Dec 30, 2018

Phụ chú cho những từ

Đây là phần "phụ chú" cho bài thuộc chuỗi thời chúng ta, "Những từ và những từ". Nhân đây, cũng đã viết hết luôn bài ấy (tức là, lúc trước nó còn thiếu phần kết luận, giờ thêm vào cho đủ - dẫu sao thỉnh thoảng tôi cũng kết thúc được một số thứ).

Cần phải thêm phần phụ chú, vì ở bài trước mới chỉ là những từ (và cụm từ), những cách dùng từ chung, chưa đi vào đặc thù. Mà, trong việc dùng ngôn ngữ, còn có phân nhóm (xã hội) nào đáng quan tâm hơn phân nhóm nhà văn không? Vừa xong là một câu hỏi tu từ.

Nhà văn Việt Nam dùng từ, viết câu như thế nào? Đây chính là cách để miêu tả (theo đường lối hiện tượng luận) một điều mà tôi chắc chắn chưa từng bao giờ có ai làm: miêu tả ý luận của nhà văn Việt Nam thời chúng ta.

Nhìn thấy trên bìa sau (hoặc tay gấp) quyển sách nào đó một dòng chữ như thế này: "Đây là một cuốn sách khó đọc", hãy thấy mừng vì đã tìm được một manh mối, một dấu vết rất quan trọng cho cái ý luận mà tôi vừa nói ở trên.

Tác giả viết câu đó ("đây là một cuốn sách khó đọc") muốn nói cùng một lúc ít nhất hai điều (trên phương diện biểu đạt của ký hiệu: thông điệp phát đi là): thứ nhất, người đó rất siêu phàm, cuốn sách khó đọc như thế mà mình vẫn đọc được; thứ hai, người đó rất rất siêu phàm, đã khó đọc như vậy, người đó còn đọc được và không những thế còn nói được là  "khó đọc".

Và đó là một jerk. Một kẻ lừa đảo. Đồng thời, một thằng ngu (ngu chính trong lúc cố tỏ ra khôn). Và tất nhiên, không biết đọc.

Nhưng vẫn còn đáng quan tâm hơn nữa: tác giả cuốn sách nào đồng ý cho xuất hiện dòng chữ đó trong sách của mình (bìa bốn, tay gấp, tựa, bạt - bất kể là gì) mới thực sự là jerk. Đồng thời kitsch. Tức là, hết sức đơn giản, một nouveau riche.


Trong sự khen ngợi một nhà thơ nào đó, từ hay gặp nhất trong vòng khoảng trên dưới hai mươi năm vừa qua là từ "vâm váp" (đặc biệt được phát ra mạnh mẽ từ một nhà thơ và các nhân vật phụ cận, đó là nhà thơ rất xứng đáng với danh hiệu "nhà thơ lớn nhất khu vực Phùng-Trôi-Nhổn"). Muốn khen nhà văn nào viết giỏi, các nhà văn khác hay dùng cụm từ rất đặc biệt: kỹ chữ. Cứ như thể, viết văn đồng nghĩa với nấu bánh chưng hoặc nấu món đặc trưng của châu thổ sông Hồng, cá kho: chúng cần phải dừ. Ở đây, ta bắt đầu đi vào khu vực rất trọng yếu của tự vị văn chương Việt Nam, khu vực ấy tên là tautology. Một tautology hiển nhiên (và rất phổ biến): người ta khen nhau là "viết rất văn". Tức là văn chương rất văn (văn chương là văn chương). Gây rợn tóc gáy hơn cả là cụm từ "nhà phê bình có văn"; cụm từ này cũng hết sức phổ biến. Chẳng hạn như kiểu phê bình của Đỗ Lai Thúy hay được ca ngợi như vậy.

Và thái độ (tư thế) nào thì đặc trưng hơn cả? đó là cái sau đây: đã không biết bao nhiêu lần tôi thấy các văn nhân mặt mày nhăn nhó nói với nhau (thường là trên vỉa hè, hoặc cũng có thể là tại một tòa soạn báo nào đó) về một tác phẩm nào đó mới xuất hiện: Nó viết ghê lắm. "Ghê", "kinh", "khiếp" là những từ quán quân về tần suất trong pathos của sự khen ngợi.

Quay trở lại với mấy chữ "khó đọc" trên đây. Tôi tin rất ít người nhìn ra được sự tương đồng của cụm từ ấy với một idiom khác cũng xuất hiện nhan nhản: trong một lời tựa nào đó, ta thường đọc thấy như sau, "mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng vì phạm vi vấn đề rộng lớn [hoặc cái gì đó tương tự] nên cuốn sách khó tránh được sai sót, kính mong được độc giả cao minh chỉ giáo để chúng tôi sửa chữa ở lần tái bản".

Câu vừa xong giống hệt "đây là một cuốn sách khó đọc" bởi vì nó cũng hàm ý, chỉ những độc giả cao minh được hướng tới mà thôi. Nhưng không độc giả nào có thể cao minh hơn tác giả của lời tựa ấy hết, tuyệt đối không có.

Và điều hài hước còn nằm ở chỗ: gần như một trăm phần trăm (tôi nói chính xác 100%) số sách trong lời tựa có câu trên đây chẳng bao giờ tái bản hết.


Ở phía hoàn toàn đối nghịch, ta có một idiom có thuộc tính lớn là bao dung (thì tất nhiên rồi: liberalism ở tư cách ý luận trung tâm của thời chúng ta có là gì khác đâu ngoài cái đó?): "đọc được". Một cuốn sách nào đó rất dễ nhận được lời ngợi khen là nó đọc được.

Một mặt thì "khó đọc", mặt kia thì "đọc được": đó là hai cực. Từ đó, rất dễ thấy, câu chuyện của chúng ta chịu một sức căng lớn đến thế nào, nó bị kéo một cách mãnh lực, cùng một lúc, về hai phía ngược nhau. Trên đây đã có miêu tả về "khó đọc", giờ cần làm điều tương tự với idiom "đọc được": nó hay xuất hiện ở đâu?

"Đọc được" xuất hiện với tần suất rất cao ở phân nhóm của văn chương cần phải gọi đúng tên là những thằng hề. Có rất đông clown, cứ xem các nhân vật xuất hiện liên tục ở những buổi ra mắt sách ấy. Những buổi ra mắt sách là tương ứng "dưới hình thức quần chúng" của tựa, bạt, bìa, tay gấp, etc.

Trong bối cảnh chung, có một yếu tố nữa cần phân tích: các nhà văn thời chúng ta dùng facebook để làm gì? Trước hết, để làm những việc có thể xếp ngay vào một cái tên nho nhỏ và tuyệt đối dễ hiểu: mị dân.


Một idiom rất hay gặp gần đây: "bình thường tôi không quan tâm đến chuyện này", "lẽ ra tôi chẳng muốn nói thêm cái chuyện đã có quá nhiều người nói", vân vân và tương tự. Ấy thế nhưng kết quả là vẫn cứ nói. Nói vì không thể chịu nổi cảnh người khác nói mà mình lại không được nói. Không chịu nổi người khác có cái ăn mà mình lại không (đụng lợn). Nhưng cũng giống những người đòi cái ăn nhưng lại nói chệch mục đích đi, những người muốn có phần trong sự nói năng thác ra rằng thật ra thì mình không định, etc. Lần nào cũng như lần nào, ví dụ lớn nhất gần đây là vụ trẻ con đánh vần và bóng đá Việt Nam. Đủ mặt tất tật, không thiếu bất kỳ ai, nhất là những ai chẳng biết gì về đánh vần và những ai chưa bao giờ đá bóng, thậm chí chưa từng quan tâm đến bóng đá. Đủ ăn rồi thì sẽ đòi đủ nói.

Một lời khen rất hay gặp trong toàn thể giới trí thức Việt Nam: "đọc nhiều, nhớ lâu" (có thể thêm vế thứ ba, "lẩy khéo"). Chỉ có điều, chính là phải ngược lại: không được đọc nhiều, đọc rồi thì cũng không được nhớ, lại còn nhớ lâu - quên đi được thì càng tốt.

Và, các nhà văn thời chúng ta dùng facebook để làm gì? Trước hết và trên hết, họ dùng facebook để share link tất tật những gì người khác nói về mình. Facebook của nhà văn Việt Nam là tuyển tập những lời khen ngợi mà nhà văn ấy được nhận. Mà muốn nhận nhiều lời khen, cách tốt nhất chính là khen người khác.


Các nhà văn Việt Nam khen nhau vì một trong hai điều (hoặc cũng có thể - thậm chí, trường hợp này mới thực sự rộng khắp - cả hai): thứ nhất là theo idiom của một nhà văn danh tiếng, "khen cho nó chết" và thứ hai, khen người khác để được người khác khen lại. Nghệ thuật của thù tạc đặc biệt lên đến đỉnh cao vào những thời nơi tinh thần nouveau riche là đặc trưng (điều này quá mức hiển nhiên). Những người biểu diễn món phóng dao (hề) khen những người biểu diễn món phóng dao (một hề) khác, đồng thời trong thâm tâm mong muốn  run tay phóng hỏng. Rất nhiều (phần lớn) nhà văn không hề biết đọc nhưng hễ khi nào có cuốn sách của một ai đó thuộc diện trên đây (tức là cần khen "cho nó chết" và khen để được khen lại, sau đó) mới in, tức khắc tất cả xúm vào khen; nhưng nếu cũng vẫn là cuốn sách ấy nhưng không ghi tên tác giả, cầm chắc gần như một trăm phần trăm nhà văn nói trên thấy vô vị không tài nào đọc quá ba trang đầu (vả lại, những cuốn sách mà họ khen, thông thường họ cũng không đọc quá ba trang rưỡi).

Những lúc chưa đến cơ hội để thực hành khen như trên đây vừa miêu tả, lòng bao dung nhà văn vẫn có nhiều chỗ để thể hiện: ngày ngày tỏ ý lo ngại xã hội suy đồi, đạo đức xuống cấp, giới trẻ không ổn, phở gà Hà Nội ăn không còn ngon lắm. Thế nào cũng yêu chó, yêu mèo, khẳng định mình là người văn minh (khi trào lưu xã hội là kêu gọi dừng xe đèn đỏ thì cho biết cả đời mình chỉ đi lúc có đèn xanh, rồi đến đợt người ta chụp được lắm ảnh trong bụng cá có nhựa và ny-lông thì chớp thời cơ ý nhị nói rằng từ lâu mình đã biết tỏng và bài trừ quyết liệt việc dùng túi ny-lông: tức là, nói ngắn gọn, chẳng bao giờ lỡ chuyến tàu xe nào: cả đời không bao giờ phải mua lại vé), ca ngợi lối sống tự do phóng khoáng, gần gũi với thiên nhiên và nghiêm khắc lên án những vụ việc mà báo lá cải đăng tin. Một số nhân vật ra đến nước ngoài (định cư) thì ra sức nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa các nền văn hóa - một cách rất tốt về phương diện tâm lý nhằm hợp thức hóa lương tâm cũng như cho thấy cái nhìn sắc sảo (đồng thời, gia cố cho mặc cảm hải ngoại).

Trở lại với "khó đọc" và "đọc được": ở lưng chừng giữa hai cái đó lại có thêm một idiom đặc thù nữa: "đáng đọc". Được phát ngôn từ các nhà văn Việt Nam, một cuốn sách được tuyên bố (được dán nhãn) đáng đọc không khác một ai đó bị quan tòa thuộc Tòa án Dị giáo chỉ tay mà nói đáng chết. Và tất nhiên, những cuốn sách được gọi là "đáng đọc" tuyền là sách dở.




(còn nữa)


NB. đã tiếp tục "Văn chương và cuộc đời" (Deleuze) và "Thư của Lord Chandos" (Hugo von Hofmannsthal)


5 comments:

  1. Nhân nói về những thứ xuất hiện ở bìa bốn, tay gấp, bạt, tựa thì những quyển sách liên quan đến Hoàng Long là điển hình

    ReplyDelete
  2. mk ko thể ko cười dù gặp đã lắm. lại nhớ giai thoại khổng-tử đòi xem con kỳ-lân và các đệ ruột nghĩ ra cách dán tiền kín mình một con trâu rồi dẫn đến nhưng phu-tử thều thào: đây là con trâu mình dán đầy tiền, ko phải con kỳ-lân

    ReplyDelete
  3. Gãi nhẹ thì phê còn gãi mạnh như NL làm người ta bật máu và phản xạ tự nhiên là sẽ dãy lên, đẩy tay người gãi cho mình ra khỏi chỗ ngứa ;D

    ReplyDelete
  4. rất không nên cố trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như lĩnh vực của ẩn dụ

    gãi, gãi nào, sao lại là gãi được

    ReplyDelete
  5. Ờ, bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một vườn.

    ReplyDelete