Aug 27, 2017

Năm 1967

Đã dùng đến các khoảng cách như "mười lăm năm", rồi thì "hai mươi năm", có lẽ cũng nên nghĩ đến một khoảng cách khác: năm mươi năm.

Cách đây 50 năm, tức là năm 1967 (ta đã nói rất nhiều đến năm 1966, và sẽ còn nói nữa đến cái năm ấy), có chuyện gì xảy ra? Đâu là cuốn sách lớn của năm 1967?

Tôi nghĩ, đó là tảng thiên thạch này:


("tombeau" nghĩa là nấm mồ, "cinq cent mille" = 500.000, còn "soldat" thật ra là một từ không hề xa lạ trong tiếng Việt, từ nó mà ta có "xăng đá", nhất là trong cụm từ "đôi giày xăng đá")

Pierre Guyotat, khi ấy còn rất trẻ, đột nhiên xuất hiện như một cú sét. Tombeau thuộc vào những cuốn tiểu thuyết "không thể đọc nổi". Trước đó, Guyotat đã cho xuất bản vài cuốn sách, nhưng cú Tombeau bảy, tám trăm trang gây khủng hoảng. Kinh nghiệm đi lính tại Algérie là "nguyên nhân trực tiếp" để Guyotat viết cuốn sách này. Năm 1968, văn chương Pháp cũng sẽ biết đến sự xuất hiện của Patrick Modiano, với Quảng trường Ngôi sao.

Tôi phát hiện Pierre Guyotat từ Leçons sur la langue française, một cuốn sách lớn đặc biệt kỳ lạ. Ngay sau đó, tôi được tặng cuốn tiểu thuyết năm 1970 của Guyotat:


Tôi hăm hở bắt đầu đọc Eden Eden Eden như thế nào thì cũng dừng việc đọc nó đột ngột như vậy, sau chưa đầy một trăm trang. Tất nhiên, kinh nghiệm đọc của tôi khiến tôi không bao giờ sợ phải đối đầu với mọi thứ gì, kể cả quá mức, kể cả ở mức "không thể chịu được" theo như người ta hay nói, về phương diện tình dục, bạo lực hay ma quái vân vân và vân vân. Nhưng tôi đã không đọc được hết Eden Eden Eden. Tôi biết là văn chương của Pierre Guyotat có một cái gì đó rất khó cắt nghĩa, nó nằm ở đường biên của một cái gì đó, nó khủng khiếp hơn mức độ khủng khiếp rất nhiều.

Tôi nghe kể, các thủ thư của Pháp từng kêu gọi không để độc giả đọc một số tiểu thuyết của Pierre Guyotat, trong đó có Eden Eden Eden. Nhưng nhất là Tombeau.

Phải một thời gian sau đó, không ngắn, tôi mới quyết định quay trở lại với Guyotat, sau khi đã đọc thêm một số cuốn sách khác thuộc giai đoạn về sau. Và tôi quyết định đọc Tombeau, lần này thì biết từ trước rằng đây mới chính là sự khủng khiếp lớn nhất trong thế giới của Guyotat.

Khi cuốn sách ra đời, sự tranh cãi rất kịch liệt. Không nhiều người ủng hộ Guyotat. Tôi nghĩ rất ít người chịu đựng nổi, rất ít người thực sự hiểu nổi đó là gì. Trong số những người có thiện ý với Guyotat, đặc biệt có Michel Foucault và Michel Leiris.

Tombeau là một khối dày đặc ngôn từ, được chia thành các "chant" tức là "khúc ca", giống như Maldoror của Lautréamont. Và đúng, không gọi nó là "thơ" theo đúng nghĩa được (dẫu là thơ văn xuôi), nhưng ở cuốn sách có một cái gì đó rất gần với thơ. Và "chủ đề" của cuốn sách là chiến tranh.

Không ai nhìn chiến tranh như Guyotat. Điều này tôi gần như chắc chắn. Đối với tôi, đọc Tombeau thuộc vào một trong rất ít những gì tôi coi là "chiến công", là vinh quang của sự đọc (Paul Valéry nói, cần phải tự biết vinh quang - tức là vinh quang không nằm ở chỗ được "công nhận").

Để đọc Guyotat, tôi đã dùng trực giác của một người đọc để tìm một cuốn sách khác đọc kèm với nó. Tôi chọn một cuốn sách cũng xuất hiện đúng vào năm 1967. Gần như ngay lập tức tôi thấy đương nhiên đó phải là một cuốn sách của George Steiner: Language and Silence.

Thời điểm cuối thập niên 60 của thế kỷ 20 ấy là cao điểm của sự im lặng: ta thấy không thể rõ hơn nữa ở Samuel Beckett, ở Maurice Blanchot, nhưng cũng cả ở Paul Celan.


à đấy, hôm trước nói đến mấy cuốn sách mới mà lại bỏ sót mất quyển này:



NB. đã viết nốt tiện bút "Les Inconnues" và thêm Văn xuôi thế giới của Merleau-Ponty

1 comment:

  1. một Nấm Mộ 500k Đôi Xăng đá có giống một cái bể kính 500k con cá bị ngắt điện ko nhỉ

    ReplyDelete