Sep 3, 2018

Simone Weil: Mọc rễ

Achtung, tôi sắp nói một điều to tát (không hợp với tôi lắm, nhưng thôi kệ): kiểu xã hội Việt Nam hiện nay (tinh thần của nó) cần nhất dạng tinh thần nào? Tôi nghĩ chính là tinh thần Simone Weil, tức là một tinh thần nghiêm khắc.

Chính vì thế, sau khi đã dịch xong hoàn toàn Nặng và Thanh (tức là La Pesanteur et la Grâce) - và sẽ in luôn thành sách chứ không đợi nữa - tôi chuyển sang L'Enracinement (hình như ở đâu đó tôi đã post quyển sách, ấn bản đầu năm 1949).

"Cuốn sách" (ở trường hợp của Weil, khái niệm "cuốn sách" tương đối mơ hồ, vì không có vai trò ý chí của chính Weil) L'Enracinement gồm ba phần, phần cuối là "Mọc rễ", phần giữa sẽ gọi là "Bật rễ" - gọi như vậy cho tương ứng với "mọc rễ", còn nó hay được gọi là "vong bản" hơn: suốt quãng thời gian cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đó là một trong những "từ khóa" lớn nhất; đó là thời đại của sự vong bản. Tôi sẽ còn quay trở lại với khái niệm "déracinement" này.

André Weil, nhà toán học lớn, anh trai của Simone Weil, có vai trò không nhỏ trong việc in tác phẩm của Simone Weil. Cả hai anh em Weil đều có thời gian không ngắn ở trường École Normale Supérieure de la rue d'Ulm.

Ở ENS, bốn phòng học (ở khu chính, tức là khu chạy vòng quanh cái vườn vuông) mang tên đáng nhớ nhất là phòng Simone Weil, phòng Samuel Beckett, phòng Paul Celan và phòng Jean Cavaillès (ai từng đọc hồi ký của Hồ Hữu Tường hẳn còn nhớ nhân vật ấy). Trong vòng một năm, tôi sống ở căn phòng (có mezzanine) nhìn xuống góc tường chỗ thư viện của trường gấp khúc, nhìn thấy vài kệ sách của thư viện. Giờ, tôi nhớ dường như phòng tôi nằm ngay trên đầu một trong bốn phòng học nói trên, rất có thể chính là phòng Simone Weil. Ở quá gần thì lại rất đi học muộn, nhưng tôi sẽ không thú nhận có hôm nào xuống phòng học để theo séminaire nào đó mà chưa kịp đánh răng hay không. "Tinh thần Sorbonne" mà tôi đã nói ởkia được giải trừ hết sức hiệu quả nhờ những căn phòng mang tên người ấy.




Simone Weil

Mọc rễ


Phần thứ nhất

Các nhu cầu của tâm hồn


Khái niệm bổn phận vượt trên khái niệm quyền, vốn dĩ là thứ lệ thuộc vào nó và có liên quan với nó. Một quyền thì không hiệu quả bởi tự thân nó, mà chỉ bởi bổn phận tương ứng với nó; sự thành tựu thật [ở mức “effectif”] của một quyền không xuất phát từ người sở hữu nó, mà từ những người khác tự nhận ra là họ có bổn phận ở điều gì đó đối với anh ta. Bổn phận thì hiệu quả ngay khi nó được nhận ra. Một bổn phận dẫu chẳng hề được bất kỳ ai công nhận, thì nó vẫn không mất đi gì hết trong sự đầy hữu thể của nó. Một quyền không được bất kỳ ai công nhận thì chẳng là gì nhiều nhặn.

Chẳng có nghĩa lý gì nếu nói con người có một mặt là các quyền, mặt khác là các nghĩa vụ [điểm rất then chốt: con người hiện đại bị mắc kẹt vào các “idiom”, một idiom rất lớn là “quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ” - idiom này phớt lờ bản chất của các khái niệm và tạo cảm giác về một sự công bằng hư ảo]. Những từ đó chỉ diễn đạt các khác biệt về quan điểm. Mối quan hệ giữa chúng là quan hệ của đối tượng và chủ thể. Một người, được nhìn nhận ở chính anh ta, chỉ có các nghĩa vụ, trong số đó có một số nghĩa vụ với bản thân anh ta. Những người khác, nhìn nhận từ quan điểm của anh ta, chỉ có các quyền. Đến lượt mình anh ta có các quyền khi anh ta được nhìn nhận từ quan điểm của những người khác, họ tự công nhận các nghĩa vụ đối với anh ta. Một người chỉ có một mình trong vũ trụ sẽ không có quyền nào hết, nhưng vẫn có các bổn phận.

Khái niệm quyền, vốn dĩ thuộc trật tự khách quan, không thể tách rời khỏi khái niệm tồn tại và khái niệm thực tại. Nó hiện ra khi bổn phận đi xuống địa hạt thực tế [“địa phận” của các “fait”]; bởi thế nó luôn luôn chứa đựng trong một chừng mực nhất định sự nhìn nhận các trạng thái của thực tế và những hoàn cảnh riêng. Các quyền luôn luôn hiện ra như là gắn bó với một số điều kiện. Chỉ bổn phận mới có thể là vô điều kiện. Nó nằm trong một địa hạt phía bên trên mọi điều kiện, bởi vì nó ở phía bên trên thế giới này.

Những người hồi 1789 đã không nhận ra thực tại của một địa hạt như vậy. Họ chỉ công nhận địa hạt của các vật thuộc con người. Chính vì thế họ đã bắt đầu bằng khái niệm quyền. Nhưng cùng lúc họ lại muốn đặt ra các nguyên tắc tuyệt đối. Mâu thuẫn này đã khiến họ rơi vào một sự lẫn lộn của ngôn ngữ và của các ý, ngày nay nó có ý nghĩa lớn trong sự lẫn lộn chính trị và xã hội. Địa hạt của cái vĩnh cửu, phổ quát, vô điều kiện, thì khác với địa hạt của các điều kiện thuộc thực tế, và ở đó cư ngụ những khái niệm khác gắn bó với phần bí mật hơn cả của tâm hồn con người.

Bổn phận chỉ liên kết các con người. Không có các bổn phận cho những tập thể đúng như vậy [các “collectivité”, chúng được nhìn nhận “comme tel”]. Nhưng có các bổn phận cho mọi con người cấu thành, phụng sự, điều hành hay đại diện một tập thể, trong cái phần đời của họ gắn bó với tập thể cũng như trong cái phần độc lập với đó.

Các bổn phận tương tự nhau liên kết mọi con người, mặc dù chúng tương ứng với những hành động khác nhau tùy theo hoàn cảnh. Không con người nào, dẫu là ai đi chăng nữa, ở vào bất kỳ hoàn cảnh nào, thoát được khỏi đó mà không gây tội ác; ngoại trừ trong trường hợp, vì hai bổn phận có thực [mức của “réel”] quả thật không thể tương thích với nhau, một người buộc lòng phải từ bỏ một trong số chúng.

Sự thiếu hoàn hảo của một trật tự xã hội được ước định theo số lượng những hoàn cảnh thuộc dạng đó mà nó chứa đựng.

Nhưng ngay cả trong trường hợp ấy vẫn xảy ra tội ác nếu bổn phận bị bỏ mặc không chỉ bị bỏ mặc trên thực tế, mà còn bị chối bỏ.

Đối tượng của bổn phận, trong địa hạt các vật con người, luôn luôn là con người đúng như vậy. Có bổn phận đối với mọi con người, chỉ bởi đó là một con người, mà không cần bất kỳ điều kiện nào khác can thiệp, và dẫu cho người đó không công nhận bất cứ bổn phận nào.

Bổn phận ấy không đặt trên hoàn cảnh thực tế nào, cũng như trên các án lệ, cũng như trên các tập quán, cũng như trên cấu trúc xã hội, cũng như trên những tương quan sức mạnh, cũng như trên di sản quá khứ, cũng như trên định hướng được giả định của lịch sử. Bởi chẳng hoàn cảnh thực tế nào có thể khiến nảy sinh một bổn phận.

Bổn phận ấy không đặt trên bất kỳ thỏa thuận nào [ta thấy rõ là Simone Weil tách xa khỏi Rousseau: quy chiếu của tư tưởng Weil là Montesquieu nhiều hơn vô tận so với Rousseau]. Vì mọi thỏa thuận đều có thể bị biến đổi tùy thuộc vào ý chí của những người tham gia thỏa thuận, thế mà ở nó không thay đổi nào trong ý chí con người có thể biến đổi bất cứ mảy may nào.

Bổn phận ấy là vĩnh cửu. Nó hồi đáp số phận vĩnh cửu của con người. Chỉ con người mới có một số phận vĩnh cửu. Các tập thể con người thì không có. Vậy nên về phía chúng chẳng hề có các bổn phận trực tiếp có tính cách vĩnh cửu [Simone Weil đi đến rất sát với “vô chính phủ”, nhưng chưa bao giờ Weil rơi vào vô chính phủ]. Chỉ là vĩnh cửu nghĩa vụ đối với con người đúng như vậy.

Bổn phận ấy là vô điều kiện. Nếu nó được tạo lập trên một cái gì đó, thì cái gì đó không thuộc vào thế giới của chúng ta. Trong thế giới của chúng ta, nó được tạo lập trên không gì cả [“cái không” nằm ở yếu tính suy tư của Simone Weil]. Đó là bổn phận duy nhất có liên quan đến các vật con người không tuân phục bất cứ điều kiện nào.

Bổn phận ấy không có một nền móng, mà có một sự kiểm tra trong sự đồng tình của ý thức phổ quát. Nó được diễn đạt bởi một số trong những văn bản cổ xưa nhất mà chúng ta còn giữ được. Nó được công nhận bởi tất cả mọi người trong mọi trường hợp riêng nơi nó không bị tranh đấu bởi các lợi ích hay các dục vọng. Chính trong quan hệ với nó mà ta ước lượng được sự tiến bộ.

Sự công nhận bổn phận ấy được diễn đạt theo một cách thức rối bời và không hoàn hảo, nhưng là ít nhiều thiếu hoàn hảo tùy thuộc trường hợp, bởi cái mà người ta gọi là những quyền thực chứng. Trong chừng mực các quyền thực chứng rơi vào mâu thuẫn với nó, chính xác trong chừng mực đó chúng bị mang dấu ấn của sự bất hợp thức.

Dẫu bổn phận vĩnh cửu ấy hồi đáp số phận vĩnh cửu của con người, đối tượng trực tiếp của nó không phải số phận đó. Số phận vĩnh cửu của một con người không thể trở thành đối tượng cho bất kỳ bổn phận nào, bởi vì nó không lệ thuộc những hành động bên ngoài.

Việc một con người sở hữu một số phận vĩnh cửu chỉ áp đặt một bổn phận duy nhất; đó là lòng kính trọng. Bổn phận chỉ được thành tựu nếu sự kính trọng được diễn đạt ở mức thật, theo một cách thực chứ không phải hư cấu; nó chỉ có thể như vậy qua trung gian các nhu cầu nơi hạ giới của con người.

Ý thức con người chưa từng bao giờ biến động trên điểm này. Cách đây hàng nghìn năm người Ai Cập đã nghĩ rằng một linh hồn không thể được biện minh sau cái chết nếu nó không thể nói: “Tôi đã không để mặc ai phải chịu đói.” Tất tật Ki-tô hữu đều biết họ lâm vào tình cảnh rồi một ngày kia đích thân Đức Ki-tô sẽ nói với họ: “Xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn.” Tất cả mọi người đều hình dung sự tiến bộ trước hết như là sự chuyển sang một trạng thái của xã hội con người nơi sẽ không ai còn phải chịu đói nữa. Nếu ta đặt câu hỏi dưới hình thức khái quát cho bất kỳ người nào, thì chẳng một ai nghĩ rằng một người là trong trắng nếu, vốn dĩ có dồi dào thức ăn nhưng khi thấy trên ngưỡng cửa nhà mình một ai đó đói lả sắp chết, mà lại đi qua luôn không cho người đó cái gì.

Như vậy đây là một bổn phận vĩnh cửu đối với con người, việc không để cho anh ta chết đói khi ta có cơ hội cứu giúp anh ta. Vì bổn phận này là hiển nhiên nhất, nó phải được dùng làm hình mẫu để dựng ra danh sách các nghĩa vụ vĩnh cửu đối với mọi con người. Nhằm có được tính cách tuyệt đối nghiêm ngặt, danh sách ấy phải được triển khai từ ví dụ đầu tiên này theo con đường của tương đồng.

Vì thế, danh sách các bổn phận đối với con người phải tương ứng với danh sách những nhu cầu con người có tính cách sống còn, tương tự với cái đói.

Trong số các nhu cầu ấy, một số thuộc thể chất, như bản thân sự đói. Dễ dàng liệt kê chúng. Chúng liên quan tới sự bảo vệ chống lại bạo lực, chỗ ở, quần áo, sưởi ấm, vệ sinh, sự chăm sóc khi ốm đau.

Những nhu cầu khác không có tương quan với cuộc sống thuộc thể chất, mà với cuộc sống tinh thần. Tuy nhiên cũng giống các nhu cầu đầu tiên chúng có tính cách trần thế, và không có liên quan trực tiếp khả dĩ xâm nhập cho trí năng của chúng ta với số phận vĩnh cửu của con người. Đó là, cũng như các nhu cầu thuộc thể chất, những điều nhất thiết cho cuộc sống nơi hạ giới. Tức là nếu chúng không được thỏa mãn, con người sẽ dần dà rơi vào một trạng thái ít nhiều tương đồng với cái chết, ít nhiều gần với một cuộc sống thuần có tính cách thực vật.

Chúng khó nhận ra và liệt kê hơn nhiều, so với các nhu cầu của thể xác. Nhưng tất cả mọi người đều công nhận rằng chúng có tồn tại. Mọi điều tàn nhẫn mà một kẻ chinh phục có thể gây ra lên các tộc người bị chinh phục, tàn sát, hà lạm, nạn đói có tổ chức, bắt làm nô lệ hoặc trục xuất số lượng lớn, thường được coi như những thước đo cùng dạng, dẫu tự do hay quê hương chẳng phải những điều nhất thiết có tính cách thể chất. Tất cả mọi người có ý thức rằng có những sự tàn nhẫn xâm phạm đến cuộc sống con người mà không xâm phạm vào thể xác anh ta. Đó là các sự tàn nhẫn tước mất khỏi con người một thứ lương thực nào đó nhất thiết cần cho cuộc sống của tâm hồn.

Những bổn phận, vô điều kiện hoặc tương đối, vĩnh cửu hoặc nhiều thay đổi, trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các vật con người, tất tật, không ngoại lệ, đều phái sinh từ những nhu cầu có tính cách sống còn của con người. Các bổn phận nào không liên quan trực tiếp đến người này, người kia, người nọ xác định, tất tật đều có đối tượng là những vật có, nhờ tương quan với con người, một vai trò tương đồng với lương thực.

Ta cần phải kính trọng một cánh đồng lúa mì, không phải vì bản thân nó, mà bởi đó là đồ ăn cho con người.

Theo cách thức tương tự, ta phải kính trọng một tập thể, dẫu nó là gì - tổ quốc, gia đình, hay khác hẳn đi nữa - không phải vì bản thân nó, mà như là đồ ăn cho một số lượng nhất định tâm hồn con người.

Bổn phận ấy quả thật áp đặt những thái độ, hành động khác nhau tùy theo các hoàn cảnh khác nhau. Nhưng được nhìn nhận ở chính nó, nó tuyệt đối là tương tự với tất cả mọi người.

Nhất là, nó tuyệt đối là tương tự với những ai ở bên ngoài.

Mức độ kính trọng cần phải dành cho các tập thể con người thì rất cao, bởi nhiều nhìn nhận.

Trước hết, mỗi tập thể là duy nhất và, nếu nó bị phá hủy, sẽ không thể thay thế. Một bao lúa mì luôn luôn có thể được thay bằng một bao lúa mì khác. Đồ ăn mà một tập thể mang tới cho tâm hồn những ai là thành viên của nó không có tương đương trong toàn vũ trụ.

Và rồi, bởi thời độ của nó, tập thể đã xâm nhập vào tương lai. Nó chứa đựng đồ ăn, không chỉ cho tâm hồn những người đang sống, mà còn cho tâm hồn những người còn chưa sinh ra sẽ đến với thế giới trong các thế kỷ sắp tới.

Sau rốt, bởi cùng thời độ ấy, tập thể cắm rễ vào quá khứ. Nó tạo lập cơ quan sinh tồn duy nhất đối với các kho báu tinh thần được thu gom lại bởi những người đã chết, bộ phận duy nhất của truyền thừa, là trung gian để những người đã chết có thể nói chuyện với người sống. Và là vật trần thế duy nhất có một dây liên hệ trực tiếp với số phận vĩnh cửu của con người, đó là sự tỏa rạng của những ai từng biết cách có một thức nhận đầy đủ về số phận đó, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Vì tất tật những điều ấy, có thể xảy ra chuyện bổn phận dành cho một tập thể lâm nguy đi đến tận chỗ hy sinh hoàn toàn. Nhưng, từ đó không được suy ra rằng tập thể ở bên trên con người. Cũng có thể xảy ra chuyện bổn phận cứu giúp một con người trong cơn hoạn nạn phải đi đến tận chỗ hy sinh hoàn toàn, mà điều đó không ngụ ý chút vượt trội nào từ phía người được cứu giúp.

Một người nông dân, trong một số hoàn cảnh, có thể lâm vào cảnh, nhằm chăm bón cánh đồng của anh ta, kiệt sức, bị bệnh tật hay thậm chí chết. Nhưng lúc nào trong tâm trí anh ta cũng thấy vấn đề chỉ liên quan tới bánh mì.

Theo một cách thức tương đồng, ngay cả vào khoảnh khắc của hy sinh hoàn toàn, bao giờ bất kỳ tập thể nào cũng không có được gì khác ngoài một sự kính trọng tương đồng với sự kính trọng cần phải có đối với đồ ăn.

Rất thường xảy ra chuyện vai trò bị đảo ngược. Một số tập thể, thay vì mang tới lương thực, ngược hẳn lại, ăn các tâm hồn. Trong trường hợp này có bệnh của xã hội, và bổn phận thứ nhất là thử một cách chữa chạy; trong một số hoàn cảnh có thể nhất thiết phải hướng đến những phương pháp phẫu thuật.

Cả ở điểm này nữa, bổn phận cũng tương tự, đối với những ai ở bên trong tập thể và những ai ở bên ngoài.

Cũng có thể xảy ra chuyện một tập thể mang đến cho tâm hồn của những ai là thành viên của nó lượng đồ ăn không đủ. Trong trường hợp ấy, cần phải cải thiện nó.

Sau rốt có những tập thể chết, chúng, dẫu không ngốn ngấu các tâm hồn, cũng chẳng nuôi nấng. Nếu hoàn toàn chắc chắn rằng chúng đã chết, chứ không chỉ là một cơn lịm thoáng qua, và chỉ trong trường hợp đó mà thôi, cần phải hư vô hóa chúng đi.

Nghiên cứu đầu tiên cần phải thực hiện là nghiên cứu về các nhu cầu đối với cuộc sống của tâm hồn cũng giống đối với cuộc sống của cơ thể các nhu cầu về đồ ăn, giấc ngủ và sưởi ấm. Cần phải tìm cách liệt kê chúng và định nghĩa chúng.

Không bao giờ được lẫn lộn chúng với các ham muốn [điểm quan trọng], những thói thất thường, các phăng te di, những thứ tật. Cũng cần phải phân biệt rõ cái cốt yếu với cái ngẫu nhĩ. Con người cần tới, không phải gạo hay khoai tây, mà là đồ ăn; không phải gỗ hay than, mà là sự sưởi ấm. Cũng vậy đối với các nhu cầu của tâm hồn, cần phải nhận biết những thỏa mãn khác nhau, nhưng tương đương, hồi ứng với cùng các nhu cầu. Cũng cần phải phân định các thức ăn của tâm hồn và các thứ thuốc độc, chúng, đôi lúc, có thể gây ảo tượng là lương thực.

Sự thiếu vắng một nghiên cứu như thế buộc các chính phủ, khi nào chúng có những ý đồ tốt đẹp, phải loay hoay mò mẫm.

Sau đây là một số chỉ dẫn.




Trật tự


Nhu cầu thứ nhất của tâm hồn, nhu cầu ở gần số phận vĩnh cửu của nó hơn cả, là trật tự, tức là một cấu tạo quan hệ xã hội sao cho không ai bị buộc phải xâm phạm những bổn phận nghiêm ngặt nhằm thực thi các bổn phận khác. Tâm hồn chỉ gánh chịu một bạo lực tinh thần từ các hoàn cảnh bên ngoài trong trường hợp ấy. Bởi ai chỉ bị ngăn thực thi một bổn phận bởi mối đe dọa cái chết hoặc nỗi đau đớn có thể tảng lờ đi, và sẽ chỉ bị thương tổn nơi cơ thể. Nhưng người nào ở tình thế nơi các hoàn cảnh quả thật biến những hành động có trật tự trở nên bất tương thích thông qua nhiều bổn phận chặt chẽ, kẻ ấy, chẳng thể nào tự bảo vệ mình trước điều đó, bị tổn thương trong tình yêu cái thiện của anh ta.

Ngày nay, có một mức độ rất cao của mất trật tự và bất tương thích giữa các bổn phận.

Bất cứ ai hành động theo cách thức nhằm làm tăng sự bất tương thích ấy lên đều là một kẻ gieo rắc mất trật tự. Bất cứ ai hành động theo cách thức nhằm làm giảm nó đi là một nhân tố của trật tự. Bất cứ ai, nhằm giản lược hóa các vấn đề, chối bỏ đi một số bổn phận, trong lòng mình kẻ đó đã ký kết một liên minh với tội ác.

Thật không may ta không có phương pháp để giảm bớt sự bất tương thích ấy. Thậm chí ta còn chẳng thể chắc chắn vào việc một trật tự nơi mọi bổn phận đều tương thích với nhau không phải là một hư cấu. Khi nghĩa vụ đi xuống mức của thực tế, một số lượng các mối quan hệ độc lập bắt đầu hoạt tác, lớn đến mức sự bất tương thích dường như nhiều khả năng hơn so với sự tương thích.

Nhưng ngày nào chúng ta cũng tận mắt chứng kiến ví dụ của vũ trụ, nơi vô tận hành động cơ học độc lập cùng hợp lại nhằm tạo lập một trật tự, nó, xuyên qua những biến tấu, luôn luôn cố định. Vậy nên chúng ta yêu vẻ đẹp của thế giới, vì chúng ta cảm thấy đằng sau nó sự hiện diện của cái gì đó tương đồng với sự thông thái mà chúng ta những muốn sở hữu nhằm thỏa mãn hoàn toàn ham muốn cái thiện của chúng ta.

Ở một mức nhỏ hơn, các tác phẩm nghệ thuật thực sự đẹp mang đến ví dụ về các tổng thể trong đó các thành tố độc lập cùng hợp lại, nhằm tạo lập một cái đẹp duy nhất.

Sau rốt cảm giác về những bổn phận đa dạng lúc nào cũng nảy sinh từ một ham muốn cái thiện vốn dĩ là duy nhất, cố định, giống hệt với chính nó, cho mọi con người, từ lúc nằm trong nôi cho tới khi xuống mộ. Ham muốn vĩnh viễn hoạt tác đó nơi tận sâu chúng ta ngăn cản không lúc nào chúng ta có thể cam chịu với các hoàn cảnh nơi những bổn phận là bất tương thích. Hoặc giả chúng ta viện tới sự dối trá để quên đi rằng chúng tồn tại, hoặc chúng ta mù quáng vật lộn nhằm thoát ra khỏi đó.

Chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật chân thực, và còn hơn thế nhiều, sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới, và lại còn hơn thế nữa, sự chiêm ngưỡng cái thiện xa lạ mà chúng ta khát khao hướng về có thể hỗ trợ chúng ta trong nỗ lực liên tục suy nghĩ tới trật tự con người, thứ phải là đối tượng đầu tiên của chúng ta.

Những kẻ gieo rắc bạo lực lớn cũng từng tự khích lệ bản thân thông qua việc nhìn nhận bằng cách nào mà lực cơ học, mù quáng, lại thống trị toàn vũ trụ.

Bằng cách nhìn thế giới tốt đẹp hơn so với bọn họ, chúng ta sẽ tìm ra một sự khích lệ lớn hơn, nếu chúng ta nhìn nhận bằng cách nào những lực mù quáng nhiều vô số là có giới hạn, được kết hợp lại thành một cân bằng, được dẫn dắt đến chỗ cùng hợp lại cho một nhất thể, thông qua một điều gì đó mà chúng ta không hiểu, nhưng chúng ta yêu và gọi là cái đẹp.

Nếu chúng ta không ngừng giữ cho hiện diện trong tâm trí ý nghĩ về một trật tự con người đích thực, nếu chúng ta nghĩ đến nó như đến một đối tượng mà ta phải dành cho sự hy sinh hoàn toàn khi nào có cơ hội, thì chúng ta sẽ ở vào hoàn cảnh của một con người bước đi trong đêm, không người dẫn đường, nhưng không ngừng nghĩ tới hướng mà anh ta muốn theo. Đối với một lữ khách như thế, có một niềm hy vọng lớn.

Trật tự ấy là nhu cầu đầu tiên, thậm chí nó còn ở bên trên các nhu cầu đúng nghĩa. Để có thể suy nghĩ nó, cần đến một hiểu biết về những nhu cầu khác.

Tính cách thứ nhất phân biệt các nhu cầu với các ham muốn, những phăng te di với những tật, rồi thì lương thực với thói tham lam hay thuốc độc, nằm ở chỗ các nhu cầu thì có giới hạn, cũng như những đồ ăn tương ứng với chúng. Một kẻ hà tiện [Simone Weil đặc biệt hay lấy ví dụ “kẻ hà tiện”] chẳng bao giờ có vàng cho đủ, nhưng đối với mọi con người, nếu người ta đưa cho anh ta bánh mì một cách thoải mái, rồi sẽ tới một thời điểm anh ta thấy đủ. Lương thực mang tới sự đủ đầy. Cũng như vậy đối với các đồ ăn của tâm hồn.

Tính cách thức hai, gắn liền với tính cách thứ nhất, nằm ở chỗ các nhu cầu tự lập thành trật tự theo những cặp đối nghịch, và phải được kết hợp thành một cân bằng. Con người cần lương thực, nhưng cũng cần khoảng cách giữa các bữa ăn; anh ta cần sự ấm áp và mát mẻ, nghỉ ngơi và luyện tập. Cũng vậy đối với các nhu cầu của tâm hồn.

Cái mà người ta hay gọi là *juste milieu* thật ra là không thỏa mãn cả cái này lẫn cái kia trong số những nhu cầu đối nghịch. Đó là một biếm họa của sự cân bằng đích thực, cái nhờ đó các nhu cầu đối nghịch được thỏa mãn, tất tật, trong sự đầy của chúng.




Tự do


Một thứ lương thực nhất thiết phải có cho tâm hồn con người là tự do. Tự do, theo nghĩa cụ thể của từ này, là một khả năng lựa chọn. Tất nhiên, phải là một khả năng thực. Ở mọi nơi nào có cuộc sống chung, không thể tránh khỏi việc những quy định, được áp đặt bởi lợi ích chung, giới hạn lựa chọn.

Nhưng tự do không phải ít nhiều lớn tùy thuộc vào chuyện các giới hạn hẹp hơn hay rộng hơn. Nó có sự đầy riêng trong những điều kiện không dễ đo lường bằng.

Những quy tắc cần phải đủ hữu lý và đủ đơn giản để bất kỳ ai muốn và đồng thời sở hữu một năng lực chú tâm [“attention” là một trong những khái niệm then chốt nhất trong tư tưởng của Simone Weil] trung bình đều có thể hiểu, một mặt là tính hữu dụng mà chúng tương ứng, mặt khác là các nhất thiết thực tế đã áp đặt chúng. Chúng phải tỏa ra một uy quyền không bị xem như là xa lạ hoặc thù địch, mà được yêu quý như thể thuộc về những người mà nó chỉ huy. Chúng cần phải đủ ổn định, đủ độ ít, đủ mức chung, sao cho suy nghĩ có thể lĩnh hội chúng một lần là xong, chứ không vấp vào chúng mỗi lần nào cần có một quyết định.

Với các điều kiện ấy, tự do của những người ý chí lành mạnh, dẫu bị giới hạn trong các sự biến, là hoàn toàn trong ý thức. Bởi các quy tắc đã được nhập vào bản thân họ, những khả năng bị cấm không hiện ra với suy nghĩ của họ và không cần bị đẩy lui. Cũng vậy, thói quen, vốn dĩ được giáo dục in sâu, về việc không ăn những gì gây cảm giác ghê tởm hay nguy hiểm không bị một người bình thường cảm thấy như là một giới hạn cho tự do trong địa hạt ăn uống. Chỉ trẻ con mới cảm nhận được giới hạn.

Những ai thiếu ý chí lành mạnh hay vẫn còn nhiều tính cách trẻ con thì mới chẳng bao giờ được tự do nơi bất kỳ trạng thái nào của xã hội.

Lúc nào các khả năng lựa chọn đã đủ tới mức gây hại cho lợi ích chung, con người không có khoái thú về tự do. Bởi họ cần đến, hoặc viện tới nơi trú ngụ của vô trách nhiệm, của tính cách trẻ con, của sự thờ ơ, cái chốn trú ngụ nơi họ chỉ có thể tìm thấy nỗi chán nản, hoặc cảm thấy bị đè nặng bởi trách nhiệm ở mọi hoàn cảnh, do nỗi sợ gây hại cho kẻ khác. Trong trường hợp tương tự con người, nhầm lẫn mà tưởng đâu rằng họ sở hữu tự do và cảm thấy rằng mình không được hưởng nó, đi tới chỗ nghĩ rằng tự do không phải là một điều tốt.




Sự vâng lời


Sự vâng lời là một nhu cầu sống còn của tâm hồn con người. Nó có hai dạng: vâng lời những quy tắc đã được thiết lập và vâng lời các con người được coi như là thủ lĩnh. Nó giả định về sự nhất trí, không phải về phía mỗi mệnh lệnh nhận được, mà là một sự nhất trí trao một lần là xong, chỉ với một lưu ý, nếu có: các đòi hỏi của ý thức. Rất cần thiết chuyện nó được công nhận theo lối chung, và trước hết bởi các thủ lĩnh, chuyện sự nhất trí chứ không phải nỗi sợ bị trừng phạt hay mồi nhử phần thưởng tạo nên trong thực tế động lực chính cho sự vâng lời, theo cách thức sự tuân phục chẳng bao giờ vương chút đê hạ nào. Cũng cần được biết rằng những ai chỉ huy cũng phải vâng lời; và rất cần thiết chuyện toàn bộ tôn ti được hướng về phía một mục đích mà giá trị và thậm chí sự kỳ vĩ được tất cả mọi người cảm nhận, từ cao nhất cho đến thấp nhất.

Sự vâng lời vốn dĩ là một món đồ ăn cần thiết cho tâm hồn, bất kỳ ai bị tước mất nó đi một cách chung quyết đều bị ốm. Vậy nên mọi tập thể được điều hành bởi tay một thủ lĩnh tối cao không phải giải trình trước bất kỳ ai đều nằm trong tay một kẻ bị bệnh.

Chính vì thế, nơi nào một người được đặt cả đời ở chỗ đứng đầu tổ chức xã hội, ông ta phải là một biểu tượng chứ không phải một thủ lĩnh, giống trường hợp của vua nước Anh [Simone Weil rất hay lấy ví dụ từ nước Anh]; cũng cần làm sao để các quy định hạn chế tự do của ông ta theo lối chặt chẽ hơn so với bất kỳ tự do của người bình dân nào. Theo cách đó, các thủ lĩnh thật, dẫu là thủ lĩnh, vẫn có ai đó ở bên trên họ; mặt khác họ có thể, mà tính chất liên tục không bị ngắt đứt, được thay thế, và do vậy mỗi người được nhận về phần nhất thiết phải có của sự vâng lời cho mình.

Những ai bắt quy thuận các đám đông thông qua sự bó buộc và tàn nhẫn tước đi của họ cả hai thứ lương thực sống còn, tự do và sự vâng lời; vì những đám đông ấy không còn quyền năng trao sự nhất trí bên trong của họ cho uy quyền mà họ phải chịu đựng. Những ai tạo thuận lợi cho một trạng thái các vật nơi mồi nhử của lợi nhuận là động lực chính yếu đều cướp đi khỏi con người sự vâng lời, vì sự nhất trí vốn dĩ là nguyên tắc của điều đó không phải một thứ có thể bán đi.

Cả nghìn dấu hiệu cho thấy rằng những con người của thời chúng ta từ lâu đã đói khát sự vâng lời. Nhưng người ta đã lợi dụng điều đó để trao cho họ sự nô lệ.




Trách nhiệm


Chủ định và trách nhiệm, cảm giác thấy mình có ích và thậm chí nhất thiết, là những nhu cầu sống còn của tâm hồn con người. Sự tước bỏ hoàn toàn về phương diện này là trường hợp người thất nghiệp, dẫu họ được trợ cấp để vẫn có cái ăn, cái mặc và chỗ ở. Anh ta chẳng là gì trong cuộc sống kinh tế, và đối với anh ta tờ phiếu bầu vốn dĩ tạo lập phần của anh ta trong cuộc sống chính trị không có nghĩa lý gì.

Nhân công làm việc tay chân ở vào một hoàn cảnh chẳng mấy tốt đẹp hơn.

Sự thỏa mãn nhu cầu này đòi hỏi một người phải thường xuyên ra các quyết định ở những vấn đề, lớn hoặc nhỏ, ảnh hưởng đến các lợi ích xa lạ với những lợi ích riêng của anh ta, nhưng là những thứ anh ta cảm thấy mình có liên can. Cũng cần có chuyện anh ta phải liên tục có các nỗ lực. Rốt cuộc anh ta cần phải có thể thông qua suy nghĩ mà tự nhìn nhận được toàn bộ công trình của tập thể mà anh ta là thành viên, kể cả những địa hạt nơi anh ta chẳng bao giờ có quyết định nào để ra hay ý kiến nào để có. Để được như vậy, người ta cần phải làm cho anh ta biết cái đó, phải yêu cầu anh ta quan tâm đến cái đó, khiến anh ta trở nên nhạy cảm với giá trị, tính hữu dụng, cũng như sự kỳ vĩ nếu có của nó, và phải khiến anh ta nắm bắt một cách rõ ràng cái phần mà anh ta dự vào đó.

Mọi tập thể, dẫu nó thuộc vào dạng nào, mà không mang tới được các thỏa mãn ấy cho những thành viên của nó, bị tì vết và phải được hoán cải.

Ở bất kỳ tính cách hơi mạnh nào, nhu cầu về chủ định đều đạt tới mức nhu cầu về điều hành. Một cuộc sống địa phương, của vùng, cường độ cao, rất nhiều công trình về giáo dục và phong trào cho thanh niên, phải mang lại cho bất kỳ ai vốn dĩ không có khả năng cho điều đó, cơ hội điều hành trong vòng một số đoạn đời của người ấy.




Bình đẳng


Bình đẳng là một nhu cầu sống còn của tâm hồn con người. Nó là sự công nhận rộng khắp, chung, có thật, được biểu hiện theo đường lối thực bởi các thiết chế và phong hóa, rằng cùng lượng tôn trọng và trọng thị được dành cho mọi con người, bởi vì sự tôn trọng được dành cho con người đúng như vậy và không có các cấp độ.

Bởi thế, các khác biệt không tránh khỏi giữa những con người không bao giờ được mang ý nghĩa về một khác biệt về mức độ tôn trọng. Để chúng không bị cảm thấy như là mang ý nghĩa đó, cần phải có một cân bằng nhất định giữa bình đẳng và bất bình đẳng.

Một kết hợp nhất định của bình đẳng và bất bình đẳng được tạo lập nhờ sự bình đẳng về những khả năng. Nếu bất kỳ ai cũng có thể tới được thứ hạng xã hội tương ứng với chức năng mà anh ta đủ khả năng hoàn thành, và nếu giáo dục đủ mức rộng để chẳng một ai bị tước đi mất năng lực nào chỉ bởi hoàn cảnh xuất thân, hy vọng là giống hệt nhau đối với mọi đứa trẻ. Như thế, mọi con người là bình đẳng trong hy vọng đối với mọi người khác, cho chính anh ta khi còn nhỏ, cho các con của anh ta về sau này.

Nhưng kết hợp ấy, khi nó vận hành một mình chứ không phải trong tư cách một thành tố giữa các thành tố khác, không tạo lập một cân bằng và chứa đựng nhiều mối nguy lớn.

Trước hết, đối với một người ở vào hoàn cảnh thấp và đau đớn vì điều đó, việc biết rằng hoàn cảnh của anh ta bắt nguồn từ sự thiếu năng lực của chính anh ta, và việc biết rằng tất cả mọi người biết điều này, không hề là một niềm an ủi, mà là một sự nhân đôi nỗi chua cay; tùy theo các tính cách, một số có thể bị điều đó hành hạ nặng nề, một số khác bị dẫn dắt đến tội ác.

Và rồi không thể tránh khỏi chuyện trong cuộc sống xã hội sinh ra một thứ giống như cái bơm đẩy lên cao. Kết quả của điều đó là một chứng bệnh xã hội, nếu một chuyển động xuống không xuất hiện để tạo cân bằng với chuyển động lên. Trong chừng mực thực sự là có thể chuyện một đứa trẻ, con nhà người hầu trang trại, một ngày kia trở thành bộ trưởng, trong chừng mực ấy phải thực sự có thể chuyện một đứa trẻ, con nhà bộ trưởng, một ngày kia trở thành người hầu trang trại. Mức độ của khả năng thứ hai không thể là đáng kể nếu thiếu một mức độ rất nguy hiểm của bó buộc xã hội.

Dạng bình đẳng đó, nếu chỉ mình nó vận hành và không có giới hạn, mang lại cho cuộc sống xã hội một mức độ trôi lỏng làm phân rã nó.

Có các phương pháp bớt thô thiển hơn để kết hợp bình đẳng với khác biệt. Phương pháp thứ nhất là tỉ lệ. Tỉ lệ được định nghĩa như là kết hợp của bình đẳng và bất bình đẳng, và khắp nơi trong vũ trụ nó là thành tố duy nhất của cân bằng.

Áp dụng vào cân bằng của xã hội, hẳn nó sẽ áp đặt cho mọi con người những trách vụ tương ứng với sức mạnh, sự sung túc mà anh ta sở hữu, cùng các mối nguy tương ứng trong trường hợp thiếu năng lực hay có lỗi lầm. Chẳng hạn, hẳn cần phải có chuyện một ông chủ thiếu khả năng hay là thủ phạm gây ra một lỗi lầm đối với công nhân của mình phải chịu đau đớn rất nhiều, cả trong tâm hồn lẫn thể xác, hơn so với một nhân công thiếu khả năng, hoặc là thủ phạm gây ra một lỗi lầm đối với ông chủ của anh ta. Thêm nữa, hẳn sẽ cần có chuyện mọi nhân công biết rằng sự là như vậy. Điều này hàm ý, một phần, một sự tổ chức nhất định của các mối nguy, và mặt khác, trong luật hình sự, một quan niệm về trừng phạt nơi thứ hạng xã hội, như hoàn cảnh tăng nặng, luôn luôn đóng vai trò ở một chừng mực rất rộng trong việc xác định tội. Không chỉ vậy, sự thực thi các chức trách cao cấp phải chứa đựng các nguy cơ cá nhân lớn.

Một cách khác để biến bình đẳng trở nên tương thích với khác biệt là giật đi, chừng nào mà ta có thể, khỏi những khác biệt mọi tính cách định lượng. Nơi nào chỉ có khác biệt về bản tính, chứ không phải mức độ, thì không có bất kỳ bất bình đẳng nào.

Bằng cách làm cho tiền trở nên động lực duy nhất hay gần như thế của mọi hành động, thước đo duy nhất hoặc gần như thế của mọi điều, người ta đã đặt thuốc độc của bất bình đẳng ở khắp mọi nơi. Quả đúng rằng sự bất bình đẳng ấy là động lực; nó không buộc vào những con người, bởi tiền thì kiếm được và mất đi; chẳng vì thế mà nó bớt phần có thực.

Có hai dạng bất bình đẳng, tương ứng với đó là hai sự thúc đẩy khác nhau. Bất bình đẳng gần như ổn định, giống như bất bình đẳng của nước Pháp cổ xưa, thúc giục sự sùng bái những người ở trên - mà chẳng phải là không đi kèm một sự trộn lẫn của căm ghét dồn nén - và sự tuân phục mệnh lệnh của họ. Bất bình đẳng hoạt, có tính lỏng, thì thúc giục ham muốn vươn lên cao. Nó không gần bình đẳng hơn so với dạng bất bình đẳng ổn định, và nó tệ hại ngang bằng. Cách mạng 1789, bằng cách đặt bình đẳng lên trước, trên thực tế đã chỉ tuyên dương sự thay thế một hình thức bất bình đẳng cho một hình thức bất bình đẳng khác.

Càng có nhiều bình đẳng trong một xã hội, càng bớt đi hành động của hai sự thúc đẩy liên hệ với hai hình thức bất bình đẳng, và do đó cần các hình thức khác.

Bình đẳng lại càng lớn hơn bởi vì những thân phận người khác nhau được xem như là, không phải cái này ít hay nhiều hơn cái kia, mà chỉ đơn giản là khác. Sao cho nghề thợ mỏ và nghề bộ trưởng chỉ là hai thiên hướng khác nhau, giống như thiên hướng nhà thơ và thiên hướng nhà toán học. Sao cho những khó nhọc về mặt vật chất buộc chặt vào thân phận của thợ mỏ được tính vào cho vinh dự của những người gánh chịu chúng.

Trong thời gian có chiến tranh, nếu một quân đội có tinh thần thích hợp, một người lính thấy sung sướng và kiêu hãnh vì được ở trong lửa đạn chứ không phải ở tổng hành dinh; một vị tướng sung sướng và kiêu hãnh vì số phận của trận đánh đặt lên suy nghĩ ông ta; và cùng lúc người lính ngưỡng mộ vị tướng, còn vị tướng ngưỡng mộ người lính. Một cân bằng như vậy tạo dựng một bình đẳng. Hẳn sẽ có bình đẳng trong các điều kiện xã hội nếu ở đó có cân bằng ấy.

Điều này ngụ ý đối với mỗi thân phận có các coi trọng thích hợp với nó, và không phải những dối trá.




Tôn ti


Tôn ti là một nhu cầu sống còn của tâm hồn con người. Nó được tạo lập nhờ một sự kính ngưỡng nhất định, một lòng tận tụy nhất định đối với những người ở trên, được nhìn nhận không phải nơi con người họ hay nơi quyền lực mà họ thực thi, mà như các biểu tượng. Cái mà họ là biểu tượng cho là địa hạt nằm bên trên mọi con người, mà biểu hiện tại thế giới này được tạo lập nhờ những bổn phận của mỗi con người đối với đồng loại của anh ta. Một tôn ti đích thực giả định rằng những người ở trên có ý thức về chức năng biểu tượng ấy và biết rằng nó là đối tượng hợp thức duy nhất cho lòng tận tụy của những người lệ thuộc họ. Tôn ti đúng nghĩa có hiệu quả đưa mỗi con người tới cư ngụ về mặt tinh thần tại cái chỗ mà anh ta chiếm giữ.




Vinh dự


Vinh dự là một nhu cầu sống còn của tâm hồn con người.



(còn nữa)




Simone Weil: Nặng và Thanh

16 comments:

  1. đọc cái này mới tin là Thiên thần quả thực cũng biết viết và dĩ nhiên viết theo lối Thiên thần.

    ReplyDelete
  2. "Lúc nào các khả năng lựa chọn đã đủ tới mức gây hại cho lợi ích chung, con người không có khoái thú về tự do." - mà có khoái thú về việc phá vỡ sự sinh tồn của mình nhưng được ngụy trang ngẫu nhiên dưới dạng sinh tồn của kẻ khác.

    ReplyDelete
  3. các phân tích này, hết sức đáng ngạc nhiên, còn cho thấy ngôn từ là một hình dạng thuần của tinh thần như thế nào.

    ReplyDelete
  4. có một câu hỏi sẽ rất thú vị: tìm xem Weil đọc Marx như thế nào:

    "Tính cách thứ nhất phân biệt các nhu cầu với các ham muốn, những phăng te di với những tật, rồi thì lương thực với thói tham lam hay thuốc độc, nằm ở chỗ các nhu cầu thì có giới hạn, cũng như những đồ ăn tương ứng với chúng. Một kẻ hà tiện [Simone Weil đặc biệt hay lấy ví dụ “kẻ hà tiện”] chẳng bao giờ có vàng cho đủ, nhưng đối với mọi con người, nếu người ta đưa cho anh ta bánh mì một cách thoải mái, rồi sẽ tới một thời điểm anh ta thấy đủ." -> Marx cũng lấy một ví dụ tương tự thế này  

    "Chủ định và trách nhiệm, cảm giác thấy mình có ích và thậm chí nhất thiết, là những nhu cầu sống còn của tâm hồn con người. Sự tước bỏ hoàn toàn về phương diện này là trường hợp người thất nghiệp, dẫu họ được trợ cấp để vẫn có cái ăn, cái mặc và chỗ ở. Anh ta chẳng là gì trong cuộc sống kinh tế, và đối với anh ta tờ phiếu bầu vốn dĩ tạo lập phần của anh ta trong cuộc sống chính trị không có nghĩa lý gì. Nhân công làm việc tay chân ở vào một hoàn cảnh chẳng mấy tốt đẹp hơn."

    "Bình đẳng lại càng lớn hơn bởi vì những thân phận người khác nhau được xem như là, không phải cái này ít hay nhiều hơn cái kia, mà chỉ đơn giản là khác. Sao cho nghề thợ mỏ và nghề bộ trưởng chỉ là hai thiên hướng khác nhau, giống như thiên hướng nhà thơ và thiên hướng nhà toán học."

    ReplyDelete
  5. Hà tiện và Tartuffe là vô cùng Pháp: thiên tài của nước Pháp (M., tất nhiên), đã không hề nhầm về điều này

    ReplyDelete
  6. nhân thấy chữ "bình đẳng". lăn tăn về câu như này của Alain nhờ chủ nhà check giùm:
    "I say equality, because man cannot have passions, and because all affection ceases to be passion as soon as an adequate idea is formed of it." - trích ở Preface to "Spinoza". Tnks.

    ReplyDelete
  7. bản tiếng Anh có nói rõ là dịch từ version nào không? hình như Alain có ít nhất hai lần viết về Spinoza, lần sau chỉnh sửa (rất nhiều) lần trước, ở đây chỉ có version 1946 (sau), trong preface có vẻ không có câu trên - nhưng có vẻ có lý vì vừa nhiều màu sắc Spinoza lại vừa nhiều màu sắc Alain: trong khi Descartes nhìn vào dục vọng thì Spinoza lại nhấn mạnh tình cảm, và Alain, ý trong đối lập với tưởng tượng

    ReplyDelete
  8. ok tnks. tôi cũng chỉ là đọc một đoạn trích, tình cờ có khi tìm giải nghĩa "Homo homini deus est".

    ReplyDelete
  9. Weil - Kierkegaard: loving is a duty. it is unconditional. "Thou shalt love."

    W: Một người, được nhìn nhận ở chính anh ta, chỉ có các nghĩa vụ [...]. Những người khác, nhìn nhận từ quan điểm của anh ta, chỉ có các quyền. Đến lượt mình anh ta có các quyền khi anh ta được nhìn nhận từ quan điểm của những người khác, họ tự công nhận các nghĩa vụ đối với anh ta.
    K: "He to whom I have an obligation is my neighbor, and when I fulfill my obligation I show I am his neighbor. [...] Hence, the law is: "You shall love yourself as you love your neighbor when you love him as yourself [strictly and earnestly]."

    W: "Một người chỉ có một mình trong vũ trụ sẽ không có quyền nào hết, nhưng vẫn có các bổn phận. [...] Chỉ bổn phận mới có thể là vô điều kiện. Nó nằm trong một địa hạt phía bên trên mọi điều kiện, bởi vì nó ở phía bên trên thế giới này."
    K: "If a man lived on a desert island, if he developed his mind in harmony with the commandment, then by renouncing self-love he could be said to love his neighbor. [...] such a commandment has not originated in any human heart."

    ReplyDelete
  10. love thì mong manh, rất dễ trượt khỏi nó rơi sang những cận kề, nhất là chẳng hạn agape của thế giới Hy Lạp, sẽ chuyển hoá thành charitas trong thần học Ki-tô, hoặc love-passion một trong các sản phẩm lớn nhất của romantisme

    ReplyDelete
  11. bởi vậy, yêu là yêu lại, yêu lại, yêu lại: "when one has learned to know it by it fruits, one then returns to that first point [...] the life [of love] is [...] more than all its fruits taken together"

    (cont') bí mật

    K: " [T]o hold the supreme good [...] in the indolence of habit which even wishes to posit the race instead of the individual, wishes to make the race the receiver, and the individual the participant as a matter of course by virtue of his belonging to the race: this is truly the terrible thing. [...] But the essence of faith consists in its being a secret, in being for the individual. If each individual does not preserve it as a secret, even when he professes it, he does not have faith."
    W: "Không có các bổn phận cho những tập thể đúng như vậy. [...] Đối tượng của bổn phận, trong địa hạt các vật con người, luôn luôn là con người đúng như vậy. [...] Chỉ con người mới có một số phận vĩnh cửu. Các tập thể con người thì không có. [...] Địa hạt của cái vĩnh cửu, phổ quát, vô điều kiện, thì khác với địa hạt của các điều kiện thuộc thực tế, và ở đó cư ngụ những khái niệm khác gắn bó với phần bí mật hơn cả của tâm hồn con người.

    timing của tiên tri:

    K (1847): "[N]ow since Christian religion is everywhere presupposed, presupposed as known, as given [...] and yet, alas, how seldom is it considered."
    W (1949): "Religion has been proclaimed a private affair. According to present-day habits of mind, this doesn’t mean that it resides in the secret places of the soul, in that inner sanctuary where even the individual conscience doesn’t penetrate. It means that it is a matter of choice, opinion, taste [...] Having become a private concern, it has lost the obligatory character associated with public manifestations, and consequently can no longer lay claim to loyalty unchallenged."

    ReplyDelete
  12. Chú đã in Nặng và Thanh thành sách chưa ạ? Và làm thế nào để cháu có thể mua nó ?

    ReplyDelete
  13. cháu đọc được bài báo về cái chết tự tra tấn của bà weil, xong mới sang đây đọc bác dịch hay quá, một tinh thần quá nghiêm khắc và cũng quá đỗi lạc quan

    ReplyDelete