Nov 4, 2019

Phan Huy Đường

Phan Huy Đường là một quy chiếu.

Nhà Phan Huy Đường (ở Antony) tôi chưa bao giờ đến. Không thể nói giữa Phan Huy Đường và tôi có mối liên hệ gì đặc biệt. Ngay ở lần đầu tiên gặp, tôi đã biết là tôi quá caustique đối với mọi sartrien trên đời. Một thời gian sau, tôi quen một nhân vật trẻ tuổi, tôi giới thiệu luôn với Phan Huy Đường - tôi cũng không biết Phan Huy Đường có tìm thấy ở nhân vật ấy những gì đã không thấy ở tôi hay không. Rất hy vọng là có.

Ba câu chuyện mà chắc hẳn Phan Huy Đường kể nhiều lần, với nhiều người: hồi còn trẻ, Phan Huy Đường từng vẫy xe đi nhờ để đi từ Paris sang Stockholm, khi phiên tòa Bertrand Russell mở. Phan Huy Đường từng gửi truyện của mình cho Simone de Beauvoir đọc và nhận được hồi âm (tôi kiểm tra: Un amour métèque in sau khi Beauvoir đã qua đời, như vậy Phan Huy Đường đã gửi bản thảo, hay một tác phẩm khác?) Khi một cuốn sách của Jacques Derrida mới in - chắc hẳn Spectres de Marx - Phan Huy Đường viết một bài phản đối, gửi đến, và người ta định tổ chức cho Derrida và Phan Huy Đường gặp nhau để tranh luận, nhưng dự định ấy - cũng như nhiều thứ trên đời - đã rơi vào cảnh tomber à l'eau.

Tất nhiên, tôi từng gặp Phan Huy Đường nhiều lần, nhưng về cơ bản chúng tôi chỉ có một ngày (suốt một ngày) duy nhất, vào mùa thu năm 2002, thực sự tête-à-tête. Đi bộ qua chỗ nào đó gần quảng trường Maubert-Mutualité, tôi muốn vào một tiệm Tabac để mua thuốc lá; Phan Huy Đường, chừng như đã bỏ thuốc từ lâu, thấy vậy thì nói, "Hút thuốc à, vậy thì hút, sợ gì", và mua một bao cho mình. Đó là Les Gauloises.

Nghịch lý của Phan Huy Đường nằm ở chỗ: những gì Phan Huy Đường viết (rất nhiều) không sánh được với suy nghĩ của Phan Huy Đường, chúng kém xa những gì chúng lẽ ra phải: dường như đó là thế (tôi còn nhớ, Phan Huy Đường muốn gọi "situation" như vậy, trong tiếng Việt - tất nhiên đó là khi câu chuyện động chạm tới bộ Situations của Sartre) của một "triển hạn lớn nhưng để ngỏ sự hiện thực hóa" - điều này hoàn toàn khác so với "thế" của không hoàn thành. Cuốn sách Penser librement, mà Phan Huy Đường tặng tôi ngay khi vừa gặp, dở đến đáng kinh ngạc. Về sau, nó có bản dịch tiếng Việt, tôi cũng có nhưng chưa bao giờ mở ra xem.

Tôi không bao giờ nghĩ tự do là cái gì đó giống như trong hệ thống sartrien, tức là "tự do-trách nhiệm", thậm chí tôi còn thấy đó chính xác là ngược lại của tự do, hoặc nói đúng hơn, đó là fantasme về tự do của thế giới bourgeois. Dẫu thế nào, Sartre có thể thực hiện đúng "authenticité", nhưng đó là authenticité của bourgeoisie, Sartre là một bourgeois, một homme bon, một ảo tưởng. Tất nhiên, Phan Huy Đường - trong những lúc chúng tôi nói chuyện - mặc xác tôi với những suy nghĩ ấy. Tôi cũng không tìm cách thuyết phục: lý trí có thể bó buộc, chứ không thể thuyết phục (giống như trong hệ thống của - của ai nhỉ, Spinoza hay Leibniz?) Một lần, tôi buột miệng nói đùa, philo của Kierkegaard, lộn ngược lại là thành ra philo của Hegel. Nói xong thì tôi hối hận ngay tức thì, vì điều tôi nói, Phan Huy Đường nghĩ là nghiêm túc, và có vẻ thực sự suy nghĩ về nó - mọi thứ gì động chạm đến Hegel hay Marx, đối với Phan Huy Đường, đều hết sức sérieux. Biết làm sao, đôi khi trong các mối quan hệ con người, không thể nào tìm ra nổi một ngôn ngữ chung.

Ý định của tôi không hề bao gồm việc nói (hay ám chỉ), như vậy, rằng Phan Huy Đường không biết hài hước. Hoàn toàn không phải thế, vì nếu không có năng lực về humour, chắc chắn người ta chẳng thể nào có một cuộc sống tinh thần đúng với tên gọi của cụm từ ấy - mà một cuộc sống tinh thần thì chắc chắn Phan Huy Đường có, một cách dồi dào. Đó cũng là một con người không chọn dễ, tức là không chọn trở thành giáo sư đại học: trong một số hoàn cảnh (hoặc thế), cái trông như là khó lại đích xác là dễ. Quá dễ. Đường hiểm, chỉ đường hiểm mới có ý nghĩa. Tuy Phan Huy Đường chắc chắn không gần gũi với Nietzsche, nhưng điều đó (con đường riêng) thì Phan Huy Đường đã thực hiện một cách hết sức tự nhiên.

Với tất cả những gì tôi biết về Phan Huy Đường (không nhiều), tôi nghĩ tôi có thể nói đó là một con người đã sống cuộc đời một cách hết sức nghiêm túc. Để nghiêm túc được, cần rất nhiều hài hước. Chúng tôi, Phan Huy Đường và tôi, không nói chuyện với nhau trong vòng khoảng mười lăm năm, cho đến một ngày, cách đây vài năm (ba hoặc bốn), khi bắt đầu viết một tiểu luận về Nỗi buồn chiến tranh (mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa viết xong), bỗng tôi thấy muốn đọc bản dịch tiếng Pháp Le Chagrin de la guerre. Đó là thời điểm tôi phát hiện một texte tuyệt đẹp, rất không ngờ. Tôi đã viết email cho Phan Huy Đường để nói điều đó. Phan Huy Đường reply, cảm ơn tôi. Chỉ có vậy.

Phan Huy Đường là một quy chiếu. Về sau này, rất nhiều người sẽ tưởng, những tác phẩm văn chương Việt Nam dịch ra tiếng Pháp có công lao to lớn của một loạt me Tây. Nhưng điều đó sai, các me Tây thậm chí còn làm hỏng đi công trình tuyệt đẹp của Phan Huy Đường. Nhưng có sao đâu, cái gì là réalité thì vẫn cứ (rationnel hả? hay raisonnable? - không) là réalité. On ira tous au paradis? Non, à la réalité.

1 comment:

  1. Quy chiếu đến mọi sartrien hay rộng hơn?

    ReplyDelete