Feb 4, 2013

Viết điểm sách


Hôm trước lỡ miệng, bảo rằng sắp tròn một vụ nên sẽ viết một cái note dài về điểm sách, book review các thứ, nói xong rồi hối quá là hối :p

Nhưng trước hết, “tròn một vụ” tức là tròn một vụ thật (thực tình tôi toàn nói rất thẳng thắn không ẩn ý nhưng chẳng hiểu sao cứ bị mang tiếng thứ nhất là viết lách khó hiểu thứ hai là viết gì mà lòng vòng lèo vèo lê thê không đứt đoạn nhiều khi lại còn thiếu súc tích với cả lại cả trích dẫn tên tuổi này kia sao mà nhiều thứ ba là lắm lúc cứ viết một lèo chẳng chịu chấm phẩy gì cả, làm gì có chuyện ấy, các bác công nhận không :p), tròn trịa và dứt điểm (phương châm năm nay là gì các bác đã biết chưa: Dứt điểm - Chính xác - Tươi tắn; nếu mà còn chưa biết thì coi như bây giờ biết rồi đó :p).

Nói vậy thôi, tôi cũng thẳng thừng mà đính chính ngay: những ai bảo tôi hay trích dẫn là rất ngớ ngẩn, tôi căm thù tất cả các thể loại danh ngôn, sổ tay ghi chép danh ngôn, lời hay ý đẹp lời ngọc ý vàng ngọc chả châu phun, và tôi chính là reviewer ít trích dẫn nhất cái nước Việt Nam này. Tôi đã thống kê rất chi tiết rồi, nên khỏi phải cãi đi :p

“Tròn một vụ” tức là tôi đã quyết định dừng chuyên mục “Đọc” ký tên Nhị Linh trên tờ tạp chí “Đàn Ong” của Hội Nuôi Ong Việt Nam, dừng khi nó vừa tròn 5 năm, tức 60 bài. 60 bài là đủ một hoa giáp đi từ Giáp Tý cho đến Quý Hợi. Sắp Quý Hợi rồi :p 24 đầu ở đây, 24 kế thì ở đây. Tôi đã xem xét vòng quanh rồi, David Lodge giữ một cái mục sau tập hợp thành The Art of Fiction cũng chỉ viết khoảng khoảng ngần ấy bài, tôi cũng chẳng muốn ra ngoài thông lệ để mà mọc mốc với mọc rêu trên người làm gì, tuy đã già rồi nhưng tinh thần tôi còn tráng kiện lắm :p Giờ đây tôi xin thú nhận, cũng có những lúc quấy quá viết cho xong, nhưng số ấy chưa đến bốn, các bác cứ tùy ý mà tìm ra mấy bài ấy, nhé :p

Quãng thời gian đó làm cho tôi nhìn ra một số điều. Về viết điểm sách, về thái độ, cách cư xử với một quyển sách, với một tác giả. Tôi có thể nói ngay nguyên tắc đầu tiên của cá nhân tôi là: cực đoan hết mức trong sự khách quan.

Trước khi giải thích điều đó, cho phép tôi được hoài niệm :p

Một trong những lý do khiến tôi viết điểm sách là tôi biết gần như chẳng một ai trong số những người xuất hiện trên báo ký tên dưới những bài viết về sách vở ở Việt Nam có kỹ năng viết điểm sách, thậm chí chẳng có một linh tính gì với sách. Những nguyên tắc viết điểm sách, John Updike đã tổng kết như ở đây. Hoặc một lời khuyên của Scott Esposito. Hồi đầu năm 2009, tôi đã dẫn sáu nguyên tắc của John Updike, và viết thêm: “Và còn một nguyên tắc thứ bảy nữa, chắc Updike quên mất không cho vào: Chỉ viết khi có cái để mà viết, nếu không thì: Im mẹ cái mồm đi”. Nghe hơi sỗ, nhưng mà đúng thật như thế đấy :p

Mọi thứ bắt đầu từ đây. Đọc một cuốn sách, kể cả thấy nó hay đến mấy, mà không tìm ra điều gì để viết, thì cuốn sách ấy cũng là vứt đi đối với một bỉnh bút chuyên viết điểm sách. Đọc rồi biết mình chỉ có thể nói giống người này người kia, loanh quanh ba cái chuyện sâu sắc ép duyên, thì tốt nhất là đừng viết.

Đọc một cuốn sách mà biết ngay mình có thể nói về nó những điều bất kỳ một người nào khác không nói nổi, tức là bạn đã thiết lập được một linh tính thông giao với cuốn sách. Và như thế coi như là đã xong. Đọc một cuốn sách mà biết điều mình sẽ viết có thể trùng với người khác nhưng mình lại có cách diễn giải những điều mình nghĩ theo một lối khác hẳn, với những liên tưởng và liên hệ hết sức cá nhân, thì cũng còn khả dĩ.

Theo thời gian :p thấy có một cuốn sách mới, tôi đã đoán ngay được tương đối chính xác những ai sẽ viết về nó, và người đó sẽ viết những gì. Tất nhiên sự đoán mò đó có sai số, chẳng hạn đúng khoảng thời gian ấy bỉnh bút kia đang bận đi nghỉ hè ở Mũi Né, bỉnh bút kia đang say mê một cuộc tình, thì chịu, bất khả kháng, nhưng nhìn chung là đoán đúng :p

Tức là bạn phải tuyệt đối cá nhân, cá nhân đến mức bệnh hoạn thì càng tốt (nếu mà có thể bệnh hoạn được). Thế nhưng như vậy còn chưa đủ: đừng có tin rằng gu người này thế này thì sẽ thế này, gu người kia thế này thì sẽ thế kia. Không có chuyện đó. Hãy tưởng tượng rằng đằng sau tất cả vẫn có những nấc thang giá trị tồn tại trung tính, nghiệt ngã, chẳng liên quan đến ai cả. Thế cho nên, cần phải cực đoan, trong giới hạn khách quan. Rơi ra khỏi common sense không phải việc của một người viết điểm sách, cứ để một nhà thơ phát điên, một nhà văn lảm nhảm, sau đó ta cứ việc make fun họ :p

Thứ nữa thì chính là điều tôi đã nói trong cái link đầu tiên. Tóm lại của điều này là: hãy tin rằng có những cuốn sách không dành cho bạn, bạn không việc gì phải hùng hục tìm cách đi vào một tác giả nào đó, rất có thể hắn lừa bạn đấy. Hãy sung sướng vì không bị mắc lừa, và cũng hãy sung sướng vì có thể bị mắc lừa. Mấu chốt của công việc là: còn “chơi nhau” được với các tác giả từng miếng từng chiêu, thì tức là bạn vẫn còn ở lại được trong địa hạt của việc viết điểm sách.

Đó là những điều trừu tượng, chung chung, còn đây là ba bí quyết cực kỳ thực tiễn mà tôi rút ra được. Thật ra từ đầu đến giờ tôi đánh lừa bạn đấy, tôi chỉ định nói ba điều này thôi :p

1. Bạn có thể biased, có thể hậm hực, tức tối, sung sướng, thỏa mãn, hài lòng, ngấu nghiến, trầm tư, trồng cây chuối, xe đạp chổng ngược, gì gì cũng được, nhưng đừng bao giờ viết một bài điểm sách 1000 từ đổ xuống trong vòng quá 30 phút.

2. Ít trích dẫn thôi, chẳng trích dẫn chút nào càng tốt.

3. Hôm nào phải viết bài điểm sách thì đừng ăn xôi.

(một trong ba điều trên đây, như trong một bài test IQ, có một điều rất dấm dớ, tôi đố bạn tìm được đấy :p)

(tặng cho những người có linh tính với sách, trong số đó sẽ có nhiều người thực sự bước chân vào con đường bỉnh bút chuyên điểm sách (hãy bước vào, đừng đợi, đừng có cái thói sau này khi cuộc sống ổn định rồi mình sẽ bắt tay thực hiện những ước mơ thời niên thiếu, bởi vì đó chính là thứ hàng đầu về sự thớ lợ của tụi philixtanh đấy), và đặc biệt tặng bạn A, người đã hối thúc tôi đầy nghiệt ngã để viết ra cái note này)

11 comments:

  1. haiz, em nhỏ chỉ biết sầu não thốt lên rằng: nghề chơi cũng lắm kungfu/Ngày xuân đã dễ tình cù mấy khi. Nếu mà còn sức, mong giới bỉnh bút chuyên nghiệp thống kê giùm xem ai đọc điểm sách nha.

    ReplyDelete
  2. Copy vào đây mấy bình luận:

    1. Điều thứ 3 có vẻ dấm dớ nhưng thực ra điều thứ 2 mới thật sự dấm dớ.

    2. Điều thứ hai thật sự dấm dớ, nhưng điều thứ nhất mới là dấm dớ khủng khiếp. Làm thế nào có thể làm điều ấy trong vòng mà lại quá 30 phút?

    3. chả phải có vị vừa phùng vừa há được sao bác :d

    ReplyDelete
  3. Dấm dớ nhất là chi tiết bạn A :p

    ReplyDelete
  4. Mình lại thấy đó là chi tiết đúng đắn nhất, vì cả cái bài dài thòng này, nói đơn giản là không thể áp dụng được :-"

    ReplyDelete
  5. Mấy bạn thật là dữ dằn :p

    ReplyDelete
  6. Ôi dào. Dữ dằn mấy cũng chả bằng một góc đanh đá của bạn Nhị Linh. Nhỉ? :)) :))

    ReplyDelete
  7. Thật, cái phần phản đối không dấu chấm phảy của bác làm tôi suýt sái quai hàm :-p
    Thêm nữa, không hiểu sao tôi lại cứ nhớ nguyên tắc thứ 7 bác thêm vào là "phải kỳ quặc thì mới viết không thì viết làm quặc gì", chứ như cái kia thì vẫn còn nhã chán ;) Cái thêm vào này gần như là kim chỉ nam cho tôi ấy :-p

    ReplyDelete
  8. à đó là cái câu đại í văn chương mà không kỳ quặc thì tồn tại làm quái gì phải không :p nó là ở trong một cái khác, nhưng chính xác là cái khác nào thì bây giờ tôi hơi mơ hồ :p

    ReplyDelete
  9. cháu có thể tìm tất cả bài điểm sách của chú trên TTVHDO ở đâu được ạ? Trang ý bây giờ hình như không còn hoạt động nữa, đã thế lúc vào lại còn virus :(

    ReplyDelete
  10. đây (theo mấy cái link):

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2013/08/khinh-bi.html

    ReplyDelete
  11. cảm ơn chú :))

    ReplyDelete