Jun 2, 2019

Sabato ở Việt Nam

tiếp tục câu chuyện "ở Việt Nam"

nhìn một cách tổng thể hơn, câu chuyện về các nhân vật văn chương nước ngoài, sự hiện diện của họ tại Việt Nam, có thể hình dung (và trình bày) như thế nào? sau một thời gian không ngắn nhìn vào đó, dường như tôi đã ở không xa một miêu tả chu đáo cho câu chuyện ấy; rất có thể đó sẽ là chủ đề cho một loạt thuyết trình nữa

Sabato thuộc vào số những nhà văn cứ viết rồi lại vứt đi (xé bỏ, đốt, etc.) Dường như tất tật các vở kịch Sabato từng viết đều chỉ nằm trong ngắn kéo, và có vẻ đã bị hủy đi mất.


Giống Hermann Broch (cùng nhiều người nữa, chẳng hạn Italo Svevo) việc Ernesto Sabato trở thành nhà văn không hề đương nhiên (cf. tiểu luận của Hannah Arendt về Hermann Broch, trong đó ý chính là Broch đã trở thành nhà văn mặc dù không định thế). Lúc nào cũng ngập ngừng, không những thế lại còn viết xong là vứt, cho nên tuy không đến mức hiếm như Juan Rulfo (và một số người khác), Sabato chỉ để cho người ta đọc rất ít tác phẩm. Hơn nữa, về cuối đời, Sabato là họa sĩ nhiều hơn là nhà văn (Rulfo thì không viết nữa, mà đi chụp ảnh).

Cuốn tiểu thuyết trên đây, Đường hầm, mỏng đến đáng kinh ngạc (đây là tác phẩm văn chương đầu tay của Sabato); nhưng những ai đọc nó rồi sẽ thấy tuy mỏng nhưng (điền vào chỗ trống; hôm nay tôi lên cơn lười, không thực sự cố tìm cách viết mọi thứ cho đầy đủ).

(nhìn cuốn sách trong ảnh, tôi lại nhớ đến tủ sách có bìa giống hệt nhau - do Văn Sáng vẽ; cách đây chừng mười lăm năm, một bản dịch của tôi đã khai trương cho nó: đó là một tủ sách có sự tồn tại ngắn ngủi; tôi không thực sự có năng lực cho những gì trường tồn)

Còn đây là hồi ký của Sabato:



Hình ảnh về tủ sách có tồn tại không dài nói trên, tủ sách "Đông Tây tác phẩm" (rất trực quan và cặn kẽ):


(courtesy of PTV)

Nhìn thấy lại những quyển sách ấy, tôi nhớ đến những năm ấy: như tôi từng nói, bản dịch (chỉ tính những gì đầy đủ - những thứ không đầy đủ thì vô thiên lủng, hồi đó cũng như hiện nay: đã không có năng lực về những gì trường tồn, tôi lại còn rất kém sự hoàn thành, gần như mọi thứ đều dở dang) đầu tiên của tôi là La Fortune des Rougon, mà tôi vẫn còn giữ được bản thảo, một tập giấy rất dày giờ đã ố vàng - đó là sản phẩm của một mùa hè; tôi đã lấy cuốn tiểu thuyết mở ra bộ Les Rougon-Macquart của Émile Zola làm thứ phòng chống cho sự buồn chán của một mùa hè.

Vài năm sau cái mùa hè ấy, tôi lại thấy cần chống lại một sự buồn chán tương tự, từ đó mà có cái sẽ trở thành quyển sách mở ra tủ sách "Đông Tây tác phẩm". Cũng như với Sản nghiệp nhà Rougon, tôi không hề định in Cuộc sống không ở đây, tôi chẳng hề có mảy may ý tưởng nào như thế. Chỉ nhằm thoát khỏi nỗi buồn chán, không hơn, mà tôi làm một số việc.

Do một số tình cờ mà tôi cũng không muốn nhớ lại lắm, bản thảo được đưa cho nhà xuất bản Thanh niên. Sau một thời gian - tôi cũng không thực sự nhớ tại sao - tôi đến đòi nó về; có lẽ tôi không còn muốn in thành sách nữa - xét cho cùng, tôi đâu có định in nó, ngay từ đầu. Bản thảo ở đó (nhà xuất bản Thanh niên hồi đó còn chung trụ sở - cái nhà hình tròn - với nhà xuất bản Kim đồng, ở đoạn phố Bà Triệu gần đoạn đâm ra Hàm Long; mỗi nhà xuất bản chiếm một phần tòa nhà). Dường như họ cũng đã sắp in nó, nhưng tôi kệ, cứ đòi bằng được mang về.

Thế rồi - lại cũng không thực sự nhớ tại sao - tôi quyết định đem nó đến chỗ Trung tâm Đông Tây (hồi đó nằm trong một cái ngõ to phố Nguyễn Chí Thanh), mặc dù không quen ai ở đó. Tôi cầm đống giấy (lúc này tôi chỉ còn muốn tống khứ nó đi cho rảnh nợ) bước vào một căn phòng rất đông người (có Hoàng Thúy Toàn đang ngồi đó), giống như một công sở, bàn xếp chạy quanh tường, người ta ngồi sau đó, lưng quay vào tường, mặt ngoảnh về phía ngược lại - đại khái, trông không hề giống một nhà xuất bản (hoặc cũng có thể là quá giống).

Tôi cũng quên biến mất nó đi (tuy vậy, sau đó ông Đoàn Tử Huyến hay rủ tôi đi nhậu - ông Huyến nhậu triền miên, khi đã ngà ngà ông nói còn khó nghe hơn lúc bình thường, nhưng chân thật hơn; vả lại, ông Đoàn Tử Huyến là một người chân thật), phải hơn hai năm sau đó quyển sách mới in và trở thành sự mở màn cho một tủ sách (có tuổi thọ không đáng kể). Khi ấy thì tôi đã biến mất.

Giờ, nhìn lại cả tủ, tôi mới nhớ ra, ngoài Sabato, trong đó còn có Knut Hamsun, sắp tới sẽ trở thành một kỳ trong loạt Bắc của tôi. Và cũng có cả Cesare Pavese. Từ lâu tôi đã biết Pavese sẽ trở thành "một người" của tôi. Với Pavese, tôi chấp nhận đọc bằng ấn bản của Quarto phi nhân tính (giống ởkia); để biết sự phi nhân tính có thể lớn đến mức nào, chỉ cần đặt nó cạnh một quyển sách có kích cỡ bình thường là biết (hai bên chênh nhau cỡ hai mươi lần, nhất là về trọng lượng):



Giờ, quay lại với Ernesto Sabato (suýt quên đấy).


À, nhưng vẫn chưa xong hẳn. Ở dưới có cái comment hỏi về "mùa hè với cái bồn tắm"; đấy là ý nhắc đến câu chuyện đã kể ởkia: câu chuyện mà tôi đã suýt quên. Đấy chính là cái mùa hè sau khi tôi đã không còn hay đến Centre Georges Pompidou (có cô gái Quảng); một chiều nọ, có một cô gái hẹn tôi tới cái sân to của trung tâm Pompidou (Beaubourg, tôi vẫn quen gọi nó như thế hơn). Mùa hè vắng người, cả cái sân lớn mênh mông chỉ có cô gái nhỏ bé ngồi, trong nắng, dường như đang vẽ vào quyển sổ. Tôi đến gần, cô gái nói, thôi coi như chưa có chuyện gì xảy ra nhé, và cười. Tôi không muốn cười lắm nhưng sau rồi cũng cười. Giống như một sự giải hòa; trước khi mọi sự lại rơi vào hư vô. Rồi sau đó chúng tôi đi đến cầu Bercy: dẫu sao thì vào một buổi chiều không biết làm gì, quá tốt khi có một cô gái đi cùng đến dưới pont de Bercy.

Hồi ký của Sabato, tôi rất thích, vì đó lại là thêm một người nữa cưỡng lại (thậm chí cự tuyệt) văn chương rất lâu. Tôi còn nhớ, tôi từng nhất quyết tránh xa chuyện bước chân vào văn chương, vì ngay từ đầu tôi rất khinh bỉ tất tật những chuyên văn - đã nói qua ởkia (kết quả cho thấy là tôi đã hoàn toàn đúng: trực giác ở tuổi chưa tròn mười bảy của tôi đã chính xác tuyệt đối, hệ thống chuyên văn ở Việt Nam không những sản xuất ra những thứ õng ẹo chẳng biết làm gì khác ngoài giả đò và ra cái vẻ, mà còn là những thứ đặc biệt hôi thối). Tôi cũng có vài cuộc tình với những cô gái học chuyên văn, nhưng điều đó không thay đổi được gì (rất nhiều giảvờ). Sabato là một nhà khoa học, thậm chí còn là một trong những tương lai nhiều hứa hẹn nhất của khoa học Argentina.

Trước đây, đọc tiểu thuyết của Sabato, tôi đã biết hồi trẻ Sabato không hề xa lạ với rue d'Ulm, từng hay ngủ nhờ ở phòng (loge) của người gác cổng trường École Normale và rất quen thuộc với Institut Curie. Nhưng phải đọc hồi ký thì tôi mới biết Sabato đến Paris hai lần khi còn trẻ (một số nhân vật khiến tôi đặc biệt muốn biết họ đã đến đó như thế nào: Walter Benjamin, Czesław Miłosz hay Witold Gombrowicz chẳng hạn, cùng vô số nhân vật khác nữa), trong đó một lần là vì các hoạt động liên quan đến lý tưởng xã hội (những người trẻ tuổi rất khó tránh khỏi điều này).


Ai mà chẳng thế - làm sao có thể khác? nhất là những con người Mỹ Latinh. Trong đó, có câu chuyện của Mario Vargas Llosa (tôi sẽ còn trở lại): đây không hẳn chỉ là câu chuyện của dao động tả-hữu như thông thường người ta vẫn hay miêu tả (đại khái, trẻ không tả thì tức là không có tim, già mà không hữu thì nghĩa là không có óc, etc. - một cliché điển hình của thế kỷ 20). Mà nói đúng hơn, đó là câu chuyện của hiểu ra cuộc đời. Hồ Hữu Tường cũng đâu khác. Những người châu Á, những người Mỹ Latinh trong tuổi trẻ của họ hồi đầu thế kỷ 20, trước Thế chiến thứ hai, đặc biệt biết đến sự "hết ảo tưởng" trên phương diện này.

Mấy chục năm sau đó, Sabato sẽ trở thành một thành viên chủ chốt trong cuộc điều tra về tội ác và các nạn nhân của độc tài Argentina, và là người chấp bút chính cho bản báo cáo.

Trong hồi ký của Sabato, có một câu chuyện chỉ thoáng qua, không chiếm nhiều trang, nhưng đối với tôi hết sức đáng nhớ: đó là cuộc gặp của Sabato với Cioran ở Paris. Lúc đó là cuối thập niên 80, Sabato ghé Paris (nước Pháp dành một địa vị lớn cho Sabato, từ rất sớm: Camus, Caillois, etc. đều ca ngợi Sabato, Sabato cũng thân thiết với Witold Gombrowicz, nhất là giai đoạn Gombrowicz ở Buenos Aires). Cioran muốn gặp Sabato và Sabato đã đến nhà Cioran, gần Odéon. Họ có một buổi chiều nói chuyện với nhau. Cũng như tất cả những ai lần đầu gặp Cioran, Sabato sửng sốt vì hóa ra đó là một con người vô cùng đáng mến, cởi mở, hoàn toàn không giống như những cuốn sách của cùng nhân vật ấy (như thể) tỏ ra. Sabato có một suy nghĩ rất đặc biệt: giá kể Cioran viết tiểu thuyết, thì có lẽ những mối bận tâm đã nhẹ nhõm hơn nhiều. Tôi sẽ còn đặc biệt quay trở lại với riêng điểm này. Nhiều cuộc gặp với Cioran khiến tôi nhớ mãi (gặp: đó là sự rạch vỡ tồn tại): Norman Manea hay Linda Lê.





(còn nữa - nhân tiện, đã tiếp tục bài "Nguyễn Văn Vĩnh-Mặc Đỗ-Bùi Giáng")




Sabato trò chuyện với Borges
(một người) Ernesto Sabato
Một thành phố khác, những thành phố khác (Sabato và Buenos Aires)



Vercors ở Việt Nam
Julien Gracq (he hé) ở Việt Nam
Henri Bergson ở Việt Nam
Le Comte de Monte Christo ở Việt Nam (xem thêm một phần khác)
Halldór Laxness ở Việt Nam (cùng Trần Dần)
Italo Calvino ở Việt Nam
August Strindberg (tí teo) ở Việt Nam
Bohumil Hrabal (liu diu) ở Việt Nam
Claude Lévi-Strauss ở Việt Nam
Gorki ở Việt Nam
André Gide ở Việt Nam
Naipaul ở Việt Nam (như thế nào)
Istrati (gần như) ở Việt Nam
Le Vicomte de Bragelonne (Alexandre Duma) (dang dần dần) ở Việt Nam
Mario Vargas Llosa (không hẳn) ở Việt Nam
Simone Weil ở Việt Nam (cùng Bùi Giáng)
Valery Larbaud ở Việt Nam
Paul Valéry (tuyệt đối không) ở Việt Nam
Roland Barthes ở Việt Nam
Madame Bovary ở Việt Nam
Günter Grass (không có độc giả) ở Việt Nam
Joseph Roth (chẳng hề) ở Việt Nam
Marguerite Yourcenar ở Việt Nam
Albert Thibaudet ở Việt Nam
Bernard Malamud và Naguib Mahfouz ở Việt Nam
Isaac Bashevis Singer ở Việt Nam
Stefan Zweig ở Việt Nam
Stevenson ở Việt Nam
Maiakovski ở Việt Nam
César Birotteau ở Việt Nam
Simenon ở Việt Nam
Dostoievski ở Việt Nam
Les Trois Mousquetaires ở Việt Nam
Guy de Maupassant ở Việt Nam
Alexandre Dumas ở Việt Nam
Jules Verne ở Việt Nam
Flaubert ở Việt Nam
Balzac ở Việt Nam
"Oceano Nox" ở Việt Nam
Sử ký Tư Mã Thiên ở Việt Nam
Dante ở Việt Nam
Céline ở Việt Nam
Ngọc lê hồn ở Việt Nam
Marina Tsvetaeva ở Việt Nam
Simone Weil ở Việt Nam
Miguel de Unamuno ở Việt Nam
La Dame aux camélias ở Việt Nam
Alphonse Daudet ở Việt Nam
Shakespeare ở Việt Nam
Stevenson ở Việt Nam (một khoảnh khắc: Châu đảo)
Kim Bình Mai ở Việt Nam
Liêu trai chí dị ở Việt Nam
Boccaccio ở Việt Nam
Pierre Teilhard de Chardin ở Việt Nam
Borges ở Việt Nam
Georges Perec ở Việt Nam
Bonjour tristesse ở Việt Nam (+ Bản dịch Bonjour tristesse tiếng Việt thứ năm)
Nathaniel Hawthorne ở Việt Nam
Patrick Modiano ở Việt Nam
Malaparte ở Việt Nam
The Great Gatsby ở Việt Nam
Anna Karenina ở Việt Nam
Animal Farm ở Việt Nam
Émile Zola ở Việt Nam


9 comments:

  1. :P những người cứ viết rồi lại xé liệu có phải vì mang một nàng Bao Tự trong đầu ko nhỉ

    ReplyDelete
  2. chắc thế, chắc thế đấy

    nếu vậy thì những ai viết êm ái, nhịp nhàng quá mức thì thuộc về phía nàng Ly Cơ

    ReplyDelete
  3. mỗi lần đọc dòng nhân tiện, đã tiếp tục... là có cảm giác như bị manipulated, nên sau một số lần ấn vào thì giờ mình nhất quyết từ chối

    ReplyDelete
  4. rất đúng, rất đúng, đó chính là điều cần làm, nên làm

    ReplyDelete
  5. Bây giờ tìm đâu được quyển Cuộc sống không ở đây trong tủ sách trên được hả anh :(

    ReplyDelete
  6. Vậy mùa hè với cái bồn tắm thì có ra thành phẩm gì không? Ch.

    ReplyDelete
  7. Quyển sách Đông Tây của anh đây ah?
    Up ảnh thế nào đây anh? Quyển của em, có hình xăm dịch giả.

    ReplyDelete
  8. "Khi ấy thì tôi đã biến mất", may thế NL vẫn còn đây <3.

    ReplyDelete
  9. Trong kho sách cũ thấy cuốn Maria Của Tôi, một bản dịch khác từ El Túnel?

    ReplyDelete