May 17, 2019

Bette và Pons

("Beth I hear you calling, but I can't come home right now")

Miếng da lừa Nguyễn Văn Vĩnh (thậm chí tôi còn đã xác định được, bản dịch siêu hạng ấy từng có hai version - trước khi biến mất vào hư vô, đấy là còn chưa nói đến khả năng về bản thảo: tôi nói điều này không hề vu vơ, vì từng có lần vì tình cờ, trên chặng đường lần theo dấu vết Nguyễn Văn Vĩnh, tôi đã thấy trên một tờ báo, trong cái số tưởng niệm Nguyễn Văn Vĩnh, bức ảnh chụp một phần nhỏ của một trang bản thảo - lúc đó, phần lớn các con của Nguyễn Văn Vĩnh đều còn sống và còn trẻ - chỉ một mảnh nhỏ đó thôi, liên quan đến bản dịch câu chuyện ngự lâm quân, đã khiến tôi nhìn ra vô số điều trong cách suy nghĩ của Nguyễn Văn Vĩnh) khiến tôi quay trở lại với Balzac - thêm một lần nữa

Và lần này là bộ đôi tiểu thuyết làm nên "Les parents pauvres" trong phần về cuộc sống Paris, La Cousine BetteLe Cousin Pons.

Đọc lại một cái gì sau rất nhiều năm không chỉ không dễ dàng: điều đó thậm chí còn đáng sợ. Nhất là nhận ra ở lần đọc trước mình quá ngu, đã không nhìn thấy quá nhiều thứ, đã quá mức ngớ ngẩn etc. Nhưng mọi thứ đều có thể sửa chữa, rất may. Thế cho nên: câu chuyện về Lisbeth Fischer con người của vùng núi Vosges sống tại Paris và một nhà sưu tầm lớn, Sylvain Pons (từng có thời, Bette hồi trẻ làm công cho cơ sở kinh doanh của gia đình Pons - đây gần như là gạch nối duy nhất giữa hai nhân vật ấy).

La Cousine Bette rất dài (nó không dài như Hết ảo tưởng hay Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ, nhưng cũng rất dài, thuộc vào số những tiểu thuyết dài nhất của Vở kịch con người); Le Cousin Pons thì không quá dài (đại khái, nó có độ dài tương đương Một vụ việc ám muội). Hai cuốn tiểu thuyết ấy, ngoài chuyện chúng thuộc vào cùng một "bộ" ("Họ hàng nghèo") còn chung nhau một đặc điểm: hết sức tàn nhẫn. Dường như, càng về cuối đời (vì BettePons được viết vào khoảng nửa cuối thập niên 40 của thế kỷ 19, tức là không lâu trước khi Balzac qua đời) Balzac càng không nương tay, các tác phẩm càng lúc càng trở nên tàn nhẫn hơn.

Lisbeth (Élisabeth) Fischer là chị họ (nhưng ít tuổi hơn) của Adeline Fischer - họ là con của hai anh em ruột (gia đình Fischer gồm tổng cộng ba anh em trai - ông chú Fischer của Bette và Adeline sẽ có vai trò trong câu chuyện La Cousine Bette). Giống ở rất nhiều trường hợp, cặp chị em họ Bette-Adeline tạo ra một tương phản đặc sắc, Adeline là một giai nhân, còn Bette thì xấu xí. Câu chuyện La Cousine Bette bắt đầu khi bà nam tước Adeline Hulot d'Evry đang lo lắng vì cô con gái Hortense khó lấy nổi chồng (câu chuyện muôn thuở về món hồi môn - đề tài được vô số nhà văn khai thác, không chỉ Balzac). Adeline lấy Hulot - Hulot tình cờ gặp cô gái trẻ và yêu ngay lập tức; Hulot là em trai của thống chế Hulot lừng danh (đây là nhân vật chỉ huy đội quân cộng hòa trong cuốn tiểu thuyết Les Chouans) - và trong Bette, tuy đã gần năm mươi tuổi nhưng vẫn là một phụ nữ đẹp xuất sắc. Tuy mối quan hệ đại cương như trên đây miêu tả, La Cousine Bette lại là tác phẩm xuất chúng về mối quan hệ giữa nữ giới nhưng không phải giữa Bette và Adeline, mà Balzac, trong Bette, dựng lên cả một kiệt tác về quan hệ phụ nữ-phụ nữ giữa cousine Bette và Valérie Marneffe, một trong những gái bao gây ấn tượng mạnh nhất của Vở kịch con người.

Tương ứng (Balzac rất giỏi về đối xứng: gần đây, khi thực hiện công việc chú thích cho sự quay trở lại của bản dịch César Birotteau Mặc Đỗ, tôi đã hết sức cố gắng lưu ý về đặc điểm ấy) với mối quan hệ nữ-nữ (hai phụ nữ) của La Cousine Bette trong Le Cousin Pons là mối quan hệ giữa đàn ông với nhau: cặp Pons-Schmucke (Schmucke là nhạc sĩ người Đức từng xuất hiện hết sức đáng nhớ trong Một người con gái của Eva).

Balzac động đến và thăm dò được vào các cặp đôi (không phải đồng tính) ngoài cặp đôi cơ bản của con người, đàn ông-phụ nữ: đây là cái vùng nhìn vẻ ngoài thì dễ dàng nhưng thực chất vô cùng hiểm trở. Sự tàn nhẫn trong cuộc sống đôi cặp (để dùng lại cụm từ của Mặc Đỗ, nhất là trong bản dịch Tâm cảnh) là một điều quá mức con người, và chẳng ai có thể lờ đi sự thể là cái cuộc sống rất cơ bản ấy phong phú vô vàn, vợ chồng, tình nhân, etc. không bao giờ hết là đối tượng cho quan sát, từ mọi khoảng cách (trong đó có cả độ âm) và trên mọi bình diện; nhưng ngoài đó ra vẫn còn những điều khác nữa.

Chị em gái có thể là mối quan hệ đồng lõa (hay được gọi là thương yêu nhau: Balzac đã khai thác điều đó trong Một người con gái của Eva, với cặp chị em con gái của ông tòa Grandville, một là vợ chủ ngân hàng Ferdinand du Tillet, một là vợ của nhà quý tộc de Vandenesse) nhưng cái đó hẳn nhiên là ngoại lệ: Bette cô chị họ xấu xí, chứng kiến Adeline được hưởng mọi thứ gì mình có mơ cũng không được, nuôi lòng thù hận kéo dài cả cuộc đời. Chị em gái là cái ổ của quan hệ thù hận. Cặp Bette-Valérie tụ lại với nhau vì lợi ích và vì thù hận: Valérie Marneffe là nhân vật thỏa mãn tối đa cho sự hận thù ở Bette, vì đó là người phụ nữ đón nhận vào giường của mình ông bố nhà Hulot, con rể của Hulot (chồng của Hortense), luôn cả ông thông gia của nhà Hulot (bố vợ của con trai Hulot), Célestin Crevel - trong Bette (và cả Pons, nhưng ít hơn), ta gặp lại cả loạt nhân vật đã xuất hiện trong César Birotteau, ba mươi năm sau (thời Louis-Philippe; Célestin Crevel từng là cò mi ở cửa tiệm Bà Hoàng của các Bông Hường).

Tương ứng nhưng cùng lúc là tương phản: cặp Bette-Valérie thì như vậy (phụ nữ gắn bó keo sơn thực sự được với nhau nhờ quan hệ tội lỗi, đồng thời để che giấu bí mật cho nhau), còn cặp Pons-Schmucke được tạo nên từ chính xác điều ngược lại: không vương chút lợi ích nào.

Riêng ở đây, Balzac chạm tới một điểm rất mấu chốt, hai mặt của lợi ích. Mặt bên này và mặt bên kia là hai thế giới ngược nhau.

Chúng ngược nhau cả ở trong kết quả: Bette, cả đời chỉ sống bằng ý muốn làm hại gia đình Hulot, trên mọi phương diện, và thực sự đã làm được vô số điều hại, từ đầu đến cuối được coi gần như một nữ thánh có lòng tốt vô biên, hiện thân của mọi thứ gì cao quý nhất trên đời - thậm chí, nếu không phải vì ông thống chế Hulot già chết đi đúng lúc (tức là, rất không đúng lúc), thì lẽ ra Bette đã trở thành bà thống chế phu nhân (và như vậy - trong mắt họ hàng - lại là cả một nghĩa cử lớn: vì trên danh nghĩa Bette chỉ lấy ông thống chế nhằm kiếm tiền lo cho gia đình Hulot đang lâm vào cảnh lụn bại). Còn cousin Pons, nhạc sĩ, chỉ huy dàn nhạc cho nhà hát của Gaudissart (thêm một nhân vật đã xuất hiện trong César Birotteau; đây cũng là nhân vật duy nhất trở thành nhan đề cho tận hai tác phẩm thuộc Vở kịch con người), thì trở thành kẻ bị căm ghét, bị coi như là sự giả dối biết đi, nhất là tại gia đình Camusot de Marville (thêm một sự đối xứng: cả ở gia đình Camusot de Marville cũng đang ở trong cơn bấn loạn về tiền hồi môn để cô con gái có thể lấy chồng) - trong khi khó có thể tìm được một tấm lòng nào trong trẻo đầy lòng tốt hơn ở bên dưới cái áo spencer lố bịch của Sylvain Pons (cái áo spencer của Pons: thêm một dấu ấn lớn mà Balzac để lại chỉ riêng trong lĩnh vực trang phục con người). Nhưng biết làm sao: đó chính là đặc điểm lớn của thứ kịch người oái oăm: những khi nào ta khốn khổ, đau thương, thì gia đình (nói chung, người thân) là chỗ dựa, là niềm an ủi; nhưng mọi thứ sẽ xoay ngược hoàn toàn ngay: cứ thử hạnh phúc hay có điều gì sung sướng xem, đó sẽ lại chính là những người không bao giờ tha thứ cho ta. Không bao giờ hết.

Le Cousin Pons là một trong những tác phẩm văn chương rất hiếm hoi về một hình tượng con người: nhà sưu tầm. Pons là nhà sưu tầm tranh (cùng nhiều thứ đồ cổ khác, chẳng hạn hộp thuốc lá: tabatière, thứ đồ vật vô cùng đáng nhớ của văn chương balzacienne), người sở hữu bộ sưu tập kín đáo kết quả của nhiều chục năm trời nhặt nhạnh, cũng như của cái nhìn sáng suốt từ trước khi cả xã hội nhận ra những gì thì có giá trị. Ở Paris của Le Cousin Pons chỉ có độc một người biết điều đó (rằng Pons là một nhà sưu tầm vĩ đại) và cũng chỉ độc một người đủ sức đánh giá bộ sưu tập Pons: Élie Magus, lão già Do Thái không khác mấy so với Gobseck. Trong bộ sưu tập của Pons có một bức tranh của Albrecht Dürer và một bức của Goya.

Thời điểm Balzac viết Le Cousin Pons cũng là lúc (đầu thập niên 40 của thế kỷ 19) một nhà sưu tầm lớn vừa chết: Alexandre Du Sommerard. Trong cuốn tiểu thuyết của mình, Balzac cũng ngay lập tức nhắc đến Sommerard. Ngày nay, ngay gần đại lộ Saint-Michel, về phía rue des Écoles, tức là không xa phần hông của trường Sorbonne (Paris IV) có phố mang tên Sommerard, và ngay ở đó, một bảo tàng, "Bảo tàng Trung cổ": nó gắn liền với "Cluny", ngày nay là di tích Trung cổ duy nhất còn lại ở Paris (ngay từ đại lộ Saint-Michel đã có thể thấy đống đổ nát, gần sát cái công viên nhỏ góc giao của Saint-Michel với Saint-Germain). Chính Sommerard làm cho mọi thứ thành như vậy.




(còn nữa - đã tiếp tục "Tiểu luận về Nguyễn Văn Vĩnh" và bài "một tác giả")




Tiểu luận về Nguyễn Văn Vĩnh
Nguyễn Văn Vĩnh dịch La Peau de chagrin (Miếng da lừa)
Balzac hiện ra
Về César Birotteau
Trong hiệu sách (2)
Lần lần từng khu vực một
XX. Cô gái mắt vàng
XIX. Quán Trọ Đỏ
Heinrich Heine: Tháng Giêng năm 1832
XVII. Sao cho trong ấm (đầy đủ)
Honorer Honoré
Mặc Đỗ: một César (về César Birotteau)
Heidegger
Adolphe
XVI. Nữ công tước de Langeais (phần 1)
(phần 2)
XV. Béatrix (phần 1)
(phần 2)
Balzac trong thế kỷ mười chín
XIV. Gái già
Cách một (hay là "Balzac trong thế kỷ 19", phần mở đầu)
XIII. Vĩnh biệt (đầy đủ)
XII. Một người con gái của Eva
XI. Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ
X. Ursule Mirouët (phần 1)
(phần 2)
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
(phần 4)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac


7 comments:

  1. Everything is very open with a precise description of the challenges.

    It was truly informative. Your site is very helpful. Thanks for sharing!

    ReplyDelete
  2. great! chắc là càng về cuối đời Balzac càng vội để nói cho đến cái điều cốt yếu nhất, là sự tàn nhẫn.

    ReplyDelete
  3. Balzac có tàn nhẫn đến đâu cũng đừng để blog NL thành bồ câu cho người lạ chứ.

    ReplyDelete
  4. chúc mừng sinh nhật nhị linh

    ReplyDelete
  5. cám ơn, nhớ nhân đây mà bớt múc nhau đi nhá

    ReplyDelete