Mar 3, 2016

Mười bài cửa sổ của Rilke

Con phượng hoàng đích thực của văn chương Đức, Rilke, ngay trước khi rời khỏi đây để đến một ailleurs (tên tập thơ năm 1948 ấy của Henri Michaux, Ailleurs, thâu tóm một trong những tinh túy sâu thẳm nhất của thơ), đã có tiếp xúc (chạm cánh phượng hoàng) với một phượng hoàng khác, một ailleurs khác, Marina Tsvetaieva.

Đó là năm 1926. Rainer Maria Rilke, cho tới thời điểm này, đã sống ở Muzot (Valais) được năm năm. Sau quãng đời tuổi trẻ giông bão (Praha, rời bỏ, nước Nga, Tolstoi, người phụ nữ gốc Saint-Petersburg phủ bóng trùng lên những thiên tài lớn nhất một thời, Lou Andreas-Salomé), năm 1902 lần đầu tiên Rilke đến Paris, trở thành thư ký cho Rodin trong vài năm rồi cãi cọ, đoạn tuyệt. Nước Đức, nước Ý, nước Nga sẽ không để lại cho Rilke nhiều dấu ấn bằng nước Pháp. Malte Laurids Brigge là những gì Paris mang lại, Hôtel-Dieu, cái chết, những con người mang nhiều khuôn mặt. Sau mười năm sáng tạo điên rồ và dịch chuyển còn điên rồ hơn, đến 1912, Rilke bắt đầu viết các "Élégie" (bi ca/sầu ca) danh tiếng, nhưng ngay lập tức rơi vào ngõ cụt của sự viết. Kéo dài mười năm liền của bí bách, chiến tranh, mãi đến 1922, các Élégie mới hoàn thành được. Và không ngờ nhất là sau đó rồi lại còn có các xon nê cho Orphée, và còn bất ngờ hơn, năm loạt thơ viết bằng tiếng Pháp. Muzot đã mang lại cho Rilke đợt sinh khí cuối cùng, cũng là lần hóa thân tuyệt đẹp của phượng hoàng hồi sinh từ đám tro (chẳng biết là lần hồi sinh thứ mấy).

Món trả nợ của Rilke cho nước Pháp trước đó đã gồm bản dịch một tác phẩm của André Gide (tương ứng trong tiếng Việt là Đứa con đi hoang trở về: xem ở đây, quyển có bìa màu đen), rồi bản dịch Charmes của Paul Valéry. Dường như thấy như thế vẫn là chưa đủ, quãng thời gian cuối đời, Rilke viết những bài thơ tiếng Pháp, đúng thời điểm bản dịch tiếng Pháp Malte Laurids Brigge (của Maurice Betz) chuẩn bị được in.

Chỉ có VergersLes Quatrains valaisans được xuất bản khi Rilke còn sống (NRF, 1926). Les RosesLes Fenêtres in năm 1927, ngay sau khi Rilke qua đời: Les Roses in tại Stols, Hà Lan, với lời tựa của Valéry, còn Les Fenêtres (Mười bài cửa sổ) in tại Paris, Librairie de France, cùng mười tranh phụ bản của Baladine Klossowska (một trong hai phụ nữ được Rilke đề tặng Les Fenêtres). Mãi đến 1949, loạt thơ cuối cùng (được coi là còn dang dở) Tendres impôts à la France mới được ấn hành lần đầu.

Mười bài cửa sổ là khi cửa sổ được đưa trở lại cốt tủy thuần túy nhất của nó: cửa sổ chính là sự rung động.


Mười bài cửa sổ

Rilke


tặng Mouky và tặng Baladine





I

Chỉ cần trên ban công
hay trong khung cửa sổ
một phụ nữ ngần ngừ…, là
đã đủ trở thành
người mà ta đánh mất
ngay lúc thấy hiện ra.

Và khi tay nàng chỉ
đưa lên trên mái đầu
kết tóc mềm thành lọ, thì
còn đáng nữa đâu
mất mát, rồi bất hạnh
một ánh chớp rực sâu




II

Cửa sổ lạ, mi bảo ta nên đợi
qua thổn thức một tấm rèm màu be
Cửa sổ hỡi, ta phải theo lời gọi
Hay là không? Nhưng ta biết chờ ai?

Nhưng ta nguyên vẹn, cuộc đời lắng đọng
tim đầy tràn nỗi mất mát cơ mà?
Con đường phía trước, niềm nghi ngại, mi
nỗi quá mức trao ta, ngăn bước chân giấc mộng




III

Chẳng phải mi là, cửa sổ
kỷ hà học của chúng ta?
một hình đơn sơ cũng đủ
khuôn cuộc đời bao la

Người ta yêu chẳng đẹp hơn được nữa
khi hiện ra ở trong ô cửa sổ
ôi, mi đã biết cách đóng khung nàng
rồi gửi nàng đi vào trong vĩnh cửu

Hết mọi tình cờ*. Và ta
rơi vào tình yêu, chính giữa
chẳng còn nhiều không gian nữa
cho ta ngự trên




IV

Cửa sổ, chính mi, ôi khoảng đợi
đã biết bao nhiêu lần
nóng ruột, một cuộc đời tràn tới
rơi tiếp một cuộc đời.

Mi vừa chia cách vừa lôi cuốn
động như biển -
bất thình lình mi thành gương soi
mặt ta lẫn không phải mặt ta

một mẩu tự do bị tàn phá
vì tay số phận
nhờ đó mà bình đẳng giữa ta và
nỗi quá mức bên ngoài




V

Ý nghĩa của lễ nghi
mi nhúng vào tất cả
một người bên cửa sổ
cũng đợi chờ, nghĩ suy

Biếng lười và lơ đãng
cũng trở nên trịnh trọng
nhờ mi người ấy giống
một chút với chính mình

Đứa bé con buồn chán
tựa vào mi để mơ
áo nó hóa chỗ trú
cho thời gian hững hờ

Và những người tình nữ
bất động nhợt nhạt nhòe
đính lên cao như bướm
tuyệt sắc những cánh xòe




VI

Từ tận sâu căn phòng, cái giường, chỉ còn vẻ nhợt nhạt phân chia
           cửa sổ đầy sao nhường chỗ cho cửa sổ keo kiệt
                        báo hiệu một ngày.
Nhưng nó đã lao bổ tới, nghiêng người xuống, ở lại đây:
           sau sự rời bỏ của đêm, là tuổi xuân của trời
                       nói lời đồng ý!

Nữ tình nhân êm dịu chẳng ngắm nhìn điều gì trên bầu trời buổi sáng
           chẳng gì hết, ngoài chính bầu trời, ví dụ vĩ đại:
                        chiều sâu, độ cao!
Ngoài lũ bồ câu vẽ ra trong không trung những vòng tròn đấu trường
           những đường cong mềm rực sáng bay của chúng mang
                        dịu dàng trở về.




VII

Cửa sổ, ai mà chẳng kiếm
để thêm vào cho căn phòng
tất tật những số quá lớn
nhân bội lần lên trong đêm

Cửa sổ, nơi ấy từng ngồi
niềm dịu dàng, người phụ nữ
trong công việc cứ êm trôi
và thật tĩnh…

Cửa sổ, hình ảnh uống vào
nảy mầm bên trong cái bình
Khóa thắt lưng
thít cho thật chặt ánh mắt




VIII

Hàng giờ cảm xúc, em
đứng tựa bên cửa sổ
chực bên bờ hữu thể
lơ đãng, căng thẳng, em

Giống như là lũ chó
đi ngủ, chân đặt lên
giấc mơ bất chợt thở
dồn đến những dịu êm

hai tay em mang lại
Rồi mọi thứ chuyển di.
Trên người em và cả
em chẳng nói: đi đi!




IX

Thổn thức, thổn thức, và thổn thức
Cửa sổ hỡi, có ai tựa chưa
Khoảng buồn tấm tức
mượt mà mấp máy mưa

Có là quá sớm hay quá muộn
cũng tay mi quyết định mà thôi
mi, tấm rèm, mặc lên
vỏ trống rỗng




X

Nhìn em đứng tựa
cửa sổ tuyệt cùng
anh mới hiểu ra, và uống
vực thẳm vô chừng

Tay em chìa
vào đêm chia ly
đuổi đi từ trong anh
những rời bỏ
cả em, cả anh

Cử chỉ ấy hình như muốn nói
lời vĩnh biệt mênh mông
biến anh thành gió
để rồi, rơi tuột xuống dòng sông


* cần phải nhìn thấy ở câu thơ của Rilke, "Tous les hasards sont abolis", một "parodie", đồng thời là lời đáp của riêng Rilke, cho cái câu bất hủ của Mallarmé: "Un coup de dés jamais n'abolira le hasard", một cú gieo xúc xắc chẳng bao giờ loại trừ được sự tình cờ


NB. tôi không cho phép các trang mạng đăng lại các bản dịch trên đây của tôi, đặc biệt là các trang web văn chương và các trang chuyên đăng thơ; tất nhiên, tôi biết khả năng cao nhất là chẳng ai thèm lấy, nhưng tôi cứ nói trước, tránh khi xảy ra chuyện lại lùm xùm mệt người, tôi không thích dính lùm xùm trong phạm vi Rilke



10 comments:

  1. Không muốn thấy thế giới trông giống như một nhà tù
    Chúng ta mở trổ ra muôn ngàn cưả sổ
    Bỗng hết hồn nhìn thấy
    Chúng ta sống trong cùng một tổ ong
    Âm thầm lam lũ hát ca
    Và chẳng biết đích thật đưá nào là con ong chúa
    OK? ;-)
    GC

    ReplyDelete
  2. không đi nghe thuyết trình về luân lý à?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tớ sốt sình sịch nằm bẹp ở nhà

      Delete
    2. Đấy là tham luận Hội thảo Nho giáo quốc tế năm ngoái, tớ cũng đã được nghe rồi. Không biết anh ấy có bổ sung thêm gì không, nhưng bài viết như thường lệ, khảo rất kỹ và công phu.

      Delete
  3. đọc lại thấy đúng là hay thật

    ReplyDelete
  4. Chưa từng thấy ai tả chó mà ngọt ngào thế :))

    ReplyDelete