tiếp tục câu chuyện Kierkegaard
(cũng đã bắt đầu vào khúc bốn của Maldoror)
Lật tung đống sách Kierkegaard (bởi vì, đây là một trong những ca lớn của sự hypergraphie, của một sự viết khổng lồ, không thể tưởng tượng; giai đoạn ấy, Kierkegaard chỉ là một trong số những người tương tự, những người sản xuất vô biên trang giấy viết: mấy người mà chúng ta đã quen, Chateaubriand, Balzac hay người mới bắt đầu làm quen, Leopardi - cái ngoặc đơn này dài quá nên phải tách ra, xuống dưới -
[tiếp tục ngoặc đơn trên đây] trong thế kỷ 20, từ phía tiếng Pháp và tiếng Anh có hai cuộc trường chinh đối với tác phẩm Kierkegaard: bố con [con gái] Tisseau mất rất nhiều chục năm mới dịch xong Kierkegaard sang tiếng Pháp; tương tự, là vợ chồng Hong trong tiếng Anh - ba nhân vật, người con gái nhà Tisseau và vợ chồng Hong, đều qua đời cách đây chưa lâu) bỗng có một chỗ, Kierkegaard bàn về cái dấu gạch (tức là dấu "-").
Tức là, tuy thuộc về phía của hypergraphie, nhưng đồng thời Kierkegaard lại cũng thuộc về phía của dấu chấm, dấu phẩy, dấu ngoặc đơn, ngoặc kép, etc. - tức là, giống như Cioran (Cioran: cần phải tưởng tượng ra một vũ trụ có thể bị sụp đổ vì một dấu phẩy đặt sai chỗ). Nói tóm lại - thêm một lần nữa - một biên độ vô cùng rộng.
Tôi nhớ, cách đây đã lâu, từng có lúc tôi nói đến cái dấu gạch ấy - nó ở đâu ấy nhỉ?
Nhưng cái dấu gạch, trong mọi thứ tiếng - kể cả tiếng Việt - là cả một câu chuyện.
(tức là - đây sẽ là tiếp tục câu chuyện đã bắt đầu ởkia)
(đã tìm ra một chỗ nói đến dấu gạch [trong thơ]: ởkia; nhưng mãi mà tôi chưa tìm lại được một chỗ nữa, cũng nói về dấu gạch, lần này là gạch không space)
Dường như, cái dấu gạch được rất nhiều ngôn ngữ trông đợi cho một chức năng: củng cố, tạo thêm sức cố kết, nói tóm lại là giảm bớt đi sự lỏng lẻo. Điều đó gợi ý rằng, ngôn ngữ nào cũng từng có, trong quá khứ của nó, thời kỳ lắm lúc kéo rất dài của sự thiếu chắc chắn: chính vì thế cần phải neo các từ lại với nhau, vì dường như từ này lại thấy từ kia xa lạ, nói tóm lại là các từ cũng không coi nhau như đồng loại, thậm chí không đồng hạng. Cần phải gia cố chúng thì mới tạo thành các cụm được. Làm cho các từ bớt kiêu ngạo đi. Các từ cũng phải học cách sống trong xã hội (của các từ).
Giống như là những người đi còn chưa vững, cần phải dùng nạng: dấu gạch nối giống như vậy. Trong tiếng Pháp, mãi đến cách đây vài thế kỷ, chẳng hạn các tính từ hoặc tính từ đi kèm với "très" đều phải có gạch nối: "très-bien", "très-probablement" etc. Điều này càng rõ hơn ở các thứ tiếng như tiếng Việt: suốt nhiều chục năm, người ta thấy (lương tri ngôn ngữ thấy) rằng cần phải viết "từ ghép" kèm dấu gạch: "thiên-nhiên", "bồi-hồi" etc. etc. (Kierkegaard, ngoài dấu gạch [ngang] cũng dùng đặc biệt nhiều "etc.").
Giống những cái nạng? nhưng đúng hơn, giống như niềng răng: các dentist (orthodontist thì đúng hơn, bởi vì có hai loại người hay sờ vào răng của chúng ta) thấy cần chỉnh lại một hàm răng xô lệch thì sẽ đè người ta ra niềng lại (hãy thử làm một số thứ với một đối tượng đang niềng răng: bất ngờ phết đấy).
Dấu gạch nối niềng các hàng (hàm) chữ lại. Cho đến lúc nào không cần nữa (đã hết xô lệch, các cá thể đã quen sống chung với nhau một cách thẳng thớm) thì cái dấu ấy biến mất. Giống như chỉ tự tiêu dùng trong y khoa. Tiến hóa của tiếng Việt có dấu ấn (vật chất) rất lớn là sự mất hút của dấu gạch.
(còn nữa)
Trong lúc đọc Kierkegaard (3) về Andersen
Trong lúc đọc Kierkegaard (2) Diapsalmata
Trong lúc đọc Kierkegaard (1)
Trong lúc đọc Hermann Broch (2)
Trong lúc đọc Hermann Broch (1)
Trong lúc đọc Lévy-Bruhl (1)
Trong lúc đọc Lukács (5) Lukács và Bakhtin
Trong lúc đọc Lukács (4) Balzac (Lukács đọc Hết ảo tưởng)
Trong lúc đọc Lukács (3) văn chương Đức
Trong lúc đọc Lukács (2)
Trong lúc đọc Lukács (1)
Trong lúc đọc Valéry (3)
Trong lúc đọc Valéry (2) Teste
Trong lúc đọc Valéry (1)
cái tiếng Việt "quỷ quái tinh ma" này cứ đem dấu gạch để khơi khơi vào các đống gạch, bà con cô bác xây nhà mà dùng gạch nên cẩn thận.
ReplyDelete