Mar 20, 2019

Jean Starobinski và Jean-Pierre Richard

Chỉ trong vòng nửa đầu tháng Ba vừa rồi, hai nhân vật còn lại của École de Genève đã qua đời, Starobinski (sinh năm 1920, mất ngày 4 tháng Ba) và Richard (sinh năm 1922, mất ngày 15 tháng Ba).

Đó là hai trong những (rất ít) nhân vật làm nên phê bình văn học của thế kỷ 20, ở một tầm vóc lớn lao và trên những phương diện cốt yếu, theo các cách thức độc đáo vô song. Phê bình văn học của phương Tây tìm được ở Jean Starobinski và Jean-Pierre Richard sự tiếp nối của dòng chính từng có những điểm mốc như Schlegel, Sainte-Beuve, Saintsbury hay Albert Thibaudet (người cuối cùng là nguồn cảm hứng lớn cho École de Genève). Ở Starobinski và Richard có những điều thiếu vắng ở nhân vật vốn dĩ hay được coi là trung tâm của "trường phái", Georges Poulet; nói cách khác, đó mới thực sự là những nhân vật rất lớn, như chẳng hạn Albert Béguin, một trong những thành viên đầu tiên.

École de Genève - nếu không sợ lạm dụng sự so sánh và trò chơi của các tương đồng - như thể lặp lại Port-Royal của thế kỷ 17 (trừ đi yếu tố giáo lý), mà chính Sainte-Beuve, một người có nhiều liên hệ với Thụy Sĩ đã viết lại lịch sử, trong loạt thuyết trình tại Lausanne vào thế kỷ 19. Một trường phái, nếu đúng là trường phái, luôn luôn phải ở trong một cuộc chơi rất phức tạp với những ảo tưởng gắn liền với trường phái (với yếu tố thiết chế của nó). Nói một cách ngắn gọn, vừa là chính nó lại vừa không phải thế. Không một ai khác thể hiện điều này rõ hơn Starobinski (ngoài nhiều điều khác, đây là một chuyên gia rất lớn về thế kỷ 18), vì vừa là nhà phê bình văn học Starobinski vừa là một chuyên gia về y khoa. Và rất có thể cái nhìn của Richard vào thơ ca lớn của châu Âu sẽ không bao giờ còn lặp lại được nữa.

Mới năm ngoái, Gérard Genette qua đời. Như vậy, dẫu không muốn, loạt "đọc lý thuyết" của tôi được thực hiện đúng vào thời điểm những gì có ý nghĩa nhất của phê bình văn học thế kỷ 20 (bởi vì đó là quãng thời gian phê bình văn học trở nên có ý nghĩa trên khía cạnh lý thuyết) không còn tồn tại như trước đó nữa: mọi vinh danh đều là để tang: "en deuil", giống như À la recherche du temps perdu của Marcel Proust (nhà văn có ý nghĩa rất lớn đối với École de Genève) là một cuộc để tang thời gian mất. Vì có deuil, người ta mới tìm. Ở đây là sự tìm ý nghĩa, cuộc đi tìm vĩnh viễn khó hiểu trong cuộc sống con người, nhất là cái cuộc sống ta không bao giờ thực sự hiểu được thật rõ, cuộc sống tinh thần.

Một cái nhìn hời hợt sẽ biến những con người thuộc École de Genève thành các nhân vật hiền dịu, tốt tính, cả đời đi thông cảm (hoặc nuôi dưỡng một thiện cảm lớn lao với xung quanh - khi mà từ sympathie luôn luôn bị nhấn mạnh quá mức mỗi lần danh xưng École de Genève được nhắc đến, cùng với đó là từ ý thức, nhất là trong liên quan với Georges Poulet; người ta sẽ nhắc đi nhắc lại rằng École de Genève tức là dùng ý thức của người đọc tìm cách thông giao với ý thức nhà văn hoặc tác phẩm, etc.): cách nhìn nhận ấy gây yên tâm vì nó ổn thỏa, vì nó tạo cảm giác một lần cho xong; nhưng đó lại đích xác là một cái nhìn chiêu hồi. Bởi vì chuyện hoàn toàn ngược lại: Jean Starobinski hay Jean-Pierre Richard, cũng như các ông thầy của họ, chọn đường hiểm.

Năm 1954, khi cuốn sách đầu tiên của Richard xuất bản (Littérature et Sensation), nó đã "gây sensation"; Roland Barthes đã ngay lập tức viết một bài bình luận (rất ngắn, như mọi bài bình luận sách - rất ít - mà Barthes viết vào quãng thời gian đó): Barthes đã nhận ra sự xuất hiện của cả một con đường mới (các "con đường" sẽ trở thành đề tài cho một cuộc hội thảo huyền thoại giữa các nhà phê bình, vào năm 1966). Từ bài viết ấy, chúng ta còn nhớ được một điều: Barthes ca ngợi Richard đã dám nhìn nhận văn chương đúng như chính nó: tức là, văn chương thì phức tạp.

Sự phức tạp (chính là yếu tính của cái nhìn) làm nên những con người của École de Genève (đó cũng chính là phê bình: sự phức tạp).

Loạt thuyết trình về École de Genève của tôi hồi năm ngoái không làm gì khác ngoài tìm cách bảo toàn sự phức tạp ấy (cả loạt thuyết trình ấy, đến giờ tôi đã có thể nhận ra, cũng en deuil).

Dưới đây là hai cuốn sách của Jean Starobinski in trong vòng bảy năm trở lại đây, những cuốn sách có thể coi là cuối cùng, một về Diderot (Starobinski là chuyên gia rất lớn về thế kỷ 18; rất nhiều điều chúng ta hiểu về thế kỷ đó, ngày nay, xuất phát từ các nghiên cứu của Starobinski, không chỉ Rousseau mà Starobinski có thẩm quyền rất lớn, mà còn cả Montesquieu, và Diderot như dưới đây):


và cuốn sách (rất dày) còn lại in những gì Starobinski viết về nghệ thuật.

Năm 2010, Starobinski tặng tủ sách riêng của mình (chừng 40000 quyển) cho lưu trữ Thụy Sĩ. Đây là một nhân vật rất nổi tiếng về sưu tầm. Starobinski có đầu óc của một người đi tìm những thứ bị giấu đi (nói ngắn gọn: sở hữu bẩm sinh sợi dây Ariane để có thể đi trong mê cung). Năm xưa, đó chính là người tìm ra tập bản thảo của Ferdinand de Saussure, và từ đó có cuốn sách dưới đây, về các "anagramme":


Starobinski có hai sự nghiệp (cũng như hai quê hương: cái họ "Starobinski" - cũng như, chẳng hạn, Pierre Klossowski - khiến ta hiểu ngay đây là một người có gốc Ba Lan: ông bố của Starobinski bỏ Ba Lan sang Genève vào năm 1913 vì đại học ở Warszawa không cho người Do Thái học; ông bố ấy sẽ trở thành bác sĩ và là người viết giấy chứng tử cho Robert Musil; Jean-Jacques Rousseau làm cho Genève trở nên một thủ đô thế giới về tinh thần thì chuyên gia về Rousseau trong thế kỷ 20 Jean Starobinski - với người Genève, đó là "Staro" - làm cho điều đó lặp lại: trong vòng ba mươi năm, uy tín lớn lao của Starobinski khiến hằng năm ở Genève có những "rencontre internationale" cho giới nghiên cứu): phê bình văn học và chuyên gia y khoa. Đây là một trong những gì liên quan đến mặt bên kia:


Cuốn sách về "melancholia" của Starobinski (L'Encre de la mélancolie: Mực của u sầu) là một điểm mốc lớn trong "literature" về sự sầu muộn, nó sánh ngang với Robert Burton (The Anatomy of Melancholy) hay thậm chí bức tranh Melencolia của Albrecht Duerer hay Spleen của Baudelaire (nhân vật mà Starobinski có hiểu biết rất sâu sắc).

Quay trở lại với thời kỳ ban đầu, những gì có thể gọi là làm nên tên tuổi cho Jean Starobinski nhà phê bình:


Cuốn sách về Rousseau là luận án tiến sĩ của Starobinski, hồi cuối thập niên 50. Còn cuốn sách về Montaigne thuộc vào số những bình luận Montaigne (cùng chẳng hạn cuốn sách của Hugo Friedrich) lớn nhất - nhờ những tác phẩm như vậy mà tôi có thể nhất quyết không quan tâm đến dạng sách hết sức nổi tiếng kiểu Montaigne à cheval của nhân vật rất nổi tiếng ở Việt Nam, Jean Lacouture.

Tôi không còn chắc, nhưng có lẽ tôi biết đến Jean Starobinski lần đầu vì giáo sư hướng dẫn của tôi, Antoine Compagnon, nhắc đến (Compagnon và Starobinski cùng thuộc biên tập bộ của tờ tạp chí Critique, tạp chí do Georges Bataille lập ra vào năm 1946; họ có các ông thầy tên rất giống nhau, giáo sư hướng dẫn luận án văn chương cho Starobinski là Marcel Raymond, xem thêm ởkia, còn giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ đầu tiên của Compagnon là Michel Raimond).

Còn Jean-Pierre Richard, mọi chuyện tự nhiên hơn nhiều, đối với tôi. Suốt vài chục năm, nếu muốn đọc về thơ Pháp chắc chắn người ta sẽ đọc Richard. Hoặc về Stendhal; nhưng Richard còn rộng hơn thế nhiều. Con người chọn đường hiểm riêng của mình chính bằng cảm giác còn bình luận Pierre Michon, chẳng hạn.

Vài năm sau năm 1954 tức là năm in cuốn sách đầu tiên Littérature et Sensation (trong tủ sách gọi ngắn gọn là "Pierres vives" của nhà xuất bản Seuil), Jean-Pierre Richard được Henri Mondor đưa cho một tập giấy tờ di cảo của Stéphane Mallarmé. Từ đó, Richard sẽ cho in và bình luận một tác phẩm cho tới khi ấy còn chưa ai biết của Mallarmé, Pour un tombeau d'Anatole, hơn sáu mươi năm sau khi nhà thơ qua đời (câu chuyện không khỏi làm tôi nhớ đến Bernard de Fallois hồi còn trẻ được André Maurois giới thiệu gặp gia đình Proust, được cho xem một đống giấy tờ, và từ đó mà chúng ta có một số thứ, nhất là Jean Santeuil và Contre Sainte-Beuve). Mallarmé là địa hạt mênh mông trong đó Jean-Pierre Richard đóng vai trò trọng yếu.

Cuốn sách về Mallarmé dưới đây của Jean-Pierre Richard tôi mới tìm được. Tuy đã có nó (và không bị rách hết bìa như thế này: quyển sách đặc biệt dày, và cũng thuộc tủ "Pierres vives") nhưng tôi vẫn giữ quyển sách rách rưới xưa kia từng nằm trong một thư viện:






Tại sao École de Genève (1)
Buổi thuyết trình thứ ba (và cuối cùng)
École de Genève (buổi thuyết trình thứ hai)
École de Genève (buổi thuyết trình thứ nhất)

9 comments:

  1. I always spent my half an hour to read this website's posts
    daily along with a mug of coffee.

    ReplyDelete
  2. tiếp theo và hết

    Starobinski có một câu giống như "yếu lĩnh": hiểu tức là chuyển hoá thế giới

    ReplyDelete
  3. I've been exploring for a little bit for any high quality articles or
    blog posts on this sort of area . Exploring in Yahoo I finally stumbled
    upon this site. Reading this information So i'm glad to exhibit that I have an incredibly just right uncanny feeling I discovered exactly what I
    needed. I such a lot indubitably will make sure to do not forget this site
    and provides it a glance on a continuing basis.

    ReplyDelete
  4. It's great that you are getting ideas from this piece of writing as well as from our
    argument made here.

    ReplyDelete
  5. R.I.P hai ông!
    nối điêu "yếu lĩnh": hiểu tức là thêm vào một sự phức tạp để nuôi thế giới.

    ReplyDelete
  6. yes

    anw, có lẽ đúng thật thế giới "ăn" một số dưỡng chất để sống, nhưng có những lúc tuyệt thực để sống nhiều hơn

    ReplyDelete
  7. “cuộc đi tìm vĩnh viễn khó hiểu trong cuộc sống con người, nhất là cái cuộc sống ta không bao giờ thực sự hiểu được thật rõ, cuộc sống tinh thần”
    có lẽ đến tận giờ vẫn chưa thông hiểu nên 2 chữ “chiêu hồi” ở đây cứ loay hoay, va đập trong đầu hoài

    ReplyDelete
  8. chắc phải vậy, kệ, để nghẽn, tắc rồi đứt động mạch là xong

    ReplyDelete