Dec 5, 2018

Kiệt tác (không người biết)

(đã tiếp tục "Mùa đông đọc thơ", bài "Nghĩa cái chết"tiện bút "Khác (nữa)")

Một điều rất phổ biến trong giới văn chương Việt Nam: đó là lời khẳng định rằng chẳng có gì là bí ẩn nữa, rằng không có chuyện tồn tại các tác phẩm trong ngăn kéo còn chưa ai biết. Một nhân vật văn chương điển hình của Việt Nam từ chối mê tín theo cách ấy.

Tôi nghĩ họ có lý, nhưng đồng thời, đây cũng chính là một yếu tố của chiêu hồi (mà tôi đã bắt đầu miêu tả ởkia: văn hóa có hoạt động chiêu hồi rộng lớn, tinh vi - và cặn kẽ), ở khía cạnh sau: đó là cách để bồi bổ cho sự vững chắc (không biến cố, không bất ngờ); bởi vì chiêu hồi của văn hóa có mục đích: tránh và phòng chống các rung chuyển. Vứt bỏ mọi mầm mống của dịch chuyển vào hư vô ngay từ trước khi nó kịp lấp ló hiện ra, đó là một cách thức rất hữu hiệu. Để làm như là chẳng có gì xê dịch được những cái đã có. Và chính những người cấp tiến nhất lại đặc biệt nuôi dưỡng cái ý đó. Đấy là nghịch lý - chưa hẳn đã quá khó hiểu; tôi sẽ còn quay trở lại.

Ở trung tâm của sự phủ nhận đó là một điều rất cũ: chống trả mọi thứ gì outstanding. Bởi vì, văn hóa (nhất là khi nó trở nên đậm màu nouveau riche) như thể bị mất hết răng, nó chỉ còn ăn được cháo - đó là một cách khác để nói rằng, chúng ta đang được chứng kiến một màn trình diễn khổng lồ của sự trung bình và tầm thường. Cộng với những tầm thường và trung bình được phóng to để trông như là xuất chúng.

Nói tóm lại: có (những) kiệt tác không người biết không? Nghe cứ như Balzac.

Trong năm vừa rồi, một người bạn gửi cho tôi cuốn sách dưới đây, kèm lời nhắn, "đọc nó ngay đi":


Đây là cuốn tiểu thuyết Trăng nước Đồng Nai của Nguyễn Hoạt (hay được biết hơn với bút danh Hiếu Chân).


Hiếu Chân Nguyễn Hoạt không hẳn hoàn toàn biến mất: người ta vẫn biết một Nguyễn Hoạt có vị trí trong câu chuyện Liêu trai chí dị ở Việt Nam. Gần đây, tôi bất ngờ tìm ra được một thông tin nữa: khi viết bài "Đoạn cuối của Khái Hưng", tôi đã muốn tìm xem những ai từng có mặt trong tòa soạn tờ Việt Nam; kể từ đó tôi cũng đã tìm được vài người. Rồi đến một ngày, một tài liệu hiếm gặp bỗng xuất hiện, nói lên đích xác rằng chính Hiếu Chân Nguyễn Hoạt từng là người của tòa soạn ấy.

Về sau này, Nguyễn Hoạt sẽ lại ở bên cạnh Nhất Linh trong quãng thời gian ngay trước khi Nhất Linh tự sát. Như vậy, rất có thể Hiếu Chân Nguyễn Hoạt là người duy nhất từng ở sát cả Khái Hưng và Nhất Linh ngay trước khi hai nhân vật ấy chết.


Trăng nước Đồng Nai là câu chuyện về một người Bắc di cư vào Nam - như rất nhiều câu chuyện thời ấy; đó là một câu chuyện tình bối cảnh Sài Gòn-Đồng Nai. Đây là tuyến truyện xuất sắc (tuy rằng người đọc nào tinh ý đều dễ dàng nhận ra, cái kết truyện được viết bởi một người không thực sự rành viết tiểu thuyết); nhưng điều khiến Trăng nước Đồng Nai trở thành kiệt tác là những gì cuốn tiểu thuyết nói về một thực tại: thực tại của tản cư.

Tức là, cũng giống Ung thư của Thanh Tâm Tuyền, đây là một tác phẩm lớn về đoạn ngay sau 19 tháng Chạp 1946. Một đoạn rất quan trọng và rất ít được biết đến.

Nhưng có thực sự "ít được biết đến"? Thì ít nhất ta đã có Ung thư và Trăng nước Đồng Nai. Thêm một tác phẩm thứ ba: và ở đây lại cần quay trở lại với Ngọc Giao.

Ngọc Giao có một trilogy tiểu thuyết lớn nhất, là Nhà quê, Quán gióĐất. Ngọc Giao đã quay trở lại - các sự trở lại có rất nhiều vấn đề - nhưng chính tác phẩm lớn nhất của Ngọc Giao thì lại không thấy đâu. Đất chưa hề xuất hiện trở lại, chính vì nó thuộc vào những tác phẩm văn chương lớn nhất nói lên một thực tại: thực tại của tản cư.



(còn nữa)

2 comments:

  1. rốt cục thì người ta cũng biết. cái gì có lý cái đó tồn tại :P

    ReplyDelete
  2. Cha tôi khi còn sống nhắc đến Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, vì thế tôi tin tườ̉ng vào khà năng và sự uyên bác cuả tác già̉ này. Cha tôi là dịch giả cuà̉ cuốn The Gentle Maiden, phổ biến ờ VN sau 1975 (vi pham ban quyen copyright, really so.)

    ReplyDelete