Mar 4, 2018

Thơ: Đêm lay, Henri Michaux

Henri Michaux (xem ở kia, nhất là bức ảnh cuối cùng), cùng Baudelaire thuộc vào những người bắn phá nước Bỉ một cách kinh khiếp nhất; nhưng dẫu sao Baudelaire cũng là người nước ngoài, còn Michaux đích thực là người Bỉ: đọc tiểu sử Henri Michaux, có thể biết khi còn rất trẻ, Michaux chạy trốn khỏi Bỉ, cái nơi những cái cây đối với Michaux giống như lũ người cụt chân (cái đất nước mà Jacques Brel miêu tả "le plat pays qui est le mien").

Khi Michaux chết, đám tang Michaux được quy định rất rõ ràng: chỉ vài người được có mặt (trong số ấy, Cioran); đặc biệt, Michaux tuyệt đối cấm không một ai, bất kỳ ai trong gia đình mình được phép dự đám tang. Đó là Henri Michaux.

Cách đây hơn một năm, có một cuốn sách được in, nó đây:


Một người bạn tôi đọc nó, nói với tôi là nhất định tôi phải đọc, và ngay lập tức gửi cho tôi. Đây là tuyển tập các bức thư của Henri Michaux, tất tật đều nói: không. Từ chối, từ chối và cự tuyệt, không ngừng và không ngừng. Đó là Henri Michaux. Tất nhiên, trong cơn phấn hứng cao độ khi đọc cuốn sách, tôi cũng hiểu tại sao có người nghĩ nhất định tôi thuộc vào số những người nhất thiết phải đọc nó. "Non": đó là Henri Michaux; tôi cũng nhớ đến cuốn sách La Philosophie du non của Gaston Bachelard. Từ "không" ở Michaux hoàn toàn tương đương với từ "Amen" ở Nietzsche: là thần chú đấy.

La Nuit remue của Michaux, dưới đây sẽ đầy đủ, nhưng cũng sẽ không đầy đủ lắm: sẽ có từ đầu cho tới hết phần "L'Âge héroïque", rồi nhảy qua đoạn từ "L'Éther" cho tới "Ma Vie", rồi kết thúc bằng "Icebergs" và "Vers la sérénité" là hai phần cuối của La Nuit remue.




Đêm lay (La Nuit remue)



Đêm lay


1

Đột nhiên, ô kính cửa sổ trong căn phòng êm ả nảy sinh một đốm.

Cái chăn lông vào lúc ấy hét lên, một tiếng hét và một cú nhảy dựng; rồi đến máu chảy. Ga giường trở nên ẩm, gì cũng ướt đẫm.

Tủ bật mở dữ dội; một người chết từ trong đó thòi ra và rơi uỳnh xuống. Chắc chắn rồi, điều này chẳng mấy vui tươi.

Nhưng thật vui khi đánh một con chồn bơ lét. Được rồi, sau đó thì lại phải đập mạnh để găm nó lên một cây đàn piano. Tuyệt đối phải thế. Sau rồi thì ta đi. Ta cũng có thể găm nó lên một cái bình. Nhưng vậy thì khó. Cái bình không cưỡng lại. Khó đấy. Tệ thật.

Một cánh chẹn lên một cánh và không nhả ra nữa. Cửa tủ đã đóng lại.

Khi đó ta chạy trốn, ta đông đến cả nghìn, chạy trốn. Mọi phía, bơi hối hả; tức là, ta quá sức đông!

Ngôi sao các thực thể trắng, vẫn cứ rạng, rạng…


2

Dưới trần thấp phòng ngủ của tôi, là đêm của tôi, vực sâu hoắm.

Thường trực bị xô xuống hàng nghìn mét độ sâu, thêm một vực rộng nhiều lần hơn nữa bên dưới tôi, tôi đu, khó nhọc hết sức, vào những lởm chởm, lử người, máy móc, chẳng chút kiểm soát, do dự giữa nỗi kinh tởm và cơn bướng bỉnh; cuộc thăng-kiểu-kiến tiếp diễn với một sự chậm chạp mãi không dứt. Các lởm chởm mỗi lúc một nhỏ li ti hơn, chỉ lờ mờ thoáng đọc được trên vách vuông góc. Vực sâu, đêm, nỗi kinh hoàng hợp lại theo cách thức mỗi lúc một khó tách rời hơn.


3

Trong cầu thang cô ta đã bắt đầu không còn lớn lắm. Rốt cuộc tới tầng tư, đúng cái lúc đi qua ngưỡng cửa phòng tôi, cô ta gần như chỉ còn cao cỡ một con gà gô. Không, không, thế thì tôi chẳng thiết. Một phụ nữ, tốt! đừng là một con gà gô. Cô ta biết rõ tại sao tôi đã gọi. Đâu phải là để… mà thôi!

Trong trường hợp ấy, tại sao cứ cứng đầu mặc dù mọi lý lẽ, và hoang dại túm chặt lấy quần tôi?

Cú đạp chân cuối cùng mà tôi phóng cho cô ta khiến cô ta ngã lăn xuống tận lô của bà gác cổng.

Chắc chắn, tôi không hề muốn điều đó. Cô ta đã bắt tôi phải làm vậy, tôi có thể nói thế. Tôi nghĩ tôi hoàn toàn có thể nói thế.

Và giờ đây, dưới chân cầu thang, những tiếng rên rỉ nho nhỏ của cô ta, rên rỉ, rên rỉ, giống hệt tất tật những kẻ bất lương.


4

… Chúng hiện ra, lén lút toóc ra từ các thanh rầm trần nhà… Một giọt hiện ra, to như quả trứng dầu rồi nặng nề rơi, một giọt rơi, cái bụng to tướng, xuống sàn.

Một giọt nữa thành hình, dạ con sáng rực dẫu tối, và rơi. Đó là một phụ nữ.

Cô ta nỗ lực đến quái dị và chẳng cần phải nghi ngờ, nặng nề đến mức gớm ghiếc, nhưng chẳng được gì.

Giọt thứ ba thành hình, to lên, rồi rơi. Phụ nữ kia được tạo hình ở đó, trong phút chốc dẹt gí, tuy nhiên nỗ lực tới nỗi mà… cô ta ngoái đầu lại.

Đột nhiên. Rồi mọi chuyển động ngưng bặt.

Thật dài đôi chân cô ta, dài. Chắc làm vũ công được.

Thêm lần nữa một giọt thành hình và to dần lên, khối u khủng khiếp của một cuộc đời được tạo ra quá mau chóng, rồi rơi.

Các thực thể cứ thế chất đống lại, những bánh kếp sống, tuy vậy rất con người trừ mỗi cái là dẹt gí.

Rồi các giọt không còn chảy nữa. Tôi nằm đó cạnh một đống phụ nữ bé xíu, tinh thần thì đờ đẫn, kinh khiếp nản, chẳng còn nghĩ đến họ kia, cũng như đến tôi, mà tới cuộc sống thường nhật đầy cay đắng.


5

Chúng tôi luôn luôn có ba người trên con thuyền kia. Hai để trò chuyện với nhau, còn tôi thì chèo thuyền.

Sao mà nặng nhọc đến vậy miếng bánh ăn hằng ngày, nhọc để kiếm và nhọc để được trả tiền cho!

Hai kẻ lắm mồm kia là toàn bộ sự giải trí của tôi, nhưng dẫu có thế nào thì cũng nhọc quá mức khi chứng kiến họ ăn bánh mì của tôi.

Họ nói suốt. Nếu họ không nói suốt, thì chắc chắn sự mênh mông của đại dương và tiềng ồn những cơn bão, họ bảo, hẳn sẽ vắt kiệt lòng can đảm của tôi cùng các sức lực của tôi.

Một mình phải điều khiển cả một con thuyền, với cặp mái chèo, thật chẳng tiện. Nước dẫu chỉ bày ra ít oi kháng cự… Thì có mà, kìa. Thì có mà, nhất là có những ngày…

A! sao mà tôi sẵn lòng bỏ mấy cái mái chèo.

Nhưng họ để mắt, bởi chẳng có gì khác để làm, và xích tốc ba hoa và ăn bánh mì của tôi, khẩu phần bé nhỏ đã bị bớt xén mười lần.


6

Mấy em gái của ta, các em có thể nói tất thảy những gì các em muốn, sẽ chẳng có chuyện ta tức bực đâu. Mới hôm qua thôi, ta đã giật lìa một cánh tay của một nhân viên. Có lẽ đó là một cánh tay đeo lon đội. Ta cũng không chắc lắm. Ta giật thật mạnh, và vứt nó đi cũng mạnh chẳng kém.

Có thể nói rằng chăn đệm của ta chẳng bao giờ trắng. Thật may vì máu khô nhanh. Nếu không cách nào đây mà ta có thể ngủ?

Hai cánh tay đi lạc của ta về mọi phía thọc vào những cái bụng, các bộ ngực; vào các cơ phận mà người ta bảo là bí mật (bí mật đối với một số người!).

Hai cánh tay ta lúc nào cũng mang các thứ về, hai cánh tay tốt lành say xỉn của ta. Ta chẳng biết là gì đâu, một mẩu gan, những miếng phổi, ta nháo nhào tất tật, miễn sao nó nóng, ẩm và đầy máu.

Trong sâu xa điều mà ta thích là tìm được giọt sương, thật dịu, gây nhẹ nhõm thật nhiều.

Một cánh tay trắng, mát, phủ kỹ lưỡng một làn da êm xa tanh, thế thì rất không tệ. Nhưng các móng tay của ta, răng của ta, lòng hiếu kỳ khôn thỏa của ta, chút ít mà ta có thể dàn xếp với cái hời hợt… Ừ thì, là vậy đấy. Chừng ấy đi mất với một nụ hôn mang về một cái đầu.

Hãy cầu nguyện cho hắn, hắn nổi điên cho các em.




Ông Vua của tôi


Trong đêm của tôi, tôi vây hãm Ông Vua của tôi, tôi dần dà nhỏm dậy và vặn cổ ông ta.

Ông ta lấy lại sức, tôi lại lao vào ông ta, và vặn cổ ông ta thêm lần nữa.

Tôi lắc ông ta, và lắc ông ta giống như một cây mận già, và vương miện ông ta run rẩy trên đầu ông ta.

Và thế nhưng, đó là Ông Vua của tôi, tôi biết điều này và ông ta biết điều này, và lẽ tất nhiên tôi phụng sự ông ta.

Tuy nhiên trong đêm, dục vọng hai bàn tay tôi không ngưng bóp cổ ông ta. Dẫu có thế, chẳng một chút hèn đớn nào, tôi đến nơi với hai bàn tay không và tôi siết lấy cái cổ Ông Vua của ông ta.

Và đó là Ông Vua của tôi, mà tôi bóp cổ trong vô vọng từ lâu lắc trong bí mật phòng ngủ nhỏ bé của tôi; mặt ông ta trước tiên nhợt đi, sau ít thời gian thì tự nhiên trở lại, và đầu ông ta dựng đứng dậy, mỗi đêm, mỗi đêm.


Trong bí mật căn phòng nhỏ bé của tôi, tôi đánh rắm vào mặt Ông Vua của tôi. Sau đó tôi phá lên cười. Ông ta tìm cách trưng ra một vầng trán thanh thản, và sạch bong mọi sỉ nhục. Nhưng tôi đánh rắm vào mặt ông ta không ngừng nghỉ, chỉ trừ để ngoái nhìn ông ta, và phá lên cười vào khuôn mặt cao quý của ông ta, nó gắng sức giữ vẻ uy nghi.

Ấy là cách tôi cư xử với ông ta; khởi đầu không điểm kết cuộc đời tối tăm của tôi.

Và giờ đây tôi xô ông ta ngã xuống đất, và ngồi lên mặt ông ta. Khuôn mặt nghiêm kính của ông ta biến mất; cái quần thô ráp lấm những vệt dầu của tôi, và mông đít tôi - vì xét cho cùng đó là tên của nó - chẳng hề luống cuống phịt lên cái khuôn mặt sinh ra để trị vì kia.

Và tôi chẳng thấy phiền, à không đâu, hết quay trái lại ngó sang phải, chừng nào mà tôi thích và còn hơn thế, chẳng buồn để tâm đến cặp mắt ông ta hoặc cái mũi của ông ta có thể ngáng đường. Chỉ khi nào đã mệt vì ngồi lâu tôi mới chịu bỏ đi.

Và nếu tôi ngoái đầu lại, bản mặt trơ khấc của ông ta vẫn cứ ngự trị.

Tôi tát ông ta, tôi tát ông ta, sau đó tôi khinh bỉ hỉ mũi vào ông ta như một đứa trẻ.

Tuy nhiên quá hiển nhiên chính ông ta là Ông Vua, còn tôi là thần dân, thần dân duy nhất của ông ta.

Bằng những cú đá đít, tôi đuổi ông ta ra khỏi phòng tôi. Tôi ụp lên ông ta rác rến bếp cùng rác rưởi khác. Tôi đập bát đĩa vỡ tung vào hai chân ông ta. Tôi khiến lùng bùng hai tai ông ta những câu chửi tục tằn và đích đáng, nhằm chơi ông ta vừa thật sâu sắc lại vừa rất đáng xấu hổ, những lời vu khống theo kiểu Napoli đặc biệt nhầy nhụa và rành rẽ, mà chỉ nói ra thôi đã là một vấy bẩn không làm sao gột đi được nữa, cái áo nhơ nhớp may đo đúng cỡ: thứ nước phân đúng nghĩa của tồn tại.

Ừ thì, ngày mai tôi lại phải tái khởi đầu.

Ông ta đã quay trở lại; ông ta đang ở đây. Ông ta vẫn ở đây. Ông ta không thể nào phắn hẳn đi. Ông ta tuyệt đối phải áp đặt lên tôi sự hiện diện hoàng gia đáng nguyền rủa của ông ta trong căn phòng đã quá mức bé nhỏ của tôi.


Quá thường xuyên tôi dính líu vào các vụ kiện. Tôi mắc những món nợ, tôi ẩu đả dao kiếm, tôi hành hung bọn trẻ con, tôi đâu có thể làm gì, tôi không sao xâm nhập tinh thần của Luật.

Khi đối thủ đã bày tỏ những phẫn uất tại tòa, Ông Vua của tôi, chỉ ơ hờ lắng nghe các lý lẽ của tôi nhắc lại lời tố cáo của đối thủ, trong cái miệng nghiêm kính của ông ta đã trở nên bản luận tội, màn mào đầu khủng khiếp của lời phán xét sẽ giáng xuống đầu tôi.

Mãi đến cuối cùng, ông ta mới có vài khoanh vùng lặt vặt.

Đối thủ, cho rằng vậy là quá ít, muốn rút lại những lời phẫn uất phụ trợ mà tòa chẳng đoái hoài kia. Mà với nó chỉ cần thấy yên tâm là đã đủ rồi.

Chính vào thời điểm đó Ông Vua của tôi nhắc lại toàn bộ lập luận từ đầu, lúc nào cũng làm như thể đó là do ông ta tự nghĩ ra, nhưng có cắt xén bớt tí chút. Xong xuôi, và sự nhất trí đã được thiết lập về các điểm chi tiết đó, ông ta nhắc lại toàn bộ lập luận, từ đầu và, dần dà làm nó suy yếu như thế, nấc này xuống nấc kia, lặp lại rồi lặp lại, ông ta biến nó thành những thứ vơ váo đến mức tòa án ngượng ngùng và các ông tòa vận com lê thẳng thớm tự hỏi làm sao người ta lại dám triệu tập họ vì mấy thứ vớ vỉn tới vậy, và một phán quyết âm được ban giữa sự hí hước và những cợt nhả của những kẻ dự.

Thế là Ông Vua của tôi, chẳng còn để ý gì đến tôi nữa, cứ như thể vấn đề không liên quan đến tôi, đứng dậy đi khỏi, dáng vẻ của kẻ không thể dò xét.

Ta có thể tự hỏi đó có phải công việc cho một Ông Vua hay không; thế nhưng chính ở đó ông ta bày ra cái mà ông ta là, tên bạo chúa kia, kẻ không thể làm gì hết, không thể có điều gì được làm mà quyền năng quyến dụ của ông ta không hiển lộ, đè bẹp và không thể cứu chữa.

Đồ ngu, kẻ tôi, định tống cổ ông ta ra khỏi cửa! Tốt hơn hết là cứ để mặc ông ta yên bình, yên bình trong căn phòng ấy, chẳng buồn để ý tới ông ta.

Nhưng không. Ngu xuẩn như tôi vốn dĩ, và ông ta, thấy cai trị thật giản dị biết bao nhiêu, sẽ sớm đặt cả một đất nước dưới ách bạo chúa.

Nơi nào ông ta đến, ông ta đều phị ra đó luôn.

Và không ai thấy kinh ngạc, dường như chỗ của ông ta là ở đó từ bao giở bao giờ.

Người ta chờ đợi, người ta không nói gì, người ta đợi Ông Ta quyết định.

Trong căn phòng nhỏ xíu của tôi lũ thú vật đến và đi. Chẳng phải cùng một lúc đâu. Không nguyên vẹn. Nhưng chúng đi qua, đoàn diễu ti tiện và nực cười các hình thù của tự nhiên. Sư tử bước vào, đầu cúi, mắt sưng, nhừ tử núi nùi giẻ cũ nát. Mấy cái cẳng khốn khổ của nó phập phềnh. Nó tiến lên chẳng rõ bằng cách nào, nhưng dẫu sao thì cũng giống một kẻ bất hạnh.

Voi bước vào người xẹp gí và kém vững vàng hơn so với một con hoẵng.

Cứ như thế, lũ thú vật.

Không một cái máy nào. Không cỗ máy nào. Ô tô đi vào thì đã bị cán dẹt và cùng lắm cũng chỉ giống sàn nhà.

Đó là căn phòng nhỏ xíu của tôi nơi Ông Vua không biết đến nao núng của tôi chẳng muốn gì, chẳng gì mà ông ta chưa từng xử tệ, lẫn lộn, làm cho lụt nhụt, nơi tuy thế tôi đã gọi biết bao sinh thể đến để làm bạn đồng hành với tôi.

Ngay cả tê giác, cái đồ thô lậu không ngửi thấy con người đó, nó lao ầm vào mọi thứ (và vững chắc đến thế, tạc vào đá), bản thân tê giác nữa, một hôm, bước vào như sương mù gần như không thể cảm thấy, mơ hồ và chẳng chút dẻo dai… và phập phềnh.

Trăm lần mạnh hơn nó là tấm ri đô nhỏ cửa sổ con, trăm lần hơn, so với nó, tê giác mạnh mẽ và hùng hổ, không lùi bước trước bất kỳ cái gì, so với nó niềm hy vọng lớn của tôi.

Tôi đã cống hiến từ trước cho nó cuộc đời tôi. Tôi sẵn sàng rồi.

Nhưng Ông Vua của tôi không muốn lũ tê giác đi vào theo cách nào khác ngoài yếu xìu và rỏ nước.

Một lần khác có lẽ ông ta sẽ cho phép nó được chống nạng đi vòng vòng… và, để có bộ dạng, gì đó như là da, một lớp da mịn của trẻ con mà một hạt cát thôi cũng làm xướt ra hết.

Chính như vậy mà Ông Vua của tôi cho phép lũ thú vật đi qua trước mặt chúng tôi. Chỉ như vậy mà thôi.

Ông ta cai trị; ông ta sở hữu tôi; ông ta chẳng buồn để tâm đến các giải trí.


Cái xích tay nhỏ bé cứng đanh kia trong túi áo tôi, đó là tất tật những gì còn lại với tôi từ fiancée của tôi.

Một xích tay khô khẳng và đã được ướp (có thể nào nó từng thực thuộc về nàng?). Đó là tất cả những gì Nàng để lại cho tôi.

Ông ta đã cướp nàng khỏi tay tôi. Ông ta đã làm nàng tiêu tùng. Ông ta đã làm nàng tan biến!


Trong căn phòng nhỏ xíu của tôi, các buổi triều kiến thuộc vào những gì thảm hại nhất.

Ngay bọn rắn cũng còn chưa đủ thấp, chưa đủ độ bò sát đối với ông ta, ngay một cây thông im lìm cũng khiến ông ta tức tối.

Vậy nên, những gì xuất hiện tại Triều Đình của ông ta (trong căn phòng nhỏ xíu của chúng tôi!) gây thất vọng ở mức độ không thể tưởng tượng, tới nỗi kẻ vô sản thấp kém nhất hẳn cũng chẳng ghen tị làm gì.

Vả lại còn ai khác đây ngoài Ông Vua của tôi, và tôi thì đã quen quá rồi, có thể túm lấy một sinh thể khả kính nào đó trong những tiến lên và thụt lại của vật chất tối tăm, những náo loạn nhỏ nhoi của lá rụng kia, những giọt chẳng nhiều kia, chúng rơi nghiêm trang và ủng eo trong im lặng.

Những vinh danh vô vọng, mà còn thế!

Không thể dò thấu là những cử động khuôn mặt của Ông Ta, không thể dò thấu.




Vận động viên ở trên giường


Thật lạ quá đi, tôi đây vốn dĩ hay chế nhạo trò trượt pa tanh chết bỏ luôn, chỉ vừa chớm nhắm mắt lại thôi, tôi nhìn thấy một sân trượt pa tanh rộng mênh mông.

Và tôi trượt pa tanh mới hăng làm sao!

Sau một chốc, nhờ tốc độ đáng kinh ngạc của tôi, không lúc nào giảm, tôi dần dà rời xa khỏi các trung tâm của sân trượt, các nhóm mỗi lúc một bớt đông chỉ còn rải rác và mất hút dần. Tôi tiến lên một mình trên dòng sông đóng băng đưa tôi đi xuyên qua vùng đất.

Chẳng phải vì tôi đi tìm các giải trí trong phong cảnh. Không. Tôi chỉ thích thú tiến lên trong khoảng rộng lặng câm, quây quanh viền là những đất cứng và đen, chẳng hề ngoái đầu lại và, dẫu thường hết sức và lâu hết sức tôi làm điều đó, tôi nhớ mình chưa bao giờ thấy mệt đến như vậy, sao mà băng nhẹ đến thế dưới giày pa tanh lướt nhanh của tôi.

*

Xét cho cùng tôi là một vận động viên, vận động viên ở trên giường. Hãy hiểu tôi cho đúng, chỉ vừa mới chớm chợp mắt thôi là tôi khởi sự hành động luôn rồi.

Trò mà tôi siêu đẳng hơn bất kỳ ai khác là lặn. Tôi không nhớ, kể cả trên phim ảnh, từng chứng kiến một cú gieo tũm người nào giống như tôi có thể làm. A, bên trong tôi chẳng hề có chút mềm ẻo nào vào những khoảnh khắc ấy.

Và những kẻ khác, nếu có các đối thủ đua tranh, chẳng hề tồn tại bên cạnh tôi. Vậy nên chẳng phải không cười nụ mà tôi dự, những lúc rất đột xuất có chuyện ấy, các cuộc so tài thể thao. Những khiếm khuyết nho nhỏ gần như mọi nơi trong thao tác, không làm kẻ tầm thường để ý, ngay tắp lự mời gọi sự chú tâm của người điêu luyện; chưa phải là đám kia, “Taris” [Jean Taris] ấy hay những bọn khác, sẽ đánh bại được tôi. Chúng còn chưa đạt tới độ chuẩn mực đúng đắn.

Tôi khó lòng giải thích sự hoàn hảo các cử động của tôi. Đối với tôi chúng quá mức tự nhiên. Các xảo thuật của nghề chẳng giúp ích được gì cho tôi, vì tôi chưa từng bao giờ học bơi, hay học lặn. Tôi lặn giống máu chảy trong huyết quản tôi. Ồ! trườn mình vào nước! Ồ! cú trườn đáng ngưỡng mộ, ta ngần ngừ không muốn lên nữa. Nhưng tôi nói thì cũng vô vọng. Ai trong số các người có bao giờ hiểu nổi người ta có thể đi lại nơi đó như đang ở nhà? Những tay bơi đích thực không còn biết là nước thì ướt. Các chân trời của đất liền gây kinh hoảng cho họ. Họ thường trực ngủm về nơi đáy nước.

*

Kẻ nào, có biết tôi, nghĩ được rằng tôi thích đám đông? Ấy thế mà lại đúng, ham muốn bí mật của tôi dường như chính là được người ta vây quanh. Đêm đến, căn phòng im lặng của tôi đầy người và đầy tiếng động; các hành lang khách sạn yên ắng thì đầy nhóc các nhóm chạm mặt và sát cánh nhau, những cầu thang chật ních chẳng còn đủ nữa; thang máy khi đi xuống cũng như lúc chạy lên luôn luôn đông nghẹt. Trên đại lộ Edgar-Quinet, một đám lớn chưa bao giờ thấy giẫm đạp lên nhau, đám xe cam nhông, xe autobus, xe ca chạy qua, những wagon chở hàng chạy qua và, cứ như thể vậy thì vẫn còn chưa đủ, một tàu thủy khổng lồ như “Normandie”, tận dụng đêm, đã tới để bò lên trên bờ, và hàng nghìn cái búa vui tươi đập lên vỏ của nó, đang cần được sửa chữa.

Nơi cửa sổ phòng tôi, một ống khói to lớn mửa rộn ràng một đống khói dồi dào; tất tật hít thở sự rộng lượng các lực của những yếu tố và của giống người đang làm lụng.

Về phần căn phòng của tôi, mà người ta thấy thật trơ trọi, đống màn trướng rũ xuống từ trần làm nó có dáng vẻ hội chợ, những tới lui ở đó ngày càng nhiều thêm. Tất thảy đều nhộn nhàng; chẳng thể làm một động tác nào mà không va phải một cánh tay, một eo lưng, và rốt cuộc, vì ánh sáng yếu oặt, và có quá nhiều đàn ông cùng phụ nữ thảy đều sợ nỗi cô đơn, người ta được dự phần vào một cuộc trộn đống đặc và ngoạn mục đến mức để mất dấu các mục đích cá nhân của mình… Đó là bộ lạc, sống dậy đầy vẻ nhiệm mầu trong phòng tôi, và tinh thần của bộ lạc, vị thần duy nhất của chúng tôi, bắt tật tật chúng tôi phải hôn nhau.

*

Tôi chỉ vừa nhắm mắt, là tức thì có một người đàn ông to béo sừng sững trước tôi bên một cái bàn. Béo, đồ sộ thì đúng hơn, chỉ có thể nhìn thấy các tương tự trong những hình vẽ biếm họa tợn nhất. Và tôi nghĩ ông ta sắp ăn. Với cái mồm to tướng thế kia, còn làm gì khác đây ngoài ăn? Tuy nhiên ông ta lại không ăn. Đơn giản đó là một người thuộc dạng tiêu hóa dữ thường trực mang tới cho người khác nỗi ám ảnh đồ ăn. Bộ mặt biểu diễn vẻ thú vật của ông ta, đôi vai thì bày nó ra và biện minh cho nó. Chắc chắn, ông ta tha hồ mà tự khẳng định bản thân trước tôi, gầy, đang nằm và sắp thiếp đi đến nơi, còn ông ta đồ sộ, lực lưỡng và ngồi, như chỉ độc một người phải điều hành một trăm cân thịt có thể ngồi, và tin vào những gì là trực tiếp, còn tôi thì chỉ nắm bắt được các phản chiếu.

Nhưng giữa ông ta và tôi, chẳng có gì. Ông ta cứ ở đó bên bàn. Ông ta không sáp lại gần, những cử động chậm của ông ta không sáp lại gần. Vậy đấy, cho tới lúc này chỉ có mỗi vậy thôi, ông ta không thể hơn; tôi cảm thấy điều đó; ông ta cũng cảm thấy điều đó và mỗi bước chân dẫu nhỏ đến đâu của ông ta mà ông ta thực hiện hẳn cũng sẽ đưa ông ta đi xa.

*

Suốt cả đêm dài, tôi đẩy một cái xe cút kít… nặng, nặng. Và trên xe cút kít chình ình một con cóc to bự, trĩu xuống… trĩu xuống, và khối lượng của nó tăng lên theo cùng đêm, rốt cuộc đạt tới mức kềnh càng của một con lợn.

Đối với một con cóc có một hình khối tương tự thì thật ngoại hạng, giữ được một hình khối tương tự thật ngoại hạng, và việc bày ra cho cái nhìn cùng cho nỗi khó nhọc của một con người khốn khổ muốn được ngủ hơn phải vận chuyển hình khối ấy là tuyệt đối ngoại hạng.

*

Các cánh cứng khổng lồ, và vài cẳng côn trùng to đoành chụm vào nhau màu lục chóe, hiện ra trên tường phòng tôi, giá bày vũ khí lạ thường.

Những màu lục chói kia, mảnh, mẩu và chi đa dạng không nối lại với nhau thành hình cơ thể. Chúng vẫn cứ y như di hài được kính trọng của một con côn trùng cao quý từng gục ngã trước số.

*

Buổi sáng khi thức dậy, tôi thấy đung đưa và dẹt gí thảm hại trên cái tủ gương của tôi, một người-rắn.

Đống mớ các chi vặn vẹo, theo cách thức gây nản chí của những khúc cuộn ruột, nó có hoàn toàn thuộc về cái đầu nhỏ kiệt sức, nhọc lả đó không? Phải tin là vậy thôi. Một cái cẳng ngoại cỡ lòng thòng, chảy xuôi mặt gương một nỗi khốn cùng không tên. Sẽ có bao giờ cái gì đưa lại lên trên cao cái cẳng chân bằng cao su kia không? Hết mức khó dự đoán gân cốt nơi những kẻ dường như mềm oãi và không xương, cái cẳng ấy đã xoải bước cuối. Người-rắn kia mới dẹt làm sao! Hắn ở yên đó không nhúc nhích. Tại sao tôi lại đi bận tâm? Đâu phải hắn khiến tôi thấy như thể được chỉ định để đồng hành cùng tôi trong nỗi cô độc tôi và để rốt cuộc hồi đáp tôi.

Bị kéo tụt về phía dưới bởi trọng lượng các quả tạ vô hình, bị đè nát bởi lực ép của cuộn nào chẳng rõ, hắn chình ình, cao tít, nhưng hắn chình ình.

Cứ thế mỗi sáng. Chính hắn “qua đêm của tôi”.

*

Đêm qua, chính là đêm của những chân trời. Trước hết một con tàu trên biển hiện ra. Thời tiết tệ.

Rồi đến biển bị che đi khỏi tôi bởi một đại lộ lớn. Độ rộng của nó khiếp đến nỗi nó hòa lẫn vào với đường chân trời. Hàng trăm xe ô tô đi qua ngay trước, trái đường, như ở bên Anh. Tôi thấy như thể nhìn thấy nơi xa về phía bên phải, nhưng điều đó không chắc được, một dạng náo loạn phủ bụi và rực sáng có thể là sự đi của những xe ô tô theo chiều ngược lại.

Một cầu cạn băng ngang đường và, giống như nó, mất hút về xa xa. Ma thuật nằm trong việc lái một chiếc ô tô trên con đường ấy, giống một tỉnh hơn, đúng là ngoạn mục.

Sau đó tôi ở dưới chân một tòa building. Đó là một cung điện, một cung điện sinh ra từ một tinh thần hoàng gia chứ không phải từ tinh thần của một tay kiến trúc sư hãnh tiến thảm hại. Hàng trăm tầng của nó vươn lên trong im lặng hoàn hảo, không có lấy một tiếng ồn, cả từ dưới lẫn từ bên trong, còn phía cao thì mất hút vào những làn hơi.

Người ta đi lên ở bên ngoài, theo mặt tiền chính, thật chậm; chẳng cửa sổ nào sống động lên nhờ một khuôn mặt ra đó để cúi nhìn xuống. Không hề có hiếu kỳ, chẳng chút đón tiếp, không một ai. Tuy nhiên, chẳng gì bị bỏ bê. Chúng tôi đã chậm rãi đi lên về phía ban công hoàng gia vẫn còn chưa thấy. Cứ thế chúng tôi đi qua đến cả hai trăm tầng gác nhưng đêm, bóng tối, vào thời điểm rốt cuộc cũng có thể nhìn thấy về phía trên cao ló ra gờ của ban công hoàng gia, quá dày đặc, thế là chúng tôi buộc phải đi xuống trở lại.

*

Đứa trẻ sơ sinh kia được đặt trên một cái giường lớn. Đầu bên kia là mẹ nó, tái lịm, kiệt lả. Một con mèo đã nhảy lên trên giường và ngần ngừ đặt cẳng chân lên mặt đứa nhóc. Sau đó, thật vồn vã, nó vẩy ba nhát khe khẽ vào cái mũi hồng và chẳng mấy nhô lên, máu chảy ngay tắp lự, một thứ máu đỏ và nghiêm trang hơn mũi nhiều.

Ở đầu kia cái giường dưới đống chăn dày bà mẹ, cái đầu bị giữ chặt trong măng sông của nỗi mệt, không biết làm sao để can thiệp. Đá hoa cương bên trong cô ta đã thấm lạnh, nặng, nhẵn.

Tuy nhiên, đứa trẻ sơ sinh, vì quẫy đạp, vừa tuột ra khỏi áo của nó, dưới ánh mắt thích thú của con mèo.

Làm sao mà cô ta can thiệp được đây, khi mà đang tê liệt như thế này? Chắc chắn, con mèo tận dụng thời cơ, sẽ kéo thật dài, vì mèo thì thích suy tưởng. Tôi không rõ chính xác thì nó đã làm gì, nhưng tôi còn nhớ, vì nó bận khẩy những cú móc vuốt lẹ và nhẹ lên má đứa bé, tôi nhớ bà mẹ, vì không thể hét, nói trong một hơi thở hắt tuyệt vọng và căng thẳng “mèo khốn lạn” (cô ta nói lạn để dồn thêm sức lực), rồi cô ta thổi về phía mèo, hết sức mà cô ta có thể, và rồi dừng khựng, kinh hoảng, hiểu ra, trong cơn đứt hơi, rằng cô ta vừa ném đi vũ khí cuối cùng. Tuy nhiên con mèo không vồ lấy cô ta. Sau đó, tôi chẳng biết nó đã làm gì.

*

Ra khỏi nhà ga, không có thành phố lẫn làng, mà chỉ đơn giản là một dạng vuông đất nện nhìn thẳng ra vùng nông thôn, và ra các khoảng đất hoang. Ở chính giữa hình vuông ấy có một con ngựa. Một con ngựa brabançon rất lớn với những túm lông rậm dưới chân, và như thể đang đợi. Trên mấy cẳng chân của nó, như một ngôi nhà trên bốn bức tường của nó. Nó mang một yên cương bằng gỗ. Rốt cuộc nó hơi ngoái đầu, ôi! rất hơi.

Tôi leo lên, nắm lấy cái bờm rậm rì. Con ngựa nặng nề hết mức ấy dẫu sao cũng nhấc được một chân lên khỏi mặt đất, rồi chân khác, và bắt đầu bước đi chậm rãi, uy nghi, và cứ như thể đang nghĩ đến chuyện gì khác.

Nhưng lúc đã đi hết cái sân nhỏ, chắc hẳn trở nên dạn dĩ nhờ sự vắng mặt của mọi con đường, nó phó mặc bản thân vào bản tính của nó vốn dĩ toàn thể là lẹ làng. Cũng hiển nhiên là các cử động những cẳng chân của nó tuyệt đối thiếu sự phối hợp.

Đôi khi con ngựa chợt quay ngược bước trở lùi để theo một dải đá hoặc nhảy qua vài bông hoa, rồi, có lẽ thấy bực bội vì danh tiếng mà hẳn người ta có thể gán ghép cho nó sau đó, nó nhắm một bụi rậm rất cao, đánh hơi, dò xét địa hình, bằng vào bước nhảy vọt ra xa, phóng hết tốc lực quay trở lại và thường thì vấp “binh” vào chướng ngại vật. Chắc chắn, hẳn nó hoàn toàn có thể nhảy, nhưng đó là một con có thần kinh căng thẳng.

Sau hai tiếng lững thững và đi nước kiệu, vẫn chưa thấy bóng dáng trang trại nào.

Lúc bóng tối buông, chúng tôi được bao quanh bởi bất tận lũ ngựa cái nhỏ.




Một điểm, chỉ vậy thôi


Con người - hữu thể cốt yếu của hắn - chỉ là một điểm. Chính điểm duy nhất này là thứ mà Cái Chết hốc lấy. Vậy nên phải lo sao đừng để bị quây tròn xung quanh.

Một hôm, trong mơ, tôi bị bốn con chó vây kín, thêm một thằng bé con độc ác chỉ huy bọn kia.

Sự khổ, nỗi khó kinh người của tôi trong việc đánh nó, tôi sẽ còn nhớ mãi. Nỗ lực mới lớn làm sao! Chắc chắn rồi, tôi đã chạm vào các sinh thể, nhưng là những kẻ nào? Dẫu sao thì đám đối thủ của tôi cũng bị tan nát đến mức phải biến mất. Tôi đã không để cho mình bị đánh lừa bởi vẻ bên ngoài của chúng, cứ tin thế đi; cả chúng cũng chỉ là các điểm, năm điểm, nhưng rất mạnh.

Một điều khác, chính bằng cách ấy mà bắt đầu cơn động kinh. Lúc đó các điểm ập lên chúng ta và loại bỏ chúng ta. Chúng thổi và chúng ta bị xâm chiếm. Người ta có thể trì hoãn lần lên cơn thứ nhất của họ trong bao lâu, tôi tự hỏi mình điều đó.




Trong thở


Đôi khi tôi thở mạnh hơn và thế là đột nhiên, với sự lãng trí không ngưng chút nào giúp đỡ, thế giới phồng lên cùng ngực tôi. Có lẽ chẳng phải châu Phi đâu, nhưng là những điều to lớn.

Âm thanh một cây đàn viôlôngxen, tiếng một dàn nhạc đầy đủ, thứ jazz ồn ĩ ngay bên cạnh tôi, chìm khuất đi vào trong một lặng im mỗi lúc một thêm sâu, sâu, ngạt.

Vết xước nhỏ tí xíu của chúng hợp tác (theo cách thức mà một phần triệu của một mi li mét hợp tác để tạo thành một mét) với những sóng kia từ đủ mọi hướng sinh ra nhau, công kênh nhau, làm ra cột chống và tâm hồn của mọi sự.




Đêm cưới


Nếu, vào ngày cưới, trở về nhà,




(còn nữa)



Poésies
Thơ: Paul Celan
Thơ: René Char về nhà thơ
Thơ: chẳng ai là ai
Thơ: tiểu sử
Thơ: bi ca và trí tuệ

7 comments:

  1. trải nghiệm kiểu "trượt băng" và trải nghiệm "một điểm" chế giễu tính thần bí của tồn tại. dĩ nhiên, một cách bí hiểm mà dễ tiếp cận, kiểu như "Một cánh chẹn lên một cánh và không nhả ra nữa. Cửa tủ đã đóng lại." - haha
    nhưng cái trải nghiệm kiểu tam vị nhất thể thì khá khó nhỉ: "Chúng tôi luôn luôn có ba người trên con thuyền kia. Hai để trò chuyện với nhau, còn tôi thì chèo thuyền." - ngoài số lượng "ba người" thì còn lại là vô nghĩa của những vận động không mục đích. "tôi" thật là vô lý.
    giấc mơ không phải nơi hành hoạt các thứ biểu tượng, mà là nơi đập phá cái "Thế Giới như là Biểu tượng và Ý"
    cũng có lẽ chẳng phải là đập phá, mà chính là hành động: entropy đó, và nó tăng, ngay cả trong cái đống "bánh kếp" bẹp gí.

    ReplyDelete
  2. "Dưới trần thấp phòng ngủ của tôi, là đêm của tôi, vực sâu hoắm." - là một chiều cao khác của không gian.
    điều này, once more, gợi đến nỗi khó khăn của việc hình dung đến một thế giới song song mà không đơn giản là chỉ là nghịch đảo hay mô phỏng.
    nơi ta đang sống đã rất kỳ quặc nhưng nếu có lúc ta nhận ra thì đấy là bởi cái "vực" kia.

    ReplyDelete
  3. "Ừ thì, ngày mai tôi lại phải tái khởi đầu.

    Ông ta đã quay trở lại; ông ta đang ở đây. Ông ta vẫn ở đây. Ông ta không thể nào phắn hẳn đi.
    ...
    Không thể dò thấu là những cử động khuôn mặt của Ông Ta, không thể dò thấu."
    - là bởi vì ko thể thông truyền. ko phải cái gì kiểu như kỳ quái. trên bộ mặt của Ông Vua này có nhiều nếp nhăn hơn trên bề mặt não. thơ này đem ra một bộ mặt khác của ngôn từ, cái phần đang mọc ra từ chỗ nảy mầm ú ớ ư a của chúng từ vùng tối om nào đấy trong hữu thể.

    ReplyDelete
  4. "Những tay bơi đích thực không còn biết là nước thì ướt."khà khà và những tay mơ đích thực biết rằng cuộc đua này chỉ có một mình mình nhưng cả thế gian xúm lại xem và đưa tin cá cược

    ReplyDelete
  5. I'm very pleased to find this web site. I wanted to thank you for ones
    time for this wonderful read!! I definitely liked every part of it and I have
    you bookmarked to look at new information in your website.

    ReplyDelete