Apr 3, 2019

Những đêm

trước tiên, xem ởkia


(nhân tiện, đã tiếp tục "Hương cảng Lý Thương Ẩn" cũng như "Trong lúc đọc Lukács (5)""Proust: Jean Santeuil")

Như vậy là, nhờ một số người tặng, tôi đã có thể tiếp tục đọc Edgar Hilsenrath, cho đến giờ thì gần như đã đầy đủ. Tôi muốn nhấn mạnh ngay vào cuốn sách trong ảnh trên đây: đó là một cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng của Hilsenrath, in lần đầu (bản tiếng Anh) năm 1971, bản tiếng Đức mấy năm sau đó. Đây là bản tiếng Pháp của cuốn sách về "tên nazi" và "thợ cạo". Độc giả của Đêm đặc biệt nhớ nhân vật thợ cạo tại ghetto Do Thái về phía Ukraine, và với cuốn sách trên đây, hình ảnh thợ cạo lại tiếp tục đi vào tiểu thuyết của Hilsenrath.

Nhưng không chỉ vì cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, mà còn bởi từ hôm qua đến nay, Bruno Schulz bỗng (lại) được đọc rất nhều (xin lưu ý là có rất nhiều điều liên quan đến Schulz ở đây, ởkia là một ví dụ): nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết của Hilsenrath tên là Max Schulz.

Trong bài viết về Đêm, tôi tự hỏi tại sao không thể tìm được thành phố Prokov bối cảnh của câu chuyện. Tôi đã hoàn toàn không hề nghĩ đó là một địa danh do Hilsenrath bịa ra, chứ không có thật. Phải sau đó, tìm hiểu thêm, nhất là nhờ bài báo ởkia, tôi mới hiểu ra, đó là Mogilev-Podolsk. Chi tiết ấy cũng dễ dàng tìm ra nếu đọc các tiểu thuyết khác của Hilsenrath:



Nhân vật chính của Le Nazi et le Barbier, Max Schulz, sinh ra (bà mẹ Minna Schulz đặc biệt to béo, điều này khiến về sau khi đã lớn Schulz chỉ có thể mê được những phụ nữ đồ sộ, càng khổng lồ càng tốt, bố là một trong năm người làm công cho nhân vật lớn của vùng, một người Do Thái, Abramowitz; năm ông bố khả dĩ rất hòa thuận với nhau và tự sắp xếp theo trật tự rõ ràng - tức là trật tự trong mối quan hệ với Minna) tại thành phố Wieshalle, vùng Silesia. Một thời gian ngắn sau đó, vì một số sự kiện, hai mẹ con đến sống cùng Slavitzki, cũng ở Wieshalle, chủ một hiệu cắt tóc xập xệ. Hiệu cắt tóc ấy nằm đối diện với hiệu cắt tóc oách hơn rất nhiều, của một người Do Thái, Finkelstein, mà ông chủ là một nghệ sĩ đích thực về tóc, và đứa con trai sinh ra (gần như) cùng lúc với Max Schulz. Itzig Finkelstein, đứa con trai ấy, sẽ trở thành người bạn thân thiết hồi nhỏ của Max Schulz. Và câu chuyện của Le Nazi et le Barbier trở thành câu chuyện về con người kép Max Schulz-Itzig Finkelstein, chính xác hơn, câu chuyện về một người "aryen thuần chất" nhưng vẻ ngoài trông giống hệt Do Thái (bà mẹ Minna đã định cắt bao quy đầu cho Max Schulz để bắt chước những người Do Thái cùng thành phố, nhưng đến phút cuối cùng lại thôi) và một người Do Thái nhưng lại tóc vàng mắt xanh: một câu chuyện - có thể nói vậy - hết sức điển hình của "Doppelgaenger".

Nếu chỉ đọc Đêm, người ta sẽ nghĩ Hilsenrath là nhà văn của sự tường thuật (như Primo Levi), một sự tường thuật đặc biệt tàn nhẫn (nhà xuất bản bên Mỹ của cuốn tiểu thuyết sớm ấy ngay sau khi in nó, đã tự thu hồi, vì quá sợ). Nhưng Hilsenrath lại là một con người của văn chương có thể gọi là burlesque. "Cái cười của người Do Thái", hẳn người ta có thể nói vậy, cái cười trong tuyệt vọng, của tuyệt vọng, ly hương và bị hành hạ. Nhưng "burlesque" hoàn toàn có thể cũng tàn nhẫn, ít nhất là cũng tàn nhẫn tương đương như trong thức của biên bản tường trình.


Max Schulz (tức Schulz-Itzig Finkelstein) tuy là người của SS, từng hoạt động tại miền Nam nước Nga và thuộc nhân sự của một KL đặc biệt thảm khốc (trại hủy diệt chứ không phải trại tập trung - tức là, không vì mục đích bắt tù nhân lao động cưỡng ép) nhưng sẽ bỏ tiền (nhờ mang theo được một đống răng vàng: ngoài nhân vật thợ cạo, những cái răng cũng như thể có dịch chuyển từ Đêm sang Le Nazi et le Barbier) thuê người cắt bao quy đầu và xăm lên người số hiệu tù nhân Auschwitz (đồng thời xóa hình xăm SS). Sau một kinh nghiệm chợ đen (các tiểu thuyết Do Thái hậu Thế chiến thứ hai có rất nhiều chợ đen - tôi sẽ quay trở lại), Max Schulz (tức Schulz-Itzig Finkelstein) di cư sang Palestine, trên một chuyến tàu thủy đi lậu (đây vẫn là giai đoạn người Anh tìm cách ngăn cản người Do Thái thành lập quốc gia: nói cho đúng, người Anh và người A rập). Không những thế, vì biết dùng súng, Schulz (Schulz-Finkelstein) còn được tuyển mộ vào Haganah, lực lượng vũ trang hoạt động ngầm của người Do Thái (nếu muốn có một "account" không burlesque về Haganah, cf. hồi ký của Hans Jonas: cựu môn đệ của Martin Heidegger di cư sang Palestine và tham gia lực lượng Haganah).

Cuốn tiểu thuyết của Hilsenrath đẩy sự "burlesque" lên đến mức cao nhất là cuốn sách trong nhan đề có từ "orgasme" trong bức ảnh thứ hai trên đây. Trùm gangster Mỹ gốc Ý tên là Pepperoni, đệ của Pepperoni là Slivovitz, nhân vật đầu tiên được Pepperoni thuê cho mission ở Matxcơva (đây là Liên Xô thời cộng sản) là S. K. Lopp (từ đó: "escalope") và nhân vật thứ hai (theo đạo Hồi) được thuê để tiếp tục mission ấy là Kebab: toàn đồ ăn đồ uống. Đó là phản chiếu tâm lý của một người từng trải qua cảnh đói kém ngặt nghèo kéo dài? (ta nhớ đến câu chuyện khủng khiếp về sự đói của Jack London, hay một kiệt tác lớn cũng về đói của Knut Hamsun: Hamsun sẽ là một trong những nhân vật trung tâm trong loạt "Bắc" của tôi) Dẫu thế nào, văn chương của Hilsenrath, kể cả những khi mang rất nhiều màu sắc của phúng dụ hay ẩn dụ, luôn luôn ở sát sạt cái cụ thể.

Cách thức nắm bắt thực tại của Hilsenrath - một người Do Thái như thể nói lên đầy đủ situation của sự "rời khỏi shtetl", chủ đề chương thứ nhất cuốn sách lớn của Claudio Magris về Roth và người Do Thái phía Đông - dường như một phần không nhỏ nằm ở chỗ tách từ cái thực ra bóng của nó.


Thật ra, Hilsenrath không thực sự thuộc về "shtetl", tức là không thuộc về vùng địa dư của người Do Thái Trung Âu và Đông Âu. Mọi sự đã được định sẵn để Hilsenrath trở thành một người Do Thái Đức, mà ta có thể thấy được một cách cặn kẽ kinh nghiệm nơi bộ nhật ký của Viktor Klemperer (xem ởkia). Nhưng các biến cố tại Đức đã khiến cho Hilsenrath, khi đó còn nhỏ, theo mẹ chạy về vùng "Transnistria" và vì vậy sau đó sẽ trở thành đối tượng cho phát xít Rumani lùa về phía Ukraine. Còn bố của Hilsenrath sang được Pháp. Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, gia đình Hilsenrath sẽ sang Pháp để gặp lại ông. Hilsenrath tiếp tục sang Palestine (Israel) nhưng không ở lại luôn đó (như nhiều người khác - tôi sẽ còn trở lại) mà còn sang Mỹ, rồi quay trở lại Đức. Phần lớn câu chuyện cuộc đời trên đây (với nhiều chuyển hóa) có thể tìm được trong cuốn tiểu thuyết trong nhan đề có cái tên "Ruben Jablonski" ở bức ảnh thứ hai trên đây. "Giai đoạn Mỹ" rất liên quan đến cuốn sách nhan đề có "fuck": đó tiếp tục là giọng của burlesque, nhưng đậm màu chua cay.

Lúc ở Israel, Hilsenrath - đang trong đoạn không thực sự biết phải làm gì với cuộc đời mình - viết thư cho Max Brod (người bạn thân của Kafka, khi đó đã sang Tel Aviv sống). Bức thư trả lời của Brod không giúp được gì cho Hilsenrath.

Tác phẩm của Hilsenrath - cũng như không chỉ tường thuật mà còn có (ít nhất) một "register" khác - không chỉ viết về Shoah. Cuốn tiểu thuyết trong bức ảnh thứ hai trên đây, quyển có cái bìa trông lệch tông hẳn so với những quyển còn lại - lấy chủ đề cuộc hủy diệt người Armenia. Thêm một lần nữa: cơ chế có thể gọi là nhìn thực tại xuyên qua cái bóng. Tra vấn một cái gì đó bằng cách đối mặt với cái bóng của nó. Gỡ cái bóng để xem xét. Vả lại, âm thanh cũng có thể tạo ra tiếng vọng.


Nhà văn lớn của chuyện rửa bát (tại quán ăn) là Ernst Weiss, còn Edgar Hilsenrath là nhà văn lớn của không chỉ chuyện thợ cắt tóc mà còn của nhân vật hầu bàn quán ăn. Fuck America của Hilsenrath khiến người ta như thể chạm được vào dạng công việc ấy, cũng như đọc Weiss có thể ngửi thấy mùi tỏa ra từ đống bát đĩa bẩn như núi cần phải rửa. Đó là những văn chương không để thoát một mẩu nhỏ nào của thực tại.


Như vậy, tôi phát hiện Edgar Hilsenrath vào đúng thời điểm Hilsenrath qua đời. Kể từ đó, tôi đã đọc khoảng hơn một nửa những gì Hilsenrath viết. Văn chương của Hilsenrath mang đến cho tôi rất nhiều điều, mà tôi biết là tôi không đủ khả năng nói hết. Đó là một chuyến đi lớn, giống như mọi văn chương đúng nghĩa tạo ra - có những chuyến đi chậm rãi như cưỡi xe ngựa đi trên cánh đồng, có những chuyến đi kêu xình xịch và bốc khói, trên đường ray giữa hai bờ ta luy và nhiều cây cối xung quanh, lại có những bồng bềnh trên mặt nước, hoặc lơ lửng như thể ở trong không trung. Tôi cũng biết là sẽ sớm có ngày tôi thực sự đọc hết Hilsenrath - rất có thể lúc đó tôi sẽ đọc lại luôn, vì rất nhiều khi, sự tới đích cũng đồng nghĩa luôn với một vòng lại. Nhưng trước đó, tôi quyết định có một hành trình khác - không hẳn là một phát hiện bất ngờ như với Edgar Hilsenrath - trong văn chương của một nhà văn khác, Aharon Appelfeld.




Edgar Hilsenrath: Đêm

4 comments:

  1. Anh có yoga ngồi thiền không hay chỉ yoga ngồi đọc? mà con mắt trí huệ sáng phát sợ vậy

    ReplyDelete
  2. có một số thứ quá mức intimate lẽ ra không nên hỏi

    nhưng vẫn có câu trả lời: không, thậm chí có thể nói là tuyệt đối không

    ReplyDelete