Dưới đây là bài viết của anh Nguyễn Chí Hoan về cuốn tiểu thuyết Ông thị trưởng ở Furnes của Simenon.
Quá con người
Nguyễn Chí Hoan
1.
Lối văn chương ở mấy cuốn tiểu thuyết không-maigret của Georges Simenon được dịch và ấn hành gần đây đều gợi đến hình dung một quả núi mà bỗng, bằng một cách phi thường nào đấy, được rút hết đất đá ra: cái còn lại là cả một ngọn núi rễ cây của trăm loài thảo mộc. Đấy là ấn tượng về cái nhìn bên trong động thái ngôn từ; ở Ông thị trưởng ở Furnes là sự thất vọng không che giấu về con người, qua cái nhìn của nhân vật chính, nhưng rồi cũng là cái nhìn vào ông ta.
Ông thị
trưởng của Furnes, Joris Terlinck,
“trong vòng suốt hai mươi năm vừa qua ông đã lãnh đạo - hoặc
nói đúng hơn là một thân một mình thực hiện - thứ chính trị đối lập, (…) Và tất
cả đều rình Terlinck, bởi trên thực tế chỉ mỗi ông là đáng kể. Nếu họ có thể,
nhân danh Hội Lớn và Hội Nhỏ, tha thứ hoặc kết án, thì Terlinck, rốt cuộc, mới
là người sẽ quyết định”
Và rồi
đúng vào lúc trên đỉnh cao của sự nghiệp đó, Terlinck bị rơi vào một ảo tưởng
thơ mộng về khả năng khởi sự một “cuộc đời thứ hai”, cái ảo tưởng đột khởi từ một
vụ việc đã khiến Terlinck phải giấu lòng ân hận - mà bà mẹ ông ta nhìn thấu:
“đang có điều gì đó hành hạ trong lòng con!” - cái ảo tưởng góp phần gây ra cú
ngoặt làm sững sờ tất thảy: Terlinck thản nhiên, hoàn toàn thờ ơ, từ bỏ tham vọng
và đấu trường chính trị, tỏ một thái độ tuân phục cứ như thể ông ta đang tuân
theo những chỉ dẫn chi tiết của định mệnh mình. Trước đây ông ta khiến tất cả,
không chỉ các đối thủ chính trị của mình, phải kinh sợ ngay cả khi không trực
tiếp đối mặt, là bởi những thể hiện lý tính của ông ta dường như quá hoàn toàn,
trong sự tỉnh táo lạnh lùng, với sức mạnh ý chí như thể thuộc về “Siêu nhân”. Vậy
nên, khi Joris Terlinck buông tay, một triều đại của lý tính đã sụp đổ ở
Furnes, nhường chỗ cho cái cơ cấu quản lý rất người của thỏa hiệp-đồng lõa-trục
lợi. Liệu có phải toàn là một ngẫu nhiên khi mà cuốn sách này được ấn hành năm
1939 - hai mươi năm sau khi kết thúc Thế chiến thứ nhất, cũng là năm khởi đầu
cho Thế chiến thứ hai cuộc chiến làm nốt cho xong sự sụp đổ của thời lý tính;
như một ứng báo lạ lùng với hai mươi năm trị vì của một Joris Terlinck ở
Furnes.
2.
Nhân vật
Terlinck trên cương vị Thị trưởng được cả thành phố gọi là Baas, tức Ông chủ,
có thói quen nhìn lên bức chân dung Van de Vliet - thị trưởng tiền nhiệm - treo
trong văn phòng của Baas ở tòa thị chính Furnes (và hay nháy mắt với bức chân
dung này) như thể để dò ý một cộng sự, hoặc chia sẻ một điều gì đấy mà các kẻ
khác đều không hiểu được. Tình tiết Terlinck đối thoại bằng ánh mắt, kiểu trò
chuyện vô ngôn, với bức chân dung Van de Vliet, xuất hiện ngay trong cảnh mở đầu
tiểu thuyết này, một cảnh vô cùng ấn tượng; rồi những tình tiết tương tự còn xuất
hiện nhiều lần qua suốt câu chuyện, cho đến tận vài cảnh cuối cùng.
“Bà cũng đã không được nghe bài diễn văn của
ông, bài cuối cùng. Mà có nghe thì bà cũng đâu hiểu nổi!
Ai đã hiểu?
Chỉ duy nhất một
người, có lẽ? Nhưng người ấy chỉ là một bức tranh: Van de Vliet!”
Đấy là kể
Terlinck nhớ đến buổi cuối ông ta còn đứng trước Hội đồng thành phố và đám đông
dân Furnes với tư cách thị trưởng của bọn họ, để phát biểu cái “bài diễn văn”
cuối cùng và đưa ra phán quyết cuối cùng, mà vô hiệu; và ông ta thấy rõ chẳng
ai hiểu mình, không hiểu ngay cả khi ông ta nói về tương lai gần của chính bọn
họ.
Một lần nữa
Baas nhận định cái tình trạng vô tri phổ biến đó.
“Người ta làm mọi điều mà không thực sự biết tại
sao, bởi vì người ta cứ tưởng mình phải
làm, thế rồi…”
Cái cách Simenon
hay bỏ lửng bằng dấu ba chấm (“…”) ở cuối câu hay cuối một mệnh đề, trong các
tiểu thuyết của ông, có được một hình ảnh điển hình ở Joris Terlinck vô ngôn
trò chuyện với bức chân dung Van de Vliet. Nhưng ở đây nhân vật Terlinck rõ
ràng đi xa hơn kiểu hàm ngụ “…” Động thái ông ta nhìn sang bức chân dung này,
hay nháy mắt với bức vẽ, hay đơn giản chỉ nghĩ đến, biểu thị sự phủ nhận hoàn
toàn đối với các cái đầu óc xung quanh ông ta; và nhưng không chỉ là vậy: nếu tất
cả bọn họ chỉ cứ làm là làm, không cần thực sự biết tại sao lại làm, chỉ là “cứ
tưởng mình phải làm,” thì con người duy lý đến tỉnh táo, là Terlinck, chỉ có
cách hoặc dắt mũi họ hoặc bỏ rơi họ, không màng việc giải thích hay tìm lấy bất
kỳ một đồng thuận nào ở cái đám đông quá đậm đặc tính người ấy.
Ông
ta nhìn vào bức chân dung này theo cái cách một nghệ sĩ sân khấu hay một nhà
ngoại giao lừng lẫy nhìn vào gương. Và chẳng ai có vẻ nhận ra điều này. Có vẻ
ai cũng bị ấn tượng rằng ông thị trưởng luôn luôn đi kèm với điếu xì gà, hạng
nhất, do xí nghiệp thuộc sở hữu của chính ông ta sản xuất, và với tiếng đóng mở
giòn đanh cái hộp đựng cái đót xì gà bằng hổ phách. Nhưng đó, rất đặc trưng, vẫn
luôn là những đám mây, giống như đám khói xì gà thơm, bao quanh Ông chủ. Cái thực
sự phản chiếu tinh thần của Terlinck là bức chân dung Van de Vliet.
Ông
chủ thường không đi đến cái chỗ mà các đầu óc thông thường vẫn trông đợi. Chẳng
hạn, khi từ chối một đề nghị nghe qua thì rất hợp lẽ xin thành phố dùng ngân quỹ
để tài trợ đào tạo cho một thanh niên được bảo là một hứa hẹn nhân tài vĩ cầm.
“Terlinck
thở dài, điệu bộ của một người đã quá chán, nhìn Van de Vliet như muốn nhờ ông
ta làm chứng cho mình.
…
…
-
Tôi chẳng nghe gì hết… Tất cả các ông ở Hội đồng thành phố đều có thói quen làm
từ thiện bằng tiền công quỹ. Ông đã hứa với ông giữ đồ thánh là sẽ chăm lo cho
thằng con của ông ta và thế là ông ta sẽ dành cho ông một sự biết ơn vĩnh cửu…
Tôi, Coomans ạ, tôi không làm từ thiện… Tôi tin nó chẳng được tích sự gì và nó
gây ra nhiều điều hại hơn là điều tốt… Nếu cứ khăng khăng, thì ông cứ trình bày
vụ việc nho nhỏ của ông trước Hội đồng lần tới và tôi sẽ bỏ phiếu chống…
-
Ông có biết, Terlinck, rằng ông là…
-
Tôi là mọi thứ gì mà ông muốn, ông Coomans, nhưng, chừng nào tôi còn cai quản
thành phố Furnes, thì tôi sẽ cai quản nó theo như tôi muốn… Tôi không tin vào
các món tài trợ. Tôi không tin những người cần được giúp đỡ… “
Thông
điệp, lần này như nhiều lần khác nữa, rõ rệt: tôi không tin các ông.
Trong
chuyện này thì Van de Vliet có thể làm chứng: ông ấy, khi làm thị trưởng của
Furnes, đã dốc hết gia tài để mở thêm đất lấn biển cho thành phố và lo cho người
nghèo, để rồi bị thất cử do chính những cư dân đã từng bầu ông ấy lên và thụ hưởng
những công trình ông ấy xây đắp, và để rồi ông ấy chết trong nghèo túng và bị
quên lãng rất lâu.
Cái
đám đông quá đậm tính người kia không thể chịu nổi nhiều thứ ở Terlinck, trong
đó có sự công chính không thể mua chuộc, sự tỉnh táo không khoan nhượng, ý thức
bổn phận - là những cái mà thực ra bọn họ chẳng trông đợi chút nào.
Bởi
thế bọn họ không hiểu Terlinck trông đợi cái gì. Nhưng ông Thị trưởng thì biết
rõ thứ mà mình trông đợi: sự không chắc chắn của con người.
Bức
chân dung Van de Vliet có hàm nghĩa đó trong tính biểu tượng của nó. Khi nhìn
sang người tiền nhiệm trong tranh, chẳng hạn như trong vụ từ chối Coomans vừa dẫn
ở trên, hay trong lúc nói những lời cuối trên tư cách Thị trưởng, dường như Terlinck
ngầm thốt với bức chân dung điều tương tự như Nietzsche từng thốt ra về những
thứ “lý tưởng”: ở chỗ các vị thấy là điều đáng phải làm, tôi thật chỉ thấy sự bất
hạnh quá người.
Tại
sao có thể cho rằng như thế? Là bởi từ một câu hỏi ngầm ẩn: tại sao nhân vật
Joris Terlinck lại gắn bó với một biểu tượng, khá bất ngờ, là bức chân dung Van
de Vliet - ông thánh được nhìn nhận muộn màng của thành phố Furnes? Ông Thị trưởng
Terlinck coi Hội Công giáo của Furnes là một đối thủ chính trị, vì hầu như toàn
bộ những nhân vật vị vọng của thành phố này đều thuộc Hội, đều theo phe cánh của
Léonard Van Hamme, chủ nhà máy bia của Furnes, đứng đầu Hội Công giáo, đối thủ
cá nhân trực tiếp và lâu dài của Baas. Bọn họ liên kết bởi quyền lợi riêng của
mỗi người - điều Terlinck đã nói thẳng với Coomans như ở đoạn vừa dẫn. Vậy cái
người dựa hẳn vào lý tính như Terlinck làm sao có thể cùng ôm một cây thánh giá
với những người kia. Nhưng, nhất là trong đơn độc, một người khó có thể không đặt
tinh thần của mình vào một rapport với
một biểu tượng, cái sẽ xác nhận sự đầy
về tinh thần của ông ta. Thêm nữa, trong câu chuyện này, Terlinck cứng rắn và tỉnh
táo lạnh lùng chỉ dịu dàng chăm sóc, nhẫn nhịn, hết lòng với Emilia, cô con gái
duy nhất của ông ta, bị tâm thần phân liệt, phải nhốt kín trong nhà: cô gái này
có mặt mà như không có mặt, xét ra không mấy khác một biểu tượng sống, cho nên
phải thấy rằng Terlinck chỉ gắn bó với những gì mang tính biểu tượng. Ngoài những
gắn bó kiểu ấy, Terlinck thường ném ra những cái nhìn khiến tất thảy e sợ, vì
không thể đoán định, không thể nắm bắt, cái kiểu nhìn “không giống như người ta
nhìn một con người, một đồng loại, mà như thể nhìn một thứ gì đó, bất kỳ thứ
gì, một bức tường hoặc một cơn mưa”.
Vậy
Terlinck nhìn vào bức chân dung Van de Vliet bằng cái nhìn vào chính mình, một
cái nhìn phản tư sắc bén đến độ không khoan nhượng chính mình. Thời khắc kịch
tính nhất trong câu chuyện đã cho thấy điều ấy.
“Terlinck
đi lên. Những người khác đi xuống. Cầu thang, như thể được đẽo vào đá, có một đoạn
gấp khúc. Như định mệnh, đúng lúc Terlinck tới chỗ ngoặt này, ông đối diện với
các cố vấn.
Điều
này chẳng có gì khác thường và thế nhưng có thể nhận thấy một quãng ngừng ở cả
hai bên. Có phải Terlinck, mà ánh mắt trông đăm đăm bất thường, gây ấn tượng mạnh
hơn so với thường lệ?
Người
ta vừa nhắc đến ông, về sự vắng mặt của ông, về hành xử mỗi lúc một thêm kỳ quặc
của ông. Và ông nặng nề đi lên cầu thang, đi qua mấy ông cố vấn đầu tiên mà
không chào họ, xuyên qua cả nhóm - chỉ toàn là những bộ quần áo màu đen - trong
lúc những cái bóng tản ra tránh đường.
Đột
nhiên, lúc chỉ còn phải đẩy cửa văn phòng của ông, ông dừng lại, ngoái đầu
nhìn.
Kempenaar,
đứng gần nhất, về sau thề là ông ta thấy môi ông thị trưởng run run. Vả lại,
người ta cảm thấy một khoảng thời gian rỗng, một sự do dự, người ta cảm thấy
các từ sắp đến, rằng vẫn còn kịp để giữ chúng lại.
-
Léonard Van Hamme!
Tất
cả mọi người quay đầu lại, một số ở cao hơn, một số ở thấp hơn bởi vì họ đang đứng
rải rác trên cầu thang. Ánh đèn khiến cho các khuôn mặt trở nên hồng hào trong
các bộ trang phục đen. Bộ râu của ông Coomans điểm chấm trắng tuyền duy nhất.
Họ
chờ đợi, Van Hamme phía trước, gần Meulebeck tay cầm cặp táp.
-
Léonard Van Hamme, Terlinck nhắc lại, giọng rõ nét như một viên mõ tòa, gằn từng
âm tiết, tôi vừa mua con gái ông!
Một
thoáng chốc, im lặng tuyệt đối, với bên dưới các vòm đá chỉ độc có những tiếng
vọng của giọng nói. Rồi Léonard Van Hamme định lao lên. Người ta giữ ông lại.
Người ta trở nên náo loạn.
Terlinck
không chạy trốn mà yên ả bước vào văn phòng rồi đóng cửa lại, bật công tắc đèn.
Ánh
mắt đầu tiên của ông hướng về phía Van de Vliet, dường như ông ta không hiểu.”
Đây
là lần duy nhất mà bức chân dung kia lắc đầu với ông Thị trưởng. Nhưng thế là đủ
cho thấy cái biểu tượng ấy không phải cái bóng của Terlinck. Nó là ông ta.
Nhưng nó ở bên kia, đúng nghĩa, ở về bên kia của tấm thân thực thể đẫm tính người.
Nó là tinh thần lý tính đã làm nên Baas. Nó “không hiểu”, tức là nó phê phán:
cái gì bỗng khiến ngươi thành ra người quá vậy?
Cái
nhìn thất vọng này đánh dấu nổi bật cái thực tại luận của Georges Simenon mà một
vài bình luận tán thưởng rằng do Simenon ưa thích phong cách văn chương thực tại
luận kiểu Pháp điển hình ở Balzac: mô tả con người như họ đang sống thực. Nhưng
ý ấy không thật đúng. Nếu văn chương này gợi nghĩ đến Balzac trong chừng mực
nào đấy, thì do một điểm chung ở các nhà văn đích thực: họ phơi lộ sự thật về
con người. Sự giống nhau ở đây nằm ở một nỗi thất vọng không che giấu.
3.
Và
cũng còn nằm ở cái nhìn khám phá: đem những chuyển động của nhân vật vào tầm ưu
tiên của quan sát. Các động dạng lề lối sinh hoạt của nhân vật thường được mô tả
cặn kẽ, trong những cận cảnh đầy ý tứ. Lối viết này, trước tiên hướng cái nhìn
vào sự chuyển động của nhân vật, gây cảm nhận về tính sân khấu.
Người
ta có thể quen nghĩ đến sân khấu với các ấn tượng từ ưu thế tràn ngập của thức
đối thoại, từ những diễn biến “hành động kịch”, “thắt nút, mở nút” hay “cao
trào”. Nhưng thực tế thì hiệu quả sân khấu được quyết định một cách căn bản từ
“nhất cử nhất động” của các nhân vật, là cái dẫn, một cách chắc chắn, đến những
biến chuyển mang kịch tính. Simenon đã làm như vậy với toàn bộ ưu thế văn
chương tiểu thuyết tuyệt luân của ông, với sự chú tâm diễn tả những quãng lặng.
Tiểu
thuyết này mở đầu như thể khai triển, trực tiếp, từng từ trong cái tên của nó -
ông Thị trưởng, trong Tòa thị chính thành phố Furnes.
“Phần
một
I
Năm
giờ kém hai phút. Joris Terlinck, ngẩng đầu nhìn cái đồng hồ bấm giờ lúc nào
ông cũng đặt trên bàn làm việc, còn vừa đủ thời gian.
Trước
tiên là thời gian để dùng bút chì đỏ gạch chân con số cuối cùng và khép lại tập
hồ sơ bọc ngoài bằng tờ giấy thô ghi: “Dự toán lắp đặt nước và nhìn chung là mọi
công việc liên quan đến hệ thống đường ống của bệnh viện Saint-Éloi mới.”
Sau
đó là thời gian đẩy ghế phô tơi của ông lùi lại một chút, rút điếu xì gà trong
túi áo, vặn nó để kiểm tra độ ẩm rồi cắt đầu bằng một món đồ xinh đẹp mạ kền lấy
ra từ túi áo gi-lê.
Bóng
tối đã buông, vì đang là cuối tháng Mười một. Phía trên đầu Joris Terlinck,
trong ca bi nê của thị trưởng thành phố Furnes, cả một vòng nến đã được thắp,
nhưng đó là nến điện, gắn những giọt sáp giả màu vàng.
Điếu
xì gà cháy đượm. Mọi điếu xì gà của Terlinck đều cháy rất đượm, bởi vì chính
ông là người sản xuất và ông tự dành cho mình thứ chất lượng đặc biệt. Thuốc lá
được châm lửa, đầu được làm ẩm và vo tròn thật kỹ, nhưng vẫn còn phải rút cái
đót xì gà bằng hổ phách từ chiếc hộp, lúc đóng lại nó tạo ra tiếng khô khốc rất
đặc trưng - người ta, ở Furnes này, nhận ra Terlinck có mặt nhờ âm thanh ấy!
Vậy
vẫn chưa phải tất cả. Hai phút chưa được dùng hết. Từ phô tơi, hơi ngoái đầu lại,
Terlinck nhìn thấy, qua khe ri đô nhung sẫm màu treo ở cửa sổ, quảng trường lớn
của Furnes, những ngôi nhà có đầu hồi lởm chởm của nó, nhà thờ Sainte-Walburge
và mười hai ngọn đèn khí đặt dọc vỉa hè. Ông biết rõ số lượng, bởi chính ông đã
cho lắp đặt chúng! Ngược lại, chẳng ai có thể khoe khoang biết chính xác số lượng
gạch lát quảng trường, hàng nghìn viên nhỏ không đều nhau, hình tròn, trông như
thể được một họa sĩ nguyên thủy vẽ thật cẩn thận, từng cái một.
Trên
tất tật những thứ ấy, một làn hơi nước đọng, trắng nhờ, quanh các cột đèn; dưới
đất, mặc dù trời không mưa, là một dạng véc ni, lớp sơn tạo nên từ bùn đen thủi
làm nổi bật những dấu bánh xe kéo.
Chỉ
còn nửa phút nữa thôi. Đám mây khói bốc lên quanh Terlinck. Xuyên qua đó, ông
trông thấy, bên trên lò sưởi khổng lồ, bức chân dung lừng danh vẽ Van de Vliet
trong bộ com lê ngoạn mục, ống tay phồng, ruy băng kết nơ và mũ cắm lông.
Chẳng
phải Joris Terlinck nháy mắt với người tiền nhiệm của ông? Hay ông chỉ đơn giản
chớp mắt vì dặm khói?
Lúc
đó lẽ ra ông đã có thể, từ chỗ của mình, đoán trước rằng một chuyển động của hệ
thống đồng hồ đang bắt đầu, đang khởi sự, trước tiên phía bên trên ông, trong
tháp của Tòa Thị Chính nơi chiếc đồng hồ với âm thanh trang trọng sắp điểm năm
hồi; rồi, với độ lệch một phần mười giây, trên đỉnh tháp chuông từ đó phát ra
tràng nhạc chuông.
Thế
là ông nhìn, ở đầu bên kia của ca bi nê rộng mênh mông, cánh cửa lẫn vào lớp phủ
tường chạm trổ. Ông đợi tiếng gõ cửa khe khẽ, tiếng ho húng hắng, và cất tiếng:
-
Vào đi, ông Kempenaar!
Lẽ
ra ông đã có thể nói Kempenaar trống không, bởi vì đó là thư ký của tòa thị
chính, tức thuộc cấp của ông. Thế nhưng, chẳng bao giờ ông gọi bất kỳ ai là
“ông”, nếu không phải là Kempenaar, và ông làm vậy theo cách thức như thể muốn
đè nát con người đó.
-
Xin chào, Baas!
Người
ta gọi ông là Baas, nghĩa là Ông Chủ, không chỉ ở nhà ông, không chỉ tại nhà
máy sản xuất xì gà của ông, mà cả ở Tòa Thị Chính, tại quán cà phê, và luôn cả
ngoài phố nữa.
…
Từ
giữa quảng trường lớn người ta có thể nhìn thấy họ rất rõ, Terlinck ngồi giữa
đám khói, người kia đứng cách vài mét, tập hồ sơ cầm trên tay, và bất kỳ ai ở
Furnes cũng biết rằng đó là ông thị trưởng cùng viên thư ký, ai cũng biết rằng
viên thư ký đang phải trải qua thời khắc tệ hại.”
Đó
chẳng phải một cảnh sân khấu gần như hoàn hảo hay sao! Khán giả là những thị
dân, ở quanh đấy hay là bất kỳ ai đứng trên cái quảng trường thành phố ấy - nơi
hàng ghế đầu của cái khán phòng lớn này, có tên là Furnes. Ông Thị trưởng
Terlinck, Baas, Ông Chủ, hoàn toàn ý thức vai diễn của ông ta - mà không phải,
tất nhiên, như một vai đóng trò, nhưng là vai của bổn phận khớp với tính cách,
tham vọng, các năng lực và sự thực hiện các năng lực đó trong quá khứ, trong hiện
tại này, trong cái tương lai thấy được: mười hai cột đèn đường thắp bằng khí đốt
, bản dự án xây bệnh viện Saint-Éloi mới mà Baas vừa gấp lại. Động dạng của
Baas: hơi ngoái đầu nhìn, qua khe ri đô, ra quảng trường, ra thành phố trong tầm
nhìn, rồi lại nháy mắt với bức chân dung người tiền nhiệm của ông ta Van de
Vliet, tất cả hầu như để phô diễn cái ý thức ấy. Cũng như thế, cái cử động ngẩng
nhìn vào chiếc đồng hồ bấm giờ trên mặt bàn làm việc và cái lối thong thả-chậm
trơn tru châm điếu xì gà như một nghi thức đưa tất cả những chuyển động thường
nhật này vào một thời độ của vĩnh hằng. Nó khiến cho cái trật tự của tiếng điểm
giờ của đồng hồ trên tháp tòa Thị chính, sau đó trên tháp chuông nhà thờ, tức
toàn thể thời gian của thành phố, trở nên là trật tự theo sắp xếp của ông ta,
người đã dành hai phút cuối một ngày làm việc để ra nốt cái mệnh lệnh đó. Toàn
bộ những chuyển động ấy, trong im lặng, hùng hồn một cách tự nhiên, thể hiện
Ông Chủ đang ở đỉnh cao quyền lực của mình. Chính vì thế, từ động thái nghiệt
ngã của Baas nhắm vào “ông Kempenaar” mà toàn bộ một sự căng thẳng đã lập tức
trỗi dậy; toàn bộ đoạn mở đầu đã lập tức gợi lên một kiểu chờ đợi biến cố. Một
con người ở đỉnh cao thì chỉ có thể đi xuống. Một màn kịch ngày nào cũng lặp lại:
“bất
kỳ ai ở Furnes cũng biết rằng đó là ông thị trưởng cùng viên thư ký, ai cũng biết
rằng viên thư ký đang phải trải qua thời khắc tệ hại”
thì
tức là nó đang ăn hết quỹ thời gian dành cho nó.
Chi
tiết mở truyện, Joris Terlinck xem đồng hồ - “Năm giờ kém hai phút …” - bởi thế,
đã ngay lập tức có một kích thước ẩn dụ.
Nhưng
kịch, và sân khấu, dẫu thế nào đi nữa chẳng phải cũng là một trình hiện của ảo
tưởng hay sao? Khi vở này hạ màn - bởi chính tay Ông chủ - thì hai mươi năm
chính trường rốt cuộc là một ảo tưởng quá con người:
“Ông
đã sống một cuộc đời, giống như mọi người khác.
Chẳng
phải ông từng có cơ hội, dẫu đã già như ông, sống một cuộc đời thứ hai?”
Dòng
lạc khoản cuối sách ghi:
“Nieul-sur-Mer,
ngày 29 tháng Chạp năm 1938”
Kiệt tác của Simenon
Simenon tiếp tục trở lại
"Tiết lộ hoàn hảo" (Nguyễn Chí Hoan, Sự thật về Bébé Donge)
"Kẻ không tham chiến"
Simenon trở lại
Bác phải thông báo qua loa sự kiện đặc biệt nhân sinh nhật Emile Ajar chứ?
ReplyDeletengay đầu post trước có đường link rồi đấy còn gì nữa
ReplyDeleteMột câu trả lời hay cho cả 2 câu hỏi văn chương là gì và đọc văn chương để làm gì?
ReplyDelete