Jul 12, 2016

nỗi đau

Nhật ký của Kafka không phải nhật ký vĩ đại duy nhất trên đời

trước kia tôi từng rất thích nhật ký của anh em Goncourt, của Paul Léautaud, đó là dạng nhật ký nhà văn cho ta biết Verlaine khi Léautaud còn trẻ trông như thế nào, văn nhân nào đái bậy bị Goncourt nhìn thấy

(mới đây, vì bộ nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng mới được tái bản, thấy thông báo có nhiều bổ sung so với ấn bản đầu, tôi cũng đã mua về xem; các chi tiết tôi muốn tìm hiểu đều thấy được thuật theo lối ám chỉ, chẳng hiểu nổi; Nguyễn Huy Tưởng để lại chừng bốn mươi quyển sổ, viết đều đặn trong vòng ba mươi năm, từ khi mười tám tuổi cho tận tới khi qua đời)

nhật ký là một thể loại (nếu đó đúng là một "thể loại") kỳ lạ: không phải một cuộc đời sôi nổi, nhiều sự kiện, nhiều phiêu lưu thì sẽ hấp dẫn, thì sẽ là làm nên chất liệu cho kiệt tác của thể loại nhật ký, không bao giờ như vậy; thêm nữa, những người có cuộc đời như vừa miêu tả, chẳng bao giờ họ viết nhật ký hết - thường thì họ sẽ chờ người khác viết tiểu sử cho mình; điều gì có thể thiếu, chứ không bao giờ thiếu đám người thích viết tiểu sử người khác

cuộc đời Kafka không có sự kiện gì, nhật ký của Kafka cũng không ghi chép các sự kiện cuộc đời - chính vì thế, đó chính là dữ liệu quan trọng nhất về Kafka

nhưng nhật ký thuần túy nhất là nhật ký của Amiel

Amiel là người Thụy Sỹ giống như Rousseau, sinh năm 1821, tức là cùng năm với rất nhiều nhân vật lớn của văn chương châu Âu thế kỷ 19; sống đến tuổi sáu mươi, Amiel lẽ ra đã được xếp vào hàng những tác giả không mấy đáng chú ý vốn nhan nhản, một giáo sư triết học mờ nhạt, nếu sau khi Amiel đã chết, người ta không bắt đầu in ra thành sách nhật ký mà Amiel đã viết trong suốt hơn bốn mươi năm, từ 1839 đến 1881

năm 1882, một phần nhỏ (chừng 500 trang) nhật ký của Amiel được in (trên tổng số gần 17.000 trang), do một người bạn gái của Amiel tên là Mercier cộng tác với ông lớn Edmond Schérer; bộ sách là quả bom đối với cả châu Âu; hàng loạt nhà văn đã viết về nó, Amiel tìm được độc giả cả ở những văn nhân khó tính nhất; bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh của Ms. Ward nhanh chóng cũng trở thành kinh điển, Arnold và nhất là Walter Pater viết các tiểu luận vang bóng một thời; bên kia biển, Albert Thibaudet viết một tiểu luận dài gồm mười chương, trở thành một phần ba cuốn sách mang tên Intérieurs về sau (hai phần còn lại về Fromentin và Baudelaire), trong đó đặc biệt bình luận sự kiện ở bên trong con người Amiel có không chỉ bản thân Amiel mà còn nhiều "nhân vật" khác nữa

người ta có thể tạo ra kiệt tác từ một hành động dường như vô ý như vậy


"Không phải những gì mà anh ta có, thậm chí cũng chẳng phải những gì anh ta làm bày ra một cách trực tiếp giá trị một con người, mà là cái mà anh ta là." (13 tháng Chạp 1859)

"Mỗi con người là một kẻ thuần hóa thú dữ, những con thú dữ ấy là các dục vọng của anh ta. Bẻ răng nanh và cắt móng vuốt của chúng, bịt rọ mõm cho chúng, dạy dỗ chúng, biến chúng trở thành thú nuôi trong nhà, kẻ hầu người hạ, có lẽ vẫn sùi bọt mép nhưng đã biết quy phục, đó chính là giáo dục cá nhân." (25 tháng Mười một 1861)

"Tôi bướng bỉnh tự trì níu trong nỗi cô độc, dường như vì sở thích; không, là bởi nỗi kinh tởm, bởi lòng ngượng ngùng vì thấy cần người khác, bởi lòng ngượng vì thú nhận điều đó và bởi nỗi sợ sẽ củng cố thêm tình trạng nô lệ của tôi bằng cách công nhận nó." (7 tháng Tám 1863)


về sau này, khi bộ nhật ký đã trở nên quá quen thuộc, Amiel sẽ chủ yếu hiện ra trong lịch sử văn chương như một hiện tượng đa cảm, thiên về nội tâm, một nhân vật đầy tính tâm linh, và đặc biệt bị giằng xé vì chuyện có nên lấy vợ hay không

như vậy dĩ nhiên là không đúng: thật ra, cần phải coi Amiel không chỉ là một nhà văn lớn, mà còn là một trong các triết gia lớn nhất thế kỷ 19 của châu Âu, cái "thế kỷ của triết học" (Schopenhauer) ấy

các hiện tượng kiểu Amiel là thử thách lớn: người ta thường xuyên bị sa vào ảo tưởng rất bề thế của "danh môn chính phái" mà nhìn nhận đầy lệch lạc: lẽ dĩ nhiên, những ai nhiều học trò, họ sẽ tạo cảm giác về một tượng đài, họ được bình luận rất nhiều, hệ thống đại học với tư cách institution khiến họ rộng lớn (chính Schopenhauer, trong Parerga und Paralipomena, đã dành cả một chương châm biếm triết học ở trong trường đại học) - và cùng với đó, một hiện tượng khác cũng xảy ra: khi đọc Schelling bàn về nghệ thuật với tư cách khoa học, cần phải đủ sức gạt hết mọi sắc thái dạy dỗ và trường phái thì mới có thể thấy được toàn bộ giá trị; rất thường xuyên, các nhân vật kiệt xuất nhất tự loại bỏ mình khỏi các hệ thống kiểu này, mà thứ nhất là hệ thống đại học ("Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị")

Amiel chính là người khiến tôi lấy lại được hứng thú với Schleiermacher (Schleiermacher chính là một ông thầy mà Schopenhauer từng theo học và về sau rất ghét), vì Schleiermacher còn có hẳn một phương diện khác trong Các độc thoại, chứ từ trước đến nay, đối với tôi đó chỉ là một nhân vật gắn vào với một thứ rất đáng ngán là Hermeneutik; cuối thập niên 90, hay ngồi ở Thư viện Quốc gia Việt Nam, tôi lần mần đọc Schleiermacher trong những bộ sách thường xuyên thiếu tập đóng dấu ghi tên Võ Tá Hân (về Võ Tá Hân và thư viện phố Tràng Thi, xem ở kia) và kể từ đó giữ một ấn tượng kinh hoàng


và chưa có ai nói được như thế về nỗi đau: nỗi đau, với Amiel, là sợi dây; nó cần thiết, vì nó buộc các tinh thần xuống mặt đất; nếu không có sợi dây này, các tinh thần lớn nhất sẽ ngay lập tức thản nhiên bay mất lên trời, chẳng việc gì phải ở lại cái nơi này

10 comments:

  1. Đọc bài này thấy ấm lòng ghê!

    ReplyDelete
  2. Amiel chính là tác giả câu "Chaque paysage est un état d'âme"; các học giả châu Âu không biết được rằng câu này Amiel dịch tóm gọn hai câu Kiều mà ông tình cờ đọc được:

    Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

    ReplyDelete
  3. Replies
    1. còn mở mồm kêu á đù được ư?

      Delete
    2. tháng cô hồn! hết "nỗi đau vì phải sống" lại tới phải sống vì "nỗi đau"

      Delete
  4. Marlboro nhẹ hều, dùng thử marijuana nghe!

    ReplyDelete
  5. rất tiếc, ở Việt Nam chả có nhà xuất bản nào hiểu Amiel lớn đến đâu nên sẽ chả bao giờ có bản dịch tiếng Việt đâu, btw tháng này là tháng tiệc, hết tháng tiệc thì mới đến tháng cô hồn

    ReplyDelete
  6. American pastoral-P.Roth? hay "nỗi đau vì phải sống" nào của Thomas Bernhard mà anh chưa có? để tặng nhân dịp đau (mặc dầu kg bao giờ vẩy). Chẳng là đang dạo E.bookstore và thấy một trời thương đau:)

    ReplyDelete
  7. a cám ơn, rất rất cám ơn, ngọt ngào quá đi

    nhưng mà thôi không cần, bạn bernhard với bạn roth xử xong tất tật từ lâu rồi

    ReplyDelete