Nov 8, 2016

Từ một khoảng cách khác


Thời điểm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 tại Việt Nam (tôi đã trở đi trở lại cái thời điểm này, và tôi nghĩ sẽ còn trở lại nhiều lần nữa) sở dĩ như thế (một "cuộc trở lại" lớn của nhiều giá trị văn chương "tiền chiến", nhưng là một cuộc trở lại có rất nhiều tính chất giả vờ, thêm nữa, dày đặc yếu tố tâm lý) một phần không nhỏ, theo tôi, là do vai trò của các nhân vật dính dáng rất chặt chẽ đến công việc dạy học.

Công việc dạy và học (hay được gọi chung là giáo dục) là một cái gì rất phức tạp, mà tôi, vốn tránh bằng mọi giá và ngay từ đầu (đấy là nói việc "dạy", nhưng thật ra cũng nói cả việc "học"), không có nhiều tư cách để bàn, nhưng ít nhất, giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức, giáo dục còn là một yếu tố rất lớn của sự bóp méo.

Sau rất nhiều năm, tôi mới có thể thực sự đọc lại một số nhà văn, vì một lý do duy nhất, rất dở hơi, là tôi từng phải đọc họ khi còn đi học (mặc dù hồi ấy tôi cũng hiếm khi nào đọc thật: tôi chưa bao giờ đọc hết truyện "Mùa lạc" của Nguyễn Khải hay truyện "Mảnh trăng cuối rừng" của Nguyễn Minh Châu, nhưng cũng may thi cử hồi ấy hay cho chọn một trong hai đề, nên cứ nhìn thấy mấy truyện ngắn kia là tôi chuyển sang đề còn lại, loay hoay rồi cũng qua). Mãi rất gần đây tôi mới thực sự đọc được Nguyễn Tuân. Việc Nguyễn Tuân có trong chương trình học phổ thông, ít nhất đối với tôi, là một điều tai hại rất lớn.

Bằng cách đưa một số văn chương vào nhà trường - tức là lập đền thờ cho họ, ở một số khía cạnh không nhỏ - người ta cũng giết luôn những văn chương ấy đi, ở nhiều khía cạnh lớn.

Giáo dục gây bóp méo rất nhiều. Tôi thấy gần như hiển nhiên, sở dĩ Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh (nhân vật có sự hiện diện rực rỡ trong cuộc trở về vào thời điểm kể trên) trở nên phổ biến như vậy, được đồng lòng ca ngợi như vậy, là vì những gì Hoài Thanh viết trong Thi nhân Việt Nam quá vừa tay cầm đối với các nhà sư phạm: về một nhà thơ nào đó, ví dụ Xuân Diệu, họ tìm thấy ngay ở Hoài Thanh vài câu rất tiện lợi khi cần giảng về bài thơ "Vội vàng", chẳng hạn, cho học sinh nghe.

Không chỉ như vậy: các nhà phê bình Việt Nam trong vòng ba mươi năm vừa qua, kể cả (và nhất là, thế mới nghịch lý) những người tỏ ra kẻ cả về trình độ phê bình của Hoài Thanh (mà tôi có thể kể tên, một cách chính xác, à nhưng mà thôi), tất tật đều bắt chước Hoài Thanh hết. Bắt chước cái sơ đồ của Hoài Thanh, nghĩa là đại khái lấy một nhà thơ tiền chiến, Thế Lữ chẳng hạn, hoặc thậm chí Tản Đà, rồi đánh dấu hai chấm, rồi thêm vào đằng sau một mệnh đề, ví dụ "thi sĩ của etc."

Đơn vị của phê bình văn học, kể từ khi Thi nhân Việt Nam trở lại đây, gần như thuần túy là đơn vị nhà thơ (tức là, "thi nhân"). Dần dần, người ta không thực sự nhìn vào văn chương nữa, mà người ta nhìn vào các nhà thơ (thế cho nên, cái phần thịnh hành náo nhiệt nhất một thời là phần giai thoại). Kèm với đó là một dàn múa phụ họa của những cái tôi, lãng mạn, tượng trưng, etc. Mấy từ vừa xong, theo tôi, đều là huyền thoại ráo cả; ta sẽ lần lượt xử lý từng từ một sau.

Tôi không định nói như thế thì có gì sai trái. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh vào cái niềm tin quái gở rằng chỉ có thể nhìn văn chương (và thơ ca) tiền chiến theo sơ đồ của Hoài Thanh. Tôi cũng không nghĩ phê bình của Hoài Thanh đặc biệt tệ, nhưng cũng phải nói rằng, phê bình văn học của Hoài Thanh là phê bình nhìn từ một khoảng quá thấp. Và nhất là, phê bình văn học tiền chiến Việt Nam không chỉ có Hoài Thanh, cũng như không chỉ có vài nhân vật được nhắc đi nhắc lại và trích dẫn ồ ạt mấy chục năm vừa rồi, như Vũ Ngọc Phan. Chỉ vì các nhà nghiên cứu và phê bình văn học, trong đó một số lượng lớn dính quá chặt vào công việc dạy học, muốn rằng Thi nhân Việt Nam là đỉnh cao của phê bình, và muốn rằng Hoài Thanh có địa vị như thế, nên mọi chuyện mới như thế mà thôi.

Đây có lẽ là vấn đề liên quan chặt chẽ đến câu chuyện về phối cảnh và quy chiếu.

Trương Chính và Dưới mắt tôi đã tạo ra một đối trọng đáng kể để ta có thể nhìn một cách khác vào phê bình văn học Việt Nam trước 1945 (những ai đã đọc quyển sách ấy rồi, chắc không khó nhận ra điều này: sở dĩ nó đã biến mất vào hư vô chính là bởi nó hạ giá cả một loạt nhà văn sau này sẽ là rường cột của cả một nền văn chương: Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, đấy là chưa kể Từ Ngọc Nguyễn Lân hay cả hai nhân vật cũng quay trở lại vào cuối thập niên 80 đầu thập niên 90, là Thạch Lam và Vũ Trọng Phụng - tốt nhất là lờ cuốn sách ấy đi, vì quá phiền).

Việt Nam thi ca luận của Lương Đức Thiệp (về Lương Đức Thiệp, xem ở kia) mới thực sự là đối trọng khủng khiếp với Thi nhân Việt Nam (ở lần đầu tiên quay trở lại này, ấn bản mới - trong ảnh - có lời tựa của Đoàn Ánh Dương và lời bạt của Mai Anh Tuấn). Đối trọng này nằm chính xác ở phương diện khoảng cách.

Lương Đức Thiệp nhìn thơ Việt Nam từ một khoảng cách khác hẳn so với Hoài Thanh. Đó là một cái nhìn thâu tóm chứ không tãi nhỏ, một cái nhìn cố đi xuyên vào phía bên trong chứ không xanh đỏ bên ngoài. Tức là, nếu có Việt Nam thi ca luận một bên, Thi nhân Việt Nam một bên, ta sẽ hiểu, không chỉ có một cách nhìn thơ Việt Nam (như Hoài Thanh), chưa nói cách nào thì tốt hơn.

Vả lại, khoảng cách mà Lương Đức Thiệp thiết lập được, theo tôi, là khoảng cách chuẩn xác hơn nhiều. Nhờ như vậy, Lương Đức Thiệp không nhầm lẫn ở những ca khó như cặp Huy Cận-Xuân Diệu, cũng không khó khăn gì để nhìn ra phẩm chất chân thi sĩ ở Vũ Hoàng Chương. Ta cũng cần nhớ Việt Nam thi ca luận và Thi nhân Việt Nam tương đối có cùng niên đại.

Thêm nữa, Lương Đức Thiệp là một nhà phê bình hiếm hoi thực sự quan tâm đến nhịp của thơ (xem thêm ở kia).

Nhưng, dẫu cho mọi thứ khác, sâu xa mà nói, thật đáng mừng khi không ít nhân vật kiệt xuất đã thoát khỏi mẻ lưới của các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, nhất là những người hoạt náo nhất ở thời điểm cuối 80, đầu 90, trong đó Phan Cự Đệ mới chỉ là một ví dụ đơn lẻ.

7 comments:

  1. chụp ra quyển sách màu xanh luôn, ghê thiệt

    ReplyDelete
  2. ủa mình nhớ nó màu vàng mà ta?

    ReplyDelete
  3. đấy là tại chưa nhìn kỹ thôi

    cứ nhìn thật kỹ, đồng thời trong đầu nghĩ là nó màu vàng, thì nó sẽ đúng là màu vàng, hehe

    ReplyDelete
  4. Em vẫn còn loay hoay với rất nhiều thứ

    ReplyDelete
  5. Hôm nay em vừa mua được quyển này và quyển Dưới mắt tôi, đọc hay quá anh ạ! Khó có thể tưởng tượng là Trương Chính viết khi chỉ tầm 20 tuổi @@

    ReplyDelete
  6. người ta kể là về sau thành giáo sư đại học, mỗi lần nhận lớp mới, buổi đầu tiên Trương Chính sẽ trịnh trọng viết lên bảng tên của mình, thật to và rõ ràng, rồi yêu cầu sinh viên không được nhầm tên ông ấy với tên (bí danh) của một người khác

    ReplyDelete
  7. haha. nếu Trương Chính ở thời bây giờ, sẽ viết lên bảng tên mình và một đường kẻ dài, rồi nói "Tôi là Trương Chính, Trương Chính thẳng, không phải kẻ có đường cong mềm mại" đúng không ạ :p

    ReplyDelete