Jan 21, 2019

Bergson: Tiến hóa sáng tạo

(tiếp tục "đao phủ"Thư của Lord Chandos)

Nếu tôi không nhầm (chắc không nhầm) ở Việt Nam, triết học (cái triết học) đang ở vào (đang ở ngay trước ("imminent", như người ta hay nói - và đồng thời cũng "immanent")) một thời điểm kịch tính. Rất có thể nó cũng giống như (điều tôi đã vài lần nhắc qua nhưng còn chưa đi vào cụ thể) chuyện đã xảy ra với dịch thuật: đã có một sự sinh ra (mà thời điểm hết sức cụ thể: năm 2012). Một trong những điều (tất yếu) của pha ấy nằm ở chỗ: giải quyết đống sách gọi là triết học do nhà xuất bản Tri thức (cùng một số "collateral") sản xuất ra trong vòng trên dưới mười năm vừa rồi.

Và điểm mấu chốt sẽ là: khái niệm.

Mở một cuốn sách dịch tác phẩm triết học của nhà xuất bản Tri thức, có thể bắt gặp vài trang "lời bạt" của người dịch, trong đó trích dẫn mệnh đề đầu tiên của L'Être et le Néant của Sartre, nhân vật ấy viết: "Tồn tại có trước bản chất". Cái gì cơ? cái gì có trước cái gì? Cũng trong địa hạt rất liên quan (lần này là dịch Sartre) - như tôi đã nói - người ta còn không hiểu nổi đến "passion" nghĩa là gì. (tựa, bạt, etc. tất tật những gì thuộc về "paratexte" đều rất thuận tiện để nhìn nhận nhiều điều) Cũng trong một cuốn sách của nhà xuất bản Tri thức, người phụ trách giới thiệu, chú thích và cả hiệu đính có thể đi chép từ một cuốn sách tiếng Đức nào đó "thư mục" về tác giả hữu quan, để trông cho nó oách.

Nhưng câu chuyện khái niệm liên quan tới nhà xuất bản Tri thức (có lúc còn tự nhận mình là nhà xuất bản "Connaissance") còn nằm ở mức nền tảng hơn nhiều: ngay trên bìa sách có thể gọi "lý trí" là "lý tính", "đánh giá" là "phán đoán", hay "hiện tượng luận" là "hiện tượng học". (luậnhọc là hai chuyện hoàn toàn khác nhau - đều này tôi sẽ quay trở lại trong một tách riêng cụ thể) Nhà xuất bản Tri thức cũng đã trở thành thiết chế tạo lập ý luận của một thời, trong một phân khu có một thuộc tính không nhỏ là chơi trò hard-core, chỉ với một khái niệm bị diễn đạt theo đường lối của "complaisance": gọi liberalism là "chủ nghĩa tự do". Đây chính là thuốc phiện (đồng thời, thuốc độc) mới của nhân dân trí thức Việt Nam.

Nhưng triết học trước hết là khái niệm. Các khái niệm vận hành (tức là chuyển động) làm nên hoạt động cốt yếu của triết học. Ở dưới, tôi sẽ đi sâu vào một điểm đơn giản nhưng then chốt: khái niệm nghĩa là gì? Và cũng đi sâu hơn vào nhà xuất bản Tri thức: tại sao lại như thế?

Thời điểm kịch tính, như tôi nói ở trên, có thể biểu hiện hết sức nhỏ nhặt. Ta thấy, rất gần đây, mấy điều. Thứ nhất là một loạt sách dẫn luận (thậm chí dẫn luận ngắn). Quả thật là cần đặt triết học cạnh lý thuyết văn học, như ởkia, vì đúng là hai bên đang đi con đường rất giống nhau (trong lý thuyết văn học cũng hoàn toàn tương tự những gì tôi vừa miêu tả trên đây: người ta đi vào sự intro chẳng qua là vì đã không vào được thực tại của lý thuyết). Các sách dẫn luận mới, tôi đã xem một ít. Đây là dạng sách rất hay nói dối, như tôi từng nói (người ta không biết làm ăn thì hay đi dạy làm giàu, không trở thành vận động viên đỉnh cao được thì hay trở thành huấn luyện viên): loạt sách vừa rồi được chọn vì đối tượng nghe kêu xủng xoảng, chứ không phải vì chất lượng cuốn sách. Vả lại, những người đâm đầu vào sách intro, cầm chắc là họ không đánh giá được nội dung. Chỉ nhìn vào cái tên - giống hệt người không biết đọc nhưng thích nói về sách vở chỉ nhìn cái bìa.

Thứ hai, Bergson.

Đây là cả một ca lớn. Trước khi đi tiếp sâu hơn, cuốn sách lớn thứ tư (và cuối cùng) của Henri Bergson:


Cao Văn Luận (nếu ta xem tờ Đại học) có động đến Hai nguồn... trên đây (đó là cuốn sách năm 1932). Ta hoàn toàn có thể nghĩ, nếu đủ thời gian, chắc hẳn Cao Văn Luận cũng đã dịch nó một cách đầy đủ. Nhưng nói tóm lại, ta có Cao Văn Luận đã thực sự dịch hai trên bốn cuốn sách lớn của Bergson (cụ thể hơn: hai cuốn sách lớn đầu tiên).

Cao Văn Luận cũng dịch một trong hai cuốn sách khác mà Bergson cho in lúc còn sống, thuộc vào loại tập trung các tiểu luận lẻ (tít phụ: "Essais et conférences"). Quyển "lẻ" còn lại, trong tiếng Anh:


(đây là bản dịch từ La Pensée et le Mouvant)

Bản tiếng Anh cuốn sách đầu tiên (cuốn sách năm 1889 - tức cuốn sách tuổi ba mươi của Bergson):


Giống trong tiếng Việt, bản tiếng Anh không giữ Essai sur les données immédiates de la conscience như ở nguyên bản tiếng Pháp.

Ngay ở đây, đã có thể nêu một nhận xét (nhỏ - chưa đi vào trọng tâm) về thuật ngữ: các "dữ kiện" ở đây là dữ kiện "tức thì" chứ không phải "trực tiếp": Bergson muốn có một miêu tả "objectif", trong khi "trực tiếp" đã ngả sang quá mức "actif".

Tiếp tục câu chuyện Bergson trong tiếng Việt: như vậy ta có hai trên bốn "sách lớn" và một trên hai "sách lẻ".

Chưa hết: Bergson còn có hai cuốn "sách nhỏ". Một trong đó (Le Rire) cũng đã có bản tiếng Việt (của Phạm Xuân Độ, xem ởkia).

Như vậy, ca Bergson là một ví dụ tuyệt vời cho một điều tôi từng nhiều lần nói: dịch thuật ở Việt Nam luôn luôn một nửa. Trường hợp Bergson là một nửa theo đúng nghĩa số học: tám chia hai bằng bốn. Đây cũng là trường hợp không thể nói đến "chủ ý" - chính vì không chủ ý cho nên "quy tắc một nửa" càng trở nên lợi hại hơn. Nhưng điều gì đã xảy ra, để mà luôn luôn (ít nhất, rất thường xuyên), cứ một nửa như thế? Tôi nghĩ là tôi đã bắt đầu lờ mờ nhìn ra cách lý giải - tôi sẽ còn trở lại.

Đây là cuốn "sách nhỏ" thứ hai của Bergson:


Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh vào cuốn sách này, không phải vì nó có tương quan với một nhân vật oanh liệt, Albert Einstein, như người ta có thể nghĩ, mà chủ yếu vì ngay trong nhan đề của nó có từ "durée" - đây là trọng tâm trong chuyện khái niệm mà tôi muốn đề cập trong riêng trường hợp Bergson; ở dưới tôi sẽ trở lại.

Tức là, ta có tám cuốn sách Bergson, bốn lớn (Dữ kiện tức thì, Vật chất và ký ức, in năm 1896, tức là 7 năm sau cuốn đầu tiên; Deux sources... là cuốn thứ tư (và cuối cùng), năm 1932, và cuốn thứ ba, cuốn sách của năm 1907, chính là Tiến hóa sáng tạo, tức L'Évolution créatrice), hai lẻ và hai nhỏ.


Trên đây là Écrits philosophiques, mà người ta mới in cách đây chưa lâu, trong một cuộc quay trở lại với Bergson. Quyển sách rất dày, tập hợp các loại bài viết "lẻ hơn nữa". Bài đầu tiên, Bergson viết khi còn rất trẻ, là về thôi miên. Cuốn sách đặc biệt quan trọng trên hơn một phương diện, tôi sẽ còn quay trở lại. Nội dung của nó trùng khá nhiều với Mélanges đã in năm 1972.

Ngoài ra, nếu muốn đầy đủ về Bergson, còn có các tập "cours", trong đó dày hơn cả là bốn tập cours ở Collège de France, vài tập cours khác nhỏ hơn, rồi thêm "correspondance" tức là thư từ. Dường như Bergson không có nhật ký và sổ ghi chép: rất may.

Trên đây là miêu tả rất ngắn gọn tác phẩm của Bergson, giờ ta cần đến với chủ đề chính: khái niệm, nhất là "durée".

Durée là gì?

Nhưng trước đó, cần phải trả lời câu hỏi: khái niệm là gì? Trên đây, đã có miêu tả về chuyện khái niệm làm cho triết học chuyển động, nhưng trả lời câu hỏi để làm gì? (thậm chí làm gì?) bao giờ cũng dễ hơn nhiều so với trả lời câu hỏi là gì?

Nietzsche có một định nghĩa khái niệm rất hữu hiệu: khái niệm là cặn của ẩn dụ. Vừa ở mức hoạt tác mạnh và có độ linh động rất cao (do chuyển động của ẩn dụ), lại vừa có một mức bất động (vì là cặn) - điều đó cũng nói lên khái niệm luôn luôn, trong hình dung, có một dáng vẻ của rắn (hiểu theo mọi nghĩa của từ này). Pierce nói rằng khái niệm là kết tinh của các tin tưởng. Tức là (diễn giải sau đây là của tôi): khái niệm hoạt động trên bình diện của tình yêu.

Ngoài Pierce, nhân vật kiệt xuất của "pragmatism" (ai cũng biết là để tránh khỏi bị xếp chung với một số điều, Pierce sẽ gọi lý thuyết của mình là "pragmaticism" chứ không phải "pragmatism" nữa: giống hệt Stendhal, không phải "romantisme" mà là "romanticisme") là John Dewey. Hồ Thích, học trò của Dewey, gọi "pragmatism" là "thực nghiệm chủ nghĩa"; về sau, cách gọi thông dụng sẽ biến thành "thực dụng chủ nghĩa" (cảm tạ nữ sĩ Quách Hiền đã giảng giải cho về mấy điều lằng nhằng trên đây): khái niệm cũng trượt (nếu như nó không tìm ngay được ô đúng). Nhân vật lớn còn lại của "pragmatism" là William James: Bergson gặp James tại London, những ai rành về James đều đã biết James có miêu tả Bergson sâu sắc như thế nào, ngay sau đó, trong một bức thư; Bergson sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc "intro" pragmatism vào Pháp.

Cuốn sách năm 1907 của Bergson (tôi nhấn mạnh vào thời điểm 1907 này vì nó rất quan trọng) chuyên chở không phải các khái niệm mà đúng hơn chuyển động của những khái niệm chủ yếu đã được hình thành từ hai cuốn sách (lớn) trước đó: Dữ kiện tức thìVật chất và ký ức cung cấp cho Tiến hóa sáng tạo phần "core". Nếu muốn nói một cách ngắn gọn bằng tương quan triết gia-khái niệm: Bergson là hiện thân của khái niệm "durée" - ở Tiến hóa sáng tạo, khái niệm durée đi vào tương quan với tiến hóa.

Ở đây cần quay trở lại với Hegel: triết gia Hegel là hiện thân của khái niệm nào? Tôi sẽ nói, đó là khái niệm Aufhebung. "Aufhebung" nằm chính ở yếu tính sâu thẳm của triết học, cho nên lúc nào Hegel cũng tạo cảm giác mình ở chính giữa. Và chính giữa đó biểu hiện không thể rõ ràng hơn: triết học phương Tây thế kỷ 19 phát ra nghĩa mạnh chính là vì Hegel, nhưng điều đặc biệt (thật ra cần phải nói, tất yếu) của điều này không hẳn nằm ở chỗ Hegel thúc đẩy theo chiều "tiến bộ" (có tiến bộ hay không?), mà ở chỗ Hegel kích thích các bắn phá. Triết học trở nên có nghĩa trong các cuộc bắn phá Hegel, mà ba thời điểm lớn nhất là Schopenhauer, Kierkegaard và Marx (Habermas hơi khác: ba thời điểm ấy, theo Habermas, là Feuerbach, Kierkegaard và Marx).

Bergson sẽ tạo ra điều tương tự: triết học trở nên nhiều ý nghĩa (một lần nữa) với vô số bắn phá vào Bergson; để chỉ kể một ví dụ duy nhất, nhiều ý nghĩa hơn cả: Gaston Bachelard (Habermas: Bachelard là "Husserl cuối cùng"). Đó là cuộc bắn phá trên bình diện nào? Trên bình diện cuộc đối đầu giữa hai khái niệm: "sự liên tục" ở Bergson và "sự đứt đoạn" ở Bachelard.

Tương quan giữa Bergson và Hegel cần được nhấn mạnh. Đó là tương quan giữa hai núi. Núi thì gây cảm giác chứa đựng bên trong nhiều kho báu. Năm 1907 là cuốn sách Tiến hóa sáng tạo của Bergson; đúng một trăm năm trước đó là thời điểm của Hiện tượng luận tinh thần Hegel (trong sổ tay ghi chép của Martin H. mà gần đây người ta đã in ra, Martin H. viết, vào năm 1927: 1807 là thời điểm của Hiện tượng luận tinh thần, đúng 60 năm sau đó là thời điểm của Das Kapital (1867) và lại tiếp tục đúng 60 năm nữa: Sein und Zeit; đó cần phải hiểu còn hơn vanity của một cá nhân, vì đó còn là cách thức căn tọa độ, nhìn khoảng cách, định các mốc: Eugen Fink chính là một nhân vật trác tuyệt ở riêng phương diện này). Nhưng Hiện tượng luận tinh thần đã tìm được hồi ứng rất lớn đúng một trăm năm sau, ở Tiến hóa sáng tạo của Bergson. Với Hegel, lịch sử đã sinh thành (tức là, có thể hiểu: lịch sử đã được một cái nhìn triết học soi chiếu) còn với Bergson, tiến hóa đi vào một kinh nghiệm tương tự. Tất nhiên, cần phải nhìn thấy tiếp tương quan giữa Bergson và Darwin, đó là điều sẽ nói ở phần dưới.

Quay trở lại với câu chuyện triết học ở Việt Nam.

Một cuốn sách như thế này:


có thể nói gì về Michel Foucault? Nó chẳng nói được gì cả, ngoài nói dối.

Như tôi đã có (vài lần) nói, Foucault sẽ trở nên tan nát trong thời gian tới đây, trên chiến địa Việt Nam. Người ta sẽ gọi L'Archéologie du savoir là gì nhỉ? "Khảo cổ học tri thức" à? lại "tri thức", lại giống ở trên? rồi cuốn sách về "folie", rồi "sexualité"?

Trong số các "collateral": Nguyễn Bá Cường. Chúng ta sẽ xem qua nhân vật này.

Roland Barthes hết sức ngắn gọn (như mọi khi): liên ngành (trong nghiên cứu) là một ảo tưởng, chẳng có gì khác. Đó là hiện tượng các nhân vật kém cỏi nhất của một ngành tìm cách kết hợp với số nhân vật thuộc các ngành nghiên cứu khác, trong hy vọng đạt tới những gì mà họ đã không đạt được. Và tất nhiên, sẽ tìm tới những nhân vật kém cỏi nhất của một hay những ngành khác. Hợp tác quốc tế, hết sức mau chóng, cũng đã bày ra một hiện tượng hoàn toàn tương tự. Cũng giống như trong "liên ngành", hợp tác quốc tế là một sự kết hợp như vừa miêu tả, chỉ cần xoay đi một chút cái nền.

Gần đây, tôi nhận được thông báo về conference của một giáo sư người Mỹ, tới Hà Nội thuyết trình, tại khoa văn trường Tổng hợp (tôi quen gọi nó như vậy). Tôi nhìn CV của nhân vật đó và biết ngay là tôi sẽ không bao giờ đi nghe. Không phải vì nó nghèo nàn, mà chính xác là ngược lại: bản liệt kê tác phẩm (publication list, etc.) dài cỡ vài chục trang, kéo xuống mãi mà không hết, liệt kê ti tỉ thứ. Tôi không thấy có nhu cầu nghe một nhân vật điển hình của hợp tác quốc tế, của diễn thuyết toàn cầu (Starbucks) như vậy. Đó chính là sự nối dài của chủ nghĩa thực dân (và trong số người đi nghe buổi đó, cầm chắc có rất nhiều nhân vật cổ xúy bấy lâu nay cho chủ nghĩa hậu thuộc địa, mà họ hay nói nhịu là hậu thực dân).

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những nhân vật kiểu Nguyễn Bá Cường tụ hội với các nhân vật thuộc trường phái triết học Sài Gòn. Nhưng trường phái triết học Sài Gòn là gì? chính xác là điều Hegel từng nói, tức là (à mà không cần, vì Marx đã dùng chính câu đó để mở đầu 18 brumaire): cái gì cũng xảy ra hai lần hết, lần thứ nhất thì (điền vào chỗ trống), lần thứ hai thì (điền tiếp vào chỗ trống). Đó là sự lặp lại của Vạn Hạnh.

Quay trở lại với câu chuyện của khái niệm (xét cho cùng, nó mới quan trọng). Khái niệm có biểu hiện ở mức độ tức thì lớn là tồn tại trong các mệnh đề - khái niệm đi vào mệnh đề theo đường lối hết sức tự nhiên. Hegel: "Cái gì là thật thì sẽ thuộc lý tính, cái gì thuộc lý tính thì sẽ là thật"; Marx: "Con người chỉ tự đặt ra các câu hỏi mà nó giải quyết được"; Goethe: "abz màu xám, xyz màu xanh". Mệnh đề của Goethe đặc biệt hấp dẫn, nó thường xuyên bị hiểu theo thúc đẩy của ý chí: cái kia, vì là màu xám cho nên, còn cái này, bởi có màu xanh do đó. Không có gì ngớ ngẩn hơn thế: đây là một ghi nhận vô cùng sâu sắc và chính xác, có một cái màu xám, một cái màu xanh, ngoài đó ra không có ngoại suy gì nữa - không được ngả nghiêng; và vậy là ta đi thẳng vào thế giới của Wittgenstein: Goethe là tiền thân của Wittgenstein, với trung gian (truyền dẫn thì đúng hơn) là Schopenhauer.

Wittgenstein đặt ra một trường hợp tuyệt vời liên quan đến khái niệm (ở mức mệnh đề): không cần làm gì khác, chỉ cần hỏi bất kỳ triết gia nào xem câu đầu tiên Tractatus nói gì: "Thế giới là", ok, tiếp tục: "Thế giới là tổng số của", ok tiếp, nhưng là tổng số của gì? Câu hỏi này giúp loại bỏ chừng một trăm phần trăm chuyên gia Wittgenstein, trong đó có vài sư đoàn ở Việt Nam, vắt vẻo ngày ngày trên facebook.

Tức là, khái niệm chính là cánh cửa. Nó ở đó, ai mở được thì đi vào trong, ai không mở được thì ở lại bên ngoài.

Durée trong hệ thống của Bergson là thời độ.

Nhưng, cũng như mọi thứ gì có ý nghĩa đặc biệt lớn, khái niệm cũng - ngay tức khắc - tạo lập phần đen tối (nguy hiểm) của nó. Ít người diễn đạt điều này ngắn gọn chuẩn xác như Ernst Bloch: khái niệm trở thành phu đào huyệt hạng nhất chừng nào nội dung của nó bị đầy. Một suy tư lớn về khái niệm cũng có thể tìm được trong tác phẩm của một nhân vật ngày nay chắc chẳng còn mấy ai đọc: Lucien Lévy-Bruhl.

Câu chuyện khái niệm cho thấy rõ ngay lập tức sự một nửa tại Việt Nam như thế nào, và cả tại sao. "Thời độ", nhưng nhất là "niệm năng".

Trước khi làm rõ thêm chủ đề ấy, chúng ta xem một quyển sách tương đối mới:


Nhưng Habermas như thế này, thì có nghĩa là gì? Thì có nghĩa không khác gì viết sách hướng dẫn du lịch cho một địa điểm còn chưa có (thậm chí cũng chẳng bao giờ có). Hoàn toàn giống với "dẫn luận" trên đây: nhưng dẫn luận vào Foucault, rồi Schopenhauer và Kierkegaard thì tức là dẫn vào đâu? Thêm nữa, đó cũng là chuyện sau đây: không bao giờ đọc một số nhân vật nhưng lại làm ra vẻ dạy cho người khác về những nhân vật đó, chẳng phải vậy thì Sướng Lắm Ru?

Giờ, thử nhìn nhận một cuốn sách như Từ điển triết học Habermas trên đây thì như thế nào. Chưa nói đến chuyện khi mà trong tiếng Việt chưa có gì (hoặc gần như thế) của Habermas, thì một cuốn sách (hay được xếp vào dạng "sách công cụ") dùng để giải thích theo kiểu này về triết học Habermas là vô nghĩa, một "từ điển triết học" (thật ra "key concepts" không hoàn toàn có nghĩa như vậy) như ta thấy ở đây cũng giống các sách "dẫn luận" ở trên: đều thuộc về một thức, diễn giải.

Và cuốn sách diễn giải Habermas mới in ở Việt Nam như thế nào? Tôi sẽ nói ngay: nó có chất lượng rất thấp. Ta xem thử mục "Universal pragmatics" (Universalpragmatik), được dịch trong cuốn sách trên là "Dụng hành phổ quát (thuyết)" (như vậy có thể ghi nhận một nhóm ở Việt Nam hiện nay sử dụng cụm từ "dụng hành" - tôi sẽ còn quay trở lại). Bất cứ độc giả nào của Habermas cũng biết đây là một khái niệm quan trọng, ít nhất trong một giai đoạn, một yếu tố không nhỏ thuộc thế giới của Habermas. Những ai biết rõ hơn sẽ biết nội dung mục từ của "từ điển triết học" chủ yếu lấy từ loạt conference của Habermas hồi đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, loạt conference ở Mỹ, gọi là "Christian-Gauss" (trước đó Habermas đã giảng chúng ở Berlin).

Thế nhưng, "nội dung triết học" (nếu có một cái gì như vậy) gắn liền (nói đúng hơn, ở phía bên trên, chi phối toàn bộ) "Universalpragmatik" theo trình bày của Habermas hoàn toàn bị thiếu trong mục từ. "Nội dung triết học" ấy là một khái niệm, cái mà người ta hay gọi là "intersubjectivity" - mà nếu không có, lý thuyết ngôn ngữ của Habermas sẽ không có cái nền nào cả. Chưa hết, mục từ của "từ điển" nói như thể Noam Chomsky đặc biệt có ý nghĩa đối với lý thuyết của Habermas. Nhưng điều này không đúng: quả thật ở một số nơi Habermas kể mình sang Mỹ và phát hiện Chomsky như thế nào, nhưng khi trình bày "Universalpragmatik", Habermas sử dụng mô hình của Wunderlich, và những nhà ngôn ngữ học quan trọng với Habermas không phải Chomsky mà là những người khác. Đặc biệt, Habermas bình luận rất sâu vào một yếu nhân nữa của "pragmatism": George Herbert Mead.

Từ điển triết học Habermas hay cuốn sách về Foucault trên đây là những cuốn sách rất kém. Tôi sẽ không chối là ngay ở các khu vực như dẫn luận etc. vẫn có thể có tác phẩm tốt, thậm chí lớn. Nhưng theo tôi tỉ lệ ở mức khoảng vài nghìn, thậm chí cả chục nghìn, mới có một. Tôi nghĩ tôi sẽ không đi đọc chúng với xác suất sách dở khủng khiếp như thế. Nhưng, cần đẩy vấn đề đi xa hơn: tại sao lại thế?

Đó là vì toàn cầu hóa. Tôi muốn nói, cấu hình chung của hoạt động nghiên cứu trên phạm vi toàn thế giới đã bị hỏng hóc khủng khiếp. Người ta đào tạo ra quá nhiều, các khoa triết học dạy quá nhiều người, rồi những người đó sẽ làm gì? Một phần không nhỏ sẽ đi viết những cuốn sách thuộc địa hạt của diễn giải, như mấy ví dụ trên đây. Tức là, Việt Nam được hưởng lợi từ toàn cầu hóa chính ở những thứ tương tự. Khỏi cần phải nói rằng chuyện cũng tương tự đối với sách phổ thông: best-seller tức là sách dở.

Và cũng khỏi cần phải nói, khi lực chi phối hoạt động tinh thần là không biết đọc (và giả vờ đọc), hệ quả đương nhiên sẽ là càng ngày sự hỏng hóc càng được nhân rộng - trong một sự thản nhiên rất đáng nói; và trong cả sự hống hách của dạng như Sướng Lắm Ru.

Quay trở lại với câu chuyện khái niệm (nếu tôi không nhầm - chắc không nhầm - đây mới là chuyện cần quan tâm): "Không được dùng con người để định nghĩa nhân loại, mà cần phải dùng nhân loại để định nghĩa con người" (Auguste Comte).

Chỉ cần một khái niệm như "niệm năng" (bàn đến nó trong hoàn cảnh cuốn sách của Bergson miêu tả bản năngtrí năng thì rất thích hợp - tất nhiên còn một "năng" nữa hết sức quan trọng, cảm năng, mà ở đây người ta luôn luôn mặc định là "mỹ học", như vậy là quá mức vội vàng - tôi sẽ còn trở lại), sự một nửa trong cuộc sống tinh thần (ở tận mức cấu trúc nền tảng) ở Việt Nam đã hiện ra rất rõ. Với "niệm năng", ta vượt qua (bởi vì vẫn đang ở trong bầu khí hậu Hegel) Vạn Hạnh và sự lặp lại của nó, trường phái triết học Sài Gòn hiện nay (ở trên đã nói đến một thứ thuốc phiện, giờ cần nhắc tới một thứ thuốc phiện - và đồng thời cũng là thuốc độc - nữa của nhân dân trí thức Việt Nam: đó chính là đạo Phật), bởi vì chính với niệm năng, công cuộc dịch tác phẩm Karl Marx (và cả Friedrich Engels) ở Việt Nam tức thì hiện ra trong một ánh sáng hoàn toàn mới.

Bởi vì, đã hoàn toàn không có niệm năng. Thế nhưng, Descartes là gì? Descartes có một biệt hiệu (danh hiệu thì đúng hơn: đây là dạng trình hiện của một thức, thức contemplative): "ông hoàng của niệm năng".

Tức là, moment-Kant, moment-Hegel làm chuyện thay đổi, câu chuyện triết học từ mấy moment đó ngoặt đi khủng khiếp. Nhưng ngoặt đi không đồng nghĩa với không có đó nữa. Niệm năng vẫn ở đó.

Nói một cách ngắn gọn, bước ngoặt của triết học (và của thế giới - điều này là tất nhiên) nằm ở sự tồn tại (nói đúng hơn, sự lùi đi, lẩn xuống các tầng bên dưới) của niệm năng. Tức là, thế giới đã chuyển - rất đơn giản - từ nghe sang nhìn. Con người hiện đại chúng ta là con người của nhìn. Đấy là diễn đạt theo đường lối của positive - nhưng cũng như mọi thứ đều có thể diễn đạt bằng ít nhất hai con đường, hoàn toàn có thể nói bằng cách thức của negative: thế giới chuyển từ sang điếc.

Mọi chuyện đã thay đổi (đã xoay đi) với một thúc đẩy mạnh từ moment-Kant, với cú đặt lý trí vào trung tâm. Heinrich Heine giải thích điều này: nó giống hệt như khi Copernic đặt mặt trời vào vị trí trung tâm; điều Heine nói có nhiều ý nghĩa hơn ý nghĩa của ẩn dụ: con người nhìn đương nhiên cần nhất ánh sáng. Nhưng ánh sáng càng mạnh thì đương nhiên phần bóng tối mà nó, cùng một lúc, tạo ra, càng lớn. Vấn đề luôn luôn nằm ở tương quan ánh sáng-bóng tối, cũng như - trong địa hạt của các khái niệm - vấn đề nằm ở chỗ: kết tinh hay kết tủa (cặn). Trong perspective này, cần phải nhớ một điều thuộc về bản tính sinh học (mà Bergson nhấn mạnh trong Tiến hóa sáng tạo): con người không bao giờ thực sự hấp thụ được ánh sáng một cách trực tiếp. Nếu không nhìn nhận bằng perspective khác đi, sẽ chẳng bao giờ thấy tại sao Marx cần có khái niệm "hình thức của tồn tại" (ở đây hay được gọi là "hình thái" gì đó: nhưng hình thức đâu nhất thiết phải có trạng thái), nhưng cùng lúc - để quay trở lại câu chuyện Marx ở Việt Nam - cũng vì chuyện cái nhìn, nên Marx, mặc cho khối lượng trông như là khổng lồ, hiện lên ngớ ngẩn và lố bịch ở đây. Đấy là vì cái nhìn ấy đặt Marx chính xác ở đường ranh giới quá đó mọi thứ là tiền sử: ngay tức khắc Marx hiện lên như một nhân vật kỳ quái chiến đấu với các bóng ma; cái nhìn đó có tương quan lớn với tinh thần cách mạng, dạng tinh thần ngay lập tức, khi nó diễn ra, coi mọi thứ ở trước là tiền sử: lịch sử chỉ bắt đầu khi có nó. Một cái nhìn, nói tóm lại, vi phạm thời độ thực. Điều kỳ quái nằm ở chỗ, nếu tôi không nhầm (chắc không nhầm) thì tôi lại chính là người đầu tiên dịch Ludwig Feuerbach.

Bergson, trong Tiến hóa sáng tạo, phê phán một cách cứng rắn các "children" của Descartes, nhất là Spinoza và Leibniz, và cả Kant. Nhưng nhất là Aristote. Hai nguồn của đạo đức và tôn giáo sẽ là thời điểm để Bergson rọi ánh sáng vào nguồn gốc của một số thứ cốt yếu trong hoạt động sống của xã hội con người.

Quay trở lại với sách introduction, hay sách diễn giải nói chung: đó là câu chuyện hoàn toàn tương tự câu chuyện McDonald's hay Starbucks: chúng ta đang sống trong một thế giới nơi những gì tồi tệ nhất trong ăn uống thì phổ biến nhất, phổ biến ở mức độ khắp mọi nơi. Đó là một khía cạnh lớn của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa cũng là chuyện có một đám người sản xuất ra những cuốn sách (rất nhiều, phải nói là vô số: thêm một lần nữa một vấn đề triết học lại được đặt ra, thế giới là nhất thể hay là vô số?) ngớ ngẩn, và lại có một đám người khác dịch chúng ra (tức là phát tán). Hai đằng hoạt động trên cùng một bình diện, cái bình diện có thể gọi tên hết sức cụ thể là bình diện của sự ngu xuẩn được hiểu như là giá trị. Đấy là vì không có ánh sáng. Và cũng vì cái mà tôi đã gọi hết sức ngắn gọn ởkia: teaching cheating và cheating teaching. Chính vì thế, bởi vì toàn là obscurantism, cả một nhóm không nhỏ liên tục tự nhận mình là "khai minh", "khai phóng" - một tương tự khác của "liberalism".

Hợp tác quốc tế là một địa hạt của hoạt động nói trên. Có một ví dụ không nhỏ: những người trong giới nghiên cứu ở Việt Nam nào từng dính dáng đến Harvard Yenching có một điểm chung rất đáng quan tâm (tôi muốn nói: rất Starbucks). Ấy là bỗng dưng tuy có chuyên ngành thường là Hán-Nôm nhưng sau một thời gian nhúng vào Harvard Yenching họ có nhu cầu lớn lao nói đến lý thuyết, nhất là Michel Foucault (mà chưa bao giờ họ đọc cái gì). Điều đó soi ánh sáng ngược lại cho thấy không ít tính cách bản thân các nghiên cứu tạm gọi là chuyên môn của những người ấy. Toàn cầu hóa chính là: nói những gì mà mình không biết; và nói rất nhiều. Tôi nghĩ chuyện hoàn toàn tương tự đối với một Harvard khác, phân khu mang tên "Kennedy".





Tôi đọc Gilles Deleuze bình luận Bergson với cảm giác - nhìn chung - rất giống cảm giác hồi nhỏ đọc Sử ký Tư Mã Thiên.

Mượn của chuyên gia VHT thủ bút (rất đẹp) của Bergson:


(Bergson ký trên ấn bản đầu Durée et Simultanéité, 1922)




(còn nữa - riêng phần "intro")




[Sau Alain và Simone Weil, tôi đã nghĩ nhân vật thứ ba phải là Bergson. Nhưng rồi tôi lại thấy nghi hoặc: Bergson thì quá hiển nhiên. Tôi đã định bắt đầu ngay một nhân vật hoàn toàn khác. Rồi tôi lại quay ngược trở lại quyết định ban đầu. Rốt cuộc, vẫn là Henri Bergson, và rốt cuộc, vẫn không thể nói trước được điều gì.

Tôi muốn tập trung vào chương thứ hai của Tiến hóa sáng tạo (cuốn sách có tổng cộng bốn chương), nên sau "introduction" sẽ chỉ có một phần của chương thứ nhất rồi sang chương hai luôn.

Trong lúc dịch cuốn sách của Bergson, tôi có một cảm hứng không nhỏ từ một nhân vật rất không liên quan, và rất bất ngờ, là Habermas; những điều quan trọng (điều này là tất nhiên) tôi cũng lấy được từ bộ ba Darwin, Bachelard và Deleuze - xem thêm phần "intro" phía trên.]



Tiến hóa sáng tạo

Henri Bergson




Introduction


Lịch sử tiến hóa của sự sống, dẫu còn thiếu hoàn chỉnh đến đâu, đã cho chúng ta thoáng nhìn thấy bằng cách nào trí năng được tạo lập thông qua tiến bộ không ngắt quãng, dọc theo một đường đi lên, qua ngành Có Xương Sống, cho tới con người. Nó chỉ cho chúng ta thấy, trong năng lực hiểu, một phụ tố của năng lực hành động, một thích nghi mỗi lúc một thêm cụ thể, mỗi lúc một thêm phức tạp và mềm dẻo, của ý thức các sinh vật sống với những điều kiện tồn tại được tạo ra cho chúng. Từ đó hẳn đã có hệ quả là trí năng của chúng ta, hiểu theo nghĩa hẹp, được dành để đảm bảo rằng cơ thể chúng ta nhập một cách hoàn hảo vào môi trường của nó, để hình dung các tương quan của những vật bên ngoài với nhau, nói tóm lại, để suy nghĩ vật chất. Quả thật, đó sẽ là một trong những kết luận của tiểu luận này. Chúng ta sẽ thấy rằng trí năng con người cảm thấy được ở đúng chỗ của nó chừng nào người ta để chúng lại giữa các đối tượng trơ ì, đặc biệt vậy hơn nữa, giữa các vật rắn, nơi hành động của chúng ta tìm được điểm tựa còn công nghiệp của chúng ta, [thì tìm được] những dụng cụ lao động, rằng các khái niệm của chúng ta được hình thành dựa trên hình ảnh các vật rắn, rằng logic của chúng ta chủ yếu là logic về các vật rắn, rằng, chính qua đó, trí năng của chúng ta giành thắng lợi trong kỷ hà học, nơi lộ ra mối quan hệ họ hàng giữa suy nghĩ logic và vật chất trơ ì, và là nơi trí năng chỉ cần làm một việc: đi theo chuyển động tự nhiên của nó, sau tiếp xúc nhẹ nhất có thể có với kinh nghiệm, là đã có thể đi từ khám phá này sang khám phá khác với sự chắc chắn rằng kinh nghiệm bước đi đằng sau nó và sẽ, chẳng bao giờ khác, cho thấy nó đúng.

Nhưng từ đó hẳn cũng có kết quả, suy nghĩ của chúng ta, dưới hình thức thuần túy logic của nó, không có khả năng hình dung bản tính đích thực của sự sống, biểu nghĩa sâu của chuyển động tiến hóa. Được tạo ra bởi sự sống, trong các hoàn cảnh xác định, nhằm tác động lên các vật xác định, làm thế nào mà nó có thể bao quát sự sống, mà nó chỉ là một biểu lộ hay một khía cạnh? Được chuyển động tiến hóa đặt ở đó trên đường đi, làm thế nào mà nó có thể được áp dụng dọc theo bản thân chuyển động tiến hóa? Như vậy thì quá bằng nói rằng bộ phận bằng tổng thể, kết quả lại có thể thu nhiếp vào trong nó nguyên nhân của nó, hay hòn sỏi được đặt lên bãi biển vẽ nên hình của cơn sóng đưa nó đến. Đúng thế, chúng ta cảm thấy rõ rằng không phạm trù nào của suy nghĩ chúng ta, nhất thể, nhân bội, nhân quả máy móc, tính mục đích của trí năng, v.v… có thể được áp dụng một cách chính xác vào các vật của sự sống: ai sẽ nói được nơi nào khởi đầu và nơi nào thì kết thúc cá nhân tính, sinh vật sống là một hay nhiều, các tế bào kết hợp lại thành cơ thể hay cơ thể tan rã ra thành các tế bào? Chỉ vô vọng mà thôi nếu chúng ta cứ cổ đẩy cái sống vào khuôn khổ này hay khuôn khổ kia của chúng ta. Mọi cái khuôn đều vỡ. Chúng quá hẹp, nhất là quá cứng đối với những gì mà chúng ta muốn đặt vào. Lập luận của chúng ta, vốn dĩ hết sức chắc chắn khi nó dịch chuyển xuyên qua các vật trơ ì, vả lại, cảm thấy khó ở trên địa hạt mới này. Hẳn người ta sẽ rất lúng túng nếu phải kể tên một khám phá sinh học chỉ dựa trên suy luận thuần túy. Và, thường xuyên hơn cả, khi kinh nghiệm rốt cuộc đã cho chúng ta thấy bằng cách nào mà sự sống tự thực hiện để có được một kết quả nào đó, thì chúng ta thấy rằng cách thức vận hành của nó lại chính là cái cách thức hẳn chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến.

Thế nhưng, triết học tiến hóa không do dự mở rộng ra tới các vật thuộc sự sống những phương cách giải thích từng thành công đối với vật chất thô. Nó đã khởi đầu bằng việc chỉ cho chúng ta thấy trong trí năng một hiệu ứng lô can của tiến hóa, một tia sáng, có lẽ chỉ là ngẫu nhĩ, rọi vào sự qua lại của các sinh vật sống trong cái đường thông chật hẹp được mở ra cho hành động của chúng: và thế là đột nhiên, quên biến mất những gì vừa nói với chúng ta, nó biến ngọn đèn lờ mờ sáng nơi tận đáy một hầm ngầm thành một Mặt Trời hẳn sẽ rọi sáng cho thế giới. Đầy quả cảm, nó tiến hành, chỉ với các lực của suy nghĩ thuộc khái niệm, cuộc tái xây dựng đầy lý tưởng mọi vật, luôn cả đến sự sống. Quả đúng là trên đường đi nó vấp phải những khó nhọc vô chừng, nó thấy logic của mình, nơi đây, tựu lại ở các mâu thuẫn thật lạ thường, tới nỗi rất mau chóng nó từ bỏ tham vọng đầu tiên. Không còn là bản thân thực tại, nó nói, mà nó sẽ tái cấu tạo, mà chỉ là một bắt chước cái thực, hay nói đúng hơn, một hình ảnh biểu tượng; yếu tính các vật vuột thoát khỏi chúng ta và sẽ luôn luôn vuột thoát khỏi chúng ta, chúng ta chuyển di giữa các quan hệ, cái tuyệt đối không thuộc về địa phận của chúng ta, chúng ta dừng bước trước Cái Không Biết Được. Nhưng đó, đối với trí năng con người, sau rất nhiều kiêu ngạo, thực sự là một nhún nhường quá mức. Nếu hình thức trí năng của sinh vật sống đã dần dà được tạo khuôn dựa trên những hành động và phản ứng qua lại của một số thực thể và môi trường vật chất của chúng, thì bằng cách nào nó lại không giao cho chúng ta một cái gì thuộc bản thân yếu tính từ đó các thực thể được làm ra? Hành động hẳn chẳng thể nào chuyển di trong cái phi thực. Một tinh thần được sinh ra để suy nghiệm hoặc để mơ, tôi có thể chấp nhận điều này, hẳn có thể ở lại bên ngoài so với thực tại, rằng tinh thần ấy bóp méo nó và chuyển hóa nó, có lẽ thậm chí còn tạo ra nó, như chúng ta tạo các hình tượng người và động vật mà trí tưởng tượng của chúng ta cắt ra từ đám mây trôi ngang qua. Nhưng một trí năng hướng về phía hành động sẽ tự tựu thành và về phía phản ứng sẽ tiếp nối, vào mọi thời điểm động chạm vào đối tượng của nó nhằm nhận được từ đó ấn tượng cơ động, là một trí năng chạm vào cái gì đó có tính cách tuyệt đối. Có bao giờ chăng, chúng ta nảy ra ý tưởng đặt thành nghi ngờ giá trị tuyệt đối kia của hiểu biết chúng ta, nếu triết học đã không chỉ cho chúng ta thấy suy nghiệm của chúng ta vấp vào những mâu thuẫn nào, rồi thì đưa tới những ngõ cụt nào? Nhưng những khó nhọc ấy, các mâu thuẫn ấy nảy sinh từ việc chúng ta áp dụng các hình thức quen thuộc của suy nghĩ chúng ta vào những đối tượng mà công nghiệp của chúng ta chẳng có chút liên quan nào và, do đó, là những thứ mà các khuôn của chúng ta không dự liệu. Hiểu biết thuộc trí năng, trong chừng mực có tương quan với một khía cạnh nào đó của vật chất trơ ì, ngược lại, phải bày cho chúng ta dấu trung thành của chúng, vì đã đúc khuôn đối tượng cụ thể đó. Nó chỉ trở nên tương đối nếu nó định, với tư cách chính nó, trình hiện sự sống cho chúng ta, tức là người thợ đúc khuôn đã lấy dấu.


Như vậy có phải là cần từ bỏ việc đào sâu bản tính sự sống? Có phải cần bấu víu vào trình hiện kiểu cơ học mà niệm năng sẽ luôn luôn cung cấp cho chúng ta, về nó, cái trình hiện nhất thiết có tính cách nhân tạo và biểu tượng, vì nó bó hẹp hoạt động tổng của sự sống vào hình thức của một hoạt động con người nào đó, thứ vốn dĩ chỉ là một biểu hiện một phần và cục bộ của sự sống, một hiệu ứng hay một thứ cặn của tiến trình sống?

Chắc sẽ phải vậy, nếu sự sống đã dùng tới mọi tiềm năng tâm thần mà nó sở hữu để tạo các niệm năng thuần, tức là nhằm tạo ra các nhà hình học. Nhưng đường của tiến hóa dẫn đến con người không phải đường duy nhất. Trên những con đường khác, phân tán, cũng đã phát triển các hình thức ý thức khác, chúng đã không biết cách tự giải thoát khỏi những bó buộc bên ngoài, cũng như tái chiếm hữu chính chúng, như trí năng con người từng làm, nhưng không phải vì thế mà chúng kém phần biểu đạt, cả chúng nữa, một cái gì đó nội tại và cốt yếu đối với chuyển động tiến hóa. Bằng cách xích chúng lại gần nhau, bằng cách sau đó khiến chúng hợp nhất được với trí năng, chẳng phải nếu vậy hẳn ta sẽ có được một ý thức cũng rộng như sự sống và có khả năng, bằng cách đột ngột quay trở ngược chống lại thúc đẩy của sự sống mà nó cảm thấy ở phía sau, đạt tới một viễn kiến hoàn toàn về sự sống, dẫu cho chắc hẳn cái đó chỉ thoáng qua rồi tan biến ngay?


Người ta sẽ nói rằng, kể cả vậy, chúng ta cũng không vượt qua được trí năng của chúng ta, bởi chính là vẫn với trí năng của chúng ta, thông qua trí năng của chúng ta, mà chúng ta nhìn các hình thức ý thức khác. Và chắc hẳn người ta đúng khi nói thế, nếu chúng ta là những trí năng thuần, nếu đã không còn lại, quanh suy nghĩ thuộc khái niệm và logic của chúng ta, một thứ mây mù mờ ảo, được tạo ra từ bản thân chất nhờ đó đã hình thành nên cái lõi sáng mà chúng ta gọi là trí năng. Ở đó có một số quyền năng bổ sung cho niệm năng, các quyền năng mà chúng ta chỉ có được một tình cảm rối bời chừng chúng ta còn bị giam kín bên trong chúng ta, nhưng chúng sẽ rực sáng lên và nổi rõ hẳn lên khi chúng tự thấy mình hoạt tác, có thể nói vậy, trong tiến hóa của tự nhiên. Bằng cách đó chúng sẽ biết đâu là nỗ lực cần phải thực hiện để tăng cường độ, và nhằm mở rộng theo đúng hướng của sự sống.


Ấy là để nói, lý thuyết hiểu biết [để có một trình bày tốt nhất, hết sức rực rỡ, về lý thuyết sự biết: cf. Habermas, Erkenntnis und Interesse] và lý thuyết sự sống đối với chúng tôi dường như không thể tách rời khỏi nhau. Một lý thuyết về sự sống không đi kèm với một phê phán về biết buộc lòng phải chấp nhận, đúng như chúng vốn có, các khái niệm mà niệm năng đặt vào tầm khống chế của nó: nó chỉ có thể nhốt kín các sự kiện, theo ý muốn hoặc bằng cưỡng ép, vào trong những khuôn khổ tồn tại sẵn mà nó coi như là chung quyết. Bằng cách ấy nó đạt tới một hệ biểu tượng thuận tiện, có lẽ thậm chí còn nhất thiết đối với khoa học thực chứng, nhưng không phải một viễn kiến trực tiếp về đối tượng của nó. Mặt khác, một lý thuyết hiểu biết không dịch chuyển trí năng vào tiến hóa chung của sự sống sẽ không dạy cho chúng ta cả bằng cách nào mà các khuôn của biết đã được tạo lập, lẫn bằng cách nào mà chúng ta có thể mở rộng chúng hay vượt qua chúng. Hai tìm hiểu đó, lý thuyết hiểu biết và lý thuyết sự sống, cần phải tụ vào với nhau và, nhờ một tiến trình vòng tròn, thúc đẩy lẫn nhau mãi không thôi.

Cùng nhau, chúng sẽ có thể giải quyết thông qua một phương pháp chắc chắn hơn, xích lại gần kinh nghiệm hơn, những vấn đề lớn mà triết học đặt ra. Bởi vì, nếu thành công trong công trình chung, chúng sẽ giúp chúng ta dự vào sự hình thành của trí năng và, qua đó, vào sự sinh thành của thứ vật chất mà trí năng của chúng ta vẽ ra cấu hình chung. Hẳn chúng sẽ đào tới tận gốc rễ của tự nhiên và tinh thần. Hẳn chúng sẽ đặt thay thế cho thuyết tiến hóa giả hiệu của Spencer [điểm hết sức quan trọng] - nghĩa là cắt thực tại hiện có, đã tiến hóa, thành các mẩu nhỏ cũng đã không kém phần tiến hóa, rồi dùng những mảnh ấy ghép lại nó, và như thế đồng nghĩa với đặt ra từ trước mọi thứ gì cần giải thích - một thuyết tiến hóa đúng, nơi thực tại sẽ được dõi theo trong sự sinh ra và tăng trưởng của nó.

Nhưng một triết học thuộc loại này sẽ không được thực hiện trong vòng một ngày. Khác với các hệ thống đúng nghĩa, trong đó mỗi hệ thống là sản phẩm của một con người thiên tài và bày ra như một khối, để nhận lấy hay để bỏ đi, nó sẽ chỉ có thể được tạo lập nhờ nỗ lực tập thể và dần dà của nhiều nhà tư tưởng, cả của nhiều nhà quan sát nữa, hoàn chỉnh lẫn nhau, sửa chữa lẫn nhau, điều chỉnh lẫn nhau. Vậy nên tiểu luận này không hướng đến việc giải quyết xong luôn những vấn đề lớn nhất. Nó chỉ muốn định nghĩa phương pháp và cho phép thoáng nhìn thấy, trên vài điểm cốt yếu, khả năng áp dụng nó.

Lược đồ của nó đã được vạch ra bởi bản thân chủ đề. Ở chương đầu, chúng tôi ướm thử lên tiến trình của tiến hóa hai bộ quần áo may sẵn mà niệm năng của chúng ta sở hữu, máy móc và tính mục đích [chú thích trong sách: “Vả lại ý theo đó cần nhìn nhận sự sống như là siêu vượt tính mục đích cũng như máy móc còn xa mới là một ý mới mẻ. Đặc biệt, ta sẽ thấy nó được trình bày hết sức sâu sắc trong ba bài báo của ông Ch. Dunan về Vấn đề sự sống (Revue philosophique,1892). Trong cuộc triển khai ý này, chúng tôi đã hơn một lần gặp gỡ với ông Dunan. Tuy nhiên những quan điểm mà chúng tôi trình bày về điểm này, cũng như về các vấn đề gắn liền với đó, cũng chính là những quan điểm mà chúng tôi từng viết ra, cách đây đã lâu, trong Tiểu luận về các dữ kiện tức thì của ý thức (Paris, 1889). Quả thật một trong các đối tượng chính của Tiểu luận ấy là chỉ ra rằng sự sống thuộc tâm lý vừa không phải nhất thể vừa không phải nhân bội, rằng nó siêu vượt cả cái máy móc lẫn cái trí năng, vì máy móc và mục đích luận chỉ có nghĩa ở nơi nào có “nhân bội rõ ràng”, “tính không gian”, và do đó là hợp quần của các phần có sẵn: “thời độ thực” vừa muốn nói lên sự liên tục không bị chia nhỏ vừa nói lên sáng tạo. Trong công trình này, chúng tôi áp dụng cùng các ý đó vào sự sống nói chung, vả lại bản thân nó được nhắm đến từ quan điểm tâm lý học.”]; chúng tôi sẽ chỉ ra rằng cả hai đều không vừa, nhưng một trong hai có thể được cắt lại, khâu lại và, dưới hình thức mới đó, đỡ tệ hại hơn cái còn lại. Để vượt qua quan điểm của niệm năng, chúng tôi cố gắng tái dựng, trong chương hai, các đường tiến hóa lớn mà sự sống đã băng qua bên cạnh đường đã dẫn tới trí năng con người. Như vậy trí năng được đặt lại về trong nguyên nhân khởi sinh của nó, và vấn đề lúc đó sẽ là nắm lấy chính nó và đi theo trong chuyển động của nó. Chính một nỗ lực thuộc dạng này là cái mà chúng tôi thử làm - rất không hoàn chỉnh - trong chương ba. Phần thứ tư và cũng là cuối cùng được dành để chứng tỏ bằng cách nào bản thân niệm năng của chúng ta, nhờ tuân theo một kỷ luật nhất định, lại có thể chuẩn bị một triết học vượt qua nó. Để như vậy, một cái nhìn vào lịch sử các hệ thống trở nên nhất thiết, cùng lúc với một phân tích về hai ảo tưởng lớn mà niệm năng con người thế nào cũng rơi vào ngay khi nó khởi sự suy tưởng về thực tại nói chung.






Chương 1

Về tiến hóa của sự sống. Máy móc và tính mục đích


Tồn tại mà chúng ta được chắc chắn hơn cả và chúng ta cũng biết rõ nhất, không cần bàn cãi, là tồn tại của chúng ta, vì về mọi đối tượng khác chúng ta đều có các ý niệm có thể coi là bên ngoài và hời hợt, trong khi chúng ta tự tri nhận chính mình ở bên trong, sâu sắc. Khi ấy chúng ta nhận ra những gì? Đâu là, trong trường hợp được ưu tiên đó, nghĩa cụ thể của từ “tồn tại” [động từ]? Ở đây chúng ta hãy nhắc lại, thật ngắn gọn, các kết luận từ một công trình trước đây.

Trước hết tôi nhận thấy rằng tôi chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Tôi nóng hay tôi lạnh, tôi vui hay tôi buồn, tôi làm việc hay chẳng làm gì, tôi nhìn những gì bao quanh tôi hay tôi nghĩ đến một điều khác. Các cảm giác, tình cảm, ý muốn, hình dung, ấy là các biến đổi giữa đó tồn tại của tôi được phân bổ và cũng chính là những gì lần lượt tô màu cho nó. Như vậy tôi không ngừng thay đổi. Nhưng nói thế còn chưa đủ. Đổi thay còn ở mức triệt để hơn so với ban đầu người ta có thể nghĩ.

Quả thật tôi đang nói tới mỗi trạng thái của tôi như thể nó tạo thành một khối. Tôi nói rất rõ là tôi thay đổi, nhưng sự đổi thay đối với tôi có vẻ nằm trong sự chuyển từ một trạng thái sang trạng thái tiếp theo: mỗi trạng thái, tính riêng lẻ, tôi thích nghĩ rằng nó vẫn là nó trong suốt quãng thời gian có nó. Thế nhưng, chút nỗ lực về chú ý hẳn sẽ hé lộ cho tôi thấy là không có tình cảm, không có hình dung, không có ý muốn nào không tự biến đổi vào mọi thời điểm; nếu một trạng thái tâm hồn ngừng biến đổi, thời độ của nó sẽ ngừng chảy. Hãy thử lấy ví dụ trạng thái bên trong bền vững hơn cả, tri giác thuộc nhìn đối với một đối tượng bên ngoài bất động. Đối tượng có giữ y nguyên, tôi có nhìn nó từ cùng một phía, dưới cùng một góc, trong cùng mức ánh sáng: thì viễn kiến mà tôi đang có vẫn chẳng vì vậy mà không khác với viễn kiến mà tôi vừa có, dẫu chỉ là vì nó đã già đi thêm một giây phút. Ký ức của tôi ở đó, nó đẩy một cái gì của quá khứ kia vào hiện tại này. Trạng thái tâm hồn của tôi, trong lúc tiến lên trên con đường thời gian, liên tục phình lên vì cộng thêm thời độ mà nó thu nhặt được; có thể nói, nó tự tạo hòn tuyết lăn với chính nó. Sẽ càng là như vậy đối với những trạng thái ở bên trong sâu hơn, các cảm giác, tình cảm, ham muốn, v.v…, chúng không tương ứng, giống một tri giác thuộc nhìn đơn giản, với một đối tượng bên ngoài bất biến. Nhưng thật tiện khi không để ý tới sự thay đổi không ngừng đó, và chỉ nhận ra nó vào lúc nó trở nên đủ lớn để có thể in [tạo ấn tượng] vào cơ thể một thái độ [tư thế] mới, một hướng mới cho sự chú ý. Vào đúng thời điểm ấy người ta thấy rằng mình đã chuyển trạng thái. Sự thật nằm ở chỗ người ta thay đổi không ngừng nghỉ, và bản thân trạng thái đã thuộc về sự đổi thay.

Ấy là để nói không có khác biệt cốt yếu giữa chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác và trụ lại trong cùng trạng thái. Nếu trạng thái - “vẫn giữ nguyên” - biến động hơn mức người ta tưởng, thì ngược hẳn lại, sự chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác giống hơn mức người ta có thể hình dung với cùng vẫn trạng thái kéo dài; sự trung chuyển thì liên tục. Nhưng, chính bởi chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước biến đổi không ngừng của mỗi trạng thái tâm lý, chúng ta buộc, khi sự biến đổi đã trở nên đáng kể tới nỗi nó buộc chúng ta phải chú ý, nói như thể một trạng thái mới đã được đặt vào bên cạnh trạng thái trước đó. Về trạng thái trước đó chúng ta giả định là đến lượt nó cũng bất biến, và cứ thế mãi không thôi. Vẻ đứt đoạn bề ngoài của cuộc sống tâm lý, như vậy, là do sự chú ý của chúng ta đặt vào nó thông qua một chuỗi hành động đứt đoạn: nơi nào chỉ có một triền dốc thoải, chúng ta tưởng đâu mình thoáng thấy, khi đi theo đường gãy khúc các hành động thuộc chú ý của chúng ta, các bậc của một cầu thang. Quả đúng là cuộc sống tâm lý của chúng ta chứa đầy điều không được dự liệu. Cả nghìn biến cố xuất hiện, chúng như thể tách biệt với những gì ngay trước chúng, hoàn toàn không được gắn vào những gì tiếp sau chúng. Tuy nhiên, dẫu trông như là xuất hiện một cách đứt đoạn, thật ra chúng nổi lên từ sự liên tục của một cái nền nơi chúng được vẽ nên và cũng do cái nền đó mà chúng có những quãng cách tách biệt chúng với nhau: đó là các tiếng trống vang lên thảng hoặc trong bản giao hưởng. Sự chú ý của chúng ta nhắm vào chúng vì chúng khiến nó quan tâm hơn, nhưng cái nào trong số chúng cũng đều được chuyên chở bởi khối lỏng của toàn thể tồn tại tâm lý của chúng ta. Cái nào trong số chúng cũng đều chỉ là điểm được rọi sáng hơn cả của một vùng không ngớt chuyển động bao gồm mọi thứ gì chúng ta cảm thấy, nghĩ, muốn, tất tật những gì rốt cuộc chúng ta là vào một thời điểm nào đó. Chính toàn vùng này tạo lập, trên thực tế, trạng thái của chúng ta. Thế nhưng, các trạng thái được định nghĩa như vậy, có thể nói, không phải những yếu tố phân biệt rõ. Chúng liên tục nối nhau trong một dòng lưu không điểm kết.

Nhưng, vì sự chú ý của chúng ta đã phân biệt được chúng và tách chúng theo đường lối nhân tạo, nó buộc phải, sau đó, tập hợp chúng lại bằng một sợi dây nhân tạo. Bằng cách đó nó tưởng tượng ra một cái tôi vô định hình, hờ hững, bất biến, trên đó diễu qua hoặc xâu chuỗi với nhau các trạng thái tâm lý mà nó đã dựng thành những thực thể độc lập. Ở nơi có một dòng trôi chảy gồm các sắc thái thoáng qua trộn lẫn vào với nhau, nó lại nhìn thấy những màu tách biệt, và có thể nói là vững chắc, được đặt cạnh nhau giống các viên ngọc trai đa dạng của một chuỗi vòng: khi ấy nó buộc lòng phải đặt giả định là có một sợi chỉ, cũng không kém vững chắc, hầu giữ những viên ngọc lại với nhau. Nhưng nếu cái tầng nền không màu đó cứ không ngừng được tô màu bởi những gì phủ lên nó, thì đối với chúng ta nó, trong sự bất xác định của nó, như thể đã không tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta chỉ tri nhận được chính cái được tô màu, tức là các trạng thái tâm lý. Nói cho đúng, “tầng nền” đó không phải một thực tại; đó, đối với ý thức của chúng ta, là một ký hiệu đơn giản dành để không ngừng nhắc cho nó tính cách nhân tạo của thao tác nhờ đó sự chú ý đặt một trạng thái cạnh một trạng thái, ở nơi nào có một sự liên tục diễn ra. Nếu tồn tại của chúng ta được cấu thành từ các trạng thái tách biệt mà một “cái tôi” thản nhiên phải thực hiện sự tổng hợp, thì đối với chúng ta hẳn sẽ không có thời độ. Bởi một cái tôi không thay đổi thì không có thời độ, và một trạng thái tâm lý vẫn cứ giống hệt như chính nó chừng nào không được thay thế bằng trạng thái tiếp theo cũng không có thời độ nốt. Ngay khi đó, dẫu người ta có xếp thành hàng những trạng thái kia cạnh bên nhau trên “cái tôi” chống đỡ cho chúng, thì những cái rắn đó, được xâu chuỗi trên cái rắn, sẽ chẳng bao giờ làm được cho thời độ nhúc nhích. Sự thật nằm ở chỗ bằng cách ấy người ta đạt được một sự bắt chước có tính cách nhân tạo cuộc sống bên trong, một tương đương tĩnh sẽ thích hợp hơn cho các đòi hỏi của logic và ngôn ngữ, chính vì người ta loại bỏ thời gian thực đi khỏi đó. Nhưng về phần cuộc sống tâm lý, đúng như nó diễn ra dưới các biểu tượng phủ lên trên, chẳng khó khăn gì mà người ta không nhận ra rằng thời gian chính là chất tạo nên nó.

Vả lại không có chất nào bền hơn hay chính yếu hơn. Bởi thời độ của chúng ta không phải một thời điểm thế chỗ cho một thời điểm: nếu vậy hẳn sẽ luôn luôn chỉ có hiện tại, không có kéo dài của quá khứ vào lúc này, không có tiến hóa, không có thời độ cụ thể. Thời độ là tiến triển liên tục của quá khứ, nó gặm vào tương lai và nó cứ thế phồng to trong lúc tiến lên. Vì quá khứ không ngừng tăng, nó cũng được lưu giữ vô hạn định. Ký ức, như chúng tôi đã thử chứng minh [cf. Vật chất và ký ức], không phải một năng lực về sắp xếp các kỷ niệm vào một ngăn kéo hay viết chúng vào một quyển sổ. Không có sổ, không có ngăn kéo, thậm chí nói cho đúng ở đây còn không có năng lực,


[...] 






Chương 2

Các hướng phân tán của tiến hóa sự sống. Sự đờ đẫn, trí năng, bản năng


Chuyển động tiến hóa hẳn sẽ là chuyện đơn giản, hẳn chúng ta có thể mau chóng xác định hướng của nó, nếu như sự sống vẽ ra một quỹ đạo duy nhất, có thể so sánh với quỹ đạo của một quả đạn chứa đầy thuốc súng do một khẩu đại bác bắn đi. Nhưng ở đây chúng ta lại có một quả đạn obus đã ngay tức khắc nổ tung thành nhiều mảnh, chúng, vốn dĩ tự thân lại là các loại obus, đến lượt mình cũng lại nổ thành những mảnh rồi sẽ còn nổ tiếp, và cứ thế mãi rất lâu. Chúng ta chỉ tri nhận được những gì ở gần chúng ta hơn cả, các chuyển động tản mát của những miểng tung tóe. Chính khởi đi từ chúng mà chúng ta phải trở ngược, lần theo từng mức một, cho tới chuyển động uyên nguyên.

Khi quả đạn obus nổ, sự phân mảnh đặc thù của nó được giải thích vừa bằng lực chất nổ của thuốc súng mà nó chứa lại vừa bằng lực kháng cự của kim loại đối lại. Cũng vậy đối với sự phân mảnh của sự sống vào các cá nhân và các loài. Nó có nguyên do, chúng tôi nghĩ, từ hai loạt nguyên nhân: kháng cự mà sự sống cảm thấy từ phía vật chất trơ ì, và lực nổ - phát xuất từ một sự cân bằng không ổn định của các khuynh hướng - mà sự sống mang trong nó.

Kháng cự của vật chất trơ ì là trở ngại đã phải vượt qua trước hết. Dường như sự sống thành công trong điều này nhờ rất nhiều nhẫn nhục, tự biến mình trở nên rất nhỏ bé và rất giỏi len lỏi, uốn theo cùng các lực vật lý và hóa học, thậm chí đồng ý đi cùng chúng một đoạn đường, giống bộ ghi đường sắt khi trong một quãng thời gian nó chọn hướng của thanh ray mà nó muốn tách ra khỏi. Về các hiện tượng quan sát được nơi những hình thức sơ đẳng nhất của sự sống, ta không thể nói chúng vẫn còn tính cách vật lý và hóa học hay đã có tính cách sống. Sự sống đã phải bước vào những thói quen của vật chất trơ ì theo cách ấy, để rồi dần dà kéo thứ vật chất đã nhiễm từ tính đó sang một con đường khác. Các hình thức sống động từng xuất hiện trước hết, như vậy, có một sự đơn giản cực điểm. Chắc hẳn đó là những khối nhỏ nguyên sinh chất chỉ có chút phân dị, có thể so sánh ở bề ngoài với các a míp mà ngày nay chúng ta quan sát được, nhưng, thêm vào đó, với sự thúc đẩy to lớn bên trong rồi sẽ nâng chúng lên tới các hình thức cao hơn của sự sống. Việc nhờ vào sự thúc đẩy ấy mà các cơ thể đầu tiên đã tìm cách lớn lên hết mức, đối với chúng tôi là khả dĩ; nhưng vật chất có trật tự có một giới hạn về mở rộng rất sớm bị đạt đến. Nó phân chia thay vì tăng trưởng, khi vượt quá một điểm nào đó. Chắc hẳn đã phải cần đến nhiều thế kỷ nỗ lực và nhiều sự thần kỳ về tinh tế thì sự sống mới vượt qua được trở ngại mới ấy. Nó đã đạt được, từ một số lượng ngày càng tăng những yếu tố sẵn sàng phân chia, việc chúng được tập hợp với nhau. Nhờ phân công lao động nó kết được giữa chúng một dây liên hệ không thể chia cắt. Như vậy cơ thể phức tạp và gần như đứt đoạn vận hành chắc hẳn giống một khối sống liên tục, chỉ đơn giản là nó lớn lên.

Nhưng các nguyên nhân đích thực và sâu xa của phân chia là những nguyên nhân mà sự sống mang trong nó. Vì sự sống là khuynh hướng, và yếu tính của một khuynh hướng là phát triển theo hình thức chùm, tạo ra, chỉ thông qua độc sự kiện tăng trưởng của nó, các hướng phân tán giữa đó đà [“đà”: khái niệm lớn của Bergson; cũng cf. Gaston Bachelard] của nó sẽ được phân bổ. Đó là điều mà chúng ta quan sát thấy ở chính chúng ta trong tiến hóa của cái khuynh hướng đặc biệt mà chúng ta gọi là tính cách của mình. Mỗi người chúng ta, vào lúc có một cái nhìn hồi cố vào câu chuyện riêng, đều sẽ nhận thấy rằng nhân cách trẻ con của mình, dẫu không thể phân chia, từng hội tụ trong nó nhiều nhân vật đa dạng có thể tan ra và ở cùng nhau vì chúng ở vào trạng thái sinh ra: sự không quyết định chất chứa đầy lời hứa này thậm chí còn là một trong những sự quyến rũ lớn nhất của tuổi thơ. Nhưng các nhân cách trộn lẫn vào với nhau khi lớn lên trở nên không còn tương thích và, bởi mỗi người chúng ta chỉ sống một cuộc đời, anh ta buộc lòng phải lựa chọn. Trên thực tế chúng ta không ngừng chọn, và cũng không ngừng, chúng ta vứt bỏ nhiều thứ. Con đường mà chúng ta đi qua trong thời gian lỏng chỏng những phế tích của mọi thứ gì mà chúng ta từng khởi sự là, của mọi thứ gì lẽ ra chúng ta đã có thể trở thành. Nhưng tự nhiên, vốn dĩ có một số lượng không thể tính đếm những sự sống, chẳng hề bị ép buộc phải thực hiện các hy sinh tương tự. Nó lưu giữ những khuynh hướng đa dạng đã rẽ nhánh trong khi lớn lên. Nó tạo ra, với chúng, những chuỗi phân tán các loài sẽ tiến hóa tách khỏi nhau.

Vả lại, các chuỗi ấy sẽ có thể có tầm quan trọng không ngang nhau. Tác giả khởi sự viết một cuốn tiểu thuyết đặt vào nhân vật của mình rất nhiều điều rồi sẽ buộc phải chối bỏ trong lúc tiến lên. Có lẽ về sau anh ta sẽ dùng lại chúng trong những cuốn sách khác, nhằm với chúng tạo ra các nhân vật mới, họ sẽ hiện ra như những trích xuất hay nói đúng hơn như những bổ sung cho nhân vật đầu tiên; nhưng gần như luôn luôn, những nhân vật đó sẽ có một cái gì chật chội so với nhân vật nguyên ủy. Cũng vậy đối với tiến hóa của sự sống. Từng có, trong hành trình, rất nhiều rẽ nhánh, nhưng đã có nhiều ngõ cụt bên cạnh dăm ba đường lộ chính; và trong số bản thân những đường lộ ấy chỉ một, con đường đi lên dọc theo ngành Có Xương Sống cho đến con người, đủ rộng cho hơi thở lớn của sự sống có thể thoải mái đi qua. Chúng ta có cảm giác đó khi so sánh xã hội loài ong hay loài kiến, chẳng hạn, với các xã hội loài người. Loại xã hội thứ nhất có kỷ luật và được thống nhất một cách đáng ngưỡng mộ, nhưng bị cứng đờ lại; loại thứ hai mở ra cho mọi tiến bộ, nhưng bị chia nhỏ, và ở trong cuộc tranh đấu không ngừng nghỉ với chính chúng. Hẳn lý tưởng là một xã hội lúc nào cũng trên đà tiến và lúc nào cũng ở thế cân bằng, nhưng có lẽ lý tưởng đó không thể trở thành hiện thực: hai tính cách hẳn muốn hoàn chỉnh lẫn nhau, thậm chí hoàn chỉnh lẫn nhau được ở trạng thái phôi thai, lại trở nên không tương thích khi đã mạnh hơn. Nếu có thể nói, theo cách khác chứ không phải ẩn dụ, về một xung lực cho sự sống xã hội, thì chắc hẳn phải nói rằng phần lớn của xung lực đã ở trên con đường tiến hóa dẫn tới con người, và phần còn lại đã được đón nhận trên con đường dẫn sang Bộ Cánh Màng: xã hội kiến và ong bằng cách ấy hẳn bày ra khía cạnh bổ sung cho các xã hội chúng ta. Nhưng hẳn đó chỉ là một cách diễn đạt. Đã không có xung lực đặc biệt cho cuộc sống xã hội. Chỉ đơn giản là có chuyển động chung của sự sống, nó tạo ra, trên những đường phân tán, các hình thức lúc nào cũng mới. Nếu đã có các xã hội hiện ra trên hai trong số các đường đó, chúng sẽ phải biểu lộ sự phân tán của các con đường cùng lúc với sự cộng đồng của đà. Bằng cách đó chúng sẽ phát triển hai chuỗi tính cách, mà chúng ta sẽ mơ hồ thấy bổ sung cho nhau.

Như vậy nghiên cứu chuyển động tiến hóa sẽ đồng nghĩa với việc gỡ ra một số hướng phân tán, với nhìn nhận tầm quan trọng của những gì từng xảy ra trên mỗi hướng trong đó, nói ngắn gọn là xác định bản tính những khuynh hướng tách rời và ước định tỉ lệ của chúng. Khi đó, nếu kết hợp các khuynh hướng ấy lại, ta sẽ có được một xấp xỉ hay nói đúng hơn một bắt chước nguyên tắc động cơ vô hình từ đó đà của chúng đã khởi phát. Ấy là để nói, ta sẽ thấy trong tiến hóa một điều hoàn toàn khác so với một chuỗi thích nghi với hoàn cảnh, như sự máy móc muốn, cũng là một điều hoàn toàn khác so với hiện thực hóa một kế hoạch tổng thể, như học thuyết về tính mục đích hẳn muốn.

Việc điều kiện cần của tiến hóa là thích nghi với môi trường, chúng tôi không hề phản đối. Quá hiển nhiên rằng một loài biến mất khi nó không uốn theo được các điều kiện tồn tại đã được tạo ra cho nó. Nhưng công nhận hoàn cảnh bên ngoài là các lực mà tiến hóa phải tính đến là một điều, cho rằng chúng là những nguyên nhân trực tiếp của tiến hóa lại là một điều khác. Luận đề vừa xong là luận đề của máy móc. Nó tuyệt đối loại trừ giả thuyết về một đà nguyên ủy, tôi muốn nói một sự thúc đẩy bên trong hẳn mang trên nó sự sống, do các hình thức càng ngày càng phức tạp, đến với những số phận mỗi lúc một cao thêm. Thế nhưng cái đà ấy hiển hiện, và chỉ cần liếc mắt nhìn các loài hóa thạch chúng ta đã thấy rằng hẳn sự sống đã có thể không tiến hóa, hoặc chỉ tiến hóa trong các giới hạn rất hẹp, nếu nó nhất định chọn, vậy thì tiện hơn cho nó nhiều, đông cứng lại trong những hình thức nguyên thủy của nó. […]

Sự thật là, thích nghi giải thích được cho những khúc khuỷu của chuyển động tiến hóa, nhưng không phải các hướng chung của chuyển động, bản thân chuyển động thì lại càng ít hơn [chú thích trong sách: “Quan điểm về thích nghi này đã được ông F. Marin chỉ ra trong một bài báo rất đáng quan tâm về Nguồn gốc các loài (Revue scientifique, tháng Mười một 1901, tr. 580)”]. Con đường dẫn đến thành phố buộc lòng phải lên dốc xuống đèo, nó thích nghi với các trắc trở của địa hình; nhưng các trắc trở của địa hình không phải nguyên nhân của con đường và cũng đã không định hướng đi cho nó. Vào mọi lúc chúng cung cấp cho nó cái thiết yếu, chính nền đất trên đó nó được đặt; nhưng nếu ta nhìn nhận toàn thể con đường chứ không phải các phần của nó, các trắc trở địa hình chỉ còn hiện ra như là những ngáng trở hay nguyên do gây chậm trễ, vì con đường, rất đơn giản, nhắm đến thành phố và hẳn muốn là một đường thẳng. Cũng vậy đối với tiến hóa của sự sống và đối với các hoàn cảnh mà nó băng ngang, tuy nhiên với khác biệt sau đây, rằng tiến hóa không vẽ ra một con đường duy nhất, nó tỏa ra các hướng mà tuy nhiên không nhắm tới những cái đích và, nói tóm lại, nó vẫn giàu tính sáng tạo ngay cả trong các thích nghi của nó.

Nhưng, nếu tiến hóa của sự sống là cái gì khác ngoài một chuỗi thích nghi với các hoàn cảnh ngẫu nhĩ, thì nó vẫn - càng hơn thế - không phải là sự hiện thực hóa của một kế hoạch. Một kế hoạch thì được cho trước. Nó được trình hiện, hay ít nhất là có thể trình hiện, trước những chi tiết sự hiện thực hóa nó. Sự thực thi đầy đủ của nó có thể bị đẩy vào một tương lai xa, thậm chí bị đẩy lùi đến bất định: không vì thế mà cái ý đó trở nên không thể phát biểu, ngay lúc này, bằng các từ ngữ có sẵn. Ngược lại, nếu tiến hóa là một sự sáng tạo không ngừng được đổi mới, thì nó dần dà tạo ra, không chỉ các hình thức của sự sống, mà còn cả các ý hẳn sẽ cho phép một trí năng hiểu được nó, những từ ngữ hẳn dùng được để diễn tả nó. Ấy là để nói, tương lai của nó tràn ra khỏi hiện tại của nó và hẳn không thể được vẽ ra ở đó bằng một ý.

Chỗ này là nhầm lẫn đầu tiên của thuyết mục đích. Nó kéo theo một nhầm lẫn nữa, còn trầm trọng hơn.

Nếu sự sống hiện thực hóa một kế hoạch, thì nó sẽ phải biểu lộ một sự hài hòa cao hơn chừng nào đã đi được xa hơn. Giống như, ngôi nhà mỗi lúc một họa ra rõ thêm ý của kiến trúc sư, khi mà các viên đá chồng lên các viên đá. Ngược lại, nếu nhất thể của sự sống nằm cả trong đà đẩy nó trên con đường lộ thời gian, thì sự hài hòa không nằm ở phía trước, mà phía sau. Nhất thể phát xuất từ một vis a tergo: nó được cung cấp ở khởi đầu như một xung lực, nó không được đặt ở tận cuối như một sức hút. Đà mỗi lúc một phân chia nhiều hơn, thông qua truyền giao. Sự sống, theo tiến bộ của nó, tản mát thành các biểu hiện chắc hẳn sẽ phải, vì cộng đồng nguyên ủy của chúng, có tính cách bổ sung lẫn nhau dưới một số khía cạnh, nhưng không vì thế mà kém phần đối nghịch và thiếu tương thích với nhau. Như vậy sự thiếu hài hòa giữa các loài sẽ càng lúc càng mạnh thêm. Thêm nữa, cho tới lúc này chúng tôi mới chỉ ra nguyên nhân cốt yếu của điều đó. Chúng tôi đã giả định, nhằm đơn giản hóa, rằng mỗi loài từng chấp nhận xung lực nhận được để rồi truyền nó lại cho những loài khác và, trong mọi hướng sự sống tiến hóa, sự truyền rộng được thực thi theo đường thẳng. Đúng ra, có các loài dừng lại, cũng có các loài đi trở ngược. Tiến hóa không chỉ là một chuyển động về phía trước; trong nhiều trường hợp người ta nhận thấy một sự giậm chân tại chỗ, và còn thường xuyên hơn nữa, một chệch lối hoặc trở ngược về sau. Cần phải vậy, như chúng tôi sẽ chứng minh ở đoạn sau, và cùng những nguyên nhân, thứ định nhịp cho chuyển động tiến hóa, làm cho sự sống, trong khi tiến hóa, hay tự lãng trí khỏi chính nó, bị thôi miên vào hình thức mà nó vừa tạo ra. Nhưng từ đó có hệ quả là một sự mất trật tự tăng dần. Chắc hẳn là có tiến bộ, nếu ta hiểu tiến bộ là một bước tiến liên tục theo hướng chung mà một xung lực đầu tiên sẽ định ra, nhưng tiến bộ ấy chỉ được thành tựu trên dăm ba đường tiến hóa lớn nơi được vẽ ra những hình thức mỗi lúc một thêm phức tạp, càng ngày càng cao hơn: giữa các đường đó có cả đống đường phụ nơi, ngược lại, nhân rộng những chệch lối, những ngừng lại và những trở lùi. Triết gia, người đã khởi sự bằng cách đặt thành nguyên tắc rằng chi tiết nào cũng gắn vào với một kế hoạch tổng, đi từ thất vọng này sang thất vọng khác, cái ngày anh ta bắt tay kiểm tra các sự kiện; và bởi anh ta đã đặt mọi thứ vào cùng một hàng, giờ đây, vì đã không muốn tính đến ngẫu nhĩ, anh ta đâm ra tưởng đâu rằng mọi thứ đều là ngẫu nhĩ. Ngược lại, cần phải bắt đầu bằng cách tính tới ngẫu nhĩ, vốn dĩ rất lớn. Cần phải công nhận rằng trong tự nhiên đâu phải mọi thứ đều tương hợp. Qua đó ta sẽ được dẫn tới chỗ xác định những trung tâm quanh đó sự bất tương hợp kết tinh lại. Và chính sự kết tinh ấy sẽ làm sáng tỏ phần còn lại: các hướng lớn sẽ hiện ra, ở đó sự sống dịch chuyển bằng cách phát triển xung lực nguyên ủy. Thì đúng, ta sẽ không dự phần vào sự tựu thành chi tiết của một kế hoạch. Ở đây có nhiều hơn, tốt hơn, so với một kế hoạch được hiện thực hóa. Một kế hoạch là một hạn định được chỉ ra cho một công việc: nó đóng lại tương lai mà nó họa nên hình dáng. Ngược lại, trước tiến hóa của sự sống, những cánh cửa của tương lai vẫn mở rộng. Đó là một sự sáng tạo cứ tiếp nối không điểm kết nương theo một chuyển động khởi nguyên. Chuyển động đó tạo nên nhất thể thế giới có trật tự, nhất thể giàu sinh sôi, với một sự phong phú bất tận, cao hơn so với những gì bất cứ trí năng nào có thể mơ, vì trí năng chỉ là một trong các khía cạnh hay sản phẩm của nó.

Nhưng định nghĩa phương pháp thì dễ hơn là áp dụng nó. Diễn giải đầy đủ chuyển động tiến hóa trong quá khứ, đúng như chúng ta hình dung, hẳn sẽ chỉ khả dĩ nếu lịch sử thế giới có trật tự đã được biết rõ. Chúng ta còn ở xa một kết quả như vậy. Những phả hệ mà người ta đề xuất cho các loài đa dạng, thường xuyên hơn cả, đặt ra vấn đề. Chúng biến đổi với các tác giả, với những cái nhìn lý thuyết mà chúng nhận cảm hứng, và làm dậy lên các cuộc tranh luận mà tình trạng khoa học hiện tại không cho phép giải quyết. Nhưng, bằng cách so sánh nhiều giải pháp đa dạng với nhau, ta sẽ thấy rằng cuộc tranh cãi nhằm vào chi tiết thì nhiều hơn là vào những đường lớn. Như vậy, đi theo các đường lớn chặt chẽ hết mức, chúng ta sẽ có thể chắc chắn sẽ không bị lạc. Vả lại chỉ chúng mới quan trọng đối với chúng tôi, vì chúng tôi không nhắm đến, giống nhà tự nhiên học, việc tìm lại trật tự sự nối tiếp các loài khác nhau, mà chỉ đến chuyện định nghĩa các hướng chính yếu trong tiến hóa của chúng. Thêm nữa đối với chúng tôi không phải tất cả những hướng ấy đều khiến quan tâm giống nhau: chúng tôi sẽ chỉ đặc biệt quan tâm tới con đường dẫn đến con người. Như vậy chúng tôi sẽ không để mất hút, khi đi theo những đường này hay đường kia, rằng vấn đề chủ yếu nằm ở chỗ xác định tương quan của con người với tổng thể giới động vật, và vị trí của bản thân giới động vật trong tổng thể của thế giới có trật tự.

Để khởi đầu bằng điểm thứ hai, hãy nói rằng không có tính cách cụ thể nào phân biệt cây với động vật [lược một đoạn: ở đây về cơ bản Bergson nhắc lại lý thuyết của các nhà tự nhiên học, trong đó cốt yếu nằm ở chỗ, khác với lương tri tưởng, động vật không được đặc trưng hóa bởi sự chuyển động, thực vật không được đặc trưng hóa bởi sự bất động; quả thật, có vô số động vật bất động và vô số thực vật chuyển động; khác biệt giữa động vật và thực vật chỉ nằm ở hình thức dinh dưỡng, một bên trực tiếp, một bên qua trung gian; Bergson cũng nhắc lại không ít phân tích của Darwin trong Nguồn gốc các loài, nhất là miêu tả hoa ăn thịt và cây leo]

Giờ đây, việc tế bào động vật và tế bào thực vật phái sinh từ một nguồn chung, việc những cơ thể sống đầu tiên từng chao đảo giữa hình thức thực vật và hình thức động vật, cùng lúc dự vào cả hai bên, đối với chúng tôi không còn phải nghi ngờ gì nữa. Quả thật, chúng ta vừa thấy rằng các khuynh hướng đặc trưng cho tiến hóa của hai giới, dẫu phân tán, đến ngày nay vẫn còn cùng tồn tại, cả ở cái cây lẫn con thú. Chỉ tỉ lệ là khác nhau. Thường thì, một trong hai khuynh hướng trùm lên hay đè bẹp khuynh hướng còn lại, nhưng, nơi những hoàn cảnh ngoại lệ, khuynh hướng kia thoát ra và tái chiếm hữu vị trí đã mất. Sự cơ động và ý thức của tế bào thực vật không ngủ say đến độ không thể thức dậy chừng nào hoàn cảnh cho phép hoặc đòi hỏi. Và, mặt khác, tiến hóa của giới động vật đã không ngừng bị chậm trễ, hoặc ngừng lại, hoặc bị kéo về phía sau bởi khuynh hướng mà nó vẫn còn lưu giữ từ cuộc sống thực vật.

[…]

Cái nhìn đầu tiên vào thế giới có trật tự đó sẽ cho phép chúng ta xác định bằng từ ngữ cụ thể hơn những gì tập hợp hai giới lại, cũng như những gì phân tách chúng.

Ta hãy đặt giả định, như chúng tôi từng khiến thoáng nhìn thấy ở chương trước, rằng nơi đáy của sự sống có một nỗ lực nhằm ghép, lên tất yếu của các lực vật lý, một lượng lớn hết mức sự không xác định. Nỗ lực ấy không thể dẫn tới chỗ tạo ra năng lượng, hoặc, nếu có tạo ra, số lượng được tạo không thuộc vào trật tự độ lớn có thể nắm bắt bởi các quan năng và dụng cụ đo lường của chúng ta, kinh nghiệm và khoa học của chúng ta. Như vậy mọi chuyện sẽ diễn ra như thể nỗ lực chỉ đơn giản nhằm đến việc dùng theo lối tốt nhất một năng lượng có sẵn từ trước, mà nó thấy mình có được. Nó chỉ có một cách để thành công: giành lấy từ vật chất một sự tích tụ năng lượng tiềm năng sao cho nó có thể, vào một thời điểm nhất định, thông qua một cú bấm nút, giành lấy lao động mà nó cần để hành động. Bản thân nó chỉ sở hữu quyền năng bấm nút đó mà thôi. Nhưng công việc của bấm nút [khởi phát, khởi động], dẫu lúc nào cũng y nguyên và lúc nào cũng nhỏ hơn so với bất kỳ số lượng được cho trước nào, sẽ càng hiệu quả hơn nếu nó làm rơi từ cao hơn một trọng lượng lớn hơn, hoặc, nói cách khác, nếu tổng năng lượng tiềm năng được tích tụ và có được càng lớn hơn. Quả thật, nguồn chính của năng lượng có thể sử dụng trên bề mặt hành tinh chúng ta là Mặt Trời. Như vậy vấn đề từng là vấn đề sau đây: giành được từ Mặt Trời chuyện đây đó, trên bề mặt trái đất, nó tạm ngưng một phần và tạm thời sự tiêu tốn không ngừng năng lượng có thể sử dụng của nó, rồi trữ lại một lượng nhất định, dưới hình thức năng lượng còn chưa sử dụng, trong các kho chứa thích hợp, từ đó nó có thể tuôn ra vào thời điểm mong muốn, tại địa điểm mong muốn, theo hướng mong muốn. Những chất mà con thú ăn vào chính là các kho chứa thuộc loại này. Được tạo nên từ các phân tử hết sức phức tạp chứa đựng, ở trạng thái tiềm năng, một tổng năng lượng hóa học lớn, chúng tạo lập các loại chất nổ, chỉ chờ một tia lửa là sẽ thả tự do cho lực đã được trữ. Giờ đây, có khả năng sự sống từng trước hết hướng tới chỗ, cùng lúc, cả việc sản xuất ra chất nổ lẫn vụ nổ sử dụng nó. Trong trường hợp ấy, cùng cơ thể đã trữ được theo lối trực tiếp năng lượng từ sự phát xạ của mặt trời sẽ có thể tiêu nó đi vào những chuyển động tự do trong không gian. Và chính vì thế chúng ta phải coi rằng những sinh vật sống đầu tiên đã tìm cách, một mặt là tích tụ không ngưng nghỉ năng lượng mượn từ Mặt Trời và, mặt khác, tiêu tốn nó đi theo một cách thức đứt đoạn và có tính cách bùng nổ thông qua các chuyển động của vận động [ta gặp ở đây một từ đặc biệt thông dụng trong triết học cổ điển: “locomotion”]  […] Sự phát triển phân tán của hai giới có tương ứng với cái mà ta hẳn có thể gọi theo lối ẩn dụ là sự quên mất, bởi mỗi giới, một trong hai nửa của chương trình? Hoặc giả, điều này có lẽ đúng hơn, bản thân bản tính của vật chất mà sự sống từng thấy ở trước nó trên hành tinh của chúng ta đối lập với chuyện hai khuynh hướng có thể tiến hóa cùng nhau thật xa trong cùng một cơ thể? Điều chắc chắn nằm ở chỗ thực vật đã chủ yếu dựa vào hướng thứ nhất và động vật, vào hướng thứ hai. Nhưng nếu, ngay ở khởi đầu, sự sản xuất chất nổ có mục đích là vụ nổ, thì chính tiến hóa của động vật, hơn nhiều so với tiến hóa của thực vật, nhìn chung chỉ ra hướng nền tảng của sự sống.

Như vậy nói ngắn gọn, “sự hài hòa” của hai giới, các tính cách bổ sung mà chúng bày ra hẳn bắt nguồn từ chuyện chúng phát triển hai khuynh hướng thoạt tiên hòa trộn vào một. Khuynh hướng nguyên ủy và duy nhất càng lớn lên, nó càng thấy khó mà giữ cho hội tụ trong cùng sinh vật sống hai yếu tố từng, ở trạng thái sơ khai, ngụ vào nhau. Từ đó mà có một sự chia đôi, từ đó mà có hai tiến hóa phân tán; cũng từ đó mà có hai chuỗi tính cách đối lập nhau nơi một số điểm, hoàn chỉnh lẫn nhau trên một số điểm khác, nhưng chúng, hoặc hoàn chỉnh lẫn nhau hoặc đối lập với nhau, luôn luôn lưu giữ giữa chúng một dáng vẻ quan hệ họ hàng. Trong khi con thú từng tiến hóa, chẳng phải là không với nhiều biến cố, dọc theo đường lộ, về phía một sự tiêu tốn mỗi lúc một tự do hơn của năng lượng đứt đoạn, cái cây lại hoàn chỉnh dần hệ thống tích tụ của nó, tại chỗ. Chúng tôi sẽ không nhấn mạnh vào điểm thứ hai này. Chúng tôi thấy là đủ khi nói rằng cái cây hẳn đã được phục vụ rất nhiều, đến lượt nó, bởi một sự chia đôi mới, tương tự với sự chia đôi từng xảy ra giữa các cây và những con thú […] ta có thể nói rằng các vi khuẩn trong đất, các thực vật và động vật bày cho chúng ta sự phân tích, được tiến hành bởi vật chất mà sự sống từng có được trên hành tinh của chúng ta, đối với mọi thứ gì mà sự sống từng trước hết chứa đựng ở tình trạng ngụ lẫn vào nhau. Có phải, nói cho đúng, đó là một “phân công lao động”? Hẳn cụm từ đó không mang tới một ý chính xác về tiến hóa, đúng như chúng ta hình dung về nó. Nơi nào có phân công lao động, thì có kết hợp và cũng có hội tụ nỗ lực. Ngược lại, tiến hóa mà chúng tôi đang nói đến không bao giờ được tựu thành trong hướng của một kết hợp, mà của một phân ly, không bao giờ về phía hội tụ, mà về phía phân ly những nỗ lực. Sự hài hòa giữa các vế bổ sung cho nhau trên một số điểm, theo chúng tôi, không xảy ra trên đường đi nhờ một thích nghi qua lại: ngược lại nó chỉ là hoàn toàn ở điểm xuất phát. Nó phái sinh từ một sự giống nguyên ủy [ban đầu giống nhau hết, identité/identity]. Nó phát xuất từ chuyện tiến trình tiến hóa, vốn dĩ từng bừng nở ở hình thức chùm, tách rời khỏi nhau, theo chiều tăng trưởng đồng loạt của chúng, các vế ban đầu có tính chất bổ sung lớn đến nỗi từng trộn lẫn vào với nhau.

Vả lại, không có chuyện những yếu tố nơi một khuynh hướng phân ly đều có cùng tầm quan trọng, và nhất là cùng sức mạnh tiến hóa. Chúng tôi vừa phân biệt ba giới khác nhau, nếu ta có thể diễn đạt như vậy, trong thế giới có trật tự. Trong khi giới thứ nhất chỉ gồm các vi sinh vật vẫn ở lại trong trạng thái sơ khai, động vật và thực vật đã vọt lên về phía những vận mệnh rất cao. Thế nhưng, ở đây chính là một sự kiện vẫn thường xảy ra khi một khuynh hướng phân ra. Trong số các phát triển phân tán mà nó làm nảy sinh, một số tiếp tục vô chừng, một số khác lại ít nhiều mau chóng đi đến kịch điểm. Những phát triển vừa nói không thoát thai một cách trực tiếp từ khuynh hướng nguyên thủy, mà từ một trong các yếu tố nơi nó đã phân ra: đó là các phát triển thuộc dạng cặn, được thực thi và bị bỏ lại trên đường đi bởi một khuynh hướng nào đó thực sự sơ đẳng, còn nó thì vẫn tiếp tục tiến hóa. Về phần các khuynh hướng thực sự sơ đẳng ấy, chúng tôi cho rằng chúng mang một dấu ấn nhờ đó ta nhận được ra chúng.

Dấu ấn đó giống như dấu vết, vẫn còn hiển hiện ở mỗi cái trong số chúng, từ những gì khuynh hướng uyên nguyên từng chứa đựng, mà chúng trình hiện các hướng sơ đẳng. Những yếu tố của một khuynh hướng thì không giống, quả thật, với các đối tượng đặt cạnh nhau trong không gian và có tính cách chuyên nhất trong tương quan với nhau, mà đúng hơn, giống những trạng thái tâm lý, trong đó mỗi cái, dẫu thoạt tiên là bản thân nó, vẫn dự phần vào các trạng thái khác và bằng cách ấy chứa trong nó theo lối tiềm tàng toàn bộ nhân cách mà nó thuộc về. Không có biểu hiện cốt yếu nào của sự sống, chúng tôi từng nói, không bày cho chúng ta, ở tình trạng sơ khai hay tiềm ẩn, các tính cách của những biểu hiện khác. Ngược lại, khi chúng ta gặp trên một đường tiến hóa kỷ niệm, có thể nói vậy, của những gì đang phát triển dọc theo các đường khác, chúng ta phải kết luận rằng mình đang đối mặt với các yếu tố đã phân ly của cùng một khuynh hướng uyên nguyên. Theo nghĩa này, rõ là thực vật và động vật đại diện cho hai phát triển lớn phân tán của sự sống. Tuy cái cây được phân biệt với con thú bằng sự đứng yên và không cảm giác, nhưng chuyển động và ý thức vẫn ngủ thiếp bên trong nó như những kỷ niệm có thể tỉnh dậy. Vả lại, bên cạnh các kỷ niệm thông thường thiếp ngủ ấy, có những kỷ niệm thức và hoạt động. Đó là những kỷ niệm mà hành động không gây phiền hà cho phát triển của bản thân khuynh hướng sơ đẳng. Hẳn ta có thể phát biểu luật sau đây: Khi một khuynh hướng tự phân ly trong lúc phát triển, mỗi khuynh hướng cá biệt sinh ra bằng cách đó hẳn muốn lưu giữ và phát triển, từ khuynh hướng nguyên thủy, mọi thứ gì không bất tương thích với lao động mà nó được chuyên môn hóa. Qua đó hẳn có thể giải thích chính sự kiện mà chúng tôi đã nhấn rất mạnh ở chương trước, sự hình thành các cơ chế phức tạp giống nhau trên các đường tiến hóa độc lập. Một số tương tự ở mức sâu giữa thực vật và động vật có khả năng không có nguyên nhân nào khác: sự sinh sản theo giới tính có lẽ chỉ là một sự xa xỉ đối với cái cây, nhưng đối với con thú như vậy là nhất thiết, và chắc hẳn ở cái cây điều đó đã nảy sinh bởi cùng cái đà thúc đẩy con thú tới đó, đà nguyên thủy, uyên nguyên, có trước sự chia đôi thành hai giới. Chúng tôi cũng sẽ nói như vậy về khuynh hướng của thực vật vươn tới một sự phức tạp ngày càng tăng. Khuynh hướng này là cốt yếu đối với giới động vật, bị thôi thúc rất mạnh bởi nhu cầu hành động mỗi lúc một thêm rộng, mỗi lúc một hiệu quả hơn. Nhưng các loài thực vật, vốn dĩ đã bị kết án không có cảm giác và bất động, chỉ bày ra cùng khuynh hướng ấy vì chúng từng nhận ở khởi đầu cùng xung lực.

[…]

Không được quên rằng lực tiến hóa xuyên qua thế giới có trật tự là một lực bị giới hạn, nó luôn luôn tìm cách vượt qua chính nó, và luôn luôn vẫn không tương hợp với sản phẩm mà nó tìm cách tạo ra. Từ sự thiếu thấu hiểu về điểm này đã nảy sinh những nhầm lẫn và trò trẻ con của thuyết mục đích triệt để. Nó đã hình dung tổng thể thế giới sống như một tòa công trình, và như một công trình tương đồng với những công trình của chúng ta. Mọi linh kiện đều được bố trí ở đó nhằm hướng tới sự vận hành tốt nhất của cỗ máy. Hẳn mỗi loài đều có lẽ sống của nó, chức năng của nó, đích đến của nó. Cùng nhau, hẳn chúng mang tới một bản công xe vĩ đại, nơi những nghịch âm ở vẻ ngoài hẳn chỉ dùng để làm nổi rõ sự hài hòa nền tảng. Nói ngắn gọn, hẳn mọi sự diễn ra trong tự nhiên cũng giống trong các tác phẩm của thiên tài con người, nơi kết quả đạt được có thể chỉ nhỏ xíu, nhưng ít nhất ở đó có tương hợp hoàn hảo giữa đối tượng được làm ra và công việc làm ra đối tượng.

Chẳng có gì giống vậy trong tiến hóa sự sống. Ở đây sự bất tương xứng hết sức nổi bật, giữa công việc và kết quả. Từ thấp lên cao trong thế giới có trật tự lúc nào cũng chỉ là một nỗ lực vĩ đại duy nhất; nhưng, thường xuyên hơn cả, nỗ lực đó khựng lại, khi bị tê liệt bởi các lực đối chọi, lúc lại lãng trí khỏi những gì nó phải làm bởi những gì nó đang làm, bị hấp thụ bởi hình thức nó đang loay hoay tạo dựng, bị thôi miên vào đó như vào một tấm gương [gương: cuối cùng Bergson đã nói đến gương; tôi sẽ còn phân tích riêng một điều: những thứ đồ vật nào hay xuất hiện nhất trong những cuốn sách của Bergson?]. Cho đến tận trong những tác phẩm hoàn hảo nhất của nó, trong khi nó có vẻ đã chiến thắng được trước các kháng cự bên ngoài và cũng cả kháng cự của chính nó nữa, thì nó lại phải giao thân cho tính vật chất mà chính nó đã phải đảm nhận. Đó là điều mà bất kỳ ai cũng có thể thí nghiệm bên trong mình. Tự do của chúng ta, ngay cả nơi các chuyển động qua đó nó được khẳng định, tạo ra những thói quen lớn dần, chúng sẽ bóp nghẹt nó nếu nó không được đổi mới nhờ một nỗ lực thường hằng: tính cách tự động rình sẵn nó. Suy nghĩ nhiều sức sống nhất cũng sẽ đông cứng lại trong công thức biểu đạt nó. Từ quay trở ngược chống lại ý. Chữ giết chết tinh thần. Và sự hào hứng sôi nổi nhất của chúng ta, chừng thoát ra ngoài thành hành động, đôi khi đông cứng lại thành tính toán lạnh lùng về lợi ích hay sự phù phiếm, cái này chọn lấy hình thức của cái kia theo lối hết sức dễ dàng, một cách tự nhiên đến mức hẳn chúng ta có thể lẫn lộn chúng với nhau, ngờ vực sự thành thực của chính chúng ta, chối bỏ lòng tốt và tình yêu, nếu không biết rằng người chết vẫn lưu giữ các đường nét của người sống trong một khoảng thời gian.

Nguyên nhân sâu thẳm của những nghịch âm đó nằm trong một khác biệt về nhịp không thể sửa chữa. Sự sống nói chung là bản thân sự cơ động; những biểu hiện đặc biệt của sự sống thì lại chỉ miễn cưỡng chấp nhận sự cơ động ấy và thường trực chậm chân so với nó. Cái này thì luôn luôn tiến về phía trước; những cái kia lại những muốn giậm chân tại chỗ. Tiến hóa nói chung hẳn được thực hiện, trong chừng mực có thể, theo đường thẳng; mỗi tiến hóa đặc biệt lại là một tiến trình vòng tròn. Giống những lốc xoáy bụi mà trận gió đi ngang tạo ra, các sinh vật sống xoay tròn tại chỗ, bị treo lơ lửng vào hơi thở lớn của sự sống. Như vậy chúng là ổn định một cách tương đối, và thậm chí làm giả sự bất động giống tới nỗi chúng ta coi chúng như các vật chứ không phải những tiến bộ, quên mất rằng bản thân sự thường hằng hình thức của chúng chỉ là bức họa của một chuyển động. Tuy nhiên đôi khi được vật chất hóa ngay trước mắt chúng ta, trong một hiện hình thoáng chốc, hơi thở vô hình mang chúng. Chúng ta có sự khải ngộ đột ngột ấy trước một số hình thức của tình yêu người mẹ, tác động rất mạnh, cũng gây thật nhiều cảm động nơi phần lớn loài thú, có thể quan sát thấy tới tận trong lòng biết ơn của cái cây đối với hạt của nó. Tình yêu đó, nơi một số người từng thấy bí ẩn vĩ đại của sự sống, có lẽ sẽ trao cho chúng ta bí mật của nó. Nó cho chúng ta thấy thế hệ nào cũng nghiêng mình xuống thế hệ sẽ tiếp nối. Nó để cho chúng ta thoáng thấy rằng sinh vật sống chủ yếu là một chốn đi qua, và cốt yếu của sự sống nằm trong chuyển động truyền lại nó.

Tương phản ấy giữa sự sống nói chung và các hình thức trong đó nó biểu hiện, bày ra ở khắp mọi nơi cùng tính cách. Hẳn ta có thể nói rằng sự sống hướng đến chỗ hoạt động càng nhiều càng tốt, nhưng loài nào cũng chỉ thích đóng góp càng ít nỗ lực càng hay. Được nhằm đến ở những gì là bản thân yếu tính của nó, tức là như một sự chuyển từ loài sang loài, sự sống là một hành động luôn luôn lớn lên. Nhưng mỗi loài trong số các loài, xuyên qua đó sự sống đi, chỉ nhằm đến sự thuận tiện cho mình. Nó chọn những gì đòi hỏi ít khó nhọc hơn cả. Bị hấp thụ vào hình thức mà nó sẽ khoác lên mình, nó bước vào một giấc ngủ dở, nơi nó gần như chẳng hay biết gì về những điều còn lại của sự sống; nó tự nhào nặn mình theo hướng của sự khai thác dễ dàng có thể có môi trường sát liền với nó. Bằng cách đó, hành động qua đó sự sống đi tới sự sáng tạo một hình thức mới, và hành động qua đó hình thức ấy được họa ra, là hai chuyển động khác nhau và thường đối nghịch nhau. Hành động thứ nhất được nối dài trong hành động thứ hai, nhưng nó không thể được nối dài ở trong đó mà không lãng trí đi khỏi hướng của mình, như chuyện hẳn cũng sẽ xảy đến với một người nhảy cao, anh ta, nhằm vượt qua chướng ngại vật, buộc phải đưa mắt nhìn đi chỗ khác và tự nhìn vào bên trong mình.

Các hình thức sống là, theo chính định nghĩa, những hình thức khả sinh. Dẫu người ta có giải thích theo cách nào sự thích nghi của cơ thể với các điều kiện tồn tại của nó, thì thích nghi đó cũng nhất thiết là đủ miễn sao loài sống sót. Theo nghĩa ấy, bất kỳ loài nào trong số chuỗi các loài nối tiếp nhau mà cổ sinh vật học và động vật học miêu tả đều từng là một thắng lợi mà sự sống giành được. Nhưng mọi sự mang ngay một dáng vẻ khác nếu ta so sánh mỗi loài với chuyển động đã đặt nó lại trên đường đi của mình, chứ không phải với những điều kiện nơi nó đã được đưa vào. Rất thường, chuyển động này chệch đi, cũng rất thường nó bị dừng khựng lại; cái lẽ ra phải là một nơi để đi qua thì lại trở thành điểm cuối. Từ quan điểm mới này, sự không thành công hiện ra như là quy tắc, còn thành công như là ngoại lệ và luôn luôn thiếu hoàn hảo. Chúng ta sẽ thấy rằng, trong số bốn hướng lớn nơi sự sống động vật đã dấn thân vào, hai đã dẫn tới các ngõ cụt và, trên hai hướng còn lại, nỗ lực nói chung đã bất tương xứng với kết quả.

Chúng ta còn thiếu tài liệu để có thể tái lập chi tiết câu chuyện ấy. Tuy nhiên đã có thể nhìn ra từ đó các đường lớn. Chúng tôi từng nói rằng động vật và thực vật hẳn đã tách khỏi nhau khá chóng vánh từ gốc chung của chúng, thực vật thì ngủ thiếp đi trong sự bất động, động vật thì ngược lại, mỗi lúc một thức tỉnh hơn và đi chinh phục một hệ thần kinh. Có khả năng nỗ lực của giới động vật đưa đến chỗ tạo ra các cơ thể vẫn còn đơn giản, nhưng được phú cho một sự cơ động nhất định, và nhất là đủ mức thiếu rõ ràng về hình thức để có thể sẵn sàng cho mọi sự xác định tương lai. Những động vật đó đã có thể giống với một số loài sâu của chúng ta, tuy nhiên với một khác biệt, ở chỗ sâu ngày nay đang sống, mà ta sẽ lấy để so sánh với chúng, là những tiêu bản bị làm rỗng và cứng đờ lại của các hình thức mềm dẻo đến bất tận, chất chứa một tương lai bất định […]

Một hiểm nguy đã rình sẵn chúng, một trở ngại hẳn đã thiếu điều chặn đứng đà bật của sự sống động vật. Có một điểm đặc biệt mà ta không thể tự ngăn mình thấy bị chấn động khi nhìn qua loa vào thảm động vật thời sơ khai. Đó là sự nhốt con thú vào trong một vỏ bọc ít nhiều cứng, chắc đã gây phiền nhiễu và thậm chí thường làm tê liệt các chuyển động của nó. Trước hết, các loài nhuyễn thể từng có vỏ theo đường lối phổ quát hơn so với nhuyễn thể ngày nay […] Lời giải thích cho sự kiện chung này phải được tìm kiếm, chúng tôi nghĩ, trong một khuynh hướng của các cơ thể mềm nhằm tự vệ trước nhau và tự biến mình, trong chừng mực có thể, trở nên không bị kẻ khác muốn ăn thịt. Mỗi loài, trong cái hành động nhờ đó nó được tạo lập, đi đến với những gì đối với nó là thuận tiện hơn cả. Cũng giống như, trong số các cơ thể nguyên thủy, một số đã định hướng về phía động vật tính bằng cách chối bỏ việc sản xuất chất hữu cơ từ chất vô cơ và bằng cách mượn lấy những chất hữu cơ đã làm sẵn từ các cơ thể đã nhích hẳn sang phía cuộc sống thực vật, bằng cách ấy, giữa bản thân các loài động vật, rất nhiều đã tự dàn xếp để sống bằng những loại động vật khác. Một cơ thể động vật, tức là cơ động, quả thật sẽ có thể tận dụng sự cơ động của mình nhằm đi tìm những con thú không được bảo vệ để ăn thịt chúng, cũng như các thực vật. Như thế, các loài càng trở nên cơ động hơn, chắc hẳn chúng càng trở nên háu ăn và nguy hiểm với nhau. Từ đó chắc phải có hệ quả là một sự khựng lại đột ngột của toàn thể thế giới động vật trong tiến bộ đưa nó lên một mức cơ động mỗi lúc một cao hơn […] Nếu thực vật đã chối từ ý thức bằng cách tự bọc mình vào một lớp màng cellulose, thì động vật, vốn dĩ tự nhốt kín mình lại trong một ngôi thành hay trong một lớp áo giáp tự kết án bản thân cho một trạng thái nửa thức nửa ngủ. Chính trong sự đờ đẫn ấy mà, ngày nay vẫn vậy, các động vật da gai và thậm chí các loài nhuyễn thể sống. Các loài động vật chân khớp và có xương sống chắc hẳn cũng từng bị đe dọa bởi điều đó. Chúng đã thoát khỏi điều này và nhờ hoàn cảnh may mắn ấy mà có sự bừng nở hiện có của những hình thức sự sống cao nhất.

Quả thật, trong hai hướng, chúng ta thấy thúc đẩy của sự sống vào chuyển động lại chiến thắng. Các loài cá đổi tấm giáp vảy láng của chúng lấy những cái vảy. Rất lâu về trước, các loài côn trùng đã xuất hiện, cả chúng cũng đã rũ bỏ khỏi bộ áo giáp từng bảo vệ cho tổ tiên chúng. Thế vào chỗ sự thiếu đầy đủ của lớp bọc bảo vệ, ở tất cả chúng, đều là một sự nhanh nhẹn cho phép chúng thoát khỏi kẻ thù và cũng để tấn công, chọn địa điểm và thời điểm cho cuộc giao tranh. Chính một tiến bộ cùng loại là điều mà chúng ta quan sát được nơi tiến hóa của vũ khí con người. Phản ứng đầu tiên là đi tìm một chỗ trú; phản ứng thứ hai, tốt hơn nhiều, là biến mình trở nên càng mềm dẻo càng tốt cho sự chạy trốn và nhất là cho sự tấn công - vì tấn công vẫn là phương cách tự vệ hiệu quả hơn cả. Bằng cách ấy lính bộ trang trí nặng đã mất chỗ cho kiểu lính quân đoàn La Mã, hiệp sĩ trên người mang đầy sắt đã phải nhường chỗ cho người lính bộ binh được tự do trong các chuyển động của mình và, theo cách chung, trong tiến hóa của tổng thể sự sống, cũng như trong tiến hóa của các xã hội con người, cũng như trong tiến hóa của các số phận cá nhân, những thắng lợi lớn nhất đều đã thuộc về những ai chấp nhận các rủi ro lớn nhất.

Như vậy lẽ dĩ nhiên mối quan tâm của động vật là tự biến mình trở nên cơ động hơn. Như chúng tôi từng nói về sự thích nghi nói chung, ta sẽ luôn luôn có thể giải thích sự chuyển hóa của các loài bằng lợi ích đặc biệt của chúng. Cũng bằng cách ấy ta sẽ thấy ngay nguyên nhân tức thì của biến dị. Nhưng cũng chính bởi vậy thường ta sẽ chỉ thấy nguyên nhân hời hợt hơn cả. Nguyên nhân sâu là xung lực từng tung sự sống vào thế giới, cái từng làm cho nó chia ra thành thực vật và động vật, cái đã chuốt nhọn động vật tính trên sự mềm dẻo của hình thức và cái, vào một thời điểm nhất định, nơi giới động vật vốn dĩ bị đe dọa sẽ ngủ thiếp đi, giành được, ít nhất là trên vài điểm, việc người ta thức dậy và tiến về phía trước.

Trên hai con đường, nơi đã tiến hóa theo lối tách biệt các loài có xương sống và các loài chân khớp, sự phát triển (ở đây trừu tượng hóa những bước lùi gắn liền với sự ký sinh hay với mọi nguyên nhân khác) từng trước hết đồng nghĩa với một tiến bộ của hệ thần kinh cảm giác-vận động. Người ta tìm kiếm sự cơ động, người ta tìm kiếm sự mềm dẻo, người ta tìm kiếm - qua rất nhiều dọ dẫm, và chẳng phải là thoạt tiên đã không lao vào sự quá đà về khối chất và về sức lực hung dữ - sự đa dạng của các chuyển động. Nhưng bản thân tìm kiếm ấy đã được thực hiện trong hai hướng phân tán. Chỉ cần một cái nhìn vào hệ thần kinh của các loài chân khớp và hệ thần kinh của các loài có xương sống cũng đủ để cảnh báo cho chúng ta về những khác biệt. Ở các loài chân khớp, cơ thể được hình thành từ một chuỗi ít nhiều dài các vòng đặt cạnh nhau […] Ở các loài có xương sống, hoạt động chỉ được tập trung vào hai cặp chi, và những cơ phận đó hoàn thành các chức năng phụ thuộc ít chặt chẽ hơn rất nhiều vào hình thức của chúng. Sự độc lập trở nên hoàn toàn nơi con người, mà bàn tay có thể thực thi bất kỳ công việc nào.

Đó ít nhất là những gì ta thấy. Đằng sau những gì mà ta thấy giờ đây có những gì mà ta đoán, hai quyền năng nội tại đối với sự sống và trước hết trộn lẫn vào với nhau, hẳn chúng đã phân ly trong lúc lớn lên.

Để định nghĩa những quyền năng đó, cần phải nhìn nhận, trong tiến hóa của các loài chân khớp và các loài có xương sống, những loài, ở cả hai phía, đạt tới được đỉnh cao. Làm thế nào xác định điểm ấy? Cả ở đây ta cũng sẽ đi sai đường nếu hướng đến sự cụ thể kiểu kỷ hà học. Không tồn tại dấu hiệu duy nhất và đơn giản nhờ đó ta có thể nhận ra một loài đi xa hơn hơn một loài khác trên cùng một đường tiến hóa. Có rất nhiều tính cách, mà ta cần phải so sánh với nhau và cân nhắc ở mỗi trường hợp đặc biệt, nhằm biết xem cho tới đâu chúng là cốt yếu hay ngẫu nhĩ, và trong chừng mực nào nên nhìn nhận chúng.

Không cần phải bàn cãi, chẳng hạn, rằng thắng lợi là tiêu chí chung nhất của sự vượt trội, khi mà hai vế, cho đến một điểm nào đó, đồng nghĩa với nhau. Cần phải hiểu thắng lợi, khi vấn đề nằm ở sinh vật sống, là một khả năng phát triển tại những môi trường đa dạng nhất, xuyên qua sự đa dạng lớn nhất của các trở ngại, theo cách thức phủ được lên vùng càng rộng càng tốt. Một loài đòi lấy làm lãnh địa toàn bộ trái đất thì đích thực là một loài thống trị và do đó vượt trội. Đó là loài người, nó sẽ đại diện cho đỉnh cao của tiến hóa nơi các loài có xương sống. Nhưng đó cũng là, trong chuỗi có đốt, côn trùng và đặc biệt là một số sâu bọ cánh màng. Người ta từng nói rằng kiến là chủ vùng bên dưới của trái đất, như con người là chủ của mặt đất.

Mặt khác, một nhóm các loài xuất hiện muộn màng có thể là một nhóm thoái hóa, nhưng muốn vậy thì phải có một nguyên nhân đặc biệt cho sự suy thoái. De jure, nhóm đó hẳn vượt trội so với nhóm từ đó nó phái sinh, bởi hẳn nó tương ứng với một bước đi xa hơn của tiến hóa. Thế nhưng, con người nhiều khả năng là loài xuất hiện gần đây nhất trong số các loài có xương sống. Và, trong chuỗi của côn trùng, sau sâu bọ cánh màng chỉ có sâu bọ cánh vảy, tức là, chắc hẳn, một loài thoái hóa, ký sinh đích thực của các cây hoa.

Như thế, qua những con đường khác nhau, chúng ta được dẫn đến cùng một kết luận. Tiến hóa của các loài chân khớp hẳn đạt tới đỉnh cao với côn trùng và đặc biệt là với các sâu bọ cánh màng, cũng như tiến hóa của các loài có xương sống với con người. Giờ, nếu nhận thấy rằng chẳng ở đâu bản năng phát triển hơn so với nơi thế giới côn trùng, và rằng không nơi nhóm côn trùng nào khác nó tuyệt diệu như ở sâu bọ cánh màng, ta sẽ có thể nói rằng toàn bộ tiến hóa của giới động vật, trừu tượng hóa đi những bước lùi về phía cuộc sống thực vật, đã được hoàn thành trên hai con đường phân tán, trong đó một đi tới bản năng, một đi tới trí năng.

Sự đờ đẫn nơi thực vật, bản năng và trí năng, như vậy, nói tóm lại đó là những yếu tố từng trùng hợp trong xung lực sống chung đối với những cái cây và những con thú, và chúng, trong một phát triển nơi chúng từng biểu hiện ra trong các hình thức khó tiên liệu hơn cả, phân ly với nhau chỉ bởi duy nhất sự kiện tăng trưởng của chúng. Nhầm lẫn lớn, cái nhầm lẫn vốn dĩ, được truyền đi từ Aristote, từng phá hỏng phần lớn các triết học về tự nhiên, nằm ở chỗ nhìn thấy nơi cuộc sống thực vật, trong cuộc sống thuộc bản năng và trong cuộc sống thuộc lý trí ba cấp độ nối tiếp nhau của cùng một khuynh hướng phát triển lên mãi, trong khi đó là ba hướng phân tán của một hoạt động từng chia ra trong lúc lớn lên. Khác biệt giữa chúng không phải là một khác biệt về cường độ, nhìn chung hơn cũng không phải khác biệt về cấp độ, mà về bản tính.


Rất cần đi sâu vào điểm này. Từ sự sống thực vật và sự sống động vật, chúng ta đã thấy bằng cách nào chúng hoàn chỉnh cho nhau và cách nào, chúng đối lập với nhau. Giờ, vấn đề nằm ở chỗ chỉ ra rằng trí năng và bản năng, cả chúng nữa, cũng đối lập và hoàn chỉnh lẫn nhau. Nhưng trước hết chúng ta hãy nói tại sao người ta lại bị cám dỗ nhìn thấy ở đó các hoạt động trong đó hoạt động thứ nhất hẳn vượt trội so với hoạt động thứ hai và được dựa trên đó, trong khi trên thực tế chúng không phải những thứ cùng trật tự, cũng chẳng phải những thứ nối tiếp nhau, chúng ta cũng không thể chỉ định thứ hạng cho chúng được.

Đấy là vì trí năng và bản năng, vốn dĩ ở khởi đầu xâm nhập lẫn nhau, lưu giữ một cái gì đó từ nguồn chung của chúng. Cả hai đều không bao giờ có thể được gặp trong trạng thái thuần. Chúng tôi từng nói rằng, nơi cái cây, có thể thức dậy ý thức và sự cơ động của con thú thiếp ngủ bên trong nó, và rằng con thú sống dưới mối đe dọa thường trực về một sự bẻ ghi về phía sự sống thực vật. Hai khuynh hướng, cái cây và con thú, thoạt tiên xâm nhập lẫn nhau mạnh mẽ đến mức không bao giờ có đoạn tuyệt hoàn toàn giữa chúng: cả hai bên vẫn tiếp tục không ngừng ám ảnh lẫn nhau; khắp mọi nơi chúng ta đều thấy chúng lẫn vào nhau; chỉ tỉ lệ thì khác. Cũng vậy với trí năng và bản năng. Không có trí năng nơi ta không phát hiện các dấu vết của bản năng, nhất là không có bản năng không được vây quanh bởi cái diềm trí năng. Chính diềm của trí năng này từng là nguyên nhân của biết bao nhầm lẫn. Từ chuyện bản năng luôn luôn ít nhiều có trí năng, người ta đã kết luận rằng trí năng và bản năng là những thứ thuộc cùng trật tự, rằng giữa chúng chỉ có một khác biệt về độ phức tạp hay sự hoàn hảo, và nhất là, một trong hai có thể được biểu đạt bằng lời lẽ của bên còn lại. Trên thực tế, chúng chỉ đi cùng nhau bởi chúng hoàn chỉnh lẫn nhau, và chúng chỉ hoàn chỉnh lẫn nhau vì chúng khác nhau, do chỗ những gì là bản năng nơi bản năng ở trong hướng ngược với những gì là trí năng nơi trí năng.

Người ta sẽ không thấy kinh ngạc nếu chúng tôi nhấn mạnh vào điểm này. Chúng tôi coi nó là chính yếu.

Trước hết hãy nói rằng các phân biệt mà chúng tôi sắp thực hiện sẽ quá mức rõ nét, chính bởi vì chúng tôi muốn định nghĩa về bản năng những gì nó có ở phương diện bản năng và về trí năng những gì nó có ở phương diện trí năng, trong khi mọi bản năng cụ thể đều trộn lẫn với trí năng, cũng như mọi trí năng thực đều bị bản năng xâm nhập. Hơn nữa, cả trí năng lẫn bản năng đều không sẵn sàng cho những định nghĩa cứng nhắc; đó là các khuynh hướng chứ không phải các vật đã xong xuôi. Nói ngắn gọn, sẽ không được quên rằng, trong chương này, chúng tôi nhìn nhận trí năng và bản năng ở chỗ chúng rời khỏi sự sống, thứ đặt chúng dọc theo lộ trình của nó. Thế nhưng, sự sống được biểu hiện thông qua một cơ thể, trong mắt chúng tôi, là một nỗ lực nào đó nhằm đạt được một số thứ từ vật chất trơ ì. Như vậy người ta sẽ không ngạc nhiên nếu chính sự đa dạng của nỗ lực đó gây chấn động cho chúng tôi nơi bản năng và nơi trí năng, và nếu chúng tôi thấy ở hai hình thức của hoạt động tâm thần ấy, trước hết, hai phương pháp khác nhau về hành động [nói đúng hơn, sự tác động] lên vật chất trơ ì. Cách thức hơi có phần chật chội này trong việc nhằm tới chúng sẽ có lợi thế là cung cấp cho chúng tôi một phương tiện khách quan nhằm phân biệt chúng. Ngược lại, nó sẽ chỉ mang đến cho chúng tôi, từ trí năng nói chung, và từ bản năng nói chung, vị thế trung bình trên đó và dưới đó cả hai mời thường hằng chao đảo. Chính vì vậy người ta sẽ chỉ được thấy trong những gì sắp nói dưới đây một bức họa sơ lược, nơi các công tua lần lượt của trí năng và bản năng sẽ rõ nét hơn so với lẽ ra phải vậy, và nơi chúng tôi sẽ lơ là hiệu ứng nhòa phát xuất cùng một lúc từ sự thiếu chắc chắn của cả hai bên cũng như từ sự trộn lẫn của hai bên vào với nhau. Trong một chủ đề tối tăm như thế, hẳn có cố gắng sáng sủa tới đâu vẫn là quá ít. Sẽ luôn luôn thật dễ dàng, sau đó, biến các hình thức trở nên mờ hơn, sửa chữa những gì bức họa sở hữu ở phương diện quá nhiều tính cách kỷ hà học, nói tóm lại là thay thế sự cứng nhắc của một sơ đồ bằng sự mềm dẻo của sự sống.


[…] Nếu chúng ta có thể tự gỡ bỏ đi mọi sự kiêu ngạo, nếu, nhằm định nghĩa loài của chúng ta, chúng ta chỉ nhất nhất bám chặt vào những gì lịch sử và tiền sử bày ra cho chúng ta ở tư cách đặc trưng thường hằng hơn cả của con người và trí năng, có lẽ chúng ta sẽ không nói Homo sapiens, mà Homo faber. Tóm lại, trí năng, được nhắm tới ở những gì dường như làm nên dáng điệu nguyên ủy của nó, là năng lực làm ra những thứ đồ vật nhân tạo, đặc biệt là các dụng cụ để làm các dụng cụ, cũng như năng lực đa dạng hóa sự chế tác chúng đến mức bất tận.

Giờ, một con thú không có trí năng có phải cũng sở hữu các công cụ hay những thứ máy, hay không? Có, chắc chắn, nhưng ở đây dụng cụ thuộc luôn vào cơ thể sử dụng nó. Và, tương ứng với dụng cụ ấy, có một bản năng biết dùng nó. Chắc hẳn từ đó mà có chuyện mọi bản năng đều là một năng lực tự nhiên về sử dụng một cơ chế [máy móc] bẩm sinh. Một định nghĩa như vậy hẳn không thể áp dụng cho những bản năng mà [George John] Romanes từng gọi là “thứ cấp”, và hơn một bản năng “sơ cấp” hẳn vuột thoát khỏi đó [Romanes là một chuyên gia về “trí năng động vật”]. Nhưng định nghĩa về bản năng đó, cũng như định nghĩa mà chúng tôi tạm mang tới cho trí năng, ít nhất xác định giới hạn lý tưởng hướng về đó châu tuần rất nhiều hình thức của đối tượng xác định. Người ta từng rất hay nhận xét rằng phần lớn các bản năng là sự nối dài, hay nói đúng hơn, sự thành tựu, của bản thân công việc tổ chức. Hoạt động của bản năng bắt đầu từ đâu? hoạt động của tự nhiên kết thúc ở chỗ nào? Hẳn ta chẳng thể nói được. Trong các biến hóa của ấu trùng thành nhộng rồi con côn trùng hoàn hảo, những biến hóa thường đòi hỏi, từ phía ấu trùng, các hành động thích hợp cùng một dạng chủ ý, không có đường ranh giới rõ ràng giữa bản năng của động vật và công việc thiết lập trật tự đối với vật chất sống. Ta sẽ có thể tùy ý mà nói rằng bản năng tổ chức những dụng cụ mà nó sẽ dùng đến, hoặc giả sự thiết lập trật tự được kéo dài trong bản năng rồi sẽ sử dụng cơ phận. Những bản năng tuyệt diệu nhất của con côn trùng chẳng làm gì khác ngoài phát triển cấu trúc đặc biệt của nó thành các chuyển động, tới mức mà, nơi cuộc sống xã hội phân chia lao động giữa các cá nhân và bằng cách đó áp đặt lên chúng các bản năng khác nhau, ta quan sát thấy một khác biệt tương ứng về cấu trúc […] Như vậy, nếu chỉ nhìn nhận những trường hợp cực điểm nơi ta được chứng kiến thắng lợi hoàn toàn của trí năng và của bản năng, ta thấy giữa chúng có một khác biệt cốt yếu: bản năng được thành tựu là một năng lực sử dụng và thậm chí làm ra những dụng cụ có trật tự; trí năng được thành tựu là năng lực sản xuất và dùng các dụng cụ không có trật tự. [có thể nói, tương đương với sự phân biệt giữa hữu cơ và vô cơ]

Các lợi thế và bất tiện của hai thức hoạt động ấy đập ngay vào mắt. Bản năng tìm thấy ngay trong tầm tay nó thứ dụng cụ thích hợp: dụng cụ đó, vốn dĩ được tự làm ra và được tự sửa chữa, bày ra, cũng như mọi tác phẩm của tự nhiên, một sự phức tạp về chi tiết ở mức vô tận cùng một sự đơn giản về vận hành tuyệt diệu, nó làm ngay lập tức, vào đúng thời điểm, chẳng khó khăn gì, với một sự hoàn hảo thường xuyên gây ngưỡng mộ, những gì mà nó được gọi đến để làm. Ngược lại, nó lưu giữ một cấu trúc gần như bất biến, vì sự biến đổi cấu trúc ấy sẽ không thể thực hiện nếu không có một biến đổi của loài. Như vậy bản năng tất yếu phải được chuyên môn hóa, vì chỉ là sự sử dụng, cho một đối tượng xác định, một thứ dụng cụ xác định. Ngược hẳn lại, thứ dụng cụ được thực hiện theo đường lối trí năng là một dụng cụ thiếu hoàn hảo. Chỉ có được nó nếu bỏ ra nỗ lực. Gần như lúc nào cũng hết sức khó nhọc để vận hành nó. Nhưng, vì được làm từ một vật chất không có trật tự, nó có thể mang một hình thức ất ơ, dùng được cho bất kỳ mục đích nào, giúp sinh vật sống thoát ra khỏi mọi khó khăn mới nảy sinh và trao cho sinh vật đó một số lượng quyền năng không giới hạn. Vốn dĩ thấp kém hơn dụng cụ tự nhiên trong việc tạo thỏa mãn cho các nhu cầu tức thì, nó lại càng có nhiều lợi thế hơn so với loại dụng cụ ấy vì nhu cầu không cấp bách bằng. Nhất là, nó có phản ứng lên bản tính sinh vật đã làm ra nó, bởi, bằng cách gọi nó thực thi một chức năng mới, có thể nói rằng sinh vật kia cấp cho nó một sự tổ chức phong phú hơn, với tư cách cơ phận nhân tạo nối dài cơ thể tự nhiên. Đối với mỗi nhu cầu mà nó thỏa mãn, nó lại tạo ra một nhu cầu mới, và bằng cách ấy, thay vì khép kín, giống bản năng, vòng tròn hành động trong đó động vật chuyển dịch một cách tự động, nó lại mở ra cho hoạt động đó một trường không xác định nơi nó đẩy sự hoạt động mỗi lúc một đi xa hơn và khiến cho hoạt động trở nên mỗi lúc một tự do hơn. Nhưng lợi thế ấy của trí năng so với bản năng chỉ xuất hiện rất muộn, và là khi trí năng, đã đưa sự sản xuất lên bậc tiềm năng cao hơn, đã làm ra được những thứ máy sản xuất. Ban đầu, những lợi thế và bất tiện của dụng cụ được làm ra và dụng cụ tự nhiên cân bằng với nhau tới nỗi rất khó nói cái nào trong số chúng sẽ đảm bảo cho sinh vật sống có được quyền năng lớn hơn lên tự nhiên.

Ta có thể đặt giả thuyết là chúng đã khởi đầu bằng cách trộn lẫn vào nhau, rằng hoạt động tâm thần nguyên ủy từng cùng lúc dự phần vào cả đôi bên, và rằng, nếu đi ngược được đủ xa vào quá khứ, hẳn ta sẽ tìm thấy các bản năng xích lại gần với trí năng hơn so với những bản năng lũ côn trùng của chúng ta, một trí năng cận kề với bản năng hơn so với trí năng các loài có xương sống của chúng ta: vả lại trí năng và bản năng sơ đẳng vốn dĩ là tù nhân của một vật chất mà chúng chưa chế ngự nổi. Nếu lực nội tại về phía sự sống từng là một lực không giới hạn, hẳn có lẽ nó đã phát triển một cách vô chừng mực bản năng và trí năng nơi cùng các cơ thể. Nhưng mọi thứ dường như đều chỉ ra rằng lực đó là hữu hạn, và nó cạn kiệt khá mau chóng bằng cách biểu lộ ra. Đối với nó rất khó đi xa trong nhiều hướng cùng một lúc. Nó cần phải lựa chọn. Thế nhưng, nó có chọn lựa giữa hai cách thức tác động lên vật chất trơ ì. Nó có thể cung cấp hành động đó một cách tức thì bằng cách tự tạo ra một dụng cụ có tổ chức với đó nó sẽ lao động; hoặc giả nó có thể mang tới hành động đó theo lối gián tiếp thông qua một cơ thể thay vì sở hữu theo lối tự nhiên thứ dụng cụ cần thiết, sẽ tự sản xuất nó bằng cách nhào nặn vật chất vô cơ. Từ đó mà có trí năng và bản năng, chúng mỗi lúc một thêm phân tán trong lúc phát triển, nhưng không bao giờ tách rời hoàn toàn khỏi nhau. Một mặt, quả thật, bản năng hoàn hảo nhất của côn trùng được kèm với một số luồng ánh sáng của trí năng, dẫu chỉ là trong lựa chọn địa điểm, thời điểm và các chất liệu để xây dựng: khi, một cách đột xuất, lũ ong làm tổ ngoài trời, thì chúng tạo ra các sắp xếp mới và thực sự có tính cách trí năng nhằm thích nghi với những điều kiện mới ấy. Nhưng, mặt khác, trí năng còn cần đến bản năng nhiều hơn so với bản năng cần đến trí năng, vì nhào nặn vật chất trơ ì đã đặt giả định nơi con thú một mức tổ chức cao hơn, nó đã chỉ có thể tự nâng mình lên đến đó bằng cặp cánh của bản năng. Vậy nên, trong khi tự nhiên đã thẳng thắn tiến hóa về phía bản năng nơi các loài có chân khớp, chúng ta lại dự phần, ở gần như mọi loài có xương sống, vào sự tìm kiếm thì đúng hơn là sự bừng nở của trí năng. Vẫn cứ là bản năng hình thành tầng đáy cho hoạt động tâm thần của chúng, nhưng trí năng ở đó, khát khao hất cẳng nó đi. Nó [trí năng] còn chưa tạo ra được các dụng cụ: ít nhất nó gắng sức làm điều đó bằng cách thực thi càng nhiều biến dị càng tốt lên bản năng, mà nó muốn vượt qua. Nó chỉ hoàn toàn sở hữu được chính nó ở con người, và thắng lợi này được khẳng định bằng bản thân sự thiếu đi những phương tiện tự nhiên mà con người có được nhằm tự vệ trước các kẻ thù, trước cái lạnh và cái đói. Sự thiếu ấy, chừng nào ta tìm cách giải nghĩa nó, sở hữu giá trị của một tài liệu tiền sử: đó là sự chia tay chung quyết mà bản năng nhận từ trí năng. Không bởi thế mà kém đúng rằng tự nhiên hẳn đã do dự giữa hai thức của hoạt động tâm thần, một được đảm bảo có được thành công tức thì, nhưng bị giới hạn trong những kết quả của nó, một thì bấp bênh, nhưng với các chinh phục, nếu đi đến được sự độc lập, có thể mở rộng vô chừng. Vả lại thành công lớn nhất đã giành được, cả ở đây nữa, từ phía nhiều rủi ro hơn. Bản năng và trí năng, như vậy, đại diện cho hai giải pháp phân tán, có độ thanh lịch ngang nhau, cho một và cùng vấn đề.

Từ đó, đúng thế, mà có các khác biệt sâu thẳm về cấu trúc bên trong của bản năng và trí năng. Chúng tôi sẽ chỉ nhấn mạnh vào những khác biệt liên quan đến nghiên cứu của chúng tôi. Như vậy chúng ta hãy nói rằng trí năng và bản năng ngụ ý hai loại hiểu biết khác nhau một cách triệt để. Nhưng trước hết vài điều làm rõ là cần thiết, về ý thức nói chung.

Ta từng tự hỏi bản năng có ý thức đến mức nào. Chúng tôi sẽ trả lời rằng ở đây có rất nhiều khác biệt và cấp độ, rằng bản năng ít nhiều có ý thức trong một số trường hợp, không có ý thức [inconscient] trong các trường hợp khác. Cái cây, như chúng ta sẽ thấy, có các bản năng: đáng ngờ chuyện những bản năng đó ở chúng đi kèm với tình cảm. Ngay cả ở con thú, ta chẳng mấy khi tìm được bản năng phức tạp mà không *inconscient* ít nhất nơi một phần các hoạt động của chúng. Nhưng ở đây cần nêu lên một khác biệt, rất ít được nhận ra, giữa hai dạng không ý thức, không ý thức đồng nghĩa với một ý thức không có và không ý thức có xuất xứ từ một ý thức bị hủy mất. Ý thức không có và ý thức bị hủy mất đều bằng không; nhưng số không thứ nhất biểu đạt chuyện không có gì, còn số không thứ hai, rằng ta đang có trước mặt hai đại lượng bằng nhau và theo hướng ngược nhau, chúng bù trừ cho nhau và trung hòa lẫn nhau. Không ý thức của một hòn đá rơi [ta rất hay thấy ví dụ về đá rơi: nó từng có một khoảnh khắc lớn trong thế giới của Spinoza] là một ý thức không có: hòn đá chẳng hề có chút tình cảm nào về sự rơi của nó. Có phải cũng như vậy đối với sự không ý thức của bản năng nơi những trường hợp cực điểm tại đó bản năng là không ý thức? Khi chúng ta hoàn thành theo đường lối máy móc một hành động thuộc thói quen, khi người mộng du, một cách máy móc, diễn giấc mơ của anh ta, sự không ý thức có thể là tuyệt đối; nhưng lần này nó phát xuất từ chuyện trình hiện của hành động bị thất bại do sự thực thi của bản thân hành động, nó giống theo lối hoàn hảo với trình hiện và khớp vào đó chuẩn xác đến mức không một ý thức nào còn len vào giữa được nữa. Trình hiện bị bịt lại bởi hành động. Chứng cứ cho điều đó là, nếu sự hoàn thành hành động bị dừng hay bị chặn lại bởi một trở ngại, ý thức có thể hiện ra. Như vậy nó từng ở đó, nhưng bị vô hiệu hóa bởi hành động đã hoàn thành trình hiện. Trở ngại đã không tạo ra cái gì có thực; chỉ đơn giản là nó đã làm ra một trống rỗng, nó đã thực hiện một khai thông [sự bịt]. Sự bất tương hợp giữa hành động và trình hiện đó đích xác là, ở đây, cái mà chúng ta gọi là ý thức.

Đi sâu xuống điểm này, hẳn ta sẽ thấy rằng ý thức là ánh sáng nội tại ở cái vùng của các hành động khả dĩ hay hoạt động tiềm tàng vây quanh hành động được sinh vật sống hoàn thành một cách thật [tức là mức “effectif”]. Nó muốn nói sự do dự hoặc lựa chọn. Nơi nhiều hành động khả dĩ ngang nhau được vẽ ra mà không có hành động thực nào (như trong một suy tính chẳng dẫn đến đâu), ý thức có cường độ lớn. Nơi hành động thực là hành động khả dĩ duy nhất (như trong hoạt động thuộc loại mộng du hay nói chung hơn, loại tự động), ý thức trở nên không có. Trình hiện và hiểu biết không vì thế mà kém tồn tại trong trường hợp vừa xong kia, nếu có chuyện ta tìm thấy ở đó một tổng thể các chuyển động được hệ thống hóa trong đó chuyển động cuối cùng đã được tiền định hình nơi chuyển động đầu tiên, và nếu vả lại ý thức sẽ có thể trào ra từ đó khi có sự va vào một trở ngại. Từ quan điểm này, hẳn ta có thể định nghĩa ý thức của sinh vật sống là một khác biệt về mặt số học giữa hoạt động tiềm tàng và hoạt động thực. Nó đo giãn cách giữa trình hiện và hành động.

Ngay lúc đó ta có thể cho rằng trí năng hẳn chủ yếu được hướng về phía ý thức, còn bản năng, về phía không ý thức. Bởi vì, nơi dụng cụ cần vận hành được tổ chức bởi tự nhiên, điểm áp dụng được cung cấp bởi tự nhiên, kết quả cần giành lấy được mong muốn bởi tự nhiên, chỉ còn một phần nhỏ được bỏ lại cho chọn lựa: ý thức cố hữu của trình hiện, như vậy, sẽ được đối trọng, theo đà nó hướng tới việc tự thoát ra, bởi sự hoàn thành hành động, giống hệt với trình hiện, thứ tạo ra đối trọng với nó. Nơi nào nó [ý thức] xuất hiện, nó đều soi sáng chính bản năng thì ít hơn so với những chống đối mà bản năng vấp phải: đó là thiếu hụt của bản năng, khoảng cách từ hành động đến ý, thứ sẽ trở thành ý thức; và khi ấy ý thức sẽ chỉ là một tai nạn [một ngẫu nhĩ]. Xét về cốt yếu nó [ý thức] chỉ nhấn mạnh vào điểm xuất phát của bản năng, thứ khởi phát toàn bộ chuỗi các chuyển động tự động. Ngược lại, thiếu hụt là trạng thái bình thường của trí năng. Chịu đựng các chống đối thậm chí còn là yếu tính của nó. Vì vốn dĩ sở hữu chức năng nguyên thủy là sản xuất những thứ dụng cụ không có trật tự, nó phải, xuyên qua cả nghìn khó nhọc, chọn cho công việc đó địa điểm và thời điểm, hình thức và vật chất. Và nó không thể được thỏa mãn hoàn toàn, vì mọi sự thỏa mãn mới đều tạo ra các nhu cầu mới. Nói ngắn gọn, nếu cả bản năng và trí năng đều bọc lấy những hiểu biết, thì hiểu biết chủ yếu được chơi và có tính cách không ý thức trong trường hợp của bản năng, chủ yếu được nghĩ và có tính cách ý thức trong trường hợp trí năng. Nhưng đó là một khác biệt về mức độ chứ không phải về bản tính. Chừng nào chỉ gắn chặt vào ý thức, ta nhắm mắt lại trước những gì là, theo quan điểm tâm lý học, khác biệt chính yếu giữa trí năng và bản năng.

Để đến được với khác biệt cốt yếu đó, cần phải, mà không dừng lại nơi ánh sáng ít hay nhiều mạnh mẽ rọi vào hai hình thức ấy của hoạt động bên trong, đi thẳng tới hai đối tượng, vốn dĩ phân biệt với nhau một cách sâu thẳm […]

Giờ, nếu nhằm vào trí năng từ cùng quan điểm, chúng ta thấy rằng cả nó cũng biết một số thứ mà không cần phải học. Nhưng đó là những hiểu biết thuộc một trật tự rất khác. Ở đây chúng tôi không hề muốn châm ngòi trở lại cho cuộc tranh cãi đã cũ của các triết gia về sự bẩm sinh. Như vậy chúng tôi chỉ khăng khăng ghi lại điểm trên đó tất cả mọi người đều nhất trí, tức là đứa bé con hiểu được một cách tức thì những điều mà con thú sẽ chẳng bao giờ hiểu, và rằng theo nghĩa ấy trí năng, cũng như bản năng, là một chức năng di truyền, bởi vậy bẩm sinh. Nhưng cái trí năng bẩm sinh đó, dẫu là một năng lực về biết, không đặc biệt biết đối tượng nào. Khi đứa trẻ sơ sinh lần đầu tiên tìm ngực mẹ nó, bằng cách ấy mà chứng nhận rằng nó có hiểu biết (không ý thức, chắc hẳn) về một điều mà nó chưa bao giờ nhìn thấy, ta sẽ nói, chính bởi vì ở đây hiểu biết là hiểu biết về một đối tượng xác định, rằng đó là bản năng chứ không phải trí năng. Như vậy trí năng chẳng hề mang đến hiểu biết bẩm sinh về bất cứ đối tượng nào. Và thế nhưng, nếu không biết gì một cách tự nhiên, thì nó sẽ chẳng có gì là bẩm sinh cả. Vậy nó có thể biết gì, vốn dĩ nó không biết cái gì hết? - Bên cạnh các vật, có các tương quan. Đứa trẻ vừa sinh ra đời không biết cả những đối tượng xác định lẫn một thuộc tính xác định của bất cứ đối tượng nào; nhưng, cái ngày trước mặt nó người ta áp dụng một thuộc tính vào cho một đối tượng, ghép một tính từ vào với một danh từ, thì ngay lập tức nó sẽ hiểu cái đó muốn nói gì. Mối quan hệ của thuộc tính với chủ thể, như vậy, được nó nắm bắt một cách tự nhiên. Và hẳn ta cũng sẽ nói cùng điều đó về quan hệ chung mà động từ biểu đạt, mối quan hệ được tinh thần hình dung theo lối tức thì tới nỗi ngôn ngữ có thể đặt nó ngầm ẩn, như có thể thấy ở các ngôn ngữ sơ khai vốn dĩ không có động từ. Như vậy, trí năng sử dụng theo lối hết sức tự nhiên các tương quan tương đương với tương đương, của cái được chứa với cái chứa, của nguyên nhân với kết quả, v.v… ngụ ý trong mọi câu nơi có một chủ ngữ, một thuộc từ, một động từ, được biểu đạt hoặc ngầm ý. Ta có thể nói rằng nó có hiểu biết bẩm sinh về mỗi tương quan đặc biệt trong số đó hay không? Đó là việc của các nhà logic học, tìm xem đó là những quan hệ không thể giảm trừ, hay ta có thể phân giải chúng vào các quan hệ còn ở mức chung lớn hơn nữa. Nhưng, dẫu bằng cách nào mà người ta thực hiện phân tích suy nghĩ, nó cũng sẽ luôn luôn đưa tới một hay nhiều khuôn khổ chung, mà tinh thần sở hữu hiểu biết bẩm sinh bởi nó sử dụng chúng một cách tự nhiên. Vậy nên chúng ta hãy nói rằng nếu nhằm tới trong bản năng và trong trí năng những gì chúng chứa đựng ở phương diện hiểu biết bẩm sinh, ta thấy rằng hiểu biết bẩm sinh đó ở trường hợp thứ nhất hướng đến các vật còn trong trường hợp thứ hai, đến các tương quan.

Các triết gia phân biệt giữa vật chất của hiểu biết chúng ta và hình thức của nó. Vật chất là cái được cung cấp bởi các năng lực tri giác, lấy ở trạng thái sơ đẳng. Hình thức là tổng thể các tương quan được thiết lập giữa những vật liệu kia nhằm tạo dựng một hiểu biết có hệ thống. Hình thức không vật chất có thể đã là đối tượng của một hiểu biết hay không? Có, chắc hẳn, với điều kiện hiểu biết đó ít giống với một vật được sở hữu hơn so với một thói quen bị nhiễm, ít giống một trạng thái hơn so với một hướng; đó sẽ là, nếu ta muốn, một nếp gấp tự nhiên nào đó của sự chú ý. Đứa học trò, biết rằng ông thầy sắp bắt phải chép một phân số, kẻ sẵn một vạch, trước khi biết tử số và mẫu số sẽ là gì; như vậy hiện diện trong tâm trí nó mối quan hệ chung giữa hai vế, dẫu nó chẳng hề biết cái nào; nó biết hình thức không vật chất. Cũng thế đối với các khuôn khổ, vốn dĩ có trước mọi kinh nghiệm, nơi kinh nghiệm của chúng ta chui vào. Vậy nên chúng ta hãy chọn lấy ở đây những cách nói đã quá quen. Chúng tôi sẽ mang tới cho sự phân biệt giữa trí năng và bản năng câu cụ thể hơn sau đây: trí năng, trong những gì nó sở hữu ở phương diện bẩm sinh, là hiểu biết về một hình thức, còn bản năng ngụ ý hiểu biết về một vật chất.

Từ quan điểm thứ hai này, vốn dĩ là quan điểm của hiểu biết chứ không còn là của hành động, lực nội tại so với sự sống nói chung vẫn hiện ra với chúng ta như một nguyên tắc bị giới hạn, ở đó cùng tồn tại và xâm nhập qua lại lẫn vào nhau, ở khởi đầu, hai cách thức khác nhau, và thậm chí phân tán, của biết. Cách thứ nhất đạt tới theo lối tức thì, trong bản thân vật chất tính của chúng, các đối tượng xác định. Nó nói: “đây, những gì là”. Cách thứ hai không đạt tới bất kỳ đối tượng cụ thể nào; nó chỉ là một quyền năng tự nhiên về chắp nối một đối tượng với một chủ thể, hoặc một phần với một phần, hoặc một khía cạnh với một khía cạnh, nói tóm lại rút ra những kết luận khi ta sở hữu các tiền đề và đi từ cái ta đã học được đến cái ta không biết. Nó không còn nói “cái này là”; nó chỉ nói rằng nếu các điều kiện là như thế, thì đây sẽ là cái được điều kiện hóa. Tóm lại, hiểu biết thứ nhất, có bản tính thuộc bản năng, hẳn có thể được phát biểu trong cái mà các triết gia gọi là những mệnh đề thuộc phạm trù, trong khi hiểu biết thứ hai, mang bản tính trí năng, luôn luôn được biểu đạt bằng con đường giả thuyết. Trong số hai năng lực ấy, thoạt tiên năng lực thứ nhất dường như đáng thích thú hơn năng lực còn lại. Và quả thật hẳn đúng thế, nếu nó mở rộng ra được một số lượng vô tận các đối tượng. Nhưng, nói cho đúng, nó bao giờ cũng chỉ có thể áp dụng vào một đối tượng đặc biệt, và thậm chí vào một phần rất hạn chế của đối tượng ấy. Ít nhất nó có hiểu biết thuộc dạng bên trong và đầy về cái đó, không phải tường minh, mà ngụ ý trong hành động đã hoàn thành. Ngược lại, năng lực thứ hai dĩ nhiên chỉ sở hữu một hiểu biết bên ngoài và rỗng; nhưng, chính qua đó, có có lợi thế là mang tới một khuôn khổ nơi một vô tận đối tượng sẽ có thể lần lượt tìm được chỗ. Mọi chuyện xảy ra như thể lực tiến hóa xuyên qua những hình thức sống, vốn dĩ là một lực bị hạn chế, từng có lựa chọn, trong địa hạt của hiểu biết tự nhiên hay bẩm sinh, giữa hai loại giới hạn, một hướng vào sự mở rộng của hiểu biết, một thì vào sự bao gồm nó. Trong trường hợp thứ nhất, hiểu biết sẽ có thể chứa chất [étoffé] và đầy, nhưng khi đó nó sẽ bị hạn chế vào một đối tượng xác định; trong trường hợp thứ hai, nó không còn giới hạn đối tượng của nó nữa, nhưng ấy là bởi nó chẳng còn chứa gì hết, vì vốn dĩ nó chỉ là một hình thức không vật chất. Hai khuynh hướng, mới đầu được ngụ ý vào với nhau, đã phải phân tách ra để lớn lên. Chúng đã đi tìm, mỗi cái từ phía của mình, vận hạn trong thế giới. Chúng đã đi đến với bản năng và trí năng.

Như vậy đó là hai thức phân tán của hiểu biết qua đó trí năng và bản năng sẽ phải được định nghĩa, nếu ta tự đặt mình vào quan điểm của hiểu biết, chứ không còn của hành động nữa. Nhưng hiểu biết và hành động ở đây chỉ là hai khía cạnh của cùng chỉ một năng lực. Quả thật, rất dễ thấy rằng định nghĩa thứ hai chỉ là một hình thức mới của định nghĩa thứ nhất.

Nếu bản năng là, một cách tuyệt hảo, năng lực sử dụng một công cụ tự nhiên được tổ chức, thì nó phải bọc lấy hiểu biết bẩm sinh (tiềm tàng hay không ý thức, đúng thế) của cả công cụ đó lẫn đối tượng mà công cụ được áp dụng vào. Như vậy bản năng là hiểu biết bẩm sinh về một vật. Nhưng trí năng là năng lực làm ra những công cụ không được tổ chức [không cơ hữu], tức là nhân tạo. Nếu, ở chỗ này, tự nhiên chối bỏ việc phú cho sinh vật sống dụng cụ sẽ giúp ích cho nó, thì đấy là nhằm khiến sinh vật sống có thể, tùy thuộc hoàn cảnh, biến đổi sự sản xuất của nó. Chức năng cốt yếu của trí năng, như vậy, sẽ là làm lộ ra, trong những hoàn cảnh nào đó, phương cách để giải quyết. Nó sẽ tìm những gì có thể giúp ích nhiều nhất cho nó, tức là nhập luôn vào khuôn khổ hiện ra. Về cốt yếu nó sẽ hướng đến các quan hệ giữa tình huống cho trước và các phương cách để sử dụng nó. Như vậy hẳn cái mà nó có ở phương diện bẩm sinh là khuynh hướng thiết lập những tương quan, và khuynh hướng ấy ngụ ý hiểu biết tự nhiên về một số quan hệ rất chung, chất [étoffe] đích thực mà hoạt động chính yếu đối với mỗi trí năng sẽ tạc thành những quan hệ cụ thể hơn. Nơi nào hoạt động được hướng về phía sự sản xuất, hiểu biết sẽ nhất thiết hướng vào các tương quan. Nhưng hiểu biết hoàn toàn có tính cách hình thức đó của trí năng có với hiểu biết có tính cách vật chất của bản năng một lợi thế không thể đo đếm nổi. Một hình thức, chính bởi vì nó rỗng, có thể được làm đầy lần lượt, tùy ý, bởi một số lượng vô tận các vật, thậm chí bởi những vật chẳng dùng để làm gì. Thành thử một hiểu biết hình thức không tự giới hạn vào những gì hữu ích theo lối thực tiễn, dẫu chính là nhằm tới tính hữu ích thực tiễn mà nó đã xuất hiện trong thế giới. Một sinh vật có trí năng mang trong nó những thứ để tự vượt qua chính nó.

Tuy nhiên nó sẽ tự vượt qua chính nó kém hơn mức mà hẳn nó muốn, cũng kém hơn so với nó tưởng đâu mình làm được. Tính cách thuần túy hình thức của trí năng tước đi khỏi nó độ nặng mà hẳn nó cần để có thể tự đặt mình lên những đối tượng có lợi ích lớn hơn cả đối với sự suy tính. Ngược lại, bản năng hẳn có vật chất tính được mong muốn, nhưng nó không có khả năng đi tìm đối tượng của nó xa đến thế: nó không suy tính. Chúng tôi đang chạm đến điểm khiến nghiên cứu của chúng tôi quan tâm nhiều nhất. Khác biệt mà chúng tôi sẽ chỉ ra giữa bản năng và trí năng là khác biệt mà toàn bộ phân tích của chúng tôi từng tìm cách làm rõ. Chúng tôi sẽ phát biểu nó như sau: Có những thứ mà chỉ trí năng có khả năng đi tìm, nhưng đó cũng là những gì mà bởi chính nó, nó sẽ không bao giờ tìm thấy. Những thứ đó, hẳn chỉ bản năng mới có thể tìm được; nhưng nó sẽ chẳng bao giờ tìm chúng.

Ở đây nhất thiết phải đi vào một số chi tiết tạm thời về cơ chế của trí năng. Chúng tôi đã nói rằng trí năng có chức năng thiết lập các tương quan. Chúng ta hãy xác định cụ thể hơn bản tính những quan hệ mà trí năng thiết lập. Về điểm này, ta vẫn còn ở trong sự mơ hồ hay sự võ đoán chừng vẫn còn thấy nơi trí năng một năng lực dành cho suy tính thuần túy. Lúc đó ta bị thu hẹp đến chỗ coi các khuôn khổ chung của niệm năng như một cái gì tuyệt đối, không thể giảm trừ và không thể giải thích. Hẳn niệm năng rơi từ trên trời xuống cùng hình thức của nó, giống mỗi người chúng ta sinh ra cùng khuôn mặt của mình. Chắc hẳn, người ta định nghĩa hình thức ấy, nhưng đó là tất cả những gì ta có thể làm, và chẳng hề có chuyện tìm xem tại sao nó lại là cái nó là chứ không phải cái gì khác. Do vậy, người ta sẽ giảng rằng trí năng về cốt yếu là sự hợp nhất, rằng tất tật những thao tác của nó đều có chủ đích chung là đưa một nhất thể nào đó vào trong sự đa dạng của các hiện tượng, v.v… Nhưng, trước hết, “hợp nhất” là một từ mơ hồ, kém sáng sủa hơn so với từ “quan hệ” hay thậm chí với từ “suy nghĩ”, và cũng không nói gì nhiều hơn. Hơn nữa, hẳn ta có thể tự hỏi hay là trí năng có chức năng là phân chia, còn hơn nhiều so với tập hợp. Xét cho cùng, nếu trí năng vận hành như nó làm vì nó muốn tập hợp, và nếu chỉ đơn giản là nó tìm sự hợp nhất bởi nó cần cái đó, thì hiểu biết của chúng ta trở nên có liên quan với một số đòi hỏi của tinh thần có lẽ hẳn có thể hoàn toàn khác so với những gì chúng là. Với một trí năng được khuôn hình theo cách khác, hiểu biết hẳn cũng khác. Vì trí năng không còn treo vào gì nữa, cho nên mọi thứ treo vào nó. Và bằng cách ấy, vì đã đặt niệm năng quá cao, ta đi tới chỗ đặt quá thấp hiểu biết mà nó cung cấp cho chúng ta. Hiểu biết đó trở nên tương đối, ngay vào lúc trí năng là một loại tuyệt đối. Ngược lại, chúng tôi coi trí năng con người có quan hệ với các tất yếu của hành động. Hãy đặt ra hành động, bản thân hình thức của trí năng sẽ được suy ra từ đó. Như vậy hình thức ấy vừa không có tính cách không thể giảm trừ lại vừa không phải là chẳng thể giải thích. Và, đích xác bởi vì nó không độc lập, ta không còn có thể nói rằng hiểu biết tùy thuộc vào nó. Hiểu biết ngừng là một sản phẩm của trí năng để trở nên, trong một nghĩa nào đó, phần không thể tách rời của thực tại.

Các triết gia sẽ đáp rằng hành động được hoàn thành trong một thế giới được quy định trật tự, rằng trật tự đó đã thuộc vào suy nghĩ, và rằng chúng tôi cưỡng từ đoạt lý khi giải thích trí năng bằng hành động, thứ đặt tiền giả định về nó. Chắc hẳn họ đúng khi nói thế, nếu quan điểm nơi chúng tôi tự đặt mình vào trong chương này là quan điểm chung quyết của chúng tôi. Hẳn nếu vậy chúng tôi bị lừa mị bởi một ảo tưởng giống ảo tưởng của Spencer, người từng tưởng đâu trí năng đã được giải thích một cách đầy đủ vào lúc người ta đưa nó trở lại với dấu ấn để lại bên trong chúng ta bởi những tính cách chung của vật chất: cứ như thể trật tự cố hữu của vật chất không phải chính là bản thân trí năng vậy! Nhưng chúng tôi để dành cho chương sắp tới câu hỏi biết xem cho tới điểm nào, và với phương pháp nào, triết học có thể thử tìm hiểu sự sinh thành đích thực của trí năng cùng lúc với của vật chất [quả thật chương 3 của Tiến hóa sáng tạo sẽ là một chương rất máu lửa]. Còn lúc này, vấn đề khiến chúng tôi bận tâm thuộc vào trật tự của tâm lý học. Chúng tôi tự hỏi đâu là khoảng của thế giới vật chất mà trí năng của chúng ta được thích nghi một cách đặc biệt. Thế nhưng, để trả lời câu hỏi này, hoàn toàn không cần chọn lấy một hệ thống triết học. Chỉ cần tự đặt mình vào quan điểm của lương tri là đủ [đây là một điểm rất hấp dẫn: xét cho cùng, triết học có tương quan mạnh với lương tri, nhưng đó là nghịch với ranh giới của lương tri].

Vậy nên chúng ta hãy xuất phát từ hành động, và đặt thành nguyên tắc rằng trí năng trước hết nhắm đến sản xuất. Sự sản xuất được thực thi một cách chuyên nhất lên vật chất trơ ì, theo nghĩa rằng, ngay cả khi nó dùng đến các chất liệu có trật tự, thì nó vẫn xử lý chúng như các đối tượng trơ ì, chẳng hề bận tâm tới sự sống đã truyền vào trong đó. Từ bản thân vật chất trơ ì gần như nó không giữ lại gì ngoài chất rắn: phần còn lại vuột thoát đi mất do bản thân sự trôi chảy [sự lỏng] cố hữu. Như vậy, nếu trí năng hướng đến chuyện sản xuất, ta có thể dự đoán rằng những gì có ở phương diện lỏng trong cái thực thoát đi mất một phần khỏi nó, và rằng những có ở phương diện sống đúng nghĩa nơi cái sống sẽ thoát đi hoàn toàn. Trí năng của chúng ta, đúng như nó chui ra từ bàn tay của tự nhiên, có đối tượng chính yếu là chất rắn không được tổ chức.

Nếu duyệt lại các năng lực thuộc trí năng, hẳn ta sẽ thấy rằng trí năng chỉ cảm thấy được thoải mái, chỉ hoàn toàn được ở đúng chỗ của nó khi nó hoạt động trên vật chất trơ ì, đặc biệt là trên các vật rắn. Đâu là thuộc tính chung nhất của vật chất trơ ì? Đó là sự rộng, nó bày cho chúng ta các đối tượng bên ngoài các đối tượng khác và, nơi những đối tượng đó, các phần bên ngoài các phần. Chắc hẳn đối với chúng ta sẽ hữu ích, nếu nhằm tới những thao tác về sau, khi nhìn nhận mỗi đối tượng như là có thể chia nhỏ thành những phần được cắt ra theo lối võ đoán, phần nào cũng có thể được chia nhỏ tiếp tùy theo phăng te di của chúng ta, và cứ như vậy mãi cho đến vô tận. Nhưng trước hết đối với chúng ta rất cần thiết, cho thao tác của lúc này, việc xem đối tượng thực mà chúng ta đang có trước mặt, hoặc những yếu tố thực mà chúng ta đã phân nhỏ nó thành, là chung quyết một cách tạm thời và xử lý chúng giống như các nhất thể [đơn vị]. Chính khả năng phân chia vật chất đến chừng nào mà chúng ta thích, và đúng như chúng ta thích, là điều mà chúng ta ám chỉ khi nói đến sự liên tục của độ rộng vật chất; nhưng sự liên tục ấy, như ta thấy, đối với chúng ta bị thu hẹp về năng lực mà vật chất để lại cho chúng ta trong việc lựa chọn thức của đứt đoạn mà chúng ta sẽ tìm được ở đó: nhìn chung, lúc nào cũng chính là thức đứt đoạn, một khi đã được chọn, hiện ra với chúng ta như quả thật là thực, và cố định hóa sự chú ý của chúng ta, vì chính dựa trên nó mà hành động lúc này của chúng ta được quy định. Bằng cách ấy sự đứt đoạn được suy nghĩ cho chính nó, nó là có thể suy nghĩ ở chính nó, chúng ta tự trình hiện nó bằng một hành động tích cực của tinh thần chúng ta, trong khi trình hiện thuộc trí năng về sự liên tục thì lại ngả sang phía tiêu cực, vì xét cho nó chỉ là sự cự tuyệt của tinh thần chúng ta, trước bất kỳ hệ thống phân chia thực sự được cung cấp nào, việc coi đó là cái duy nhất khả dĩ. Trí năng chỉ tự trình hiện được một cách rõ ràng cái đứt đoạn.

Mặt khác, các đối tượng trên đó hành động của chúng ta thực thi là, không cần phải nghi ngờ, những đối tượng cơ động. Nhưng điều quan trọng đối với chúng ta nằm ở chỗ biết xem cái cơ động đi đâu, nó ở đâu vào một thời điểm nào đó trên hành trình của nó. Nói cách khác, trên hết chúng ta chăm chăm chú tâm vào những vị trí lúc này hay tương lai của nó, chứ không phải vào tiến bộ thông qua đó nó chuyển từ một vị trí này sang một vị trí khác, cái tiến bộ vốn dĩ là bản thân chuyển động. Trong những hành động mà chúng ta hoàn thành, vốn dĩ là các chuyển động được hệ thống hóa, chính là trên mục đích hay biểu nghĩa của chuyển động, trên bức họa tổng thể của nó, nói tóm lại trên bản kế hoạch thực thi bất động của nó mà chúng ta chú mục tinh thần của mình vào. Những gì có ở phương diện động [“mouvant”: từ rất quan trọng của Bergson] nơi hành động chỉ khiến chúng ta quan tâm trong chừng mực tại đó cái toàn thể nhờ vậy có thể tiến lên, bị chậm lại hoặc bị ngăn cản bởi một sự cố này hay một sự cố khác trên đường. Trí năng của chúng ta vòng tránh bản thân sự cơ động, vì nó chẳng có lợi ích nào để quan tâm đến cái đó. Nếu được dành cho lý thuyết thuần túy, thì hẳn nó sẽ trú vào trong chuyển động, bởi chuyển động chắc hẳn chính là thực tại, còn sự bất động bao giờ cũng chỉ có tính cách bề ngoài hay tương đối. Nhưng trí năng được dành cho một điều khác hẳn. Trừ phi phải tự gây bạo lực lên chính mình, nó đi theo con đường ngược: luôn luôn nó khởi hành từ chính sự bất động, như thể đó là thực tại tối hậu hoặc đó là yếu tố cơ bản; khi muốn tự trình hiện chuyển động, thì nó tái xây dựng chuyển động đó với những bất động mà nó đặt cạnh nhau. Thao tác ấy, mà chúng tôi sẽ chỉ ra sự bất hợp thức và mối nguy trong trật tự thuộc suy tính (nó dẫn tới các ngõ cụt và tạo ra theo lối nhân tạo những vấn đề triết học không thể giải quyết), được biện minh chẳng chút khó nhọc khi ta nhìn vào đích của nó. Trí năng, ở trạng thái tự nhiên, nhắm đến một cái đích hữu ích một cách thực tiễn. Lúc thế vào chỗ chuyển động các bất động đặt cạnh nhau, nó không định tái tạo dựng chuyển động đúng như chuyển động vốn dĩ; chỉ đơn giản là nó thay thế chuyển động bằng một tương đương có tính cách thực tiễn. Chính các triết gia nhầm lẫn khi họ chuyển vào địa hạt của suy tính một phương pháp suy nghĩ vốn được làm ra cho hành động. Nhưng chúng tôi sẽ còn quay trở lại điểm này. Chúng tôi chỉ khăng khăng nói rằng cái ổn định và cái không dịch chuyển là những gì trí năng chúng ta chú mục vào, chiểu theo sự bố trí tự nhiên của nó. Trí năng của chúng ta chỉ tự trình hiện được một cách sáng sủa sự bất động.

Giờ, sản xuất đồng nghĩa với việc tạc vào một vật chất hình thức của một đối tượng [đồ vật]. Điều quan trọng trước nhất là hình thức cần đạt tới. Về phần vật chất, người ta chọn vật chất nào thích hợp hơn cả; nhưng, để chọn được nó, tức là để đi tìm nó giữa nhiều cái khác, cần phải từng đã thử, ít nhất là trong trí tưởng tượng, cấp cho mọi loại vật chất hình thức của đối tượng được hình dung. Nói cách khác, một trí năng nhắm tới chỗ sản xuất là một trí năng không bao giờ dừng lại ở hình thức hiện có của các vật, không coi nó như là chung quyết, mà ngược lại xem mọi vật chất là có thể được tạc tùy ý. Platon so sánh nhà biện chứng giỏi với đầu bếp thiện xảo, anh ta có thể chặt nhỏ con thú ra mà không làm gãy xương nó, vì biết cách nương theo các cấu tạo đã được tự nhiên vẽ ra[]. Quả thật, một trí năng lúc nào cũng vận hành như thế hẳn sẽ là một trí năng quay về phía suy tính. Nhưng hành động, và đặc biệt là sự sản xuất, đòi hỏi khuynh hướng tinh thần trái ngược. Nó muốn rằng chúng ta nhìn nhận mọi hình thức hiện có của các vật, kể cả tự nhiên, như là nhân tạo và tạm thời, rằng suy nghĩ của chúng ta xóa đi khỏi đối tượng trông thấy, dẫu nó là đối tượng có trật tự và sống, những đường đánh dấu ở bên ngoài cấu trúc bên trong, nói ngắn gọn nó muốn chúng ta xem vật chất của nó là thờ ơ với hình thức của nó. Tổng thể vật chất, như vậy, hẳn sẽ hiện ra trước suy nghĩ của chúng ta như là một mảnh vải khổng lồ nơi chúng ta có thể cắt lấy những gì mà chúng ta muốn, rồi khâu lại như chúng ta thích. Nhân tiện hãy ghi nhận điều này: chính đó là quyền năng mà chúng ta khẳng định lúc nói rằng có một không gian, tức là một môi trường đồng chất và rỗng, vô tận và có thể chia nhỏ vô chừng, sẵn sàng theo lối hờ hững đối với bất kỳ thức phân chia nào. Một môi trường thuộc dạng này không bao giờ được tri nhận; nó chỉ được hình dung. Cái được tri nhận là độ rộng được tô màu, sự kháng cự, được chia ra theo các đường vẽ nên bởi những công tua của các thực thể có thực hay những phần có thực sơ đẳng của chúng. Nhưng khi chúng ta tự trình hiện quyền năng của chúng ta lên vật chất ấy, tức là năng lực của chúng ta trong việc phân chia nó ra và ghép lại nó như chúng ta thích, thì chúng ta phóng chiếu, toàn bộ, tất tật những phân chia và ghép lại khả dĩ kia đằng sau độ rộng thực, dưới hình thức một không gian đồng chất, rỗng và thờ ơ, thứ hẳn nằm bên dưới chống đỡ. Như vậy không gian đó, trước hết, là sơ đồ hành động khả dĩ của chúng ta lên các vật, dẫu các vật có một khuynh hướng tự nhiên, như chúng tôi sẽ giải thích ở đoạn dưới, là bước vào một sơ đồ thuộc dạng này: đó là một cái nhìn của tinh thần. Có khả năng con thú chẳng hề biết gì về cái đó, kể cả khi nó cũng tri nhận giống chúng ta các vật có độ rộng. Đó là một trình hiện biểu tượng hóa khuynh hướng thiên về sản xuất của trí năng con người. Nhưng điểm này sẽ không làm chúng tôi dừng lại, vào lúc này. Chúng tôi thấy là chỉ cần nói như sau là đủ, rằng trí năng được đặc trưng hóa bởi quyền năng bất định trong việc phân chia theo bất kỳ luật nào và ghép lại thành bất cứ hệ thống nào.

Chúng tôi đã liệt kê một số nét cốt yếu của trí năng con người. Nhưng chúng tôi đã xem xét cá nhân ở trạng thái bị cô lập, mà chưa tính đến cuộc sống xã hội. Trên thực tế, con người là một sinh vật sống trong xã hội. Nếu đúng là trí năng con người





(còn nữa)



đã tiếp tục "Đông Dương thuở ấy (3) Các cò mi"

36 comments:

  1. cái bẫy lớn; mà ko để bẫy.

    ReplyDelete
  2. quá nửa những nhầm lẫn trong trường "triết học" có nguyên do từ những cái biết mơ hồ về tiếng Việt và ngôn ngữ.

    ReplyDelete
  3. "..., rằng các khái niệm của chúng ta được hình thành dựa trên hình ảnh các vật rắn, rằng logic của chúng ta chủ yếu là logic về các vật rắn," - và đó là một thứ nguyên tối cổ một lần nữa được tra xét lại.

    ReplyDelete
  4. tiếp tục, cả dưới lẫn trên

    ReplyDelete
  5. ủa tưởng sau vụ tử cung ngưng làm dịch giả rồi, giờ vẫn dịch à?

    ReplyDelete
  6. thấy có quyển gì đó Tocqueville in lần thứ năm vẫn "hiếp pháp" in chữ hoa đấy

    ReplyDelete
    Replies
    1. tội nghiệp, chỉ vì cái phốt ung thư đấy mà giờ bị ung thư thật

      Delete
  7. sao không dám ghi tên thật? Nguyễn Văn Sướng hay Nguyễn Việt Anh gì đó chứ gì

    cái lò triết học gọi lý trí là lý tính sản xuất ra lắm vong thân hiểu theo nghĩa đen thật

    ReplyDelete
  8. phân tích về "cái tôi" cũng như vậy trong Phật giáo. nhưng ngay lập tức, "tức thì", cái nhận ra quá trình "cái tôi" nằm trong tương quan nào với "đà" sống? - điều hẳn cũng như việc "đà" sống có đồng nhất với sự sống hay không.

    ReplyDelete
  9. tiếp tục (trên và dưới)

    ReplyDelete
  10. cú đặt thời độ (của Bergson) và dẫn xuất (Goethe - Schopenhauer - Wittgenstein) cạnh nhau thật là xuất sắc!!!

    ReplyDelete
  11. Rất lâu rồi mình mới được đọc một thứ tuyệt vời như thế này, muốn hối lộ CVD để được đọc toàn bộ bản dịch hoàn chỉnh, mà liên lạc khó quá đi!

    ReplyDelete
  12. sẽ sớm có, và tìm được dễ dàng thôi

    ReplyDelete
  13. Đọc xong phần "tiếp tục" lại hóng nữa, sớm "tiếp tục" nữa đi nhé ;)

    ReplyDelete
  14. tiếp tục (trên và dưới)

    Bergson đã đi thẳng vào vấn đề có ý nghĩa hơn cả: bản năng-trí năng và nhất là tương quan giữa chúng

    ReplyDelete
  15. Phần dưới vừa thêm đã đọc, phần trên chưa tìm ra, nhưng sẽ đọc lại từ đầu để tìm cho ra

    Phần dưới quá hay, đang cao trào thì lại hết mất, thèm quá!

    ReplyDelete
  16. tiếp tục - dưới và trên

    ReplyDelete
  17. Dưới thấy rồi mà trên thì bị lạc. Hóng tiếp!

    ReplyDelete
  18. ơ sao lần này lâu thấy ông Đặng Thiều Quang vào đọc phần mới thế nhỉ, bận đi đón Trump à?

    ReplyDelete
  19. Tôi vẫn đang theo dõi, giờ lại dài cổ ngóng chương 3 máu lửa đây :)

    ReplyDelete
  20. Có gì mới chưa Nhị Linh ơi? Khi nào thì in Tiến hóa sáng tạo?

    ReplyDelete
  21. http://nhilinhblog.blogspot.com/2019/07/hai-nguon.html

    ReplyDelete
  22. ơ, đang đọc Hai Nguồn đây mà, đọc rất chậm vì vừa đọc vừa nảy ra nhiều ý nghĩ hay ho quá :D

    ReplyDelete
  23. Chào Blogger Nhị Linh,
    Bác đã dịch trọn bộ cuốn Tiến Hóa Sáng Tạo của Bergson chưa ạ?
    Có thể post lên cho cháu đọc với, được không bắc?

    ReplyDelete
  24. Tôi vẫn đang hóng vụ này nhé :)

    ReplyDelete
  25. đọc một đoạn Hearn viết về kiến và nhắc đến Spencer
    "the greatest possible human suffering is yet to come" (mk)

    ReplyDelete
  26. có lần em thấy nxb Thời Độ quảng cáo bản dịch Thời độ và Đồng thời của Đinh Trần Phương rồi sau đó im luôn, anh có thông tin gì không?

    ReplyDelete
  27. sách triết bán chạy ở vn ngoài mấy bộ dẫn luận, từ điển thì phải kể đến Thế giới của Sophie và Chết Cho Tư Tưởng, cuốn sau tôi được người ta tặng, thấy dòng "dịch bởi Trần Ngọc Hiếu" là nghi nghi rồi, và đúng như nghi ngờ

    ReplyDelete
  28. Mệnh đề của Wittgenstein hiểu là "Thế giới là tổng số của các chân lý" thì có đúng không hả NL? Vì em đang hiểu câu đầu tiên là "Thế giới là tất cả những gì đúng"?

    ReplyDelete