Nov 28, 2020

Ailleurs

trở lại (à quên, tiếp tục) với Henri Michaux (cũng xem ởkia)

[đã tiếp tục "Cảng Cũ" và về phóng viên bóng đá)


Ailleurs

- Henri Michaux


Tựa

Tác giả đã rất thường sống ở nơi khác [ailleurs]: hai năm tại Garabagne, gần bằng như thế tại vùng đất của Ma Thuật, kém hơn chút ít tại Poddema. Hoặc giả hơn rất nhiều. Thiếu mất các ngày tháng cụ thể.

Anh ta đã không luôn luôn thích vô chừng mực những vùng đất ấy. Ở đôi chỗ, thiếu điều anh ta đã bị thuần hóa tại chỗ. Không thực sự. Các vùng đất, ta sẽ chẳng bao giờ ngờ vực chúng cho đủ đâu.

Anh ta quay về nhà sau mỗi chuyến đi. Anh ta không sở hữu một sự kháng cự vô định.

Vài độc giả đã thấy những vùng đất kia lạ thường. Cái đó sẽ không kéo dài. Ấn tượng ấy đã qua luôn rồi kìa.

Người nào muốn thoát khỏi Thế Giới thì sẽ dịch nó ra. Ai thoát được đây? Bình thì kín bưng.

Những vùng đất kia, người ta sẽ nhận thấy, nhìn chung tuyệt đối tự nhiên. Người ta sẽ sớm thấy lại chúng khắp nơi... Tự nhiên như các cây, côn trùng, tự nhiên như đói, thói quen, tuổi, sử dụng, những sử dụng, hiện diện của cái xa lạ gần sát cái đã biết. Ở đằng sau những gì ở đó, những gì suýt thì đã ở đó, những gì định ở đó, đe dọa sẽ ở đó, và những gì giữa hàng triệu "có thể" đã khởi sự ở đó, nhưng đã không thể khiến cho hoàn hảo sự ở ấy...

H. M.




Đi Grande Garabagne

[Chez les Hacs]

[Les Émanglons]

[La tribu des Aravis]

[Les Omobuls]

[Les Orbus]

[En Langedine]

[Les Omanvus]

[Les Écoravettes]

[Les Rocodis et les Nijidus]

[Les Arnadis]

[Les Garinavets]

[Les Bordètes]

[Les Mirnes]

[Les Mazanites et les Hulabures]

[Les Ossopets]

[Les Baulars]

[Les Palans]

[Les Vibres]

[Les Mastadars]

[Les Arpèdres]

[Les Kalakiès]

[Les Nans]

[Dans la péninsule Assouline]

[Les Écalites]

[Les Ourgouilles]

[Les Halalas]

[Les Cordobes]

[Les Gaurs]

[Murnes et Églanbes]

[Les Nonais et les Oliabaires]


[những cái tên trong Grande Garabagne, chỉ riêng chúng, đã là một bài thơ; tôi nghĩ là ở một số tên riêng có thể tìm thấy các dấu vết của tiếng Việt (Annamite), mà hồi trẻ Michaux học, tại trường Langues O]


Người Hiviniziki

Lúc nào cũng bấn lên, vượt lên trước chính họ, phát sốt, chạy bổ đến nơi này nơi kia, chộn rộn, chắc họ sẽ đánh mất đến cả những bàn tay của họ. Chẳng thể nào mang tới cho họ một thỏa mãn kéo dài chút ít.

Đầy hào hứng,

[còn nữa, chương này]


Dovobo, Hoàng đế Grande Garabagne

Đi ngược lại mọi trông đợi, Dovobo, do cái chết của ông bố, bà mẹ, các anh, những ông chú và mười hai người em họ, được đưa lên nắm các trọng trách, vả lại chúng nhiều tính cách danh dự hơn là thực, hoàng đế của Grande Garabagne. (Phần lớn các bộ lạc đâu có cống nạp gì.)

Kẻ man dã ấy chẳng bao giờ xuất hiện tại Triều đình.

[còn nữa, chương này]





Ở vùng Ma Thuật


Vây quanh vùng Ma Thuật, là những đảo nhỏ xíu: ấy là những cái phao. Trong mỗi phao có một người chết. Vành đai các phao đó bảo vệ đất nước Ma Thuật, được người dân dùng để lắng nghe, nó báo hiệu khi những kẻ lạ tới.

Sau đó chỉ cần làm mỗi một việc, là khiến bọn họ đi chệch đường rồi tống khứ thật xa.

*

*       *

Ta nhìn thấy cái lồng, ta nghe thấy có tiếng cánh bay. Ta tri nhận được tiếng ồn không thể bàn cãi của mỏ quệt song lồng. Nhưng chim thì chẳng thấy đâu.

Chính ở một trong những cái lồng trống ấy tôi đã nghe thấy tiếng eo sèo đậm đặc nhất đời tôi của lũ vẹt. Lẽ dĩ nhiên ta chẳng thấy con nào.

Nhưng tiếng ồn mới khiếp làm sao! Cứ như thể trong lồng kia phải có đến dăm bốn chục:

"... Chẳng phải cái lồng bé thế này quá chật cho chúng ư?" tôi máy móc hỏi, nhưng lúc chính tôi nghe thấy mình đang hỏi thì tôi lại thêm vào một sắc thái giễu cợt.

"Có chứ..., chủ cái lồng đáp, chắc cú, chính vì thế chúng mới loạn xạ lên như vậy. Chúng muốn có thêm chỗ."

*

*       *

Giọt nước này nhạy cảm hơn một con chó. Nó níu vào. Lũ trẻ con dùng đó để chơi. Nó rất dễ trở nên sầu muộn nếu người ta không quan tâm đến nó. Nếu cắt nó làm đôi, thì nó bung ra và chết. Lũ côn trùng nước tránh xa khỏi nó. Do hiếu kỳ hoặc độc ác, có những thằng con trai thích giết nó.

Nếu sự độc ác là động cơ, thì hãy cẩn thận cú phanh hãm (xem chương về cú phanh).

*

*       *

Trên một con lộ lớn, chẳng hiếm khi thấy một sóng, một sóng chỉ đơn độc, một sóng rời khỏi đại dương.

Nó chẳng để làm gì, không tạo ra một trò chơi.

Ấy là một trường hợp của sự tức thì ma thuật.

*

*       *

Bước đi trên hai bờ của một dòng sông, ngược lại, là một bài tập, lại còn nặng nề nữa.

Khá thường, người ta trông thấy một người đàn ông (sinh viên khoa ma thuật) như vậy, ngược một dòng sông, bước cùng một lúc trên cả hai bờ: hết sức chú tâm, anh ta không thấy ta. Bởi cái mà anh ta đang thực hiện thì tinh tế, không cho phép bất kỳ lãng trí nào. Nếu mà vậy anh ta sẽ rất chóng, chỉ một mình, lại ở trên một bờ, lúc ấy thì tha hồ nhục!

*

*       *

Một bộ quần áo đã được hình dung để phát âm chữ "R". Họ cũng có một bộ để phát âm chữ "V stts". Phần còn lại thì thôi cũng chẳng cần lắm, tuy nhiên ngoại trừ chữ "Khng".

Nhưng ba bộ ấy rất cao giá. Nhiều người vì không có phương tiện để mua chúng chỉ có thể ấp úng những khi nào xuất hiện mấy chữ đó; hoặc giả ấy là vì họ rất, rất giỏi ma thuật.

*

*       *

Ta thường hay thấy, vào buổi tối, những đống lửa nơi nông thôn. Những lửa ấy chẳng phải là những lửa. Chúng không đốt gì. Chỉ cần, tuy nhiên ấy chắc phải ở mức nóng bỏng khủng khiếp, chỉ cần một tóc tơ lướt qua ngay đúng trung tâm là nó cháy tàn luôn.

Quả thật, những lửa đó thì không nóng.

Nhưng chúng có một lóe sáng mà chẳng gì trong tự nhiên sánh nổi (tuy nhiên kém hơn so với lóe sáng của vòm điện).

Những cháy lên ấy mê hoặc và gây sợ, vả lại chẳng kèm nguy cơ nào, và lửa ngừng đi cũng đột ngột như khi nó hiện.

*

*       *

Tôi từng thấy nước tự ngăn mình chảy. Nếu nước rất quen, nếu đó là nước của ta, thì nó không tóe ra dẫu cho cái bình vỡ thành bốn mảnh.

Chỉ đơn giản nó đợi người ta cho nó vào một bình khác. Nó không tìm cách tung tóe ra bên ngoài.

Có phải là sức mạnh của Ma Thuật đang hoạt tác?

Có và không, có vẻ là không, bởi Pháp Sư không thể biết về cú vỡ bình cùng nỗi khó nhọc mà nước phải thực hiện nhằm tự giữ mình lại tại chỗ.

Nhưng không được để cho nước đợi quá lâu, vì tư thế ấy đối với nó thiếu tiện nghi và nặng nề, khó giữ và, cho dù không chính xác là bị mất đi, nó có thể bị ôi.

Lẽ dĩ nhiên, đó phải là nước của ta chứ không phải một thứ nước của cách đây năm phút, một thứ nước mà ta vừa đổi mới. Nước ấy thì sẽ chảy băng đi ngay. Cái gì giữ nó được đây?

*

*       *

Những cánh cửa đập dưới mặt nước.

Cần phải biết nghe chúng. Bằng cách đó ta có thể biết tương lai mình, tương lai gần ấy, của ngày. Cái đó thì các bà thầy bói mà ta hay gặp nơi bờ biển, chầu chực đợi khách, biết rất giỏi.

Từ trước, họ nghe thấy tiếng đập mọi cửa mà ta đi qua ngày hôm ấy, dẫu ta có thực hiện nhiều quãng trình tới đâu, và trông thấy những người gặp bên này bên kia cửa cùng những gì họ sẽ nói và quyết định.

Thật là choáng váng, như vậy.

Người ta cứ tưởng, cho đến đêm, là sống một ngày đã sống.

*

*       *

Ai đó nói. Đột nhiên người ấy lên một cơn hắt hơi không ngừng nổi, vang rền, mà chẳng gì cho phép đoán trước. Các Thính Giả hiểu: "Ông ta bị cấu dây", họ nghĩ, rồi vừa cười vừa đi khỏi. Những nhắc nhở bên trong đó, truyền tới từ các Pháp Sư, còn có thể khiến giật lại, co thắt, bị viêm họng.

Họ gọi cái đó là "cấu dây". Người ta cũng nói, mà không giải thích gì thêm: "Ông ta đã bị cấu dây rất mạnh."

Người ta từng thấy những người hấp hối chẳng bị thiếu thốn gì, trừ mỗi việc là bị cấu "DÂY" một cách ra trò.

*

*       *

Các Pháp Sư thích bóng tối. Những người tập sự cần tối ở mức tuyệt đối. Họ luyện tay nghề, nếu tôi có thể nói vậy, trong các hòm, các tủ treo, tủ đựng, các rương, các hầm, các áp mái, những cầu thang.

Không ngày nào ở nhà tôi không thò ra từ tủ tường một cái gì đó kỳ cục, hoặc một con cóc, hoặc một con chuột, vả lại bốc mùi sự vụng về và tan biến tại chỗ chứ chẳng thể nào phắn đi được.

Ở đó ta thấy cả đến những kẻ treo cổ, tất nhiên là treo cổ giả, bọn họ không có cả đến sợi dây thật.

Ai đây có thể cho rằng xét về lâu dài người ta sẽ làm được? Một nỗi sợ luôn luôn níu tôi lại trong khoảnh khắc, bàn tay thiếu quyết định đặt trên nắm đấm cửa.

Một hôm, một cái đầu bê bết máu lăn trên cái veston mới tinh của tôi, mà chẳng hề tạo trên đó vết bẩn nào.

Sau một thoáng - tồi tệ - cầu sao đừng bao giờ phải trải qua một thứ tương tự - tôi đóng cửa lại.

Phải là một kẻ tập tọng, tên Pháp Sư kia, thì mới không thể nào tạo nổi một vết bẩn trên một cái veston sáng màu đến thế.

Nhưng cái đầu, trọng lượng của nó, dáng điệu chung của nó, đã được bắt chước rất giống. Tôi đã cảm thấy, với một nỗi hãi hùng đầy kinh tởm, nó rơi trúng vào tôi, chừng nó biến mất.

*

*       *

Đứa trẻ con, con của thủ lĩnh, con của người ốm, con của người làm lụng, con của kẻ xuẩn, con của Pháp Sư, đứa trẻ con sinh ra với hăm hai nếp. Vấn đề là phải vuốt phẳng chúng ra. Khi ấy cuộc đời người đàn ông được hoàn chỉnh. Dưới hình thức đó anh ta chết. Chẳng còn lại cho anh ta nếp nào để xòe nữa.

Hiếm, một người đàn ông chết mà không còn vài nếp để xòe ra. Nhưng chuyện cũng từng rồi. Song song với thao tác ấy người đàn ông hình thành một nhân. Các giống thấp, như giống trắng, thấy nhân thì nhiều hơn là sự vuốt phẳng nếp. Pháp Sư thì lại chủ yếu thấy vuốt nếp.

Chỉ sự vuốt nếp mới quan trọng. Còn lại chỉ là phọt phèo.

*

*       *

Phần lớn người, việc họ làm trông rõ hơn cả, ấy là gặm nhấm cái đúp của họ. Tại vùng Pháp Sư, điều này hoàn toàn không được phép, ta sẽ bị trừng trị rất nghiêm, họ phải sửa đổi càng sớm càng hay.

*

*       *

Người gù ấy hả?


[...]


*

*       *

Dẫu biết rất rõ rằng các vì sao thì khác chứ đâu phải là những ánh sáng đáng để ý trên vẻ ngoài của trời, họ vẫn không thể tự ngăn mình làm ra những giả đò là sao nhằm tạo thích thú cho lũ con của họ, nhằm tự gây thích thú cho chính họ, chút ít là để tập luyện, do tính cách bộc phát ma thuật.

Cái người chỉ có một sân nhỏ, làm ở đó một cái trần chi chít sao, thứ đẹp nhất mà tôi từng nhìn thấy. Sân khốn khổ kia, vây quanh là mấy bức tường rệu đến mức trông như thể đang than, dưới bầu trời cá nhân ấy, lấp lánh, gầm rú các vì sao, cảnh đó đẹp biết mấy! Tôi đã thường suy nghĩ và tìm cách tính xem những sao kia có thể ở độ cao nào; mà không nổi, bởi cho dù vài hàng xóm tranh thủ tận dụng, số lượng chúng không đáng kể và họ thấy chúng khá mờ. Ngược lại chúng chẳng bao giờ đi qua dưới một đám mây.

Tuy nhiên, tôi đã nhận thấy rằng người ta hết sức cẩn thận nhằm tránh cho chúng khỏi vùng phụ cận với trăng, chắc hẳn vì e khiến chúng đi qua phía trước, do lơ đãng.

Dường, vượt mọi biểu hiện khác của lực ma thuật, cái đó kích thích ham muốn cùng các mong mỏi hơn cả. Đám hàng xóm vật lộn, vật lộn thật hung dữ tìm cách thổi những sao sang bên cạnh. Rồi thì các màn trả thù không hồi kết cứ thế tiếp nối.

*

*       *

Trong số những người làm các nghề mọn, trong số người đặt giẻ, người mê hoặc bướu giáp, người xóa tiếng ồn, nổi bật hẳn lên nhờ vẻ duyên dáng riêng có cùng sự duyên của công việc anh ta, là Người Chăn Nước.

Người Chăn Nước huýt sáo một dòng suối và thế là nó rời khỏi lòng chính nó mà tiến lên, đi theo anh ta. Nó theo anh ta, trên đường gộp thêm những thứ nước khác mà phình thêm ra.

Thảng hoặc anh ta thích giữ nguyên trạng suối gầy, kích cỡ nhỏ, chỉ nhặt đây kia những gì cần để cho nó khỏi tắt ngấm đi, nhất là phải đề phòng những khi nào di ngang một khoảnh đất nhiều cát.

Tôi từng thấy một người chăn như vậy - tôi bám chặt lấy anh ta, bị thu hút dữ dội - còn anh ta, với một suối tẻo teo, với một làn nước chỉ rộng như một bó cỏ, sung sướng mà vượt một con sông lớn tối sẫm. Nước không trộn lộn vào nhau, anh ta túm lấy lại suối nhỏ của mình, nguyên vẹn, ở bờ bên kia.

Cái trò thật khó, chẳng phải bất kỳ người chuyên trị suối nào cũng làm được đâu. Trong thoáng chốc nước rất dễ hòa với nhau, lúc đó anh ta có thể đi chỗ khác mà tìm một suối mới.

Dẫu thế nào, một đuôi suối nhất thiết không khỏi biến mất, nhưng vẫn còn lại đủ để tắm đẫm một vườn rau hay đổ cho đấy một hố rỗng.

Anh ta không được nấn ná, bởi đã quá bị suy yếu nó sẵn sàng gục. Đó là một nước "đi tong".

*

*       *

Họ có, để làm những con đường, một cây bút để lát.

Họ còn có một cây bút để xây. Đối với các chốn xa xôi, thậm chí họ có một khẩu súng để xây. Nhưng phải biết nhắm bắn cho chuẩn, rất chuẩn. Khỏi rườm rà nói lý do điều đó. Ai mà muốn xơi một mái nhà ụp lên đầu đây?

*

*       *

Nếu người ta có thể,


[...]

*

*       *

Một cái trần, một cái mái, đối với họ đó chủ yếu là một vấn đề về quyết định. Một hôm, trong khi trời mưa to, tức là một cuộc giải ứ kinh khiếp của khí quyển, như người ta chỉ có thể gặp ở đó và ở vùng nhiệt đới, tôi thấy trên một cánh đồng, gần đường lộ, một người đàn ông, đang ngồi, giữa trời, khô ráo, trong lúc mưa rơi lộp độp chẳng vì lý do rõ rệt nào tới một mét phía trên anh ta thì chảy đi chỗ khác; chính xác như thể anh ta có một chỗ trú vững chãi, thế mà không có lấy chút bóng dáng nào của cái đó.

Tôi không muốn làm anh ta bị sao lãng nên cứ thế đi tiếp. Dẫu có biết anh ta, tôi chẳng thở ra một lời, anh ta cũng không. Về sau cũng vậy. Và, nếu tôi không nhầm, người ta coi trọng tôi hơn hẳn kể từ hôm ấy. Những câu hỏi không ngớt của tôi đôi khi làm họ thấy rất phiền.

*

*       *

Dạ Dày (


[...]

*

*       *

Ai mà lại đi thích những bí mật của mình bị phát hiện? Tôi từng hay bị theo dõi, bị tấn công.

Karna, người trông coi cho tôi, phải làm việc rất mệt.

Rất thường có các toan tính phục độc tôi. Hay có bàn tay ở sau lưng tôi, bị những răng một cái đinh ba xuyên qua. Lũ chim bị đánh lừa mổ vào tai tôi. Nhiều lần các tảng đá rời ra khỏi núi rơi nhằm vào tôi, nhưng lúc nào Karna cũng xuất hiện kịp thời làm tan biến ác tâm và những đống đáng ngại kia nhũn ra rụng dưới chân tôi như bọn khăn mùi soa.

Nhưng một ngày nọ, cảm thấy một ảnh hưởng nặng nề, tôi gọi ông, ông đã không thể tới giúp tôi kịp. Thế nhưng ông đã ngay lập tức bước về phía tôi và dẫu ông ở ngay trong cùng phòng, chỉ cách tôi chưa đầy sáu bước chân và sớm chạy bổ về phía tôi, mỗi lúc một nhanh thêm, những bước chân hùng mạnh thế nhưng suốt hàng phút hàng phút dài, ông không sao tới nổi chỗ tôi, thậm chí còn không lại gần được tôi một cách đáng kể. Trước ma thuật đối nghịch ấy, ông dừng lại, giấu mặt đi để suy tính hoặc đọc thần chú, cứ đứng vậy một hồi, rồi lại khởi sự đi, bước gấp gáp. Lần này, ông tiến lại, tôi dang tay chờ sẵn, thì đúng lúc đó một luồng cuồng phong đẩy bắn ông sang bên về một cửa mở hé. Ông giật mình ra khỏi đó, lại đi, nhưng đột nhiên bị đưa về phía cái cửa ngáp miệng, ông buộc phải quay lui để lấy đà mới. Lần thứ ba ông lao mình, nhưng bị hút khôn cưỡng như lúa mì vào miệng hút tự động một cỗ máy hiện đại, ông bị cuốn vào khe cửa, biến mất. Tôi không bao giờ gặp lại ông.

Cùng ngày hôm ấy, tôi bị, mà cũng chẳng biết rõ là bằng cách nào, tống cổ khỏi vùng đất Ma Thuật.



[tập thơ còn có phần "Ici, Poddema"]








7 comments:

  1. Đọc đến đoạn Người Chăn Nước của anh dịch, em nghĩ đến Người Chăn Kiến của BNT. Hai lần đọc, hai cảm xúc trái ngược nhau, nhưng đều thấy mình là người đọc hạnh phúc. Cảm ơn anh!

    ReplyDelete
  2. Cho em chúc Năm Mới nữa :)

    ReplyDelete
  3. giờ nhìn lại mới thấy, hồi í mua quyển sách rồi viết vào, thế quái nào lại viết "Gil. Jeu.", lẽ ra phải viết "Gib." vì đó là hiệu sách Gibert Jeune - tất nhiên là nhánh của Gibert Joseph lớn hơn cách đó không xa

    ReplyDelete
  4. Địa lý của Ailleurs, Xứ Phi Lai và Miền Đất Hứa có đặc điểm chung là tràn sữa và mật.

    ReplyDelete
  5. cái chính là sữa gì ấy chứ

    ReplyDelete