Feb 12, 2020

Corona

"Es ist Zeit."

(Paul Celan)


Nhìn thấy cái tên "Coronavirus" một người thích uống bia sẽ nghĩ đến gì thì ai cũng biết, còn độc giả của thơ (xét cho cùng cũng là người uống bia, nhưng là loại bia khác, rất có thể là bia do phù thủy làm ra: trong những câu chuyện của Andersen, những khi đầm lầy sương phủ nhiều các bà phù thủy sẽ nấu bia) rất có thể nghĩ đến Paul Celan.

Cũng giống Carnap, Celan qua đời năm 1970. Tôi công nhận, nhìn vào năm 1970 từ khía cạnh ấy (những người qua đời cách đây đúng 50 năm) thì đúng là cũng hơi morbid.

Đọc Ingeborg Bachmann, nhất là những bài thơ, có thể thấy mối quan hệ (một quan hệ lớn) - mà chưa cần đọc thư từ giữa họ - giữa Bachmann và Paul Celan. Thơ của Bachmann và thơ của Celan là một cuộc hồi ứng của tinh thần. Hoàn toàn có thể hiểu, Paul Celan chính là người đưa Ingeborg Bachmann vào thơ. Một nghi lễ, một sự khai trí, một phong cảnh, một sự đi vào (nhưng lại cũng chính là đi ra). Paul Celan cũng là người đưa thơ đi vào (và cũng đi ra) thế giới.

"Es ist Zeit.", câu kết thúc một bài thơ của Paul Celan, tất nhiên trước hết khiến người ta nghĩ đến Rilke, nhưng đó cũng là một mệnh đề tương đương với "Es muss sein" (Beethoven).

Bài thơ ấy có tên "Corona", câu mở đầu như sau:

"Aus der Hand frißt der Herbst mir sein Blatt: wir sind Freunde."

Có mùa thu, mùa thu ăn cái lá (của nó) "từ trên tay tôi" và có cụm từ "chúng tôi là bạn".

Vài câu sau, bài thơ mang lại cơn rùng mình đích thực đầu tiên:

"Im Spiegel ist Sonntag,
im Traum wird geschlafen,
der Mund redet wahr."

Trong gương là Chủ nhật, ngủ thì ở trong giấc mơ, và nhất là, "miệng nói sự thật".

Ở trên đã nói đến Rilke, nhưng chắc hẳn nhà thơ mà Paul Celan thấy mình gần gũi hơn nhiều là Georg Trakl. Tôi từng nhắc đến Trakl ở đâu đó, giờ không còn nhớ. Từ thế giới thơ của Georg Trakl, một trong những hình ảnh tôi còn nhớ nhất là hình ảnh một thiếu nữ nông dân nằm ngủ trên đống cỏ, cái miệng trông như vết thương trên khuôn mặt. Rời khỏi vùng đất quê hương, họ hàng thân thích đều đã bị nazi sát hại, Paul Celan sẽ đến một nghĩa địa để thăm mộ Trakl. Celan ghé thành phố Wien một thời gian không dài (và gặp Ingeborg Bachmann ở đây), trước khi đi sang Paris - và cũng có sự xuất hiện (một xuất hiện lớn) tại một cuộc gặp định kỳ của Groupe 47 danh tiếng (Celan, Bachmann cùng Ilse Aichinger). Tại Paris, Cioran sẽ giúp Celan tìm được chỗ làm: dạy tiếng Đức và văn chương Đức ở trường École Normale Sup; giờ đây, một trong những phòng học của ENS mang tên Paul Celan.

Miệng thì được dùng để nói sự thật. Nhưng rất thường xuyên, miệng của con người chỉ được sử dụng để nói dối - ít nhất là lệch khỏi sự thật.

"Mein Aug steigt hinab zum Geschlecht der Geliebten:
wir sehen uns an,
wir sagen uns Dunkles,
wir lieben einander wie Mohn und Gedächtnis,
wir schlafen wie Wein in den Muscheln,
wie das Meer im Blutstrahl des Mondes."

Ở câu thứ tư từ trên xuống có cụm từ "Mohn und Gedächtnis" mà bất kỳ độc giả nào của Paul Celan cũng biết.

Trong đoạn thơ vừa xong, "Mắt tôi nhìn xuống bộ phận sinh dục của người yêu tôi", "chúng tôi nói với nhau những điều tăm tối", rồi ngay lập tức chúng ta chuyển sang cơn chấn động lớn nhất - những câu thơ ngay trước câu kết bài, tức là "Es ist Zeit":

"Wir stehen umschlungen im Fenster, sie sehen uns zu von der Straße:
es ist Zeit, daß man weiß!
Es ist Zeit, daß der Stein sich zu blühen bequemt,
daß der Unrast ein Herz schlägt.
Es ist Zeit, daß es Zeit wird."

Đã đến (đó là) thời gian (lúc) để thời gian trở thành thời gian. Nhưng "Fenster" ở đây không hề ở trong trường ngữ nghĩa (cũng như trường từ tính) của những cửa sổ Rilke: những cửa sổ này không biểu nghĩa sự rung động, mà là sự phơi bày: hai người yêu choàng tay ôm nhau đứng bên cửa sổ, người ngoài đường nhìn thấy họ. Những cửa sổ cũng bị biến dạng theo biến dạng của thế giới: những "Windows" kiểu Bill Gates và các "Walls" kiểu Mark Zuckerberg.

"Nhưng đến lúc con người phải biết thôi", đã đến lúc. Không tránh được nữa.

Bài thơ biểu đạt mạnh nhất khi nó làm được một điều: tránh biểu đạt. Bài thơ nói bằng từ ngữ? tất nhiên, nhưng nó nói nhiều nhất bằng hình đồ của từ ngữ, hay nói cách khác, nó nói bằng sự không nói, những gì tắt đi được thì sẽ nói. Nhưng không chỉ ngôn ngữ mới có ý nghĩa trong bài thơ: bài thơ không chỉ nói bằng từ, mà nó còn nói bằng nhịp (về "nhịp của thơ", xem ởkia). Bằng nhịp, bài thơ dịch chuyển (chỉ có chuyển động đúng nghĩa trong nhịp, chứ không phải trong những thứ như tốc độ etc.). Sự dịch chuyển ấy có thể đi vào rất nhiều vùng, trong số đó có một vùng nho nhỏ mà người ta gọi là tiên tri. Tiên tri đâu phải nói trước, mà nó nói đúng lúc, và đến lúc.

8 comments:

  1. So với Corona Paul Celan thì Corona virus chẳng có gì nguy hiểm, đáng sợ hết

    ReplyDelete
  2. khi nói ra, thì đã đến lúc

    ReplyDelete
  3. Sao không dịch ra? Chép thế sao mà hiểu thơ nói gì?

    ReplyDelete
  4. làm thế để chờ có đứa vào hoạnh hoẹ như thế này, chứ sao nữa

    ReplyDelete
  5. Những cửa sổ cũng bị biến dạng theo biến dạng của thế giới: những "Windows" kiểu Bill Gates và các "Walls" kiểu Mark Zuckerberg.- chắc chỉ có Mathusalem mới nhìn ra, và cũng chỉ “sống” lâu như cụ í mới phát hiện ra “những gì tắt đi được thì sẽ nói”

    Ta chào mi, đại dương già nua!

    ReplyDelete
  6. es est Zeit kìa

    ReplyDelete
  7. "es musst sein, es ist Zeit" - it's only now that I see this. it's only now that I see it

    phải tự mình nhận ra số phận thì lời tiên tri mới hiện ra - l'indicible. what is is beneath transparency

    đi vào lại chính là đi ra. thoát ra lại chính là nghiêm ngặt ở trong. và chờ đợi, và cúi đầu, và cầu nguyện

    ReplyDelete