Sep 10, 2018

Tại sao Nguyễn Tuân

Năm 1972, xuất hiện ấn bản đầu Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (về sau sẽ có nhiều ấn bản khác, dày hơn nhiều) của Nguyễn Tuân - Văn Cao bìa, Bùi Xuân Phái phụ bản:


Năm 1972 là vài năm sau khi câu chuyện "Hội Văn nghệ Hà Nội" bắt đầu (giữa thập niên 60, đó là "Chi hội Văn nghệ Hà Nội"); về "Hội Nhà văn Hà Nội" hiện nay, xem ởkia.

Các bài trong sách:


Quyển sách này trước đây của Phạm Mạnh Phan; về Phạm Mạnh Phan xem ởkia:


Ném bom ồ ạt xuống các thành phố đông dân là đặc sản chiến tranh của thế kỷ 20, cái thế kỷ không còn được hưởng tinh thần chiến tranh luôn luôn tìm cách tránh thường dân như chuỗi thế kỷ trước đó. Chiến tranh của thế kỷ 20 trở nên đê tiện ngang mức với con người có thể đê tiện - nhìn chung, cuối cùng người ta cũng nhận ra, chiến tranh không mang lại vinh quang. Bom gây ra sự tê liệt trong thần kinh con người: sự tê liệt ấy là rộng khắp, và kéo rất dài - chuyện xảy ra kể cả ở nước Đức; mãi gần đây Sebald (xem ởkia) mới là người đầu tiên đi thẳng vào vấn đề các thành phố Đức bị Không quân Hoàng gia Anh (hay quân Đồng minh nói chung) ném bom vùi dập ở đoạn cuối Thế chiến thứ hai; Sebald chỉ ra một điều: toàn bộ văn chương Đức né tránh câu chuyện ấy. Đó là hèn nhát. Các trận bom dường như làm tê liệt đến cả thần kinh của bản thân văn chương, vốn dĩ là thứ rất khó bị tê liệt, bởi vì văn chương luôn luôn nói những gì mà người ta không nói, thậm chí còn không hề có ý thức - đó rất có thể là (để sử dụng một từ to tát) sứ mệnh của văn chương. Hiroshima dường như lúc nào cũng lơ lửng trên bầu trời mọi thành phố.

Ta cũng có một ví dụ về nhà văn lớn từng là chứng nhân tận mắt những cuộc ném bom tàn khốc, và hiện nay vẫn còn sống, và rất nổi tiếng, lại rất được người Việt Nam trong nước cũng như thuộc diaspora ái mộ: đó chính là Charles Simic.

Nguyễn Tuân ở trong câu chuyện ấy: câu chuyện của những thành phố bị ném bom.

Từ văn chương Việt Nam thế kỷ 20 sẽ còn lại một số giọng nói, trong đó có giọng nói của Nguyễn Tuân. Không phải vì giọng nói ấy khinh bạc, ngông, vì sử dụng từ ngữ đặc biệt - tất tật những cái đó (những nỗ lực tìm cách miêu tả gọn gàng cái giọng ấy) chỉ thể hiện nỗi bất lực vì không thực sự thâu tóm nổi. Mà bởi đó là văn chương.

Văn chương thì phức tạp. Văn chương là thứ không cho phép nói (ngay lập tức) là thế này hay là thế kia, phản chiến hay không, phục tùng hay không, nhất là vậy thì tốt đẹp hay xấu xa. Cái này xấu, cái kia tốt là những phạm trù của tuyên huấn, tuyên giáo, không phải của văn chương. Nó phức tạp bởi vì cứ điều khẳng định này sẽ dẫn tới một điều rất khác, nhiều khi hoàn toàn ngược lại. Lấy ví dụ về chuyện này rất dễ, và liên quan đến chính Nguyễn Tuân: Bảo Ninh từng kể cho tôi, hồi ở Hà Nội người ta diễu tù binh phi công Mỹ ngoài phố, Bảo Ninh cùng bọn bạn trẻ con cùng khu nhặt đất đá ném, gần như chẳng ai nói gì, nhưng có một ông già quát mắng, không cho ném vào phi công tù binh nữa, ông già ấy chính là Nguyễn Tuân.

Câu chuyện trên đây không hàm ý điều gì về thái độ của Nguyễn Tuân, nhưng tôi đặc biệt quan tâm đến miêu tả: Nguyễn Tuân quát mắng. Nguyễn Tuân dường như thích mắng:





"Cả lò nhà mày, cả họ nhà mày": đó là Nguyễn Tuân mắng. Tại sao Nguyễn Tuân mắng? Bởi vì Nguyễn Tuân là một ông già, ông già ấy mắng mỏ bọn trẻ con, như thể muốn nói với chúng rằng, những gì chúng đang làm, chúng cứ tưởng là tốt, là hay, nhưng đấy là vì chúng trẻ người non dạ, đâu đã phân biệt được thế nào là hay là tốt. Ném đá vào người khác hay ném bom lên đầu người khác, rất có thể những hành động đó mang lại cảm giác yêng hùng sung sướng, nhưng đâu có tốt. Và ông già ấy rất phũ miệng. Cái phũ miệng Bắc Kỳ này lúc nào chẳng tồn tại, trước đây cũng vậy, giờ vẫn thế: bạn bè gặp nhau mà câu chào đầu tiên là "Thằng chó" thì quá bình thường (và, tuy điều này đi ngược lại mọi khuyên nhủ về nói năng đẹp đẽ, đã bình thường lại còn thông dụng).

Mấy trang trên đây có một ý nghĩa khác nữa: nó cho thấy một điều người ta nói rất nhiều về Nguyễn Tuân là sai hoàn toàn. Người ta hay nói có một Nguyễn Tuân về trước, một Nguyễn Tuân về sau, etc. Nhưng chỉ những người chẳng bao giờ đọc Nguyễn Tuân thì mới có thể nghĩ vậy. Những đoạn nghĩ bụng của Nguyễn Tuân trong mấy trang trên đây vẫn chính là những gì Nguyễn Tuân nghĩ trong Một chuyến đi. Chuyến Hương Cảng năm ấy, Nguyễn Tuân cảm thấy căm ghét những người đi cùng đến mức lấy sáp nến nặn thành hình người và trong cơn rít lên của xấu tính, mong sao mình là một phù thủy có quyền phép lấy kim chọc vào các hình nhân mà lũ người kia lăn ra chết hết đi. Nhưng văn chương thì đáng ghét. Nó cứ đi nói những điều chẳng ai chịu nổi.

Câu hỏi rất quan trọng mà chưa bao giờ có ai thực sự đặt ra: Tại sao Nguyễn Tuân? Tôi muốn nói, tại sao Nguyễn Tuân ở Bắc Việt vào giai đoạn ấy?

Điều này không hề là đương nhiên.

Tất nhiên, trước hết, Nguyễn Tuân ở đây trước hết là cho câu chuyện về Mỹ ném bom miền Bắc. Dẫu không có ý định đua tranh đi chăng nữa (vả lại, đua tranh để làm gì?) thì Hà Nội vẫn cứ là một trong những thành phố từng bị ném bom đê tiện nhất trong lịch sử. Đó cũng là một tội ác đặc biệt đáng ghê tởm. Nguyễn Tuân là một nhà văn, và trở thành chứng nhân tận mắt. Bom từ trên trời ném xuống hay gây tê liệt, như trên đã nói, nhưng cũng có thể làm một người như Nguyễn Tuân chạy đi khắp nơi để nhìn. Và viết những điều nhìn thấy. Tất nhiên, Nguyễn Tuân viết những điều mình nhìn thấy chứ không viết để mấy chục năm sau đó người ta căn cứ vào đó để đánh giá Nguyễn Tuân là người nhân hậu, yêu hòa bình, đứng về phía tiến bộ của nhân loại hay không. Cũng như năm xưa viết Một chuyến đi (lúc đăng báo đã phải viết tắt tên riêng đi rất nhiều), Nguyễn Tuân cũng chỉ viết những gì mà mình nhìn thấy - nếu nghĩ đến cái điều người ta sẽ coi mình như thế nào, thì chắc chắn trên đời này đã không hề có văn chương.

Nhưng câu hỏi Tại sao Nguyễn Tuân? khó trả lời hơn nhiều.

Tôi đã bắt đầu câu chuyện ấy bằng chính cách bỏ lại Nguyễn Tuân. Tôi tự hỏi, tại sao Maiakovski. Nhưng có lẽ tại sao Maxim Gorki mới thực sự có ý nghĩa:





và Lỗ Tấn ở Trung Quốc nữa

Tức là, tại sao Gorki ở Liên Xô, Lỗ Tấn ở Trung Quốc, Nguyễn Tuân ở Việt Nam?



Giống không ít lần khác, một cú nhìn kỹ khiến rất nhiều thứ mở ra trước mắt tôi (nhìn từ gần, nhiều thứ bỗng hiện ra) - nhất là trong rất nhiều điều liên quan tới riêng văn chương Nguyễn Tuân - cho nên tôi sẽ để Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi lại cho một (những) khi khác.

Và chỉ nói thêm một điều: như các văn chương thực sự lớn, văn chương Nguyễn Tuân được hưởng một ân sủng khổng lồ: có cả một truyền thống bàn về văn chương Nguyễn Tuân - cái đáng được gọi là ân sủng hơn cả trong câu chuyện ấy là một điều: sự vu khống. Chỉ văn chương lớn mới bị vu khống. Có hai "dòng" nổi bật trong bình luận ở riêng địa hạt này: Nguyễn Đăng Mạnh and Co. và Vương Trí Nhàn and Co.

Nhưng truyền thống đó còn có từ trước. Cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, chẳng hạn. Dưới đây là một bài của một nhân vật "mệ Huệ" (về các Mệ, xem thêm ởkia). Điều đáng kinh ngạc là cái nhìn của các mệ (câu thơ thi xã, etc) tìm được đối ứng tuyệt đẹp (đều chằn chặn, đến mức đối xứng) ở cái nhìn của nouveau riche hiện nay (nouveau riche ấy không chỉ thuộc phạm vi Việt Nam mà còn có đối ứng - cũng hết sức đối xứng - ở giới diaspora Việt Nam). Các mệ và nouveau riche đều không nhìn vào cái gì khác ngoài một thứ duy nhất: thái độ của Nguyễn Tuân. Cái nhìn ấy, hiển nhiên, là cái nhìn không văn chương, cái nhìn của (thì chính nó chứ đâu) tuyên huấn.

Bài viết của Bửu Tiến đăng trên tờ Văn nghệ tháng Chạp năm 1957:












Nguyễn Tuân: tiểu thuyết Quê hương
"Anti-paradoxes"
Lại Chùa Đàn
Nguyễn Tuân không
Khái Hưng Nguyễn Tuân
Văn chương Nguyễn Tuân: hai khía cạnh
Nguyễn Tuân đọc sách (tiếp nữa)
Chateaubriand
Chùa Đàn
Nguyễn Tuân đọc Kiều
Cát bụi chân ai
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân đọc sách (tiếp)
Nguyễn Tuân đọc sách
Một truyện ngắn của Nguyễn Tuân
Văn chương của đứt đoạn
Tâm sự của nước độc


11 comments:

  1. trong chừng mực, có thể nói Nguyễn Tuân đã được thiêng hóa - theo như Eliade, thành cái đối lập với cái phàm - mà dường như đấy chính là điều ông ấy đã làm đối với những cái ông ấy đã thấy.

    ReplyDelete
  2. chính xác đấy là cái nhìn của Nguyễn Tuân, Vang bóng một thời cũng thế

    "Hà Nội ta đánh Mỹ" sẽ là tuyên huấn, "Hà Nội ta sục sôi đánh Mỹ" là tuyên huấn cộng pathos (phê phán NT gọi Mích Kên là "thằng" cũng chính là pathos cộng liberal tuyên huấn), nhưng "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" thì lại là nhìn vào câu chuyện từ một khía cạnh khác hẳn, đoạn sau sẽ phân tích cái nhìn ấy

    ReplyDelete
  3. Tôi sẽ đọc kĩ hơn bài bên kia để hiểu phân tích của bác, cảm ơn bác đã viết bài này

    ReplyDelete
  4. Thế còn các nhà văn miền nam thì sao? Họ có bị pháo kích hàng ngày không? Không ai hỗn như NT cả!

    ReplyDelete
  5. nhưng không hỗn bằng chuyện anonymous nói ai đó là hỗn

    ReplyDelete
  6. ngoài common "trách nhiệm công dân" nhà văn chẳng có trách nhiệm quái gì hơn so với chẳng hạn một ông bà thợ may một ông bà đầu bếp. con rắn thì bò con chim thì bay con người thì đi bằng chân. có sao đâu nhỉ.

    ReplyDelete
  7. có lần cháu chập mạch lang thang xuống tận ga Văn Điển rồi vòng ra Thanh Trì, trong đầu cứ luẩn quẩn cái đoạn ông BN miêu tả cái nhà ga ý bị ném bom dù đã quên gần sạch diễn biến đoạn cuối NBCT

    VVD

    ReplyDelete
  8. Những người muôn năm cũ, những post muôn năm cũ :)

    Đọc lại những gì NL viết bao giờ cũng thấy thích, mà tại sao mép sách Hà Nội ta lại art thế kia?

    ReplyDelete
  9. a, mới nhớ ra, cần phải viết tiếp, vẫn còn thiếu một phần: Nguyễn Tuân & Karl Kraus

    ReplyDelete
  10. NL viết tiếp đi, chờ được đọc thêm một mối nối chặt như vẫn... thế kia ^^

    ReplyDelete