp, nhưng không nhận được danh thiếp nào.

Anh đã quay trở lại Nghệ thuật công nghiệp.

Quay lại đó đến lần thứ ba, rốt cuộc anh cũng thấy Arnoux đang cãi cọ giữa năm sáu người và đáp lại lời chào của anh rất hời hợt; Frédéric thấy bị tổn thương vì thế. Nhưng không vì vậy mà anh bớt tìm cách vươn tới Nàng.

Thoạt tiên anh nảy ra ý định thường xuyên xuất hiện, để mặc cả các bức tranh. Rồi anh nghĩ đến chuyện bỏ vào hòm thư của tờ báo vài bài “thật ác”, chúng sẽ khiến anh có các quan hệ. Có lẽ tốt hơn hết là đi thẳng vào trọng tâm, tỏ tình luôn? Thế là, anh viết một bức thư dài mười hai trang, chất đầy những câu trữ tình và lời khẩn nài; nhưng anh xé nó đi, và không làm gì, không thử cái gì, - tê liệt vì nỗi sợ thất bại.

Bên trên cửa hàng của Arnoux, ở tầng hai có ba cửa sổ, tối nào cũng sáng đèn. Những cái bóng đi lại đằng sau, nhất là một trong số đó; đó là bóng của nàng; - và anh nhọc sức đi từ rất xa tới để nhìn mấy cửa sổ này và ngắm cái bóng này.

Một phụ nữ da đen, mà một hôm anh gặp tình cờ trong vườn Tuileries dắt tay một đứa bé gái, khiến anh nhớ đến người hầu da đen của bà Arnoux. Chắc nàng cũng đến đây giống những người khác; mọi lần đi qua Tuileries, tim anh lại đập dồn, hy vọng gặp nàng. Những ngày nhiều nắng, anh đi dạo tiếp đến đầu kia Champs-Élysées.

Các phụ nữ, trễ nải ngồi trên những cỗ xe ngựa, khăn voan bay trong gió, lướt qua cạnh anh, trong nhịp bước chắc nịch của lũ ngựa, với sự chòng chành khó nhận biết làm các thứ da đánh bóng kêu kèn kẹt. Xe trở nên đông hơn và, chậm bước lại kể từ Bùng Binh, chúng chiếm hết cả đường. Những bờm ngựa sát bờm ngựa, những ngọn đèn treo sát những ngọn đèn; các bàn đạp bằng thép, dây hàm thiếc bạc, vòng đồng, làm ánh lên đây đó những đốm sáng giữa các quần ngắn, găng tay trắng và đồ lông phủ xuống gia huy in trên các cửa xe. Anh cảm thấy như thể lạc lối trong một thế giới xa xôi. Ánh mắt anh đi lang thang trên các khuôn mặt phụ nữ; và những sự giống mơ hồ dẫn anh tới ký ức về bà Arnoux. Anh hình dung ra nàng, giữa những người khác, trên một trong những chiếc xe coupé nhỏ kia, giống chiếc coupé của bà Dambreuse. - Nhưng mặt trời đang lặn, gió lạnh thổi tung bụi xoáy lên. Các xà ích chũi cằm vào cà vạt, các bánh xe quay nhanh hơn, nghiến lên mặt đường nhựa; và tất tật các cỗ xe lao nhanh dọc theo đại lộ dài, và lướt qua nhau, vượt qua nhau, tránh lẫn nhau, rồi, trên quảng trường Concorde, tản mát đi. Đằng sau Tuileries, bầu trời có sắc của ngói lợp mái. Cây trong vườn tạo thành hai khối lớn, trở nên tím nhạt ở ngọn. Các ngọn đèn khí bật lên; và dòng sông Seine, lục nhạt trong toàn bộ độ rộng của nó, tách thành những dải bạc óng ánh quanh trụ các cây cầu.

Anh đi ăn tối, hết bốn mươi ba xu, tại một quán ăn trên phố La Harpe.

Anh ngạo nghễ nhìn cái quầy cũ gỗ dái ngựa, những khăn trải bàn lấm lem, các thứ dao dĩa cáu bẩn và đám mũ treo trên tường. Những người vây quanh anh cũng là sinh viên giống như anh. Họ trò chuyện về các ông giáo sư, về các cô tình nhân của họ. Anh quan tâm đến các ông giáo sư lắm đấy! Anh có một cô tình nhân không! Để tránh các niềm vui của họ, anh đến muộn hết mức. Những mẩu đồ ăn thừa vương đầy những cái bàn. Hai người bồi mệt mỏi ngủ trong góc, và mùi bếp, dầu đèn và thuốc lá tràn ngập căn phòng vắng.

Rồi anh chầm chậm đi trên phố. Các cột đèn rung rinh, làm run lên phía trên lớp bùn những tia phản chiếu dài vàng vọt. Những bóng người trườn trên vỉa ba toa, tay cầm ô. Lòng đường nhầy bẩn, sương buông, và anh thấy như thể bóng tối thật ẩm ướt, bọc lấy anh, đi mãi xuống, bất định, trong trái tim anh.

Một niềm hối hận xâm chiếm anh. Anh quay trở lại với các cua học. Nhưng vì anh chẳng biết gì về các vấn đề đang được giảng, ngay những điều rất đơn giản cũng khiến anh rối trí.

Anh bắt tay viết một cuốn tiểu thuyết tên là: Sylvio, con trai ngư phủ. Câu chuyện xảy ra ở Venise. Nhân vật chính là anh; nhân vật nữ chính, bà Arnoux. Trong đó nàng tên là Antonia; - và, để có được nàng, anh đã giết chết nhiều nhà quyền quý, đốt cháy một phần thành phố và hát dưới ban công của nàng, nơi trong cơn gió phập phồng những tấm rèm damas màu đỏ của đại lộ Montmartre. Quá nhiều sự bắt chước mà anh nhận ra khiến anh đâm nản; anh không đi xa hơn, và cơn rỗi việc của anh tăng lên gấp đôi.

Thế là anh nài xin Deslauriers đến ở chung phòng với mình. Họ sẽ thu xếp để sống với hai nghìn franc tiền trợ cấp của anh; mọi thứ đều đáng giá hơn so với sự tồn tại không thể chấp nhận này. Deslauriers còn chưa thể rời Troyes. Anh khuyên bạn nên giải trí, và giao du với Sénécal.

Sénécal là một gia sư dạy toán, người có tư tưởng mạnh mẽ và niềm tin cộng hòa, một Saint-Just tương lai, viên ký lục cho biết. Frédéric ba lần leo sáu tầng gác nhà anh ta, mà không được đến thăm trả lễ. Anh không quay lại đó nữa.

Anh muốn vui thú. Anh tới các vũ hội ở Opera. Những niềm vui hỗn loạn ấy làm người anh đông cứng lại ngay từ cửa. Vả lại, anh bị ngăn giữ bởi nỗi sợ sẽ phải chịu nhục vì ít tiền, tưởng tượng rằng một bữa xupe với một chiếc áo domino sẽ dẫn anh tới những chi tiêu đáng kể, là một cuộc phiêu lưu lớn.

Tuy nhiên, anh tự thấy mình xứng đáng được yêu. Thảng hoặc, anh ngủ dậy, trong lòng tràn đầy hy vọng, ăn vận thật cẩn thận như sắp đến một cuộc hẹn, và anh lang thang mãi trong Paris không thôi. Thấy bất kỳ phụ nữ nào bước đi phía trước, hoặc đang tiến về phía anh, anh đều tự nhủ: “Nàng đây rồi!” Lần nào cũng là một nỗi thất vọng mới. Ý nghĩ về bà Arnoux làm các thèm muốn của anh lớn thêm. Có lẽ anh sẽ gặp nàng trên đường đi; và anh tưởng tượng, để tiếp cận nàng, những sắp đặt của sự tình cờ, những mối nguy lạ thường để rồi anh cứu nàng thoát ra.

Vậy là ngày tháng cứ trôi đi, trong sự lặp lại của cùng những nỗi buồn chán và các thói quen đã có. Anh lật giở các tập quảng cáo dưới vòm tường Odéon, đọc tạp chí La Revue des Deux Mondes ở quán cà phê, bước vào một giảng đường của Collège de France, trong vòng một tiếng đồng hồ nghe một bài giảng về tiếng Trung Quốc hoặc kinh tế chính trị học. Tuần nào anh cũng viết thư rõ dài cho Deslauriers, thỉnh thoảng ăn tối với Martinon, đôi khi gặp ông de Cisy.

Anh thuê một cây đàn piano, và sáng tác những bản valse Đức.

Một tối nọ, tại nhà hát Palais-Royal, anh nhìn thấy, trong một lô trước sân khấu, Arnoux bên cạnh một phụ nữ. Có phải là nàng? Tấm che bằng sa màu lục, kéo ra ở rìa lô, che mất mặt người đó. Rốt cuộc màn cũng được kéo lên; tấm che hạ xuống. Đó là một phụ nữ rất cao, chừng ba mươi tuổi, héo tàn, với cặp môi dày để lộ, mỗi khi cười, hàm răng tuyệt đẹp. Cô ta trò chuyện rất thân mật với Arnoux và lấy cây quạt gõ gõ lên các ngón tay ông. Rồi một thiếu nữ tóc vàng, mí mắt hơi mọng đỏ như là vừa mới khóc, ngồi xuống giữa họ. Kể từ lúc đó Arnoux ngả người xuống vai cô ta, nói rất nhiều với cô ta, cô ta nghe nhưng không trả lời. Frédéric nghĩ cách để tìm hiểu về mấy người phụ nữ ấy, khiêm nhường mặc những cái váy tối màu, cổ áo bẻ.

Hết buổi diễn, anh lao ra hành lang. Đông đặc người. Arnoux, phía trước anh, bước xuống cầu thang, từng bậc một, khoác tay hai phụ nữ kia.

Đột nhiên, một ngọn đèn khí rọi sáng ông. Trên mũ ông đính một mẩu vải. Có lẽ nàng đã chết chăng? Ý nghĩ này làm Frédéric thốn đến nỗi ngày hôm sau anh chạy bổ tới Nghệ thuật công nghiệp và, nhanh chóng trả tiền mua một trong các bức tranh bày ở cửa sổ, anh hỏi nhân viên cửa hàng ông Arnoux có khỏe không.

Người nhân viên đáp:

- Rất khỏe!

Frédéric hỏi thêm, mặt tái đi:

- Thế còn bà?

- Bà cũng thế.

Frédéric quên mang theo bức tranh.

Mùa đông đã kết thúc. Vào mùa xuân anh thấy đỡ buồn hơn, bắt đầu chuẩn bị kỳ thi và, trải qua nó một cách đì đẹt, tiếp theo đó lên đường về Nogent.

Anh không đến Troyes gặp bạn, nhằm tránh những lời bực bõ của mẹ. Rồi, khi nhập học trở lại, anh rời chỗ cũ và thuê, trên ke Napoléon, hai căn phòng, và mua đồ đạc để vào. Hy vọng được mời tới nhà Dambreuse đã rời bỏ anh; niềm đam mê lớn của anh dành cho bà Arnoux bắt đầu lụi đi.


39 comments:

  1. mấy cái này sao bác không tìm cơ sở nào đó họ in ra để nhiều người cùng đọc, để trên mạng thế này đâu hết được

    ReplyDelete
  2. nghe như sóng dưới thân tàu.

    ReplyDelete
  3. đoạn mở đầu này cực kỳ lạ, có một nhịp nào đó mà có lẽ Kafka đã nghe ra ngay, Kafka từng kể về một giấc mơ trong đó mình phải đọc toàn bộ "Giáo dục tình cảm" cho đông người nghe, liên tục trong nhiều ngày, và đọc bằng tiếng Pháp, và sợ hãi than thở vì accent tiếng Pháp của mình :p

    Kafka cũng nhận Flaubert là "người cha tinh thần", đó là Flaubert của "Giáo dục tình cảm"

    ReplyDelete
  4. cuốn này có được dịch tiếng việt chưa bác

    ReplyDelete
  5. không đọc à?

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2017/04/balzac-va-flaubert.html

    ReplyDelete
  6. đọc lại. lại đọc lại. cảm thấy sức "giáo dục" có nhiều cái nhếch mép của nó.

    ReplyDelete
  7. không cần phải nghi ngờ về năng lực "irony" của Flaubert :p

    nhân tiện: mới thêm cho đến hết chương II rồi đấy

    ReplyDelete
  8. văn này đọc giống dương nghiễm mậu

    ReplyDelete
  9. không có gì sái hơn thế được nữa

    ReplyDelete
  10. như là có một dự cảm nặng nề trong tất cả các câu đoạn - ? như là phức tạp kiểu hiện đại. rất lôi cuốn. vô phép: các truyện Balzac dường như vẫn "dễ" đọc hơn hay sao í.

    ReplyDelete
  11. không tồn tại "dễ đọc" và "khó đọc" đâu, nhưng từ Balzac sang Flaubert là một sự chuyển từ "mặt bên này" sang "mặt bên kia", mọi yếu tố vẫn thế nhưng perspective đổi hoàn toàn

    và đoạn xe ngựa Champs-Elysees là tuyệt đối Kafka, Kafka thuần tuý nhất

    "Giáo dục tình cảm" là unique, không ai viết nổi đâu

    ReplyDelete
  12. vài bữa đưa bản dịch Đời nhẹ khôn kham của bác lên luôn đi bác ơi

    ReplyDelete
  13. ặc, đã public domain đâu

    với cả không có đời nào nhẹ với cả khôn kham hết

    ReplyDelete
  14. À quên mất là bản quyền, giờ thấy dịch lậu đăng tràn lan nên cũng quen rồi :))))

    ReplyDelete
  15. quý cách bác tôn trọng văn bản của các nhà văn, giờ tôi thấy người ta nghĩ dịch lậu là giúp chia sẻ kiến thức mà đâu biết họ đang hại tới người viết thế nào

    ReplyDelete
  16. ô, bối rối quá

    tôi thú nhận ngay là một số text vẫn chưa public domain tôi vẫn có sờ tới

    nhưng dẫu sao đó chỉ là vài trích đoạn ngắn, vả lại vài lần là có sự đồng ý của tác giả

    ReplyDelete
  17. bác dịch cho bác mà không đem đi truyền bá trên mạng thì cũng đâu vấn đề gì, có gì mà bối rối

    ReplyDelete
  18. thích quá, nhưng có chút xí hổ vì đọc chùa :) nên phải nói lời cám ơn- cám ơn anh!

    ReplyDelete
  19. mấy cái này đọc cả cuốn chứ đọc từng tí đâu có giá trị gì

    ReplyDelete
  20. nhớ hồi đọc xong Bà Bovary(Bạch Năng Thi dịch) rồi mới lần lên Lời giới thiệu, thấy ở đó Trọng Đức có đề cập mấy dòng về tiểu thuyết Giáo dục tình cảm- kể lại tiểu sử bi đát của một thanh niên trong xh tư sản... Muốn đọc tiếp mà tìm chẳng ra. Mãi tới giờ, sau mười mấy năm, em mới được đọc nó ở đây.

    ReplyDelete
  21. hì, đợi chương IV nhé, đó là một chương rùng rợn, phải xoay đi xoay lại như rubik, nhưng là rubik méo :p

    phần đầu 6 chương, phần thứ hai 6 chương, phần thứ ba 7 chương, cấu trúc "Giáo dục tình cảm" là như vậy

    có nhớ "Bovary" gồm tổng cộng mấy phần và bao nhiêu chương không?

    ReplyDelete
  22. đã là rubik, mà lại rubik méo thì quả là khó chơi:) Bản tiếng việt gồm 3 phần, phần I: 9 chương, phần II: 15 chương, phần III: 11 chương

    ReplyDelete
  23. rất chính xác; có một điều bí mật: bản tiếng Pháp cũng thế :p

    tổng cộng nó có 35 chương, so với 19 chương của "Giáo dục tình cảm"

    và ở "Bovary", ba chương VIII (vì cả ba phần đều có nhiều hơn 8 chương, nên ta có 3 chương VIII :p) đều tuyệt kỹ và rất nhiều ý nghĩa, trong đó có những ý nghĩa khủng khiếp

    chương cuối phần thứ hai, khi Léon và Emma gặp lại nhau tại nhà hát Rouen, vở kịch đang diễn trên sâu khấu là kịch gì?

    ReplyDelete
  24. "Ở góc các phố gần đấy, những bảng áp-phích lớn nhắc lại bằng những chữ kỳ quặc:"Luyxi đờ Lămmécmorơ Lagacdi...Ca kịch v.v..."" (chỗ này hơi chán vì bản dịch phiên âm, nên không hiểu tại sao những chữ đó "kỳ quặc" và vở ca kịch đó có liên quan gì đến Walter Scott(?)không mà khi xem thì Bovary lại "thấy mình trong những cuốn sách đọc thuở thanh xuân hoàn toàn của Oantơ Xcốt"

    ReplyDelete
  25. Thần khúc của Dante ;)

    ReplyDelete
  26. chính là Walter Scott đấy; vở kịch diễn cái tối hôm đó (và ba nhân vật ra về trước khi hết mặc dù Charles Bovary rất muốn xem nốt, nhưng Léon và Emma tìm cách đi khỏi) là chuyển thể từ tác phẩm của Scott

    nó là "The Bride of Lammermoor", đọc cuốn í đi, một masterpiece rất lớn

    định hỏi thêm nhưng thôi, gì cũng trả lời được :p để lúc khác vậy

    ReplyDelete
    Replies
    1. em cũng ghét bị làm cho phân tâm, chia trí lắm í hihi. Cám ơn về việc "cầm tay" rồi bảo come on! follow me! (là em tưởng tượng thế;))- thấy an tâm hẳn, nhất là khi đơn độc đi vào địa hạt mịt mùng, rậm rạp kiểu như rừng Boulogne khi có sương mù:p Em sẽ tìm đọc Lammermoor!

      Delete
    2. phúc cho lòng tin, phúc cho tình yêu, vì sự soi sáng :p

      nhớ đọc Lammermoor, Walter Scott (cùng Shakespeare và Byron) là thần thánh từ bên kia biển Manche của các nhà văn Pháp thế kỷ 19; nhớ xem kỹ cả câu thơ mà Scott dùng làm đề từ cho quyển í, thơ của Robert Burns

      Delete
  27. Bản dịch hay. Thích cách NL cố giữ câu cú, hành văn ở bản gốc khi chuyển ngữ, không thuần Việt bản dịch.

    ReplyDelete
  28. Người ta dịch kiểu đó là vì giờ toàn mấy thánh soi bản dịch, đỡ bị phiền phức, chứ hoàn toàn có thể dịch thuần Việt hơn

    ReplyDelete
    Replies
    1. thuần Việt đâu phải hay ho, thằng nào chẳng làm được, thế ra ông dịch giả viết ra tác phẩm à. Quan trọng là người dịch giữ được văn phong, thậm chí chấm phẩy của văn gốc nhưng vẫn chuyển tải hết nét đẹp, ý nghĩa nội dung mà tác giả viết trong tác phẩm. Đọc động não tí;)

      Delete
  29. mình nói một điều nhé:

    phắn đi chỗ khác với mấy câu ba xu về dịch thuật đi

    kinh thật, đã nặc danh mà vẫn có nhu cầu về dignity cao vãi, xã hội này đúng là thiên đường

    ReplyDelete
  30. "và ống khói khạc ra với một tiếng khò khè chậm rãi và có nhịp điệu luồng khói đen của nó" (phần 1, đoạn (là khoảng cách bác bỏ dòng) 6) hơi khó hiểu. Đảo thành: và ống khói khạc ra luồng khói đen với một tiếng khò khè chậm rãi và có nhịp điệu (được không, kg được thì khi đọc tự hiểu thế nhỉ, cái chánh là đợi xb thành sách trong ngày gần. Cả Amerika, yeah)

    ReplyDelete
  31. tôi vẫn thường xuyên đẩy bổ ngữ trực tiếp lên sát chủ ngữ í mà, nhưng chỗ này thì không

    ReplyDelete
  32. phần1, đoạn8:"Khoái cảm hoàn toàn mới mẻ của một chuyến lênh đênh mặt nước tạo dễ dàng cho các tuôn trào hứng khởi" - hiểu: khoái cảm hoàn toàn mới mẻ của một chuyến lênh đênh mặt nước khơi nguồn cho các hứng khởi tuôn trào dễ dàng?

    ReplyDelete
  33. đừng cố viết lại, nghe ngu lắm

    ReplyDelete
  34. chú lại giấu biến cái label translation đi r >"<

    ReplyDelete
  35. Tại sao dịch giả bản tiếng Việt của quyển sách lại có thể là một cái tên khác được vậy?

    ReplyDelete