Dec 1, 2010

Brand New Ones: Enrique Vila-Matas

"Paris không bao giờ kết thúc"

“Nếu bạn may mắn được sống ở Paris trong tuổi thanh xuân, thì cho dù có đi đâu trong suốt đường đời còn lại, Paris vẫn ở trong bạn”, Hemingway đã viết như vậy; điều này đã được nhiều người công nhận, trong số đó có nhà văn Tây Ban Nha Enrique Vila-Matas.


Sức tưởng tượng mãnh liệt của một số nhà văn khiến cho độc giả của họ buộc phải xen lẫn niềm sung sướng phấn khích của sự đọc với niềm bối rối vì thường bị đặt ở điểm hội tụ chênh vênh giữa sự thật và hư cấu. Tiểu thuyết Paris không bao giờ kết thúc (Paris no se acaba nunca) của Enrique Vila-Matas mở ra với sự kiện nhân vật xưng “tôi” đến Key West, Florida, để tham gia cuộc thi chọn người giống Hemingway nhất. Và Ernest Hemingway ngay lập tức được miêu tả như là thần tượng thời tuổi trẻ của một nhà văn mới vào nghề, cũng sống ở Paris. Rất nhiều đoạn trong hồi ký Hội hè miên man của Hemingway được Vila-Matas trích dẫn thẳng vào tác phẩm của mình - đến nhan đề Paris không bao giờ kết thúc cũng lấy cảm hứng từ tên cuốn hồi ký của Hemingway (ở Pháp, cuốn sách được đặt tên là Paris est une fête, có nghĩa Paris là một bữa tiệc).

Thế nhưng trò chơi văn chương của Vila-Matas trong cuốn tiểu thuyết chưa dày tới 300 trang này phức tạp hơn một sự sùng kính đơn thuần. Lồng vào cốt truyện thời tuổi trẻ là một cuộc hội thảo mà nhân vật chính về già đang chuẩn bị, đề tài là sự mỉa mai; Hemingway sẽ đến lúc bị phê phán, nhà văn lớn bị so sánh với một kịch sĩ giỏi, làm người ta vui sướng hân thưởng các màn diễn khi đang có mặt trên sân khấu, nhưng chỉ cần khán giả đi ra ngoài hút một điếu thuốc xong là mọi quyến rũ tan biến. Thêm nữa, mặc dù nhiều sự kiện tiểu sử là có thật, như việc Vila-Matas hồi ở Paris trong những năm đầu thập niên 1970 thuê căn gác xép của Marguerite Duras để sống, nhưng những câu nói của Duras rõ ràng là đi theo một sơ đồ mà Vila-Matas tạo lập chứ không thể chắc là có thật.

Trò chơi hòa quyện sự thật và hư cấu này lên tới đỉnh điểm ở tiểu thuyết mới nhất của Vita-Matas, Dublinesca (2010), khi nhân vật chính, một nhà xuất bản văn học kiệt sức và chán chường với một thế giới coi thường văn chương đích thực, gặp gỡ và giao thiệp với hết nhà văn lớn này đến nhà văn lớn khác. Chỉ sức mạnh của ngôn từ và nét đặc biệt của tài năng văn chương mới thuyết phục được độc giả đi theo một mạch truyện lắt léo, thường trực qua lại giữa câu chuyện và những trích dẫn tác phẩm văn học, nhất là từ Ulysses của James Joyce. Ngay từ một trong những tác phẩm sớm sủa, cuốn tiểu thuyết Cái đọc sát nhân (La asesina ilustrada, 1977), Vila-Matas đã bộc lộ một khuynh hướng “fantastic” đượm mùi cay đắng và châm biếm.

Enrique Vila-Matas, theo tôi, cùng một nhà văn khác cũng sinh năm 1948, Alberto Manguel (gốc Argentina, quốc tịch Canada), đang chứng tỏ cho độc giả cả thế giới thấy rằng những cuộc phiêu lưu ngôn từ và phiêu lưu xuyên qua những cuốn sách của nhiều thế kỷ có thể kỳ thú đến thế nào, và văn chương hiểu theo nghĩa nguyên khối, toàn vẹn vẫn tồn tại đầy sức sống. Với số lượng tác phẩm đồ sộ (The Dictionary of Imaginary Places - Từ điển địa danh tưởng tượng, nhất là A History of Reading - Một lịch sử về đọcThe Library at Night - Thư viện ban đêm), Manguel đang tiếp sức cho Jorge Luis Borges (mà ông từng đọc sách cho nghe trong giai đoạn Borges bị mù) ở một cuộc chơi kỳ khu - nơi sách vở lớn hơn cuộc đời.

Tôi nghĩ rằng trong văn chương các nước phương Tây luôn luôn có những nhà văn thực hiện công việc nối kết lịch sử với thời sự, quá khứ với hiện tại, và sự kết nối ấy còn là xuyên biên giới, trong một nền hư cấu đậm đặc tính chất đan cài, truyền thừa. Enrique Vila-Matas là một nhà văn như thế, và lớn tuổi hơn ông một chút thì có những người như Italo Calvino, Claudio Magris ở Ý hay cùng độ tuổi với ông thì Julian Barnes ở Anh và Alberto Manguel. Họ làm cho văn chương xuất chúng “không bao giờ kết thúc”.

13 comments:

  1. Đọc trên SGTT rồi, đang lầm bầm có hai anh dở hơi NVN và CVD tự dưng đi giới thiệu một cuốn sách không có ở VN. Chịu chơi ghê!

    ReplyDelete
  2. bài giới thiệu hay tuyệt, khá nhiều chi tiết lý thú, thích nhất phần kết luận. hai quyển A History of Reading và The Library at Night đáng đọc. bạn nào thích Paul Auster có thể xem buổi hội thoại với Enrique Vila-Matas ở đây:

    http://www.youtube.com/watch?v=bUYGybstrvo

    [nsc]

    ReplyDelete
  3. @Goldmund: Paris ne finit jamais đã ra vài năm nay, còn Never Any End to Paris thì phải chờ đến sang năm. :(:( Biết đâu bản tiếng Việt... sắp ra lò! [nsc]

    ReplyDelete
  4. hẹ hẹ không có đâu bác, nếu tôi đẩy nhanh tiến độ metamorphosis thành nhà vưn thì có thể ra lò được "Paris đ. etc." :d

    ReplyDelete
  5. bác nào muốn xem giá sách khủng long thì search hình phòng sách của Manguel ở nhà mới, thành phố nhỏ nào bên Pháp í, cải tạo lại từ một cái pháo đài cổ

    xem cho sướng mắt rồi khi nào tôi post ảnh hệ thống giá sách của tôi, khéo còn phong cách hơn của Manguel :dd (hiện tại đang library at night nhá hehe)

    hôm trước viết mail cho Manguel, bác ấy tỏ ra hơi ghen tị vì ít sách tiếng Việt hơn tôi há há, cứ đà này 5 năm nữa mình bắt đầu vượt bác Manguel, bác Eco thì chắc phải 10 năm ;p

    ReplyDelete
  6. Vụ giá sách: Bĩu môi! (Nhưng tớ tán thành vụ chia sẻ phát minh làm giá sách vừa rẻ vừa đẹp, vừa tiết kiệm diện tích lại chứa được rất nhiều sách của bạn Nhị Linh. Điều ấy cần được phổ cập hơn sách của mấy bác trên kia :))

    Bạn tinh tế nhận thấy, đoạn đầu là một font chữ khác. Điều này có phải là: viết giữa những lần uống sữa?

    ReplyDelete
  7. sa-pô-chê í lộn sa-pô nó phải khác phần body chứ

    mình quen uống xong một phát sữa là xong xuôi hết cả, lên giường đi ngủ luôn :))

    ReplyDelete
  8. "nối kết ... truyền thừa" ở ta không có ai à bạn Nhị Linh?

    ReplyDelete
  9. thì đó, ạ: "Cuộc đời vui quá không uồn được", Tuân Nguyễn, Trần Nhã Thụy hihi

    ReplyDelete
  10. à mà quên ghi vào đấy: bài trên đây đề tặng Phan Triều Hải :)

    ReplyDelete
  11. hình như bạn Phan Triều Hải được gọi là Phanmingway đấy he he.

    ReplyDelete
  12. Cám ơn NL đã quan tâm.

    ReplyDelete
  13. phải là "đã chiếu cố chứ" :ppp

    ReplyDelete