Mar 11, 2018

Trong hiệu sách (1)

Tôi không đi hiệu sách nhiều, rất ít là khác. Nhưng tôi biết những cuộc gặp ("một cuộc gặp" chứ không phải "một cuộc gặp gỡ": cuốn sách mang cái nhan đề ấy, tôi đã rất cố gắng cứu để nó được mang tên đúng, nhưng cuối cùng đã không làm được; tôi làm điều đó, cố gắng cứu, là vì cuốn sách, không phải vì những người có liên quan - con người nhiều lúc có quan trọng mấy đâu) ở hiệu sách thì có thể như thế nào. Người miêu tả một cuộc gặp như thế đúng nhất là Linda Lê, khi Antoine Sorel gặp cô gái trẻ sẽ sống cùng ông một thời gian của đau khổ, tại một hiệu sách; một chồng sách đổ ụp vì sự vụng về của nhà văn, cô gái giúp ông xếp lại nó: trong một hiệu sách, những chồng sách đổ là thảm họa của vũ trụ, nhưng cũng không nên quá lo lắng, đó hoàn toàn cũng có thể là cách để những quyển sách tập thể dục; đấy là một đoạn về cuối tiểu thuyết OEuvres vives, tức là, trong tiếng Việt, Chìm xuống).

Thomas Bernhard, trong một cuốn tiểu thuyết (tôi không thực sự nhớ là cuốn nào: Người cháu của Wittgenstein chăng?) nói đến tiếng kêu tuyệt vọng của những cuốn sách, mà một số người nghe thấy. Peter Kien, chuyên gia về Trung Quốc, ban đêm chen lấn trong những chành chọe, tranh cãi của đống sách trong nhà, đó là chuyện trong Die Blendung của Elias Canetti.

Những gặp nhau giữa con người, nếu xảy ra tại hiệu sách, được những quyển sách điều chỉnh. Một hiệu sách gồm toàn những thứ kiểu Những cây cầu ở quận Madison (chân trời tiểu thuyết, vật thờ của giới nouveau riche Việt Nam) sẽ điều chỉnh sao cho gặp nhau ở hiệu sách dẫn tới những câu chuyện tình rắc mì chính hơi quá tay. Chẳng hạn vậy.

Nhưng ở hiệu sách, dĩ nhiên ta gặp những cuốn sách. Một cuộc gặp có thể gây choáng váng.


Hai bên là hai tập bản dịch tiếng Pháp huyền thoại Hiện tượng luận tinh thần của Jean Hyppolite, ấn bản của nhà Aubier (chúng ta sẽ còn quay trở lại với nhà xuất bản rất đặc biệt này). Đến gần đây tôi mới có nó, vì trước, tôi có quyển ở giữa. Trong một thời gian dài, tôi đã không tìm Jean Hyppolite, vì quyển sách lớn là một trong hai quyển một người bạn tặng cho tôi (quyển còn lại là L'Être et le Néant của Sartre), trước khi hoàn toàn biến mất, cách đây khoảng mười lăm năm (xem ở kia).

Một cuộc gặp cũng có thể làm ta nở (trong lòng) một nụ cười, nụ cười của a, nó đây rồi:


Hai bên là hai tập của bộ (có thể coi là) Toàn tập của Michel Leiris. Khi đã lấy Leiris làm dưỡng chất trong một thời gian dài, và đọc Leiris trong ấn bản "La Pléade" của nhà xuất bản Gallimard, tức là loại sách phi nhân tính (về sự phi nhân tính của các format sách, xem ở kia), thì tôi bắt gặp Fourbis, quyển thứ hai trong tétralogie ("trilogie" là ba, "tétralogie" là bốn) của La Règle du jeu.

Cũng khi đã quyết định từ lâu là đọc Marcel Schwob trong (có thể coi là) toàn tập, thì tôi bắt gặp Spicilège của Schwob trong ấn bản xa xưa của Mercure de France:


Và đương trong lúc mơ hồ bận tâm (à, mà lúc nào tôi cũng thế) về chuyện bắt chước và sáng tạo: ở chừng mực nào thì bắt chước chính là sáng tạo, và sáng tạo có thể nào không bắt chước hay không etc. (xem thêm ở kia) thì tôi rơi trúng một tập trong loạt À la manière de:


Gần đây (nhưng chưa nhớ ra chính xác là ở đâu) tôi cũng đã nhắc đến các texte mà Paul Reboux và Charles Muller dùng để bắt chước, để nhại rất nhiều người. Một số nhân vật tạo ra cách thức riêng để điều hành viết, một trong số ấy chính là Alain và các propos; thế thân của Flaubert: Bovary, thế thân của Cervantes: Don Quixote, tức là các nhân vật, nhưng đối với một số người thế thân lại là những từ và cụm từ, như "propos", "à la manière de" hay "essai" (Montaigne), "en lisant en écrivant" (Julien Gracq) (danh sách còn rất dài, tôi sẽ còn quay trở lại), hoặc cũng có thể là "bên lề những cuốn sách cũ", "en marge des vieux livres", như Jules Lemaitre:


(ấn bản của nhà xuất bản Boivin, quãng đầu thập niên 30 của thế kỷ 20)


Tôi rất ít đi hiệu sách. Tới một thời điểm (tôi cũng chẳng rõ là bao giờ) tôi hiểu ra rằng những quyển sách có con đường đi của riêng chúng, tốt hơn hết là để chúng tự đi, dẫu sao thì cũng sẽ chẳng tác động được mấy, mà cũng chẳng để làm gì. Từ một người không bao giờ ngồi yên được một chỗ, tôi trở nên bất động, và từ một người lúc nào cũng có mặt ở hiệu sách (những buổi chiều đi học về, từ Boul' Mitch' rẽ vào mấy ngõ nhỏ, hoặc qua ngả Saint-Jacques và Gay-Lussac, hoặc xẹt qua trước quảng trường Panthéon một bên là trường luật một bên là tòa thị chính quận V, qua một cái khách sạn mang cái tên đặc biệt diêm dúa, rẽ vào đầu phố Ulm, không hôm nào tôi không vác về những quyển sách cũ; gần đây, trong một hồi kiểm kê không tài nào chi tiết nổi, tôi phát hiện ra quãng thời gian đó tôi đã mua nhiều sách không thể tưởng tượng) tôi không còn đi hiệu sách nữa. Có những quãng thời gian vài năm tôi không hề đặt chân đến hiệu sách nào.

Hơn ba năm nay, tôi không hề lai vãng Đinh Lễ. Không một chút nào. Tôi biết khu bán sách này từ quãng cuối thập niên 90, hồi đó không phải Đinh Lễ, mà chỉ lèo tèo vài xe cút kít bên Nguyễn Xí. Nhưng hơn ba năm nay, tôi không đặt chân đến nữa, không một mảy may. Thật ra, từ rất lâu, tôi không đi hiệu sách mấy, kể cả hiệu bán sách mới lẫn hiệu bán sách cũ.

Có một lần, cách đây tầm bốn, năm năm, tôi tới một hiệu sách cũ. Lúc đó, cũng đã rất lâu tôi không thực sự đến hiệu sách cũ nào. Những hiệu sách cũ quá ồn ào: sách ở đó có quá nhiều chuyện để kể, trong đó có rất nhiều chuyện gây bối rối. Hôm ấy, tôi quyết định đến một hiệu sách, thật ra chỉ phải đi chừng mười phút là tới nơi. Tôi được thông báo về sự xuất hiện của vài quyển sách bất ngờ. Tôi quyết định đến thử xem sao.

Rất dễ dàng, tôi lấy được một mớ sách, chẳng phải là không đặc sắc, vì có đến cả Nữ lưu văn học sử của Sở Cuồng Lê Dư ấn bản cuối thập niên 20, quyển về Đào Duy Từ của một trong mấy anh em nhà họ Dương của Văn học tạp chí, cũng nhờ lần đó mà kiếm được một thứ giúp xác định được một ấn bản rất ít được biết đến của Lều chõng. Cuối cùng, từ đống ấy tôi chỉ giữ lại độc một quyển, Hà Nội cũ của Sở Bảo Doãn Kế Thiện. Và cuối cùng, tôi cũng không giữ nó nốt: tôi đổi nó lấy Vàng và máu ấn bản 1934 của An Nam xuất bản cục, từ Vàng và máu đó mà có ấn bản mới đây, và đến cà Hà Nội cũ (mới) cũng được thực hiện từ quyển có được trong cái lần tôi bất chợt tới hiệu sách ấy.

Đến đó rồi thì lại đến thêm vài lần nữa. Tôi còn nhớ lần cuối cùng đến đó. Người chủ hiệu đã trở nên quen, rất hay chuyện. Có một quyển sách cũ rích đóng bìa nằm chơ vơ trên một cái giá. Vừa lơ đãng nói dăm câu với người chủ, tôi vừa lật nó ra. Lật nó ra trong tích tắc và gập lại ngay, rồi bỏ nó lại đó. Tôi vào bên trong lục rất lâu; đó là một hiệu sách bình thường, tuy vậy tôi vẫn có thể tìm thấy ở đó trọn bộ Nghìn lẻ một đêm bản Antoine Galland. Mang một đống tướng ra, tôi để cho người chủ gói ghém đống sách mới chọn, và trong lúc trả tiền, tiện tay cầm lấy quyển sách cũ mà tôi đã biết chắc người chủ hoàn toàn không biết là quyển gì. Thêm quyển ấy, giá 50.000 đồng, mà tất nhiên người chủ hiệu không hề mở ra xem. Đúng như tôi nghĩ vào khoảnh khắc tình cờ lật nó ra, đó là quyển từ điển Génibrel ấn bản 1926, tuyệt đẹp.

Chưa hết, cũng vì lần ấy, tôi sẽ lần ra được dấu vết bộ báo Trăm hoa. Một ngày mùa đông lạnh giá, tôi đi đến một khu mới ở Hà Nội, xa xôi, lộn xộn, trông ngu xuẩn như mọi khu mới ở Hà Nội, tại đó tôi lấy đống Trăm hoa, đủ trọn bộ, thứ mà chưa một ai từng nhìn thấy, kể cả Lại Nguyên Ân.

Ở hiệu sách, không nên thực sự tìm gì hết. Nếu cần thật, những quyển sách sẽ tự đến. Tôi toàn đợi cho quyển nào rơi vào chân thì lấy luôn, xét cho cùng nhỏm lên ngồi xuống quá nhiều thì cũng mệt. Chính bằng cách đó, tôi từng làm được một việc.

Ở một thời điểm, bỗng nhiên tôi thấy bực mình (lẽ ra không nên vậy, nhưng thôi kệ) vì nhận ra dường như tôi đã có danh tiếng của một người chỉ biết làm ra toàn những cuốn sách bán ế. Xét cho cùng, tôi nghĩ đó là một danh hiệu rất ổn đối với tôi, tôi không có gì chung với triệu tỉ cuốn sách bán chạy; nhưng tôi không nghĩ là có tồn tại sách best-seller đâu, lừa đảo cả đấy (riêng điều này, tôi sẽ còn quay trở lại). Nhưng cũng có lúc tôi thấy (rất không nên, rất không nên) có chút bực bội. Nhưng làm ra sách nhiều người, rất nhiều người thích mua ngay về thì quá dễ mà: chỉ cần nó ngu là được, chỉ cần một cuốn sách ngu, ai cũng sẽ thích ngay lập tức, càng ngu càng nhiều người thích, đó là điều không bao giờ sai. Tôi biết thế, nhưng tôi không thể làm thế, vì làm ra một cuốn sách ngu đối với tôi cũng rất giống uống bia bằng ống hút hay ăn spaghetti bằng đũa, hay làm tình mà lồng hai bao cao su. Nhưng vẫn có một lựa chọn: vẫn có thể hướng tới những cái gì ngu nhưng lại không thực sự ngu.

Tôi đang ở trong tâm trạng như vậy thì một hôm, tại một hiệu sách, có một quyển sách rơi vào chân tôi. Khoảnh khắc cầm nó lên, tôi đã biết chính nó là cái mà tôi đang cần: một thứ ngu nhưng lại không thực sự ngu. Đó là Essays in Love của, tất nhiên giờ ai cũng biết, vì từ đó đến giờ tôi đã làm nhân vật này khuynh đảo giới đọc sách Việt Nam, Alain de Botton.

Thích thì có ngay: một thứ ngu mà ai cũng thích, nhưng được cái tuy ngu nhưng lại không ngu cho lắm. Vả lại, tôi đã có sẵn trong đầu một nhân vật rất tương đương để dịch nó ra tiếng Việt (chọn người dịch quan trọng lắm): đó là Trần Quốc Tân. Trần Quốc Tân đích xác là người cần thiết cho dạng công việc này. Có một mẫu người chắc hẳn sẽ rất chuẩn xác nếu gọi là hạng "theo voi hít bã mía", trước đây chẳng hạn Ngô Thế Vinh, rồi chẳng hạn, 5xu Nguyễn Phương Văn, rồi tiếp tục đến thế hệ Trần Quốc Tân and Co.

Thế là tôi gây dựng được danh tiếng cho một nhân vật, Trần Quốc Tân rồi sẽ rất nổi tiếng đấy. Mà có lẽ cũng đã nổi tiếng rồi.

Chưa hết, khi tôi đã chuẩn bị in bản tiếng Việt Essays in Love, thì một nhân vật khác, thuộc loại cực thích õng ẹo với sách, bỗng khoe rầm rĩ (trên facebook, tất nhiên) về cái sự mới phát hiện một thiên tài triết học etc., tất nhiên là nói đến Alain de Botton, và tuyên bố sẽ sớm đưa nhân vật này vào tủ sách mà người đó phụ trách. Một cú quảng cáo không công quá lợi hại, vì facebook của người đó bu đầy bọn ngu, đông khủng khiếp. Mình cám ơn nhé: quả thật cú đó đã rất thành công. Cám ơn, cám ơn.

Đấy, giờ thì qua cái đoạn phải lướt thướt với mấy cái thể loại ngu mà không ngu lắm kiểu Alain de Botton hay Precht (đấy là chỉ kể vài cái tên thôi chứ danh sách này dài vô tận). Và cũng đã đến lúc cắt đứt với một đoạn thời gian phải nhờ đến một số nhân vật pằng pặc và pút pụt, mà nhất là, tất nhiên, đây: Frédéric Beigbeder.

11 comments:

  1. thì ra là vậy :D
    sách thiếu nhi dạo này có pha nào hay ko bác?

    ReplyDelete
  2. ô, tôi mới phát hiện "The Best We Could Do" của Thi Bui

    nếu không, Marie-Aude Murail sắp trở lại, một cách toàn diện hơn nhiều

    ReplyDelete
  3. Ông Botton viết có thể ngu nhưng ông ấy khôn bỏ xừ ra được. Tôi có mua cuốn triết học gì đó của ông ấy, dẫn nhập tinh vi, người không biết gì cũng tưởng mình đang đọc triết thật.

    Trần Bình

    ReplyDelete
  4. ngành xuất bản năm 2017 đạt doanh thu gần 3000 tỷ đồng, văn hoá đọc cũng càng ngày càng phát triển (http://m.thuonghieuvaphapluat.vn/nganh-xuat-ban-dat-doanh-thu-gan-3000-ty-dong-trong-nam-2017-99207) Thế nên dễ hiểu tại sao ở ta hội ngu với các thành viên chí thức sang chảnh, thượng liu các thứ ngày càng đông điên đảo

    ReplyDelete
  5. Hồi chiều định comment chi tiết Hà Nội cũ (mới)
    mà thấy anh sửa rồi.
    Ngoài ra còn sót lỗi typo, một điều cực kỳ hiếm thấy ở blog này, hehe

    ReplyDelete
  6. tường thuật đi hiệu sách có mùi G.Simenon

    ReplyDelete
  7. Người ta chỉ dịch thôi thì có gì mà bác nói, thực ra không có bác thì nhiều tác giả cũng có ở VN thôi

    ReplyDelete
  8. ai cũng (sẽ) có phần hết

    ReplyDelete
  9. Alain đọc rất giải trí, thích hợp cho những bạn yêu đọc sách và thích đơn giản dễ hiểu.
    Những cây cầu thì... "chàng cao bồi cuối cùng" - người đẹp

    ReplyDelete
  10. Nhà văn nào viết hay nhất về những cuộc gặp (không gỡ) giữa con người với nhau nhỉ (có thế qua một quyển sách, trong hiệu sách,... hoặc không)? Modiano?

    VVD

    ReplyDelete
  11. Sao lại là "một cuộc gặp" chứ không phải là "một cuộc gặp gỡ" hở chú? Hay vì lựa chọn sau là một từ láy nên nó có thêm những hình ảnh hoặc biểu cảm không cần thiết ạ :-/

    ReplyDelete